Ý NGHĨA CHỮ PHẠN “UPAVĀSATHA SAMVARA –CẬN TRỤ LUẬT NGHI”
Phước Nguyên
******
1/ Ý nghĩa chữ Phạn “upavāsatha– cận trụ”
Cận trụ nguyên ngữ Sanskrit là là upavāsatha, Hán phiên âm là ô-ba-bà-sa, Ưu-ba-bà-tố-đà, Ưu-bà-sa, U-ba-bà-sa, Ô-bô-sa-tha v.v… ngữ nguyên này được thiết lập như sau:
– Tiếp đầu âm upa: chỉ sự tiếp cận, theo sau, gần gũi, thân cận… Hán dịch là cận 近, tùy 隨.
– Có động từ căn: 1. √vas (vasati): trụ, lưu trú, đứng trú; 2. √vās (vāsayati): xông hương, hán dịch là tập, huân tập…
– Kết hợp bất biến từ Atha, Tạng ngữ gọi là དེ་ནས de nas.
Như vậy upavāsatha: được phân tích thành upa-√vās + atha hay upa-√vas + atha, tổng hợp ý chung lại có đứng tiếp cận theo sau để thực tập, để học tập, Hán phổ thông dịch là cận trụ 近住, tùy trụ 隨住 v.v..
Ngữ nguyên Sanskrit upavāsatha tương đương với từ Sanskrit Upasthāpya, được phân tích thành upa-√sthā, động từ căn Ãsthā: đứng, lưu trú,… Nên Upasthāpya, Hán cũng dịch là cận trụ và có ý nghĩa tương tự với upavāsatha.
Từ upavāsatha, Hán dịch là: trưởng tịnh, trưởng dưỡng, tăng trưởng, thiện túc, trì tịnh v.v… Dịch như vậy là bị lầm với nghĩa gốc của nó. Những ý nghĩa này, có lẽ được dịch từ chữ Uposatha, upoṣadha, poūadha, posatha hoặc upoūadha. Hán phiên âm bố-tát, bố-sái-tha, bao-sái-đà, bô-sa-tha v.v… Sở dĩ những từ này có ý nghĩa như vậy là do phân tích ngữ nguyên học như sau như sau:
– Poūadha, thành lập từ poūa: trưởng dưỡng, dưỡng dục, kéo dài; Kết hợp với dha: thuần khiết, thanh tịnh, trong sạch.
– Upoṣadha, đi từ động từ căn Puṣ: nuôi dưỡng, nuôi lớn, hợp với dhā, ngoài ý nghĩa thanh tịnh, còn có nghĩa là duy trì, bảo tồn, cung cấp…
Vậy, Upoṣadha và Poūadha: có nghĩa chung là trưỡng dưỡng và duy trì sự thanh tịnh, sự thuần khiết. Nên Hán mới dịch là trưỡng tịnh, trì tịnh, trưỡng dưỡng,… Còn bản thân từ upavāsatha không có những ý nghĩa như vậy.
Theo ngài Thế Thân trong A-tỳ-đạt-ma Câu-xá như sau:
“Arhatāṃ samīpe vasantyaneneti upavāsaḥ; teṣāmanuśikṣaṇāt| yāvajjīvikasaṃvarasamīpe vasantyanenetyapare| alpakuśalamūlānāṃ kuśalamūlapoṣaṇāt poṣadha iti vā| “poṣaṃ dadhāti manasaḥ kuśalasya yasmā- duktastato bhagavatā kila poṣadho’yam” | ( ) iti||28|| :
“Loại luật nghi này có tên là Cận trú (upavāsa) bởi vì, nhờ biểu hiện được lối sống phù hợp với lối sống của các A-la-hán (tadanuśikṣaṇāt), cho nên luật nghi này được đặt gần (upa) với A-la-hán. Có ý kiến khác cho rằng sở dĩ có tên Cận trú là vì nằm gần với loại luật nghi thọ trì suốt đời[1].
“Mục đích của luật nghi này là cung cấp (dhā) sự tăng trưởng (poṣa) cho các thiện căn (kuśalamūla) của những người chỉ có thiện căn mỏng manh. Và vì nó giúp tăng trưởng thiện căn cho nên Thế Tôn đã nói: “Luật nghi này được gọi là trưởng dưỡng (poṣadha).”[2]
Giải thích trên của ngài Thế Thân, phù hợp với ý nghĩa của nguyên ngữ Sanskrit.
2.Ý nghĩa saṃvara – Luật nghi và asaṃvara – bất luật nghi
Từ Sanskrit gọi là saṃvara: phòng hộ, do đi từ động từ căn √vs: bao trùm, thệ nguyện, canh chừng, phòng hộ, ước nguyện,.. Hán dịch là luật nghi với ý nghĩa là phòng hộ, chứ không phải điều luật cấm cản, khuôn phép ngăn cấm, quy phạm luật lệ v.v..
Saṃvara hay Luật nghi có khả năng phòng hộ căn môn, Sanskrit gọi là indriya-saṃvara, Pāli là indriyesu guttadvāro, Hán dịch là căn luật nghi, có nghĩa là: canh chừng cánh cửa nơi các giác quan. Kinh nói: “So cakkhunā rūpaṃ disvā na nimittaggāhī hoti (…) rakkhati cakkhundriyaṃ, cakkhundriye saṃvaraṃ āpajjati. Sotena (…)”[3]: “Vị tỷ-kheo ấy, khi nhìn thấy sắc, không nắm chặt các hình tướng (…), giữ gìn giác quan con mắt, canh chừng nơi giác quan con mắt”.
Có ba loại luật nghi: căn luật nghi[4], phòng hộ các giác quan; biệt giải thoát luật nghi[5], phòng hộ bằng các điều học giới đã phát nguyện thọ; và vô lậu luật nghi[6], phòng hộ do chứng pháp vô lậu.
Luật nghi (saṃvara) chính là một loại tư (cetana) có khả năng ngăn chận các hành động xấu và điều phục (saṃvṛṇotti) thân ngữ sau khi được biểu hiện qua việc cương quyết (vidhi) không tạo tác tội lỗi, qua sự phát nguyện giữ giới; vì thế đã dựa vào đó để lập thành luật nghi biệt giải thoát. Và Ngài Thế Thân cũng nói: luật nghi (saṃvara), có khả năng thu thúc (saṃvṛṇoti) và trừ diệt hoặc ngăn chặn dòng tương tục của ác giới (dauḥṣīlyaprabandha)[7].
Khi khởi từ định (samādhija), tức khi không có sự phân biệt giữa luật nghi thuộc tĩnh lự và luật nghi vô lậu vốn sinh khởi từ hai loại định hữu lậu và vô lậu thì vô biểu hay luật nghi (saṃvara) sẽ được tạo thành bởi các đại chủng trưởng dưỡng (aupacayika) do định phát khởi, tức các đại chủng vô chấp thọ. Bảy loại giới tạo thành luật nghi thì khác nhau, nhưng tất cả – từ giới sát cho đến vọng ngữ – đều được tạo thành bởi cùng một nhóm của bốn đại chủng (vô dị đại). Chỉ có một loại tâm sinh khởi các giới này và các đại chủng làm sở y cho các giới này cũng chỉ có một. Ở nơi nào có thân và ngữ hiện hữu (pravartante) thì ở đó có loại vô biểu luật nghi (saṃvara) thuộc thân và ngữ.
律儀別解脫
靜慮及道生[8].
Luật nghi biệt giải thoát,
Luật nghi tĩnh lự và luật nghi vô lậu.
Có ba loại luật nghi: (1) luật nghi biệt giải thoát (prātimokṣasaṃvara) là giới luật (śīla) hệ thuộc dục giới, là giới luật của chúng sinh ở thế giới này; (2) luật nghi tĩnh lự, sinh khởi từ tĩnh lự (dhyāna), là giới luật hệ thuộc sắc giới; (3) Luật nghi vô lậu
Các luật nghi đều tách rời nhau mà không tương tạp. Ngay cả trong các phần luật nghi chung – như Cận sự, Cần sách và Bí-sô đều từ bỏ (virati) sự giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, các chất uống làm say – thì cả ba loại luật nghi đều có những tính chất riêng biệt.
Sự khác nhau của chúng nằm ở các trường hợp phạm giới (nidāna). Một người càng thọ trì được nhiều giới luật (học xứ; śikṣāpada) thì càng tránh được (viễn ly) nhiều trường hợp sinh tâm kiêu mạn (mada) và phóng dật (pramādasthāna); tức cũng tránh được nhiều nhân duyên phạm giới sát, v.v.. Nhờ thế ba loại viễn ly này không bị tạp loạn. Nếu không phải như vậy, nếu luật nghi của Cận sự và Cần sách lẫn lộn (antarbhāva) với luật nghi của Bí-sô thì khi một Bí-sô xả bỏ luật nghi Bí-sô (saṃvaraṃ prat yācakṣāṇaḥ) cũng sẽ lập tức xả bỏ cả ba loại luật nghi; nhưng không ai chấp nhận điều này vì thế các loại luật nghi đều tách rời nhau. Tuy nhiên chúng không trái nghịch nhau. Chúng có thể cùng hiện hữu bởi vì khi thọ trì một giới luật mới thì người ta không từ bỏ giới luật trước đó. Điều này cũng có nghĩa một Bí-sô khi xả bỏ giới Bí-sô vẫn còn các luật nghi của Cận sự và Cần sách[9].
Các tên gọi khác nhau của luật nghi biệt giải thoát là gì?
俱得名尸羅 妙行業律儀
唯初表無表 名別解業道[10].
Đều được gọi là thi-la,
Diệu hạnh, nghiệp luật nghi;
Chỉ biểu là vô biểu đầu tiên
Tạo thành con đường của nghiệp.
Thi-la (giới, śīla) là điều chỉnh (pratisṃsthāpana) những gì không đúng đắn (viṣama) bởi vì người tạo tội thường cư xử một cách không đúng đắn đối với người khác. Nguyên nghĩa của sila là làm cho tươi mát, như có bài tụng đã viết: “May thay được thọ trì giới luật, vì giới luật không đốt cháy”.
Được gọi là diệu hạnh bởi vì bậc trí giả đều tán dương các giới luật này.
Được gọi là nghiệp bởi vì thể tánh của giới luật chính là nghiệp
Được gọi là luật nghi bởi vì giới luật kềm chế hoặc thu thúc thân ngữ.
Nếu đang ở vào giai đoạn của luật nghi (trụ luật nghi, saṃvarastha) nhưng vì phiền não quá mạnh (thắng phiền não, kleśavega) mà tạo tác ác nghiệp như giết, đánh, trói, v.v., thì vẫn phát sinh loại vô biểu bất thiện. Nếu đang ở giai đoạn của bất luật nghi nhưng vì có sức mạnh của lòng tin (praśādavega) mà tạo tác thiện nghiệp như lễ bái bảo tháp thì vẫn phát sinh loại vô biểu thiện. Chừng nào thế lực của phiền não cũng như sức mạnh của lòng tin còn tồn tại thì hai loại vô biểu nhiễm ô và thanh tịnh vẫn còn kéo dài.
Người nào có tạo tác một hành động thuộc thân và ngữ (vijñapti), thuộc về luật nghi, bất luật nghi hay “ở giữa” thì đều thành tựu loại biểu nghiệp này ở hiện tại; có nghĩa là trong suốt thời gian tạo tác hành động này. Từ sát-na thứ hai trở đi chỉ thành tựu biểu nghiệp quá khứ cho đến khi xả bỏ.
Trái với luật nghi, là bất luật nghi. Vậy bất luật nghi (asaṃvara) là gì?
惡行惡戒業 業道不律儀[11].
Là ác hành, ác giới, nghiệp,
Nghiệp đạo, bất luật nghi.
Bất luật nghi, vì không thu thúc thân ngữ.
Ác hạnh (duścarita), vì bậc trí giả đều quở trách và vì chiêu cảm quả khổ.
Ác giới (dauḥśīlya), vì trái với (vipakṣa) giới luật.
Nghiệp, vì được tạo ra bởi thân ngữ.
Nghiệp đạo, vì thuộc về loại nghiệp gốc (căn bổn nghiệp nhiếp, maulasaṃgṛhītatvāt).
Những ai thành tựu biểu nghiệp cũng có thể thành tựu vô biểu nghiệp.
Luật nghi Bí-sô đắc được từ tất cả các chi, tức sự từ bỏ mười nghiệp đạo. Các luật nghi khác đắc được từ bốn chi, tức sự từ bỏ giết hại, trộm cắp, tà dâm và nói dối; bởi vì qua các chi này người thọ giới cũng đắc được sự từ bỏ các nghiệp đạo.
Nếu xem ba thiện căn (vô tham, vô sân, vô si) là nhân của sự đắc được luật nghi thì nói là luật nghi đắc được nhờ tất cả các nhân (tòng nhất thiết).
Nếu xem loại tâm, mà nhờ nó người ta đã đắc được luật nghi, là nhân – tức là loại nhân dẫn khởi (samutthāpaka) – thì nhân này có ba mức độ khác nhau: Thượng phẩm (mạnh), trung phẩm (trung bình), hạ phẩm (yếu); là luật nghi đắc được là nhờ một trong ba tâm này (duy tòng nhất). Từ quan điểm này, có thể phân tích thành bốn trường hợp:
(1) Có người trụ trong luật nghi (saṃvarasthāyin), hành trì luật nghi có liên quan đến tất cả chúng sinh, nhưng không liên quan đến tất cả các chi hoặc do tất cả các nhân thì người này tùy theo tâm dẫn khởi thuộc thượng phẩm, trung phẩm hay hạ phẩm mà đắc được luật nghi Cận sự, Cận trú, hay Cần sách.
(2) Có người trụ trong luật nghi, hành trì luật nghi có liên quan đến tất cả chúng sinh và tất cả các chi, nhưng không xuất phát từ tất cả các nhân; thì người này đắc được luật nghi Bí-sô nhờ vào một tâm thượng phẩm, trung phẩm hoặc hạ phẩm.
(3) Có người trụ trong luật nghi, hành trì luật nghi có liên quan đến tất cả chúng sinh, tất cả các chi và do tất cả các nhân thì người này đắc được một trong ba loại luật nghi Cận sự, Cần sách và Bí-sô nhờ vào một tâm thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm.
(4) Có người trụ trong luật nghi, hành trì luật nghi có liên quan đến tất cả chúng sinh, do tất cả các nhân nhưng không liên quan đến tất cả các chi thì người này đắc được một trong ba loại luật nghi Cận sự, Cận trú và Cần sách tùy theo tâm thuộc hạ phẩm, trung phẩm hay thuộc thượng phẩm.
Không ai trụ trong luật nghi mà lại không hành trì luật nghi có liên quan đến tất cả chúng sinh vì chính nhờ vào ý định (thiện ý lạc) muốn lấy tất cả chúng sinh làm cảnh sở duyên mà người ta đã đắc được luật nghi. Người nào chỉ giới hạn trong một số chúng sinh nào đó thì không thể hoàn toàn trút bỏ những ý định có tính chất phạm giới (ác ý lạc).
Luật nghi biệt giải thoát chỉ có thể đắc được nếu không có năm sự hạn chế (niyama, định hạn):
(1) Về chúng sinh, thí dụ như “tôi chỉ từ bỏ ác giới đối với một số chúng sinh”;
(2) về các chi của luật nghi, như “tôi chỉ từ bỏ một số hành động nào đó”;
(3) về nơi chốn (xứ), như “tôi chỉ trừ bỏ phạm tội ở những nơi nào đó”;
(4) về thời gian, như “tôi chỉ từ bỏ tội lỗi trong một tháng”;
(5) về điều kiện (duyên), như “tôi từ bỏ tội lỗi ngoại trừ những khi tranh cãi”.
Những người thọ giới như thế không đắc được luật nghi mà chỉ có được hành động tốt (diệu hạnh, sucarita) tương tợ với luật nghi.
3. Tám chi của Luật nghi cận trụ
初律儀八種 實體唯有四[12]
Luật nghi thứ nhất có tám loại,
Nhưng thực ra chỉ có bốn;
Vì hình tướng thay đổi nên tên gọi khác nhau;
Tuy tách rời nhau nhưng không tương vi.
Luật nghi biệt giải thoát có tám loại. Đó là các luật nghi thuộc Tỷ kheo (bhikṣu) Tỷ kheo ni (bhikṣuṇi), Thức-xoa ma-na (śikṣamāṇā), Sa-di (śrāmaṇera), Sa-di ni (śrāmaṇerikā), Cận sự (upāsaka), Cận sự nữ (upāsikā), Cận trú (upavāsastha).
Tám loại này đều là luật nghi của biệt giải thoát vì thế đứng về mặt tên gọi thì được chia làm tám loại; nhưng thực ra chỉ có bốn loại có các tính chất khác nhau; đó là luật nghi củaTỷ-kheo, Sa-di, Cận sự và Cận trú.
Thật vậy, luật nghi của Tỷ-kheo-ni không khác và không tách rời luật nghi của Tỷ-kheo; luật nghi của chánh học và Sa-di ni không khác với luật nghi của Sa-di; luật nghi của Cận sự nữ không khác với luật nghi của Cận sự.
Pañcāṣṭadaśasarvebhyo varjyebhyo viratigrahāt|
upāsakopavāsasthaśramaṇoddeśabhikṣutā||15|| [15]
受離五八十 一切所應離
立近事近住 勤策及苾芻 [16].
Thọ giới xả ly năm, tám, mười
Tất cả những gì cần phải xả ly
Thì trở thành Cận sự, Cận trú, Cần sách và Tỷ-kheo.
Khi thọ giới xả ly (viratisamādāna) năm điều:
(1) giết hại (prāṇātipāta),
(2) trộm cắp (adattādāna),
(3) tà dâm (dục tà hạnh, kāmamihyācāra),
(4) nói dối (mṛṣāvāda),
(5) các chất uống làm say (surāmaireyapramādasthānavirata) tức đã tự đặt mình vào luật nghi của Cận sự.
Khi thọ giới xả ly tám điều:
(1) giết hại,
(2) trộm cắp,
(3) dâm dục (phi phạm hạnh, abhrahmacarya),
(4) nói dối,
(5) các chất uống làm say,
(6) sử dụng hương thơm, vòng hoa, son phấn (gandhamālyavilepana), xem nghe múa hát, nhạc (nṛtyagītavāditā),
(7) giường cao, giường lớn (uccaśayana, mahāśayana),
(8) ăn không đúng lúc (thực phi thời thực, vikālabhojana), tức đã tự đặt mình vào luật nghi của Cận trú…
(Còn tiếp)[17]
[1] Cf. Vibhāṣā, 124, 11.
[2] Cf. Câu-xá, Cđ.: 優波婆娑者 何義。由此護此人 近阿羅漢邊住。由 隨學阿羅漢法故。又近隨有命 護邊住故。或說名 布沙他。生長單薄善根眾生。復淨善根故。名布沙他。如偈言 由此能長養 自他淨善心. 故佛如來說 此名布沙他; Htr.: 言近住者。 謂此律儀近阿羅漢 住。以隨學彼故. 有說。此近盡壽戒 住。如是律儀或名 長養。是故薄伽梵 說此名長養如有頌言 由此能長養 自他善淨心. 長養薄少善根有情。令其善根漸增多故。
[4] Skt. indrya-saṃvara
[5] Skt. prātimokṣa-saṃvara.
[6] Skt. anāsravasaṃvara.
[7] Cf. Câu-xá 14, Đại 29, tr. 72a.
[8] T29n1563, tr. 0865b19.
[10] T29n1562, tr. 0549a28.
[11] T29n1563, tr. 0867b16.
[12] Kośa: tatra punaḥ– aṣṭadhā prātimokṣākhyaḥ/dravyatastu caturvidhaḥ| Cf. Cđ: 偈曰。木叉戒八種。由實物有四。
[13] Kośa: liṅgato nāmasañcārāt, Cđ.: 由根名異故。
[14] Câu-xá 19, T29n1563, tr. 0865b23, câu cuối của bài tụng, bản Skt. Chưa tìm được tương đương.
Discussion about this post