Buông xả là một trong những trạng thái cao tột trên con đường hành trì Phật pháp, là nền tảng của trí tuệ và giải thoát, đồng thời, nó còn bảo hộ cho sự cảm thông và tình yêu thương.
Một số người cho rằng buông xả là một trạng thái trung lập khô khan và lãnh đạm nhưng thật ra, hạnh buông xả khiến cho bản thân hành giả tỏa ra một năng lượng rạng rỡ và ấm áp. Theo ngôn ngữ Pali, buông xả được dịch là upekkha và tatramajjhattata. Trong đó, upekkha được sử dụng một cách phổ biến hơn; thuật ngữ này có nghĩa là “xem qua” và chỉ cho đức tính buông xả hay sự quân bình của tâm, có được từ khả năng quan sát nhưng không nắm bắt đối tượng. Khi được phát triển đúng cách, năng lượng đặc biệt này sẽ đưa đến sự bình an tuyệt diệu trong tâm.
Theo Đức Phật, phương pháp để mang lại sự bình an nội tại là khéo chú tâm quan sát: chánh niệm liên tục từ không ngừng nghỉ và dựa trên sự tác ý nhằm phát triển đức tính buông xả. Ý niệm buông xả trước sẽ làm tiền đề cho ý niệm sau. Một khi đức tính này được thực tập và phát triển, thì sự bình an và vững chãi sẽ ngày càng sâu sắc và không gián đoạn. Ngoài ra, buông xả có thể giúp sự thực hành tiến đến một cấp độ cao hơn, vượt lên cả sự thấu hiểu về hiện tượng sinh diệt của các pháp.
Học Phật mấy người có thể buông xả?
Trạng thái buông xả không dễ phát sinh trong tâm của những hành giả mới bắt đầu thực tập thiền định. Mặc dù họ có thể rất cố gắng và nỗ lực để duy trì chánh niệm, nhưng sự cân bằng hay bình an nội tại cũng chỉ chợt đến rồi chợt đi. Tâm của hành giả chỉ đạt được bình an trong một khoảng thời gian rất ngắn, và rồi trạng thái đó lại biến mất rất nhanh.
Tuy nhiên, nếu đức tính buông xả được tu tập và trau dồi thường xuyên, bình an sẽ xuất hiện thường xuyên và duy trì lâu hơn trước. Cuối cùng, bình an sẽ dần đủ lớn và vững chãi để trở thành một yếu tố của sự giác ngộ. Cùng với như lý tác ý, dưới đây là năm cách để tu tập buông xả và phát triển tâm định tĩnh:
Cân bằng cảm xúc đối với tất cả muôn loài
Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần phải có là một thái độ bình đẳng đối với tất cả mọi loài. Thông thường, đối với những người thân yêu và thậm chí là những con thú cưng, chúng ta mong muốn được gắn bó và gần gũi hàng ngày. Nhưng nhiều khi chính thái độ đó lại khiến chúng ta “phát cuồng” lên vì sự yêu thương quá mức. Như vậy, đây rõ ràng không phải là một tác nhân tốt cho việc thực tập đức tính buông xả và đạt được trạng thái cân bằng của tâm.
Để chuẩn bị một môi trường tốt cho tâm quân bình, chúng ta nên cố gắng nuôi dưỡng và phát triển một thái độ bình đẳng và không chấp chặt vào những người thân và những con vật mà ta yêu quý. Dĩ nhiên, sống trên cuộc đời này, chúng ta có thể tồn tại một số mối quan hệ nhất định; nhưng nếu cứ khư khư buộc chặt mình vào các mối quan hệ đó, thì chúng ta sẽ hủy hoại chính bản thân mình cũng như những người thân yêu, bởi vì khi đó, chúng ta sẽ chỉ chăm chăm lo lắng quá nhiều đến những lợi ích của họ. Vì vậy, chúng ta nên cố gắng gạt bỏ những mối bận tâm và các lo lắng thái quá đó sang một bên, đặc biệt là khi đang ở trong một khóa tu.
Một phương pháp khác nhằm cởi bỏ sự dính mắc là quán chiếu tất cả chúng sinh đều là những người thừa tự nghiệp của chính họ. Họ gặt hái phần thưởng của những nghiệp tốt và gánh chịu hậu quả của những hành vi bất thiện của chính bản thân mình trong quá khứ. Họ đã tạo nghiệp theo ý muốn riêng của chính họ và không ai có thể ngăn cản kết quả của nghiệp xảy đến với họ. Cuối cùng, chẳng ai có thể làm gì để cứu họ. Nếu bạn nghĩ theo hướng này thì bạn sẽ bớt lo lắng cho những người thân yêu của mình.
Bạn cũng có thể duy trì sự bình an nội tâm bằng cách quán chiếu về cứu cánh của thực tại. Có lẽ bạn nên tự nhủ rằng thực ra mà nói chỉ có danh và sắc. Vậy thì người mà bạn yêu thương điên cuồng đang ở đâu? Duy chỉ có danh và sắc, thân và tâm, sinh và diệt trong từng sát-na. Bạn đang yêu sát-na nào? Đó chính cũng là một cách để tu tập hạnh buông xả.
Buông xả không phải là vô cảm, lãnh đạm hay hờ hững đối với mọi thứ xung quanh, mà nó đơn giản chỉ là sự không thiên vị, không đặt nặng bất kỳ điều gì. Với sự hiện diện của đức tính này, người ta sẽ không gạt bỏ những gì mình không thích và chấp chặt vào những thứ mình thích. Tâm trí luôn ở trạng thái cân bằng và chấp nhận mọi thứ như chúng đang là. Khi xả giác chi có mặt, thì chúng ta sẽ buông bỏ hết những sự thương ghét đối với mọi loài.
Cân bằng cảm xúc đối với những vật dụng xung quanh
Phương pháp thứ hai để phát triển yếu tố giác ngộ này là xây dựng một thái độ quân bình đối với những vật dụng xung quanh mình: tài sản, trang phục,… Ví dụ, đối với trang phục chẳng hạn, chúng sẽ bị phai màu và rách rưới sau một thời gian sử dụng. Chúng cũng sẽ bị biến đổi và hoại diệt giống như mọi thứ khác, vì bản chất của chúng là vô thường. Hơn nữa, về phương diện cứu cánh, thì chúng ta hoàn toàn không phải là chủ sở hữu chúng. Tất cả mọi thứ đều là vô ngã, và không ai có thể sở hữu bất kỳ thứ gì. Để phát triển đức tính buông xả và loại bỏ sự bám víu vào chúng, hãy xem những vật chất đó chỉ tồn tại nhất thời. Bạn có thể tự nhắc nhở bản thân mình rằng: “Tôi sẽ tận dụng chúng trong một thời gian ngắn. Chúng sẽ chẳng thể tồn tại mãi mãi được”.
Những người bị cuốn theo dòng xoáy của các mẫu thời trang luôn buộc mình phải mua những sản phẩm mới mỗi khi chúng được tung ra thị trường. Nhưng một khi đã mua thứ này thì thứ khác mới mẻ hơn, mẫu mã đẹp hơn sẽ sớm xuất hiện. Cuối cùng, họ cứ liên tục vứt bỏ cái cũ để chạy theo cái mới. Hành động này chắc chắn không bao giờ đưa đến sự buông xả và bình an trong nội tâm.
Tránh những người luôn “phát cuồng”
Phương pháp thứ ba để phát triển tâm quân bình là tránh kết giao, thân cận và gặp gỡ những người dễ phát cuồng đối với những người và vật xung quanh mình. Những người này thường có tính chiếm hữu rất cao. Họ chấp chặt vào những gì mà họ nghĩ là thuộc về họ, cả con người lẫn đồ vật. Một vài người lại cảm thấy khó chịu khi ai đó sử dụng hoặc thừa hưởng tài sản của họ.
Bản thân tôi đã chứng kiến trường hợp đặc biệt của một vị sư già, sư vô cùng yêu thương những con thú cưng. Có vẻ như trong tu viện của mình, sư đã nuôi rất nhiều chó và mèo. Một ngày nọ, sư đến Trung tâm thiền Rangoon của tôi để tham gia khóa tu. Trong khi đang thực tập thiền định, sư hướng tâm đến những gì mà sư yêu thích, nhưng sự thực hành không thể tiến xa hơn được.
Cuối cùng, tôi nảy ra một ý nghĩ và đến hỏi sư rằng có phải sư có rất nhiều thú cưng tại tu viện của mình hay không. Lúc ấy, sư như sực tỉnh và đáp rằng: “Ồ vâng, tôi có rất nhiều chó và mèo. Kể từ khi đến đây, tôi luôn nghĩ rằng liệu có đủ thức ăn cho chúng hay không và tình trạng của chúng hiện giờ như thế nào rồi”. Nghe đến đây, tôi yêu cầu sư hãy gạt những con vật kia sang một bên và chú tâm vào việc thực hành thiền. Không lâu sau đó, sư đã tiến bộ rất nhanh trong sự tu tập.
Đừng nên yêu thương ai đó một cách thái quá, thậm chí đối với cả những con vật cưng. Làm được như thế thì bạn mới có thể tiến xa hơn trong sự tu tập và phát triển hạnh buông xả như một nhân tố của sự giác ngộ.
Thân cận những người luôn giữ được tâm quân bình
Phương pháp thứ tư để phát triển đức tính buông xả là kết giao với những người bạn hầu như không sự bám víu vào tài sản và những người khác. Phương pháp này rất đơn giản, dễ thực hiện và hoàn toàn trái ngược với phương pháp thứ ba. Trong việc lựa chọn bạn để thân cận, nếu chẳng may gặp trúng vị sư già mà tôi đã vừa mới kể ở trên thì bạn có thể phải gặp rắc rối rồi.
Luôn hướng tâm về trạng thái quân bình
Phương pháp cuối cùng của chi phần đưa đến sự giác ngộ này là hãy hướng tâm liên tục đến sự tu tập tâm buông xả. Khi tâm của bạn được đặt đúng hướng, nó sẽ không nghĩ vẩn vơ đến những con chó và mèo ở nhà, hay thậm chí là những người mà bạn yêu thương. Tâm sẽ trở nên quân bình và hài hòa hơn.
Hạnh buông xả đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự tu tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Nói chung, thông thường, chúng ta bị cuốn đi bởi những điều khiến bản thân cảm thấy ưa thích và dễ chịu, nhưng lại bị kích động mạnh khi gặp phải những đối tượng đáng ghét và không mong muốn. Sự luân chuyển liên tục này hầu như là đặc điểm chung của tất cả nhân loại. Khi không có khả năng để buông xả và giữ cho tâm được bình tĩnh, thì chúng ta sẽ dễ dàng bị cuốn vào dòng xoáy của hai loại cực đoan: tham muốn và chán ghét.
Khi tâm chìm đắm vào các đối tượng của giác quan, nó sẽ bị kích động. Nếu chúng ta quan sát, thì đây là tình trạng thông thường của tất cả mọi người. Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc, chúng ta thường tưởng nhầm sự phấn khích của tâm với hạnh phúc thực sự. Nhưng nếu cứ mãi đắm chìm trong đó, thì chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội để trải nghiệm sự bình an nội tại và những niềm hạnh phúc lớn hơn nữa.
Discussion about this post