Giống như nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, tôn giáo đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi Covid-19. Các chỉ thị giản cách xã hội đã buộc những nhà lãnh đạo tôn giáo và các tín đồ phải thay đổi cách thực hành tôn giáo của họ và tránh xa các không gian hành lễ chung như nhà thờ, chùa chiền và đền miếu. Những tác động nặng nề của Covid-19 vào các hoạt động tôn giáo đã tạo nên một tình huống thật sự đáng buồn. Những hạn chế đối với việc thực hành tôn giáo xuất hiện vào đúng thời điểm mọi người đang cần sự an ủi đặc biệt của tôn giáo qua những việc làm như ban phước, cầu nguyện và tương trợ cộng đồng. Vào những thời điểm bình thường, người dân khắp châu Á thường hướng đến tôn giáo khi gặp phải những vấn đề khó khăn. Họ cầu xin Bồ-tát Quan Thế Âm hay Đức Mẹ với ước nguyện được giúp đỡ khi sinh nở. Họ thỉnh cầu các vị lãnh đạo tôn giáo và đồng đạo hướng dẫn, hỗ trợ tinh thần, và trong một số trường hợp hỗ trợ vật chất hay tài chính.
Bên cạnh đó, Covid-19 đã tạo ra những thách thức đặc biệt đối với các cá nhân và nhóm tôn giáo, nó cũng làm gia tăng nhu cầu về các nguồn lực tôn giáo. Bài viết này xem xét những tác động này và khảo sát các chiến lược mà các nhóm tôn giáo đang sử dụng để đối phó với một cuộc khủng hoảng đã làm thiệt hại nặng nề khả năng tài chính, tinh thần và cơ cấu tổ chức của các tôn giáo trong khi cũng cho thấy những khả năng đó trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ở đây chúng tôi đặt ra hai câu hỏi: (1) Các cộng đồng tôn giáo đã thực hiện những thay đổi gì đối với các thủ tục thông thường của họ để thực hiện các buổi lễ, phục vụ giáo đoàn và các hoạt động thường ngày khác? (2) Các nhóm này đã sử dụng những nguồn lực tôn giáo cụ thể nào để phòng ngừa Covid-19, chế ngự sự lo lắng của các tín đồ, bảo vệ các tín đồ, hay đảm bảo phúc lợi của các tu sĩ?
Các cộng đồng tôn giáo khắp châu Á đã phải thay đổi do hậu quả của đại dịch. Để khảo sát tất cả các giải pháp đối phó là nằm ngoài phạm vi của bài viết này. Nói đến tôn giáo, châu Á là một khu vực vô cùng đa dạng. Đây không chỉ là quê hương của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới – bao gồm Do Thái giáo, Hồi giáo, Đạo giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo và Kitô giáo – mà còn là một khu vực đặc biệt đa dạng các tôn giáo địa phương.2 Điều này khiến cho việc khái quát hóa trở nên khó khăn. Do đó trong bài viết này, chúng tôi kết hợp giữa việc khái quát hóa một cách thận trọng với từng trường hợp cụ thể. Chúng tôi dựa trên các báo cáo đã được công bố và các bài viết học thuật để đưa ra một số phản ánh khái quát về tôn giáo và Covid-19 ở châu Á. Tiếp đó, chúng tôi dựa vào các cuộc phỏng vấn qua điện thoại với các tu sĩ Phật giáo và những phân tích của các phương tiện truyền thông quốc gia và xã hội, cùng với dữ liệu lấy được từ các dự án nghiên cứu đang thực hiện, để phân tích ảnh hưởng của Covid-19 đối với tôn giáo ở nơi một trường hợp nghiên cứu tương đối nhỏ, các cộng đồng Phật giáo ở Sri Lanka. Việc kết hợp các quan sát khái quát với một trường hợp nghiên cứu điển hình duy nhất là hữu ích vì nó cho phép các học giả nhìn thấy cả những thay đổi vi tế lẫn to lớn mà Covid-19 đã tạo ra đồng thời tạo ra các phản ánh so sánh từ trong ra ngoài – cho thấy rằng những tác động cụ thể của sự thay đổi tôn giáo có thể nhìn thấy ở nơi một bối cảnh cũng có thể được quan sát thấy ở nơi các cộng đồng tôn giáo trong toàn khu vực.
Như chúng tôi sẽ trình bày, các cộng đồng Phật giáo ở Sri Lanka phải đối mặt với nhiều thách thức mà các nhóm tôn giáo khác ở châu Á cũng phải đối mặt. Những điều này bao gồm việc tránh tiếp xúc gần với các Phật tử khác, giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế trong các tín đồ và các tổ chức, cũng như tuân thủ các hạn chế hành chính và pháp lý mới do chính phủ đưa ra. Cũng giống như các nhóm tôn giáo khác, các Phật tử Sri Lanka đã đưa ra một loạt các giải pháp tôn giáo của riêng họ để đối phó cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Chúng bao gồm các buổi lễ cầu an công cộng đặc biệt, các hoạt động phụng sự xã hội, và thay đổi những buổi lễ tập thể. Xem xét những giải pháp của các Phật tử đối với Covid-19 ở Sri Lanka không chỉ làm sáng tỏ chiều sâu và mức độ ảnh hưởng của căn bệnh này đối với các xã hội ở châu Á, mà còn làm nổi bật những thay đổi sáng tạo và (trong một số trường hợp là) chưa có tiền lệ đối với tôn giáo do vì đại dịch. Những thay đổi đối với tôn giáo do Covid-19 tạo ra có thể mang lại cơ hội hiếm có để quan sát việc tái xây dựng lại việc thực hành tôn giáo.
Tôn giáo và Covid-19 ở châu Á: Bức tranh lớn
Trong khi các cộng đồng tôn giáo khắp châu Á đã có những giải pháp khác nhau đối với virus, ta có thể quan sát thấy một số đặc điểm và giải pháp chung dường như được chia sẻ giữa tất cả họ. Một trong những thay đổi phổ biến và mạnh mẽ nhất mà các nhóm tôn giáo phải đối mặt là yêu cầu tín đồ ở nhà và tránh xa những nơi thờ phụng thông thường. Trong số các cộng đồng tôn giáo khác nhau trong khu vực, những hạn chế này đã ảnh hưởng nặng nề đến những tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo. Ví dụ, ở Indonesia, nơi có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, các tổ chức Hồi giáo chính của đất nước – Hội đồng Ulama Indonesia, Nahdlatul Ulama và Muhammadiyah – tất cả đều đưa ra lời kêu gọi các tín đồ hãy cầu nguyện ở nhà thay vì đến nhà thờ.3 Ở Philippines, nơi có khoảng 86% dân số được xác định theo Công giáo, Hội đồng Giám mục Công giáo đã yêu cầu các tín hữu ở nhà vào một trong những buổi lễ linh thiêng nhất trong năm, Thánh lễ Chúa nhật lễ Lá. Thay vào đó, sự kiện được phát qua truyền hình, đài phát thanh và internet, một yêu cầu đã làm thay đổi các hoạt động tôn giáo thông thường của khoảng 80 triệu người.4 Tương tự, ở các quốc gia có đa số dân chúng theo đạo Phật như Sri Lanka và Thái Lan, các Phật tử cũng được yêu cầu ở nhà vào ngày lễ Vesak, một ngày lễ quan trọng nhất của Phật giáo. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã đưa ra tuyên bố của riêng mình về vấn đề này.5
Tất cả những thay đổi này đều rất cần thiết, do vì các cuộc tụ họp tôn giáo đã gây ra một số đợt lây truyền virus lớn trên khắp khu vực Châu Á. Ví dụ, tại một thời điểm trong đợt lây nhiễm ở Malaysia, gần 2/3 số ca bệnh được xác nhận ở nước này bắt nguồn từ một cuộc tụ họp kéo dài một tuần do Tablighi Jamaat, một nhóm truyền giáo Hồi giáo tổ chức.6 Tương tự, sự gia tăng đột biến về lây nhiễm cũng được nhìn thấy sau một hội nghị của nhóm Hồi giáo Tablighi Jamaat ở Ấn Độ.7 Tuy nhiên, không chỉ có các cuộc tụ họp của người Hồi giáo có liên quan đến các sự kiện siêu lây lan. Vào đầu tháng 3, vào lúc cao điểm về sự lây lan của Covid-19 ở Hàn Quốc, hơn một nửa số ca lây nhiễm ở quốc gia này là do các thành viên của một nhóm Kitô giáo gây ra, mà những lãnh đạo của họ bị buộc tội “giết người, gây hại và vi phạm Đạo luật Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm”.8 Các trường hợp khác, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn, đã được ghi nhận từ các nhà thờ Kitô ở Singapore và Sri Lanka.9
Trên khắp thế giới, những tác động đến kinh tế và sức khỏe của đại dịch, cũng như các biện pháp khắc phục cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh (chẳng hạn như phong tỏa và những hạn chế pháp lý khác), đã làm rạn nứt các mối quan hệ xã hội và tạo nên những nỗi thất vọng và bất ổn lâu dài. Như là một phần của vấn đề này, những thù hận xuất phát từ tôn giáo đã bùng phát. Những câu chuyện được công bố rộng rãi mà chúng nối kết việc nhiễm virus Corona với các nhóm tôn giáo và các sự kiện cụ thể, trong nhiều trường hợp, không chỉ dẫn đến các cáo buộc hình sự mà còn dẫn đến các chiến dịch có tổ chức nhằm chống lại các cộng đồng cụ thể. Những sự phản đối này không chỉ giữa các tôn giáo, chẳng hạn như người theo đạo Hindu với người theo đạo Hồi, mà còn ngay bên trong một tôn giáo. Ví dụ, một số giáo phái Kitô giáo hay Hồi giáo đã hướng sự tức giận của họ vào các nhà thờ hay các nhóm cụ thể có cùng tôn giáo với họ. Quan sát sự phản ứng của chính quyền và người dân đối với nhóm Tablighi Jamaat sau các sự kiện làm lây lan dịch bệnh của họ ở Malaysia và Ấn Độ cho thấy rõ vấn đề này. Ở quốc gia có đa số dân chúng theo đạo Hồi là Malaysia, sự nghi ngờ và ác cảm có xu hướng nhằm vào những cá nhân cụ thể và những người đứng đầu giáo phái Tablighi. Ở Ấn Độ, quốc gia có đa số dân chúng theo đạo Hindu, đã chứng kiến sự gia tăng thành kiến chống Hồi giáo dưới chế độ Modi; sự tức giận của công chúng không hướng nhiều đến người Hồi giáo nói chung, mà chính yếu tập trung vào nhóm Tablighi.10 Tương tự, ở Hàn Quốc, nơi có khoảng 1/3 dân số xác định là theo Kitô giáo, những tiếng nói phẫn nộ công khai ít nhằm vào các Kitô hữu chính thống mà nhằm vào các thành viên của một “giáo phái” nguy hiểm và không chính thống.11 Những tác động tương tự có thể quan sát thấy ở Nhật Bản, quốc gia có số lượng Phật tử đáng kể; ở đó, “các phong trào tôn giáo mới” là đối tượng thường bị chỉ trích.12
Tuy nhiên, đồng thời với việc gia tăng sự ác cảm giữa các tôn giáo và bên trong nội bộ các tôn giáo, nhiều cộng đồng tôn giáo đã có những nỗ lực phối hợp nhằm đưa ra các giải pháp của riêng họ để giúp chống lại virus và những tác hại của nó đối với cộng đồng. Những giải pháp này vừa bao gồm những hoạt động phụng sự xã hội truyền thống (như gây quỹ và quyên góp tài vật) và cũng bao gồm các biện pháp sáng tạo khác. Ở Bắc Kinh, các nhà thờ Tin Lành đã quyên góp được hàng nghìn đô-la để mua thiết bị bảo hộ cá nhân và nước rửa tay cho các nhân viên tuyến đầu ở Vũ Hán trong đợt bùng phát virus vào tháng 2-2020. Các ngôi đền Đạo giáo ở Trung Quốc cũng tham gia vào các nghi lễ thanh tẩy vùng đất xung quanh Vũ Hán để diệt trừ dịch bệnh và chuẩn bị đất cho các bệnh viện dã chiến mới được xây dựng.13 Các nhà sư Phật giáo ở Bangkok không chỉ cung cấp bữa ăn miễn phí cho các thành viên bị ảnh hưởng bởi virus trong cộng đồng, mà họ còn dẫn đầu sáng kiến sản xuất khẩu trang cần thiết cho đất nước bằng cách dệt hỗn hợp sợi nhựa tái chế và sợi bông, và trong một số trường hợp họ gắn kèm những lời cầu nguyện vào các thiết bị bảo hộ với mong muốn giúp người mặc tránh khỏi nguy hiểm.14 Các tu sĩ Hindu ở Ấn Độ đã kê đơn các loại thuốc giúp tăng cường sức khỏe dựa trên các phương pháp truyền thống như Ayurveda và Yoga.15
Khắp khu vực châu Á và thế giới, tất cả những nhà lãnh đạo tôn giáo – Tăng sĩ Phật giáo, Linh mục Công giáo và những người khác – đã sử dụng trực thăng hay máy bay nhỏ để rải nước thánh và cầu nguyện cho các thành phố và vùng nông thôn bị nhiễm virus.16 Ngay cả các chính phủ cũng áp dụng những cách thức siêu nhiên để chống lại virus. Ví dụ, ở Indonesia, một thành phố đã triển khai một nhóm thanh niên hóa trang làm ma quỷ nhằm khiến cho mọi người sợ hãi mà ở yên trong nhà.17
Những thay đổi đối với thực hành Phật giáo
Những gì có thể nhìn thấy phổ biến khắp châu Á – sự kết hợp những thay đổi không thể tránh khỏi nơi cách các tín đồ thực hành tôn giáo và các giải pháp tôn giáo chống lại dịch bệnh – cũng có thể nhìn thấy ở nơi mô hình thu nhỏ của các cộng đồng Phật giáo ở Sri Lanka. Trước đại dịch, giống như các cộng đồng tôn giáo khác, các Phật tử dựa vào các tương tác trực diện và các buổi lễ cộng đồng để thực hành tôn giáo của họ. Thường xuyên có những buổi tụng kinh và thuyết pháp tại các ngôi chùa vào các ngày như ngày rằm hàng tháng. Có những đám rước, hành hương và lễ hội, chẳng hạn như lễ Vesak, một sự kiện hàng năm tưởng nhớ sự Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật, được tổ chức khắp đất nước trong vài ngày vào tháng Tư hoặc tháng Năm. Có những nghi lễ quan trọng liên quan đến cuộc đời của một người như chào đời, tang lễ và giỗ chạp mà vào những dịp đó các Phật tử thường thỉnh quý sư đến nhà họ để tụng kinh và ban phước. Tất cả những thực hành này đã phải được thay đổi để thích ứng với thực tế mới của đại dịch Covid-19 ở Sri Lanka. Trong nhiều trường hợp, các buổi lễ đã được chuyển sang “trực tuyến” bằng cách sử dụng công nghệ internet, đài phát thanh và truyền hình.
Việc giãn cách xã hội được áp dụng vào thời Covid-19 đã thách thức sự thân cận thông thường giữa các Phật tử tại gia và chư Tăng, những người mà các Phật tử tại gia thường xuyên tiếp xúc. Mối liên kết giữa cư sĩ và Tăng sĩ là trọng tâm của Phật giáo, và một phần quan trọng trong đời sống tôn giáo của Phật tử phụ thuộc vào mối liên kết này. Sự phụ thuộc theo hai cách: Các cư sĩ được chư Tăng tác lễ, tụng kinh và thuyết pháp tại nhà trong khi họ cũng chấp tác công quả và tham gia thời khóa tu tập tại các ngôi chùa; trong khi đó chư Tăng được các cư sĩ hỗ trợ về hành chính và tài vật qua hình thức giúp đỡ về hậu cần, thực phẩm và quyên góp tài chính để họ có thể duy trì đời sống mà không phải tham gia quá nhiều vào các hoạt động “thế tục”. Ví dụ có lẽ dễ thấy nhất về mối liên kết chặt chẽ giữa cộng đồng Tăng sĩ và cư sĩ là việc các gia đình Phật tử cúng dường thực phẩm cho chư Tăng vào bữa ăn trưa hàng ngày, điều được nhìn thấy ở nhiều (nếu không muốn nói là hầu hết) ngôi chùa trên khắp đảo quốc.
Tuy nhiên, có một thách thức khác lớn hơn mà cộng đồng Tăng sĩ nói chung đang đối mặt. Các Tăng Ni sống tập trung trong các ngôi chùa, và có một số ngôi chùa khá lớn. Trong một số trường hợp, đời sống tập thể đông đúc này đã gây khó khăn cho việc giản cách xã hội. Thêm nữa, luật lệ ở các tu viện Phật giáo thường yêu cầu chư Tăng phải tập trung hành lễ với nhau. Luật tạng Phật giáo (Vinaya Piṭaka) thậm chí còn hướng dẫn chư Tăng khi tham gia vào các buổi lễ nên đứng cách nhau với khoảng cách một sải tay.18
Điều thú vị là những mối nguy hiểm về sự lây lan bệnh tật do sự tiếp xúc gần giữa con người với nhau được chính các văn bản Phật giáo xác nhận. Sự thực, trong số các tiêu chuẩn lâu đời nhất để trở thành một tu sĩ Phật giáo là người ta phải trải qua việc kiểm tra sức khỏe trước khi gia nhập Tăng đoàn. Người gia nhập phải trả lời một loạt câu hỏi về gần năm mươi loại bệnh cụ thể – từ bệnh phong hủi đến ghẻ lở, vảy nến và hen suyễn – khẳng định rằng họ không mắc phải căn bệnh nào trong đó.19 Những người muốn xuất gia nếu mang bất kỳ căn bệnh nào trong số này đều bị cấm gia nhập Tăng đoàn, có lẽ là nhằm để tránh bệnh tật lây lan trong các Tăng viện.
Trước những thách thức này, chư Tăng ở Sri Lanka đã phải thay đổi các phương pháp thực hành của họ. Các buổi thuyết pháp và hành lễ đã bị hủy bỏ. Những Tăng sĩ đứng đầu Tăng đoàn đã cùng nhau kêu gọi dân chúng ở nhà vào những ngày lễ quan trọng, nhưng tiếp tục thực hiện các nghi thức và tập tục thông thường ở nhà, bao gồm chuẩn bị các món ăn truyền thống, hành thiền và cầu nguyện.20 Một số chùa thậm chí còn lên lịch các buổi lễ cho các cư sĩ Phật tử áp dụng tại nhà.
Những hạn chế và áp lực tài chính do Covid-19 gây ra đã ngăn cản một số gia đình Phật tử chuẩn bị và cúng dường thực phẩm cho chư Tăng Ni như họ đã thường làm. Điều này có nghĩa là, ít nhất với ba ngôi chùa mà chúng tôi đã gọi điện hỏi chuyện, các Tăng Ni phải tự chuẩn bị thức ăn cho mình. Ở Campuchia, tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với hơn 60.000 vị sư của đất nước này. Một số nhà quan sát đã tường thuật rằng các chuyến viếng thăm chùa chiền đã giảm gấp năm lần, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trầm trọng cho các nhà sư sống dựa vào thực phẩm cúng dường.21 Tình trạng thiếu hụt tương tự cũng đặt ra thách thức cho chư Tăng ở Thái Lan.22 Đối với các Tăng Ni quản lý các hoạt động quyên góp, việc kêu gọi cúng dường vào một thời điểm mà ở đó các cư sĩ đang phải chịu đựng bệnh tật và khó khăn về tài chính là một điều hết sức nhạy cảm. Một sư ở Kandy giải thích rằng, vì nhận thức rõ vấn đề này, vị sư trưởng của ngôi chùa ông ở đã yêu cầu các Phật tử tại gia không được mang tiền quyên góp đến chùa và ông thậm chí đã bắt đầu tự nấu ăn cho những người đang gặp khó khăn trong cộng đồng.23
Bất chấp những xáo trộn này, những người được phỏng vấn nói rằng các thói quen hàng ngày của ngôi chùa phần lớn vẫn được duy trì vào thời điểm này. Ngoại trừ các Tăng sĩ học tập hay giảng dạy tại các ngôi trường hay đại học Phật giáo, cuộc sống của hầu hết chư Tăng ở Sri Lanka vẫn tiếp tục với các công việc như học tập, ăn uống, hành lễ và chấp tác ở trong chùa – những công việc thường nhật này dễ dàng thích ứng với lệnh “ở yên trong nhà” do chính phủ ban hành. Tuy nhiên, ở một số khu vực khác ở châu Á, vấn đề không giống như vậy, bởi ở đó (không giống như ở Sri Lanka) các nhà sư mỗi ngày phải vào các thị trấn và làng mạc lân cận để khất thực.24
Những giải pháp của Phật giáo đối với Covid-19 ở Sri Lanka và những nơi khác
Ở Sri Lanka, cũng như ở các quốc gia khác, chư Tăng đóng vai trò trọng tâm trong việc phục vụ và duy trì tôn giáo. Không giống như nhiều giáo đoàn Kitô giáo ở châu Á, công việc phúc lợi xã hội và cứu trợ thiên tai chỉ mới được các các tổ chức Phật giáo và đặc biệt là các nhóm Tăng sĩ Phật giáo chú ý gần đây.25 Về điều này, các dự án phụng sự xã hội do chư Tăng ở Sri Lanka chỉ đạo trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng Covid-19 là đặc biệt đáng chú ý. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2020, chúng tôi đã quan sát thấy nhiều báo cáo trên các phương tiện truyền thông của Sri Lanka về việc chư Tăng đã tham gia phân phối của cải vật chất cho các nhóm khác nhau: trao thức ăn đồ uống cho cảnh sát đang tuần tra giới nghiêm, phát khẩu phần ăn khô và gạo cho các gia đình nghèo, phát khẩu trang và thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, thậm chí cho chó và mèo đi lạc ăn, v.v. Trong một số trường hợp, các ngôi chùa đã quyên góp được số tiền khá lớn cho đội ứng phó đại dịch quốc gia.26 Các hoạt động được thực hiện bởi các nhóm Tăng sĩ Phật giáo (cũng như các hoạt động tương tự do các tổ chức thế tục và tôn giáo khác thực hiện) đã diễn ra song song với các chương trình cứu trợ của chính phủ với mục đích hỗ trợ các nhóm dân chúng được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương hay không được hỗ trợ đầy đủ bởi các chương trình an sinh của nhà nước.
Chư Tăng Ni cũng đã thực hiện các buổi lễ cầu nguyện nhằm mong dịch bệnh sớm được tiêu trừ. Một trong những thực hành phổ biến nhất là tụng những bài kinh bảo hộ/cầu an được gọi là pirit (paritta trong tiếng Pāli). Những bài kinh này, được viết bằng ngôn Pāli, được rút ra từ Kinh tạng truyền thống Phật giáo. Người ta tin rằng chúng có sức mạnh tiêu trừ nhiều loại nguy hiểm, bao gồm rắn độc, ma quỷ, bệnh tật.27 Chúng ta rất thường thấy những bản kinh này được tụng đọc ở Sri Lanka, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Sự thực, một trong những trách nhiệm tôn giáo chính của chư Tăng Ni là tụng đọc những bản kinh này vào những dịp quan trọng, chẳng hạn như tang ma hay kỵ giỗ.
Khắp Sri Lanka – và khắp Nam Á – các Tăng Ni đã tập hợp lại cùng nhau để tụng đọc các kinh cầu an. Bản kinh cầu an được trì tụng nhiều trong đại dịch là kinh Kỳ-lợi-ma-nan (Girimandanda). Bản kinh này, trong hình thức một bài thuyết giảng của Đức Phật cho một Tỷ-kheo bị bệnh nặng, chứa đựng danh sách một số bệnh tật và những phương pháp hành trì làm thuyên giảm chúng.28 Ví dụ, tại một ẩn thất nhỏ của năm sư Ni ở Kandy, những vị ở đó đã tụng những bản kinh cầu an như thế hàng ngày vào lúc 5 giờ chiều, phát qua loa cho người dân địa phương cùng nghe.29
Việc tụng kinh cầu an cũng được nâng lên tầm mức toàn quốc. Vào giữa tháng 3 năm 2020, khi tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu gia tăng ở Sri Lanka, những người đứng đầu của hai tu viện lớn nhất và lâu đời nhất đã tổ chức một khóa tụng niệm quốc gia kéo dài một tuần tại địa danh Phật giáo linh thiêng nhất của đảo quốc, chùa Răng Phật ở Kandy, cùng với những vị Trưởng lão đến từ khắp đảo quốc. Họ cùng nhau liên tục tụng kinh cầu an với mong muốn dịch bệnh sớm tiêu trừ. Những người tổ chức đã chọn trì tụng kinh Châu báu (Ratana), một bản kinh đã được tụng đọc cho cư dân của thành phố Rajagaha của Ấn Độ cổ đại vào thời kỳ đói kém và dịch bệnh.30 “Nước bảo hộ” (pirit paen) được chú nguyện trong thời gian tụng kinh sau đó được rải lên những khu vực bị ảnh hưởng bởi virus từ hai chiếc trực thăng. Đến đầu tháng Tư, chính những vị sư này đã kêu gọi tất cả chư Tăng Ni khắp đảo quốc cùng tụng niệm các bản kinh đó vào mỗi buổi tối. Việc tụng đọc những bản kinh này cũng được quan tâm ở Thái Lan và Miến Điện.
Những cách hiểu của Phật giáo về Covid-19
Ngoài việc thay đổi các thể thức và thực hành tôn giáo, Covid-19 cũng đã khơi mào cho các loại phân tích và tranh luận mới về tôn giáo. Ví dụ, ở Indonesia, cuộc phong tỏa đại dịch đã làm dấy lên những câu hỏi quan trọng về bản chất và mục đích của việc cầu nguyện trong Hồi giáo; và phúc lợi cá nhân của một người là quan trọng hay nghĩa vụ của một người đối với Thượng đế là quan trọng hơn.31 Tương tự, ở Sri Lanka, virus đã khiến các Phật tử suy ngẫm về cách thức và lý do tại sao đại dịch lại xuất hiện và các bước cần thiết để ứng phó với nó.
Có một lập luận chung liên quan đến sự hữu ích của giáo pháp Phật giáo, xem đó như một cách giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 và giúp hiểu rõ nguồn gốc của nó, như một Tăng sĩ từ Kandy đã nói:
“Một trong những giáo pháp cơ bản của Phật giáo là sống bằng cách chế ngự (saṅvara kara gena) thân thể. Giới luật giúp chế ngự thân thể [và] chế ngự thân thể trong một thời gian dài sẽ giúp ích cho việc loại bỏ đại dịch này. . . Bằng việc chế ngự thân thể và lời nói, tình trạng của thế giới có thể được cải thiện và chúng ta có thể thoát khỏi tình trạng này. Ngày nay, thân thể người ta hoàn toàn không được kiểm soát: nó giống như một nhà máy hoạt động cả ngày lẫn đêm. Vì tìm kiếm của cải, các quốc gia hùng mạnh như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ đang bốc cháy, xoay như một chiếc cối xay… Phải chăng không có bất kỳ sự kiềm chế nào ở đó? Do đó, những cuộc khủng hoảng như thế này có thể xuất hiện. Giáo pháp của Đức Phật có liên quan đến việc rèn luyện tâm trí và xây dựng một môi trường mà ở đó con người có thể sống lâu dài không bị bệnh tật bởi vì họ tự phát triển khả năng miễn dịch của mình. Nhờ việc phát triển tâm trí của mỗi người, xã hội sẽ được lợi ích. Phát triển cá nhân giúp phát triển xã hội; sự suy đồi của các cá nhân gây ra sự suy đồi của xã hội”.32
Phát biểu này chứa đựng nhiều tình cảm mà chúng tôi đã ghi nhận được trong tất cả mười cuộc phỏng vấn với các Tăng Ni Phật giáo, cũng như trong các cuộc thảo luận công khai do các Tăng sĩ và tổ chức thế tục thực hiện thông qua phương tiện truyền thông điện tử. Tương tự như lời dạy của Đức Phật, diễn giả đưa ra chẩn đoán, căn nguyên và đơn thuốc cho đại dịch, dựa trên sự thất bại và khả năng điều chỉnh các đặc điểm nhân cách của con người. Trong trường hợp này, diễn giả chẩn đoán đại dịch đến từ hành vi thiếu kiềm chế của các cá nhân và quốc gia, điều đã góp phần vào sự lây lan dịch bệnh ra quốc tế cũng như tính độc hại của căn bệnh giữa các cá nhân. Giải pháp được đề xuất là rèn luyện, phục tùng kỷ luật, kiểm soát tâm trí và thân thể của một người, biến nó thành saṅvara, một từ được sử dụng trong ngôn ngữ Pāli và Sinhala để mô tả sự điềm tĩnh, cân bằng và hành xử theo nếp sống của một tu sĩ Phật giáo. Thay vì đề xuất một giải pháp từ trên xuống cho đại dịch, họ đã đưa ra một chương trình hành động bắt đầu từ phát triển cá nhân đến thay đổi xã hội.
Những lập luận và quan sát tương tự cũng xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn khác với các Tăng sĩ Phật giáo. Trong nhiều trường hợp, các Tăng Ni đã liên kết sự khởi đầu của đại dịch với sự suy thoái môi trường, mà bản thân nó là kết quả của lòng tham và sự thiếu từ bi của con người. Ba người được phỏng vấn đã chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa nông nghiệp và thói quen ăn uống của người hiện đại và sự gia tăng của bệnh tật. Chỉ ra rằng Covid-19 đến từ một chợ thực phẩm ở Trung Quốc, một sư Ni đã nêu ra mối liên hệ giữa những tư tưởng Phật giáo và thói quen ăn uống:
“Đạo Phật dạy người ta kiểm soát tâm tham, sân, si của mình, những thứ vốn đang không ngừng gia tăng. Đời sống của chúng ta phụ thuộc vào thói quen ăn uống của chúng ta; những gì chúng ta ăn ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta”.33 Một Tăng sĩ-học giả khác từ Kandy giải thích rằng đại dịch cũng như xung đột xã hội phát sinh từ “sự mất cân bằng” (samaviṣamatāvayan) trong môi trường, do đó dẫn đến sự suy giảm các đức tính như lòng từ bi. Theo những người được phỏng vấn, một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhiều mặt hiện nay – về sức khỏe, môi trường và lòng tham của con người – phải lấy cảm hứng từ các lối sống “truyền thống” hay “làng quê”, lối sống bền vững với môi trường và cũng đưa ra các phương pháp tự nhiên của riêng họ cho việc chữa bệnh và duy trì sức khỏe. Những ý tưởng tương tự cũng xuất hiện thường xuyên trên các tờ báo của Sri Lanka và trên các tài khoản mạng xã hội của các chính trị gia nổi tiếng, nhiều người trong số đó đã thúc giục người dân Sri Lanka trồng trọt ở vườn sau nhà như một cách vừa để khắc phục vấn đề phân phối lương thực của đảo quốc vừa hướng tới vấn đề tự cung tự cấp của địa phương.
Kết luận
Cùng với những ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế, sức khỏe và chính trị ở châu Á, Covid-19 và phản ứng của nhà nước đối với nó cũng đã ảnh hưởng đến các tôn giáo của khu vực. Các chỉ thị phong tỏa và giãn cách xã hội khác nhau đã làm thay đổi phương cách thực hành tôn giáo của nhiều người. Nỗi khổ đau và chết chóc do căn bệnh này gây ra đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo tôn giáo thực hiện các loại hình nghi lễ và dịch vụ xã hội mới để hỗ trợ người dân. Đại dịch cũng đưa đến những học thuyết mới, được truyền cảm hứng từ tôn giáo, về khủng hoảng, sức khỏe và bệnh tật, khi những tín đồ cố gắng hiểu rõ các sự kiện.
Các Phật tử Sri Lanka đã cung cấp một trường hợp nghiên cứu điển hình sống động nêu bật tất cả những tác động và giải pháp này. Các Phật tử đã phải thay đổi các lễ kỷ niệm của họ và cân nhắc lại các thực hành tôn giáo của mình. Virus đã khiến một số Tăng sĩ nhận thức lại mối quan hệ truyền thống giữa chùa và xã hội, nhấn mạnh đến việc phân phối (trở lại) của cải vật chất cho quần chúng.
Đồng thời, ở Sri Lanka và khắp châu Á, dịch bệnh đã làm gia tăng và sâu sắc thêm những tranh chấp hiện có giữa các tôn giáo và giữa nội bộ các tôn giáo. Bên cạnh nhiều hành động hào hiệp và vị tha mà các nhà lãnh đạo tôn giáo đã thể hiện là những hành động mang tính kết tội và phỉ báng nguy hiểm. Những xu hướng như vậy, ở phạm vi toàn cầu, đáng báo động đến mức Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo về một “cơn sóng thần thù hận” có thể theo sau đại dịch lây lan khắp thế giới.34 Tuy nhiên, các tôn giáo cũng là nơi giúp xoay chuyển làn sóng thù hận như vậy ở châu Á. Do đó, hiểu được ảnh hưởng của Covid-19 đối với tôn giáo là điều quan trọng để hiểu được tương lai của châu Á trong thế giới hậu đại dịch.
Benjamin Schonthal & Tilak Jayatilake1
Nguyên Hiệp dịch
__________________________
(1) Benjamin Schonthal: Giáo sư về Phật giáo và các tôn giáo châu Á, Đại học Otago, New Zealand; Tilak Jayatilake: Phó Giám đốc Chương trình Giáo dục Liên Đại học Sri Lanka (ISLE).
(2) Về các tôn giáo thế giới, xem, Tomoko Masuzawa, The Invention of World Religions: Or, How European Universalism Was Preserved in the Language of Pluralism(Chicago: University of Chicago Press, 2005).
(3) Nadirsyah Hosen, “When Religion Meets Covid-19 in Indonesia: More than a Matter of Conservatives and Moderates,” Indonesia at Melbourne, 28 April 2020, https://indonesiaatmelbourne.unimelb.edu.au/whenreligion-meets-covid-19-in-indonesia-more-than-a-matter-of-conservativesand-moderates/.
(4) Xianne Arcangel, “Catholic Church Celebrates Palm Sunday Mass Online amid Coronavirus Crisis,” CNN Philippines, 5 April 2020. https://cnnphilippines.com/news/2020/4/5/Catholic-Church-celebrates-PalmSunday-mass-online-amid-coronavirus-crisis.html/.
(5) Emily De Maio Newton and Karen Jensen, “Buddha’s Quarantine Birthday,” Tricycle: The Buddhist Review, 9 May 2020, https://tricycle.org/trikedaily/vesak-2020/.
“Observe Vesak at Home – Maha Nayaka Theras,” Sunday Observer, 3 May 2020, http://www.sundayobserver.lk/2020/05/03/news/observe-vesak-home-%E2%80%93-maha-nayaka-theras.
(6) A. Ananthalakshmi and Joseph Sipalan, “How Mass Pilgrimage at Malaysian Mosque Became Coronavirus Hotspot,” Reuters, 17 March 2020, https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-malaysiamosque-idUSKBN2142S4.
(7) Devjyot Goshal, Aftab Ahmet, and Alasdair Pal, “The Religious Retreat That Sparked India’s Major Coronavirus Manhunt,” Reuters, 3 April 2020, https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-indiaislam-insigh-idUSKBN21K3KF.
(8) Laura Bicker, “Coronavirus: South Korea Religious Leader to Face Probe over Deaths,” BBC News, 2 March 2020, https://www.bbc.com/news/world-asia-51695649.
(9) Kok Xinghui, “Covid-19 Brings Spiritual Battle to Christians in Singapore and Hong Kong,” South China Morning Post, 23 February 2020, https://www.scmp.com/week-asia/healthenvironment/article/3051932/coronavirus-spurs-singapore-and-hong-kongchristians.
(10) Jeffrey Gettleman, Kai Schultz, and Suhasini Raj, “In India, Coronavirus Fans Religious Hatred,” The New York Times, 12 April 2020, https://www.nytimes.com/2020/04/12/world/asia/india-coronavirusmuslims-bigotry.html.
(11) Choe Sang-Hun, “He Blames ‘Evil’ for South Korea’s Coronavirus Surge. Officials Blame Him,” The New York Times, 2 March 2020, https://www.nytimes.com/2020/03/02/world/asia/coronavirus-south-koreashincheonji.html.
(12) Levi McLaughlin, “Japanese Religious Responses to COVID-19: A Preliminary Report,” The Asia-Pacific Journal 18, no. 9 (2020).
(13) Ian Johnson, “Religious Groups in China Step Into the Coronavirus Crisis,” The New York Times, 23 February 2020, https://www.nytimes.com/2020/02/23/world/asia/china-religion-coronavirusdonations.html.
(14) Pitcha Dangprasith and Lillian Suwanrumpha, “Thai Monks Make Virus Masks from Recycled Plastic,” Agence France-Presse(via The Jakarta Post), accessed 17 April 2020, https://www.thejakartapost.com/seasia/2020/03/24/thai-monks-make-virusmasks-from-recycled-plastic.html.
(15) Aarti Betigeri, “In India, Praying the Covid Away,” The Interpreter, 24 March 2020, https://www.lowyinstitute.org/theinterpreter/in-india-praying-covid-away.
(16) Ví dụ, “Burmese Monks Protect Myanmar from the Coronavirus by Chanting Buddhist Suttas Aboard a Helicopter,” Burma Dhamma Blog, Insight Myanmar, 17 March 2020, https://insightmyanmar.org/burmadhammablog/2020/3/17/burmese-monksprotect-myanmar-from-the-coronavirus-by-chanting-buddhist-suttas-aboard-ahelicopter.
(17) “‘Ghosts’ Used for Virus Patrol in Indonesia Town,” BBC News, 13 April 2020, https://www.bbc.com/news/world-asia-52269607.
(18) Benjamin Schonthal, “Buddhist Rules About Rules: Procedure and Process in the (Theravāda) Buddhist Legal System,” American Journal of Comparative Law.
(19) Gregory Schopen, “Making Men into Monks,” in Buddhist Scriptures, ed. Donald S. Lopez (London: Penguin, 2004), 237–238.
(20) Samantī Vīrasēkara, “Alut Avuruddē Vyasanaya Turan Kirīmaṭa Kaepavenna; Malvatu Himiyō Janatāvagen Illati [Commit to Destroying This Plague in the New Year; the Malvatu Monk Appeals to the Populace],” Divayina, 6 April 2020, https://divaina.com/daily/index.php/hotnews-2019/40955-2020-04-06-09-20-51.
(21) Phonks Bopha, “Monks Face Food Shortages Amid Coronavirus Pandemic,” VOA Cambodia, 12 April 2020, https://www.voacambodia.com/a/monks-face-food-shortage-amid-coronaviruspandemic/5368885.html.
(22) Mongkol Bangprapa, “Monks Suffering as Strict Distancing Rules Remain,” Bangkok Post, 7 May 2020, https://www.bangkokpost.com/thailand/general/1913696/monks-suffering-asstrict-distancing-rules-remain
(23) Phỏng vấn qua điện thoại một sư ở Kandy, 18-4-2020.
(24) Randy Thanthong-Knight, “Thailand’s Downturn Means Even the Monks Are Going Hungry,” Bloomberg Quint, 23 April 2020, https://www.bloombergquint.com/onweb/thailand-s-downturn-means-even-themonks-are-going-hungry.
(25) Neena Mahadev, “Conversion and Anti-Conversion in Contemporary Sri Lanka: Pentecostal Christian Evangelism and Theravada Buddhist Views on the Ethics of Religious Attraction,” in Proselytizing and the Limits of Religious Pluralism in Contemporary Asia, ARI – Springer Asia Series, eds. Juliana Finucane and R. Michael Feener (Singapore: Springer, 2014), 211–235, https://doi.org/10.1007/978-981-4451-18-5_11.
Jeffrey Samuels, “Buddhist Disaster Relief: Monks, Networks, and the Politics of Religion,” Asian Ethnology 75, no. 1 (2016): 53-74.
Charles B. Jones, “Modernization and Traditionalism in Buddhist Almsgiving: The Case of the Buddhist Compassion Relief Tzu-Chi Association in Taiwan,” Journal of Global Buddhism 10, no. 0 (2009): 291-319.
(26) Cāmara Sampat, “koviḍ aramudalaṭa asgiri saṁgha sabhāven ru miliyana 5-k [5 million Rupees to the Covid fund from the Asgiri Sangha Council],” 27 March 2020, http://www.ada.lk/religion.
(27) Về việc tụng đọc các kinh bảo hộ ở Thailand, xem Justin McDaniel, The Lovelorn Ghost and the Magical Monk: Practicing Buddhism in Modern Thailand (New York: Columbia University Press, 2013), 72-90.
(28) “Girimananda Sutta: To Girimananda,” (AN 10.60), trans. Thanissaro Bhikkhu, Access to Insight (BCBS Edition), 30 November 2013, http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an10/an10.060.than.html.
(29) Phỏng vấn qua điện thoại một sư Ni ở Kandy, 17 April 2020.
(30) Asela Kuruluwansa, “Ratana Sutta to Be Chanted at Sri Dalada Maligawa,” Daily News, 16 March 2020, http://www.dailynews.lk/2020/03/16/local/214540/ratana-sutta-be-chanted-sridalada-maligawa.
Cũng xem “Ratana Sutta: The Jewel Discourse” (Sn 2.1), trans. Piyadassi Thera, Access to Insight (BCBS Edition), 30 November 2013, http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.2.01.piya.html.
(31) Hosen, “Religion Meets Covid-19”.
(32) Phỏng vấn qua điện thoại với một sư ở Kandy, 18 April 2020.
(33) Phỏng vấn qua điện thoại với một sư Ni ở Kandy, 17 April 2020.
(34) Associated Press, “UN Chief Says Pandemic Is Unleashing a ‘Tsunami of Hate,’” The New York Times, 8 May 2020, https://www.nytimes.com/aponline/2020/05/08/world/ap-un-virus-outbreakhate-speech.html.
Discussion about this post