CÚNG SAO GIẢI HẠN
Thích Nhật Từ
Vấn đáp: Văn hóa cúng sao giải hạn | Thích Nhật Từ Published on Jan 18, 2016
“Đạo Phật coi dâng sao giải hạn là mê tín”
Những ngày đầu năm, hình ảnh hàng ngàn người dân ngồi la liệt, tràn ra lòng đường, chắp tay vái vọng vào trong một ngôi chùa ở Hà Nội để dâng sớ cúng giải hạn sao đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của dư luận.
Trao đổi với PV, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Giác Ngộ cho biết, nguồn gốc của cúng dâng sao giải hạn dịp đầu năm là một tập tục xuất phát từ Trung Hoa gắn kết với đạo Nho, đạo Lão và đây được coi là điều cấm kỵ trong đạo Phật.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, người Trung Hoa quan niệm, vận hạn của con người được quản lý bởi 28 vì sao chiếu mạng và các sao này thực tế là những hành tinh gắn kết với hệ mặt trời mà chúng ta đang sống, hoặc là các hệ mặt trời bên ngoài
Từ quan niệm như vậy, dẫn đến tình trạng phải cung kính, cầu mong các thần sao gia hộ, ngăn họa, ban phúc vào mỗi dịp đầu năm.
“Phật giáo coi việc dâng sao giải hạn này là mê tín. Bởi, người ta cứ nghĩ rằng có một lực lượng siêu nhiên, các chòm sao quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người, cho nên để tạo tâm lý trấn an người ta làm hài lòng các thần linh đó bằng cách cung kính.
Tuy nhiên, quan điểm của Phật giáo khẳng định, điều này không giải quyết được vấn đề. Khi con người muốn chuyển họa phải gieo nhân tích đức, làm các việc nhân văn, nhân đạo có giá trị tương đương hoặc lớn hơn những hành vi xấu trong quá khứ.
Khi làm được nhiều việc phúc lành thì những họa cũ sẽ tan biến còn bản thân việc cúng sao không có giá trị gì mà chỉ giúp con người chìm sâu thêm vào mê tín, sợ hãi”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nêu rõ.
Vị Thượng tọa này nhấn mạnh, số phận của con người có thất bại hay thành công, hạnh phúc hay khổ đau đều do lối sống, hành vi sống, nghề nghiệp sống của chính mình mà ra.
Do đó, tốt nhất mình sống hãy tôn trọng luật pháp, đạo đức, phát triển lương tâm thì không có sợ gì mà phải đi cầu khẩn các lực lượng thánh thần để trấn an tâm lý. Sống tốt và làm việc nghĩa, việc tốt thì tâm mình sẽ an, các ước mơ sẽ thành hiện thực.
“Đức Phật đã từng cảnh báo, nếu chỉ có cầu nguyện mà không nỗ lực thực hành thì sẽ rơi vào tình trạng cầu bất đắc khổ. Tức là nỗi khổ do thất vọng, bởi những điều cầu nguyện không thành”, Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ.
Bài đọc thêm:
Khảo sát về tín niệm cúng sao giải hạn trong đại tạng kinh đại chính tân tu (Chúc Phú)
Cúng Sao Giải Hạn (Bút ký của Hoàng Liên Tâm đi chùa đầu năm)
Cúng Sao Giải Hạn Một Thói Quen Cần Thay Đổi (Thích Lệ Nhật)
Discussion about this post