TỐNG TÁNG ĐƠN GIẢN
TT. Thích Chân Tính
Thượng tọa đã chia sẻ cùng đại chúng về những vấn đề liên quan đến việc tang lễ của người Việt nói chung cũng như những chia sẻ về việc này đối với người con Phật.
Trong phần đầu Thượng tọa nói về các việc tống táng của người xưa và người thời nay, từ xứ Tây Tạng với điểu táng (chặt thân xác ra từng mảnh đem lên núi vất cho chim ăn) đến Ấn Độ với hoả táng rồi qua Việt Nam cả địa táng lẫn hoả táng.
Phần sau, (quan trọng) Thượng toạ nói tang lễ của Phật tử nên tổ chức đơn giản, gọn gàng, ít tốn kém tiền bạc và thì giờ, nếu giầu có không nên khoe của, tổ chức linh đình, hoặc nghèo, không có tiền mà cầu danh cố làm cho thiên hạ khen là đám ma lớn, con cháu có hiếu, rồi đi vay mượn nợ nần, và đặc biệt không nên theo tập tục mê tín dị đoan của thế gian, như đốt giấy tiền vàng bạc, coi ngày giờ tốt xấu, mở của mả, cúng cơm v.v…
Tóm gọn, tang lễ của Phật tử nên phù hợp với mấy nguyên tắc sau:
1. Đơn giản, để biểu thị lòng thương xót nhớ thương.
2. Trang nghiêm, để biểu thị lòng hiếu kính.
3. Tiết kiệm, để dành tiền làm việc công có ích. Không làm những việc nhằm quảng cáo tuyên truyền lãng phí vô ích.
4. Loại bỏ những phong tục tập quán không hợp với Pháp của Phật và không có ý nghĩa để tránh sự tuyên truyền mê tín.
Bắt đầu từ phút thứ 46: 15 giây Thượng tọa đề nghị nên hủy bỏ các tập tục sau:
– Bát cơm quả trứng gà, tục cúng cơm
– Bỏ tiền và gạo vào miệng người chết
– Con cháu khóc hay thuê người khóc
– Mời thầy phù thuỷ, thày cúng, thầy đám
– Bỏ bài tổ tôm, lịch tầu vào quan tài
– Để quan tài tại nhà đặt bên phải
– Con trai đội mũ rơm , con gái con dâu mặc áo sô gai
– Con trai không được cạo râu, con gái xõa tóc
– Giết gà lợn đãi khác viếng tang
– Thuê người khóc mướn, thuê phường nhạc bát âm
– Con cháu nằm gần linh cửu
– Việc xem giờ nhập quan, động quan, hạ huyệt…
– Lễ cáo thổ thần
– Đập nồi siêu đất
– Con cháu không được mang giầy dép
– Con gái trưởng hay dâu trưởng phải lăn ra đường trước quan tài
– Rải tiền vàng mã (bị phạt theo luật hiện hành)
– Cha mẹ không được đưa
– Mở cửa mả sau ba ngày
– Tục cải táng ngoại trừ phải di chuyển về quê xa như Nam ra Bắc hay ngược lại..
Những điều nên:
– Nên có di chúc (chôn hay thiêu hay hiến xác, không kèn, không trống, không sát sinh cúng mặn)
– Nên chụp ảnh chân dung trước khi mất
– Mời chư tăng đến hộ niệm khi vừa mất hay sắp mất
– Nên có ban tang lễ để tổ chức
– Nên thuê công ty mai táng lo việc tống táng.
– Không cần cúng cơm, có cầu tất có cung nên thầy tu bây giờ trở thành thầy cúng điều này không tốt cho Phật Giáo. Đức Phật dạy theo kinh Nguyên Thuỷ (Bắt đầu từ phút thứ 1:01:02) chết đây sanh kia, việc tái sinh xảy ra tức khắc chỉ trong một sát na niệm tưởng, không để trống khoảnh khắc nào trong trạng thái lưng chừng ; còn theo Phật Giáo Đại thừa cho rằng có một số trường hợp có thể phải qua giai đoạn chuyển tiếp, ở đó chúng sinh mang dạng “thân trung ấm” không hình tướng, lưu lại trong thời gian từ một đến bảy tuần lễ.
– Việc cúng cơm chỉ để tưởng nhớ chứ người chết không ăn được, cho nên không nên cúng, chỉ tụng kinh niệm Phật thôi, cũng không cần mời thầy đến cúng, kể cả lúc di quan, hãy bỏ đi, việc này không đúng chánh pháp.
– Mỗi tối chỉ cần tụng kinh, niệm Phật trong vòng 49 ngày, không cần mời thầy cúng cơm
– Lễ 49 ngày hay 100 ngày việc cúng cơm chỉ là tưởng niệm.
Trong phần kết luận thầy khuyên nên thiêu mang tro đến chùa hay rải ngoài biển. Việc quan trọng là lo việc tu tập cho việc tái sinh trong kiếp tới tốt hơn còn thân xác chỉ là cát bụi trở về với cát bụi. Phật tử nào phát nguyện đi theo con đường Bồ Tát thì có thể làm thủ tục để lại thân xáx cho khoa học nghiên cứu hay hiến tặng bộ phận cho những chúng snh đang chờ ghép…(Chân Diệu Mỹ ghi chép)
Discussion about this post