1. Khái niệm niềm tin vững chắc và khủng hoảng truyền thông
1.1. Khái niệm niềm tin vững chắc và vai trò của nó
Trong Kinh Tương ưng, đức Phật có nói về vai trò của niềm tin như sau:
“Lòng tin đối người đời
Là tài sản tối thượng
Chánh pháp khéo hành trì
Đem lại chơn an lạc
Chân lý giữa các vị
Là vị ngọt tối thượng
Phải sống với trí tuệ
Được gọi sống tối thượng”[2]
Niềm tin vững chắc hay còn gọi là niềm tin chân chính, được phát sinh sau quá trình tu tập, chuyển hoá, nên khác với niềm tin mê muội, tà dại. Đức Phật dạy rằng: niềm tin chân chánh là niềm tin có trí tuệ cân nhắc, soi sáng. Vì thế, đức Phật khuyên chúng ta đừng nghe những gì người khác nói dù đó là truyền thuyết có từ nhiều đời. Nghe điều gì ta cũng phải nên suy nghĩ, tìm tòi, xem sự việc đó có thiết thực, lợi ích hay không. Khi ta muốn tin điều gì mà không có trí tuệ suy xét, không chứng minh được nguồn gốc của nó, thì dễ rơi vào mê tín, dị đoan. Trong Kinh Tăng Chi bộ, đức Phật có dạy rằng:
“Này các Kalama, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì người nói ra là thầy của mình. Nhưng này các Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau’, thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng”[3].
Như vậy, đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết cơ sở của niềm tin vững chắc là tự tin vào chính mình, tin vào điều thiện và tránh xa những điều bất thiện, những điều dẫn đến khổ đau.
Vai trò của niềm tin vững chắc: Lòng tin tạo nên sự gắn bó thân thiết trong sự liên quan các mối giao dịch làm ăn và củng cố uy tín cho chính mình đối với cộng đồng xã hội. Trong suốt quá trình xây dựng lòng tin đối với mọi người, chính chúng ta cần phải có sự kiên nhẫn và thành thật. Trong sinh hoạt gia đình, sự thương yêu, đùm bọc, sẻ chia cho nhau đều bắt đầu từ lòng tin giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, người thân và láng giềng. Lòng tin như một chất keo luôn gắn bó con người với con người, và là một chất liệu kết nối yêu thương để chúng ta thêm gắn bó và cảm thông với nhau lâu dài.
Đức Phật dạy: tin là mẹ sinh ra tất cả các công đức, là căn bản của sự thành công và là nguồn gốc để phát sinh muôn hạnh lành; nhưng lòng tin của người Phật tử không phải là một lòng tin cuồng nhiệt, sôi nổi, bốc đồng, mà không có suy xét, kiểm chứng qua sự thực hành. Đức Phật đã từng nói: “Ta chỉ là vị thầy dẫn đường giúp cho mọi người đi đến con đường bình yên, hạnh phúc; ta không phải là một vị thần linh hay một đấng tối cao có quyền ban phước, giáng hoạ”[4]. Người Phật tử tin Ngài là một con người giác ngộ và chúng ta cũng là một con người, ai quyết tâm và kiên trì, bền bỉ thì sẽ biết cách chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Do đó, sự thành công của chúng ta không phải là một thứ mê tín. Một tín ngưỡng mù quáng không được xây dựng trên nền tảng chân chính là một nguy hại lớn cho con người và bản sắc văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, nếu một đức tin hỗn tạp, thiếu căn cứ đều phát xuất từ lòng tham lam, sân, si của con người thường tin tưởng, nương nhờ vào một thế lực không có căn cứ rõ ràng thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Đạo Phật truyền vào Việt Nam đã trên 2.600 năm, có những thời rực rỡ, huy hoàng, chói sáng, nhờ vào sự sáng suốt của các nhà vua như thời Lý, Trần; và cũng có những lúc lu mờ, tối tăm, bởi những ông vua đam mê hưởng thụ quá mức chỉ biết cho riêng mình. Con người sống tốt và có ý thức, hay suy thoái đạo đức là do niềm tin không chân chính làm xáo trộn bởi sự hiểu biết sai lầm của mình.
Mặt khác, niềm tin còn được xem như một lý tưởng sống, giúp ta quyết tâm thực hiện những hoài bão của mình. Trái lại, người không có đủ niềm tin chân chính thì không có hướng đi và một tương lai tốt đẹp. Niềm tin càng vững chắc thì bước đi càng rộng mở, không có gì ngăn cản nỗi và ý chí nỗ lực càng lớn mạnh. Vì vậy mà con người cần phải nuôi dưỡng và xây dựng niềm tin về con người tâm linh, là tin chính mình có khả năng làm được tất cả mọi điều thiện lành, tốt đẹp. Trong cuộc sống, đức Phật luôn nhấn mạnh về lòng tin sau khi có trí tuệ, xem đó là động lực thúc đẩy mọi sự tiến bộ của con người trong suốt quá trình tu tập và chuyển hoá hướng đến mục tiêu giác ngộ, giải thoát cùng lợi ích cho nhân loại. Tuy nhiên, ngày nay, niềm tin của tín đồ Phật tử đang bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc khủng hoảng truyền thông 4.0. hiện nay.
1.2. Khái niệm khủng hoảng truyền thông
Khủng hoảng truyền thông là cụm từ tiếng Việt được dịch ra từ chữ “Crisis” là những sự kiện xảy ra ngoài tầm kiểm soát của công ty khi có thông tin bất lợi về công ty hay sản phẩm. Sự bất lợi này đe dọa đến việc tiêu thụ sản phẩm hoặc làm giảm uy tín của công ty.
Theo định nghĩa giáo khoa thì: “Khủng hoảng truyền thông là bất kỳ một sự kiện ngoài ý muốn nào mang mối đe dọa nghiêm trọng đến uy tín của công ty và /hoặc niềm tin của các bên liên quan. Sự kiện có thể là một hành động vi phạm lòng tin, một sự thay đổi trong môi trường cạnh tranh, cáo buộc bởi các nhân viên hoặc những người khác, một nghị định đột ngột của chính phủ, lỗ hổng trong sản phẩm, hoặc bất kỳ tác động tiêu cực nào khác” hay nói một cách đơn giản, “khủng hoảng là bất kỳ một sự kiện nào có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của công ty đối với công chúng của nó”[5].
2. Thực trạng khủng hoảng truyền thông hiện nay
Trong bối cảnh lịch sử hiện nay, dưới sự tác động của ngành công nghệ 4.0 đã làm thay đổi các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo. Đặc biệt là Phật giáo. Bên cạnh những giá trị tích cực mà truyền thông mang lại cho Phật giáo như: truyền đạt thông điệp nhân ái, hòa bình, vô ngã vị tha của Phật giáo nhanh chóng, kịp thời trong quần chúng nhân dân trong nước và quốc tế, các hoạt động xã hội cũng nhờ truyền thông mà được đông đảo mọi người hưởng ứng v.v… Tuy nhiên hiện nay, Phật giáo chúng ta đang bị ảnh hưởng sâu sắc cuộc khủng hoảng truyền thông này. Các thông tin, hình ảnh về Tăng đoàn liên tục bị các thế lực ngoại đạo bóp méo sự thật, đánh tráo khái niệm và được đưa lên mạng xã hội với nhiều mưu đồ khác nhau như: kích động, chia rẻ Tăng đoàn, làm xao lãng niềm tin của tín đồ Phật tử, gây hấn làm hiểu lầm giữa các tôn giáo với nhau, gây mất đoàn kết dân tộc.
Thực tế cho thấy từ trước Đại lễ Vesak 2019 được đăng cai tại Tam Chúc, Hà Nam, nhiều thông tin tiêu cực về hình ảnh Tăng đoàn đã bị các thế lực ngoại đạo xuyên tạc, bóp méo. Chúng muốn phá tan hình ảnh Phật giáo trong đại lễ 2019 này. Về sau lại xuất hiện vụ “sư Thanh Toàn gạ tình”, rồi thừa cơ hội đó “TS. Dương Ngọc Dũng bôi nhọ Phật giáo” v.v… Tạo một làn sóng cho bọn thù địch ăn theo. Họ thường mệnh danh là người của Phật giáo bằng cách lấy tên các trang Facebook như: baovechinhphap, tiếng nói của Tăng Ni và Phật tử, hộ pháp v.v… Nhưng thực tế là phá hoại Phật pháp với mưu đồ lấy cắp tín đồ qua việc bóp méo một vài hình ảnh tiêu cực của Tăng Ni.
Mặt khác, khủng hoảng truyền thông ngày càng tinh vi hơn, mang tính quy chụp: dùng hình ảnh không lành mạnh của một vài Tăng Ni rồi đồng nhất với Tăng đoàn, dùng các trang mạng xã hội câu like, kích động qua việc nói xấu, bóp méo lý tưởng của người xuất gia, phủ định hệ giá trị đạo đức của Phật giáo, đến đời sống tu tập, cách hành đạo của Tăng Ni v.v… Từ đó làm lung lay niềm tin của tín đồ, làm mất đi vai trò, chức năng xã hội của đạo Phật, gây mâu thuẫn nội bộ, hiểu lầm giữa các tín đồ, chức sắc tôn giáo. Các trang mạng phản ánh các giá trị đạo đức Phật giáo thì không nhiều, nhưng các trang mạng nói xấu, xuyên tạc thì dày đặc và số lượng truy cập ngày càng gia tăng đến mức khủng. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là coi giáo dục niềm tin cho cư sĩ Phật tử về đạo Phật là vấn đề quan trọng và cấp thiết hiện nay. Tác giả xin đưa ra một vài giải pháp
3. Một số giải pháp nhằm xây dựng niềm tin vững chắc cho cư sĩ Phật tử trong bối cảnh khủng hoảng truyền thông hiện nay
Niềm tin là yếu tố không thể thiếu trong đời sống, bất kỳ sự thành công nào của con người thì niềm tin đều đóng vai trò rất quan trọng. Trong đời sống tu tập của tín đồ Phật giáo cũng vậy, niềm tin được xem là cửa ngõ vào đạo, là phương tiện giúp cho con người đoạn trừ tham sân si, hướng đến sự an lạc, giác ngộ và giải thoát. Vì thế, nó có khả năng chi phối nhận thức, quy định thái độ và định hướng, điều chỉnh hành vi, tạo động lực giúp tín đồ quyết tâm tu học đến mục đích cuối cùng. Tác giả xin đưa ra một số giải pháp như sau:
Một là, phải có niềm tin tuyệt đối về đức Phật
Đức Phật là nhân vật có thật trong lịch sử, người đã đạt được giác ngộ và hướng dẫn con đường giác ngộ đó cho chúng sinh. Nhờ đức Phật mở đạo mà tín đồ rõ thấu được Kinh, Luật, Luận và dễ bề tu học. Đức Phật là nhân vật duy nhất trong lịch sử các tôn giáo tuyên bố mình không đại diện cho Chúa trời, Thượng đế, thần linh hay một đấng sáng tạo, thế lực siêu nhiên nào cả.
Vì hiểu về đức Phật nên tín đồ có niềm tin Ngài là bậc thầy tối cao của sự thanh tịnh, trí tuệ và lòng từ bi; là người xứng đáng để họ nương tựa; là người có thể hướng dẫn cho họ con đường thực tập hướng đến an vui, hạnh phúc mà tối hậu là giác ngộ, giải thoát. Đồng thời, họ dành cho Ngài một tình cảm thiêng liêng, một lòng tôn kính và ngưỡng mộ như một người cha hiền cao thượng. Họ luôn ca ngợi công hạnh và bảo vệ hình ảnh của Ngài. Từ niềm tin vào đức Phật, tín đồ phát nguyện quy y Tam bảo, thỉnh tượng Phật thờ tại gia đình để hàng ngày chiêm ngưỡng, lễ bái. Họ học hỏi đức hạnh, thực hành theo những lời chỉ dạy của Ngài để mong muốn có được trí tuệ, an lạc, hạnh phúc và một ngày nào đó cũng đạt được quả vị giác ngộ, giải thoát như Ngài.
Mặt khác, Ngài không hứa hẹn sự ban ơn hay giáng họa với bất kỳ ai, ngược lại, Ngài đề cao vị trí con người là tối thượng và cho rằng không một đấng siêu nhiên hay thế lực quyền năng nào có thể phán xét, định đoạt vận mệnh con người. Ngài nói: không ai làm cho mình cao thượng, cũng không ai khiến cho mình thấp hèn, mà chỉ có những hành động của mình làm cho mình thấp hèn hay cao thượng mà thôi. Và đức Phật còn khẳng định một lần nữa: không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành, còn các ngươi là Phật sẽ thành.
Đạo Phật ra đời với mục đích cơ bản là “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”, khẳng định mọi chúng sanh đều có thể thành Phật, thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong các lời dạy của đức Phật. Ngài muốn đem pháp vị nhiệm mầu để lợi lạc quần sanh. Trong đó Ngài khẳng định chỉ có con người mới có đầy đủ duyên lành hơn các loài khác. Như lời tựa trong kinh Viên Giác, Đường Bùi Hữu viết: “Chân thật mà nói, có khả năng phát bồ đề tâm, chỉ có con người”. “Do vậy tuy nói rằng, tất cả chúng sanh là đối tượng mà Phật pháp hóa độ, nhưng chỉ có con người mới có lòng từ bi, trí tuệ, có năng lực học tập tiếp thu Phật pháp. Sự xuất hiện của Đức Phật ở nhân gian, điều đó để chứng minh rằng, trong tất cả loài hữu tình, vị trí con người là hơn hết, chỉ có con người mới có khả năng tiếp thu được lời giáo hóa của đức Phật”[6].
Đức Phật dạy tất cả mọi loài chúng sanh đều có Phật tánh. Tuy nhiên, Ngài không vì vậy mà đồng nhất tất cả. “ … Dẫu rằng con người sống trong xã hội cần có nhu cầu ăn uống, nhà cửa để sống, nhưng hạnh phúc con người không chỉ dừng lại ở đó mà còn có đời sống hạnh phúc cao hơn là tinh thần, vì con người khác ở các loài động vật khác là con người biết suy tư. Như đại sư Thái Hư có nói: Con người có sự giáo dục mà các loài động vật khác không có, như con người biết lựa chọn sự ăn mặc. Đây là điểm đặc thù giữa con người và các loài động vật khác”[7].
Ngoài ra, trong Kinh đức Phật có dạy: con người có ưu điểm mà các loài động vật khác không có. “Đó là sự ghi nhớ, nguyên văn tiếng phạn là manasa, có nghĩa là ý. Con người có thể suy tư, phân biệt tất cả pháp, ghi nhớ những việc đã qua trong quá khứ, dự đoán những việc sắp phát sinh ở vị lai và nhận thức, những việc trong hiện tại. Con người vốn có chức năng suy nghĩ này mới có thể tác ý suy tính, con người có tính đặc thù về ý thức văn hóa đều xuất phát từ manasa này”[8].
Nếu như Ki Tô Giáo luôn đề cao vị trí và vai trò tối cao của thần linh, thì ở Phật giáo cho rằng con người là trên hết. Quan điểm của đạo Phật luôn lấy con người trong nhân gian làm đối tượng giáo dục, và chỉ có con người mới có thể tu học Phật pháp. Như vậy trong các loài hữu tình chúng sanh, con người là ưu việt nhất. Vì vậy các nhà khoa học đã nghiên cứu về bộ não của con người có nhiều tế bào thần kinh và có nhiều chức năng khác nhau, vùng nhớ và vùng suy tư có mối quan hệ mật thiết nhau. Đó là đặc trưng chỉ có duy nhất ở con người. Tuy nhiên nếu chúng ta lạm dụng ba ưu điểm trên mà tạo ra những việc ác, thì tác hại của nó sẽ vô cùng, làm cho đời sống chúng ta càng khổ đau hơn.
Hai là, phải có niềm tin tuyệt đối về giáo lý đức Phật
Giáo lý của đạo Phật được xem là pháp bảo đối với tín đồ Phật giáo. Sở dĩ xem như Pháp bảo vì đây là những lời chỉ dạy quý báu của đức Phật có giá trị lớn lao giúp tín đồ chuyển hóa tham, sân, si, giải thoát khổ đau đạt được Niết Bàn, an lạc, hạnh phúc. Giáo lý đạo Phật về tổng thể gồm: Kinh (những chỉ dạy của đức Phật), Luật (những Giới luật áp dụng cho Tăng, Ni và tín đồ), Luận (những luận bàn, giảng giải về Kinh và Luật). Về chi tiết có thể kể ra như: Tứ diệu đế, vô thường, vô ngã, duyên sinh, 37 phẩm trợ đạo, nhân quả nghiệp báo, luân hồi,… Về nội dung, đề cập đến khổ và phương pháp diệt khổ. Nhờ giáo lý của Phật mà tăng, ni và tín đồ có thể tu tập Giới luật, thiền định, trí tuệ để giác ngộ (trí tuệ) và giải thoát (tự do và hạnh phúc).
Vì tin vào giáo lý nên tín đồ học hỏi giáo lý, đọc tụng kinh sách, nghe chư Tăng giảng dạy Phật pháp để nâng cao nhận thức, biết đường lối tu tập chân chính. Ngoài ra, họ còn ấn tống kinh sách, băng đĩa; hướng dẫn, khích lệ gia đình, người thân và bạn bè cùng nhau tìm hiểu, học hỏi và áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày; họ hết lòng bảo vệ giáo lý trước những lời xuyên tạc của người khác.
Ba là, phải có niềm tin tuyệt đối về Tăng đoàn
Tăng đoàn được xem một trong ba ngôi báu quý giá đối với tín đồ Phật giáo; là tổ chức của những tu sĩ đã xuất gia trở thành Tăng, Ni, đệ tử thánh thiện của đức Phật. Nhờ chư Tăng tiếp nối, truyền thừa và soi sáng đạo lý nhiệm màu của đức Phật mà tín đồ mới có cơ hội biết đến giáo lý để thực hành. Tăng đoàn giúp tín đồ điều chỉnh nhận thức và hành vi sao cho phù hợp với những gì đức Phật đã dạy.
Tín đồ luôn đặt niềm tin, sự kính trọng vào Tăng đoàn, xem đó là tấm gương mẫu mực về việc thực tập Bát Chánh đạo chuyển hóa tà nghiệp. Vì thế, họ cung kính, hết lòng thành thật với chư Tăng; học hỏi Phật pháp và sống theo những điều chỉ dẫn của chư Tăng; chia sẻ và xin lời tư vấn đối với các việc trọng đại của gia đình; phản bác lại những ai vu khống các tu sĩ. Bên cạnh đó, để gieo trồng phước đức với Tam bảo tín đồ thường dâng cúng (tịnh tài, tịnh vật) để góp phần hộ trì Tam bảo và giúp chư Tăng có điều kiện tu học, làm việc Phật pháp tốt hơn. Đây được xem là bổn phận của Phật tử đối với Tăng đoàn, góp phần làm cho Phật pháp xương minh. Quả thật:
“Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa
Thiền môn hưng thịnh do đàn việt phát tâm”
Niềm tin vào bản thân là cần thiết nhất đối với mỗi tín đồ. Nó không chỉ đem lại niềm tin yêu cuộc sống, lòng yêu thương con người, niềm hi vọng vào những gì tốt đẹp nhất mà còn là nền tảng của mọi thành công. Trong Kinh Tương ưng, Đức Phật có nói: “Hãy sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác”[9]. Trong Phật giáo, niềm tin này thể hiện trên hai khía cạnh:
Thứ nhất: tin mình có khả năng tạo ra đời sống vật chất, tinh thần đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội mà không lệ thuộc về bất kì lực lượng siêu nhiên nào. “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tựa của nghiệp”. Trong đạo Phật, con người được đặt vào vị trí cao nhất với đầy đủ khả năng và quyền quyết định số phận, vì thế con người phải tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình theo luật nhân quả. Cho nên, thay vì cung phụng tâng bốc một thế lực siêu nhiên để cầu xin an lạc, hạnh phúc; tín đồ đặt trọn niềm tin nơi ý chí, nghị lực, sự tinh tấn của mình để không ngừng học tập, làm việc, cải thiện bản thân theo tinh thần Bát chánh đạo (thấy nhìn đúng đắn, suy nghĩ đúng đắn, nói lời chân chính, hành động đúng đắn, lối sống đúng đắn, nỗ lực đúng, nhớ nghĩ đúng, giữa tâm an trụ đúng đắn).
Thứ hai: tin mình có khả năng giác ngộ tức thay đổi hoặc chuyển hóa những hành động xấu ác trở thành những hành động thiện lành, tốt đẹp, có lợi ích cho mình cho mọi người trong hiện tại cũng như tương lai. Vì sao tin như vậy, vì “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”, có thể hiểu Phật tính như là một năng lực giác ngộ tiềm tàng sẵn có nơi mỗi người, nhưng không phải tự nhiên có thể nhận thấy được mà cần phải quyết tâm tu tập mới có thể đạt đến sự giác ngộ, tức là thấy được Phật tính và thành Phật.
Khi đã có niềm tin vào chính mình, tín đồ thực tập đời sống trong sạch, lành mạnh, cao thượng. Họ phát nguyện quy y Tam bảo, giữ gìn năm điều giới: không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện. Họ lựa chọn nghề nghiệp lương thiện để mưu sinh, tạo ra của cải vật chất bằng đôi bàn tay và khối óc của mình. Bên cạnh việc giữ giới, tín đồ học hỏi giáo lý, thực tập lòng từ bi diệt trừ tâm ích kỷ, bỏn xẻn, mở rộng lòng thương, bố thí, cúng dường, ăn chay, niệm Phật, tham thiền, phóng sinh, làm các việc phước thiện xã hội,… để tạo nhân duyên, phước đức tốt đẹp hằng mang đến an vui, hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại và tiến dần trên lộ trình giác ngộ, giải thoát ở tương lai.
Như vậy, xây dựng niềm tin vững chắc cho cư sĩ Phật tử trong bối cảnh khủng hoảng truyền thông hiện nay là điều hết sức cần thiết. Khi niềm tin kiên cố và vững chắc thì đó sẽ là động lực và là kim chỉ nam thúc đẩy mọi hành động đạt kết quả cao. Đối với một tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng thì tín đồ đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự lớn mạnh của tôn giáo đó.
Chúng ta đang sống trong thời buổi công nghệ 4.0, nơi mà có nhiều cơ hội và thách thức đang diễn ra. Bên cạnh những giá trị tích cực mà truyền thông mang lại cho Phật giáo như: lan tỏa các giá trị nhân ái, nhân văn của đạo đức Phật giao đến quần chúng trong nước cũng như quốc tế một cách nhanh chóng và kịp thời, thì nó cũng không sao tránh khỏi những thách thức rất lớn như: hiện tượng đánh tráo khái niệm, xuyên tạc, bóp méo lý tưởng xuất gia, phụng sự nhân sinh của các tu sĩ Phật giáo, gây hiểu lầm, gây mâu thuẫn giữa các tôn giáo với nhau, gây mất đoàn kết dân tộc do các thế lực ngoại đạo cố ý gây nên. Trước những mặt tiêu cực của khủng hoảng truyền thông, đòi hỏi người làm truyền thông phải có thêm nhiều kỹ năng xử lý các tình huống có vấn đề, cần chính xác, nhanh chóng, kịp thời để giữ gìn hình ảnh đẹp của Tăng đoàn, đồng thời có tiếng nói chính thức để trấn an lòng dân.
Mặt khác, người cư sĩ, Phật tử cần phải có niềm tin vững chắc trước những dư luận không chính xác, không lành mạnh, cần phải có niềm tin tuyệt đối về đức Phật, về giáo lý, về Tăng đoàn cũng như niềm tin ở tự thân mỗi cá nhân, biết phân biệt thiện ác, đúng sai, giả thật để tránh rơi vào cạm bẫy của các thế lực ngoại đạo muốn hạ thấp uy tín của đạo Phật. Người cư sĩ Phật tử cần ý thức rằng: sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh không chỉ là sứ mạng hoằng pháp của chư Tăng Ni, mà nó còn là sự tác động, ảnh hưởng từ cách suy nghĩ, cách nói năng và hành vi tạo tác mang âm hưởng của đạo đức Phật giáo được toát ra những những người cư sĩ, Phật tử, góp phần tạo sự lan tỏa các giá trị đạo đức Phật giáo trong từng cá nhân, từng gia đình, học đường và ngoài xã hội, hướng đến một xã hội “tốt đời đẹp đạo, xây dựng một cõi tịnh độ nhân gian bây giờ và tại đây./.
1. Thích Minh Châu (2013), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, tập 1, Nxb. Tôn giáo.
2. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình dịch (2007), Phật giáo và cuộc sống, Nxb. Phương Đông.
3. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb. Hà Nội.
4. Nguyễn Tài Thư (chủ biên) (1997), Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Thích Tâm Châu (1964), Đạo Phật với con người, Nxb. Tâm Quang, Sài Gòn.
6. Khủng hoảng truyền thông là gì?. Một số cách xử lý khủng hoảng truyền thông hiệu quả. Truy xuất từ: http://vuahocvalam.com/ky-nang-mem/khung-hoang-truyen-thong-la-gi-mot-so-cach-xu-ly-khung-hoang-truyen-thong-hieu-qua-265.html
Discussion about this post