Lại những có những đoạn kinh, cụ thể là trong kinh Đại bát Niết-bàn và một số kinh khác, Ngài lại nói lộ trình là Giới – Định – Tuệ, và đây cũng chính là lộ trình mà hầu như tất cả mọi người học Phật tin tưởng và thống nhất. Còn khi nói về Năm căn và Năm lực, Thế Tôn lại nói theo thứ tự là Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ hay nói gọn là Niệm – Định – Tuệ. Vậy giữa ba cách thuyết minh này xét theo lộ trình sinh diệt (nhân quả) giữa các chi phần, có điều gì mâu thuẫn nhau chăng? Để hiểu đúng thì cần phải phân tích rõ từng cách thuyết minh:
Trong hầu hết các bản kinh Nikaya nói đầy đủ về tám chi phần của Bát Chánh đạo, Đức Phật đều bắt đầu với chi phần Chánh kiến và kết thúc là Chánh định, ví như đoạn này trong kinh Chuyển pháp luân:
“Và thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định” (Kinh Tương ưng bộ, tập V, phẩm Chuyển pháp luân).
Chúng ta cần phải hiểu rằng, từ cổ chí kim, Đức Phật Gotama là người độc nhất vô nhị trên thế gian này không thầy chỉ dạy mà tự mình tìm ra chân lý, đó là Tứ Thánh đế và lý Duyên khởi. Không những tự mình tìm ra chân lý để đạt được mục đích cuối cùng của cuộc sống là giải thoát khỏi mọi khổ đau, mà Ngài còn chỉ dạy cho rất nhiều người khác con đường đó để cho họ cũng được giải thoát như Ngài. Còn ngoài ra, không có bất cứ một ai có khả năng đó.
Các vị Phật Độc giác trong quá khứ cũng tự tìm ra con đường giải thoát, nhưng họ chỉ giải thoát cho riêng mình họ mà không thể giảng dạy cho bất kỳ một người thứ hai nào khác. Còn lại, ai muốn giác ngộ và giải thoát thì đều phải trải qua lộ trình bắt đầu là nghe giáo pháp của bậc Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết, sau đó tư duy những điều đã được nghe để cho thêm sâu sắc, và sau cùng từ những tri thức đã được học hỏi, được tư duy đó mà thực hành sự tu tập, rèn luyện để dần dần đạt được Trí tuệ và sự Giải thoát. Đó chính là lộ trình Văn – Tư – Tu mà 45 năm thuyết pháp Đức Phật đã dày công truyền dạy. Đây là lộ trình duy nhất để đạt được Trí tuệ hiểu đúng sự thật các pháp (Minh) và đạt được sự Giải thoát khỏi luân hồi khổ đau mà bất cứ ai cũng phải tuân theo.
Một người phàm phu muốn có được Trí tuệ, thì trước hết phải nghe giảng từ bậc Chánh Đẳng Giác (Đức Phật) hoặc đệ tử của bậc Chánh Đẳng Giác (các vị Tăng) hoặc tự tìm tòi, nghiên cứu qua Kinh, Luật do bậc Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết được ghi lại trong sách vở và các tài liệu khác. Trí tuệ do học hỏi này gọi là Văn tuệ, chính là hiểu biết đúng sự thật về các pháp, là Chánh kiến. Như vậy là Chánh kiến dẫn đầu.
Sau khi học hỏi như trên để có được Văn tuệ tức Chánh kiến, người đó phải suy nghĩ, tư duy về những điều đã được học, lại đối chiếu những tri thức đó với những hiểu biết trước đây, nghiền ngẫm những điều đó để soi lại những gì xảy ra trong cuộc sống, trong thực tại đang diễn ra… để cho Trí tuệ đó được thêm sâu sắc, và Trí tuệ này bây giờ được nâng cao thêm một bậc gọi là Tư tuệ. Và giai đoạn này chính là Chánh tư duy trong tám chi phần Bát Chánh đạo.
Sau khi có được Văn tuệ và Tư tuệ như vậy, người đó khởi lên lòng tin (Chánh tín) đối với Phật, đối với Pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ và khéo thuyết giảng, đối với chúng Tăng là những đệ tử Phật. Lòng tin đó được biểu hiện:
– Đối với Phật: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.
– Đối với Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”.
– Đối với Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng được cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”.
Do có lòng tin với Phật Pháp Tăng như vậy mà khởi lên ước muốn tu tập Bát Chánh đạo. Do có lòng tịnh tín đối với Phật Pháp Tăng, có ước muốn tu tập Bát Chánh đạo vì hiểu đây là con đường duy nhất chấm dứt khổ, người ấy sẽ dẹp bỏ bớt những công việc thế gian, người ấy từ bỏ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say để chuẩn bị cho việc tu tập Bát Chánh đạo. Như vậy, đây chính là 3 chi phần Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng tiếp theo trong lộ trình Chánh kiến… Chánh định.
Sau khi đã gác lại bớt những chuyện thế gian thì người ấy khởi lên sự tinh tấn đoạn trừ các ác bất thiện pháp đã sanh, không cho sanh khởi các ác bất thiện pháp chưa sanh (cũng chính là giữ Giới như trên) để khởi lên sự tinh tấn tu tập Bát chánh đạo, đây chính là Chánh tinh tấn trong tám chi phần Bát Chánh đạo nêu trên.
Như vậy, sáu chi phần này (từ Chánh kiến đến Chánh tinh tấn) là giai đoạn chuẩn bị cho việc thực hành tu tập Bát Chánh đạo.
Các bước này cũng được đề cập trong kinh Sa-môn quả (Trường bộ kinh), Thế Tôn dạy vua Ajatasattu (A-xà-thế):
“Này Đại vương, nay ở đời, Như Lai xuất hiện là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí thế giới này với thiên giới, ma giới, phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên Nhơn, lại tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.
Người gia trưởng, hay con vị gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp (hạ tiện) nào nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, vị này suy nghĩ: “Đời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình”. Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ hay tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Khi đã xuất gia như vậy, vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập trong giới học, thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh. Sinh hoạt trong sạch giới hạnh Cụ túc, thủ hộ các căn, chánh niệm tỉnh giác, và biết tri túc…”.
Khi đã hoàn thành công việc chuẩn bị thật chu đáo cho sự tu tập, thì người đó sẽ bắt đầu việc thực hành. Và sự thực hành tu tập (pháp hành Bát Chánh đạo) được Đức Phật dạy trong 3 bài kinh là kinh Niệm xứ, kinh Nhập tức xuất tức niệm, kinh Thân hành niệm. Toàn bộ sự thực hành được tóm gọn trong câu kinh: “Ngồi kiết-già, lưng thẳng, an trú chánh niệm trước mặt”. Sự thực hành tu tập có nội dung là quán trên bốn đề mục, tức Tứ niệm xứ gồm: quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp. Sự thực hành này thực chất là luyện tập trí nhớ, với nội dung là nhớ đến những điều đã học và tư duy (Văn tuệ và Tư tuệ) để đối diện với những gì đang diễn ra trong thực tại khi tu tập. Giai đoạn này chính là Chánh niệm trong tám chi phần của Bát Chánh đạo.
Tiếp đó, nhờ có Chánh niệm liên tục, mà phát sinh sự chú tâm liên tục từ đối tượng này sang đối tượng khác không bị xao nhãng, không bị gián đoạn. Do đó đưa đến các trạng thái Định gồm Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Nhờ an trú trên bốn bậc thiền này mà hành giả ở trong trạng thái gọi là Tỉnh giác. Đây chính là chi phần Chánh định, chi phần cuối trong tám chi phần của Bát Chánh đạo theo cách thuyết minh trên. Nhưng lộ trình tâm không phải chỉ dừng lại đây mà còn diễn tiến tiếp theo, tùy vào đề mục quán và tùy các đối tượng thực tại. Nhưng diễn tiến như thế nào sẽ nói trong phần sau (cách thuyết minh về Bát Chánh đạo khác).
II. Lộ trình Giới – Định – Tuệ
Trong một số bài kinh, đặc biệt là kinh Đại Bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), có lặp đi lặp lại câu này: “Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu”.
Lộ trình Giới-Định-Tuệ này được hầu hết những người học Phật tin tưởng và thống nhất, nhưng nhiều người lại hiểu một cách nôm na rằng: Việc tu tập Bát Chánh đạo theo Đức Phật dạy bắt đầu là phải giữ Giới, “Giới luật là gốc, là nền tảng của đạo Phật”, “Giới luật còn thì đạo Phật còn”, “khi Phật Niết-bàn rồi thì Giới luật chính là thầy”, do việc giữ Giới mà phát sinh Định, do có Định mà phát sinh trí tuệ. Do hiểu biết như vậy nên nhiều người xem Giới như là cốt tủy, một số người còn hiểu rằng chỉ cần giữ Giới không phạm một lỗi nào là có thể chứng quả Dự lưu rồi. Đây là những hiểu biết nông cạn và chưa đúng với điều mà Đức Phật dạy, là xuyên tạc Như Lai.
Cũng trong kinh Đại Bát Niết-bàn, Đức Phật căn dặn: “Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác; dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác”.
Điều này có nghĩa là Pháp, tức trí tuệ mới là nền tảng, là gốc đạo Phật chứ không phải Giới luật như một số người vẫn lầm tưởng. Giới luật chỉ là thứ yếu, và điều này cũng được Thế Tôn nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong kinh Phạm võng (Trường bộ kinh): “Này các Tỷ-kheo, đấy là những vấn đề không quan trọng, nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu dùng để tán thán Như Lai”.
Như cách thuyết minh Bát Chánh đạo ở mục I (Lộ trình Tuệ-Giới-Định), một người phàm phu muốn tu học theo giáo pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ và khéo thuyết giảng để đạt được mục đích là giải thoát khỏi Khổ thì phải trải qua lộ trình tu học Văn-Tư-Tu. Sau khi đã có được sự hiểu biết đúng sự thật về các pháp, người đó hiểu được rằng muốn có được Chánh niệm khi tu tập thì việc giữ Giới là cần thiết nên người đó thọ trì các học giới. Giới như vậy là do sự hiểu biết đúng về Pháp, chứ không phải do Tham Sân Si mà giữ Giới. Giới như vậy là để giúp đoạn trừ Tham Sân Si, mà cụ thể là để tạo nhân duyên cho Chánh niệm khởi lên khi thực hành tu tập Bát Chánh đạo. Giữ Giới như vậy là công việc chuẩn bị cho việc thực hành Chánh niệm.
Như vậy, không phải là nhờ có Giới mà phát sinh Định như nhiều người vẫn hiểu, mà Định có được là phải nhờ có Niệm. Còn những người không có hiểu biết đúng sự thật về lời Đức Phật dạy cũng giữ Giới, Giới họ giữ rất trọn vẹn, nhưng họ giữ Giới không với mục đích đoạn trừ Tham ái, mà giữ Giới mới mong muốn để cho kiếp sau được sinh ra ở nơi có hoàn cảnh tốt đẹp, để có sắc tướng hảo, để có sức khỏe tốt, giữ giới để không bị đọa vào địa ngục, ác thú, cõi dữ… Giữ Giới như vậy là do thích và ghét, tức là do Tham và Sân, thì đó là Giới cấm thủ, chứ không phải Giới trong Giới luật bậc Thánh thuộc Thánh Giới uẩn.
Do có Văn tuệ và Tư tuệ, hành giả khởi lên lòng tịnh tín với Phật Pháp Tăng, tin tưởng đây là con đường độc nhất giải thoát khỏi Khổ, nên vị đó gác lại bớt những công việc thế gian, dẹp bỏ những điều không hướng đến mục đích, thọ trì các học giới và bắt đầu vào sự thực hành tu tập. Do có Giới, mà những chuyện thế gian, những thông tin, tư tưởng thế gian ít khởi lên mà chỉ khởi lên những thông tin về Pháp, là Chánh kiến, là Trí tuệ, là Minh nên vị đó có Chánh niệm khít khao. Do có Chánh niệm (nhớ đến, kích hoạt những thông tin Minh trong bộ nhớ), mà có sự chú tâm liên tục vào những đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận, do đó hành giả an trú trên 4 tầng định (Chánh định) từ Sơ thiền đến Tứ thiền.
Hành giả an trú trạng thái Tỉnh giác, là trạng thái chỉ có cái biết đơn thuần nơi các giác quan mà không khởi lên cái biết của ý thức, nên vị đó an trú trạng thái tâm vắng lặng mọi suy nghĩ, không có thích ghét đối tượng nào, không có tư tưởng Vô minh, Chấp ngã nào khởi lên. Đó cũng chính là an trú Không tánh Giải thoát hay Không trú, kinh Pháp môn căn bản gọi là Thắng tri, hay cũng gọi là Ngoại không, còn tâm lý học hiện đại gọi là Nhận thức cảm tính… với cái biết vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt. Phần này thuộc chi phần Định trong Giới-Định-Tuệ.
Không dừng lại ở đó, với những đối tượng nổi trội, từ việc an trú Tỉnh giác sẽ tiếp tục phát sinh hành vi tư duy, so sánh, đối chiếu những thông tin do Chánh niệm kích hoạt với những thông tin do tâm biết Tỉnh giác ghi nhận mà phát sinh tâm biết ý thức Chánh tri kiến, là cái biết có khái niệm, có ngôn từ, có phân biệt mà tâm lý học gọi là Nhận thức lý tính đối tượng. Đây là cái biết đúng sự thật, là Minh, là trí tuệ, Liễu tri các pháp. Do hiểu biết đúng sự thật về các pháp mà không còn phát sinh thái độ Tham Sân Si với đối tượng, nên không có Khổ với đối tượng. Sự giải thoát này do trí tuệ khởi lên nên gọi là Tuệ giải thoát. Đây chính là Tuệ trong Giới-Định-Tuệ.
Như vậy, Tuệ-Giới-Định hay Giới-Định-Tuệ là thống nhất, không có gì mâu thuẫn nhau giữa hai cách thuyết minh này cả.
III. Lộ trình Niệm – Định – Tuệ
Trong kinh Nikaya, nói về Năm căn và Năm lực, Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm căn” (Kinh Tương ưng bộ, tập V). “Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, có năm lực này” (Kinh Tăng chi bộ, chương Năm pháp).
Như vậy, ngoài hai cách thuyết minh trên thì Bát Chánh đạo còn được thuyết theo lộ trình Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ, nói tắt là Niệm-Định-Tuệ.
Cũng như ở phần I đã nói, một người không phải là bậc Chánh Đẳng Giác, không phải là Phật Độc Giác, muốn thoát Khổ chỉ có một cách duy nhất là tu tập Bát Chánh đạo theo lộ trình Văn-Tư-Tu. Khi đã có được Văn tuệ và Tư tuệ, người tu sẽ phát sinh lòng tin đối với Phật Pháp Tăng.
Lòng tin (tịnh tín) này không phải là mê tín mà là do Văn tuệ và Tư tuệ mang lại, nên đó là Chánh tín. Do có Chánh tín mà người đó gác lại những công việc thuộc về thế gian, người đó khởi lên sự tinh tấn tu tập, sự tinh tấn này sẽ cắt đứt những nỗ lực đối với các pháp thế gian nên đó là Chánh tinh tấn. Hai chi phần này (Tín và Tấn) cũng thuộc về công tác chuẩn bị, thuộc về hiệp thế, chưa phải là Đạo chi.
Khi thực hành tu tập Bát Chánh đạo mà cụ thể là thực hành 4 loại Chánh niệm (Tứ niệm xứ), vị ấy “ngồi kiết-già, an trú chánh niệm trước mặt”, hay trong bất kỳ tư thế nào, từ đi, đứng, nằm, ngồi, sinh hoạt, làm việc… hễ khi thấy, nghe, cảm nhận một đối tượng nào, vị ấy nhớ đến những điều đã được học (Văn tuệ và Tư tuệ), đó là Chánh niệm. Do có Chánh niệm khít khao, không gián đoạn mà khởi lên sự Tinh tấn, do có sự Tinh tấn mà phát sinh sự chú tâm liên tục vào những đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận, nên hành giả an trú 4 bậc thiền của Chánh định. Hành giả kinh nghiệm được trạng thái Tỉnh giác như đã nói ở mục II. Lộ trình tâm diễn ra như sau:
Xúc (căn + trần) -> Thọ – Tưởng -> Chánh niệm -> Chánh tinh tấn -> Chánh định -> Tỉnh giác.
Tiếp theo, với những đối tượng nào nổi trội, từ Tỉnh giác mà phát sinh hành vi Tư duy, so sánh, đối chiếu giữa hai lượng thông tin gồm lượng thông tin Minh do Văn tuệ và Tư tuệ được Chánh niệm kích hoạt và lượng thông tin do tâm biết Tỉnh giác ghi nhận, mà phát sinh tâm biết ý thức Chánh tri kiến, biết đúng sự thật các pháp (những gì được thấy, nghe, cảm nhận) là cảm giác (Cảm thọ), thuộc về phạm trù tâm (Vô tướng) chứ không phải cảnh, nó do duyên tiếp xúc giữa con người (6 căn) và thế giới (6 trần) mà phát sinh, nó Vô thường, Vô ngã, nó có vị ngọt (hạnh phúc), có sự nguy hiểm (nếu yêu thích, tham đắm) và sự xuất ly (do hiểu sự nguy hiểm), nên hành giả không còn phát sinh thái độ Tham Sân Si với đối tượng nữa, do không yêu thích, không chán ghét nên không có dính mắc, ràng buộc với đối tượng, nên vị ấy không có hạnh phúc hay khổ đau đối với đối tượng. Hành vi phát sinh (lời nói, việc làm, ăn uống nuôi mạng) để cư xử với những đối tượng thực tại không do Tham Sân Si nên không còn tạo tác (Vô tác) quả Khổ như ở phàm phu. Lộ trình tâm là:
Xúc (căn + trần) -> Thọ – Tưởng -> Chánh niệm -> Chánh tinh tấn -> Chánh định -> Tỉnh giác -> Chánh tư duy -> Chánh tri kiến -> Như lý tác ý -> Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.
Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng này mới chính là Giới của bậc Thánh.
Đây chính là lộ trình tâm Bát Chánh đạo siêu thế khởi lên khi hành giả thực hành Tứ niệm xứ theo đúng kim ngôn Đức Phật. Lộ trình này đầy đủ 8 chi phần theo thứ tự duyên khởi là Chánh niệm, Chánh tinh tấn, Chánh định, Chánh tư duy, Chánh tri kiến, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Lộ trình này với trục chính là ba chi phần Chánh niệm – Chánh định – Chánh kiến mà gọi tắt là Niệm-Định-Tuệ.
Tại sao lại là Chánh niệm đứng đầu? Điều này rất là vi tế, dành cho người trí, người thực hành tu tập Bát Chánh đạo có thực chứng mới kinh nghiệm được, nếu chỉ đọc kinh và chấp vào kinh và thực hành không đúng lời Phật dạy thì sẽ thấy mâu thuẫn và đưa đến tranh luận.
Đức Phật có nói nhưng không chỉ rõ ra, mà chỉ những người nghiên cứu kinh điển biết tư duy sâu sắc, xâu chuỗi, liên kết, liên hệ các bài kinh một cách hợp logic, cũng như một người luật sư tài ba khi điều tra các vụ án biết xâu chuỗi tình tiết các sự kiện, đồng thời người đó phải kiểm nghiệm qua sự thực hành có thân chứng mới nhận rõ. Trong bài kinh Cỗ xe thù thắng (Tương ưng bộ, tập V), Ngài nói “Niệm là người đánh xe”, có nghĩa là khi 6 căn tiếp xúc 6 trần thì thánh hay phàm đều phát sinh 6 loại cảm giác (Thọ) và 6 tâm biết trực tiếp (6 thức). Tại đây sẽ là chỗ rẽ, nếu Chánh niệm khởi lên thì lộ trình tâm Bát Chánh đạo siêu thế sẽ khởi lên như trên. Còn nếu Tà niệm khởi lên (với những người không có tu tập Bốn niệm xứ đúng đắn) thì lộ trình tâm Bát Tà đạo thuộc về thực tại thế gian của phàm phu sẽ khởi lên, và đưa đến khổ đau, phiền não. Lộ trình Bát Tà đạo sẽ khởi lên như sau:
Xúc (căn + trần) -> Thọ – Tưởng -> Tà niệm -> Tà tư duy -> Tà tri kiến -> Tham Sân Si -> Tà định -> Dục -> Tà tinh tấn -> Phi như lý tác ý -> Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng -> Sầu bi khổ ưu não
Hay như trong kinh Tăng chi bộ (chương Mười pháp), kinh Lấy căn bản nơi Thế Tôn, Đức Phật nói “Các pháp lấy Niệm làm Tăng thượng…”, có nghĩa là do Chánh niệm hay Tà niệm được khởi lên mà lộ trình tâm (các pháp) sẽ được thanh tịnh (Tăng thượng) hay uế nhiễm (Hạ liệt).
Và những bài kinh dạy về pháp hành là kinh Niệm xứ, kinh Thân hành niệm, kinh Niệm hơi thở, Đức Phật cũng dạy thực hành Chánh niệm mà thôi.
Kết luận
Như vậy, Bát Chánh đạo hay Đạo đế, dù là cách thuyết minh như thế nào, là Tuệ-Giới-Định, Giới-Định- Tuệ hay Niệm-Định-Tuệ, thì đều không có mâu thuẫn mà là thống nhất với nhau, và phải tuân theo lộ trình Văn-Tư-Tu. Bất cứ một người nào, không phải là bậc Chánh Đẳng Giác hay bậc Độc giác, thì đều phải tuân thủ theo lộ trình tu chứng này.
Discussion about this post