VÔ ÚY TỰ TẠI
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã có buổi Pháp thoại tại Viện
Teen Murti, thủ đô New Delhi nhân kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 64 của Ấn
Độ. Dưới đây là bài phỏng vấn Ngài do Narayani Ganesh thực hiện cho Thời
báo Times Of India vào ngày 27 tháng 8, 2011. (Nguồn: “Fearless and Free”, http://www.speakingtree.in/spiritual-articles/lifestyle/fearless-and-free
Trang web www.speakingtree.in
08/2011)
Câu hỏi: Thưa
Pháp Vương, khái niệm “tự do” có ý nghĩa gì đối với Ngài?
Trả lời:
Tôi nghĩ rằng tự do là một chủ đề mà mọi người thường nhắc đến. Ai cũng muốn có
được tự do, nhưng dường như có rất nhiều cách giải nghĩa cụm từ này và nhiều
khái niệm khác nhau về tự do. Theo tôi, có tự do về thể chất và tự do về tinh
thần. Ta phải đạt được sự tự tại từ bên trong trước, từ đó các sắc màu của cuộc
sống bên ngoài sẽ thay đổi.
Trong tâm trí, chúng ta luôn cần được tự
do để có lựa chọn đúng đắn; nhưng ta thường lưỡng lự không làm như thế, bởi
vì chúng ta còn thiếu trí tuệ, tâm bị xao lãng, vọng động, rối loại
và khổ đau thường từ đó mà ra. Đây quả thực là một thách thức rất lớn trong
cuộc sống. Một bạn trẻ thời nay thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều sự
lựa chọn, nhưng làm thế nào để có lựa chọn tốt? Rồi cách tiếp cận vấn đề của
chúng ta thường thiên về vật chất hơn về tinh thần. Cách lựa chọn này đôi khi
mang lại cho ta niềm vui trong chốc lát, nhưng chỉ làm ta rối loạn hơn. Chưa
kể, nó sẽ dần tạo thành một thói quen. Nếu chúng ta biết rõ mình phải lựa chọn,
ra quyết định như thế nào, đó là tự do. Nhưng chúng ta còn vô minh, thiếu
trí tuệ, đó chính là sự trái ngược với tự do.
Câu hỏi:
Thưa Ngài, cái gì có thể giúp một người chứng ngộ sự tự tại bên trong?
Trả lời: Bạn cần phải có trí tuệ, phải tìm và
nhận ra được trí tuệ ấy ở trong chính mình mà không vướng mắc vào bản
ngã. Điều này dẫn ta tới triết lý sống rằng cần thấu hiểu bản chất tự
nhiên. Mỗi chúng ta đều nên theo một triết lý sống nào đó. Hiện tại,
chúng ta chỉ hay quan tâm tới khía cạnh vật chất của cuộc sống. Tuy nhiên, ta
cần hiểu biết hơn về bản chất tự nhiên. Ví dụ, khi ta chọn một cặp kính thì
vẻ bề ngoài của nó không quan trọng bằng bản chất tự nhiên, lợi ích và
công dụng của nó, bởi suy cho cùng, tất cả đều bắt nguồn từ bản chất tự
nhiên. Từ đó dẫn dắt ta quay trở về với tình yêu tự nhiên.
Thấu hiểu vẻ đẹp bằng cách nhận biết
khởi nguồn của nó. Rồi bạn sẽ cảm thấy mãn nguyện, thấy mình có khả năng chọn
lựa một cách thư thái, an vui, không nóng nảy vội vã, bởi bạn đang thấm dần
triết lý sống.
Câu hỏi:
Ngài đã từng nói Niết bàn và Luân hồi là hai mặt của cùng một thực tại. Vậy
Niết bàn không phải là một trạng thái bất diệt, vĩnh cửu, khác hẳn với Luân hồi
hay sao?
Trả lời:
Tôi không cho rằng Niết bàn là vĩnh cửu, mà cả Niết bàn và Luân hồi đều
là vĩnh cửu. Nói như vậy không có gì là khó hiểu, bởi có nhiều cách để
nhận thức niết bàn và luân hồi. Luân hồi là sự phóng chiếu, sự chuyển động
của niết bàn. Nếu bạn nghĩ rằng niết bàn là một cái gì đó bất di bất dịch, một
trạng thái vĩnh cửu thường hằng thì chính cách nghĩ đó là thiếu chính
kiến.
Vấn đề là chẳng
có gì để chỉ bày, mà chúng ta chỉ có thể bàn luận về nó. Thực chất, Niết
bàn không thật có, bởi tất cả chúng ta – cái bàn này, bạn và tôi – đều là Niết
bàn, nếu như bạn thực chứng được tự tính của vạn pháp. Nếu không thì tất cả
đều là Luân hồi. Tự nhiên là gì và chiều sâu của tự nhiên là gì? Có biết
bao khía cạnh của tự nhiên như núi, sông, cây cối, những thác nước, cầu vồng…
Tất cả đây đều là những nhận thức ban đầu và tạm thời về tự nhiên. Nếu ta
sống có triết lý thì cái nhìn của ta về tự nhiên sẽ sâu sắc hơn nhiều.
Câu hỏi: Vậy ý Ngài là tất cả tự nhiên chỉ là những phân
tử luôn chuyển động, rằng luôn có sự thay đổi dù bên ngoài không hiển thị như
thế?
Trả lời: Cách
nói đó có lẽ cũng đúng, nhưng ý tôi là tất cả đều là tính không – và bạn
thực sự không thể miêu tả tính không bằng ngôn ngữ khoa học. Nói tính
không là không có gì hay là vô tận đều không đúng, bởi tính không là
thứ ta không thể miêu tả bằng ngôn ngữ.
Ngay cả Đức Phật hay
các đấng giác ngộ khác cũng không thể miêu tả nó. Khi ta dần chứng ngộ bản chất
của tự nhiên, bạn có thể dùng từ toàn tri hay tôi có thể nói “Tôi có thể đọc
được ý nghĩ của bạn”, “Tôi có thể nhìn được phía bên kia!” Có nhiều chân ngôn
và năng lực kì diệu, nhưng những từ ngữ này cũng chưa diễn tả đủ. Trí tuệ toàn
tri chân chính xuất phát từ sự thấu hiểu tính không. Những chướng ngại
tâm sinh lý bạn đang trải qua dường như là bị động, chúng không có tầm quan
trọng gì đối với hiểu biết của bạn. Cũng không có nghĩa là chúng sẽ tan vỡ hay
tòa nhà sẽ tan vỡ.
Ví dụ, một toàn nhà bằng bê tông sẽ không
còn là vật chất đối với bạn nữa; nó không còn quan trọng nữa. Nếu tôi thấu hiểu
tính không thì một toà nhà sẽ không hiển lộ một cách vật chất nữa. Tôi
cũng sẽ chẳng cố “nhìn thấu” một tòa nhà hay một người khác. Một khi bạn đạt
được sự chứng ngộ sâu xa, bạn sẽ bắt đầu thực sự hiểu biết. Bạn trở thành toàn
tri.
Câu hỏi: Trở
lại chủ đề tự tại, không phải ta đang bó buộc mình khi đặt ra những giới hạn và
danh tính để miêu tả sự tự tại?
Trả lời: Khi nghe những chuyện về một ai đó gặp vấn đề
với visa nhập cảnh, tôi thường tự hỏi mình tại sao lại có những biên giới? Tôi
nghĩ câu trả lời là sự tham lam và bản ngã, chúng luôn kêu lên “Đây là lãnh địa
của tôi, không gian của tôi”. Đây là một hiểu biết sai lầm của bản ngã. Bạn đã
tạo ra nỗi sợ hãi từ bản ngã. Sự tự tại phải được đạt tới trong tỉnh thức.
Hãy xé toang rào cản tinh thần đó. Trước
khi kiến lập những rào cản thể chất, ta cần phải vượt qua những rào cản tinh
thần. Bạn phải cảm thấy thực sự an lạc, dù đang ở bất kỳ đâu. Bạn phải biết
khoan dung và chấp nhận. Để đạt được điều đó, trước hết bạn phải cảm thấy thoải
mái, an lạc với chính bản thân. Sức mạnh để đạt được điều này đến từ bên trong
tâm thức của bạn. Ý chí của bạn phải trở nên to lớn, không nhỏ nhoi. Bạn phải
biết yêu thương. Bạn phải có sự tự tin.
Tôi muốn dùng một ẩn dụ như thế này: Một
con voi rất to lớn; nó từ tốn, trông rất hay và bước đi với sự tự tin. Những
loài nhỏ bé lại thường chạy loanh quanh một cách loạn động, luôn sống trong sợ
hãi, bất an, vì thế chúng cắn xé và luôn trong tinh thần hoảng loạn. Để thực sự
lớn mạnh, bạn cần sự tự tin bên trong chính mình. Trải nghiệm tự tại bắt nguồn
từ sức mạnh tinh thần và lòng bi mẫn, chứ không phải từ sức mạnh cơ bắp hay từ
một sức mạnh của một đạo quân.
Câu hỏi: Khushwant
Singh nói rằng lý thuyết của sự tái sinh và đầu thai là không có cơ sở. Ông
từng hỏi Đức Dalai Lama rằng tại sao chỉ có một số người theo đạo Phật và đạo
Hindu có thể nhớ được kiếp trước của mình; và ông cho rằng lý thuyết này có sự
liên hệ mật thiết với nền văn hóa Nam Á. Đức Dalai Lama chỉ cười khi nghe câu
hỏi này. Ngài có bình luận gì về chuyện này?
Trả lời:
Điều này không hoàn toàn đúng. Có rất nhiều câu chuyện về những người thuộc các
tín ngưỡng khác có khả năng nhớ được kiếp trước của mình. Gần đây tôi còn được
gặp một em bé theo đạo Hồi, em bé này quả quyết rằng em nhớ về kiếp trước của
mình, khi em đã từng là một vị sư tu tập theo truyền thống Drukpa! Hay có một
em bé người Sikh ở Chandigarh
đã nhận ra một đôi vợ chồng là cha mẹ của mình trong kiếp trước.
Tôi nghĩ Đức Dalai Lama cười bởi đây không
phải là cái bạn có thể dễ dàng giải thích. Nếu muốn nói gì với ông ta, chắc
Ngài sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Phần lớn người ta không tin vào sự tái
sinh, và kể cả trong số những người tin, phần lớn họ cũng không nhớ nổi kiếp
trước của mình!
(Drukpa Viet Nam)
Discussion about this post