BÁO VIÊN GIÁC SỐ 242 THÁNG 4 NĂM 2021
Người xưa thường nói rằng: ”cái khó bó cái khôn”. Điều nầy có nghĩa là ai cũng có cái khôn đang sẵn có; nhưng nhiều khi hoàn cảnh chung quanh không cho phép mình thực hiện được; nên cái khôn ấy đành thất thủ để chờ thời. Cũng có nơi nói rằng: ”cái khó ló cái khôn”. Điều nầy cũng hữu lý, vì lẽ khi khó khăn thì chúng ta phải tìm đủ mọi cách để được tồn tại. Nhờ vậy mới nảy ra nhiều sáng kiến và từ đó cái thông minh, lanh lợi ló dần ra. Đạo Nho cũng dạy rằng: ”cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”; có nghĩa là: cái gì đến đường cùng sẽ thay đổi; khi biến đổi rồi sẽ thông suốt và khi thông suốt rồi, thời gian sẽ kéo dài ra thêm. Cuối cùng sẽ trở lại chu kỳ của lúc ban đầu. Ngày xưa khoa học chưa phát triển thì người ta chung sống hoàn toàn với thiên nhiên, chịu đói khát, lạnh ấm như thiên nhiên vốn sẵn có; nhưng khi con người biết làm chủ vận mệnh của mình, thì những phương tiện như: xe hơi, xe lửa, máy phát điện, nhà lầu, máy bay v.v… là những phương tiện rất hữu hiệu để giúp cho con người tiến bộ hơn xưa ở nhiều phương diện khác nhau trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Cơn đại dịch Covid 19 của đầu thế kỷ thứ 21 là một bằng chứng về điều nầy. Nếu như ngày xưa khi điện thoại, máy vi tính, Internet, Zoom, Meet Google v.v… chưa hình thành, mà nhân loại lỡ bị sa vào hoàn cảnh như trong hiện tại thì chúng ta sẽ rất khốn khổ. Còn bây giờ tuy việc đi lại bị giới hạn, tự do ở mọi hình thức không còn được như xưa nữa; nhưng nhờ những phương tiện nầy mà ngồi ở tại tư gia chúng ta cũng có thể làm việc được. Ngày xưa phải dùng rất nhiều phương tiện để đi đến một nơi nào đó để tham gia một cuộc họp hay giảng pháp, thì ngày nay mặc dầu ở nhà, mọi người vẫn có thể thực hiện được điều mình đang theo dõi, không bị chi phối bởi không gian hay hoàn cảnh. Hoàn cảnh trong hiện tại là hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó; nhưng nó đã ló ra cái khôn; khiến cho nhân loại bớt lo toan. Tuy vậy, là chúng sanh vẫn còn trong sanh tử luân hồi thì lúc nào chúng ta cũng phải chấp nhận cái tương đối ấy; chứ tuyệt đối thì không có ở thế giới nầy. Trong cái dở luôn có cái hay đi kèm và trong cái hay luôn chứa đựng mầm mống của cái dở. Điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để nhận chân ra được cái hay và cái dở đó, mới là điều đáng nói.
Trong Kinh Phật Bản Hạnh có kể lại nhiều câu chuyện tiền thân của Đức Phật rất ý vị và sau đây là một câu chuyện có liên hệ về tiền kiếp của Ngài với Đề Bà Đạt Đa. Chuyện kể rằng: có một con Ba Ba sống dưới nước, hằng ngày vẫn lên trên bờ biển để đi dạo chơi. Một hôm Ba Ba gặp chú khỉ trong rừng ra bãi biển, hai bên gặp nhau, chơi thân với nhau và mọi việc đều rất tâm đắc. Cứ sáng sớm Ba Ba ra khỏi nước và lên chơi với khỉ. Ngày qua tháng lại vợ của Ba Ba nghi ngờ là chồng của mình chắc rằng đã có ý trung nhân chăng? Nên mới bỏ nhà đi hoài như vậy. Ba Ba cái mới giả đò bịnh, bịnh nặng lắm, Ba Ba đực cố dỗ dành; nhưng Ba Ba cái vẫn không trả lời. Một hôm nhịn không được nữa về thói quen đi sớm về trễ của Ba Ba đực; nên Ba Ba cái mới bảo rằng: ”Bịnh tôi khó lành lắm, chỉ có thể chữa được, khi có quả tim của con khỉ để làm thuốc, ăn vào mới hết”. Ba Ba đực phân trần rằng: “Dẫu sao đi nữa thì khỉ vẫn là bạn của Ba Ba đực lâu nay, làm sao có thể giết khỉ kia được. Cuối cùng Ba Ba cái than rằng: “nếu chàng không quyết tâm thì nàng sẽ chết”. Nghe vậy Ba Ba đực rất hoang mang; nên đành phải lên bờ và khi gặp khỉ, Ba Ba đực nói rằng: ”Lâu nay tớ hay đến nhà Bác chơi; nhưng Bác thì chưa biết nhà tớ; nên hôm nay tớ mời Bác đến nhà tớ thăm viếng cho biết nơi chốn”. Khỉ trả lời rằng: ”Bác có thể bơi vào nước hay bò trên đất; nhưng tớ thì làm sao có thể vào nước được”. Suy nghĩ hồi lâu, Ba Ba đực trả lời rằng: dễ lắm! Bác hãy ngồi trên lưng tớ, tớ sẽ chở Bác xuống Long Cung, xem nơi ấy đẹp hơn trên bờ nhiều. Khỉ đồng ý và leo lên lưng Ba Ba để được chở đi. Khi đến gần mặt nước biển rồi, Ba Ba đực mới bảo rằng: ”chả giấu gì Bác, nhà tớ đang ốm nặng và chỉ muốn có được quả tim của Bác khỉ mới có thể chữa lành được bịnh; nên hôm nay tớ muốn Bác giúp cho điều nầy, nên mới chở xuống Long Cung đây…..”
Khỉ nghe như vậy khỉ lấy làm sững sờ và không ngờ là người bạn tâm giao của mình lâu nay, bây giờ lại hành xử với mình như vậy. Liền trả lời rằng: ”Ồ! Tưởng gì chứ quả tim thì không khó; nhưng tớ lỡ để quên trên cành cây rồi. Tớ phải chạy về lấy mới được”. Ba Ba đực tin lời khỉ để khỉ chạy lại rừng; nhưng quả tim khỉ thì không bao giờ xuất hiện, dầu cho Ba Ba đực có đợi suốt cả ngày hôm đó cũng không có, vì khỉ đã dùng trí khôn của mình để lách khỏi việc nguy hại kia rồi. Câu chuyện được kết luận rằng: ”Chú khỉ kia là tiền thân của Đức Phật Thích Ca và con Ba Ba đực nọ là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa”. Họ không phải chỉ trong kiếp nầy, mà nhiều kiếp xa xưa về trước, họ đều là những người được sanh ra, dầu ở bất cứ ở cõi nào cũng hay đối nghịch với nhau và hầu như không có lúc nào thuận duyên với nhau cả. Tuy vậy họ vẫn là Thầy, Trò, Đệ Tử, anh em chú bác ruột với nhau.
Do vậy trong Bồ Tát giới kinh mới nói rằng: ”Tất cả nam tử là cha ta và tất cả nữ nhơn là mẹ ta. Ta không ăn thịt chúng sanh, bởi vì ta không muốn ăn thịt của cha ta và mẹ ta”. Nhìn thật sâu và thật xa về vô lượng kiếp về trước thì tất cả chúng ta là huynh đệ, bà con ruột thịt hết, không ai là người xa lạ cả. Do vậy chúng ta phải nên tôn trọng sự hiện hữu của nhau và đừng sát phạt lẫn nhau, dầu đó là miếng cơm, manh áo hay sự sống còn của một cá nhân hay một dân tộc. Bởi lẽ trong Anh trong Chị luôn luôn có sự hiện hữu của Tôi và trong Tôi luôn có sự hiện hữu của Ông, Bà, Anh, Chị. Nếu ai cũng thể hiện được và nhận chân ra cội nguồn của mình thì thế giới nầy sẽ không có chiến tranh và con người luôn sống trong sự hòa bình an lạc. Chính vì không biết nhận ra chân lý; nên sự thật chúng ta không rõ biết. Do vậy luôn chém giết nhau để mang mối lợi về mình. Khi nào chúng sanh trên quả địa cầu nầy biết thương yêu nhau như bà con ruột thịt, thì lúc ấy dầu cho có tang thương cách mấy đi chăng nữa hay gặp nhau trong cảnh trái ý nghịch lòng hay hạnh phúc an lạc tràn đầy đi nữa, thì chúng ta vẫn có thể san sẻ cho nhau khi khó khăn cũng như khi tật bệnh.
Cả một năm qua, thế giới đã khổ đau quá nhiều rồi do dịch bệnh Covid 19 gây ra và hy vọng rằng sau cơn đại nạn nầy nhân loại sẽ nhìn nhận những sai trái trong quá khứ của mình, sửa đổi những lỗi lầm nầy để tương lai sẽ được tươi sáng hơn. Nếu không làm như vậy nhân loại sẽ sớm tiến dần đến chỗ diệt vong. Giống như câu chuyện của Đề Bà Đạt Đa và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Chúng ta thấy rằng lúc nào Đề Bà Đạt Đa cũng tìm cách hại Phật; nhưng Phật nói trong kinh Pháp Hoa rằng: “Đề Bà Đạt Đa chính là Thiện Hữu Tri Thức của ta”. Cũng có nơi bảo rằng: ”Tuy thân của Đề Bà Đạt Đa bị đọa nơi địa ngục; nhưng tâm của Đề Bà Đạt Đa thì ở cảnh giới cao hơn”. Vậy để thể hiện tình nhân loại, không gì khác hơn là qua cơn đại dịch lần nầy chúng ta phải gần nhau hơn nữa, phải hiểu biết với nhau nhiều hơn nữa và chia xẻ trách nhiệm với nhau nhiều hơn nữa để thế giới nầy sẽ có nhiều sức sống hơn cũng như tuổi thọ của quả đất; nơi chúng ta đang ở, được tồn tại lâu dài hơn.
Vào đầu thế kỷ thứ 15, sau khi chiến thắng quân Minh xâm lăng Đại Việt, Lê Lợi lên ngôi, sáng lập ra triều hậu Lê và Nguyễn Trãi là một quân sư của Vua Lê Thái Tổ. Ông đã khuyên Vua Lê rằng: ”Dân cũng giống như nước, vua giống như kẻ lái thuyền. Chính nước ấy sẽ chở thuyền đi đến nơi đến chốn và chính nước ấy sẽ lật thuyền. Bệ Hạ hãy cố xét phân”. Nghe được lời khuyên của một trung thần như vậy, Vua Lê Lợi rất tâm đắc và nhà vua đã thực hiện tinh thần nầy suốt trong thời gian cai dân trị nước của mình. Bới lẽ ít người có được tinh thần như Nguyễn Trãi, mà trong Bình Ngô Đại Cáo đã thể hiện được điều đó với quân dân là: ”áo không, ta cởi áo cho. Cơm không, ta xẻ cơm cho no lòng”. Nếu làm tướng, làm quân sư, làm vua, làm hoàng hậu mà có được cái tâm nầy, quả thật là con dân sẽ nhờ cậy được nhiều. Ngày hôm nay thì ngược lại. Ngai vàng, ghế Tổng Thống, ghế Thủ Tướng, ghế Tổng Bí Thư v.v… chính là những nơi tranh bá đồ vương; nơi không phải thể hiện quyền lực cai dân trị nước, mà những nơi đó chính là những chỗ gây nên oán thù, tội lỗi… Thế mà nhiếu nhà chính trị, văn nhân, thi sĩ, ca sĩ cũng muốn lao vào. Quả là đúng với câu: ”Cái vòng lẩn quẩn loanh quanh; kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào” là vậy.
Một kiếp nhân sinh ngắn ngủi lắm. Tất cả chúng ta ai sinh ra trên quả địa cầu nầy cũng giống nhau. Đó là khi sinh chẳng ai có một mảnh vải nào; và khi tử cũng chẳng ai mang theo được một mảnh vải nào theo thân, ngoại trừ mang theo nghiệp lực từ nhiều đời kiếp về trước. Chúng ta đến đây để hơn thua với nhau trong từng lời nói, từng miếng cơm, manh áo v.v… để rồi một ngày nào đó chúng ta cũng phải ra đi dầu sớm hay muộn. Nếu có khác với lúc sanh ra là lúc nầy chúng ta có quần áo đẹp đẽ tẩn liệm xác thân ngũ uẩn nầy cho đỡ hôi thối; nhưng qua thời gian năm tháng, áo quần ấy cũng sẽ mục nát, chỉ còn trơ lại xương cốt mà thôi; ngoại trừ cái nghiệp lành hay dữ, chúng ta đã mang theo vào lòng đất lạnh. Vậy chúng ta phải tự ý thức rằng: hạnh phúc hay khổ đau, tất cả đều do chúng ta tạo ra cả. Hãy tự gánh chịu những trách nhiệm của mình đang thực hiện ở đây. Có như vậy thế giới nầy mới mong an bình và thịnh vượng lâu dài được.
Cầu mong cho chúng ta sẽ được như vậy.
● Ban Biên Tập Báo Viên Giác
Xem toàn tập tại đây:
https://thuvienhoasen.org/images/file/wPZE13L82AgQAAAN/vien-giac-242-april-2021.pdf
https://thuvienhoasen.org/a30653/tap-chi-vien-giac-nam-2017-2018-2019-2020
Discussion about this post