DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH
NỘI
DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 24
CÔNG
ĐỨC DO TU HÀNH VÀ PHƯỚC ĐỨC DO BỐ THÍ
(Nghe
audio bấm vào hàng chữ này)
Thưa
quý thính giả,
Hôm
nay chúng tôi xin kính gửi tới quý vị một câu chuyện về
“công đức do tu hành” và “phước đức do bố thí”, câu chuyện
có liên quan đến ngài Bồ Đề Đạt Ma, Sơ Tổ Thiền Tông
Đông Độ.
Có
lẽ một số Phật tử — và ngay cả quý vị không phải là
Phật tử — cũng đã có dịp nghe nói về ngài, hoặc ít ra
cũng đã từng trông thấy ngài trong hình ảnh một vị sư
người Ấn Độ với bộ râu quai nón, đôi mắt xếch lên
nhìn sâu thăm thẳm và vai vác một cây thiền trượng, đầu
thiền trượng treo lủng lẳng một chiếc dép.
Khác
với các hình tượng Phật và chư Bồ Tát, thường chỉ bầy
hoặc treo trong chùa, tượng và hình ảnh ngài Bồ Đề Đạt
Ma thì ngoài pho tượng treo nơi nhà Tổ trong chùa, còn xuất
hiện rất phổ thông trong đời sống thế gian, có khi là ở
những tranh treo trang trí trên tường, hoặc là trên những
tấm lịch lụa, những bức mành sáo, quạt lụa, vân vân.
. . Tại vì hình ảnh ngài đã đi sâu vào tâm khảm dân chúng,
nhất là giới văn học Phật giáo, như là một biểu tượng
của tự do khai phóng, với câu tuyên ngôn sấm sét khi ngài
mới đặt chân lên đất Trung Hoa:
Không
lập văn tự
Truyền
ngoài giáo lý,
Chỉ
thẳng tâm ngưòi
Thấy
Tánh thành Phật.
Tại
sao ngài lại ra một tuyên ngôn có vẻ mãnh liệt như thế?
Bởi
vì khoảng thời gian đó là lúc mà kinh điển nhà Phật đã
được truyền bá rộng rãi ở Trung Hoa. Các nhà trí thức
say sưa nghiên cứu phần lý thuyết, đàm luận về những sự
huyền diệu, thâm sâu, uyên áo, chẻ sợi tóc ra làm tư, coi
Phật giáo như một môn triết học, phí bỏ mất phần cốt
tủy của đạo Phật, là phần tu chứng với mục tiêu giải
thoát được kiếp người ra khỏi những phiền não ràng buộc,
giác ngộ lại Bản Thể, chấm dứt mọi đau khổ triền miên
trong dòng sinh tử.
Nhận
sứ mạng của sư phụ ủy thác, ngài Bồ Đề Đạt Ma sang
Trung Hoa để đem ánh sáng giác ngộ chiếu vào miền đất
thấm nhuần tư tưởng Lão Trang, lại được giáo lý nhà Phật
khai tâm, đã có khả năng tiến vào con đường tự giải thoát
của đạo Phật. Đồng thời cũng để xiển dương mặt tu
chứng, giải tỏa bớt sự quá thiên về kinh điển mà không
thực hành.
Vùng
đất đầu tiên mà ngài Đạt Ma đặt chân lên là nước Lương.
Vị vua đương thời là Lương Võ Đế, một nhà Phật học
uyên thâm, thường khoác áo cà sa ra ngoài ngự bào để giảng
kinh thuyết pháp. Nhà vua cũng là một đại thí chủ đương
thời. Con trai lớn của Lương Võ Đế là thái tử Chiêu Minh
cũng là một học giả Phật giáo, thường cùng với pháp sư
Lâu Ước, đại sĩ Đạo Phó và Lương Võ Đế bàn luận về
“thánh đế đệ nhất” (là chân lý tuyệt đối) và “tục đế”
(là chân lý quy ước). Thái tử Chiêu Minh cũng nghiên cứu
kinh Kim Cang rất sâu sắc, có thiết lập một đài bằng đá
để ghi dấu công cuộc phân chia kinh Kim Cang ra làm 32 chương
của ông. Sau này có một người Việt Nam là nhà thơ Nguyễn
Du nhân đi sứ sang Tầu có đến thăm đài và làm một bài
“Vịnh đài đá phân kinh của Luơng Chiêu Minh thái tử”, có
ý chê thái tử không hiểu phần cốt tủy thâm áo của kinh
nên mới làm công việc huyênh hoang hình tướng này.
Được
tin có ngài Bồ Đề Đạt Ma tới nước mình, Lương Võ Đế
sai sứ đi đón, rước vào kinh. Trong buổi tiếp kiến, nhà
vua hỏi:
– Từ khi lên ngôi, trẫm đã xây chùa, chép kinh, độ tăng nhiều
vô số kể, vậy có công đức gì không?
Ngài
Đạt Ma đáp:
–
Đều không có công đức.
Vua
hỏi lại :
–
Tại sao không có công đức?
Ngài
đáp:
–
Xây chùa, chép kinh, độ tăng là tạo nhân hữu lậu, chỉ
được hưởng thiện quả nơi cõi Trời, cõi người, quả
theo nhân như bóng theo hình, là phước đức, không phải công
đức. Công đức là do tu hành, trí rỗng rang, tâm sáng suốt,
từ nơi bản tánh, không do nơi công nghiệp thế gian.
Vua
hỏi lại:
–
Thế nào là thánh đế đệ nhất nghĩa? (ý Võ Đế muốn hỏi
về chân lý tuyệt đối)
Tổ
đáp:
–
Quách nhiên vô thánh (ý ngài Đạt Ma muốn trả lời là người
giác ngộ thì tâm trí rỗng rang, sáng suốt, vượt lên trên
khái niệm về thánh, phàm)
Vua
gặng thêm:
–
Ai đang đối diện với trẫm?
Tổ
đáp:
–
Không biết !
Lương
Võ Đế sai người tiễn khách. Tổ Bồ Đề Đạt Ma băng qua
sông Giang Bắc, thẳng đường qua nước Ngụy, lên núi Tung
Sơn ngồi quay mặt vào vách đá chùa Thiếu Lâm chín năm, người
đương thời gọi ngài là Bích quán Bà La Môn, nghĩa là
ông Bà La Môn nhìn vách.
Tương
truyền, sau khi ngài Bồ Đề Đạt Ma ra đi, Lương Võ Đế
gặp hòa thượng Chí Công, bèn kể lại câu chuyện. Hòa thượng
Chí Công hỏi:
– Bây
giờ bệ hạ đã biết người ấy là ai chưa?
Võ
Đế đáp:
–
Không biết.
Hòa
thượng nói:
–
Đó là đại sĩ Quan Âm tới truyền tâm ấn Phật.
Võ
Đế hối tiếc, sai sứ đi thỉnh, nhưng ngài Bồ Đề Đạt
Ma không quay trở lại. Sau này hồi tưởng chuyện cũ, Lương
Võ Đế tự soạn văn bia như sau:
Hỡi
ôi!
Thấy
như chẳng thấy
Gặp
như chẳng gặp
Đối
mặt như chẳng đối mặt
Xưa
đâu nay đâu
Oán
bấy hận bấy . . .
Tại
sao mà đến nỗi vua Lương Võ Đế mang hận như vậy?
Đó
là vì nhà vua không phân biệt được giữa phước đức hữu
lậu do làm việc thiện sẽ được hưởng phước báo trong
vòng nhân quả tương đối và công đức vô lậu do tu hành
có công năng vượt qua được dòng sông sinh tử. Vì sự hiểu
lầm này mà nhà vua coi trọng vấn đề bố thí làm phước,
tưởng như thế là đã đủ trên con đường tu hành.
Ngài
Bồ Đề Đạt Ma là một thiền sư đắc đạo, ngài dạy cái
cốt tủy, thuộc về Phật thừa. Ngài dạy người tu để
giác ngộ thành Phật. Cho nên Lương Võ Đế không hiểu được
ngài.
Nhưng
nhà Phật cũng có những pháp môn thuộc về Nhân thừa, Thiên
thừa, để dẫn dắt Phật tử từng bước vững chắc tiến
lên, ngõ hầu tạo được cuộc sống an vui trong gia đình và
ngoài xã hội, cho đến khi nào đủ duyên thì tiến lên tu
theo Bồ Tát thừa và Phật thừa.
Nhà
Phật quan niệm rằng mọi sự vật hiện hữu trong đời sống
tương đối đều do nhân duyên mà thành, cho nên cũng tùy duyên
giáo hóa chúng sinh, tùy duyên nhưng bất biến. Bất biến là
mục tiêu tối hậu, là giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Nói
về đời sống thế gian thì con người ta ai ai cũng mong muốn
giầu sang phú quý, mạnh khoẻ sống lâu và may mắn; mà hầu
như ít ai để ý đến các loại nhân mà họ đã và đang gieo
trồng: quả giàu sang phú quý là do nhân bố thí, quả mạnh
khoẻ sống lâu và may mắn là do nhân không sát sanh, nhân phóng
sinh và nhân giúp đỡ người khác.
Thưa
quý thính giả,
Đức
Phật là bậc Đại Giác. Ngài biết rằng rằng tất cả chúng
sinh đều có Gíác Tánh, đều có khả năng giác ngộ, chỉ
vì bị tam độc tham, sân, si lôi kéo mà cứ mãi loanh quanh
trong vòng luân hồi. Ngài muốn tất cả chúng sinh đều được
giải thoát như Ngài, nên đã chỉ cho chúng ta con đường dẫn
đến giác ngộ giải thoát, và bố thí là một trong những
bước chủ yếu, để chúng sinh tập hạnh xả bỏ, bớt đắm
nhiễm vào của cải, bớt tham lam chắt bóp tiền tài.
Bố
thí là một trong ba toa thuốc điều trị ba căn bệnh khó trị
của chúng sinh. Đó là Tham, Sân và Si: Bố thí để diệt
trừ bệnh tham, Giới hạnh để diệt trừ bệnh sân và Thiền
định diệt trừ bệnh si (vô minh). Ba toa thuốc này cũng
chính là ba trụ pháp, tức ba pháp thực hành cởi bỏ sự
ràng buộc của tham, sân và si, làm cho tâm thức trở nên tinh
khiết.
Bố
thí là hạnh đầu tiên mà đức Phật dạy cho tất cả những
ai đến với Ngài. Vì lòng tham lam cần phải được điều
phục bằng hạnh bố thí. Bố thí là san sẻ vật chất, khả
năng, công lực, hiểu biết, tình cảm, giáo lý v.v… tất
cả những gì mình có mà người khác không có. Một nụ cười
với người đang sợ hãi hay một lời an ủi với người đang
đau khổ cũng là một sự bố thí, đôi khi có tác dụng rất
lớn lao.
Bố
thí là mở rộng lòng từ bi, không những đến với người
mà còn đến với cả các sinh vật khác, nhằm xoa dịu những
nỗi bất hạnh khổ đau mà chúng sinh đang gánh chịu. Trong một gia đình mà ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình thì gia đình ấy không có an lạc hạnh phúc. Bố thí
trước hết là để diệt trừ lòng tham lam, dứt bỏ tính
bỏn xẻn và loại trừ tâm ganh tị. Có tài sản, tiền
bạc, có chức quyền, có danh đều nên bố thí, san sẻ. Bố
thí, san sẻ niềm hãnh diện như thế nào? Khi được người
trân trọng mà mình đối lại bằng khiêm cung thì đó chính
là bố thí niềm hãnh diện của mình. Như vậy chẳng
những tạo được an lạc hạnh phúc cho mình mà còn đem lại
an vui hạnh phúc cho người. Vì vậy, không phải chỉ có tiền
bạc, tài sản mới có thể bố thí, mà hễ có thân, có tấm
lòng là có thể bố thí được cả. Nếu trong tâm mọì người
đều luôn nghĩ đến bố thí thì sự đua tranh, ganh tị sẽ
giảm bớt rất nhiều.
Sở
dĩ chúng ta bị trói buộc và trôi lăn mãi trong cuộc đời,
bị luân hồi trong các nẻo là do lòng tham lam và lòng ái dục. Thực hành bố thí là chúng ta đang từ từ tháo gỡ những
sợi dây ràng buộc này.
Có
những người chuyên môn bắt khỉ, họ thường dùng một trái
dừa khoét rỗng bên trong, đục một lỗ nhỏ vừa đủ lọt
bàn tay con khỉ khi nó duỗi các ngón tay ra. Họ cho vào đó
một loại thức ăn có mùi vị mà loài khỉ ưa thích. Con khỉ
ngửi được mùi sẽ tìm đến, đưa tay vào lấy thức ăn
và nắm giữ chắc lại. Thế là nó bị mắc kẹt. Con khỉ
chỉ có một lối thoát là buông xả bàn tay thì mới thoát
thân được. Chúng ta cũng như thế, cũng cần buông xả lòng
tham dục thì mới được tự do giải thoát và bố thí là
một cách buông xả.
Người
thực hành bố thí cũng mang nhiều tâm trạng khác nhau. Nhưng
đáng quý nhất là những ngững người bố thí với tâm hồn
cao thượng tuyệt đối. Những người này sẵn sàng hiến
tặng những gì mà họ cho là quý giá nhất. Họ chia xẻ một
cách tự nhiên và tức thời, không cân nhắc, đắn đo. Đây
là một thứ trực giác phát sinh ra hành động tức thời trong
sát na hiện tại. Sự bố thí đã trở thành một phản xạ
tự nhiên. Tâm không tham luyến của họ vững mạnh đến mức
họ có thể cho những gì mà họ trân quý nhất, bằng một
thái độ thoải mái, nhẹ nhàng. Họ đã thâm nhập với
quan niệm rằng tài sản cũng như thân mạng mình đều là
giả tạm, vô thường. Họ biết cái ngã không có thật, nên
khi cho không thấy có kẻ cho, vật cho và người nhận, không
tự cao, tự đại, không nghĩ đến mình, chỉ nghĩ đến sự
cần phải làm.
Có
mẩu chuyện về loại bố thí này mà chúng tôi đọc trong
cuốn Hoa Sen Trên Tuyết của dịch giả Nguyên Phong kể về
chuyến đi của bác sĩ Alan Havey và một người bạn tên Dennis
đến Lamayuru, một thị trấn nhỏ vùng bắc xứ Ấn Độ giáp
giới với Tây Tạng, mẩu chuyện kể như sau:
“Chúng
tôi đi dọc theo con đường chính duy nhất của thành phố,
con đường vắng tanh không một bóng người. Mọi nhà
đều đóng cửa im ỉm, thỉnh thoảng có vài con chó hoang gầy
ốm chạy rong. Chúng tôi nhìn thấy một bà lão hành khất,
thân hình còm cõi chỉ còn da bọc xương đang lê lết trên
vỉa hè, tôi bèn dúi cho bà 5 rupee nhưng bà vẫn dơ tay ra trước
mặt như muốn xin thêm một cái gì. Dennis rút ổ bánh
mì đựng trong chiếc túi đeo trên vai đưa ra, bà lạo mừng
rỡ chụp lấy ăn ngay, thì ra bà lão quá đói. Trong lúc
bà đang ăn ngấu nghiến thì một con chó hoang ở đâu chạy
đến. Trước cặp mắt kinh ngạc của chúng tôi bà lão
bẻ đôi ổ bánh mì chia cho con chó.
Cảnh
tượng một bà lão không có một thứ gì ngoài bộ quần áo
rách tơi tả, đang lả đi vì đói lại thản nhiên chia sẻ
nửa phần ăn của mình cho một con chó hoang đã làm chúng
tôi xúc động. Bà lão hành động một cách tự nhiên,
không ngại ngùng hay suy nghĩ hình như bà không hề phân biệt
giữa mình và con chó…
Trong
lúc tôi đang ngơ ngác về cảnh tượng này thì Dennis bất
chợt run bắn người rồi thốt lên: “Đó mới thật là tình
thương tuyệt đối”. Hắn quỳ xuống trút tất cả
mọi thứ trong chiếc túi ra cho bà lão hành khất. Hành
động bất ngờ của Dennis làm tôi ngạc nhiên nên trên đường
về tôi đã hỏi “Tại sao bạn cho rằng đó là một thứ
tình thương tuyệt đối?” Hắn trả lời ngay không do
dự “Khi cho mà không suy nghĩ, không đòi hỏi gì trả lại,
không hối tiếc hay phân biệt một cái gì đó mới thật là
tuyệt đối. Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này rất lâu
và không biết có người nào thực sự bố thí một cách tuyệt
đối như vậy không? Tôi đã đi khắp nơi và chỉ thấy
bất cứ cái gì cho ra cũng đều hy vọng một điều gì trả
lại, đối lúc điều muốn đạt được lại nhiều hơn điều
người ta cho ra là đàng khác… Sự ích kỷ được che đậy
khéo léo và nguỵ tạo dưới nhiều danh nghĩa tốt đẹp nhưng
tựu chung vẫn là một hình thức ích kỷ”.
Thưa
quý thính gỉa,
Đó
là một loại bố thí tuyệt đối do một thứ tình thương
tuyệt đối thúc đẩy.
Có
lẽ chúng ta chưa đạt đến mức bố thí như thế, nhưng câu
chuyện chỉ cho chúng ta một hướng đi: vun trồng tâm bố
thí vì lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh. Nếu
chúng ta có khả năng tài vật thì giúp cho họ bớt đói lạnh,
bớt nhọc nhằn. Nếu chúng ta có khả năng Phật Pháp,
chúng ta có thể dùng những lời dạy của đức Phật để
an ủi họ, giúp cho tâm hồn họ bớt khổ, bớt lo âu, sợ
hãi trong cuộc sống hoặc khuyên họ y theo giới luật của
Phật tu hành không làm các điều ác, làm các việc lành và
tự thanh tịnh tâm ý.
Tưởng
cũng nên nói thêm ở đây là có nhiều người thường nói
rằng vì điều kiện sinh hoạt làm ăn khó khăn, hay vì hoàn
cảnh gia đình, nên họ không có dư tiền của để thực hiện
hạnh bố thí. Đối với những người Việt sống nơi hải
ngoại, nhất là ở Mỹ, không một ai nghèo đến nỗi không
đủ áo mặc, không đủ cơm ăn. Làm gì không có dư vài
hột cơm cho kiến ăn, cho chim ăn hay dư một chén cơm đủ
cho một trẻ em đang thiếu ăn nằm trên hè phố Calcuta hay
nơi vùng Phi Châu nắng cháy. Thật ra chúng ta không phải
đợi có tiền nhiều mới đi bố thí, cúng chùa, mới làm
phước. Mà chúng ta biết thương người, nghĩ đến người,
tùy theo khả năng phương tiện sẵn có của mình mà giúp đỡ
người, giúp bất kỳ ai, sinh vật nào cần cứu giúp. Chẳng
hạn nhường chỗ ngồi cho người già yếu khi xe thiếu chỗ
ngồi, phụ xách giùm đồ cho người gìa cả băng đường
… Như vậy là chúng ta đang chuyển hoá tâm nhỏ hẹp thành
tâm bố thí lợi tha, chuyển đổi hành động xấu ác thành
lương thiện làm lợi ích cho người vật.
Tuy
nhiên, đó mới chỉ là các bố thí tài vật. Đức Phật có
dạy rằng nếu người nào giữ lòng tịnh tín, quy y Tam Bảo
và giữ tròn 5 giới căn bản, thì đó là bố thí, và là nguồn
công đức vô lượng cho chúng sinh, vì người ấy mang lại
sự an vui, thương yêu hài hòa đến cho mọi người, mọi loài
sống chung quanh người ấy.
Ban
Biên Tập
www.thuvienhoasen.org
(Bài
này đã được phát thanh ngày 23 tháng 7 tại Nam California
và 24 tháng 7, 2005 tại Houston Texas)
Discussion about this post