CÁC CÂU TRÍCH DẪN
GIÁO LÝ CỦA ĐỨC PHẬT
Hoang Phong chuyển ngữ
Bài 2
Câu 26 đến 39
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ
Mười bốn câu trích dẫn lời của Đức Phật dưới đây được chọn trong số 34 câu đã được đăng tải trên trang mạng của báo Le Monde, một tổ hợp báo chí uy tín và lâu đời của nước Pháp. Một số câu được trích nguyên văn từ các bài kinh, trong trường hợp này nguồn gốc của các câu trích dẫn đó sẽ được ghi chú rõ ràng, trái lại các câu đã được rút gọn, chỉ giữ lại ý chính, sẽ không có chú thích về nguồn gốc.
Ngoài ra trong bài 1 trước đây, người chuyển ngữ đã mạn phép ghi chú dài dòng với hy vọng có thể giúp một vài độc giả theo dõi dễ dàng hơn chăng các lời trích dẫn đôi khi khá cô đọng hoặc trừu tượng? Dầu sao thiết nghĩ sự suy tư và phán đoán là quyền hạn ưu tiên và thiêng liêng của người đọc, vì lý do đó kể từ bài 2 này, người chuyển ngữ sẽ mạn phép chỉ xin ghi chú thêm một vài suy nghĩ riêng của mình khi cảm thấy cần thiết. Độc giả có thể xem bản gốc tiếng Pháp của các câu trích dẫn này trên trang mạng của báo Le Monde: https://dicocitations.lemonde.fr/auteur/616/Bouddha/30.php
***
Câu 26
Một người mắt bị cườm (cataract) trông thấy các đốm đen nhưng tin rằng đấy là các con ruồi đang bay. Cũng vậy, mọi sự vật chẳng khác gì như những con ruồi chập chờn trước mắt, tất cả đều là hư cấu (fiction/ hư ảo), phát sinh từ sự tưởng tượng của những kẻ điên rồ.
(Lankavatara-sutra/ Kinh Lăng-già)
Câu 27
Những ai trông thấy ta qua vóc dáng của ta,
Những ai bước theo ta vì nghe thấy tiếng nói của ta,
Là những kẻ phát động những cố gắng sai lầm.
Họ sẽ không trông thấy ta.
(Saddharma-pundarika-sutra/Kinh Hoa Sen, còn gọi là Kinh Pháp Hoa)
(Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy Đức Phật, trông thấy Ngài và bước theo vết chân của Ngài xuyên qua Giáo Huấn của Ngài mà thôi)
Câu 28
Nếu muốn trông thấy chư Phật thì phải nhìn vào Dharma (Đạo Pháp).
Nếu muốn tìm thấy những lời khuyên dạy thì phải nhìn vào hiện thân của Dharma.
Thế nhưng bản chất đích thật của Dharma là gì thì không sao có thể nhận biết được.
Không ai có thể hiểu biết (nắm bắt, nhận thức) được nó như là một đối tượng (một hiện tượng, một sự vật cụ thể).
(Vajracchedika-Prajnaparamita-sutra/ Kinh Kim cương)
(Dharma không phải là một cái gì cụ thể trong thế giới hiện tượng để có thể nhận thức, nắm bắt hay cảm nhận được nó như là một đối tượng của sự hiểu biết thông thường và quen thuộc của mình trước các hiện tượng khác trong thế giới. Dharma tự nó là một sự hiểu biết của sự hiểu biết, nói một cách khác là trí tuệ)
Câu 29
Như những vì sao, những con ruồi đang bay hay ánh lửa của một ngọn đèn dầu,
Như một ảo giác ma thuật, một giọt sương mai, hay một bọt bong bóng,
Một giấc mơ, một tia chớp hay một áng mây bay,
Đấy là cách phải nhìn vào mọi hiện tượng tạo tác từ các điều kiện trói buộc.
(Kinh Kim cương)
(“Mọi hiện tượng tạo tác từ các điều kiện trói buộc” có nghĩa là tất cả mọi hiện tượng đều phải tương liên và tương tác với nhau để hiện hữu, nói một cách đơn giản hơn là các hiện tượng phải lệ thuộc vào nhau để mà có (co-production conditioning), không có một hiện tượng nào “độc lập” một cách tự tại và nội tại cả. Mọi hiện tượng đều phải lệ thuộc vào nhau để hiện hữu và cùng nhau chuyển động trong thế giới. Sự trói buộc, tương quan và liên đới đó là một quy luật toàn cầu, tiếng Phạn gọi là Pratityasamutpada. Trong thế giới và cả bên trong tâm thức chúng ta, tất cả mọi hiện tượng cùng hiện ra và biến mất, chẳng khác gì như một tia chớp hay một áng mây bay…).
Câu 30
Thời gian là một vị thầy vĩ đại, thế nhưng vị thầy ấy cũng giết đám học trò của mình bằng sự bất hạnh.
(Thời gian là một vị thầy giúp chúng ta trông thấy được sự chuyển động của thế giới và nhận thức được hiện thực của thế giới. Thế nhưng nếu chúng ta bám chặt vào quá khứ, hy vọng vào tương lại, phác họa các viễn tượng phía sau cái chết…, thì đấy chính là cách mà thời gian sẽ tạo ra khổ đau tức là tình trạng bất toại nguyện thường xuyên của mình. Trong trường hợp đó thời gian sẽ không còn là một vị thầy nữa mà trở thành một hung thần, một kẻ sát nhân).
Câu 31
Tất cả chúng sinh đều là Phật, đều hàm chứa trí tuệ và đạo đức bên trong chính mình.
Câu 32
Toàn là khổ đau, toàn là vô thường.
(Trong thế giới hiện tượng chẳng có gì khác cả, ngoài hai thứ ấy).
Câu 33
Bạn không thể nào ngao du trên con đường một khi chính bạn chưa phải là con đường.
(Khi nào chưa thấu triệt được Dharma thì không thể nào hòa nhập với Dharma và trở thành Dharma được)
Câu 34
Hiến dâng sự thật là sự hiến dâng vượt lên trên tất cả các sự hiến dâng khác.
Câu 35
Hãy tự thắp đuốc để soi đường cho mình, tự biến mình thành hòn đảo của chính mình, nơi an trú cho mình. Không nên tìm một nơi an trú nào bên ngoài chính mình.
.
.
Sau đây là bốn câu trích dẫn nổi tiếng nhất, ngắn nhất,
dài nhất và đẹp nhất của Đức Phật
Câu 36
Câu trích dẫn nổi tiếng nhất của Đức Phật:
“Hãy trông cậy tất cả từ bên trong chính mình”.
Câu 37
Câu trích dẫn ngắn nhất của Đức Phật:
“Hãy trông cậy tất cả từ bên trong chính mình”
Câu 38
Câu trích dẫn dài nhất của Đức Phật:
“Hãy tìm chư Phật bên trong Dharma (Đạo Pháp).
Hãy đón nhận những lời khuyên dạy từ bên trong hiện thân của Dharma.
Thế nhưng bản chất đích thật của Dharma là gì,
thì lại không thể nào có thể nhận biết được.
Không ai có thể thấu triệt được Dharma dưới hình thức một đối tượng”.
(Dharma là một “Sự Thật” toàn cầu và tuyệt đối, mang kích thước vũ trụ, có nghĩa là vượt lên trên thế giới hiện tượng, vì thế không thể nào có thể hình dung Dharma như là một đối tượng của sự hiểu biết thông thường).
Câu 39
Câu trích dẫn đẹp nhất của Đức Phật:
“Chúng ta tạo ra thế giới bằng tư duy của chính mình”
- Bures-Sur-Yvette, 14.11.20
- Hoang Phong chuyển ngữ
(còn tiếp)
Bài trước:
Các câu trích dẫn giáo lý của Đức Phật
Discussion about this post