VƯƠNG ĐẠO VÀ BÁ ĐẠO
Nguyên Cẩn
Nhạc Bất Quần có thật!
Trong “Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung, nhân vật được mọi người dành nhiều suy tư và cảm xúc nhất là Nhạc Bất Quần, chưởng môn phái Hoa Sơn, biệt danh “Quân Tử Kiếm”. Nhưng sở dĩ hắn được chú ý nhiều vì tuy đó là một nhân vật thuộc danh môn chính phái, và lời nói trên môi lúc nào cũng “vì môn quy, vì danh dự bổn phái, vì phẩm hạnh quân tử, sợ xúc phạm liệt tổ liệt tông…” nhưng hành động thì vô cùng tàn độc và bỉ ổi, không chỉ tiêu diệt kẻ thù một cách dã man nhất, hại chết đồng môn, tàn sát võ lâm, vu khống đồ đệ… mà hắn còn sẵn sàng hy sinh vợ và con gái mình để tranh đoạt ngôi vị võ lâm minh chủ.
Hôm nay đây chúng ta vẫn thấy hình tượng họ Nhạc xuất hiện rất nhiều trong và ngoài nước. Trên bình diện quốc tế, chúng ta đang chứng kiến con cháu họ Nhạc đang giương oai diễu võ giữa Biển Đông với mưu đồ Minh chủ.
Đọc lại sách xưa, chúng ta thấy có một lần, Nhan Hồi hỏi thầy của mình là Khổng Tử: “Lời nói của phường tiểu nhân có những điểm gì chung? Là người quân tử, cần phải hiểu cho rõ”.
Khổng Tử đáp: “Một người quân tử nói bằng hành động. Trong tất cả lời nói và việc làm, người ấy đều thực hiện theo những chuẩn mực mà thánh nhân đã dạy. Một kẻ tiểu nhân chỉ giỏi nói miệng mà thôi. Kẻ ấy chỉ giỏi đòi hỏi và tìm lỗi của người khác, trong khi lại chẳng đóng góp gì. Một người quân tử đối nhân xử thế bằng sự chân thành. Khi nhìn thấy bạn bè của mình vi phạm đạo đức, người đó sẽ cảnh báo những hậu quả mà bạn mình phải gánh chịu và khuyên bạn hành động theo lương tâm. Lời nói của họ là phát xuất từ trong tâm bởi vì họ thực sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Kết quả là tình bạn sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Kẻ tiểu nhân thì lại thường kết thành bè đảng để gây rối. Tuy nhiên, chúng không thể không đổ lỗi và đâm sau lưng nhau”.
Khổng Tử cũng giảng: “Quân tử nghĩ về đức hạnh; tiểu nhân truy cầu hưởng thụ. Quân tử nghĩ về đạo lý; tiểu nhân truy cầu những đặc ân mà hắn có thể kiếm được”.
Điều này đã nói rõ những điểm khác nhau trong tâm của hai loại người. Người quân tử không xuôi theo dòng nước, huống hồ là thông đồng làm điều bất chính. Tất cả những gì họ nghĩ đến là làm thế nào để thực hành đạo nghĩa. Còn kẻ tiểu nhân thì lúc nào cũng chỉ lo nghĩ cho bản thân. Người quân tử tôn trọng phép tắc và quy củ. Kẻ tiểu nhân luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên hết thảy mọi thứ, và tâm kẻ ấy chứa đầy những món lợi nhỏ nhen. Lời nói và hành động của một người đều dựa trên những suy nghĩ của người đó. Một người quân tử luôn nuôi dưỡng những suy nghĩ tốt đẹp và lẽ phải. Lời nói và hành vi của người đó là kết tinh của tình thương, lòng tốt, và sự vị tha.
Khẩu khí quân tử
Lập luận của Trung Quốc (TQ), hay đúng hơn, tập đoàn lãnh đạo TQ, rằng họ đã có sự hiện diện từ xưa, từ các triều đại Trung Hoa xa xưa tại các khu vực thông qua các cuốn sách lịch sử cổ với những từ ngữ được viết mơ hồ, được thêm thắt và họ nhấn mạnh “không thể tranh cãi” về mặt pháp lý, khẳng định chủ quyền thông qua luật của Bắc Kinh bắt đầu được thể hiện rõ nét kể từ năm 2009 với lý luận “vùng nước lịch sử” là cơ sở pháp lý để TQ khẳng định vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” bao trùm hơn 80% Biển Đông là thuộc chủ quyền của mình. Tiếp đó, Trung Quốc xem tất cả các bãi đá ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có quy chế như một “quốc gia quần đảo” để tiến hành mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Quân tử “Tàu” còn lên tiếng cảnh báo các quốc gia ASEAN rằng họ sẽ chống lại việc “thổi phồng” tranh chấp ở Biển Đông và rằng họ không muốn đem tranh chấp ra trước diễn đàn an ninh khu vực. “Vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa TQ và ASEAN, nó là vấn đề giữa TQ và một số nước ASEAN”, người phát ngôn TQ Lưu Vị Dân nói với báo giới. Ông này còn tuyên bố: “Thổi phồng vấn đề Biển Đông là đi ngược lại nguyện vọng chung của nhân dân và những xu hướng chính trong thời điểm này là tìm kiếm phát triển và hợp tác”. Bắc Kinh vẫn luôn phản đối “đa phương hoá” vấn đề Biển Đông. TQ thiên về thương thảo song phương với từng nước tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này – một chọn lựa mà giới phân tích cho rằng đó là chiến lược “chia để trị”. Đối với Việt Nam, họ đưa ra chiêu bài “Vì đại cục” (?), tránh làm xói mòn lòng tin giữa hai quốc gia anh em bốn tốt, mười sáu chữ vàng (!) .
Bộ mặt thật của họ sau một thế kỷ đã hiện rõ, không khác gì bọn hải tặc cấp nhà nước từ tranh chấp, xâm phạm, bành trướng… lên vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của VN cũng như của một số nước khác trong khu vực. Không phải đến hôm nay mà ngay từ đầu thế kỷ XX, tham vọng thôn tính biển đảo của TQ đã xuất hiện.
Lịch sử ghi lại, rằng tháng 6/1909, đô đốc Lý Chuẩn đem theo các pháo thuyền đi ‘thị sát’ vùng biển quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), đổ bộ lên đảo Phú Lâm, treo cờ, bắn súng, thăm một vài đảo khác rồi về thẳng Quảng Châu.
Thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông để làm bàn đạp vươn lên vị trí siêu cường quốc tế trong cuộc cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế, địa chiến lược với Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, TQ đã và đang lợi dụng mọi thời cơ; tận dụng mọi lợi thế về quân sự, kinh tế, kỹ thuật, tài chính… để từng bước, lúc bí mật, khi công khai, tiến hành xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa vào các năm 1956 và 1974, sau đó là một phần quần đảo Trường Sa vào năm 1988.
Trong vài thập kỷ qua, Chính phủ TQ đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư cho một loạt dự án nhằm tăng cường bảo vệ các lợi ích của nước này trên biển, trong đó có cả những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông. Những mưu đồ quân sự của họ “ngụy trang” dưới vỏ bọc nghiên cứu khoa học. Tháng 12/2015, Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước TQ (CSSC) công bố sẽ xây dựng một hệ thống giám sát ngầm với tên gọi “Vạn Lý Trường Thành dưới lòng biển” (UGW) và dự kiến sẽ triển khai ở cả khu vực Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
Những ngày đầu tháng 7/2019, tức tròn 110 năm sau hành trình của đô đốc Lý Chuẩn, tàu khảo sát TQ Hải Dương Địa chất 8 cùng hai tàu hộ tống số hiệu 3901 (12.000 tấn, có vũ trang) và 37111 (2.200 tấn) đã ngang nhiên vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, khảo sát địa chất (?). Khu vực phía Nam Biển Đông được đề cập là khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa VN công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, là phần nối dài của thềm lục địa VN. Năm 1816, vua Gia Long đã biệt phái đội Hoàng Sa cùng thủy quân nhà Nguyễn ra thăm dò, đo đạc thủy trình và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa. Hầu hết các tư liệu phương Tây xuất bản đầu thế kỷ XIX đều ghi lại bằng chứng lịch sử này.
Vừa đánh trống vừa ăn cướp hay nghệ thuật tạo cảm giác ức chế cho nhân dân
“Quân tử kiếm” còn sử dụng các phương tiện truyền thông TQ, điển hình nhất là tờ Thời báo Hoàn Cầu, cáo buộc VN và Philippines là “kích động”, “gây hấn” trên Biển Đông, và đòi chính quyền Bắc Kinh phải phát động “một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ” chống lại các quốc gia Đông Nam Á. Các bản đồ chính thức hiện nay của TQ cũng vẽ lãnh thổ TQ kéo dài tới tận Trường Sa. Khi phân tích dư luận của TQ về vấn đề Biển Đông, nghiên cứu của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cho rằng nguyên nhân là do chính quyền Bắc Kinh đã “tẩy não” người dân nước mình ngay từ khi họ còn là những đứa trẻ và “đầu độc” họ hằng ngày, nên người dân luôn tin rằng toàn bộ Biển Đông là của TQ. Họ coi các quốc gia khác là kẻ gây hấn, còn TQ là vô tội.
Chính quyền TQ đã kích động một tâm lý dân tộc cực đoan bằng cách mô tả TQ là “nạn nhân” của các quốc gia xung quanh, là “kẻ yếu thế” trong các tranh chấp trên Biển Đông. Chẳng hạn, báo chí TQ thường đưa tin theo kiểu: “Có hơn 1.000 giàn khoan dầu trên Biển Đông và bốn sân bay ở Trường Sa, nhưng không có một cái nào là của TQ”.
Việc Mỹ tuyên bố trở lại châu Á càng là cơ hội để truyền thông TQ tô đậm “tâm lý nạn nhân” này, đẩy nó lên thành “tâm lý của kẻ bị vây hãm” bởi “những thế lực chống TQ” ở bên ngoài, và TQ đang phải tả xung hữu đột để chống đỡ và cố thoát ra tình trạng bị bủa vây này. Chính do những thứ tâm lý này, các giọng điệu hiếu chiến luôn chiếm ưu thế trước quan điểm ôn hòa trong dư luận TQ. Cũng chính vì tự thổi ngọn lửa dân tộc cực đoan, chính quyền Bắc Kinh lại luôn bị áp lực phải thể hiện bộ mặt cứng rắn để không bị xem là yếu thế mỗi khi đề cập đến vấn đề Biển Đông. Một số học giả nhận định chính Bắc Kinh đã “tự tạo ra một con quái vật mà nó sẽ khó lòng kiểm soát”.
Ngụy biện từng phần hoặc toàn bộ
Tại sao họ lại “vừa đánh trống, vừa ăn cướp” như thế? Chúng ta liên tưởng đến tiếng gào la của mụ nạ dòng khát tình phó Đoan khi bị Xuân tóc đỏ cưỡng hiếp trong Số đỏ. Theo học giả Taylor Fravel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) trong một bài viết gần đây đã nhận định rằng họ đang theo đuổi một chiến thuật nhiều mũi tấn công. Ví dụ như “Khác với các lô dầu khí mà CNOOC đã mời thầu năm 2010 và 2011, các lô mới này không nằm hoàn toàn trong các vùng biển đang tranh chấp tại Biển Đông”. Đây là một nước cờ mà TQ liên tục đẩy mạnh thực hiện từ khi công bố “đường lưỡi bò” năm 2009 đến nay. Mục đích là để thâu tóm tất cả các khu vực trong “đường lưỡi bò” vốn không hề tranh chấp trở thành vùng tranh chấp. Sau đó sẽ đòi hỏi trên bàn đàm phán.
Các nước trong khu vực đồng loạt phản ứng thì TQ sẽ tổ chức hội đàm song phương và đa phương để xoa dịu. Nếu các nước trong khu vực manh động, để xảy ra xung đột do bị khiêu khích thì TQ sẽ tận dụng cơ hội để lấy cớ gây tranh chấp và xâm chiếm, lúc đó các nước khác muốn giành lại cũng khó vì “sự đã rồi”, đúng như ý đồ của TQ.
Theo Kyodo News, báo cáo về chiến lược bầu trời của Học viện Chỉ huy không quân TQ (AFCA) cho thấy nước này muốn kiểm soát hoàn toàn vùng trời Tây Thái Bình Dương. Báo cáo này liệt kê Mỹ, Nhật, Đài Loan, Ấn Độ và VN là các “mối đe dọa” đối với “không phận quân sự” của TQ. Báo cáo nhấn mạnh việc không quân TQ cần tăng cường năng lực tấn công các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương bằng máy bay ném bom chiến lược, và “ngăn chặn một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ” trong trường hợp xung đột nổ ra ở các đảo Bắc Kinh kiểm soát. Về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà TQ đơn phương lập trên biển Hoa Đông năm 2013, báo cáo đề xuất không quân và hải quân TQ hợp tác chặt chẽ nhằm kiểm soát vùng trời biển Hoa Đông.
Từ DOC đến COC: Tít mù rồi lại vòng quanh
Mười năm sau DOC, các nước ASEAN đã thông qua COC và hy vọng Bắc Kinh sẽ ngồi vào bàn đàm phán. Thế nhưng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Lưu Vị Dân nói Bắc Kinh chỉ tham gia hoàn thiện COC “khi điều kiện chín muồi” và COC “không nhằm giải quyết tranh chấp” mà chỉ “để xây dựng lòng tin”.
Giáo sư Carl Thayer nhận định “Nếu COC không giải quyết vấn đề này, nó sẽ chẳng khác gì DOC”. Khó khăn lớn nhất, theo giáo sư Thayer, TQ không chỉ “đòi” chủ quyền trên Biển Đông mà còn đang dùng sức mạnh để khẳng định chủ quyền một cách bất hợp pháp. “Khi TQ tiếp tục hiếu chiến thì sẽ không có cơ sở để giải quyết tranh chấp”.
Lập chủ quyền theo đàn chim di trú?
Chủ tịch Thượng viện Philippines là Juan Ponce Enrile đã vạch trần cho thấy việc TQ đòi chủ quyền trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Ông bác bỏ cái mà TQ gọi là “chủ quyền dựa trên bằng cớ lịch sử” khi nhấn mạnh luận điệu này là khập khiễng. Bác bỏ việc TQ dựa vào “bản đồ cổ” để đòi chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, Thượng nghị sĩ Enrile vạch rõ: “Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu TQ cũng đòi chủ quyền trên Mặt trăng và các hành tinh khác”, ông Enrile kết luận. Thế nên, việc gộp toàn bộ 130 đảo trên Biển Đông vào bản đồ quốc gia như vậy thể hiện chủ đích của TQ. Hành động này một lần nữa xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN và các nước khác trong khu vực Biển Đông và cả biển Hoa Đông trong tranh chấp Senkaku với Nhật Bản. Việc này bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Luật biển 1982. Họ cũng đi ngược lại chính cam kết của họ với thế giới.
Rất có thể “người ta” hy vọng nhờ việc in bản đồ như vậy sẽ có thêm chứng cứ về pháp lý với đòi hỏi phi pháp của mình. Đó là điều ấu trĩ. Vậy tại sao họ vẫn dùng thủ đoạn bịp bợm và lố bịch này? E rằng đây chỉ là một mớ âm mưu với ý đồ lừa dối chính người dân TQ và cả thế giới. Phải chăng cũng vì các đàn chim di trú từ TQ đã đến làm tổ tại đó!
Quân tử nói không có sách?
Cha ông ta ngày xưa thường dạy “Nói có sách, mách có chứng”. Hàng loạt tài liệu, bản đồ chính thức và bán chính thức của TQ cho đến đầu thế kỷ XX đều chỉ vẽ lãnh thổ TQ đến đảo Hải Nam.
Trong cuốn Phủ biên tạp lục của nhà bác học VN Lê Quý Đôn viết năm 1776 cũng ghi lại một sự việc: Năm 1754, thuyền của đội Hoàng Sa do chúa Nguyễn phái ra khai thác Hoàng Sa bị đứt dây neo, trôi dạt vào cảng Thanh Lan thuộc đảo Hải Nam. Các quan sở tại đã tra xét những người ở trên thuyền, khi biết là người của đội Hoàng Sa Việt Nam, đã chu cấp tiền, gạo cho về quê mà không hề phản đối gì. Chúa Nguyễn còn sai người viết thư cám ơn. Và còn rất nhiều dữ liệu lịch sử chứng minh quyền sở hữu hợp pháp rõ ràng của VN.
Từ bấy đến nay, trong nhiều dữ liệu được trưng ra, TQ cố ngụy tạo để gọi là “cổ sử”, thì dữ liệu tuyên bố “Tây Sa là đất vô chủ” từ năm 1909 là cú tự vả vào chính “gương mặt lịch sử”. Những ngày này, nhân danh hoạt động thăm dò, khảo sát địa chất, mang theo tàu hộ tống hạng nặng có vũ trang, TQ ngang nhiên như đi vào chốn “vô chủ”, như ngày xưa, tự lờ đi, tự xóa bỏ mọi đặc quyền “có chủ” để vi phạm thô bạo vùng chủ quyền và quyền tài phán của VN.
VN đã tỏ rõ tinh thần hòa hiếu, ý chí hòa bình khi thông qua nhiều cuộc tiếp xúc với phía TQ, triển khai các biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển VN. Chúng ta đã cố gắng kiềm chế vì dân tộc chúng ta đã trải qua bao cuộc kháng chiến chống Trung Hoa qua ngàn năm Bắc thuộc; hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của hòa bình. Chúng ta từng tha cho kẻ vừa gây chiến với mình, như lời của Nguyễn Trãi hơn 600 năm trước: “Nghĩ vì kế lâu dài của nước nhà. Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh. Sửa hòa hiếu cho hai nước. Tắt muôn đời chiến tranh” (Phú núi Chí Linh, Nguyễn Trãi). Trước đó Trần Hưng Đạo cũng không “đuổi tận giết tuyệt” quân Nguyên cho phép chúng còn đường trở về.
Vương đạo và bá đạo
Người ta có hai con đường chinh phục thiên hạ: vương đạo và bá đạo. Bá đạo là con đường dành cho những kẻ khoe sức mạnh cơ bắp nhằm đạt được những mục tiêu ngắn hạn. Bao nhiêu triều đại bá quyền đi qua, để lại những gì, ngoài tang thương cho nhân loại và cho chính họ? Chúng ta đếm bao nhiêu kẻ trị vì thiên hạ dài lâu mà hành xử theo “bạo lực”. Nhân quả luôn diễn ra đồng thời, cả trong và ngoài. Giới học giả TQ cũng đã lên tiếng phê phán kiểu hành xử như đạo tặc, cầm thú… với thiên hạ dù họ đang “thấp cổ bé miệng” so với đám diều hâu thuộc PLA (Quân Giải phóng TQ). Nhìn xuyên suốt lịch sử, người TQ phải nhớ những bài học từ VN mà cha ông họ đã từng nếm trải; họ lại càng phải nhớ những chương đen tối khi chính bản thân tổ quốc họ bị giày xéo, đô hộ.
Họ cần xem lại những chiêu trò mà họ kích động thế giới, và nhất là đối với VN một nước liền kề biên giới. Chúng ta mong họ dừng lại những chiến thuật xâm lược và những thủ thuật “lừa đảo” không xứng với một quốc gia 6.000 năm văn hiến, con cháu của Khổng Tử… không xứng với một đại cường đứng thứ hai thế giới về kinh tế. Không phải đợi tới giờ người VN mới biết những trò đểu của những anh con buôn TQ. Những chuyện như mua móng bò với giá tưởng như không bao giờ có, khiến người nông dân vùng biên giới điêu đứng vì làm thịt hết bò, không còn phương tiện để cày cấy sinh nhai. Chuyện lấy cớ này cớ kia để làm hàng đoàn xe vận tải chở dưa hấu, thanh long, rau quả sang TQ bán, nằm la liệt ở cửa khẩu làm mọi thứ thối rữa chỉ còn nước đổ đi. Chính sách “lưu manh có kế hoạch” này song song với những thủ đoạn gây hấn trên biển, thuê rừng trồng trọt để “ăn sâu ở lâu”, đồng thời quấy rối trên khắp các vùng thôn quê, TQ đã chứng tỏ dã tâm của mình đối với VN. Làm mất uy tín thương hiệu của VN là đánh một đòn rất nặng vào nền kinh tế của VN. Đến trò di dân sang VN, hàng ngàn (hay hàng trăm ngàn) lao động Trung Quốc làm việc “chui” tại công trình bauxite Tây Nguyên, Formosa miền Trung cho đến Cà Mau và cụ thể ngay tại Khu công nghiệp Long Giang thuộc tỉnh Tiền Giang, công nhân TQ quấy rối cả đời sống dân cư ở đây.
Nếu chúng ta biết tất cả chủ trương này đã có từ từ thời Trung Hoa xưa: “Ở nhà An Nam, xài tiền An Nam, lấy vợ An Nam” là chưa hề thay đổi trong sách lược xâm thực và đồng hóa, hẳn chúng ta phải hết sức cảnh giác!…
Ngược dòng lịch sử, năm 1407 Trung Hoa thi hành chính sách hủy diệt tàn bạo sau khi chiếm VN, Minh Thành Tổ đã ban sắc viết: “Khi binh lính vào nước Nam, trừ các kinh Nho gia, kinh Phật, đạo Lão không thiêu hủy. Ngoài ra, tất cả sách vở, văn tự cho đến các loại văn tự ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ con học… đều đốt hết. Phàm những văn bia do Trung Hoa dựng từ xưa thì đều phải giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ không để sót… Nhiều lần trẫm đã bảo các ngươi, phàm An Nam có văn tự gì, kể cả các câu hát dân gian… các bia dù dựng lên một mảnh, hễ nom thấy là phá hủy hết”. (Lịch sử Việt Nam, tập 3, Viện Sử học, 2007, Nxb Khoa Học Xã Hội)
Hàng năm, trong thời gian TQ áp đặt lệnh cấm đánh bắt với các nước khác, họ sẽ cho ra khơi hàng ngàn đến hàng chục ngàn tàu cá vào Biển Đông. Trên thực tế, không hề có bất cứ cái gì được gọi là “lệnh cấm đánh cá” tại Biển Đông. Mặc dù là quốc gia tự đặt ra lệnh cấm, nhưng Trung Quốc lại không hề tuân thủ lệnh cấm này mà còn gửi những tàu cá nhỏ ra để cố ý khiêu khích các bên tranh chấp khác như Nhật Bản, Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và VN. Họ, dân quân TQ có vũ trang, ra sức quấy phá, cướp bóc tàu cá VN. Bọn chúng cướp đi ngư cụ, hải sản, và đánh đập vô nhân đạo, thậm chí ném ngư dân xuống biển và không cho tàu khác ứng cứu.
Tác ý phi như lý
Chúng ta không may hay do duyên nghiệp luôn phải gần một “ngụy quân tử” vĩ cuồng với những tham vọng không giới hạn, nhất là khi hắn ta luôn sống theo “tác ý phi như lý”. Tác ý theo nhà Phật là một năng lực có chức năng hướng dẫn tâm, như bánh lái của chiếc tàu.
Khi chúng ta hướng tâm về đối tượng hiền thiện thì những hạt giống tốt trong người mình được tưới tẩm. Nếu tác ý của chúng ta đi về hướng nguy hiểm, bất thiện và chúng ta tham dự vào đó thì gọi là tác ý phi như lý (ayoniso manaskara). Thế nên, người quân tử nói theo ông Khổng là “… không xuôi theo dòng nước, huống hồ là thông đồng làm điều bất chính. Tất cả những gì họ nghĩ đến là làm thế nào để thực hành đạo nghĩa”. Nhưng nay con cháu ngài đã đi ngược chiều gió thời đại, làm ngược điều ngài răn dạy, thì hỏi sao nhân lọai không oán thán, nghi ngờ… Họ phải nhớ: “Con người là tổng thể những hành động của nó” (Jean Paul Satre), hay nói cách khác, đó chính là nghiệp. Là những nhà lãnh đạo, họ phải biết nghĩ đến biệt nghiệp của mình và cộng nghiệp của cả dân tộc. Hãy nhớ những hôn quân bạo chúa gây bao nhiêu tai ương cho đất nước mình sau những cuộc xâm lăng thất bại. Thiền sư Nhất Hạnh từng nhấn mạnh “Mỗi suy nghĩ chúng ta tạo ra đều mang chữ ký của mình”.
Suy ra, tất cả những gì chúng ta nói cũng mang chữ ký của mình. Sau cùng là hành động chắc chắn phải mang chữ ký của ta vì ta là người chịu trách nhiệm chính. Đưa cả dân tộc vào những ngộ nhận về “tình trạng người hùng vĩ đại và cô đơn” giả tạo để khích động thù hận, tranh giành chủ quyền bất chấp công pháp quốc tế, TQ đang tự bôi đen hình ảnh chính mình trước công luận và có thể châm ngòi cho những xung đột ngột ngạt với các nước láng giềng, và ai biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu tham vọng ngông cuồng ấy không dừng lại.
Nhân lọai đang hồi hộp nhưng không phải là không chuẩn bị cho những điều xấu nhất! Hãy dừng lại trước khi quá muộn!
Nguyên Cẩn | Văn Hóa Phật Giáo Số 327 ngày 15-8-2019 |Thư Viện Hoa Sen nhập lưu 23-8-2019
______________________
Bản đồ với mũi tên chỉ vào khu biển đang có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng, cho thấy sự xâm lấn ngang ngược của Trung Cộng vào hải phận Việt Nam tại Bãi Tư Chính, được trình bày trên Bharat Shakti, một diễn đàn chuyên về quân sự của Ấn Độ. (Bharat Shakti)
Xem thêm:
Chính trường cần có những tiếng nói trí tuệ của Phật giáo (Tỳ khưu Sujato )
Discussion about this post