Đạo Phật là con đường dẫn đến giải thoát khỏi khổ đau, luân hồi. Những người con của đấng Từ phụ có mặt để tô thắm cho cuộc đời thêm sắc màu tươi sáng, để người người rộn rã niềm vui trong an lành, bình yên. Và trong đó, Bồ-tát, những người sống với lý tưởng vì tha nhân, đi vào đời bằng hành trang đong đầy yêu thương và hiểu biết của lòng từ bi cùng trí tuệ ngời sáng. Những hành trang đó phải đâu tự nhiên Bồ-tát có được, mà trên hết là một nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện huân tập trong muôn ngàn tế hạnh của cuộc sống thường nhật, trong vô vàn ưu tư cho hướng đi về tuệ giác vô thượng mà Đức Phật đã ân cần truyền trao cho tất cả chúng sanh, hầu mong mọi loài sống trong an vui, hạnh phúc trong ánh đạo vàng. Bồ-tát vào đời với bốn pháp nhiếp phục tâm người, hầu đưa người vào đạo. Đó chính là Tứ nhiếp pháp.
TỨ NHIẾP PHÁP TRONG SỰ TU TẬP CỦA BỒ – TÁT
Khái niệm Tứ nhiếp pháp
Đức Phật dạy như sau về Tứ nhiếp pháp:
“Này các Tỳ-kheo, có bốn nhiếp này. Thế nào là bốn?
Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự
Này các Tỳ-kheo, có bốn nhiếp pháp này” [1].
Tứ nhiếp pháp hay còn gọi là Tứ nhiếp sự, Tứ sự nhiếp pháp, Tứ tập vật, hay gọi đơn giản là Tứ nhiếp, Tứ sự, Tứ pháp, gồm bốn pháp cao quý là:
Bố thí: Bồ-tát chia sẻ cho người những gì người cần về vật chất lẫn tinh thần, bố thí trong nhà Phật bao gồm: tài thí, pháp thí, vô úy thí [財施, 法施, 無喂施].
Ái ngữ: Bồ-tát chan hòa với người bằng ý hướng thiện lành, bằng lời nói nhẹ nhàng, từ tốn với sự chân thành, đầy tình thương.
Lợi hành: Bồ-tát đem lại lợi lạc thiết thực, giúp ích cho người qua những việc làm của thân, khẩu, ý.
Đồng sự: để thực hiện được mục đích giúp người, cứu đời, Bồ-tát luôn đặt mình vào tình huống, hoàn cảnh của tha nhân để hiểu được người và yêu thương người nhiều hơn. Từ đó, sự san sẻ của Bồ-tát dành cho người sẽ đong đầy và ý nghĩa hơn.
Vai trò của Tứ nhiếp pháp trong hạnh tu tập
Bố thí [布施]: Bồ-tát khi bố thí như thế, trao cho như thế, là tất cả niềm vui của tự thân. Bố thí không chỉ đơn giản là cho đi, mà với nghĩa cử san sẻ tình thương đó, Bồ-tát mong đưa người về ánh sáng của đạo. Bố thí phải luôn luôn đi với bi tâm mới là sự bố thí của Bồ-tát. Bố thí thiếu vắng yếu tố bi tâm, thì sự lệch lạc có thể xảy ra, hậu quả bất thiện có thể phát khởi một cách khôn lường.
Khi bố thí, Bồ-tát quan sát muôn người và thế giới chung quanh, để hiểu những nỗi khổ của người khác nhiều hơn, thông cảm với người khác nhiều hơn, từ đó, lòng từ bi càng được trưởng dưỡng, lan tỏa đến tâm thức mọi người. Phương thức cho của Bồ-tát phải thắm đượm yêu thương, chân thành với người trong hoạn nạn, cơ nhỡ. Đã là thân phận một con người, một sinh linh, ai dám chắc bản thân sẽ vĩnh viễn sống mãi trong cảnh đầy đủ, dư thừa suốt cuộc đời giả tạm luôn thay đổi, biến chuyển này. Cho nên, chính trong bố thí, Bồ-tát chiêm nghiệm được cuộc đời, hiểu rõ hơn nữa thân phận mong manh, nhỏ bé biết bao của con người, cũng như muôn loài vạn hữu chung quanh. Sự mong manh, nhỏ bé ấy trước mọi bão tố, phong ba của thực tế cuộc sống phức tạp, muộn phiền, nhiễu nhương, vẫn luôn tồn tại, luôn hiện hữu đó đây, luôn biến chuyển như một dòng nước chảy không dừng.
Đối với Pháp thí [法施], Bồ-tát học Phật không phải chỉ cho riêng mình, mà còn học để hướng dẫn tha nhân có hướng đi đúng trong cuộc sống, trên con đường đạo chơn chánh, xác thực với chí nguyện hướng về cứu cánh Vô thượng Bồ-đề, thâm nhập vào bản chất hiện hữu của vạn pháp, để có cái nhìn đúng đắn, hiểu được bản chất như huyễn của vạn hữu, với một tâm thức hợp lý với bản thân, với mọi người và vạn sự vạn vật chung quanh. Bồ-tát hiểu được vạn hữu đổi thay khôn lường, biến chuyển không ngừng. Để không tham đắm, không say mê theo đuổi những ảo tưởng viễn vông, lạc lối. Từ sự hiểu biết của bản thân, Bồ-tát truyền trao cho người phương pháp để thoát khổ. Cho nên, nhiệm vụ hoằng dương Chánh pháp của Đức Phật là việc làm không thể thiếu trên bước đường hành đạo của Bồ-tát.
Với hạnh nguyện Pháp thí cho người, Bồ-tát sẽ là người hoằng dương Chánh pháp cho đời một cách dễ dàng, với các hoạt động như: Tổ chức buổi giảng pháp tại tu viện, hay tại một đạo tràng trang nghiêm với tất cả sự hiểu biết sâu sắc của bản thân để truyền trao cho người thật thỏa đáng, hữu ích. Như trong Kinh Duy-ma-cật sở thuyết, cư sĩ Duy-Ma-Cật, người đã làm vô lượng thiện lành giúp ích cho bao người, nay bằng phượng tiện thiện xảo, ông hiện thân có bệnh và mọi người đến viếng thăm ông, từ những vị Trưởng giả quyền quý cho đến giai cấp cùng đinh, nhân đây, ông giảng pháp cho mọi người. Bằng khả năng thuyết pháp, Duy-ma-cật muốn mọi người thâm nhập Phật pháp để hiểu đạo, tu đạo và hành đạo. Ông thuyết giảng một chân lý muôn đời là vạn hữu, kể cả tâm pháp và sắc pháp, đều biến dịch thay đổi khôn lường, tất cả là sự thể hiện của một quy luật vận hành vũ trụ, quy luật đó chi phối toàn bộ cuộc sống con người, cả về nhân sinh quan lẫn vũ trụ quan. Khi nào chúng ta còn tồn tại, thì chúng ta vẫn bị luật tắc ấy chi phối. Đó chính là luật tắc Duyên khởi, một định luật khách quan. Nó tự vận hành theo quy tắc của chính nó, như quả đất quay quanh mặt trời, mùa xuân hoa nở thắm tươi, đông về hoa lá rụng rơi đầy thềm. Không ai có quyền lực bảo trái đất ngừng quay, không ai có đủ uy lực sai sử để đông về ngàn hoa vẫn tươi thắm, chim én vẫn lượn bay.
Vì như Bồ-tát biết rằng: “Xuân đi trăm hoa rụng, xuân đến trăm hoa cười” (Cáo tật thị chúng – Thiền sư Mãn Giác) chỉ là hiện tượng biến dịch [vô thường], thường chứ không gì khác. Ở đây, chúng biểu trưng cho việc sống chết của con người mà lý vô thường luôn được hiện hữu một cách tự nhiên, thể hiện quy luật “Duyên khởi trong hiện tướng [trong Thành-trụ-hoại-không] của các Pháp” [2]. Bồ-tát hiểu vô thường là một sự thật miên viễn, một chân lý không bao giờ dịch chuyển, nhưng Bồ-tát vẫn luôn tâm niệm giữ vững thệ nguyện của mình để sống đời hiến dâng, để hy sinh, phục vụ cho đời được trọn vẹn. Đối với Vô úy thí [無喂施], Bồ-tát vững vàng trong ý chí, kiên định trong tâm tư, Bồ-tát bước những bước đi tự tại, an nhiên, không sợ hãi trước những ma lực viễn vông. Bồ-tát giúp người có được nội lực vô úy, khiến người vững chãi trong niềm tin đạo, để trải nghiệm vào cuộc sống thế trần trong bình an và hạnh phúc.
Ái ngữ [愛語]: Bồ-tát đích thân đi bố thí với lời nói yêu thương, bằng những lời nói nhã nhặn, nhu hòa để người đối diện bình tâm, để người nhận xóa tan đi mặc cảm bần cùng vì phải nhận bố thí của người khác mà mưu sinh. Lời nói thân thương ấy, thoạt nghe tưởng chừng rất đơn giản, nhưng không dễ thực hiện chút nào. Đó là kinh nghiệm mà bất kỳ ai trong đời đều trải qua, một lần được thấy bản thân ứng xử đem lại đau thương cho người, chỉ vì một lời nói buông ra trong cơn nóng giận, không kiềm thúc được. Thậm chí không hẳn là trong phút nóng giận, mất tự chủ, mà điều đó vẫn dễ dàng xảy ra trong giây phút rất bình tĩnh, sáng suốt. Chỉ vì một lý do nào đó, muốn người đau khổ, ta lại thản nhiên làm đau người đối diện. Bản chất con người vốn thế, từ bao đời nay, muôn kiếp không đổi. Bản chất của tham lam, sân hận, ngu si ngự trị trong chúng sanh như một giấc ngủ triền miên, không bao giờ tỉnh thức, nên ta cứ thích làm khổ người, làm đau người không chút đắn đo, không một giây phản tỉnh. Cuộc sống thực tế cho thấy, phải đâu chỉ có những tác động bên ngoài hoặc vô tình đem đến đau khổ, mà có khi chỉ do một lời nói, ta đã gieo mầm đau thương đến cho người.
Lợi hành [利行]: Với tất cả trải nghiệm ấy, Bồ-tát vào đời cẩn trọng trong từng lời nói, ý tứ trong từng tế hạnh nhỏ nhiệm nhất để đem yêu thương đến cho tha nhân, làm lợi ích cho người qua nghiệp thân, khẩu, ý. Bồ-tát hiểu rằng: “Trên tất cả sự cứu giúp bằng lợi hành, là dẫn người ra khỏi đường ác, để không sa đọa vào cảnh khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nói cách khác, người ít tịnh tín, ta khuyến khích tăng trưởng tín. Người hay phá giới, ta tìm phương tiện ngăn chặn không để người sa ngã. Người xan tham keo kiệt ta khuyến khích cho thấy ích lợi của thí xả” [3].
Đồng sự [同事]: Bồ-tát không dừng lại ở sự chia sẻ những gì mình có, mà luôn đặt mình vào hoàn cảnh người khác để cảm thông, thương yêu và trao tặng những gì có thể để cuộc sống tốt đẹp hơn. Muốn thế, Bồ-tát đặt mình vào hoàn cảnh người khác để hiểu và chia sẻ nhiều hơn. Khi muốn cứu người, muốn cho người niềm vui, Bồ-tát luôn tự xem mình như người đối diện để biết những yêu cầu cấp thiết của người đối diện. Tâm Bồ-tát phải đủ độ lượng, đủ từ tâm để bao dung tất cả mức độ tâm thức từng người, trong muôn vàn tư tưởng và hành động thực tiễn của cuộc sống, đi vào đời với chí nguyện giúp đời, đem an lành đến cho mọi người trong sự bình đẳng, không phân chia, không tính toán, không so đo, với tinh thần đồng cảm, thâm nhập hài hòa trong thư thái nhẹ buông. Như lời Đức Phật dạy: “A-nan, ông xem Như Lai, khi xưa tu hạnh lành, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự; dùng căn lành này thâu giữ chúng sinh chẳng có phân biệt, đây là cha ta, đây là mẹ ta, anh em ta, chị em ta, bạn bè thân thích của ta. A-nan, ta đối với chúng sinh chỉ có một vị bình đẳng, tâm không phân biệt sai khác” [4].
Tâm Bồ-tát luôn giữ sự đồng đẳng trong ứng xử với tất cả mọi người, vì Bồ-tát hiểu rằng chính thái độ phân biệt của mình sẽ mang lại buồn đau cho người. Thái độ sống đúng là một yếu tố vô cùng hệ trọng trong cuộc sống tập thể và quan hệ xã hội. Muốn đạt được thái độ đúng đắn trong giao tiếp ấy, Bồ-tát phải tự huân tập cho chính mình một hiểu biết đúng đắn, một nhận định chính xác trong từng mối giao lưu, để sống hài hòa với tất cả, tạo niềm hạnh phúc cho người khác, mà trước hết là cho chính mình được hạnh phúc. Bồ-tát không chỉ đem lại niềm vui cho người, mà còn cho chính mình. Bởi nếu muốn giúp tha nhân sống đời hiền thiện, bản thân Bồ-tát phải là một hình ảnh điển hình, thì mới thu phục được lòng người. Vì vậy, chúng ta hãy đồng hành cùng nhau để hành trình tu tập ngày càng hanh thông và nới rộng thêm vòng tay nhân ái, nương tựa, giúp đỡ nhau trên bước đường cùng hướng đến cứu cánh Vô thượng Bồ-đề. “Đồng sự cao cả nhất là cùng đồng đẳng mục đích” [5], khi ấy, Bồ-tát với lòng bi mẫn, hòa quyện cùng tâm tư luôn muốn hiểu người để yêu người, sẽ đạt được mục đích hướng đi mà Bồ-tát hướng tới.
LỢI LẠC NHÂN SINH KHI ÁP DỤNG TỨ NHIẾP PHÁP
Tâm Bồ-tát luôn hướng đến cứu cánh Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trong mọi tế hạnh của Tứ nhiếp pháp. Cho nên nhất nhất mọi hành động của thân, khẩu, ý, Bồ-tát luôn ở trong chánh niệm, trong sự tỉnh thức của một người sống vì mọi người, của một tâm nguyện vì an lạc, hạnh phúc cho nhân quần xã hội. Ví như Bồ-tát đang thực thi hạnh lắng nghe. Chỉ nghe thôi, chuyện ấy tưởng chừng rất đơn giản, nhưng nghe thế nào để người nguôi ngoai niềm đau, nỗi khổ; nghe thế nào để người thức tỉnh cơn mê, nghe thế nào để người tìm được chỗ sống trong hào quang chư Phật, trong sự nhiệm mầu của Chánh pháp. Bồ-tát nghe bằng cách tôn trọng ý kiến của người, cẩn trọng khi đưa ra ý kiến, bình nghị khách quan, không cố chấp, không vị kỷ, không tranh đua thắng bại, chơn chánh trong tư duy, chính trực trong ý nghĩ, đứng đắn trong hành động, để người người cùng hướng về chân, thiện, mỹ, cùng đưa nhau đến bến bờ an vui. Vì dù cuộc đời vốn dĩ nhiều đau thương nhưng những người con Phật vẫn đem lại cho đời nhiều niềm vui, tìm thấy ý nghĩa chơn thường giữa vô thường.
Với thệ nguyện đã in sâu trong tâm trí, Bồ-tát giữ vững tâm Bồ đề đi vào khắp chốn nhân gian này như đi vào đất Phật, cõi an lành cho muôn loài. Với Tứ nhiếp sự, Bồ-tát sẽ thõng tay vào đời trong buông thư, an lành, vì nhất cử nhất động đều thực thi trong chánh niệm, trong tỉnh thức cẩn trọng của Bồ-tát. Bồ-tát biết rằng dù không phải mọi việc sẽ êm xuôi, nhưng qua tất cả, với sức mạnh của tâm nguyện và nội lực của Bồ-đề tâm, Bồ-tát vẫn vượt qua mọi chướng ngại và tiếp tục tiến lên phía trước. Điều thành tựu ở đây là trong mọi phương tiện thiện xảo để hoàn thiện mục đích hướng đến của Bồ-tát, tất cả hòa quyện, đan xen vào nhau một cách nhuần nhuyễn, nhịp nhàng đến diệu kỳ. Đó chính là sự dung thông với nhau của Tứ nhiếp pháp. Như qua bố thí, Bồ-tát càng phát triển mạnh mẽ lòng bi mẫn. Khi bố thí để người nhận an lạc, niềm vui không bao giờ bị che khuất vì mặc cảm nghèo hèn, thì niềm vui được chia sẻ của Bồ-tát càng giúp cho lời nói, âm thanh phát ra là những ái ngữ trao tặng cho người. Và muốn có được ái ngữ đó, Bồ-tát sẽ đặt mình vào chỗ đứng của người khác. Vì có hiểu mới có thương, như thế ái ngữ và đồng sự hòa quyện trong nhau để thành tựu nhiều lợi ích lợi hành cho tha nhân, đưa đến nhân cách tuyệt vời của Bồ-tát. Cho nên, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự ở trong nhau, tương thông, nương tựa nhau. Chúng tương tác, tương duyên, tương thuộc nhau mà thành tựu để đạt được tâm nguyện cao thượng của Bồ-tát, những người tâm nguyện sống vì người, vui theo niềm vui của người. Cho nên, khi thực hành một pháp là chúng ta thực hành cả bốn pháp.
Lịch sử Phật giáo cho thấy sự thành tựu quý giá của hạnh Bồ-tát với Tứ nhiếp pháp: “Trong các đệ tử tại gia hành bốn nhiếp sự để duy trì đoàn kết đại chúng, không phải duy chỉ Thủ Trưởng giả, mà những đệ tử tại gia nổi tiếng như Cấp Cô Độc [Đại và Tiểu], Úc-già, Chất-đa, Pháp Dữ, và Tì-xá-khư; bảy vị này đều được nói là thủ chúng một chúng hội đông đảo và duy trì sự đoàn kết bằng bốn nhiếp sự” [6]. Cho nên: “Bốn nhiếp pháp là Tịnh độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh nào được tiếp thọ bởi giải thoát sẽ tái sinh vào đó” [7].
Kết luận
Qua tất cả, Bồ-tát thực nghiệm bốn pháp lành ấy. Trong ấy, bố thí không đơn giản chỉ là trao cho; ái ngữ, không thuần nhất là những lời nói dịu dàng đối diện tha nhân; lợi hành, không chỉ là những lợi lạc nhỏ nhặt qua thân, khẩu, ý; đồng sự, không phải ngần ấy sự đặt mình vào tâm tư, tình huống của người để giúp đỡ người vượt qua những khó khăn cuộc đời, những bất trắc của tâm tư buồn thương. Trên tất cả, Tứ nhiếp pháp là cả một phương pháp khéo léo, phương tiện thiện xảo thu phục lòng người một cách năng động, hữu hiệu, đưa người về với đạo. Thực tế, khi chúng ta gần gũi người, yêu thương người chân thật, hướng người theo cùng một hướng đi để quay về với chánh pháp nhiệm mầu, khi ấy, kết quả lợi lạc cho người sẽ hiển lộ và người sẽ song hành với chúng ta về hướng chân, thiện, mỹ của đạo. Như thế, chúng ta xây dựng được một Tịnh độ nhân gian ngay trong kiếp sống này. Như mùa xuân ấm áp lại về, sau những ngày mùa đông rét mướt. Tịnh độ là đây, cõi Phật là đây, chúng ta đang thực hiện bản hoài của chư Phật và cùng nhau báo đáp hồng ân chư Phật trong muôn một, ngõ hầu là đàn con xứng đáng của đấng Từ phụ tôn kính muôn thuở.
SC. Thích Nữ Diệu Hải
Chú thích:
* SC. Thích Nữ Diệu Hải: Học viên Cao học khóa III tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] HT. Thích Minh Châu (Việt dịch), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương Bốn pháp, phẩm Vagga (22-28), Kinh Nhiếp Pháp (số 253, mục III).[2] Đại Lãn (2007), Thõng tay vào chợ, NXB. Văn Hóa Sài Gòn, tr. 138.
[3] Tuệ sỹ (2010) Bodhisattvabhūmāv adhāre yogasthāne daśamaṁ Śīlapaṭalam, Du Già Bồ-tát giới (Bodhisattvabhūmāv adhāre yogasthāne daśamaṁ Śīlapaṭalam), NXB. Phương Đông, tr.30.
[4] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 49 – Bộ Niết Bàn III – Số 376 đến 396, Kinh Đại Bi – Quyển V – Phẩm 13: Trồng Căn Lành, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn (Đài Loan), 2000, tr. 488.
[5] Tuệ Sỹ (2010), Sđd, tr.30.
[6] Tuệ Sỹ (2010), Sđd, tr.31
[7] Sđd, Duy-Ma-Cật Sở Thuyết, Tuệ Sỹ dịch, tr.79.
https://thuvienhoasen.org/a26708/tu-nhiep-phap
Discussion about this post