TRỰC CHỈ CHÂN TÂM, KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT
Hoang Phong
Thiền Tông Trung Quốc có thể đã thành hình rất sớm từ thế kỷ thứ VI, thế nhưng chỉ bắt đầu phổ biến từ thế kỷ thứ VII, nhờ vào sáng kiến của nhà sư Huệ Năng (638-713) chủ trương một phép tu tập gọi là “Nam Phái”, dựa vào ý nghĩa của bốn câu thơ sau đây:
Giáo ngoại biệt truyền,
Bất lập văn tự.
Trực chỉ chân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
Bốn câu thơ này theo truyền thống được xem là do Bồ-đề Đạt-ma trước tác một thế kỷ trước đó, thế nhưng thiết nghĩ quả khá khó cho một nhà sư người Ấn viết được bốn câu thơ bằng tiếng Hán đanh thép đến thế. Nhằm tìm hiểu thêm về bốn câu thơ này, chúng ta hãy mượn câu chuyện sau đây về một họa sĩ rất nổi tiếng là Liang Kai 梁楷/Lương Khải (1140-1210), một quan văn rất được kính nể dưới triều đại nhà Tống. Một hôm người ta không thấy ông đâu cả, trong văn phòng của ông nơi hoàng thành chỉ thấy để lại chiếc đai lưng nạm vàng treo trên vách. Sau đó người ta mới khám phá ra là ông đã kín đáo từ quan, sống ẩn dật và tu thiền. Dưới đây là hai trong số các tấm tranh nổi tiếng của ông.
H.8: Huệ Năng xé bỏ kinh sách.
H.9: Thái tử Siddhartha Gautama/Tất-đạt-đa Cồ-đàm/Đức Phật sau này xuống núi, thất bại sau một thời gian tu tập khổ hạnh. Bức họa này được xem là một trong số các kiệt tác của Lương Khải. Tấm tranh có đóng dấu triện của ông, chi tiết này cho thấy là ông đã vẽ khi còn làm quan trong triều.
H.10: Hình chi tiết của tấm tranh trên đây cho thấy gương mặt khắc khổ, thất vọng, đăm chiêu và đau buồn của thái tử Tất-đạt-đa.
Bốn câu thơ trên đây nói lên một quan điểm thật rõ ràng: “Bất chấp kinh sách, truyền bá Đạo Pháp bên ngoài Giáo Huấn của Đức Phật. Chỉ cần trực tiếp quán thấy được bản chất của tâm thức là thành Phật”. Sáng kiến trên đây của Bồ-đề Đạt-ma (?) và sau đó là sự quảng bá tích cực của Huệ Năng đã giúp cho Thiền Tông bùng lên thật nhanh chóng tại Trung Quốc. Tấm tranh phác họa cử chỉ xé bỏ kinh sách của nhà sư Huệ Năng do họa sĩ Lương Khải thực hiện năm thế kỷ sau khi pháp môn “Giáo ngoại biệt truyền” được phổ biến rộng rãi đã cho thấy sự thành công to lớn của pháp môn này trong xã hội qua nhiều thế kỷ, đồng thời cũng gián tiếp cho thấy Huệ Năng là một vị tổ xuất chúng. Thế nhưng người ta cũng có thể nghĩ rằng phép luyện tập “Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật” cũng chỉ là một con “đường tắt” tương tự như phép luyện tập “dễ dàng” của tông phái Tịnh Độ là “Niệm Phật thành Phật”?
Nếu hai câu đầu trong bốn câu thơ trên đây không có gì là khó hiểu: “xé sách, bất chấp văn tự”, thì hai câu thơ sau có vẻ tế nhị hơn nhiều. Hai chữ “chân tâm” (真心) trong câu thứ ba có nghĩa là gì? Riêng hai chữ này cũng đã gây ra không biết bao nhiêu tranh cãi và làm tốn hao không biết bao nhiêu giấy mực, bởi vì tùy theo tư liệu hai chữ này còn được viết là “nhân tâm” (人心), hay “minh tâm” (明心) do câu “minh tâm kiến tánh” mà ra. Hiện nay người ta chấp nhận cả ba cách viết vì không thể phân định được cách viết nào là đúng với bốn câu thơ của tổ Bồ-đề Đạt-ma đã sáng tác. Ngay cả trên phương diện ngôn từ người ta cũng không biết đích xác chữ nào là đúng thì làm thế nào để mà trông thấy nó ở đâu trong tâm thức mình để mà hướng tới?
Trong một bài giảng của thiền sư Thích Thanh Từ tại Đà Lạt năm 2002 (http://www.thientongvietnam.net/kinhsach-thike/dirs/hoavouu-07/unicode/p10.html), thuật ngữ này được gọi là “nhân tâm“. Trong quyển Dictionnaire Encyclopédique du Bouddhisme (Tự điển bách khoa Phật giáo, tái bản lần thứ hai, 2006, tr.125) học giả Philippe Cornu cũng dịch chữ này là “nhân tâm” (coeur-esprit de l’homme). Thế nhưng theo các tự điển thông dụng thì “nhân tâm” cũng chỉ có nghĩa là lòng nhân từ và “minh tâm” thì có nghĩa là tâm trí sáng suốt. Theo Tâm lý học Phật giáo thì “nhân tâm” hay “minh tâm” cũng chỉ có nghĩa là các “hiện tượng tâm thần” hay các sự “tạo tác của tâm thức” hiện lên bên trong tâm thức, do đó thiết nghĩ chữ “chân tâm” với ý nghĩa tâm thức đích thật hay nguyên sinh có thể là hợp lý hơn chăng? Nếu tìm hiểu thêm một số các tư liệu xưa do các thiền sư trong quá khứ trước tác, thì sẽ nhận thấy chữ “chân tâm” thường được sử dụng hơn, chẳng hạn như trong các bài thơ sau đây:
-Bài “Chân tâm chi dụng” (công dụng của chân tâm) của vua Trần Thánh Tông (1240-1290):
真心之用 “Chân tâm” chi dụng
惺惺寂寂 Tinh tinh tịch tịch
– Bài “Sơn cư bách vịnh ký” (một trăm bài vịnh trong lúc ẩn cư trong núi – bài vịnh số 33) của Tông BảnThiền sư (1020-1099):
山居晦跡養真心,Sơn cư hối tích dưỡng “chân tâm”,
多少狂迷逐外尋。Đa thiểu cuồng mê trục ngoại tầm.
– Bài “Vấn Kiều Trí Huyền” (Tham vấn thiền sư Kiều Trí Huyền) của Đạo Hạnh Thiền sư (1072-1110):
久混凡塵未識金,Cửu hỗn phàm trần vị thức câm (kim)
不知何處是真心。Bất tri hà xứ thị “chân tâm“.
願乘指的開方便,Nguyện thuỳ chỉ đích khai phương tiện,
了見如如斷苦尋。Liễu kiến như như đoạn khổ tầm.
(trong hai bài thơ đầu chỉ trích dẫn hai câu đầu tiên, bài thứ ba trích dẫn toàn bài. Tư liệu tham khảo: Thơ văn Lý Trần, nxb: Khoa học Xã hội, 1977 và Internet
Ý nghĩa của bài thơ thứ ba là “thiền sư Đạo Hạnh đã khổ công tìm kiếm khắp cõi phàm, nhưng không thấy chân tâm đâu cả, vậy xin thiền sư Trí Huyền cho biết đích thực nó ở đâu và phải làm thế nào để trông thấy nó để khỏi khổ công tìm kiếm”. Xin bái phục sự thành thật của thiền sư Đạo Hạnh, bởi vì chân tâm chỉ là một “thuật ngữ”, một “sản phẩm” của tâm thức, dù có “trông thấy” nó đi nữa cũng không nhờ thế mà “thành Phật” được. “Thành Phật” là kết quả mang lại từ một quá trình tu tập thật lâu dài.
Cũng có người giải thích rằng trong hai chữ “kiến tánh” thì chữ “tánh” có nghĩa là “Phật Tánh” hay “Phật Tính” (Buddha-svabhava), thế nhưng Phật Tánh cũng chỉ là một khái niệm đặc thù của Đại Thừa. Trên phương diện Tâm lý học Phật giáo thuật ngữ này cũng khá tương tự với một thuật ngữ khác trong một khái niệm khác cũng của Đại Thừa là “Bồ-đề tâm” (Bodhicitta). Các khái niệm này hoàn toàn không có trong Giáo Huấn của Đức Phật, Ngài không hề nói đến Phật tính hay Bồ-đề tâm của mình bao giờ cả.
Phật tính hay Bồ-đề tâm trên phương diện tâm lý học Phật giáo không phải là một cái gì đó cụ thể hàm chứa bên trong mỗi chúng sinh để “trực chỉ” vào đó, mà đúng hơn chỉ là một “quá trình hình thành” (a process of becoming). Quá trình đó có thể là không có nơi những người hung ác chẳng hạn, hoặc chỉ là một vết hằn hay hạt giống của một nghiệp lành ghi khắc và tồn lưu trong tâm thức, hoặc cũng có thể chỉ là một thoáng xúc cảm từ tâm hiện lên và biến mất trong tâm thức của một cá thể.
Có người hỏi thiền sư Zhaozhou/Triệu Châu (778-897): “Con chó có Phật tính hay không?”. Triệu Châu trả lời: “Không!”, thế nhưng cũng có nhiều người bảo rằng “tất cả chúng sinh đều hàm chứa Phật tính”. Quá trình hình thành đó – tức là Phật tính hay Bồ -đề tâm cũng vậy – không bắt buộc và đương nhiên hiện hữu nơi tất cả mỗi chúng sinh. Thí dụ đối với những người đần độn, điên loạn, hung dữ, tàn ác, nham hiểm sống trong một bầu không gian ngột ngạt và căng thẳng chẳng hạn, thì quá trình hình thành đó không hề hiện hữu. Nơi các sinh vật kém tiến hóa như côn trùng, sâu bọ thì thật hết sức khó cho quá trình đó xảy ra với chúng. Đối với các con thú tiến hóa hơn như voi, ngựa, chó, khỉ… thì chúng cũng hàm chứa một chút thông minh và một khả năng xúc cảm nào đó. Người ta thường kể chuyện có những con chó bỏ ăn và tỏ ra rất đau buồn khi người chủ qua đời, mỗi ngày chúng tìm ra mộ chủ để nằm bên cạnh, hoặc cũng có những trường hợp chúng buồn khổ bỏ ăn và chết vì đói, hoặc cũng có những con chó rất can đảm xông vào đám hỏa hoạn để cứu người. Trong các trường hợp này “quá trình hình thành” của Phật tính cũng có thể hiện hữu nơi chúng, dù chỉ ở một cấp bậc rất thấp.
Hơn nữa câu phát biểu: “Trực chỉ chân tâm” tự nó đã nói lên tính cách nhị nguyên “chủ thể” và “đối tượng”: người hành thiền là chủ thể, chân tâm là đối tượng. Tính cách nhị nguyên đó đi ngược lại nguyên tắc căn bản nhất của Thiền Tông chủ trương một sự Giác Ngộ mang tính cách nhất thể vả trực giác, vượt lên trên chủ thể và đối tượng. Nếu “chân tâm” có thật một cách cụ thể để người hành thiền “trực chỉ” vào đó thì bắt buộc nó phải là một hiện tượng, và “trực chỉ” cũng là một hiện tượng, nếu đã là hiện tượng thì phải nằm trong quy luật “tạo tác trói buộc nhờ điều kiện mà có”, vậy câu “trực chỉ chân tâm” cũng chỉ nói lên một hiện tượng, một hình thức tác ý trong tâm thức, phản ảnh một sự bám víu của người hành thiền mà thôi.
Ngoài ra trên phương diện từ nguyên hai chữ “chân tâm” cũng chỉ phản ảnh một ý niệm khá mơ hồ, không nói lên được một ý nghĩa chính xác nào cả, nếu không muốn nói là còn có thể gây ra rất nhiều hoang mang. Chữ “tâm” trong tiếng Hán có nghĩa là “tim” hay”con tim”.
H.11- Các biến dạng của chữ tâm
H.11- Các cách viết tượng hình của chữ “tâm”: a) cách viết “giáp cốt” (khoảng thế kỷ XIII trước Tây Lịch, giáp cốt là loại chữ khắc trên các mu rùa và các mảnh xương dùng vào việc bói toán), b) cách viết “kim văn” (khoảng thế kỷ thứ III trước Tậy Lịch ), c) cách viết “khải thư” (bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ I sau Tây Lịch – tức là từ thời đại nhà Hán – đến nay)
Cách nay nhiều ngàn năm trong nền văn minh Trung Quốc chưa có các ngành khoa học tân tiến như ngày nay, người ta chưa biết gì về vai trò của não bộ cũng như sự vận hành của nó mà chỉ nhận thấy xúc cảm và sự suy nghĩ thường gây ra các tác động ảnh hưởng đến tim, do đó đã nghĩ rằng “tim” là trung tâm của xúc cảm và ý nghĩ, và các sự suy nghĩ hiện lên với mình thì gọi là “tâm ý”. Chính vì lý do đó nên chữ “tim” hay “con tim” đã giữ một vai trò chủ yếu trong nền văn hóa Trung Quốc, ảnh hưởng đến cả tín ngưỡng Phật giáo tại nơi này. Một số các thiền sư cũng như các nhà thư pháp rất thích viết chữ “tâm” thật bay bướm để ngắm nghía và xem đấy là “trung tâm” hay “tâm điểm” của tư tưởng và sự hiểu biết… kể cả sự giác ngộ. Trong số các kinh sách Phật giáo trong thung lũng sông Hằng dường như không có thuật ngữ nào mang ý nghĩa tương đương với chữ “tâm” trên đây trong Hán ngữ. Dầu sao đây cũng chỉ là một giả thiết nhằm nêu lên một khía cạnh thật tinh tế trong cuộc phiêu lưu của Giáo Huấn của Đức Phật trong lãnh vực tư tưởng.
Tuy nhiên cũng đã xảy ra một sự kiện khá bất ngờ liên quan đến bốn câu thơ trên đây. Nhà thần học Ki-tô giáo người Đức Heinrich Dumoulin (1905-1996) và cũng là một học giả uyên bác và uy tín về thiền học Zen Nhật Bản, trong quyển Zen Buddhism: A History (ấn bản tiếng Anh, Bloominghton, IN, 2005, hoặc A History of Zen Buddhism, Pantheon, Books, 1963) cho biết bốn câu thơ trên đây xuất hiện lần đầu tiên năm 1008, có nghĩa là nhiều thế kỷ sau Bồ-đề Đạt-ma (thế kỷ thứ VI) và cả Huệ Năng (thế kỷ thứ VII)! Dường như đến nay không có ai tìm thấy bốn câu thơ này trong các tư liệu xưa hơn. Nếu đúng như thế thì có nghĩa là Bồ-đề Đạt-ma và cả Huệ Năng không phải là tác giả của bốn câu thơ này. Dầu sao chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm về khái niệm “trực chỉ chân tâm/nhân tâm/minh tâm” tương quan như thế nào đối với Giáo Huấn của Đức Phật?
Trích từ sách:
Kinh Chú Tâm Vào Hơi Thở
Discussion about this post