VUI KHỔ TỰ GÂY
Thiện Ý
Dùng nụ cười để thay đổi thế gian; đừng để thế gian thay đổi nụ cười của bạn.
Vô Danh.
Một văn sĩ nổi tiếng xứ Anh Goerge Orwell có viết rằng: “Hạnh phúc chỉ có mặt khi mình chấp nhận nó.” Thật vậy, trong cuộc sống chúng ta gặp không biết bao nhiêu là khổ đau và luôn cả hạnh phúc. Nhưng thật đáng tiếc là mình cứ kè kè mang theo những thứ đau khổ, như giận hờn, ghen tức, oán hận, buồn thương… Đây là những thứ hành lý mà mình cứ khư khư ôm theo hết ngày này qua tháng nọ. Thỉnh thoảng, chúng ta có buông xuống. Nhưng buổi sáng bỏ xuống thì buổi chiều lại nhặt lên.
Cái phiền não, khổ đau mà chúng ta cứ bỏ xuống lại nhặt lên mỗi ngày. Lâu dần, chúng trở thành những gánh nặng hành lý, luôn ám ảnh trong tâm, như những con đường mòn mình khắc sâu trong não bộ và ý thức của mình. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận dạng ra những con người như vậy khi tiếp xúc với họ vài lần. Như một kẻ lâu ngày không tắm giặt, thân hình hôi thối. Nhưng vì quen với mùi hôi hám đã lâu nên không còn cảm thấy chính mình hôi hám, dơ dáy nữa. Dù là có nhiều người ngửi thấy mùi hôi, nói mình dơ bẩn, chúng ta cũng không thèm chấp nhận vì đã quen thuộc với cái ‘mùi’ đó rồi!
Vì nhiễm mùi tiêu cực, chán chường với thế thái nhân tình trong tâm thức, nên đi đâu mình cũng thấy nhan nhản những con người, những hoàn cảnh đáng chán như vậy! Sự bi quan, yếm thế như bao phủ, ‘quản lý’ con người mình nên, hầu như, cách suy nghĩ, nói năng, hành động (ý, khẩu, thân) đều nhuốm mùi tiêu cực, yếm thế. Như ông bà mình có câu: ‘ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’ nghĩa là ai hay nắm níu khổ đau, phiền não thì hay đi kiếm kẻ bi quan, yếm thế mà chuyện trò, ta thán. Riết rồi, con người mình đi đâu cũng bốc mùi bi lụy, chán chường. Thậm chí, mình quen thuộc với chúng đến độ thiếu chúng thì mình cảm thấy đời mình trống vắng!
Trong kinh Tương Ưng “Bài Kinh Về Mũi Tên”: Một lần nọ đức Phật hỏi các đệ tử: “Người chưa hiểu Phật pháp gặp chuyện vui thích hay đau khổ. Người hiểu Phật pháp cũng gặp chuyện vui thích hay đau khổ. Vậy người không hiểu Phật pháp và người hiểu Phật pháp khác nhau ở chỗ nào?”.
Các đệ tử mới thưa với đức Phật: “Kính mong đức Thế Tôn hãy làm con mắt sáng, chỉ dạy cho chúng con”.
Đấng Thế Tôn giảng rằng: “Một người bình dị không được học hỏi mỗi khi phải gánh chịu một giác cảm đau đớn, thì sẽ ta thán, oán trách, đau buồn, đấm ngực (hối tiếc vì mình đã lỡ lầm) và hoảng sợ. Đấy là cách mà người ấy cảm nhận hai sự đau đớn: trên thân xác và trong tâm thần. Chẳng khác gì như người ta bắn một mũi tên vào một người nào đó, sau đấy lại bắn thêm một mũi thứ hai: người này tất phải chịu sự đau đớn của hai mũi tên. Cũng thế, một người bình dị không được học hỏi mỗi khi phải gánh chịu một cảm nhận đớn đau thì sẽ ta thán, oán trách, đau buồn, đấm ngực và hoảng sợ. Đấy là cách mà người ấy cảm nhận cả hai thứ khổ đau: trên thân xác và cả trong tâm thần.
“Đối với một môn đệ cao quý được hưởng sự giáo huấn thì dù phải gánh chịu một giác cảm đau đớn thì cũng không ta thán, oán trách, đau buồn, không đấm ngực cũng không hoảng sợ. Vì thế người ấy cũng chỉ cảm nhận một sự đau đớn duy nhất trên thân xác, không có một sự đau đớn nào xảy ra trong tâm thần. Đấy cũng chẳng khác gì như người ta chỉ bắn một mũi tên vào một người nào đó, và sau đấy thì không bắn thêm một mũi tên nào khác nữa. Vì thế người ấy cũng chỉ cảm nhận sự đau đớn gây ra bởi một mũi tên duy nhất mà thôi. Cũng thế, một môn đệ cao quý được hưởng sự giáo huấn thì dù phải gánh chịu một giác cảm đau đớn thì cũng không ta thán, oán trách, đau buồn, không đấm ngực cũng không hoảng sợ. Người ấy chỉ cảm thấy đau đớn duy nhất trên thân xác, nhưng tâm thần thì không hề xao xuyến. (Hòa thượng Minh Châu dịch).
Anh thợ mộc, mà tôi thuê để giúp sửa lại căn nhà cũ, vừa trãi qua một ngày làm việc đầy trắc trở. Bánh xe bị xẹp khiến anh mất cả giờ làm việc, cái cưa điện bị hư, và bây giờ chiếc xe truck cũ không muốn khởi động máy. Trong lúc tôi chở anh về nhà, anh ngồi bên lặng câm, mệt mỏi. Vừa đến nhà, anh liền mời tôi vào để giới thiệu gia đình anh. Khi chúng tôi trên đường hướng về cửa chính, anh bổng dừng lại, đứng bên cạnh một cây nhỏ trước cửa nhà một vài phút; hai tay anh vuốt ve thân và nhánh của cây, miệng thì thầm cái gì đó.
Khi cánh cửa mở ra, anh ta dường như biến thành một người khác. Bộ mặt rám nắng của anh bổng nở một nụ cười tươi, anh ôm hai con nhỏ vào lòng, và trìu mến hôn vợ. Sau khi giới thiệu xong, anh tiễn tôi ra xe. Chúng tôi đi ngang qua cái cây nhỏ nọ, và óc tò mò đã khiến tôi không nhịn được. Tôi bèn hỏi anh ta làm gì mà đứng vuốt ve cái cây kia trước khi vào nhà vậy!
“À, đó là cái cây phiền não của tôi,” anh ta đáp, “Tôi biết tôi không thể tránh khỏi những trắc trở, khó khăn trong công chuyện làm ăn, nhưng dứt khoát một điều là, những khó khăn, trở ngại đó không dính dáng gì đến vợ con tôi cả. Vì vậy, tôi treo chúng ở cái cây này mỗi chiều sau khi vào nhà. Rồi sáng sớm, tôi lại mang chúng theo.”
“Điều đáng buồn cười là,” anh ta mỉm cười nói, “khi tôi ra cái cây để lấy chúng mỗi sáng, thì chúng không còn nhiều như chiều hôm trước tôi treo chúng ở đây nữa!”
Dù giải pháp của anh thợ mộc nói trên vẫn chưa là đúng cách như lời Phật dạy. Nhưng ít nhất anh ta đang đi đúng hướng: học cách buông bỏ những khổ đau, phiền não khi về đến nhà. Buông bỏ những thứ mà mình đã hằn sâu trong não bộ và tâm thức, không phải là chuyện dễ làm vì cái khó khăn nhất, như đã trình bày ở trên, là mình có tự nhận mình đang tiêu cực, khổ não hay không? Mình có tự nhận mình có ‘bốc mùi’ hay không? Chỉ khi nào mình đã tự chấp nhận thì mọi chuyện sau đó đều tương đối dễ dàng hơn!
Chúng ta phải bắt đầu học cách tạo những con đường mòn mới, những con đường tươi mát, tích cực trong tâm, trong não, cho dù đời sống của mình vẫn còn khó khăn, trắc trở. Mỗi sáng thức dậy, khi đánh răng súc miệng bạn thử mở miệng cười với chính mình trong gương. Một hình thức tạo một thói quen mới, học mỉm cười. Những bước căn bản đầu tiên này, dù nhỏ, nhưng nói lên ý chí của bạn muốn thay đổi cuộc đời mình.
Không chú ý đến những việc mình không muốn làm và tập trung nhiều vào những điều mình thích làm. Chẳnh hạn như, thay vì bực bội với những ý nghĩ tiêu cực luôn xâm nhập tâm trí mình thì mình lại tập trung năng lực vào những việc làm, ý nghĩ tốt lành, tươi mát. Đặc biêt, tránh xa những hành động lôi kéo mình vào nơi tiêu cực, như lên mạng xem những tin tức tiêu cực, hoặc gọi phone nói chuyện với những người luôn tiêu cực, dù đó là bạn thân của mình. Não bộ của chúng ta chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ thể, nhưng nó tiêu thụ từ 25% đến 30% năng lượng của thân. Thế nên, sau những cơn sân giận, bực tức chúng ta cảm thấy mình mệt mỏi, kiệt quệ vì năng lượng bị tiêu hao quá nhiều. Nếu cứ để những năng lượng trong thân bị tiêu hao bởi những tư tưởng tiêu cực thì làm sao chúng ta có thể cảm thấy nhẹ nhàng, an lạc cho được?
Chánh niệm là thần dược trị căn bệnh tiêu cực, khổ não này. Nhờ chánh niệm chúng ta có thể ‘chuyển hướng’ suy nghĩ của mình, hoặc nếu mình rơi vào những ý tưởng tiêu cực mình sẽ bắt gặp chúng ngay. Cho nên, thiền quán không phải là một cái gì ghê gớm lắm; ngược lại, thiền là cách giúp chúng ta theo dõi những lăng xăng, náo động trong tâm. Chúng ta không làm gì được với những ý nghĩ bất tịnh này, nhưng chúng ta có thể không tạo thêm điều kiện để chúng tăng trưởng. Càng tự trách mình về những ý nghĩ bất tịnh này, chúng ta càng nuôi dưỡng chúng mạnh thêm lên. Thiền quán giúp mình khéo léo tránh xa, làm ngơ chúng; và vì vậy, chúng dần dần biến mất.
Cũng vậy, khi mình có những ý nghĩ hạnh phúc, tốt lành thiền quán hay niệm Phật giúp mình nuôi dưỡng và duy trì chúng. Nếu thực tập thường xuyên thì những tiêu cực sẽ ngày càng bị thu nhỏ lại và niềm vui hạnh phúc được thêm nhiều. Nhớ rằng, chính mình là người tạo ra chúng, trói buộc lấy mình thì cũng chính mình mới có thể giải thoát cho mình.
Thiện Ý
(trước rằm tháng Giêng, năm Bính Thân)
Discussion about this post