DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH
NỘI
DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 05
BÌNH
ĐẲNG VÀ CẤP BỰC TRONG ĐẠO PHẬT
(Nghe
audio bấm vào hàng chữ này)
Thưa
quý thính giả,
Trong
chương trình truyền thanh hôm nay, chúng tôi mời quý vị, mời
các bạn nghe hai bài pháp ngắn, một bài nói về chứng bệnh
cô đơn và cách trị liệu chứng bệnh này của Đức Đạt
Lai Lạt Ma do Chân Huyền chuyển ngữ và một bài viết về
Bình Đẳng và Cấp Bực Trong Phật Giáo, do một độc giả
từ Texas gửi cho chúng tôi.
Thưa
quý vị, thưa các bạn:
Khi
được hỏi: Có bao giờ ngài cảm thấy cô đơn không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời KHÔNG! Sau đây là lời giải
thích của ngài:
“Tôi
nghĩ rằng một yếu tố khiến cho tôi không bao giờ cảm thấy
cô đơn vì tôi thường nhìn vào các khía cạnh tích cực của
những người mà tôi được gặp gỡ. Tôi ráng tìm nơi họ
những điểm tốt lành. Thái độ đó khiến cho các người
kia có cảm tình và muốn liên hệ với tôi ngay.”
“Một
phần cũng có thể vì tôi ít khi muốn thu góp, nắm giữ cái
gì, tôi cũng không sợ, không lo rằng cách hành xử của mình
có thể khiến người kia không kính trọng hoặc coi tôi như
người khác lạ… Có lẽ vì không mong cầu và cũng không
sợ hãi, nên khi tiếp xúc với người khác, tôi thường có
thái độ cởi mở. Theo tôi, đó là lý do chính khiến tôi
không bị cô đơn bao giờ.”
“Đức
Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh với giọng nói quả quyết khi
nói về chuyện chữa trị chứng bệnh cô đơn:
“Tôi
tin rằng điều căn bản tiên quyết là bạn phải hiểu rõ
về những lợi ích do lòng từ bi đem lại. Đó là điểm then
chốt. Khi bạn không còn nghĩ rằng thứ tình thương rộng
lớn đó là chuyện trẻ con, là cảm xúc nhất thời… và
bạn bắt đầu hiểu thấu được ý nghĩa sâu xa của lòng
từ bi, thì bạn mới thấy nó hấp dẫn, đáng để tâm lực
và thì giờ nuôi dưỡng nó.”
“Một
khi bạn khích lệ các tư tưởng từ ái trong tâm; một khi
tâm từ bi biến thành hành động, thì thái độ của bạn
đối với người khác tự động sẽ thay đổi. Khi tiếp xúc
với người khác với cái tâm từ bi, bạn sẽ không còn sợ
hãi, giữa hai người chỉ có sự cởi mở chân thành. Ngay
lập tức bạn tạo ra được bầu không khí thân tình và dễ
chịu với họ. Thái độ đó sẽ giúp bạn có được những
mối liên hệ tốt đẹp, thân thiết. Dù cho người kia chưa
sẵn sàng, không thân thiện, thì chính nhờ vào thái độ cởi
mở nơi mình mà bạn có thể sẽ uyển chuyển được trong
các giao tiếp khó khăn ấy. Ít nhất bạn có thể trao đổi
một câu chuyện có ý nghĩa với người đó được.”
“Nếu
không có lòng từ bi, nếu bạn khép kín, bứt rứt hay lạnh
lùng, thì dù cho gặp người thân nhất, bạn cũng vẫn cảm
thấy khó chịu… tôi cho rằng đa số chúng ta khi tiếp xúc
với ai, thường mong đợi đối phương có thái độ tích cực
trước, mà ít khi tự mình hiến tặng người kia thái độ
đó. Đó là điều sai lầm vì nó chỉ đưa tới cái rào cản,
thúc đẩy cảm giác lẻ loi cho chính mình mà thôi.”
“Nếu
bạn muốn hết cô đơn, thì bạn phải chú ý tới cái nền
tảng căn bản của trạng thái đó. Tiếp xúc người khác
với lòng Từ Bi là cách tiếp xúc tốt đẹp nhất.”
Khi
bác sĩ tâm lý Howard Cutler hỏi Đạt Lai Lạt Ma coi có phương
pháp và kỹ thuật nào hữu hiệu nhất cho sự giao tiếp giữa
người này với người kia được tốt đẹp, ít trở ngại…
thì ngài cười, như thể câu hỏi quá vu vơ. Đạt Lai Lạt
Ma cho rằng:
“Liên
hệ giữa người với người là một vấn đề khá phức tạp.
Làm sao chúng ta có thể có một giải pháp chung như một thứ
“công thức” được? Nó giống như khi ta làm bếp. Ta cần
nhiều thực phẩm và phải có nhiều giai đoạn mới nấu nướng
được một bữa cơm ngon lành. Muốn có liên hệ tốt đẹp
với người khác, chúng ta cũng cần để ý tới nhiều yếu
tố. Không thể nói: “Đây là phương pháp, đây là kỹ thuật
giao tiếp”!
“Điều
căn bản không thể thiếu trong liên hệ giữa người với
người là lòng từ bi, trong đó, sự cảm thông, đồng cảm
là một yếu tố quan trọng. Khi có khó khăn trong một liên
hệ nào đó, chúng ta nên đặt mình vào địa vị của đối
phương để có thể hiểu họ hơn, có lòng kính trọng họ
và giảm thiểu bớt các lực chống chọi nhau…”
Đạt
Lai Lạt Ma cho biết khi ngài gặp gỡ một người nào, ngài
cũng nhớ tới những điểm ngài và người kia giống nhau,
chẳng hạn như cả hai đều có tình cảm, trí óc, cả hai
đều muốn vui, không muốn khổ… Ngài đến với người khác
bằng cái nhìn thiện cảm vì có những tương đồng, chứ
không để ý tới những khác biệt về màu da, chủng tộc
hay tôn giáo…
Theo
ngài “muốn giao tiếp khéo léo và thành công với người
khác, ta cũng nên biết về căn bản, về cội nguồn của con
người đó. Ta cần cởi mở và thành thật, đó cũng là những
yếu tố cần thiết trong các giao tiếp.”
Ngài
cho biết ngày còn nhỏ ở thủ đô Lhasa xứ Tây Tạng, sau
các buổi họp nhức đầu với hội đồng nội các, ngài thường
về phòng chia sẻ đủ chuyện với những người dọn phòng!
Ngài tự diễu mình về chuyện này, rồi nói tiếp: “…Có
thể vì bản chất tôi như thế, với ai tôi cũng trao đổi
trò chuyện được, nên không bao giờ tôi cảm thấy cô đơn”.
…
Đạt
Lai Lạt Ma cho rằng “muốn hiểu được các khó khăn trong
sự tương giao, đầu tiên chúng ta cần hiểu về bản chất
của mối liên hệ đó. Chẳng hạn như trong tình bằng hữu,
có nhiều loại: Nếu tình bạn bắt nguồn từ vấn đề tiền
tài, quyền lực hay địa vị thì khi những thứ đó hết,
tình bạn cũng tàn. Nếu tình bạn không liên hệ gì tới những
thứ kể trên, chỉ là tình cảm thuần túy giữa hai con người
gần gụi nhau và muốn chia sẻ với nhau mọi thứ – thì tôi
cho đó là tình bằng hữu tinh nguyên. Nó không bị phai nhạt
dù cho tiền tài, danh vọng tăng tiến hay giảm thiểu.”
(Nhạc
Phật Giáo chuyển mục)
Thưa
quý thính giả, thưa các bạn, có nhiều người thắc mắc
về cấp bực trong Phật Giáo, về các chức danh trong đạo
Phật, nào Thượng Tọa, nào Hoà thượng… Chúng tôi mời
quý thính giả và các bạn thưởng thức bài viết với tựa
đề là “Bình Đẳng và Cấp Bực Trong Phật Giáo”
của một độc gỉa gửi cho chúng tôi từ tiểu bang Texas.
“Đức
Phật triệt để chống sự phân chia giai cấp, ngài chủ trương
tất cả mọi người đều bình đẳng, đều có Phật tánh. Không ai vừa sinh ra đã là người tôn quý, hoặc hạ tiện. Chỉ có công phu tu hành, chứng đắc, mới là cao hơn kẻ còn
chìm đắm trong sông Mê bể Khổ.
Phật
giáo đã chia ra hai loại đệ tử: Xuất gia và Tại gia. Đệ Tử Xuất gia, giữ 10 giới gọi là Sa Di, giữ 250 giới
gọi là Tỳ khưu. Nữ tu sĩ giữ 348 giới gọi là Tỳ Khưu
Ni.
Đệ
tử tại gia, giữ 5 giới, gọi là Ưu bà Tắc, phái nữ gọi
là Ưu bà Di.
Cả
hai hàng đệ tử, xuất gia và tại gia, đều có thể giữ
Bồ tát giới, nếu tự nguyện thực hành Từ, Bi, Hỷ, Xả,
Vô Ngã, Vị Tha, xả thân để cứu chúng sinh.
Hàng
xuất gia từ giã thân quyến và thế tục, cắt tóc vào chùa,
sống đời sống độc thân, có nhiệm vụ hoằng dương Chánh
Pháp, lãnh đạo tinh thần.
Hàng
tại gia còn có gia đình và bổn phận đối với xã hội,
có nhiệm vụ hộ pháp, cung cấp các nhu cầu, vật thực cho
hàng xuất gia.
Mỗi
bên đều có địa vị, nhiệm vụ và quyền hạn riêng biệt,
không dẫm chân lên nhau mà trái lại phải kính nể, ủng hộ
lẫn nhau. Đức Phật thường ví hai hàng đệ tử xuất
gia và tại gia như hai cánh của con chim, có đủ cả hai thì
mới hoạt động đắc lực được. Ngài nhấm mạnh tinh
thần bình đẳng của hai hàng dệ tử, không phải chỉ có
hàng xuất gia mới tiến tu và chứng ngộ, mà hàng tại gia
cũng có những người đắc đạo như cư sĩ Duy Ma Cật, được
tất cả các hàng Bồ tát, Thanh văn đều kính trọng ngợi
khen.
Dĩ
nhiên hàng xuất gia dễ tu, dễ chứng hơn hàng tại gia vì
có đủ điều kiện thuận tiện tu hành, còn hàng tại gia
thì còn nhiều chuyện ở đời phải lo: Tìm kế sinh nhai,
dậy dỗ con cái, bổn phận công dân, tiếp đãi thân quyến,
bạn bè, cúng dường chư Tăng… Thời gian dành cho việc
tu hành đã không bao nhiêu, lại còn bị đời quyến rũ, thật
khó tu hơn hàng xuất gia nhiều lắm. Do đó đã có câu:
“Khó
nhất là tu tại gia, khó nhì tu chợ, khó ba tu chùa.”
Vì
đức Phật chủ trương bình đẳng nên các đệ tử của ngài
đều dùng hai chữ Mô Phật hay sáu chữ hồng danh: Nam Mô A
Di Đà Phật để chào hỏi nhau, ví như con cùng cha, đều là
anh em, không hơn không kém. Hàng xuất gia mỗi khi gặp
nhau thường hỏi ai nhiều tuổi hạ ngồi trên, gọi là Thượng
tọa, ai kém tuổi hạ thì ngồi dưới. Danh từ Thượng
Tọa chỉ đặc biệt dành riêng để dùng cho các buổi họp,
sau khi bế mạc thì không còn dùng nữa, các vị xuất gia chỉ
nhận là Tỳ kheo mà thôi. Danh từ Tỳ kheo đã có đầy
đủ sự cao quý của nó, qua ba định nghĩa: Khất Sĩ, Phá
Ác và Bố Ma, hà tất gì không dùng, lại sử dụng những
danh từ như Thượng Tọa, Đại Đức… chỉ làm tăng lòng
tự cao, tự đại, mắc kẹt trong hình danh, sắc tướng của
thế tục là nơi các ngài đã quyết tâm từ bỏ.
Hàng
đệ tử tại gia, khi nói với hàng xuất gia, thường tôn xưng
các Tỳ kheo là Thượng Tọa, Đại Đức để tỏ lòng tôn
trọng, cung kính nhưng không biết rằng các hư danh đó có
thể chạm lòng khiêm tốn của các vị chân tu, tránh kiêu
mạn và chấp ngã. Các vị Tỳ kheo đạo cao, đức cả,
với tinh thầm diệt ngã, vị tha, không ưng xưng là Thượng
Tọa, Đại Đức, mà chỉ khiêm tốn nhận là Tỳ kheo mà thôi,
mỗi khi nói chuyện với hàng tại gia, các ngài thường xưng
là Bần Tăng, Bần Ni…các ngài ít ký tên với các danh hiệu
như Thượng Tọa, Đại Đức, hay chức vụ: Chủ tịch, Tổng
vụ trưởng, Tiến sĩ Tổng vụ Trưởng v.v… để diệt lòng
ngã mạn, kiêu căng và cũng tránh sự ghen ghét của người
đời.
Đức
Phật chống sự phân chia cao thấp do giai cấp, do hệ thống
cầm quyền, chống sự phân biệt chủng tộc, chống sự kiêu
căng ngã mạn của những người có địa vị cao trong xã hội. Ngài chỉ chấp nhận sự hơn kém trong công phu tu hành chứng
ngộ mà thôi. Trong Giáo hội của ngài có những đệ
tử xuất thân từ những giới mà xã hội Ấn Độ lúc đó
coi là giai cấp hạ tiện, như làm nghề hốt rác, đổ thùng,
xấu xa, hèn kém; nếu những vị đó được đức Phật xác
nhận là đã chứng quả A La Hán thì được ngồi trên và
được các Tỳ kheo, Quốc vương, Đại thần lễ lạy, cúng
dường. Trái lại, những vị xuất gia tu hành cầu danh
không chứng đắc thì dù xuất thân từ giới cao sang, quyền
quý cũng phải ngồi dưới và tuân theo lời chỉ dạy của
các bậc A La Hán
Về
phía các đệ tử tại gia cũng vậy, một số đi chùa để
mưu cầu danh lợi, chức tước, địa vị mà cuộc đời không
đưa lại cho họ. Lấy cảnh chùa làm chỗ hội họp,
vui chơi, mua bán, không phân biệt phải quấy, ủng hộ các
vị kiêu tăng phạm giới, không chú tâm vào việc sám hối
cho bớt tội lỗi, nghiệp chướng tích lũy từ vô thỉ đến
nay, không giữ giới luật, không tụng kinh trì chú cho ba nghiệp
được thanh tịnh lại còn đem các mê tín dị đoan vào chùa
như xin xâm, bói quẻ, lên đồng… thì thật là đã làm ô
danh Phật giáo, sai lạc hẳn con đường cao quý của Đức
Thế Tôn hướng về giác ngộ giải thoát.
Nếu
những người có trách nhiệm lãnh đạo các hội đoàn Phật
giáo mà không tự tu, tự giác, dùng bản thân làm gương mẫu
cho người khác, thì hỏi làm sao còn hưóng dẫn cho người
khác theo mình, nhất là giới thanh, thiếu niên đầu óc còn
trong trắng, có nhiệt tâm muốn tìm hiểu đạo Phật, nhưng
không thể chấp nhận những người lãnh đạo mà không đủ
tư cách.
Luật
nhà Phật bình đẳng và công bằng, ai tu nấy chứng, ai chứng
thì được giải thoát, không ai tu giùm người khác được. Những ai còn kẹt trong vòng danh lợi, tuy đã xuất gia nhưng
chỉ mong có chùa to, tượng lớn, có địa vị quan trọng,
có nhiều đệ tử cung phụng mà không chịu giữ gìn giới
luật, chẳng thực hành Từ, Bi, Hỷ, Xả, Vô Ngã, Vị tha và
những điều căn bản cội rễ của đạo Phật thì dù có
che mắt được thế gian, sau khi mãn kiếp Ta Bà này, làm sao
dám diện kiến Đức Phật là đấng Chánh Biến Tri?
Kính
mong tất cả những người con Phật, dù xuất gia hay tại gia,
hãy sáng suốt nhận định tính cách bình đẳng trong đạo
Phật, mà tự tu, tự giác rồi giác tha, lợi tha; mỗi ngày
hãy bỏ ra vài phút để tự hỏi: Ta đã làm những tội
gì? Phạm giới gì? Đã tạo công đức nào? Giúp đỡ những ai…rồi thành tâm sám hối, từ bỏ các ràng
buộc thế gian như tiền bạc, danh lợi, ăn ngon, ngủ ấm,
sắc đẹp , tức là Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy, gác ngoài
tai những xưng tụng giả dối mà quyết tâm giữ gìn giới
luât, giữ thân tâm trong sạch và làm lợi ích cho tất cả
chúng sinh.
Chỉ
có vậy, chúng ta mới xứng đáng là Phật tử, là con của
Phật. ”
Ban
Biên Tập
Discussion about this post