TIỂU SỬ VẮN TẮT KHANDRO TSERING CHODRON (1929-2011)
Khandro Tsering Chodron sinh ra ở vùng Trehor thuộc Kham vào năm Thổ Tỵ, 1929. Mẹ của Bà, Dechen Tso, là một công chúa từ Ling, người đã kết hôn với hai anh em – Tutob Namgyal và Sonam Tobgyal từ gia đình Aduk Lakar[2] giàu có. Bà có một chị gái, Tsering Wangmo (sinh năm 1925) và một anh/em trai, vị đã qua đời từ khi còn rất nhỏ. Bà nội của Bà – Tsering Lhamo là dì/cô của Đức Karmapa thứ Mười sáu – Rangjung Rigpe Dorje (1924-1981).
Không có nhiều thông tin về thời thơ ấu của Khandro Tsering Chodron, nhưng Bà được cho là đã hiển bày những dấu hiệu của sự tinh nghịch, độc lập và khiêm tốn – điều sẽ nằm trong những nét nổi bật nhất của Bà sau này trong đời. Các nguồn cũng nói rằng Bà ăn mặc giản dị và cạo tóc như một vị Ni, mặc dù không rõ ràng liệu Bà đã từng thọ bất kỳ kiểu xuất gia nào hay không[3].
Gia đình Aduk Lakar là các thương gia giàu có, những vị đã hỗ trợ chư đạo sư cao cấp từ Kham và thường thỉnh chư vị đến nhà. Vào một dịp như vậy, theo Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991)[4], Bà Tsering Chodron, trong lúc vẫn là một cô bé chỉ bảy hay tám tuổi, đã diện kiến Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro (1893-1959)[5] lần đầu tiên. Một người đàn ông tên Yakze Terton, vị có mặt khi ấy, đã tuyên bố rằng các hoàn cảnh cát tường khi đó đã được thiết lập để Bà Tsering Chodron trở thành vị phối ngẫu của Đức Khyentse Chokyi Lodro trong tương lai. Orgyen Tobgyal Rinpoche kể một câu chuyện tương tự nhưng cho rằng cuộc gặp gỡ thậm chí đã xảy ra trước đó, khi Tsering Chodron vẫn chỉ là một em bé và xác nhận vị Terton đưa ra tiên đoán là Drikung Terton Osel Dorje.
Phật giáo Tây Tạng tin rằng sự hợp nhất với một vị phối ngẫu có thể kéo dài thọ mạng. Đức Chokyi Lodro, khi ấy năm mươi lăm tuổi, đã lâm bệnh trong một khoảng thời gian và nhiều đạo sư đề nghị rằng Ngài cần chấp nhận một vị phối ngẫu vì sự trường thọ. Bà Tsering Chodron, khi đó mười chín, được lựa chọn qua một quá trình tiên tri, điều rõ ràng được cử hành bởi Ngài Palpung Situ Pema Wangchok Gyalpo (1886-1952). Những người đưa tin được gửi đến nhà Bà và cung nghênh Bà đến Dzongsar, trụ xứ của Đức Chokyi Lodro. Dilgo Khyentse Rinpoche nằm trong số những vị tham dự hôn lễ, trong đó, Bà chính thức được trao danh hiệu Khandro và được dâng nhiều món cúng dường và những lời cầu nguyện vì sự trường thọ. Sau đó, Bà Tsering Chodron được biết đến là Khyentse Sangyum hay đơn giản là Khandro-la.
Sự kết hợp của Đức Khyentse Chokyi Lodro, vị trước đó đã thọ giới Tỳ Kheo, và Bà Tsering Chodron không phải là không có tranh cãi. Một số đệ tử đã phản đối với lý do rằng đây có thể là tiền lệ nguy hiểm, đặc biệt là với các Lama trẻ hơn. Để xua tan mọi nghi ngờ hay e sợ trong các đệ tử, Đức Chokyi Lodro đã viết một bức thư, mà trong đó, Ngài nhấn mạnh những lợi lạc tăng cường trường thọ của thực hành liên quan đến quán đỉnh thứ ba. Đa phần môn đồ của Đức Chokyi Lodro chấp nhận sự xác nhận Bà Tsering Chodron là một hóa hiện của Bà Shelkar Dorje Tso, một trong những vị phối ngẫu của Đức Liên Hoa Sinh và xem cuộc hôn nhân này là sự viên thành các tiên tri của Đức Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892)[6], Đức Jamgon Kongtrul Lodro Thaye (1813-1899)[7] và thậm chí của chính Đức Chokyi Lodro.
Không lâu sau khi chuyển đến Dzongsar, Bà Tsering Chodron được chỉ định một thầy giáo thọ – Lama Tseten (vị qua đời năm 1956). Bà cũng bắt đầu thọ nhận những giáo lý, quán đỉnh và khẩu truyền từ Đức Khyentse Chokyi Lodro và các đạo sư cao cấp khác, bao gồm Gyarong Khandro Dechen Wangmo (vị sinh năm 1868?), một nữ hành giả Mật thừa và vị phát lộ kho tàng oai nghiêm, người mà Đức Khyentse Chokyi Lodro nương tựa về sự bảo vệ khỏi tà thuật.
Đức Khyentse Chokyi Lodro đã trao lời khuyên cho Bà Tsering Chodron, đôi khi dưới dạng những bài ca và biên soạn nhiều tác phẩm theo thỉnh cầu của Bà, bao gồm một bài ca cầu khẩn đạo sư dưới dạng “gọi thầy từ chốn xa”, một lời cầu nguyện đến Gyarong Khandro, hai nghi thức cúng dường Torma và một nghi quỹ Tara Đỏ. Ngài cũng soạn một lời cầu nguyện trường thọ cho Bà với tựa đề “Xua Tan Chướng Ngại Trong Cuộc Đời Không Hành Nữ”.
Năm 1953, Bà Tsering Chodron có mặt khi Gyarong Khandro được cho là “mở lại” địa điểm linh thiêng Khyungtak và phát lộ thực hành Phổ Ba Kim Cương gọi là Trao Truyền Thì Thầm Kila Của Tsogyal (Tsogyal Nyengyu Phurba) như một kho tàng đất (Sater). Gyarong Khandro gọi Bà Tsering Chodron đến giúp đỡ phát lộ và như thế, nghi quỹ nhắc đến một “cặp Không Hành Nữ”, những vị đã rút ra kho tàng.
Khi Sakya Dagchen Rinpoche Kunga Sonam (1929-2016) viếng thăm Tu viện Dzongsar vào năm 1954, Khandro phát triển tình bạn thân thiết với vị phối ngẫu của Ngài – Dagmo Jamyang Sakya (vị sinh năm 1934). Cùng nhau, hai vị thọ nhận chỉ dẫn về thi pháp, đánh vần và vẽ tranh từ thư ký nổi tiếng – Drungyik Tsering và tham gia các lớp về du già Tsalung. Bà Jamyang Sakya miêu tả cách mà họ không thể kìm lại tiếng cười khúc khích khi cố gắng các tư thế thân khó hơn. Sau khi có được một chiếc máy may, hai vị đã dùng nó để bí mật làm y phục như những món quà, tiếp tục làm vậy ngay cả khi bị phát hiện bởi một đạo sư, vị giải thích rằng công việc thấp kém như vậy không thích hợp với vị phối ngẫu của những đạo sư cao cấp.
Năm 1955, Đức Jamyang Khyentse và Bà Tsering Chodron rời Dzongsar để chạy trốn khỏi tình hình ngày càng tồi tệ hơn ở miền Đông Tây Tạng khi Cộng sản Trung Quốc xâm chiếm. Chư vị đã đến Lhasa, một phần bởi Bà Tsering Chodron và chị gái Tsering Wangmo chưa từng đến đó và vẫn mong ước được viếng thăm các thánh địa ở đó. Chư vị cũng viếng thăm Tsurphu, nơi mà chư vị diện kiến Đức Karmapa thứ Mười sáu và đến nhiều điểm hành hương quan trọng khác, bao gồm Samye Chimphu, Lhodrak, Sakya và các nơi khác trên tuyến đường đến Sikkim, đích đến cuối cùng.
Dọc đường, thầy giáo thọ của Bà Tsering Chodron – Lama Tseten ốm nặng. Bà đã chăm sóc thầy trong những ngày cuối đời trước khi thầy qua đời gần hồ thiêng Yamdrok Tso. Đoàn đến Sikkim vào năm 1956 và đến Ấn Độ, nơi chư vị viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng và các địa điểm khác liên quan đến cuộc đời Đức Phật. Sau đấy, chư vị trở về Sikkim và sống trong Chùa Hoàng Gia (Tsuklakhang) ở Gangtok với tư cách là khách mời của hoàng gia. Đức Jamyang Khyentse được nhiều người yêu cầu trong giai đoạn này, tham gia phỏng vấn, ban giáo lý, quán đỉnh và cử hành các nghi lễ; Bà Tsering Chodron đã tham dự hầu hết. Bà cũng đi cùng Ngài trong chuyến viếng thăm thứ hai đến Bồ Đề Đạo Tràng và các địa điểm hành hương khác ở Ấn Độ suốt mùa đông năm 1957-58.
Đức Khyentse Chokyi Lodro viên tịch vào ngày 12 tháng 6 năm 1959. Bà Tsering Chodron đã trông nom việc dâng các cúng dường lên nhiều đạo sư, những vị tiến hành các nghi thức sau đó. Bà cũng nằm trong số những vị đã vác đá, đất và cát lên ngọn đồi tại Tashiding ở phía Tây Sikkim đến địa điểm mà một bảo tháp được xây dựng cho lễ trà tỳ. Vào mùa đông năm 1960-61, Bà lại du hành đến các thánh địa của Ấn Độ và Nepal, nơi Bà tài trợ những cúng dường lớn vì sự viên thành mọi mong ước của Đức Chokyi Lodro. Cũng vào khoảng thời gian này, Bà thúc giục Dilgo Khyentse Rinpoche biên soạn tiểu sử của Đức Khyentse Chokyi Lodro và bắt đầu nhiệm vụ kết tập và xuất bản các trước tác của người chồng quá cố.
Vào ngày 2 tháng 9 năm 1968, khoảng tám năm sau khi Đức Chokyi Lodro qua đời, vị tái sinh của Ngài – Dzongsar Khyentse Norbu Thubten Chokyi Gyatso (vị sinh năm 1961) được tấn phong tại Chùa Hoàng Gia ở Gangtok. Bà Tsering Chodron đã tham dự buổi lễ và các nghi lễ sau đó. Khi Bà hát bài ca tiệc (Tsoklu) trong một nghi lễ như vậy, Dilgo Khyentse Rinpoche nhận xét rằng Ngài chưa từng nghe điều gì đẹp đẽ hơn vậy trong đời.
Bà Tsering Chodron đã sống hơn bốn thập niên tại Chùa Hoàng Gia ở Gangtok, trước bảo tháp lưu giữ xá lợi của Đức Khyentse Chokyi Lodro. Bà sống giản dị và dành thời gian tụng những lời cầu nguyện, tụng Chân ngôn, vẽ và chăm sóc động vật. Bà được cho là đã đọc toàn bộ Kangyur và Tengyur. Vào ngày Mười và Hai mươi lăm theo lịch Tây Tạng, Bà thường cùng với các đệ tử khác của Đức Khyentse Chokyi Lodro hay vị tái sinh của Ngài, cúng dường tiệc. Mặc dù không bao giờ chính thức giảng dạy hay ban quán đỉnh, Bà được kính trọng rộng khắp trong cộng đồng Phật giáo Tây Tạng và thường tiếp đón nhiều người, bao gồm cả chư đạo sư cao cấp, những vị chẳng muốn gì ngoài việc được dành thời gian bên Bà và thọ nhận sự gia trì.
Theo thời gian, Bà ra nước ngoài nhiều lần, chủ yếu theo lời mời của cháu trai – Sogyal Rinpoche (1947-2019), con trai của chị gái Tsering Wangmo. Bà đã du hành đến Vương Quốc Anh nhiều lần, bắt đầu từ năm 1981. Ở Bắc Mỹ, Bà viếng thăm Chogyam Trungpa Rinpoche (1939-1987) và Tarthang Tulku (vị sinh năm 1935), những vị đều là đệ tử trước kia của Đức Khyentse Chokyi Lodro và Bà tham dự nhiều Pháp hội mùa hè quan trọng ở Pháp, điều bao gồm nhiều vị trong đó có Dudjom Rinpoche (1904-1987) và Dilgo Khyentse Rinpoche. Tháng 4 năm 1987, Bà viếng thăm Dezhung Rinpoche (1906-1987) ở Kathmandu không lâu trước khi Ngài viên tịch và Bà có mặt trong lễ khánh thành Tu viện Dzogchen ở Ấn Độ – do cháu trai – Dzogchen Rinpoche thứ Bảy – Jigme Losel Wangpo (vị sinh năm 1964) – thành lập ở Kollegal, miền Nam Ấn Độ vào năm 1992.
Năm 2006, sau những lo ngại về sức khỏe, Bà du hành đến Bir ở miền Bắc Ấn Độ và từ đó, đến trung tâm của Sogyal Rinpoche, Lerab Ling, ở miền Nam nước Pháp, nơi chị gái Tsering Wangmo vốn đã đến ở. Tại đó, Bà sống những năm cuối đời, tụng các nghi thức, vẽ màu nước, tham dự lễ cúng dường tiệc vào những ngày đặc biệt, và gặp gỡ các đạo sư, một vài trong số đó, chẳng hạn Alak Zenkar Rinpoche Thubten Nyima (vị sinh năm 1943), đã du hành thường xuyên để viếng thăm Bà.
Khi sức khỏe của Bà giảm sút vào năm 2011, Dzongsar Khyentse Rinpoche, vị tái sinh của Đức Khyentse Chokyi Lodro – chồng quá cố của Bà, đã bỏ chương trình giảng dạy tại Úc để ở bên Bà. Cùng với nhiều đạo sư khác, Ngài đã đọc to Kho Tàng Pháp Giới (Choying Dzod) của Tôn giả Longchenpa bên Bà. Sau khi Bà qua đời vào ngày 30 tháng 5, một trang mạng tưởng niệm đã được tạo ra để lưu giữ những lời nhắn chia buồn, tưởng nhớ và lời cầu nguyện Bà nhanh chóng tái sinh từ chư đạo sư, bạn bè và các nhân vật cao cấp trong cộng đồng Tây Tạng lưu vong.
Một lễ trà tỳ trang nghiêm dưới sự chủ trì của Sakya Trichen Rinpoche (vị sinh năm 1945) đã diễn ra ở Lerab Ling vào ngày 2 tháng 9 năm 2011 và một bảo tháp mái vàng sau đó đã được xây dựng tại cùng địa điểm và được thánh hóa bởi Đức Sakya Trichen và các đạo sư khác vào năm 2014.
Nguồn Anh ngữ: https://treasuryoflives.org/biographies/view/Tsering-Chodron/13697.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Adam Pearcey là vị sáng lập Lotsawa House, người đã hoàn thành chương trình PhD tại SOAS, Đại Học London vào năm 2018 với luận văn về Dzogchen, chủ nghĩa kinh viện và đặc tính bộ phái ở Tây Tạng đầu thế kỷ 20.
[2] Người ta thường nghĩ rằng cha của Tsering Chodron là Tutub Namgyal trong khi Sonam Tobgyal là cha của chị gái Tsering Wangmo.
[3] Bà được miêu tả là một vị Ni trong cuốn tự truyện của Dilgo Khyentse Rinpoche, nhưng đây có lẽ là một sự dịch sai hay đơn giản chỉ nhắc đến vẻ ngoài của Bà. Orgyen Tobgyal Rinpoche kể lại rằng thời trẻ, Bà đã từ chối mong muốn trở thành một vị Ni nhưng luôn cạo đầu.
Discussion about this post