Nguyễn Thị Đấu
Tháp Đại Giác Bồ Đề Đạo Tràng về đêm
Ấn
Độ, với hơn hai tuần lễ ngắn ngủi đã lướt qua thật nhanh. Nhưng cái bóng của khoảng thời gian ngắn ngủi ấy đã ghi bên lòng chúng tôi một ánh sáng không phai: chúng tôi đã may mắn được Trở về với những nơi mà Đức Phật đã đi qua, trong hành trình đi tìm Sự thật. Xin chân thành cầu nguyện, điều ấy sẽ trở thành ánh sáng, cho chúng tôi có thêm lòng tin và
sức mạnh để tiếp tục bước đi trên Con Đường ngui ngút mà duy nhất đúng kia.
Như vẫn còn mơ
Sau những năm tháng ước ao, nguyện cầu, dành dụm… và được sự tiếp sức của nhiều người thân, cuối cùng vợ chồng chúng tôi đã được đặt chân
trên đất Phật. Điều ấy, mãi đến lúc này, một tháng sau ngày trở về Việt
Nam, nhiều lúc nhớ lại những hình ảnh của những ngày hành hương, bản thân tôi vẫn tràn đầy cảm xúc và cứ tưởng như vừa trải qua một giấc mơ!
Một góc tháp Đại Giác – Ấn Độ
Trong đoàn, người trẻ nhất 22 tuổi, người lớn nhất là 76 tuổi; có gia đình gồm đến 8 thành viên; có người thời thanh niên đã từng đi theo tiếng gọi của truyền thống yêu nước, góp phần khuấy động phong trào
sinh viên học sinh những năm tháng đấu tranh cho sự toàn vẹn đất nước như 9Bảo, 5Vân, 3Lập, 5Nhựt… , giờ đây, quay về nương tựa nơi niềm tin cứu rỗi và cùng mơ ước một lần đến xứ Phật.
Phải chăng 36 chúng tôi từng là thân bằng quyến thuộc từ nhiều đời nhiều kiếp trước nay có duyên lành hạnh ngộ tại quê hương mình, quê hương của Đấng Cha Lành mà 16 ngày bên nhau chúng tôi đã chứng tỏ điều này?
Thời khắc không quên
Với tâm thế của người hành hương, nên dù sau 36 tiếng đồng hồ liên tục ngồi máy bay và xe hơi, chúng tôi đến Dharamsala (Bắc Ấn Độ) với độ cao 2.700m, nơi ngày hôm sau có pháp hội của Đức Dalai Lama thứ 14, mà không cảm thấy mệt mỏi lắm; đặc biệt, khi được thông báo đoàn Việt Nam có thể được Đức Dalai Lama tiếp riêng, ai nấy như được tăng thêm sức mạnh…
Thức dậy thực sớm, đến pháp hội trước giờ bắt đầu 90 phút thế mà chúng tôi phải len lỏi qua cả “rừng” người của 57 quốc gia và vùng lãnh thổ ngồi chật cả hai tầng lầu. Đông người là thế nhưng không hề ồn ào. Chúng tôi tìm chỗ ngồi trong diệu âm Aum mani padme hum vang lên trầm hùng như tiếng sóng. Đúng 9giờ30, Đức Dalai Lama đến, thật giản
dị và gần gũi. Chúng tôi như cảm nhận được sự mát mẻ, ấm áp, dễ chịu…
bao trùm chung quanh. Mở đầu pháp hội, Ngài hỏi: Đoàn Việt Nam ngồi ở đâu? Chúng tôi ai nấy xúc động đến nghẹn lời, mấy giây sau mới thốt lên được hai tiếng Việt Nam Việt Nam thật tự hào.
12gờ35, sau khi qua sự kiểm tra cần thiết và nghiêm ngặt, chúng tôi ngồi ở phòng khách, nơi Đức Dalai Lama tiếp những vị khách quý – theo lời vị thư ký của Ngài. Ngài vào, từ ái nhìn hết thảy chúng tôi, gần gũi, ấm áp lạ thường. Xúc cảm trào dâng, tôi không ngăn được dòng nước mắt lăn dài. Liếc nhìn, thấy 9Bảo, 5Vân, 3Lập… cũng đỏ hoe đôi mắt… Ngài chậm rãi bày tỏ: Ngài rất có cảm tình với Việt Nam; Tây Tạng – Việt Nam có cùng hoàn cảnh. Sau đó, Người nhắc nhở chúng tôi làm thế nào để phát triển Bồ đề tâm và trách nhiệm của từng cá nhân trong việc
tham gia bảo vệ Trái đất… Mỗi chúng tôi được Ngài tự tay tặng tượng Phật, chiếc khăn, 2 gói thuốc và được chụp ảnh chung với Ngài.
Hai ngày sau, lại thêm một duyên lành, chúng tôi được tiếp kiến
Ngài Karmapa thứ 17, hóa thân lần thứ 17 của Đức Quán Thế Âm,
vị lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng thứ hai sau Đức Dalai Lama. Hai mươi phút bên Đức Dalai Lama và nửa giờ cạnh Ngài Karmapa 17 trôi qua thật nhanh, thật ngắn ngủi nhưng là những giây phút quá tuyệt vời trong cuộc đời của mỗi chúng tôi. Buổi gặp, thêm một lần nữa, để lại ấn tượng không thể phai về hình ảnh của những bậc Đạo Sư…
Những giọt nước mắt
Từ giã Dharamsala lạnh lẽo khí hậu nhưng ấm áp tình đạo, tình người, chúng tôi quay về New Delhi, đáp máy bay về Ba La Nại để chiêm bái Thánh tích đầu tiên: Vườn Lộc Uyển, nơi Đức Phật giảng bài Pháp đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như. Tại những nơi này, khi đi nhiễu quanh Đại tháp Chuyển Pháp Luân, đứng trước trụ đá của A Dục vương hay khi tụng bài kinh Chuyển Pháp Luân,
lòng chúng tôi lại càng thấu hiểu công ơn vĩ đại của Đức Phật và vị vua đã có công giữ gìn, phát triển đạo Phật.
Rồi xe lại lăn bánh, đưa chúng tôi đến Câu Thi Na. Trước tượng Phật
nằm, ở vị trí mà hơn 2.500 năm trước Đức Bổn Sư nhập Vô dư y Niết bàn, chúng tôi dâng y và nhiễu quanh Đức Phật. Ai nấy đều xúc động nghẹn ngào, nhất là khi đảnh lễ trước đôi bàn chân Người. Thương quá đôi chân trần ấy! Đôi bàn chân chai sần đã đi qua biết
bao nhiêu dặm đường suốt 45 năm hoằng đạo, dưới cái nắng nóng 50-520C như thiêu như đốt của mùa hè Ấn Độ!
Và đỉnh thiêng Linh Thứu hiện ra trong ánh chiều tà. Vừa leo núi
vừa niệm Phật, chúng tôi đã vượt qua nhiều bậc cấp thật nhanh chóng, nhẹ nhàng như từng có ai nâng bước chân mình. Trên đường lên đỉnh núi, lòng chúng tôi rưng rưng khi dừng lại trước hang thiền thất của Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Ananda – những con Người vĩ đại đã sống và làm việc tại một chỗ ở quá đơn sơ! Chúng tôi tụng bài kinh Pháp Hoa và tĩnh tâm… lắng nghe Pháp hội Linh Sơn. Từ giã Linh Sơn Hội thượng Phật với bao tiếc nuối vì thời gian tại đây quá ít ỏi: chỉ hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi phải xuống núi vì trời sắp tối.
Và đây, Bồ Đề Đạo Tràng, nơi sa môn Cồ Đàm chứng ngộ chân lý. Thật sung sướng, hạnh phúc khi được đảnh lễ, chiêm bái Bảo tượng Ngài với bộ y mà chúng tôi đã chuẩn bị mang theo từ Việt Nam với tâm thanh tịnh khi nâng và nhiễu ba vòng quanh tháp Đại Giác; để rồi sau đó, trong thời kinh Thành Đạo, hay trong lễ thế phát xuất gia gieo duyên và quy y dưới cội cây Bồ đề, những
tiếng nấc, nghẹn ngào không kiềm chế được cứ xen lẫn với lời
kinh, tiếng mõ…
Tứ động tâm thứ tư chúng tôi đến là Lâm Tỳ Ni. Những nén hương Việt Nam cuối cùng của đoàn thoảng bay trong gió sớm bên trụ đá A Dục vương còn nguyên vẹn và bài kinh Phật đản vang vang quyện vào nhau như nhắc nhở chúng tôi công ơn to lớn của Thánh mẫu Ma Gia, Người đã sinh ra một Con người vĩ đại cho toàn
cõi Nhân thiên.
Ngoài Tứ động tâm, chúng tôi còn chiêm bái nhiều Thánh tích khác như Đại học Nalanda, đại học Phật giáo đầu tiên, nơi tu học cho cả 10.000 tu sĩ; Kỳ Viên tịnh xá, nơi Ngài Cấp Cô Độc lót vàng đón Thế Tôn; Tỳ Xá Ly, nơi di mẫu Kiều Đàm Di thế phát xuất gia… Nơi nào cũng là những ấn tượng khó quên, những
bồi hồi rung động, những cảm xúc khó nói nên lời…
Chia sẻ ngọt ngào
Trước ngày đi, người hướng dẫn thông báo: hành trình dài hàng ngàn cây số, trung bình mỗi ngày vượt qua khoảng 300km đường bộ,
có đoạn phải lên đèo xuống núi; Tăng sĩ Việt Nam tu học tại Ấn Độ rất đông, hàng hóa thực phẩm VN rất hiếm; khoảng cách giàu – nghèo của đất nước Ấn Độ còn rất xa… Không ai bảo ai,
dù áo quần phải mang theo cho hơn nửa tháng và không có thời gian giặt giũ, mỗi người chúng tôi đều mang theo vài ba thùng miến – mì gói, vài chai nước tương, ít bịch muối mè – bột nêm, có người trong 20kg hành lý được gửi máy bay chỉ toàn thực phẩm cúng dường… Và không ít người mang theo nhiều dollar để làm việc thiện. Tại Dharamsala và chùa Kiều Đàm Di – Tỳ Xá Ly,
chị Nga và chị Hoa cùng anh chị em trong đoàn hùn phước mua gần 10 tấn gạo giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người dân địa phương. Đặc biệt, thầy Thích Nhật Thiện, không biết mua bánh kẹo khi nào và đổi đâu ra được mấy trăm tờ bạc 10 rupees để phân phát cho mấy trăm em thiếu nhi gầy gò ốm yếu, thiếu áo thiếu quần trên những vùng quê mà chúng tôi đi qua.
Sau khi về Việt Nam, chúng tôi cũng chia sẻ với người thân niềm vui, niềm “hạnh phúc tâm linh” mà chúng tôi có được, theo cách nói của anh Nguyễn Tường Bách (CHLB Đức, tác giả ký sự hành hương Mùi Hương Trầm và nhiều cuốn sách Phật giáo khác) chúc mừng đoàn khi từ Dharamsala, chúng tôi nhắn tin cho anh
là đoàn chúng tôi được Đức Dalai Lama tiếp. Chị 7Hà Đỗ Ngọc Trinh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng) và nhóm bạn đạo lại đón mừng niềm hạnh phúc tâm linh này của chúng tôi bằng một bữa tiệc chay thật hoành tráng. Mọi người trong bữa tiệc cùng chung
sự xúc động khi tận mắt nhìn và để trên đầu mình món quà tặng tượng Phật mà Đức Dalai Lama đã từng để trên đầu Ngài trước khi trao cho chúng tôi. Nhiều người bạn chúng tôi đã trực tiếp chúc mừng hay qua email. Anh Nguyễn Văn Thịnh, người anh trong phong trào SVHS Huế, sau khi xem ảnh đoàn chụp với Đức Dalai Lama, nhắn tin: “Rất vui và chúc mừng đoàn, tụi mình cũng cảm thấy như được gặp Ngài ở Huế…”.
***
Ấn Độ, với hơn hai tuần lễ ngắn ngủi đã lướt qua thật nhanh. Nhưng cái bóng của khoảng thời gian ngắn ngủi ấy đã ghi bên lòng chúng tôi một ánh sáng không phai: chúng tôi đã may mắn được Trở về với những nơi
mà Đức Phật đã đi qua, trong hành trình đi tìm Sự thật. Xin chân thành cầu nguyện, điều ấy sẽ trở thành ánh sáng, cho chúng tôi có thêm lòng tin và sức mạnh để tiếp tục bước đi trên Con Đường ngui ngút mà duy nhất
đúng kia.
Discussion about this post