CẢM NHẬN VỀ
Đại Lễ Tri Ân Tưởng Niệm 50 Năm
Mặc Tử
Hòa vào khung cảnh và không khí
trang nghiêm chân thành trong Đại Lễ Tri Ân Tưởng Niệm 50 Năm Bồ Tát Thích
Quảng Đức, Chư Thánh Tăng Ni vị pháp thiêu thân, Chư Thánh Phật Tử vị pháp vong
thân, Chiêu niệm 50 năm Quốc nạn Pháp nạn Việt Nam. Trong tôi, dấu không gian
xưa như hiện ra trước mắt, dấu thời gian xưa như đang diễn bày, trang giấy
không còn giá trị, chữ nghĩa sờ sững ngôn từ, đúng như câu thơ của Vũ Hoàng
Chương “Vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác” và câu viết của ai kia “Chữ
nghĩa của văn nhân chỉ còn là bụi bay”
Vâng, ước gì là rơm rác để ươm vào
ngọn lửa của từ bi, và ước gì là bụi bay để phưởng phất theo đuốc tuệ của hùng
lực! Từ Bi, khơi dậy tiếng nói của tình thương. Hùng lực, thúc đẩy con tim biết
lắng nghe sự sống.
Vâng, tình thương đã bị đánh mất, sự
sống đã bị lụn tàn, bởi bóng dáng hoang tưởng của vô minh và bởi ảo ảnh phù du
của quyền lực.
Phải là người sống trong giai đoạn 9
năm, phải là nạn nhân, phải là thực nhân, phải là chứng nhân, tự thể sẽ sáng
hơn trăng sáng, sáng hơn ánh châu pha, soi rọi đủ mọi góc cạnh, sự thật hiện
nguyên hình. Là người ngoại cuộc, bất khả nhận chân thấu rõ ngọn ngành dù tài
ba lịch lãm và năng khiếu siêu tuyệt tới đâu. Những ai được ân sủng với chế độ,
họ lập lờ, đánh trống lãng, lái chuyện khác, chạy loanh quanh, làm trò chơi cút
bắt chính mình, không lẽ tự phơi bày chân tướng mà suốt mấy thập niên cố tình
bao che phủ lấp?
Người chồng dửng dưng tự đắc “ai
muốn đốt thêm, cần xăng, tôi cung cấp”! Người vợ thì ngạo mạn đến lạnh lùng
“Nướng thịt ba-bi-kiêu”! Không đáng trách nhưng đáng tiếc cho một phụ nữ VN,
một người đàn bà VN, mệnh danh “Đệ nhất Phu nhân”, thay mặt một chế độ, lại có
ăn học, đã nói lên câu đó! Còn người đàn ông kia, sống trên quyền lực, thì câu
nói của ông ta chính là biểu thị cho độc ác bạo cuồng! Chợt nhớ câu chuyện dù
là hư cấu hay sự thật, rằng, Bà Phu nhân Ông Cố Vấn không dám tự thân mà nhờ
một người con xin hẹn đến gặp một vị Thầy, thưa “Thầy hoan hỷ bỏ qua chuyện
xưa, cho Mẹ con xin sám hối, và cầu nguyện dùm người đã khuất”. Đó là gì, phải
chăng là thú tội, phải chăng là sự thật! Hỏi cũng bằng thừa, bởi Bà đã mặc nhiên
thố lộ. Phàm con người khi đứng tuổi, có những chuyện không nói, tự động nói,
và cho dù không nói, đành để mang theo chôn kín suối vàng. Vâng, khen mà chi,
trách mà chi, chẳng qua “một nắm cỏ khâu xanh rì”! Hai người này là ai, và còn
ba người trực tiếp nữa là ai ? Biết thì đừng hỏi, không biết thì đã có sử sách
kia mà! Tôi không câu chấp đâu, nếu sử sách chân thì dễ nhận dễ biết, mà sử
sách bất chân thì cái giả chẳng khác nào “vải thưa che mắt Thánh” hay “chạy
trời không khỏi nắng”, ngạn ngữ của Cha Ông dạy bảo khi chập chững cắp sách đến
trường, khá chớ dễ duôi!
50 năm, thời gian dài đằng đẵng của
nửa thế kỷ, thời gian dài hun hút của nửa đời người, thế giới biến chuyển đa
cực, nhân loại tiệm tiến đa chiều, trục hoành lăn quay muôn hướng, trục tung
chống đỡ muôn phương. 50 năm đi qua, 50 năm nhìn lại, nhất là Pháp Nạn Phật
Giáo 1963, quả thật, dấu ấn bàng hoàng rúng động vẫn còn cảm kích nguyên vẹn,
và dấu ấn thiêng liêng mầu nhiệm vẫn còn hiện hữu nguyên trinh.
50 năm trước, tôi có nghe Từ Đàm Quê
Hương Tôi. 50 năm sau, tôi cũng nghe Từ Đàm Quê Hương Tôi. Thì ra đó là
một ngôi Cổ Tự Miền Trung, cùng nhiều Học viện Phật Giáo tại đất Thần Kinh, câu
hội những bậc thạch trụ thượng thừa, đào tạo nhiều bậc Cao Tăng kiệt xuất, góp
mặt cùng những bậc trụ cột lãnh đạo Phật Giáo không chỉ Miền Trung mà cả ba
miền đất nước, đã hàng vài chục năm, băng qua hàng thế kỷ. Tại Trụ Xứ tôn
nghiêm ngưỡng phục này, Chùa Từ Đàm, Thừa Thiên Huế, nơi xảy ra biến cố đầu
tiên ngay Đại Lễ Phật Đản, ngày Rằm tháng Tư năm Quý Mão, nhằm ngày 8 tháng 5
năm 1963.
Ngày Phật Đản là ngày thiêng liêng
nhất của Đạo Phật, ngày kính mừng của toàn thể Phật tử mọi quốc gia trên khắp
năm châu, ngày mà vào năm 1999 Liên Hiệp Quốc công nhận, long trọng công bố là
Ngày Phật Đản Liên Hiệp Quốc, và từ đó, mỗi năm, từng quốc gia vận động đăng
cai đứng ra tổ chức Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc.
Vậy mà ngược dòng 36 năm, tại đất
nước Việt Nam, ngày 6 tháng 5 năm 1963, Phủ Tổng Thống nhà Ngô phát đi Công
điện số 5159 cấm treo cờ ngay Mùa Phật Đản. Ngày 7 tháng 5, chính quyền cho
cảnh sát đến từng nhà buộc dân chúng phải hạ cờ Phật Giáo. Buổi tối ngày 8
tháng 5, tức buổi tối Ngày Phật Đản Rằm Tháng Tư, xe tăng xích sắt càn lên, lựu
đạn nổ tung, súng bắn trực diện vào đám đông làm cho 8 em Phật tử chết ngay tại
chỗ, nhiều người bị thương, nhiều người bị bắt ngay tại Đài phát thanh Huế.
Lịch sử 2000 năm Phật Giáo Việt Nam
trên quê hương 5000 năm của Dân tộc Việt Nam chưa từng xảy ra như thế!
Đại Lễ Phật Đản đã 2000 lần tổ chức
trên đất nước Việt Nam, dù với bất cứ thời kỳ nào, băng qua bất cứ triều đại
nào, cũng chưa từng xảy ra như thế!
Vậy mà vào hậu bán thế kỷ 20, nhân
loại đang tiến triển văn minh, thế giới đang kỳ vọng tự do bình đẳng chung sống
hòa bình, thì Việt Nam phải bị chiến tranh Quốc – Cộng, và Phật Giáo Việt Nam
lại bị Pháp Nạn vô tiền khoáng hậu đó.
Lá cờ Phật Giáo bị triệt hạ. Xác
người Phật tử bị ngã gục. Máu của Phật Giáo đã đổ. Thịt của Phật Giáo đã rơi.
Tù ngục diễn ra, bức bách diễn ra, tàn bạo diễn ra, và tất cả đều đổ lên đầu
Phật Giáo từ Huế vào Sài Gòn, và tràn ngập khắp 44 tỉnh thành Miền Nam, từ
Quảng Trị vào đến Cà Mau, từ thành phố đến thôn quê.
Phật Giáo bắt buộc ở trong thế phải
đứng lên, đứng lên trong tư thế từ bi hòa ái khiêm từ và bất bạo động, vốn là
bản chất cố hữu của Phật Giáo, ngàn xưa không đổi, ngàn sau không lay, không bị
cưỡng chế áp đặt với bất cứ thế lực nào, không bị mua chuộc giựt dây bởi bất cứ
thành phần nào.
Đây, hãy bình tâm nghe lại 5 Nguyện
Vọng của Phật Giáo qua Tuyên Ngôn ngày 10-5-1963:
1. Yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa
thu hồi vĩnh viễn Công Điện Cấm Treo Cờ Tôn Giáo Nơi Công Cộng.
2. Yêu cầu Phật Giáo phải được hưởng
một chế độ đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa Giáo đã được ghi trong
Đạo dụ số 10.
3. Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình
trạng bắt bớ và khủng bố Tín đồ Phật Giáo.
4. Yêu cầu cho Tăng Ni Phật Tử được tự
do truyền đạo và hành đạo.
5. Yêu cầu chính phủ bồi thường thích
đáng cho những người chết oan vô tội, và kẻ chủ mưu giết hại phải bị xét xử.
Để giải thích rõ ràng 5 Nguyện Vọng
của Phật Giáo, ngày 23-5-1963, một Bản phụ đính của Tuyên Ngôn 10-5-1963, đã
mạnh mẽ công bố như sau:
1. Phật Giáo Việt Nam không chủ trương
lật đổ chính phủ để đưa người của mình lên thay thế, mà chỉ nhằm đến sự thay
đổi chính sách của chính phủ.
2. Phật Giáo Việt Nam không có kẻ thù,
không xem ai là kẻ thù. Đối tượng của cuộc tranh đấu, tuyệt đối không phải là
Thiên Chúa Giáo, mà là chính sách bất công tôn giáo.
3. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo đồ cho
bình đẳng tôn giáo, được đặt trong khuôn khổ của lý tưởng công bằng xã hội.
4. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo đồ,
được thực hiện theo đường lối bất bạo động.
5. Phật Giáo Việt Nam không chấp nhận
sự lợi dụng của bất cứ ai vào cuộc tranh đấu cho bình đẳng tôn giáo và công
bình xã hội.
Chính quý vị đã biết và lịch sử đã
chứng minh, cuộc vận động đấu tranh của Phật Giáo chỉ diễn tiến bằng biểu tình
bất bạo động, tuyệt thực trong ôn hòa, đạo đạt thỉnh nguyện, kỳ vọng thức tỉnh
và cầu nguyện từ bi hòa bình.
Sau cái chết của 8 em Phật tử tại
Huế, Phật Giáo đồ càng ngày càng bị bức bách khủng bố tù đày. Ngày 11-6-1963,
tức 33 ngày sau Pháp Nạn khởi ra, tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt Sài
Gòn, Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã ung dung tĩnh tọa phát nguyện tự thiêu, hàng
ngàn Tăng Ni Phật Tử bao quanh chắp tay cầu nguyện. Ngọn lửa từ bi của Bồ Tát
Thích Quảng Đức bùng lên, Ngài vẫn chắp tay tam muội bất động kiết già, 15 phút
sau xác thân của Ngài ngã xuống, hai tay Ngài vẫn tự tại chắp tay. Lò lửa hơn
4000 độ đã thiêu hủy xác thân của Ngài, nhưng Trái Tim của Ngài vẫn như như bất
hoại, chơn chơn bất diệt. Đó là ấn tín ấn tuyên ấn trụ: Phật Pháp sẽ được
trường tồn, Lá cờ Phật Giáo sẽ tiếp tục được tung bay.
Quả thật như vậy, sau ngọn lửa Bồ
Tát Thích Quảng Đức, liên tục những ngọn lửa bừng lên, bừng lên để đánh thức vô
minh, bừng lên để đánh động lương tâm, bừng lên để kêu gọi bạo lực hãy buông
tay, độc ác hãy dừng lại, bừng lên để trao nhau mời gọi trân trọng tình người.
Đó là ngọn lửa Thích Nguyên Hương, ngọn lửa Thích Thanh Tuệ, ngọn lửa Thích Nữ
Diệu Quang, ngọn lửa Thích Tiêu Diêu, ngọn lửa Thích Quảng Hương, ngọn lửa
Thích Thiện Mỹ, ngọn lửa Hồng Thể. Xin nhấn mạnh nơi đây, Hồng Thể là một
Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa cũng phát nguyện hy sinh cúng dường cho Phật
Pháp.
Và quả thật như vậy, sau Lệnh Thiết
Quân Luật và sau Chiến dịch Nước Lũ tổng tấn công tất cả chùa chiền vào đêm
20-8-1963, tượng Phật bị đập phá, pháp khí Phật cụ bị đập đổ ngổn ngang, toàn bộ
thành phần lãnh đạo Phật Giáo bị bắt tải lên xe, phân tán nhỏ ra, giam giữ
nghiêm ngặt. Trong lúc Phật Giáo bị khủng bố cùm gông nghẹt thở trong tù, vô
phương kêu cứu, vô kế thiết thi. Thì ngoài kia, đèn đỏ đã chuyển hướng, đèn
vàng đã xoay chiều và đèn xanh đã bật lên, toàn dân đã đứng lên, toàn quân đã
đứng lên, thay đổi chế độ. Đó là ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Biến cố và Pháp nạn 1963 là đỉnh
điểm cuối cùng của chính sách kỳ thị 9 năm. Việc xóa bỏ chế độ là của toàn quân
toàn dân, chứ Phật Giáo không trực tiếp can dự, vốn là nạn nhân và nếu có chỉ
là nguyên nhân. Thời thế lại xoáy theo cơn lốc 3 năm biến động cho đến thời Đệ
Nhị Cộng Hòa mới tạm tái lập an bình.
Để có một cái nhìn chân thực, Đất
nước và Dân tộc Việt Nam chúng ta, sau 100 đô hộ bởi Thực dân Tây, chính thể
quốc gia ra đời còn non trong trứng nước cuối thời Bảo Đại, biến chuyển qua hai
nền Cộng Hòa trong thể chế tự do dân chủ hãy còn non trẻ, lại bị 21 năm thường
trực mịt mù khói lửa chiến tranh, rồi gọng kềm thời thế nghiệt ngã, Hiệp định
Hòa Bình Paris 1973 ký kết chưa ráo mực, chỉ còn là tờ giấy vô nghĩa vô hiệu.
Cộng Sản Miền Bắc với sự ủng hộ toàn lực của Cộng Sản quốc tế, đã ngang nhiên
tổng tấn công cưỡng chiếm Miền Nam 30-4-1975. Và biến toàn nước Việt Nam lặn
hụp ngoắt ngoải dưới bóng cờ đỏ sao vàng, và điêu đứng tột cùng bởi chế độ Cộng
Sản cho tới hôm nay.
50 năm đi qua, biết bao Anh linh Chư
bậc Tiền bối hữu công, Anh linh hàng triệu chiến sĩ đồng bào đã hy sinh để bảo
vệ tự do cho Miền Nam, ước vọng dân chủ cho một nửa đất nước phía Nam vĩ tuyến
17, trong đó có 521 chiến sĩ Quân đội Hoàng gia Úc đã hy sinh, hàng vài chục
ngàn binh sĩ các nước bạn đồng minh đã hy sinh, vô số các gia đình có người
thân đã mất, vô số thương phế binh dằng dặc nỗi khổ trong cuộc sống phế nhân.
Và sau dấu mốc Miền Nam sụp đổ 1975, tiếp tục phải trả cái giá khốn khổ tột
cùng, toàn thể dân tộc Việt Nam chúng tôi, gần 90 triệu người trong nước chịu
đựng sự kềm kẹp tàn khốc trong nhà tù chung cả nước bởi chế độ Cộng Sản, gần 1
triệu người đã bỏ thân mất tích trên hành trình đi tìm tự do, gần 5 triệu người
sống còn mang kiếp lưu vong tha phương khách thổ trên mọi vùng đất hứa. Nhà tù
chật ních và đày ải tệ hại Quân, Cán, Chính Miền Nam, cùng vô số người tù tôn
giáo, người tù lương tâm và bao nhiêu người tù khác, bởi tiếng nói cho tự do
tôn giáo dân chủ nhân quyền, nói lên tiếng nói lịch sử 5000 năm của Dân tộc
không thể bị sĩ nhục ương hèn, gia tài văn hóa đạo đức 5000 năm của tiền nhân
không thể bị biếm nhẽ suy vi, cơ đồ tổ quốc Việt Nam kiến lập bởi xương máu
trải dài 5000 năm của Ông Cha không thể bị cắt xén dâng hiến, ngay cả các quyền
tự do tối thiểu như tự do đi lại, ngôn luận, báo chí, truyền thông, nhân
quyền,… vẫn chỉ là con số không.
50 năm nhìn lại, Việt Nam vẫn chưa
có tự do dân chủ nhân quyền. 50 năm nhìn lại, sự độc lập và chủ quyền Việt Nam
bị Bắc Phương trấn áp. Vùng biển, vùng trời, biên giới bị cắt xén. Hoàng Sa
Trường Sa và nhiều vùng biển đảo bị xâm lăng. Hôm nay nhìn lại, thiết nghĩ
chính quý vị đã nghe, đã thấy, đã biết, đã tự chứng minh và tự trả lời. Đất
nước Việt Nam của chúng tôi đã bị Cộng Sản làm cho lụn tàn. Dân tộc Việt Nam
của chúng tôi đã bị Cộng Sản bào mòn truyền thống đạo đức kiên trinh hào hùng
sắt son bất khuất.
Đại Lễ 50 Năm Tri Ân Thánh Tử Đạo,
để noi theo gương sáng của tiền nhân, phụng sự đạo lý từ bi tôn trọng nhân bản
bình đẳng, chứ không phải khơi lại đống tro tàn hay với bất cứ một mưu đồ nào,
nhất là mưu đồ hận thù, chính trị, bởi Phật Giáo không có hận thù, không mưu
toan chính trị.
Đại Lễ 50 Năm Tri Ân, Tưởng nhớ Anh
linh các bậc Tiền nhân, Anh linh Chiến sĩ Đồng bào, để tôn vinh ca ngợi sự hy
sinh to lớn của người đã nằm xuống, và nơi an nghỉ của họ phải được gìn giữ tôn
nghiêm chứ không bị xúc phạm xóa mờ.
Chiêu niệm 50 Năm Quốc Nạn Pháp Nạn,
để khẳng định Tổ quốc Việt Nam và Dân tộc Việt Nam hôm nay vẫn tiếp tục tê tỉ
khổ đau và nghiệt ngã quằn quại tận cuối đường hầm.
50 năm đi qua, 50 năm nhìn lại. Mọi
tôn giáo của người Việt Nam, mọi thành phần Dân tộc Việt Nam, ai không phải là
con Lạc cháu Hồng, ai không mang tóc đen da vàng máu đỏ, ai phản bội xoay lưng
Tiền đồ Tổ quốc, ai quên cội quên nguồn đánh đổ quê hương, hãy và tự đứng qua
một bên, còn tất cả tất cả cứ an nhiên như thị.
Đại Lễ Tri Ân Tưởng Niệm 50 Năm đang
diễn ra, xin chắp đôi bàn tay tiếp nối triệu triệu bàn tay, từ Trái Tim Bồ Tát
tiếp nối triệu triệu Trái tim Việt Nam, một tấm lòng thành kính tiếp nối triệu
tấm lòng Dân Tộc, Ba nén tâm hương biến hiện thành rừng hương khói quyện, Hồn
Thiêng Sông Núi hiện về, Tổ Tổ Tông Tông chứng giám, gia hộ cho Đất Nước Việt
Nam tự do dân chủ thái hòa, phù trì cho Tổ Quốc Việt Nam độc lập toàn vẹn núi
sông, phổ độ cho Dân Tộc Việt Nam Rồng Tiên vĩnh lạc miên trường.
1963 –
2013
Mặc Tử
MỤC LỤC
Đại Lễ Tưởng Niệm 50 Năm
Bồ Tát Thích Quảng Đức Tự Thiêu
Discussion about this post