TRẦN NHÂN TÔNG
VỊ HOÀNG ĐẾ, THIỀN SƯ, THI SĨ
Nguyễn Hữu Sơn
Nghiệm sinh nửa thế kỷ trên cõi đời, Trần Nhân Tông (1258-1308) đã có những đóng góp xuất sắc vào lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng đất nước, phát triển tư tưởng Phật giáo dân tộc và là một trong những tác giả đi đầu trong việc sáng tác thơ phú bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Với tầm vóc danh nhân văn hóa, hình ảnh Trần Nhân Tông đã tỏa sáng trên tư cách một vị hoàng đế sáng suốt, vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và để lại những áng thi ca thấm đậm lẽ đạo tình đời.
Sinh ra giữa thời hào khí Đông A đạt tới đỉnh cao, ông cùng với vua cha Trần Thánh Tông và toàn dân Đại Việt đã lãnh đạo nhân dân nước Đại Việt đập tan hai cuộc xâm lược của những đạo quân Nguyên Mông hùng mạnh (vào các năm 1285, 1287-1288).
Với việc tổ chức hội nghị Diên Hồng và Bình Than, ông trở thành hiện thân của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc quyền độc lập dân tộc.
Trong thời điểm vận nước vào lúc nguy nan, ông đã cho khắc câu thơ: Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ – Hoan, Diễn còn kia chục vạn quân (Cối Kê cựu sự quân tu ký – Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh) vào thuyền Ngự để động viên quân sĩ và khẳng định niềm tin vào ngày chiến thắng.
Trở về Chiêu Lăng làm lễ dâng thắng trận, ông viết hai câu thơ nổi tiếng, thể hiện niềm tự hào và khẳng định sức mạnh dân tộc: Xã tắc hai phen chồn ngựa đá – Non sông ngàn thuở vững âu vàng (Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim âu)…
Và phải nói rằng, ông cũng là người trực tiếp điều binh khiển tướng để củng cố vững chắc vùng biên giới phía tây và phía nam đất nước.
Trong thời bình, ông thực hiện chủ trương “khoan sức dân”, mở rộng sản xuất, đưa ra chính sách thi cử, tuyển dụng nhân tài tiến bộ, thúc đẩy nền kinh tế – văn hóa dân tộc phát triển ổn định.
Với tầm nhìn xa rộng, ngay cả sau khi đã nhường ngôi cho con và bản thân làm Thượng hoàng (1293), Trần Nhân Tông vẫn đích thân đi đánh dẹp nơi biên ải, trực tiếp giám sát, khuyên bảo vua Anh Tông, cắt đặt công việc chính sự, đến bảy năm sau (1299) mới đi khắp nơi thuyết pháp, sang tận Chiêm Thành rồi mới lên hẳn Yên Tử tu Phật, sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm.
Đặt trong tương quan giữa đời và đạo, mối quan hệ giữa vương quyền và thần quyền, sách Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá khái quát về Trần Nhân Tông: “Vua nhân từ, hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để siêu thoát nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân”…
Tất nhiên đây là ý kiến dựa trên quan điểm Nho giáo và đến nay chúng ta cần nhận diện khách quan, đúng mức hơn những đóng góp của Trần Nhân Tông đối với lịch sử Phật giáo nói riêng và di sản tư tưởng tinh thần dân tộc nói chung.
Trước hết cần khẳng định thái độ rành mạch của ông trong quan niệm về đời và đạo, khi nào cần “hòa quang đồng trần” một lòng gắn bó với sự nghiệp giữ nước và phát triển đất nước của cả dân tộc, khi nào có thể chuyên tâm với kinh sách và con đường hoằng dương Phật pháp.
Trên quan điểm lịch sử cụ thể, chúng ta có thể khẳng định vị thế Trần Nhân Tông trên tư cách vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, người có khả năng thâu thái những giá trị tinh thần Phật giáo từ bên ngoài để sáng tạo nên một Thiền phái bản địa, nội sinh trên cơ sở thực tiễn xã hội và mạch nguồn tư tưởng văn hóa dân tộc.
Trải qua trường kỳ lịch sử, tinh thần Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vẫn được phát huy và đến nay tiếp tục phát triển, có được ảnh hưởng mạnh mẽ trong nước và mở rộng ở nhiều Thiền viện trên thế giới.
Về sự nghiệp sáng tác, Trần Nhân Tông còn để lại trên ba mươi tác phẩm, trong đó có các bài tán, minh, thơ chữ Hán và hai bài phú chữ Nôm.
Các sáng tác của Trần Nhân Tông trải rộng diện đề tài từ dòng thơ chiến trận đến tâm sự buồn vui đời thường, từ vận mệnh quốc gia đến nỗi niềm người khuê phụ, từ lối thơ xướng họa đến tức sự, từ thơ bang giao đến vịnh cảnh non sông tươi đẹp, từ tiếng nói bậc đế vương đến sâu thẳm chất Thiền…
Chỉ đọc nhan đề các bài thơ cũng thấy bước chân ông đã đi qua nhiều miền xứ sở, từ miền quê Thiên Trường (Nam Định) đến động Vũ Lâm (Ninh Bình), hương Cổ Châu, chùa Thần Quang (Bắc Ninh), Châu Lạng (Bắc Giang), từ một cuộc Tây chinh đến hồ Động Thiên – Yên Tử (Quảng Ninh)…
Ông vui với một nhành mai, bâng khuâng trong một sớm mùa xuân, một chiều trước cánh đồng làng, một ngày thu nơi non cao chùa vắng, một sự hòa nhập nội tâm trong cõi thiền trầm tư sâu lắng.
Đặc biệt với hai tác phẩm Phú ở cõi trần vui đạo (Cư trần lạc đạo phú) và Bài ca được thú lâm tuyền thành đạo (Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca), Trần Nhân Tông đã trở thành một trong những thi nhân Việt Nam đầu tiên sử dụng chữ Nôm để sáng tác thơ ca, khơi mở cho dòng thơ Quốc âm của dân tộc phát triển mạnh mẽ trong suốt các giai đoạn sau này.
Tròn 700 năm kể từ ngày Trần Nhân Tông về cõi Tây phương cực lạc, nơi chùa Lân – Hoa Yên – Yên Tử vẫn thăm thẳm một mầu xanh. Giữa ngày chớm đông, dòng người từ bốn phương tìm về non thiêng Yên Tử, tìm về chốn tâm linh, thắp nén nhang thành kính tưởng nhớ danh nhân văn hóa Trần Nhân Tông – mẫu hình tác gia Hoàng đế – Thiền sư – Thi sĩ tiêu biểu cho cả một thời đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc.
Nguyễn Hữu Sơn
(phattuvietnam.net)
11-30-2008 09:23:13
Discussion about this post