TRÍ HUỆ VÀ ĐẠI BI
Nguyễn Thế Đăng
Kinh
Đại Bát Nhã nói Bồ-tát là người “Vì chúng sanh mà cầu Vô thượng chánh đẳng chánh
giác, cứu độ những chúng sanh điên đảo chấp ngã” (Phẩm Đạo thọ thứ 71), “vì chúng sanh mà cầu Vô thượng chánh đẳng
chánh giác” (Phẩm Nhất niệm thứ 76),
“hành sáu ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô
ngại, mười tám pháp bất cọng, hành đại từ đại bi, hành nghiêm tịnh cõi Phật,
thành tựu tuệ giác cho chúng sanh” (Phẩm
Bồ-tát hạnh thứ 72).
Bồ-tát ngay từ khi mới
phát tâm đã kết hợp hai công việc, hai con đường:
– Trí huệ Bát nhã
thấu suốt tánh Không để tự giải thoát, giác ngộ.
– Đại bi cứu độ chúng
sanh.
Nếu không nghe, suy
nghĩ, thực hành Bát-nhã ba-la-mật, chúng ta dễ thấy rằng đây là hai công việc,
hai con đường trái nghịch nhau. Làm sao có thể kết hợp tánh Không với việc độ
chúng sanh, hết đời này qua đời khác?
Trước hết, thực hành
trí huệ Bát-nhã là:
“Đức Phật bảo
Tu-bồ-đề: Bồ-tát có thể học rằng các pháp không có tự tánh, cũng có thể nghiêm
tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sanh. Biết quốc độ và chúng sanh
không có tự tánh, đó là sức phương tiện của Bát-nhã” (Phẩm Đạo thọ thứ 71).
“Này Tu-bồ-đề! Biết
thật nghĩa của các pháp nên gọi là Phật. Chứng thật tướng của các pháp nên gọi
là Phật. Thông suốt thật nghĩa của các pháp nên gọi là Phật. Biết như thật tất
cả các pháp nên gọi là Phật.
Bạch Đức Thế Tôn!
Bồ-đề (giác ngộ) nghĩa là gì?
Này Tu-bồ-đề! Nghĩa
Không là nghĩa Bồ-đề. Nghĩa Như, nghĩa pháp tánh, nghĩa thật tế, là nghĩa
Bồ-đề… Thật nghĩa của Bồ-đề không thể hoại, không thể phân biệt, đó là nghĩa
Bồ-đề. Lại nữa, thật tướng của các pháp chẳng hư dối, chẳng dị biệt, là nghĩa
Bồ-đề” (Phẩm Bồ-tát hạnh thứ 72).
Trí huệ Bát-nhã là
quán thấy các pháp vốn không có tự tánh. Không có tự tánh cho nên được gọi là
tánh Không. Tánh Không này là “thật nghĩa của các pháp”, là “thật tướng của các
pháp”. Bồ-đề là giác ngộ trọn vẹn nghĩa tánh Không này. Tánh Không ấy còn được
gọi là Như, là pháp tánh, là thật tế, là giác-ngộ. Vị giác ngộ trọn vẹn tánh
Không, hay Như, hay pháp tánh, hay thật tế, được gọi là bậc giác ngộ, bậc Phật.
Trí huệ soi thấy tánh
Không này là nền tảng từ đó phát sanh mọi thực hành vị tha của Bồ-tát, mọi
Bồ-tát hạnh: Sáu ba-la-mật, từ bi hỷ xả, bốn nhiếp pháp… cho đến “tôi phải dùng
ba thừa độ thoát hết thảy chúng sanh, tôi sẽ thay cho tất cả chúng sanh mười
phương mà chịu khổ đau” (Phẩm Kim Cương
thứ 13).
Để biết sự kết hợp
của trí huệ và đại bi như thế nào, chúng ta trích dẫn một đoạn kinh về Nhẫn
nhục ba-la-mật.
“Ngài Tu-bồ-đề thưa:
Bạch Đức Thế Tôn, làm thế nào Bồ-tát ở trong các pháp vô tướng, vô tác, vô đắc
mà có thể đầy đủ Nhẫn nhục ba-la-mật?
– Này Tu-bồ-đề!
Bồ-tát từ khi mới phát tâm đến nay cho đến khi ngồi đạo tràng, trong thời gian
ấy nếu có bị bất cứ chúng sanh nào đến đánh đập đâm chém, Bồ-tát này không khởi
tâm giận dữ dù chỉ một niệm. Bồ-tát phải tu hai thứ nhẫn.
Một là không khởi tâm
oán giận đối với bất cứ chúng sanh nào đến mắng chửi đánh đập đâm chém.
Hai là tất cả pháp không sanh.
Bồ-tát tu nhẫn như vậy, nếu có người đến mắng chửi, đánh đập, bèn suy nghĩ:
ai mắng, ai chê, ai chửi, ai đánh đập? Ai là người nhận chịu? Bồ-tát phải suy
nghĩ thật tánh của các pháp là rốt ráo Không, không có pháp, không có chúng
sanh. Các pháp còn bất khả đắc huống gì chúng sanh. Lúc quán tưởng các pháp như
vậy, Bồ-tát chẳng thấy có người mắng chửi, chẳng thấy có người đánh đập. Khi
Bồ-tát quán tướng các pháp như vậy liền được vô sanh pháp nhẫn.
Sao gọi là vô sanh pháp nhẫn? Biết tướng các pháp thường không sanh, các
phiền não từ xưa đến nay cũng thường không sanh. An trụ trong hai nhẫn ấy thì
có thể đầy đủ bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn niệm xứ, ba môn giải thoát, mười
trí lực, bốn vô úy, bốn trí vô ngại, mười tám pháp bất cọng, đại từ đại bi…
Này Tu-bồ-đề! Ở trong pháp vô tướng, vô tác, vô đắc, đầy đủ Nhẫn nhục
ba-la-mật như vậy” (Phẩm Nhất niệm thứ 76).
Thực hành sáu ba-la-mật trong tánh Không như vậy, thì sáu ba-la-mật thành
“Sáu ba-la-mật vô tướng”, nghĩa là giải thoát ngay khi hành (Phẩm Lục dụ thứ 77).
Bốn nhiếp pháp là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự là hoạt động do lòng bi
của Bồ-tát cho chúng sanh. Bốn nhiếp pháp, như tất cả mọi hoạt động khác của
Bồ-tát, được nối kết với trí huệ tánh Không. Ở đây chúng ta trích một đoạn về
bố thí pháp:
“Đức Phật dạy: Này Tu-bồ-đề, vì thế nên phải biết, Bồ-tát hành Bát-nhã
ba-la-mật, vì chúng sanh mà thuyết pháp một cách thích hợp, đem chúng sanh ra
khỏi điên đảo, khiến chúng sanh được vào chỗ nên an trụ, vì pháp thì không trói
không mở. Vì sao thế? Vì sắc không trói không mở, thọ tưởng hành thức không
trói không mở. Sắc không trói không mở thì chẳng phải sắc, thọ tưởng hành thức
không trói không mở thì chẳng phải thọ tưởng hành thức. Vì sao thế? Vì sắc rốt
ráo thanh tịnh, thọ tưởng hành thức cho đến hết thảy pháp, hoặc hữu vi hoặc vô
vi, cũng đều rốt ráo thanh tịnh.
Như vậy, Bồ-tát vì chúng sanh thuyết pháp cũng không thủ đắc tướng chúng
sanh và tất cả pháp, vì tất cả pháp bất khả đắc vậy. Bồ-tát không trụ nên trụ
trong thật tướng của các pháp, đó là sắc Không cho đến hữu vi vô vi pháp Không.
Tại sao thế? Vì sắc cho đến hữu vi vô vi pháp, tự tánh bất khả đắc nên
không có chỗ an trụ. Pháp vô sở hữu chẳng trụ pháp vô sở hữu. Tự tánh pháp
không trụ trong tự tánh pháp, tha tánh pháp không trụ trong tha tánh pháp. Vì
sao? Vì tất cả pháp đều bất khả đắc. Pháp bất khả đắc thì an trụ chỗ nào?
Như vậy, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật do các pháp Không mà
có thể thuyết pháp như vậy. Hành Bát-nhã ba-la-mật như thế, với chư Phật, chư
Thanh văn, Độc giác Phật không có lỗi. Vì sao thế? Chư Phật, chư Bồ-tát, Độc
giác Phật được pháp này rồi, vì chúng sanh thuyết pháp mà chẳng hề chuyển đổi
thật tướng của các pháp. Vì Như, pháp tánh, thật tế không thể chuyển đổi. Tại
sao thế? Vì các pháp không có tánh vậy” (Phẩm
Tứ nhiếp pháp thứ 78).
Nhờ hành sáu ba-la-mật vô tướng, tất cả các Bồ-tát hạnh vô tướng mà Bồ-tát
có thể “độ thoát hết chúng sanh mà không có dẫu chỉ một người được vào
Niết-bàn”.
“Đức Phật nói: Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nên sanh tâm như vầy: Ở trong vô
lượng đời sanh tử, tôi sẽ đại thệ trang nghiêm. Tôi sẽ xả bỏ mọi sở hữu, tôi
phải ở trong tâm bình đẳng với tất cả chúng sanh, tôi phải dùng ba thừa độ
thoát tất cả chúng sanh, khiến tất cả họ vào Niết-bàn vô dư. Nhưng độ hết chúng
sanh rồi mà không có dẫu chỉ một người vào Niết-bàn. Tôi phải hiểu rõ tướng bất
sanh của tất cả các pháp, tôi phải thuần dùng tâm Nhất thiết chủng trí để thực
hành sáu ba-la-mật, tôi phải học trí huệ thấu suốt tất cả pháp, tôi phải thông
đạt trí huệ tất cả các pháp là Một tướng, tôi phải thông đạt đến trí huệ rõ
suốt vô lượng tướng của các pháp.
Đây gọi là đại Bồ-tát phát sanh đại tâm không thể hư hoại như kim cương. An
trụ trong đại tâm này, đại Bồ-tát là bậc thượng thủ trong quyết định chúng. Vì
pháp dụng đây vô sở đắc vậy” (Phẩm Kim
cương thứ 13).
Chính vì “pháp dụng vô tướng, vô sở đắc” cho nên lòng bi trở thành vô biên,
mà người xưa nói là “đồng thể đại bi”.
Nếu không kết hợp với trí huệ tánh Không, lòng bi dễ thành “lòng bi ái
kiến”, nói theo kinh Duy Ma Cật. Lòng
bi ái kiến là lòng bi mà có nhiễm sự yêu thích ràng buộc vào sắc thọ tưởng hành
thức của các đối tượng. Và khi đã có yêu thích thì phải có cái không yêu thích,
cái chán ghét.
Phẩm Văn Thù thăm bệnh nói: “Nếu
đối với chúng sanh mà khởi lên lòng bi ái kiến thì đối với sanh tử tái sanh có
lòng chán mệt. Như Đức Phật có nói: Nếu tự mình bị trói buộc mà giải thoát cho
sự trói buộc của người khác, chuyện ấy không thể có. Nếu tự mình không bị trói
buộc mà giải thoát cho sự bị trói buộc của người khác, chuyện ấy có thể được”.
Một lần nữa, chúng ta trích một đoạn kinh nói về lòng bi độ hết chúng sanh
nhưng lòng bi ấy kết hợp với trí huệ tánh Không, nên tuy làm công việc độ thoát
chúng sanh nhưng vẫn thấy sắc thọ tưởng hành thức của mình và người đều là tánh
Không:
“Ngài Tu-bồ-đề nói với các thiên tử: Chư đại Bồ-tát đối với các pháp bình
đẳng, không thủ chứng bậc Thanh văn, Độc giác Phật thì vẫn chưa là khó. Chư đại
Bồ-tát đại trang nghiêm với thệ nguyện rằng: Tôi sẽ độ vô lượng vô biên vô số
chúng sanh. Biết chúng sanh rốt ráo bất khả đắc mà độ chúng sanh, đây mới là
khó.
Này các thiên tử! Đại Bồ-tát phát tâm Vô thượng Bồ-đề nguyện rằng: Tôi sẽ
độ hết chúng sanh. Chúng sanh thật không thể có được mà vị ấy muốn độ chẳng
khác nào muốn độ hư không. Tại sao thế? Vì hư không lìa tướng, phải biết chúng
sanh cũng lìa tướng. Vì hư không là Không, phải biết chúng sanh cũng là Không.
Vì hư không không kiên cố phải biết chúng sanh cũng không kiên cố. Vì hư không
hư huyễn phải biết chúng sanh cũng hư huyễn. Vì thế nên biết việc Bồ-tát làm là
khó. Vì lợi lạc cho chúng sanh bất khả đắc mà đại trang nghiêm. Vị ấy cam kết
thệ nguyện vì chúng sanh tức là muốn tranh đấu cùng hư không. Bồ-tát này cam
kết thệ nguyện rồi cũng không thấy có chúng sanh mà vẫn vì chúng sanh cam kết
thệ nguyện.
Vì sao thế? Vì chúng sanh lìa tướng nên biết đại thệ nguyện cũng lìa tướng.
Vì chúng sanh hư huyễn nên biết đại thệ nguyện cũng hư huyễn. Nếu đại Bồ-tát
nghe pháp như vậy tâm không sợ, không nghi, nên biết đại Bồ-tát ấy tu Bát-nhã
ba-la-mật. Vì sao thế? Vì sắc lìa tướng tức chúng sanh lìa tướng, thọ tưởng
hành thức lìa tướng tức chúng sanh lìa tướng. Sắc thọ tưởng hành thức lìa tướng
tức là Sáu ba-la-mật lìa tướng. Cho đến Nhất thiết chủng trí lìa tướng tức là
sáu ba-la-mật lìa tướng. Nếu nghe tất cả pháp lìa tướng như vậy mà tâm chẳng
sợ, chẳng nghi, chẳng mê mờ, phải biết đó là đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật”
(Phẩm Độ không thứ 65).
Đại bi là cái phân biệt hai con đường, con đường Thanh văn, Độc giác Phật
và con đường Bồ-tát, mặc dầu cả hai đều thực hành Bát-nhã ba-la-mật thấu đạt
tánh Không:
“Những thiện nam tử thiện nữ nhân muốn học bậc Thanh văn cũng phải nghe
Bát-nhã ba-la-mật để thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ, thực hành. Người muốn học Độc
giác Phật cũng phải nghe Bát-nhã ba-la-mật để thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ, thực
hành. Người muốn học bậc Bồ-tát cũng phải nghe Bát-nhã ba-la-mật để thọ trì,
đọc tụng, ghi nhớ, thực hành.
Tại sao vậy? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật nói rộng về ba thừa, nên Bồ-tát,
Thanh văn, Độc giác Phật đều phải học” (Phẩm
Khuyến học thứ 8).
Sự khác biệt của Bồ-tát so với Thanh văn, Độc giác Phật là lòng đại bi,
“cam kết thệ nguyện độ thoát vô lượng vô biên vô số chúng sanh”. Công việc ấy
trải qua vô lượng vô biên vô số đời, như trong kinh Phổ Hiền hạnh nguyện, Bồ-tát Phổ Hiền nói: “Cho đến thế giới, hư
không tận. Chúng sanh và nghiệp, phiền não tận. Trong tất cả vô tận thời gian.
Nguyện này rốt ráo hằng vô tận”.
Bồ-tát thừa khác với Thanh văn thừa, Độc giác thừa ở chỗ vì đại bi đại
nguyện, mặc dầu có thể nhập Niết-bàn ở đệ thất địa và đệ bát địa, Bồ-tát vẫn
tiếp tục con đường vì chúng sanh cho đến khi thành Phật. Điều này chúng ta có
thể tham khảo ở phẩm Thập địa kinh Hoa
Nghiêm.
Với kinh Đại Bát Nhã, điều này
được gọi là “học Không bất chứng”:
“Lúc an trụ trong pháp Không, đại Bồ-tát tự nghĩ nay là lúc tôi học chứ
chẳng phải là lúc chứng”.
“Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát phải nghĩ rằng nay là lúc tôi học Bố thí
ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật chứ chẳng phải là lúc chứng, là lúc tôi tu
bốn niệm xứ chứ chẳng phải là lúc chứng, là lúc tu ba tam muội Không, Vô tướng,
Vô tác chứ chẳng phải là lúc chứng, cho đến là lúc tôi học Nhất thiết chủng trí
chứ chẳng phải là lúc chứng quả A-la-hán và Độc giác Phật…
Đại Bồ-tát nghĩ rằng tôi chẳng nên rời bỏ tất cả chúng sanh. Tất cả chúng
sanh chìm đắm trong cái hoàn toàn không có gì, mãi đi trong bóng tối của cái
tôi và cái của tôi, tôi phải độ thoát họ. Bấy giờ Bồ-tát hành ba môn giải thoát
Không, Vô tướng, Vô tác mà chẳng chứng lấy thật tế (Niết-bàn). Vì chẳng chứng
nên chẳng sa vào bậc Thanh văn và Độc giác Phật. Vì có sức phương tiện nên
Bồ-tát này thường tăng ích pháp lành, căn trí thông lợi hơn căn trí của bậc
A-la-hán, Độc Giác Phật” (Phẩm Học Không
bất chứng thứ 60).
Đại bi chính là một cánh, cánh kia là trí huệ Bát-nhã, để Bồ-tát đủ hai
cánh bay trong tánh Không mà chẳng chứng nhập tánh Không, chẳng rơi rớt xuống
sanh tử mà cũng chẳng tan biến vào Niết-bàn. Nhờ đôi cánh đại bi và trí huệ,
Bồ-tát làm việc khó làm: bay giữa sanh tử và Niết-bàn, giữa sự không lấy cũng
không bỏ việc giải thoát cho chính mình và giải thoát cho chúng sanh:
“Này Tu-bồ-đề! Cũng vậy, đại Bồ-tát ở giữa tất cả chúng sanh với tâm từ bi
hỷ xả tràn đầy cùng khắp. Khi ấy đại Bồ-tát an trụ trong bốn tâm vô lượng, đầy
đủ sáu ba-la-mật, chẳng chứng lấy quả vô lậu, học Nhất thiết chủng trí, vào ba
giải thoát môn Không, Vô tướng, Vô tác. Bấy giờ Bồ-tát chẳng duyên theo tất cả
các tướng cũng chẳng chứng tam muội Vô tướng. Vì chẳng chứng tam muội Vô tướng
nên chẳng sa vào các bậc Thanh văn và Độc giác Phật.
Này Tu-bồ-đề! Ví như chim có đủ hai cánh bay lượn trong hư không chẳng bị rơi rớt, dầu
chim ở trong hư không mà cũng chẳng an trụ trong hư không (Phẩm Học Không bất chứng thứ 60).
(Tạp
Chí Văn Hóa Phật Giáo số 169)
Discussion about this post