Văn Công Tuấn viết trong Chớ quên mình là nước như sau: “Những bài viết trong tập sách này chỉ là việc đi chắt mót, ngồi xâu chuỗi lại những suy tư và nỗi niềm để tâm sự cùng bạn đọc. Nó không phải là công trình khảo cứu cũng chẳng là tác phẩm văn học. Nó chỉ là một cõi lòng…”
Một cõi lòng. Chút “thốn tâm”. Chắt mót. Xâu chuỗi. Nhưng với tôi vô cùng thú vị và đầy những bài học. Có khi nói ra, có khi không nói ra. Là một cõi lòng nên ta hãy đọc từ một cõi lòng. Một cõi lòng không phân biệt.
Có khi là một câu thơ. Có khi là một khúc hát. Khi lại là một công thức. Một bản vẽ. Mấy con số ngoằn ngoèo… Hãy đọc. Ngẫm ngợi. Đôi khi công thức cũng là thơ, bản vẽ cũng là nhạc… Hãy để cho cõi lòng tự trôi chảy.
Trôi chảy như dòng sông cát hôm nay mà ngày xưa chính nơi này là dòng nước chảy xiết, nơi Gotama đã đặt bình bát với lời đại nguyện:
“… một buổi trưa nóng cháy ở Bodh Gaya lắng tai nghe lời anh bạn Ấn Độ kể: ‘Chỗ này là ngay giữa sông Ni Liên Thuyền, ngày xưa Sa môn Gotama đã thả bình bát và phát lên một lời đại nguyện, chỗ này nước chảy xiết lắm nhưng bình bát đã trôi ngược.’
“(…) Khi anh Naresh với tất cả lòng cung kính đặt bình bát xuống cát, nơi được xem như là giữa dòng sông lúc bình bát trôi ngược. Tôi thì đã nằm dài dưới cát nóng cầm sẵn máy ảnh để chụp hình. Tôi muốn chụp tấm hình phía trước là bình bát mà đàng sau có phông nền là hình ngôi Tháp Đại Giác Bồ Đề. Chăm chú nhìn vào ống kính, tôi giật mình tưởng mắt mình đang hoa. Hay do vì buổi trưa nắng Ấn Độ mà cát lại nóng quá nên tôi bị lóa mắt? Tôi đẩy máy ảnh qua bên và nhìn kỹ bình bát. Tôi đã nhìn thấy. Vâng, tôi thấy bình bát chuyển động trong vòng gần một phút. Có thể nào do cát lún nên bình bát “rục rịch” như vậy? Hay là một cái rùng mình của đất trời? Nhưng sao kéo dài cả phút. Trong tôi dấy lên một niềm rung động kỳ lạ. Naresh cũng thấy như tôi và đứng ngẩn người trố mắt nhìn. Có phải có bàn tay chư Thiên hay có con rắn chuyển mình làm bình bát chuyển mình trên cát?
“Không, tôi nghe rất rõ: “hồn nước” đang nhẹ nhàng luân chuyển dưới nguồn sâu trong lòng cát nóng buổi chiều Ấn Độ.
“Hai chúng tôi đứng yên lặng tại địa điểm lịch sử này rất lâu, mỗi người đắm chìm trong suy nghĩ của mình. Sau đó mới cùng nhau chậm rãi ôm bình bát đi về hướng cây Ajapala ở Tháp Đại Giác. Chúng tôi thỉnh bình bát về khu vực tháp và kết thúc một chuyến đi: Ôm bình bát dõi theo bước chân Sa môn Gotama ngày xưa”…
Rồi từ câu chuyện của dòng sông nay đã trở thành sa mạc cát mênh mông, Văn Công Tuấn nói về chuyện môi trường, chuyện nylon, mủ nhựa…
“Xin cùng nhau bắt tay ngay cứu hành tinh của chúng ta, trước khi nỗ lực đi chiếm hữu Sao Hỏa hay Cung Trăng. Với lòng tham và tâm bất thiện thì dù con người có sở hữu mười Sao Hỏa, trăm Cung Trăng cũng không thấy đủ. Rồi rác cũng sẽ tràn ngập ở bên đó. Mà đúng vậy, không phải nói chơi, NASA đã xác nhận, ngay bây giờ cũng đã thấy plastic trên Sao Hỏa rồi đó. Thật hết ý!”
Rồi ngẫm ngợi chuyện xưa chuyện nay, Văn Công Tuấn… tự nhắc mình với những bài học:
Cũng tại bát nước mà Tôn giả A Nan đã gặp gỡ Ma Đăng Già hôm đó. “Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có…” để rồi Phật phải vất vả một phen. “Tựu trung cũng từ một bát nước ấy mà sinh sự. Giả sử, hôm đó Tôn giả A Nan cũng đi khất thực như mọi ngày mà không khát nước thì đâu có chuyện gì xảy ra. Hoặc giả, nếu gặp người con gái không đa tình như Ma Đăng Già thì chỉ có vài mẩu đối thoại ngắn, rồi dâng nước, rồi uống nước là xong chuyện.”
Bài học là đừng có… khát nước!
Rồi chuyện của nhà bác học Alexander Fleming (1881-1955) ân nhân vĩ đại của nhân loại đã phát minh ra Peniciline đã tuyên bố tại Hàn Lâm Viện Y Khoa Anh Quốc: “Sao người ta cứ gán cho tôi cái công phát minh ra chất Peniciline. Không ai phát minh ra được chất Peniciline, vì tạo hóa đã sinh ra nó từ thuở nào đến giờ, nhờ một loại mốc… Tôi chỉ có công làm cho mọi người chú ý tới chất đó, và đặt cho nó cái tên, thế thôi.”
Phật cũng bảo Ta chẳng nói gì, Ta chẳng dạy ai điều chi, mọi thứ đã sẵn có đó thôi!
Rồi chuyện Nhà Nho và Phật giáo. Anh nhắc học giả Cao Huy Thuần kể chuyện nhà nho, nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn… ngày ngày đi chùa Trúc Lâm ở Paris vì rằng “Nho thì động mà Phật thì tịnh. Động rồi thì phải tịnh thôi.” Văn Công Tuấn kể chuyện cụ Phan Sào Nam, nhà Nho với “Khổng Học Đăng” sau này đã thường xuyên lui tới chùa và viết “Phật Học Đăng”. Cụ Sào Nam thường tìm đến chùa Tường Vân để hàn huyên, bàn chuyện văn thơ, chuyện thế sự và Phật pháp với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Hai con người uyên thâm Hán học ấy đã một thời là bạn tâm giao, chỉ khác: một người là Hòa Thượng, một người là Nho Sĩ.
Nước xuôi ra biển lại tuôn về nguồn.
***
“Chớ quên mình là nước”, Văn Công Tuấn ngậm ngùi sẽ đến lúc “dưới biển cá thôi bơi, trên trời chim hết lượn…” để rồi nhắc đến cái chết của dòng sông Cửu Long.
Anh nói, đọc cuốn ký sự Đi Dọc Dòng Sông Phật Giáo tự dưng thấy sao… nước mắt tự động chảy ra, không cầm được:
Bởi vì chiều buồn chiều về giòng sông
Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán
Hãy cất tiếng ca cho đời thêm buồn
Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo…
(Phạm Duy)
“Vậy một con rồng của Tiền Giang đã chết. Ở Hậu Giang thì hiện nay, cửa sông Ba Lai được thay thế bằng hệ thống cống đập ngăn mặn chặn vĩnh viễn dòng chảy…”
“Cửu Long bây giờ là 7 con rồng. Nói sao nghe khó lọt lỗ tai quá.
“Hèn chi chật chội. Hèn chi sinh sự!”
Rồi cảm thán:
“Có phải vì vậy mà người Khmer gọi Mê Kông là Dòng Sông Mẹ. Tiếng Miên chữ “Mê” là “mẹ” còn “Kông” là “sông”. Tại sao? Vì những chàng, những nàng có tên gọi “Buổi chiều Lục tỉnh” hay ham vui, hay dzô dzô ba xị đế, hay hò ơ dí dầu, hay đàn ca tài tử… Nhưng khi buồn quá thì những trò vui đó không khỏa lấp hết nỗi buồn, những chàng hay nàng “Chiều” mới tìm về với Cửu Long. Tâm sự với dòng sông. Yên lặng với dòng sông. Như chàng Tất Đạt của Hermann Hese đã về với dòng sông và lắng nghe dòng sông. Chỉ có dòng sông mới nghe, mới hiểu nổi buồn của Chiều”.
Để rồi kết:
“Nhớ da diết đám lục bình trôi trên sông Tiền, sông Hậu.
Không biết giờ này chúng lưu lạc ở đâu?”
Phải. Như những phận người.
Chớ quên mình là nước.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Saigon, tháng 6.2019
_______________________
LỜI THƯA
Vào một ngày rất lâu thật lâu, ở vùng quê nghèo khô cằn nọ có một cậu bé rất mê tắm mưa. Cứ trời vừa trút hạt là trần truồng chạy ra sân tắm. Người lớn bảo cậu rằng, nếu muốn trời mưa thì mỗi sáng, khi được đánh thức phải vùng dậy ngay và hát lớn: Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp. Cậu bé đã hát bài đồng dao ấy suốt gần hai năm học vỡ lòng (bây giờ gọi là mẫu giáo). Chiều về trời có mưa hay không để cậu tắm thì cậu ta đã quên mất. Duy chỉ có kết quả thấy rõ của bài hát là cậu ta không bao giờ đến trường trễ giờ như những đứa trẻ quê khác.
Rồi thời gian qua mau. Cậu bé ngày xưa ấy đã ngoại lục tuần. Một hôm nọ lão đứng trên bãi cát thăm thẳm trong một buổi trưa nóng cháy ở Bodh Gaya lắng tai nghe lời anh bạn Ấn Độ kể: “Chỗ này là ngay giữa sông Ni Liên Thuyền, chỗ này ngày xưa Sa môn Gotama đã thả bình bát và phát lên một lời đại nguyện, chỗ này nước chảy xiết lắm nhưng bình bát đã trôi ngược.” Nghe vậy biết vậy nhưng sao nhìn quanh chỉ thấy toàn cát trắng!
Thời gian dài như cổ tích. Cậu bé và lão ấy là tôi. Tôi đã cưu mang những ước mơ và nỗi ưu tư nọ từ ngày ấy.
Sống ở một thành phố biển của nước Đức tôi đã nhiều lần có cơ hội ôn lại bài học Sóng và Nước. Tôi mang bài học ấy làm hành trang, vác nước trên vai đi khắp mọi nẻo đường Âu, Á, Mỹ, Phi. Tôi biết tự thưở nào mình đã có duyên với nước. Tôi thường có dịp nghe những âm thanh cuồng nộ của các cơn sóng đập mạnh vỗ bờ mỗi khi biển động. Tôi cũng từng có lúc ồn ào vô ích như thế. Cho mãi đến một hôm tôi học được bài học rằng, khi sóng biển lớp sau xô lớp trước, nước vẫn nằm yên trong đó. Sóng lướt đi và nối nhau đi mãi, cho đến lúc vỡ tung ra bên ghềnh đá, trên bờ cát… thì nước mới tràn ra.
Lời tôi nghe sao thô kệch quá. Phải nhờ thi sĩ nói giúp cho chữ nghĩa thêm phần thơ mộng:
Sóng
Quằn quại
Thét gào,
Không nhớ
Mình
Là nước.
***
Xin thưa rằng, mười sáu bài viết ngắn dài trong tập sách này như những lời tâm sự, cũng chỉ vì một ước mong duy nhất: Xin phép nói lên một lời nhắc nhở. Nhắc gì? Nhắc rằng, chúng ta cần biết trân quý trái đất này của chúng ta. Chúng ta cũng nên biết giữ gìn những giọt nước của đất, vốn phủ đầy hai phần ba địa cầu. Đất này, nước này là những dấu tích còn lưu lại của đời trước, là nơi an nghỉ của tổ tiên. Đất và nước này không thể là sở hữu của riêng bất cứ một ai. Xin đừng nói ngây thơ là ai đó vì có tên trong hồ sơ bất động sản nên là kẻ sở hữu. Nếu có chăng những kẻ sở hữu thì kẻ ấy chính là con cháu chúng ta ở các thế hệ sau. Mình chỉ đang mượn tạm để sống, như tổ tiên ta cũng đã làm vậy. Chẳng phải mình đã tiếp nhận đất trời này trong một hình hài còn tốt đẹp từ cha ông đó sao? Phải biết chăm sóc đất, phải tử tế với nước. Một câu chuyện ngụ ngôn kể lại rằng, có một vị thần sức mạnh vô song ngàn người khó địch nổi, vậy mà khi bị nâng lên, chân hỏng đất thì bao nhiêu sức mạnh tiêu tan hết.
Đất, nước còn thì ta còn. Đất, nước an lành thì ta an lạc. Chỉ vậy thôi.
Lại xin thưa thêm, cụ Khổng ngày xưa là bậc thông kim bác cổ vậy mà còn nói “thuật nhi bất tác”. ( ). Học theo hạnh ấy, tôi đâu dám ăn nói ngông cuồng. Những bài viết trong tập sách này chỉ là việc đi chắt mót, ngồi xâu chuỗi lại những suy tư và nỗi niềm để tâm sự cùng bạn đọc. Nó không phải là công trình khảo cứu (dù có khi phải trưng dẫn vài con số), cũng chẳng là tác phẩm văn học. Nó chỉ là một cõi lòng.
Nếu có chỗ chưa thông thì xin chư thức giả hoan hỷ chỉ giáo. Tôi xin đón nhận.
Cẩn bút
Nguyên Đạo Văn Công Tuấn
Mùa Hè 2019 – Kiel, Đức quốc
Discussion about this post