VỀ VIỆC DỊCH TAM TẠNG PALI SANG TIẾNG VIỆT
Phạm Doãn
Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, Này Ananda là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi. (Kinh Đại Bát Niết bàn: Tụng phẩm 2)
Vừa có một phản ảnh trên Facebook rằng đối với Tam Tạng Kinh, bản tiếng Việt, thì không cần phải dịch lại.
Dĩ nhiên người học Phật tại VN đã từng có bản Việt dịch các bộ Nikaya của Tỳ Kheo Thích Minh Châu và giáo sư Trần Phương Lan. Những người nghiên cứu Phật học chuyên sâu và cả những người thực hành nghiêm túc rất cần đối chiếu các bản dịch (ví dụ giữa các bản tiếng Việt, giữa các bản tiếng Anh v.v…). Khi Đức Phật nhập diệt ngài không căn dăn các học trò phải nương tựa vào đâu cả. Ngài chỉ luôn nói rằng phải dựa vào giáo pháp để tu tập:
Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, Này Ananda là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi. (Kinh Đại Bát Niết bàn: Tụng phẩm 2)
Như vậy, đối với giáo pháp còn lưu lại qua kinh điển, chúng ta cần phải có sự thấu hiểu tường tận, chi li về từng bài kinh, từng đoạn, từng câu, thậm chí từng chữ để bảo tồn chánh pháp và tu tập cho đúng chánh pháp. Việc dịch lại để có một bản dịch thứ hai, thứ ba hoặc hơn nữa để đem so sánh là điều rất đáng và rất có ích. Tỳ khưu Indacanda cho biết:
“Việc phiên dịch Tam Tạng Pali sang tiếng Đức hiện có hơn mười dịch giả. Trong khi đó ở Việt Nam, số lượng dịch giả đã và đang làm công việc phiên dịch Tam Tạng Pali sang tiếng Việt đếm được bao nhiêu người: 1, 2, 3, ??? Đức là nước phương Tây, đa số theo Thiên Chúa Giáo, người theo Phật Giáo không bao nhiêu, mà số lượng học giả chịu khó nghiên cứu cổ ngữ có số lượng vượt trội, trong khi đó Việt Nam có truyền thống Phật Giáo từ thời xa xưa, hơn nữa vào cuối thập niên 1930s đã có sự hiện diện của Phật Giáo Theravada ở Nam Bộ, sau đó phát triển ra miền Trung, và trong những năm gần đây đã có một vài ngôi chùa ở miền Bắc. Tuy Việt Nam có hơn số đầu sách đã dịch xong, nhưng với lực lượng dịch giả như vậy, nước Đức có khả năng sẽ vượt xa Việt Nam trong tương lai về lãnh vực nghiên cứu này.” (trích từ facebook của Bhikkhu Indacanda)
Cũng nên biết khi dịch lại toàn bộ Tam Tạng Pali sang tiếng Việt, Tỳ Khưu Indacanda đã có rất nhiều phát hiện mới mẻ, thậm chí có thể “gây shock”. Ví dụ: các bản dịch Kinh Tiểu Bộ II đến Kinh Tiểu Bộ X dưới đây không phải là bản dịch trực tiếp từ Chánh Tạng pali thuộc truyền thống Phật Giáo Theravada ở tất cả các quốc gia Tích lan, Miến Điện, Thái Lan, Camphuchia v.v
Danh sách được liệt kê như sau:
* Kinh Tiểu Bộ II (Thiên cung sự, Ngạ quỷ sự) – Gs Trần Phương Lan dịch.
* Kinh Tiểu Bộ III (Trưởng lão tăng kệ, Trưởng lão ni kệ) – Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
* Kinh Tiểu Bộ IV (Chuyện Tiền thân, 1-120) – Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
* Kinh Tiểu Bộ V (Chuyện Tiền thân, 121-263) – Hòa thượng Thích Minh Châu và Giáo sư Trần Phương Lan dịch.
* Kinh Tiểu Bộ VI (Chuyện Tiền thân, 264-395) – Hòa thượng Thích Minh Châu và Giáo sư Trần Phương Lan dịch.
* Kinh Tiểu Bộ VII (Chuyện Tiền thân, 396-473) – Giáo sư Trần Phương Lan dịch.
* Kinh Tiểu Bộ VIII (Chuyện Tiền thân, 474-520) – Giáo sư Trần Phương Lan dịch.
* Kinh Tiểu Bộ IX (Chuyện Tiền thân, 521-539) – Giáo sư Trần Phương Lan dịch.
* Kinh Tiểu Bộ X (Chuyện Tiền thân, 540-547) – Giáo sư Trần Phương Lan dịch.
Làm việc trên nhiều bản dịch đối chiếu là một điều cần thiết đối với người nghiên cứu kinh điển Phật học. Ngoài ra sự hiểu rõ văn kinh để thực hành đúng đắn các kĩ thuật tu tập cũng rất cần thiết cho những người hành thiền. Ví dụ, trong kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anàpànasati sutta) trích từ bản dịch của Tỳ Khưu Thích minh Châu, có đoạn:
“…Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập…”
Hầu hết các người thực hành quán niệm hơi thở đều căn cứ trên văn bản này và hiểu chữ “thân” (kàya) là toàn bộ thân thể vật lý của người hành thiền. Nhưng các thiền sư tại trường thiền Pa Auk, Myanmar lại có sự giải thích hoàn toàn khác về chữ “thân” (kàya) trong ngữ cảnh này:
“Cảm giác toàn thân hơi thở tôi sẽ thở vào vị ấy tập. Cảm giác toàn thân hơi thở tôi sẽ thở ra, vị ấy tập.” Ở đây khi Đức Phật nói toàn thân có nghĩa là toàn bộ hơi thở từ đầu đến cuối. “Cảm giác toàn thân hơi thở ” tức là theo dõi được hơi thở ra- vào liên tục không gián đoạn từ đầu đến cuối. Hành giả chánh niệm được điểm đầu, điển giữa và điểm cuối của hơi thở. Nó không có nghĩa là hành giả cảm giác về toàn thân cơ thể.“Thân” ở đây không được hiểu là toàn thân cơ thể như tay, chân, đầu, mình v.v… Vì hành giả đang phát triển chánh niệm trên đề mục là hơi thở chứ không phải bất kỳ một đề mục nào khác. Vì vậy nếu hành giả cùng một lúc có hai đối tượng khác nhau,”
Đây là một ví dụ cụ thể cho thấy ngay việc hiểu rõ từng danh từ Pali trong ngữ cảnh của nó cũng là điều rất quan trọng. Một số các “minh sư” liên tục công kích những người đặt nặng sự nghiên cứu kinh điển. Thưa, đây hoàn toàn không phải là vấn đề say mê chữ nghĩa, trích cú tầm chương, mà thực sự là vấn đề “sinh tử” của hành giả trên đạo lộ tu tập. Như vừa đề cập ở trên, việc không hiểu đúng ngữ nghĩa của một chữ “thân” (kàya) mà nhiều thế hệ đã bế tắc trên con đường tu tập!
Việc dịch thuật Tam Tạng Pali, giảng giải kinh điển, bảo vệ chánh pháp v.v… là do công sức của nhiều người. Giáo pháp của Đức Phật cao siêu, không dễ tiếp thu, qua hàng ngàn năm nên có thể bị hiểu nhầm và giảng dạy sai lệch. Vậy, trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, luôn cần phải có những phát hiện mới lạ, đúng đắn có tính chỉnh sửa để giúp làm khôi phục rõ ràng con đường tu tập theo đúng Chánh Pháp.
Phạm Doãn
Discussion about this post