Vô minh và tuệ giác
Quảng Tánh
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi
các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có hai loại người ngu này. Thế nào là hai? Người có phạm tội
nhưng không thấy có phạm tội và người không chấp nhận người khác như pháp phát
lộ tội của mình. Này các Tỷ kheo, có hai loại người ngu này.
Này các Tỷ kheo, có hai loại người có trí. Thế nào là hai? Người có phạm tội là
thấy có phạm tội và người chấp nhận người khác như pháp phát lộ tội của mình.
Này các Tỷ kheo, có hai loại người có trí này.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Người ngu, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.114)
LỜI BÀN:
Trong quá trình phấn đấu vươn lên của nhân loại, trí thức là nhân tố quan
trọng, có tính quyết định cho việc phát triển xã hội. Tuy nhiên, tri thức là
một con dao hai lưỡi; nếu không được dẫn dắt và định hướng của đạo đức thì tri
thức có thể mang đến bất hạnh cho con người. Thảm họa của vũ khí công nghệ cao
có tác dụng hủy diệt hàng loạt đã minh chứng điều ấy. Vì thế, Phật giáo đặt
trọng tâm vào sự nghiệp phát triển và thành tựu tuệ giác (trí tuệ) còn tri thức
chỉ là phương tiện mà thôi.
Đối với những ai chân thật cầu tuệ giác thì phải thấy rõ những ác nghiệp của
chính mình. Trừ những bậc Thánh, không ai trong chúng ta mà không có tội lỗi,
chỉ khác biệt là nhiều hay ít nơi mỗi người. Vì thế, nhận ra những lầm lỗi và
thừa nhận nó như một sự giới hạn, thấp hèn của tự thân là một sự tiến bộ, biểu
hiện ban đầu của tuệ giác. Trong trường hợp tự thân không nhận ra lầm lỗi thì
phải mong cầu người khác chỉ lỗi, góp ý và soi sáng thêm. Bất kỳ ai, muốn cầu
tiến thì phải biết lắng nghe; nhất là nghe cái dở, cái xấu… của chính mình.
Người dám nói lên những điều chưa tốt của người khác với thành ý xây dựng, đúng
lúc đúng nơi là người tốt đồng thời người biết tiếp thu những góp ý, phê bình
và thầm tri ân sự soi sáng ấy để kiện toàn là người có trí.
Tuy vậy, sự đời thường “tốt kheo xấu che” nến lắm khi “lời ngay trái tai”. Nói
thật, nói ngay thì dễ mất lòng thậm chí bị trù dập, thù ghét bởi đa phần ai
cũng bị tổn thương và mong muốn che đậy những hạn chế của mình. Người không thấy
tội ác nên trược dài vào hố thẳm đã đành nhưng có đôi lần tâm chợt lóe sáng,
giật mình nhận ra tội lỗi thì cố che giấu. Kẻ thông minh tài trí mà ác tâm thì
việc làm ác cùng che đậy tội lỗi của họ rất tinh vi, ngụy trang khéo léo, nhằm
thỏa mãn tham vọng nhiều hơn. Những hạng người này, dù có tri thức cao, theo
Thế Tôn, vẫn là người thiếu trí, vô minh, không có tuệ giác.
Bậc trí, theo Thế Tôn, không nhất thiết là có tri thức cao bởi tri thức không
đủ năng lực chuyển hóa được phiền não. Người có tuệ giác biết nhìn thẳng vào sự
thật và chấp nhận sự thật ấy dù đau thương rồi nỗ lực chuyển hóa, thăng hoa.
Hoa sen tinh khiết và ngát hương cũng vươn lên từ bùn lầy. Cũng vậy, tuệ giác
cũng nở hoa từ bùn nhơ vô minh, tội lỗi khi con người dám nhìn thẳng, thừa nhận
và chuyển hóa nó.
Source: Quảng Tánh, LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TẠNG NIKÀYA, tập I,
NXB Tôn Giáo, 2008.
Discussion about this post