VỀ MIỀN TÂY
Người Long Hồ
Viết bài này để xin kính cẩn tưởng niệm đến hương linh của ông ngoại và ông chú Ba, hai ông Trần Văn Tiếng & Trần Văn Hương, những con dân kỳ cựu của Vĩnh Long, đã kể lại cho cháu nghe về “Thành Xưa Tích Cũ” và những vùng đất mà hai ông đã đi qua trong khắp các vùng Miền Tây, cũng như tưởng nhớ đến hai anh Hứa Hoành và Nguyễn hữu Trí với những đêm trà đàm “Nhớ Về Miền Tây” tại vùng 9, trại tỵ nạn Bataan, Philippines, vào những tháng ngày cuối năm 1984. Người viết xin thành thật cáo lỗi trước, vì đây không phải là một bài biên khảo, mà chỉ là những chi tiết được ông bà kể lại hay những mẩu chuyện được các bậc đàn anh kể cho nghe trong những buổi trà mạn đàm, nên có thể không chính xác về địa danh hay niên đại.
Nói đến Miền Tây Nam Việt mà không nói một chút về Sông Cửu Long quả là một thiếu sót lớn lao, vì sông Cửu Long chính là “Mẹ” đẻ ra cả vùng đồng bằng trù phú miền Nam nói riêng, và nói chung là cả một vùng chạy dài từ cao nguyên Tây Tạng ra tận đến biển Đông. Sông Cửu Long phát nguyên từ Tây Tạng, vượt qua trăm ngàn ghềnh thác từ thượng nguồn Tây Tạng, qua Trung Hoa, đến Miến Điện, Thái Lan, Lào, Miên, rồi cuối cùng chảy qua Việt Nam và đổ ra biển với chín cửa. Trước khi chảy vào Việt Nam, dòng Cửu Long chia làm hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu. Sông Tiền sâu và rộng, chảy qua các tỉnh Châu Đốc, Cao Lãnh, Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, và đổ ra biển bằng sáu cửa là những cửa Tiểu (nằm trong tỉnh Mỹ Tho, bây giờ là Tiền Giang), Đại (nằm trong hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang), Ba Lai (Bến Tre), Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên (Trà Vinh và Bến Tre) và Cung Hầu (Trà Vinh). Sông Hậu nằm về phía Nam của sông Tiền, nhỏ và cạn hơn, chảy qua các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, và đổ ra biển bằng ba cửa Định An (Trà Vinh và Sóc Trăng), Ba Thắc và Tranh Đề (Sóc Trăng). Đây là một vùng đất bao la phù sa mầu mỡ, với sông nước bao la, kinh rạch chằng chịt. Trong thời Nam tiến và ngay cả đến hồi Pháp thuộc, vùng này đầy dẫy thú hoang như voi, cọp, cá sấu, trâu rừng, heo rừng, nai, khỉ, rắn, rùa, cua đinh, càng đước, vân vân. Năm 1865 tại Sài Gòn có triển lãm một cặp ngà voi Đồng Tháp nặng đến 140 kí lô. Năm 1880, chỉ trong vòng hai tháng mà 189 con cá sấu đã bị dân chúng giết để lãnh thưởng tại Rạch Cò thuộc tỉnh Sóc Trăng. Hàng năm đến mùa nước nổi, voi tràn xuống cánh đồng Phụng Hiệp và bị người ta bắn hạ đến trên 40 con. Khi kinh Phụng Hiệp được đào từ năm 1903 thì voi tại đây mất môi trường sống, nên chúng di chuyển về Sóc Trăng, người Pháp phải nhờ thợ săn voi giỏi từ Cao Miên xuống vùng này để tiêu diệt số voi còn lại.
Discussion about this post