CON BÉ ĐIỆU Ở CHÙA
Giác Minh Luật
Ngày nào bé Điệu cũng về chùa chơi và ở lại luôn tới chiều tối mới về nhà. Điệu bảo là Điệu thích ở chùa hơn ở nhà, ở chùa Điệu thấy bình an hơn, thích hơn và được gần gũi các sư hơn, Điệu thấy sư nào cũng hiền lành, dễ thương, dễ mến, nhưng cũng có vài sư khó tính và thường tỏ ra nghiêm nghị nên đôi lúc cũng làm Điệu sợ, rụt rè và hổng dám lại gần kẻo bị rầy.
Điệu hổng thích ở chung với ba mẹ, Điệu giận ba mẹ lắm, vì ba mẹ là vợ chồng với nhau mà cứ lúc nào cũng cãi nhau, làm khổ nhau và dùng những từ ngữ thô tục để hạ bệ nhau, Điệu buồn lắm, Điệu khóc nữa, khóc một mình rồi Điệu bỏ nhà ra đi, vừa đi vừa khóc như trong phim vậy, Điệu hổng biết đi đâu, nên Điệu về chùa chơi với các sư vui hơn, thích hơn.
Cứ mặc cho ba mẹ ở nhà muốn làm gì thì làm Điệu nói thầm trong bụng như vậy đó, Điệu giận ba mẹ, giận luôn cả mấy bộ đồ mà ba mẹ mặc trên người nên trời có mưa Điệu cũng chẳng thèm lấy vô làm gì, cho nó ướt nhẹp luôn – kệ.
Mấy tháng nay, Điệu chỉ quanh quẩn chơi với mấy sư cũ thôi! Tự nhiên ở đâu ra Điệu thấy có mấy sư mới về, nghe mấy cô Phật tử ở nhà bếp nói lại là mấy sư đi học ở Sài-gòn, đi học ở nước ngoài nữa, nghe đâu xa lắm tận bên Siêm lận, mỗi lần có dịp lễ – tết mới về chùa một lần rồi đi lại tiếp. Nghe vậy thôi! Sài-gòn thì Điệu biết vì Điệu có thường nghe một vài người lớn kể về nó, còn Siêm là ở đâu, chắc là xa lắm, phải đi máy bay mới tới – Điệu nghĩ vậy. Thôi kệ, có gì Điệu sẽ hỏi mấy sư sau.
Điệu mừng lắm, mà hổng biết mừng cái gì, tự nhiên Điệu thấy mừng vì được gặp mặt mấy sư mới, vừa thích, vừa hồi hộp nữa. Điệu đưa mắt hóng nhìn từ trên lầu nhìn xuống thấy có một vài sư từ bên ngoài cổng tiến vào, trên vai còn mang ba-lô, tay thì xách đủ thứ đồ từ Sài-gòn mang về để làm quà cho mấy Chú tiểu và Phật tử gì đó.
Điệu vui quá chừng quá đỗi, vì mấy sư mới này nhìn ai cũng trắng trẻo, hồng hào và ra vẻ tri thức vô cùng, còn mấy sư cũ thì ở chùa lo xây dựng, làm việc nhiều nên đen đúa và hổng được trắng trẻo ưa nhìn.
Có ai mà như Điệu không, chưa gì mà đã muốn quên luôn mấy sư cũ rồi, con bé Điệu này kỳ cục quá.
Điệu hổng dám lại gần mấy sư mới, vì Điệu thấy ngại và sợ nữa, mà hổng biết sợ cái gì, tự nhiên thấy sợ thôi! Sợ mấy sư khó tính, nghiêm khắc và làm khuôn mặt hình sự với Điệu thì nguy, chắc lúc đó Điệu quê lắm. Nhưng không sao đâu, mấy sư mới cũng như mấy sư cũ, ai cũng hiền lành hết, hiền là bản chất của người tu mà chứ tự nhiên dữ lên một cái là nhìn kỳ cục, khó coi lắm – xấu lắm.
Điệu cũng nghĩ vậy, nhưng Điệu cũng vẫn còn hơi ngại, Ôi! Cô ba này nhút nhát quá, mới có học lớp 5 thôi mà suy nghĩ như bà già, làm cái gì cũng đắn đo cẩn trọng và dè dặt. Ai biểu, cô ba Điệu sanh ra trong một gia đình mà ba mẹ hổng có hạnh phúc chi, ba thì đi nhậu cả ngày, còn mẹ thì đi “xoè quạt” cả đêm, gặp nhau thì cứ ông thế này – bà thế kia, ông cũng không có vừa – bà cũng không có vừa, nên không ai vừa cả, rồi cứ thế mà phang nhau những ngôn từ ngắn gọn – xúc tích – dễ hiểu để gây tổn thương cho nhau hoài là vậy.
Điệu rành đời lắm, rành đến nỗi mà Điệu có thể nhìn người ta là đoán được tính cách luôn rồi, ai mà Điệu nhìn thấy dễ mến, dễ chơi thì Điệu mới lại gần tiếp chuyện, còn không là Điệu cũng tỏ vẻ chị đại, hỏi mới nói còn không là đừng hồng chị ba lên tiếng hay làm quen.
Hôm bữa, Điệu giành nhau cái chổi quét sân chùa với thằng Năm con bà Hồng ở xóm trên, cái thằng đó nó mạnh quá Điệu giành không lại nên giận quá hổng kiềm được cảm xúc Điệu tức quá chừng, bắt chước mẹ, Điệu đứng giữa sân chống nạnh hai tay ngang hông chữi thằng Năm um sùm, mấy sư ai cũng hết hồn hết vía.
– Chò o (trời ơi) con nhỏ bé Điệu này, nó ở chùa mà làm như ở hàng tôm hàng cá, chữi gì mà tục tĩu quá vậy. Hổng cho nó về chùa nữa. Mấy sư hù con bé, làm Điệu cũng một phen hú hồn, ăn năn sám hối đủ kiểu để lấy lòng mấy sư thương tình mà tha thứ tội – kệ còn nhỏ mà, ăn chưa no – lo chưa tới – tội nghiệp.
Nghĩ cũng tội, ai mà còn bé lại thích ở chùa như thế chứ, còn ăn chay trường nữa, chỉ mất điểm ở cái miệng hay la ó um sùm thôi biến cảnh thiền môn thỉnh thoảng thành chợ búa làm mấy sư nhiều phen hú vía, chứ không là nếu mà đi tu là cũng mau đắc đạo không chừng.
Điệu – nó quan sát thấy có một ông sư trẻ lạ lắm, mới nhìn cũng thấy ổng hiền lành, ít nói, đi đứng thì cũng tạm được, nói chung là Điệu thích, mà sao tự nhiên hình như ổng hơi chảnh một chút thì phải, rồi Điệu tự hỏi: có phải chảnh không ta, hay do Điệu nghĩ vậy thôi! Chứ sư nào mà lại đi chảnh cơ chứ.
Hỏi mấy cô Phật tử, thì Điệu được biết là ông sư đó đang học ở Siêm, trời – cũng là Siêm nữa, Điệu có biết Siêm là ở mô đâu mà bảo. Nhưng Điệu muốn làm quen với ông sư, để có gì hỏi ổng Siêm ở đâu, có khác Việt Nam không và biết đâu ổng cho đồ ăn bên Siêm để Điệu ăn thử, ngon lắm.
Mà đúng thật, sư Siêm này khó chịu quá, đi vô phòng một cái là đóng cửa lại rồi, Điệu cứ lén lút đi ngang qua rồi đi ngang lại để chờ cơ hội tiếp cận mà sư cứ đóng cửa lại như thế thì Điệu biết phải làm sao bây giờ. Chờ tới giờ sư bước khỏi phòng là đi thẳng xuống phụ làm việc, quét dọn, ăn uống xong là thấy ổng đóng cửa phòng, ở đâu trong đó một mình thì phải.
Có lần Điệu bạo gan đưa cái tai ghé vào cánh cửa để nghe lén thử có âm thanh nào trong đó phát ra không, thì đâu nghe được ông sư đang ngồi đọc sách, đọc to lắm, mà đọc cái gì toàn tiếng nước ngoài, xí lô xí là gì không à, Điệu hổng hiểu – xỉu.
Bất chợt, ông sư mở cửa ra, con bé Điệu té cái đùng, quê quá đi thôi! Lêu lêu đồ ngốc.
– Ôi! Con có sao không, con làm gì mà đứng đây – ông sư nói với giọng nghe cũng nhẹ nhàng – được.
– Dạ, thưa sư con đứng lau cửa phòng cho sư – trời con bé Điệu trời đánh, nói láo vô địch.
Ông sư Siêm cũng thừa biết, nhưng ổng cũng ngại vì sợ con bé nó quê độ, nên thôi!
– Con tên gì nè? – Ông sư hỏi với giọng vang như ông Bụt trong truyện cổ tích.
– Dạ, Điệu – Con tên bé Điệu.
– Tên gì kỳ vậy, đã Điệu rồi mà còn bé Điệu nữa hả, Điệu quá ai chịu cho nỗi – rồi sư cười. Mà nè, con là con gái, dù là nhỏ đi nữa cũng hạn chế lên phòng quý sư nha. Không nên.
Rồi bé Điệu thầm nghĩ: đó đó, bắt đầu giảng đạo nữa rồi đó, hu hu quê quá đi.
– Dạ, con biết rồi. Thưa sư.
Tự nhiên ông sư nhẹ nhàng hỏi tiếp:
– Mà nhà con ở đâu, sao lại thấy con mấy hôm nay lúc nào cũng ở chùa cả ngày vậy.
– Dạ, nhà con ở xóm củi phía dưới chùa mình một chút, con thích về chùa để yên tĩnh, chứ ở nhà ba mẹ cứ cãi lộn với nhau cả ngày, nghe đau đầu muốn chết – ghét.
– Mà sao ba mẹ lại cãi nhau – sư hỏi.
– Dạ, thì họ có thương yêu nhau đâu.
– Sao mà lại không thương yêu nhau hả bé Điệu, không thương yêu thì sao làm vợ chồng của nhau và sanh ra bé Điệu thế này.
– Ồ! Tại sao họ thương yêu nhau mà lại đi làm khổ đau cho nhau hoài vậy! Cái đó đâu phải gọi là thương yêu, mà là oan gia.
Trời, nghe bé Điệu nói xong tôi muốn đứng hình, còn nhỏ mà ăn nói gì mà như người từng trải.
– Vậy nếu Điệu nghĩ ba mẹ Điệu đến với nhau là oan gia thì bây giờ Điệu phải làm cách nào để hoá giải chúng chứ. Chứ để cho ba mẹ Điệu khổ đau vì nhau như thế hoài sao.
Bé Điệu trề môi trả lời:
– Nghiệp ai nấy trả à sư ơi! Giờ làm gì bây giờ.
– Nhưng bé Điệu có thương yêu ba mẹ không, có muốn ba mẹ hết gây gỗ và cãi vã nhau nữa không.
– Dạ, có chứ, Điệu thương ba mẹ lắm. Nhưng mỗi lần ba mẹ cãi nhau, nói tục chữi thề với nhau, lúc đó Điệu đứng khóc, Điệu nói:
– Ba mẹ, con xin ba mẹ đó, dừng lại đi, đừng làm khổ nhau nữa. Con thương ba, thương mẹ nhiều lắm, con không muốn ba mẹ đối xử với nhau như kẻ thù nữa. Con cúi đầu lạy ba mẹ đó, rồi Điệu đứng khóc nức nở. Lúc đó, Điệu chỉ muốn bỏ đi nơi nào đó thật xa thôi! Điệu bước đi như một bóng ma, rồi Điệu không tìm được nơi đâu ngoài cửa chùa, Điệu còn muốn ở chùa luôn cho khoẻ để ba mẹ muốn làm gì thì làm.
Vừa kể cho tôi nghe, mà đôi mắt Điệu đã rơm rớm nước mắt, chắc vì Điệu đã cảm thấy quá đau đớn, mệt mỏi và bất lực trước hạnh phúc của mẹ cha ngày càng đỗ vỡ không tìm ra được tiếng nói chung và lối thoát.
Rồi Điệu kể cho tôi nghe tiếp:
– Hồi đó á hả, lúc ba Điệu đi làm kinh doanh, ba có nhiều tiền lắm, đêm nào ba cũng dẫn mẹ và Điệu đi ăn nhà hàng hết, còn mẹ Điệu cũng có tiền nhiều luôn, mà mấy năm nay hình như ba làm ăn thu lỗ nợ nần, mẹ thì chán nản bệnh tật không đi làm nữa, nên cứ thế mỗi lần không có tiền, ba nhậu say về là chữi mẹ, mẹ chữi lại ba, còn Điệu chỉ biết đứng nhìn mà khóc. Điệu ghét ba, Điệu ghét mẹ luôn, tại sao lại đối xử với nhau như vậy chứ, dù gì cũng đã sanh ra Điệu thì đừng làm cho Điệu phải khổ đau như thế. Điệu ghét ba mẹ, ghét hoài luôn, không cho xin lỗi luôn.
Tôi nghe Điệu nói thế cũng lấy làm thương cảm, con bé mới nhỏ mà ăn nói khôn lanh và rành đời quá, sau này lớn lên chắc cũng làm cho biết bao chàng trai phải chết dưới cái miệng mom mép này, nhưng nghĩ cũng thương Điệu thật, hàng chi con bé cứ trốn về chùa ở miết là thế.
– Điệu nè! Dù ba mẹ Điệu có là ai thì đó cũng là ba mẹ của Điệu, cũng sanh Điệu ra và nuôi Điệu khôn lớn tới chừng này. Thì tại sao Điệu lại đi ghét ba mẹ mình như thế chứ, Điệu nói đó là oan gia, nghiệp chướng của ba mẹ, thì Điệu phải biết thương ba mẹ nhiều hơn để cùng ba mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn này, Điệu phải bên cạnh mẹ, bên cạnh ba để an ủi, động viên và nói với ba mẹ Điệu là:
– Con yêu ba mẹ nhiều lắm, xin ba mẹ hãy vì con mà thương yêu nhau, và xây dựng lại hạnh phúc gia đình, con thèm được ba dắt mẹ và con đi ăn nhà hàng, ăn Sushi như hồi đó, con thèm được ba mẹ đưa con đi công viên để chơi thú nhúng như ngày nào, rồi được ba ôm mẹ và con vào lòng mà kể cho con nghe những câu chuyện làm ăn của ba với đồng nghiệp.
– Ba mẹ ơi! Xin hãy bắt đầu làm lại từ đầu, xin hãy sống vì con, vì hạnh phúc của gia đình mình nữa, con xin ba mẹ đấy.
Nói tới đó, tôi lặng nhìn thấy Điệu đang đứng khóc, khóc một cách ngon lành.
– Điệu ơi! Con bé Điệu mạnh mẽ lắm mà, sao lại đứng khóc thế này.
– Dạ, con cảm ơn sư mới, con sẽ chạy về nói với ba mẹ như thế, nhưng mà nếu lỡ con bị ăn đòn vì cái tội nhiều chuyện thì sư chịu trách nhiệm đó nha. Nói rồi, Điệu cười và chạy một mạch về nhà.
Mấy ngày sau, tôi không thấy Điệu về chùa nữa, tôi nghĩ trong bụng chắc là ba mẹ của Điệu đã thương yêu nhau lại và gia đình Điệu chắc cũng đang sống hạnh phúc với nhau. Con bé Điệu cũng đang hạnh phúc nằm trong lòng của ba mẹ mà nũng nịu đây này, con bé này, thế mà vô tình quá hổng thèm về chùa báo tin cho ông sư mới được vui.
Sáng hôm đó, tôi đang quét sân tới gần ngay cổng chùa, thoáng nhìn thấy ai đứng thấp thoáng như con bé Điệu, vì chỉ có mình con bé mới có mái tóc thắc bính như mắt xích ở phía sau nhìn dễ thương vô cùng. Tôi lên tiếng gọi:
– Điệu, bé Điệu á hả con. Sao không vào chùa mà đứng ngoài đó chi con.
Tôi nhìn thấy Điệu có vẻ hơi buồn chứ không vui tươi và hạnh phúc như tôi nghĩ, Điệu đến gần tôi rồi Điệu nói:
– Sư mới ơi! Ba mẹ con ly dị rồi – nói tới đó rồi Điệu oà lên khóc nức nở.
Nhìn Điệu tôi thấy thương vô cùng, trời con bé tội nghiệp, ba mẹ nào mà lại đi làm tổn thương một tâm hồn thơ ngây mới lớn, khôn lanh, đáng yêu như thế chứ.
Bé Điệu lau nước mắt rồi nói tiếp:
– Ba Điệu bỏ nhà đi rồi, mẹ Điệu hổng cho Điệu về chùa nữa, mẹ bảo Điệu mà bước vào cổng chùa là mẹ sẽ đánh đòn Điệu luôn.
Nghe Điệu nói dứt lời, tự nhiên tôi thấy đau nhói trong lòng mà rưng rưng nước mắt.
– Điệu ơi! Sao mà tội cho con thế này.
Con bé Điệu nói trong nghẹn ngào:
– Con đến đây chờ gặp sư, để nói lời chia tay với sư, sư mới ơi! mẹ sẽ đưa Điệu đi Sài-gòn, mẹ bảo mẹ sẽ đưa Điệu đi lập nghiệp làm lại cuộc đời. Nhưng Điệu không muốn đi đâu, Điệu thương chùa, thương các sư, thương sư mới và thương mấy đứa bạn học của Điệu nữa. Nhưng sư mới ơi! Điệu nghe sư dạy rồi: Điệu phải có hiếu với mẹ, phải thương yêu và nghe lời mẹ, Điệu sẽ không làm cho mẹ buồn đâu. Sư mới nhớ giữ gìn sức khoẻ, Điệu đi đây. Nói rồi con bé chạy một mạch về trong nước mắt.
– Đứng cầm cây chỗi quét sân mà hai dòng nước mắt cứ rơi nhìn theo con bé Điệu đang chạy khuất dần ở cuối con đường.
– Con nhỏ này, cuộc đời của con sao mà tội nghiệp thế hả bé Điệu.
Rồi cũng vài bữa sau, tôi cũng bắt đầu lên đường để đi học tiếp, cũng phải rời xa Thầy tổ, các sư và mái chùa thân yêu để đi tìm con chữ. Mang ba-lô trên vai, mở cánh cửa phòng để chuẩn bị bước ra, tôi lại chợt nhớ đến hình ảnh của con bé Điệu đứng lén lút dựa vào cái cửa để phải té ngã ngày nào. Trời – con bé không biết bây giờ nó ra sao rồi. Có được hạnh phúc bên mẹ không, hay phải bơ vơ mưu sinh lạnh lẽo nơi xứ người.
Tạm biệt mái chùa thân yêu, tạm biệt con bé Điệu ở chùa. Sư đi đây,…khóc nhẹ.
Lời nhắn: Hạnh phúc của ba mẹ là món quà quý báu nhất mà ta có thể dành tặng cho con cái của mình.
Giác Minh Luật
Bangkok, 08/02/2017.
Discussion about this post