Nói đến tình thương, theo thế tục, chúng ta liên tưởng đến đối tượng của tình thương với những điều kiện (như một sự trao đổi tương xứng). Tình thương vượt khỏi một đối tượng để hướng đến cộng đồng nhân loại, Kito giáo gọi là Bác Ái. Phật giáo không chỉ dành cho loài người mà tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình đều được thấm nhuần ân đức đó, gọi là Từ Bi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Tôi nghĩ rằng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đều thực sự có nguồn gốc từ sự thực hành tình yêu thương, sự tha thứ, và bao dung. Yếu tố cơ bản đó hiện đang trở thành nguồn gốc của bạo lực, điều đó là không thể tưởng tượng được” …
Một tôn giáo chân chánh không thể thiếu lòng Từ Bi. Tình thương yêu thế tục chỉ là một dạng sơ khởi khi lòng Từ Bi chưa được hoàn chỉnh, nhưng nó là nền tảng để tiến tới tình thương yêu rộng lớn hơn, tình thương yêu không còn giới hạn thì lòng Từ Bi xuất hiện. Vì sao thế?
Từ trường, từ tính, từ ái, từ bi, từ tâm… đều là lực cuốn hút. Tình thương vô điều kiện hay lòng từ không giới hạn vốn là bản chất tự nhiên như lực hút của vũ trụ để các thái dương hệ, các ngân hà, các hành tinh tồn tại nằm trong quỷ đạo nhất định.
Phật tính, bản lai diện mục, tuệ giác… đều là hiện tướng của Từ Bi. Từ Bi vốn là bản gốc của muôn loài. Do tập khí, vô minh, kiết sử làm lu mờ đức từ bi, hạn chế sự hiện hữu của Đức Từ Bi, nên Từ Bi chỉ còn là tình thương yêu hay lòng bác ái.
Một hành giả tu tập miên mật, tập khí được loại dần thì trí tuệ và lòng từ sẽ phát sanh. Một pháp hành chân chánh, luôn đưa hành giả đạt đến trạng thái hoan lạc, Từ Bi phát triển và trí tuệ tăng trưởng. Ngược lại, càng tu, hành giả càng phiền não, tâm trạng bồn chồn, lo lắng, thiếu vắnglòng từ thì hoặc là hành không đúng pháp hoặc pháp không đúng cho người hành.
Phát triển Lòng Từ có hai cách: một là hành giả quán Từ Bi Tâm, lòng từ phủ trùm từ người thân lan đến vạn loại. Hai là hành giả Thiền Định đạt đến thâm mật, tạp niệm tập khí càng vơi thì lòng từ càng lộ diện; bởi lòng từ hay bản giác vẫn là một. Mức độ chứng từng phần thì Trí Tuệ và Từ Bi luôn song hành xuất hiện, mức độ chứng toàn phần thì Trí Tuệ và Từ Bi lại là một; cũng như âm thanh và ánh sáng chỉ là một khi điện âm-điện dương va nhau tạo ra âm thanh và phát sáng.
Một hành giả giác ngộ thì lục căn đều có công năng như nhau, nghĩa là có thể nghe bằng các giác quan khác ngoài lổ tai, và nhìn cũng bằng bất cứ giác quan nào trong lục căn. Như thế, con mắt và lổ tai cũng có chức năng như nhau, ánh sáng và âm thanh vì thế cũng là một, đó là căn bảncủa Tuệ Giác, của Từ Bi. Chư Phật và chư Bồ Tát đều thương chúng sanh một cách tự nhiên vô điều kiện, do tình thương như thế nên Bồ Tát đã hóa thân vào chúng sanh để giáo hóa tế độ. Một khi lòng từ chân thật xuất hiện thì vấn đề kham nhẫn không còn được đề cập, vì vô điều kiện trước mọi bất công vô minh, không còn chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì làm gì còn vấn đề kham nhẫn. Đó mới thật sự là lòng từ của nhà Phật. Khi lòng từ có thì lòng bi tiếp theo cùng song hành để tròn ý nghĩa Từ Bi. Từ là ban vui thì Bi phải cứu khổ. Ý nghĩa thâm sâu của Từ Bi mang tính phổ quát và rốt ráo của Phật giáo.
Người được phủ trùm Từ Bi của chư Phật, chư Bồ Tát, không còn cảm nhận hạnh phúc như cái hạnh phúc thế tục khi được yêu thương, và chư Phật Bồ Tát cũng không thấy hạnh phúc khi ban bố lòng từ bi cho chúng sanh, vì có hạnh phúc là có đối tượng, có điều kiện. Lòng Từ Bi là bản chất như nhiên của chư Phật, Bồ Tát, như đói ăn khát uống vậy. Tình thương là hạnh phúc, từ bi là bản giác là tuệ giác, là an lạc thanh thoát.
Tóm lại, hành giả tu bất cứ pháp môn nào mà đưa đến sự an lạc, trí phát sanh và từ bi xuất hiện vô điều kiện đều là chánh pháp. Hành giả sẽ không nỡ lấy máu thịt chúng sanh để nuôi thân mình. Trong một giai đoạn hành giả tiến đến xả hỷ, xả lạc, xả ly thì Từ Bi tự nó là bản giác vô ngôn. Đạo từ bi không còn là tôn giáo mà là bản chất của tuệ giác.
MINH MẪN
13/10/2015
Discussion about this post