TỪ LÒNG HIẾU THẢO CỦA RAHULA
NGHĨ VỀ PHẨM HẠNH CỦA CON CÁI
Chúc Phú
Trước cuộc ra đi vĩ đại nhất trong lịch sử loài người của
Bồ-tát Siddharttha, Yasodhara đã gạt lệ nhớ thương và đơn thân nuôi dưỡng
Rahula ròng rã bảy năm trường trong cô đơn, khắc khoải. Với tình thương vô hạn
của mẹ và sự giáo dưỡng chu toàn của ông nội Suddodhana theo phương cách của
một hoàng nam mang dòng máu Sakya, Rahula bẩm thụ một khí chất đặc biệt so với
những đứa trẻ đồng hàng. Trong những cốt cách riêng có của Rahula, đó chính là
những phẩm chất đạo đức tự thân cũng như cách thức thể hiện lòng hiếu thảo đối
với đấng sinh thành.
Cốt cách
và lòng hiếu thảo của Rahula
Mặc dù chưa hình dung ra dáng vẻ của cha, nhưng khi được
mẹ bảo rằng, bậc dẫn dầu đoàn Sa-môn hôm ấy chính là người cha khả kính đã biền
biệt bao năm qua, Rahula đã vâng theo lời mẹ dạy một cách tuyệt đối và chạy đến
cầu xin Đức Thế Tôn: hãy ban cho con phần thừa kế (dāyajja) 1.
Khi được Đức Thế Tôn hứa khả và huấn thị ngài Sariputta đưa về tinh xá để làm
lễ xuất gia, Rahula cũng tùy thuận nghe theo mà không hề có một chút phản
kháng. Chi tiết này được các nhà chú giải kinh điển cho rằng, do lòng từ vô hạn
của Đức Thế Tôn nên Rahula cảm thấy bóng che của Ngài thật an lạc 2
và đã an tâm đi theo Ngài, dù chỉ lần đầu gặp gỡ. Từ hiện thực cuộc sống, một
đứa trẻ ngây thơ đứng trước người mới lần đầu gặp gỡ, tất sẽ e ngại, lúng túng
đôi phần. Tuy nhiên, thái độ đĩnh đạc, dạn dĩ của Rahula khi xin cha của thừa kế đã minh giải rằng,
sở dĩ Rahula thực hiện điều đó một phần
là do nghe theo lời dạy của thân mẫu Yasodhara.
Từ ý thức chấp hành lời dạy của mẹ, của người lớn từ thuở
bé, nên khi được sống chung với tập thể những người xuất gia, Rahula luôn vâng
giữ những điều khuyên răn của các bậc trưởng thượng, mà ở đây là việc vâng giữ
những giới điều do Phật chế định ra. Kinh điển và Luật tạng đều ghi lại rằng,
một lần nọ, bị những vị khách tăng lớn tuổi chiếm dụng chỗ ngủ của mình, Sa-di
Rahula không vì thế mà buồn lòng, bực bội, và đã an giấc qua đêm trong nhà vệ
sinh của Đức Phật 3. Mãi đến khi trời gần sáng, Đức Thế Tôn cần sử
dụng nhà vệ sinh mới phát hiện ra Sa-di Rahula nằm ngủ còng queo trên nền đất
lạnh. Chứng kiến cảnh tượng đó, Đức Thế Tôn quả thực đã xúc động mạnh vì
Chánh pháp 4 nên đã chỉnh lý bổ sung những thiết định giới luật
đã ban hành trước đó 5. Không ỷ lại tình thống thuộc, thân quen,
tuân giữ nghiêm túc những quy định về giới luật, tự chủ và giản đơn trong nếp
sống, sinh hoạt của mình, là đặc thù riêng có của nhân cách Sa-di trẻ tuổi
Rahula.
Với một đứa trẻ trong độ trưởng thành, thói quen nói dối
dường như là một cố tật thường thấy trong sinh hoạt đời thường. Có nhiều lý do
khiến trẻ nói dối: vì sợ trừng phạt khi phạm lỗi, vì muốn gây sự chú ý của
người lớn, vì muốn tìm một sự dễ chịu, vì muốn đùa vui… khiến cho con trẻ
thường nói dối. Là một đứa trẻ sinh hoạt trong Tăng đoàn, Sa-di Rahula nhiều
lần phạm phải lỗi lầm này và đã gây ra điều phiền bực trong Tăng chúng hay
những cư sĩ muốn được gặp Đức Thế Tôn. Đứng trước hiện thực này, Đức Phật đã
khéo dẫn dụ hình ảnh thau nước bẩn và cái gương soi để giáo hóa Rahula. Một
thau nước bẩn chỉ có thể đổ đi và không có thể dùng vào được việc gì; người nói
dối cũng vậy. Cái gương soi phản ảnh lại tất cả những hành động, dung nghi của
mình. Những điều không tốt thì nên tránh xa và những điều thiện pháp thì hãy nỗ
lực thực hiện. Những nỗ lực của người cha – Đức Phật – đã được đền đáp, vì cuối
cùng, Sa-di Rahula đã quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi 6.
Thanh niên tăng Rahula ngày càng lớn lên trong sự giáo
dưỡng của Đức Phật, ngài Sariputta và Tăng chúng. Đôi khi cùng thầy Sariputta
ra phố khất thực, Rahula bị các thanh niên ngoại đạo chọc ghẹo nên mất kiểm
soát và để sân tâm khởi lên. Quán sát được tâm tư của Tôn giả, Đức Phật đã khéo
giảng dạy về hạnh tu nhẫn nhục theo tứ đại nhằm giúp Tôn giả vượt qua những trở
ngại trong tâm. Lời dạy của Đức Phật không chỉ là bài học dành riêng Rahula mà
còn là hạnh tu căn bản: Này Rahula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh,
quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ
và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán;
cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập như đất 7. Với một thiếu niên
Tăng, đôi khi lượng nội tiết adrenaline 8 tăng lên đột biến theo sự
phát triển của thể xác, thì sự quán niệm về thể tài vừa nêu giúp cho tâm tư
bình an và không dao động trong khi va chạm với chuyện đời.
Từ những nỗ lực giáo dưỡng của Đức Phật, của ngài
Sariputta và chư Tăng, Sa-di Rahula từng bước trưởng thành và chứng tỏ khả năng
ham học hỏi. Sự thành tâm cầu thỉnh của Rahula đã được xác chứng trong kinh: Bạch
Thế Tôn! Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con để sau khi nghe, con có thể sống một
mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần 9. Nỗ lực
cần cầu học hỏi của Rahula rất mạnh mẽ, đôi khi vì ham học mà quên cả việc khất
thực thức ăn. Kinh điển ghi lại rằng, một sáng nọ từ tinh xá Jetavana, Rahula
theo chân Đức Thế Tôn vào kinh thành Savatthi khất thực, đang trên đường đi,
Đức Thế Tôn đã tùy thuận nhân duyên nên đã có bài thuyết giảng về giáo lý Vô
ngã. Bài thuyết giảng đã thu hút Rahula chăm chú lắng nghe. Sau khi nghe
xong, Rahula quyết từ bỏ chuyến đi khất thực mà trở về tinh xá với bụng đói
meo, để kịp thời quán niệm về pháp hành vừa được Đức Phật chỉ dạy 10.
Sự tinh cần, ham học ham tu của Rahula còn được các nhà chú giải kinh Trường
bộ cho rằng, suốt mười hai năm, lưng của Tôn giả Rahula chưa hề dính chiếu.
Nhờ sự tinh cần đó, Rahula chứng đắc A-la-hán khi tuổi còn rất trẻ. Có nhiều
tài liệu bất đồng về thời điểm chứng Thánh của Rahula, tuy nhiên, bằng chứng
xác thực nhất là sau khi nghe Tiểu kinh giáo giới La Hầu La, số 147,
thuộc kinh Trung bộ thì tâm của Tôn giả Rahula được giải thoát khỏi
các lậu hoặc. Và cũng nhờ đắc Thánh quả rất sớm nên ngay cả ma vương Vasavattì
cũng không hù dọa được Tôn giả Rahula 11.
Với tự thân, Rahula đã có những nỗ lực tuyệt vời, với mẫu
thân, Tôn giả đã thể hiện vai trò một người con hiếu rất mực cảm động. Chuyện
tiền thân Đức Phật 12 đã kể lại rằng, một lần Rahula đến thăm
thân mẫu là Tỳ-kheo ni Bimbadevi, tên khác của Yasodhara sau khi xuất gia, thì
được biết mẹ đang bị sình bụng, khó tiêu nên không ra tiếp chuyện được. Biết mẹ
không khỏe nên Rahula lo lắng vô cùng. Rahula vào tận giường và thẽ thọt thưa
rằng, nếu như khi ở hoàng cung, mỗi lúc gặp bệnh như vậy, mẹ sẽ uống thuốc gì?
Bà Bimbadevi cho biết, mỗi khi bị bệnh chướng bụng đầy hơi thì thường uống nước
xoài ép. Nhưng mà này con ơi, bà Bimbadevi nói thêm, làm sao có thể kiếm được
thứ nước đó trong những món ăn khất thực hàng ngày của chúng ta? Sa-di Rahula
cương quyết hứa với mẹ rằng: Con sẽ kiếm thứ ấy cho mẹ 13.
Mạnh bạo hứa với mẹ như thế nhưng thâm tâm Sa-di Rahula lo lắng hoang mang, vì
tìm đâu ra thứ thuốc chữa bệnh rất mực bình thường đó, với khả năng của một chú
tiểu trẻ con? Sau nhiều nỗi băn khoăn, Rahula chợt nhớ đến sư phụ và đã cầu cứu
ngài Sariputta. Thương đệ tử, Trưởng lão Sariputta đã vào cung vua Kosala và có
được nước ép xoài trị bệnh. Nhận được nước ép xoài từ sự trợ giúp của sư phụ
Sariputta, Rahula khoan khoái vô cùng vì đã tìm được thuốc chữa bệnh khó tiêu
cho thân mẫu. Tình thương mẹ của Rahula không dừng lại ở đó, vì trong một lần
khác, bà Bimbadevi lại bị bệnh đau bao tử, và cũng nhờ lòng hiếu thảo của
Rahula nên sư phụ Sariputta lại một lần nữa đã gia tâm hỗ trợ, bằng cách giúp
Rahula xin thức ăn phù hợp cho bà Bimbadevi 14.
Từ những nỗ lực của Rahula trong
việc chăm lo cho thân mẫu bằng những gì có thể, đã cho thấy rằng, hiếu thảo với
cha mẹ là đạo lý cơ bản của con người, bất luận xuất gia hay tại gia. Cũng từ
đây đã mở ra cho những người mang thân phận làm con, những bài học lớn về việc
rèn luyện những phẩm hạnh đạo đức cơ bản.
Phẩm hạnh đạo đức của con cái
Nghe lời cha mẹ
Là con cái, việc lắng nghe và tuân
thủ những lời dạy của cha mẹ được xem là nguyên tắc sống đầu tiên trong cuộc
đời. Vâng lời cha mẹ được xem là tín hiệu khởi đầu về việc xây dựng đạo đức,
trí thức và niềm tin cho con cái. Nói cách khác, đạo đức của con người được
khởi đầu từ sự nghe lời cha mẹ. Nhờ nghe lời cha mẹ, con cái tự tìm cho mình
một cơ hội để tồn tại, để nhận ra những điều hay lẽ phải và để cho tri thức về
tất cả các lãnh vực được củng cố, kiện toàn… Có thể nói, nghe lời cha mẹ là cửa
ngõ mở ra con đường hạnh phúc cho con trẻ, không những ở hiện tại mà ngay cả
tương lai. Với những bậc cha mẹ, vì yêu thương con trẻ, vì mong con thành công
và vững chãi trong đời, mà đôi khi phải đóng vai trò như là một vị thần sáng
thế, là hung thần dữ tợn, là thầy giáo đầy quyền uy… chỉ với mục đích duy nhất
nhằm khiến cho con cái vâng lời. Bài học vâng lời mẹ một cách tuyệt đối của
Rahula còn có ý nghĩa thời đại, vì lẽ, khi ý thức tự chủ của con trẻ chưa vững
vàng thì sự hỗ trợ của các bậc cha mẹ trong việc khuyên răn con trẻ, bắt con
trẻ vâng lời, là sự thể nghiệm đầu tiên về đạo đức.
Sống tự chủ và không ỷ lại
Nương tựa vào bản ngã và sở hữu của bản ngã là thói quen
thường thấy đối với mọi chúng sanh trong hiện thực đời sống. Ý thức tôi là
hình thành rất sớm và làm tiền đề để xuất hiện ý niệm chúng tôi là. Ỷ
lại bản thân, dòng tộc, cha mẹ… là một dạng thức nương tựa vào bản ngã và sở
hữu của bản ngã. Với Phật giáo, bản ngã vốn không thật thì sở hữu của chúng
cũng là không.
Từ đây, có thể thấy thái độ ỷ lại các chỗ nương tựa vừa
nêu là những trạng huống tâm lý tiêu cực nhưng dễ dàng xuất hiện và định hình
trong tư duy con trẻ. Ngay như bản thân thiếu niên Rahula, mặc dù đã xuất gia
nhưng đôi khi ngắm nhìn vóc dáng của mình và vóc dáng của thân phụ – Đức Phật –
cũng nảy sinh suy nghĩ về nguồn gốc cao sang của gia đình mình. Đọc được suy
nghĩ đó, Đức Phật đã huấn thị Rahula phải nuôi dưỡng ý thức: cái này không
phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi 15,
nhờ sự nuôi dưỡng ý thức đó, không những giúp cho Rahula mà còn cho bất cứ ai
muốn thoát khỏi ảo tưởng về sự cao sang hay quyền quý của nguồn gốc gia đình,
thân tộc.
Với con trẻ, thái độ ỷ lại xuất
hiện ở bất cứ phương vị nào cũng là dấu hiệu không tốt. Một bậc cha mẹ phải tập
cho con vượt qua sự ỷ lại bằng cách sống tự chủ trong từng việc làm nhỏ nhặt
nhất như đi lại, uống ăn, thói quen trật tự, ngăn nắp… tùy theo từng giai đoạn
phát triển và thể chất của đứa trẻ. Mặc dù là con của Đức Thế Tôn, là đệ tử của
Đại Trưởng lão Sariputta, nhưng thiếu niên Rahula không bao giờ ỷ lại, thể hiện
qua những việc làm cụ thể như tự mình đi khất thực, tự giặt giũ áo quần và tự
tìm kiếm chỗ ngủ… là những bài học sống động dành cho con trẻ ngày nay về đức
tính sống tự lập. Tính tự lập được hình thành từ bé là một lợi thế cho con cái
khi dấn bước vào đời.
Nỗ lực học tập
Tri thức là chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa quan trọng
trong cuộc đời. Con đường tìm cầu hạnh phúc thế gian hay xuất thế đều có nhiều
điểm liên quan đến tri thức nói chung. Có tri thức thì con đường dẫn đến hạnh
phúc sẽ gần lại, nhất là những tri thức nội hàm an lạc và giải thoát khổ đau.
Muốn có tri thức thì phải học tập, rèn luyện. Chiêm nghiệm về thái độ học tập
quên cả việc đi khất thực của Rahula cho ta thấy một nỗ lực lớn trong hình hài
bé nhỏ. Chính từ những nỗ lực này đã giúp Rahula chứng đạt Thánh quả khi còn
nhỏ tuổi. Tài không đợi tuổi, như là một hệ luận rút ra từ trường hợp này. Từ
cách thức giáo dục của cha mẹ cùng thái độ học tập của Rahula, có thể cung cấp
cho việc giáo dục con trẻ hôm nay nhiều giá trị tham khảo.
Là con trẻ,
có được một động cơ tốt trong học tập là khởi đầu thuận lợi, vì ham học hỏi
được xem là tâm thế tốt cho mọi sự trưởng thành. Với con trẻ, phải làm sao thổi
bùng được ngọn lửa khao khát sự hiểu biết trong chúng. Làm sao để con trẻ xem
việc học tập như là thỏa mãn một sở dục thanh cao, làm sao để con trẻ tự thân
nỗ lực mà không cần sự ép buộc, thôi thúc từ cha mẹ. Với con trẻ, sự khích lệ
tưởng thưởng cũng là điều kiện cần. Tuy nhiên, tất cả mọi sự tưởng thưởng bằng
hiện thực vật chất khi con trẻ thành công trong học tập, đôi khi cần phải cân
nhắc cho phù hợp. Vì ở một nghĩa nào đó, chúng ta vô tình dung tục hóa cái mục
đích tri thức thiêng liêng bằng những đắp đổi vật chất bình thường. Cần phải ý
thức rằng, với độ tuổi thanh thiếu niên, thắp lên ngọn lửa quý chuộng tri thức,
siêng năng học hỏi, là một dấu hiệu thành công trong giáo dục con trẻ.
Báo hiếu bằng những gì có thể
Thương cha mẹ được xem là thuộc tính tự hữu của con cái.
Thuộc tính đó có khi ẩn tàng và đôi khi hiển lộ ra tùy thuộc theo nhân duyên,
luân hồi và nghiệp quả. Hình ảnh chú Sa-di còn trẻ như Rahula đã nỗ lực hết
mình nhằm tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ, là một bài học lớn về lòng hiếu thảo của
con trẻ hôm nay. Hiếu thảo là sự quan tâm đúng lúc, là sự thể hiện tấm lòng
bằng tất cả những điều kiện khả dĩ của mình. Một cử chỉ săn sóc, một trăn trở
miên man trong tâm, dù biết rằng rất khó thực hiện, cũng là những biểu hiện cho
lòng hiếu thảo của con cái đối với các bậc sanh thành. Với con trẻ nói chung,
hiếu thảo với cha mẹ có thể gói gọn trong bốn chữ: quan tâm đúng lúc.
Bát nước xoài của Rahula sẽ không
nhiều ý nghĩa nếu như mẹ của Tôn giả không bị bệnh khó tiêu; chén cơm đầy của
ngài Mục Kiền Liên sẽ không được lưu vào sử sách, nếu như mẹ ngài không sanh
vào hàng quỷ đói. Quan tâm đúng lúc là con cái đáp ứng và thực hiện đúng yêu
cầu của cha mẹ. Vì lẽ, các bậc cha mẹ xây dựng những chuẩn mực hiếu thảo hoàn
toàn khác nhau. Với đứa con này thì chỉ cần sống có trách nhiệm với gia đình
nhỏ của mình đã là hiếu thảo; với người kia thì đừng bê bết rượu chè là đã có
hiếu lắm rồi. Không phải tất cả mọi nỗ lực phụng hiến cho cha mẹ bằng phẩm vật
cao sang đều được xem là báo hiếu. Thể hiện tình thương với cha mẹ bằng khả
năng và điều kiện của mình, trong những hoàn cảnh phù hợp, là những gợi ý tham
khảo từ cách báo hiếu riêng có của Tôn giả Rahula.
Chú thích:
1. Maha Vagga, tập 1, chương Trọng yếu, Tụng phẩmthứ 9, Việc xuất gia Sa-di La Hầu La 2. Sách đã dẫn 3. Kinh Tiểu bộ, tập IV, chuyện Tiền thân
Đức Phật, Chuyện con nai có ba cử chỉ, số 16 4. Kinh đã dẫn 5. Bikkhu Vibhanga 2, chương Pacittiya, Ưng đối
trị, điều học thứ 5, đoạn 289 6. Kinh Trung bộ, tập 2, Kinh giáo giới
La Hầu La ở rừng Ambala, số 61 7. Kinh Trung bộ, tập 2, Đại kinh giáo giới
La Hầu La, số 62 8. Hoóc-môn do tuyến thượng thận tiết ra, làm tăng nhịp
tim và huyết áp 9. Kinh Tương ưng, tập 2, chương 7, Tương ưng Rahula 10. Kinh Trung bộ, tập 2, Đại kinh giáo giới La
Hầu La, số 62 11. Tích truyện Pháp cú, bản dịch của Viên Chiếu,
phẩm Tham ái thứ 24, Ma vương chẳng nhát được La Hầu La. 12. Kinh Tiểu bộ, tập VI, chuyện Tiền thân
Đức Phật, Chuyện trái xoài chính trung, số 281 13. Kinh đã dẫn 14. Kinh Tiểu bộ, tập VI, chuyện Tiền thân
Đức Phật, Chuyện vua quạ Supatta, số 292 15. Kinh Tương ưng, tập 2, chương 7, Tương ưng Rahula, kinh Tùy miên Chúc Phú (Nguyệt San Giác Ngộ)
Discussion about this post