VẤN ĐÁP CƠ BẢN VỀ
SỰ BUÔNG BỎ, BẤT BẠO ĐỘNG VÀ LÒNG BI MẪN
Alexander Berzin
Singapore 10 tháng Tám, 1988
Trích đoạn đã được duyệt lại từ
Berzin, Alexander and Chodron, Thubten.
Glimpse of Reality.
Singapore: Amitabha Buddhist Centre, 1999.
Hỏi: Sự buông bỏ (detachment) có nghĩa là gì?
Đáp: Chữ ‘buông bỏ’ trong đạo Phật hơi khác với nghĩa thông thường của nó trong Anh ngữ.
Trong Phật giáo, ‘buông bỏ’ được gắn liền với tâm xả ly (renunciation). Chữ xả ly trong Anh ngữ cũng bị hiểu lầm, vì nó ngụ ý là ta phải từ bỏ tất cả để vào sống trong
hang động. Mặc dầu có những trường hợp như Ngài Milarepa đã rời bỏ tất cả và sống trong hang động,
nhưng có một từ ngữ khác để nói về việc này, chứ không phải là danh từ được dịch là “xả ly” hay “
buông bỏ”. Danh từ “xả ly” thật sự có nghĩa là “quyết tâm để đạt được tự do”. Chúng ta đã nhất
quyết rằng, “Ta phải thoát ra khỏi những vấn đề và khó khăn của mình. Ta sẽ nhất tâm hướng về mục
tiêu này.” Chúng ta muốn từ bỏ tất cả những trò chơi ngã chấp, vì ta đã cương quyết thoát ra khỏi
mọi vấn đề do ngã chấp gây ra. Điều này không có nghĩa là ta phải bỏ nhà cửa, tiện nghi, hay những
gì ta thích thú. Đúng hơn là ta cố gắng chấm dứt tất cả những vấn đề liên quan đến các thứ này.
Điều này đưa ta đến sự buông bỏ.
Buông bỏ không có nghĩa là ta không thể thưởng thức một điều gì, hay không thể ở gần một ai.
Đúng hơn, buông bỏ ám chỉ sự kiện là khi ta bám chặt vào những gì mình sở hữu, nó sẽ tạo cho ta
nhiều vấn đề. Ta sẽ bị lệ thuộc vào vật đó hay người đó và nghĩ rằng, “Nếu tôi đánh mất hoặc không
có được những gì tôi muốn, thì tôi sẽ đau khổ.” Buông bỏ có nghĩa là “Nếu tôi có được những thức ăn
mà tôi thích thì rất tốt. Nếu không có nó thì cũng không sao, không có nghĩa là đã đến ngày tận
thế.” Không có sự ràng buộc và quyến luyến ở đây.
Trong ngành tâm lý học hiện đại, chữ luyến ái (attachment) có một ý nghĩa tích cực trong vài trường hợp. Đó là tình cảm gắn bó
giữa một đứa bé với cha mẹ nó. Các nhà tâm lý học cho rằng lúc ban đầu, nếu đứa bé không có sự
quyến luyến với cha mẹ nó, thì nó sẽ khó mà phát triển được. Danh từ ‘luyến ái’ trong đạo Phật rất
khó giải thích bằng Anh ngữ, vì nó có một ý nghĩa hoàn toàn riêng biệt. Khi giáo lý nhà Phật giảng
dạy rằng ta cần phải phát triển tâm buông bỏ, không có nghĩa là ta không muốn phát triển sự gắn bó
giữa cha mẹ và con cái. “Buông bỏ” có nghĩa là dẹp bỏ sự bám víu và thèm muốn đối với một người hay
một vật nào đó.
Hỏi: Có sự khác biệt nào giữa hành động buông bỏ và hành động đạo đức tích cực không?
Đáp: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin nóí thêm là tôi ưa chuộng chữ xây dựng hơn chữ thiện hảo. “Thiện” và ‘bất thiện’ ngụ ý một sự phán xét về đạo đức, điều này không có ý
nghĩa như vậy trong đạo Phật. Không có sự phán xét đạo đức, cũng không có thưởng phạt. Chỉ có những
hành động xây dựng hay phá hoại thôi. Bắn giết người khác là một điều phá hoại. Đánh đập người thân
trong nhà cũng là một sự phá hoại. Ai cũng đồng ý như vậy. Không có sự phán xét đạo đức ở đây. Khi
ta tử tế và giúp đỡ người khác, điều đó có tính cách xây dựng hoặc tích cực.
Khi giúp đỡ ai, ta có thể làm vì tâm luyến ái hay buông bỏ. Một ví dụ về động lực luyến ái là
khi ta nghĩ “Tôi sẽ giúp bạn vì tôi muốn bạn thương tôi. Tôi muốn có cảm giác là người khác cần
tôi.” Ta có thể nói hành động trợ giúp này cũng là một việc tích cực, nhưng dụng tâm không được tốt
lắm.
Khi nói về nghiệp, chúng ta có sự phân biệt giữa động cơ và hành động. Ta có thể làm một việc
tích cực với một dụng tâm rất xấu. Hành vi tích cực sẽ đưa đến niềm hạnh phúc nào đó, trong khi
dụng tâm xấu mang đến sự đau khổ. Hoàn cảnh ngược lại cũng có thể xảy ra: Hành vi tuy là tiêu cực,
ví dụ như ta có thể đánh con cái, nhưng với một động lực tích cực, vì ta muốn bảo vệ tánh mạng của
nó. Ví dụ như đứa con trai nhỏ của bạn sắp chạy ra đường và nếu bạn nói lời dịu ngọt với nó như, “
Con cưng, con đừng chạy ra đường”, thì nó sẽ không nghe lời. Nếu bạn đánh một phát vào mông nó thì
nó sẽ hờn dỗi và khóc òa lên, thế thì có một ít hậu quả tiêu cực trong hành động của bạn. Dù sao đi
nữa, bạn vẫn có một dụng tâm tốt, và cuối cùng thì kết quả tích cực vẫn lớn hơn kết quả tiêu cực
rất nhiều, bởi vì sinh mạng của con trai bạn được an toàn. Hơn nữa, thằng bé sẽ cảm nhận là ta đã
lo lắng cho nó.
Điều này cũng đúng đối với hành động có tính cách xây dựng: Nếu nó được thực hiện với tâm buông
bỏ thì sẽ luôn luôn tốt hơn, nhưng đôi khi nguời ta có thể hành động vì sự luyến ái.
Hỏi: Có phải nếu ta có lòng bi mẫn nghĩa là ta phải luôn luôn làm người thụ động và chìu
theo ý người khác không, hay là đôi khi ta có thể áp dụng các biện pháp mạnh?
Đáp: Có lòng bi mẫn không phải là “bi mẫn một cách ngu xuẩn”, để ai muốn gì thì được nấy. Ta
không thể vì bi tâm mà mang rượu cho người nghiền rượu, hay đưa súng cho kẻ sát nhân. Đây nhất định
không phải là lòng bi nếu ta hành động như thế để làm vừa lòng họ. Lòng bi mẫn và rộng lượng phải
đi đôi với óc phán đoán và trí tuệ.
Đôi khi, chúng ta cần có biện pháp mạnh để răn dạy một đứa bé, hoặc ngăn chận một tai họa khủng
khiếp có thể xảy ra. Nếu như hoàn cảnh cho phép, thì ta nên hành động một cách bất bạo động, để
ngăn ngừa hoặc cải thiện một tình huống nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu cách đó không có hiệu quả, và ta
thấy rằng chỉ có hành vi mạnh mẽ mới chận đứng được sự nguy hiểm ngay lập tức, thì ta sẽ phải hành
động, vì nếu không làm như thế thì xem như ta đã không muốn ra tay cứu nguy. Dù sao đi nữa thì ta
cũng nên cố gắng không gây nhiều thiệt hại cho người khác.
Trong một lần phỏng vấn, một câu hỏi tương tự đã được đặt ra và Đức Dalai Lama đã cho một ví dụ
như sau: Một người đàn muốn bơi qua một giòng sông rất nguy hiểm. Hai người khác đứng gần đó và
biết chắc là nếu anh kia bơi qua sông thì sẽ bị chết chìm. Một người chỉ điềm tĩnh đứng nhìn và
không làm gì cả, vì nghĩ rằng mình phải giữ tư cách bất bạo động, nghĩa là không nên xen vào chuyện
của người khác. Còn người kia thì lên tiếng kêu người đàn ông và khuyên ông ta đừng nhảy xuống
sông, vì giòng nước rất nguy hiểm. Người đàn ông trả lời rằng, “Tôi không cần biết. Tôi sẽ lội qua
sông.” Hai người cãi vã một hồi lâu và cuối cùng, vì muốn cứu người đàn ông khỏi chết, người này
đánh ông ta bất tỉnh. Trong trường hợp này, người thứ nhất sẵn lòng ngồi yên nhìn người đàn ông kia
lội qua sông để chết đuối là người đã phạm tội bạo động. Người bất bạo động là người đã cố ngăn
cản, không để cho người đàn ông kia bị chết đuối, dù họ đã phải dùng một biện pháp mạnh để cứu
người.
Discussion about this post