CHỈ LÀ CHIÊM BAO
Vĩnh Hảo
Mấy
ngày Tết đã qua. Những lăng xăng rộn ràng của báo chí,
hội chợ và sạp hoa đã lắng dịu, nhường chỗ cho những
sinh hoạt bình thường, thật bình thường. Nhưng ngàn hoa nội
cỏ hãy còn tươi thắm rực rỡ dưới nắng xuân ấm áp.
Và đâu đó, trong khi hoa hãy còn trên cành thì vẫn liên tục
diễn ra những xung đột, xâu xé nhau, giữa những lý tưởng,
chính nghĩa, quan điểm, lập trường chính trị hay tôn giáo.
Những dị-đồng sinh ra bè phái và thành kiến. Những thắng-bại
sinh ra kiêu hãnh và đố kỵ. Những được-mất sinh ra đắc
chí và thù hận. Nhỏ nhoi sinh ra tầm thường. Tầm thường
sinh ra cay đắng và tàn hại nhau. Bom nổ vung vãi những xác
người trong sự đổ vụn của gạch ngói. Khói lửa ngút trời
dường như chưa đủ để bày tỏ mối hờn căm và sự hăng
say chém giết… Và đâu đó, trên những tờ báo và những
diễn đàn ngôn luận liên mạng, người ta tranh cãi, tung ném
vào nhau những ngôn từ và ý tưởng nhơ bẩn, thấp kém, ngoa
ngụy, man trá để cố tình dìm chết danh dự kẻ khác, chứng
minh ‘chính nghĩa’ của mình và phe phái của mình…
Nhân
loại ở thế kỷ 21 tự hào với nền văn minh khoa học kỹ
thuật, nhưng thực tế nhãn tiền chỉ cho thấy thế giới
hôm nay là cả một hành tinh ngập tràn thống hận, cuồng
tín, cố chấp, và đầy tính khủng bố. Người ta thích đe
dọa nhau, hãm hại nhau hơn là sự vỗ về ban phát hạnh phúc.
Nhà văn hóa đánh mất phẩm cách văn hóa. Nhà chính trị chỉ
biết đặc quyền và đặc lợi cá nhân phe đảng. Người
hô hào cho dân chủ tự do thì ôm chặt quan điểm độc đoán
và thế đứng độc quyền độc tôn của mình. Nhà tôn giáo
thì lại bỏ quên vai trò lãnh đạo tinh thần để vui say với
quang vinh hào nhoáng của những thành tựu chính trị thế tục…
Một
thế giới như thế, càng lúc càng bộc lộ rõ tính chất đảo
điên và huyễn ảo mà kinh Phật thường nhắc đến. Nhưng
con người, ngay cả những người con Phật chúng ta, vẫn thường
không nhìn nhận bản chất không thực ấy của cuộc đời,
hoặc biết nhưng cố tình lãng quên, bám chặt vào chính cái
huyễn ảo ấy để tồn tại, nuôi lớn những phiền não,
và tiếp tục gieo rắc khổ đau, oán kết cho mình, cho người,
cho cuộc trầm luân dằng dặc qua-lại, đi-về trong biển lớn
sinh tử.
“Tất
cả các pháp hữu vi đều như chiêm bao mộng mị, như trò
huyễn thuật, như bọt nước trôi, như bóng lồng sương, như
hạt sương sớm, như ánh chớp ban chiều…”
Lời
của kinh Kim Cương đọc lên mỗi ngày, nghe như tiếng thơ
ru êm những lần khổ nạn, nghe như sấm nổ vang trời giữa
đêm dài mờ mịt u mê. Lời kinh cứu lấy ai những đêm lang
thang tìm nơi ẩn trú. Lời kinh cứu lấy ai trong những ngày
dài nơi lao tù khổ nhục. Lời kinh cứu lấy ai trong cơn đói
khát, vật vờ trên biển nước mênh mông. Lời kinh cứu lấy
ai khi đời gán cho gánh nặng oan ức và những lời nguyền
nghiệt ngã. Lời kinh cứu lấy ai trong những cơn tủi nhục,
khốn cùng, bế tắc, không còn lối nào để đi… Những oan
kết, oan nghiệt, oan ức, oan khiên, tích lũy từ nhiều đời
và nhiều người, như sức nặng của núi lớn đè lên phận
người bé nhỏ, nếu không nhờ câu kinh thơ mộng và thượng
thừa kia thì làm sao có thể vươn mình đứng dậy!
Khổ
đau, oán hận kết thành những ấn tượng nặng nề gieo vào
đất tâm. Ấn tượng phả hơi thở nóng bừng vào đời sống,
và đôi khi ảo hiện trong những giấc mộng mịt mùng, để
rồi chính ta, trong đêm dài u u minh minh, đã phải một mình
đối đầu với trùng trùng ách nạn, và ngay cả phải đối
diện với thần chết. Trong ảo thời và ảo cảnh ấy, tất
cả đều như thật. Không ai có thể can thiệp hay cứu giúp.
Chỉ có ta, đơn thân lẻ bóng, mặt đối mặt với nguy nan,
bất trắc, đớn đau và thống khổ. Lối thoát duy nhất trong
lúc ấy là tự đánh thức mình ra khỏi cơn mộng hãi hùng.
Thức dậy, thức dậy mau, đây chỉ là giấc mộng, không phải
là sự thực! Giật mình tỉnh giấc rồi, chẳng thấy đâu
là điều hiểm nguy ách nạn, chẳng thấy ai là kẻ làm mình
hoảng sợ hay oán ghét. Nỗi vui mừng thoát nạn thoát khổ
cũng chỉ một thoáng khởi lên, rồi qua đi; vì trên thực
tế, cũng chẳng có gì phải vui mừng với khổ nạn không
thực và sự thoát nạn không thực.
Hạnh
phúc cũng đến và đi trong thể điệu mơ màng chiêm bao như
thế. Chúng rất thực, và cũng rất ảo. Đắm mình trong khổ
đau huyễn hóa hay trong hạnh phúc mộng ảo, đều là thể
cách mê mờ rất buồn cười của chúng ta khi đi qua cuộc
đời này.
“Thế
gian ly sinh diệt
Do
như hư không hoa
Trí
bất đắc hữu vô
Nhi
hưng đại bi tâm.” (kinh Lăng Già)
Thực
chất của thế gian, vốn vượt khỏi hiện tượng của sinh-diệt,
còn-mất; bởi vì tướng sinh-diệt, còn-mất cũng chỉ là
hoa đốm giữa hư không.
Quán
sát thâm sâu về bản chất của thế gian như vậy bằng trí
tuệ giác ngộ siêu việt lên trên có-không và tất cả các
tướng đối đãi, từ đó, phát khởi lòng thương vô hạn
đối với chúng sinh, với cuộc đời.
Nếu
trí không vượt ngoài có-không, thì lòng thương và mọi hoạt
dụng nhằm cứu khổ ban vui, tranh đấu cho nhân quyền, vận
động cho dân chủ, tu nhân tích đức, tu đạo, hành đạo,
hoằng pháp, giáo dục, từ thiện xã hội… đều chỉ là
những trò chơi ma thuật của trường mộng vô minh.
Nắng
lên cao. Hoa cỏ nghiêng mình theo gió sớm. Gió từ phương
đông làm lung lay những nhánh bạch đàn ở vườn trước và
khua rộn tiếng phong linh ở vườn sau. Dấu hiệu của mùa
xuân sắp qua đi. Xuân đến, hoa nở; xuân đi, hoa sẽ tàn.
Vận hành tự nhiên ấy là vận hành của sinh-diệt, của biến
thiên vô thường, mà cũng là minh chứng cho sự hiện hữu
một dòng tiếp nối luân lưu bất tận của thế gian. Tiếp
nối của những đối đãi, nhị nguyên. Sinh và diệt. Có và
không. Dơ và sạch. Tăng và giảm. Đoạn và thường. Sinh-tử
và niết-bàn. Khổ đau và hạnh phúc. Dòng tiếp nối luân
lưu bất tận ấy, nói một cách tiếp cận hơn, dòng sông
đời ấy, dù rằng cưu mang tất cả những hương thơm hay
mùi thối, sen thơm hay rác rưởi, lục bình hay gỗ mục…
vẫn chỉ là sự chảy trôi của một giấc chiêm bao.
Midway
City, ngày 01 tháng 3 năm 2007.
Discussion about this post