THIỀN TÔNG VÀ KINH VIÊN GIÁC
Tâm Thái
Những ai mới bước chân vào cửa Thiền tông đôi khi thường
bỡ ngỡ vì thấy pháp tu này có nhiều điểm có vẻ khác biệt so với các tông phái
khác trong đạo Phật. Để giúp cho những người muốn tìm hiểu Thiền tông so với
kinh điển có gì khác biệt nên cần đem so sánh pháp tu của Thiền tông với các lời
Phật dạy ghi trong kinh điển, để thấy rõ các tổ đã y cứ vào kinh điển để thấu
nghĩa lời Phật dạy mà thấy rõ con đường tu hành để đạt được mục đích tối cao của
đạo Phật là đến chỗ giác ngộ.
Pháp tu của Thiền tông
Thiền tông đã được đức Phật Thích Ca truyền cho Tổ Ca Diếp
tại hội Linh Sơn. Từ Tổ Ca Diếp, tức Sơ Tổ, Thiền tông được nối tiếp truyền tại
Ấn Độ cho đến Tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Sau đó vào đầu thế kỷ thứ 6 thì tổ Bồ
Đề Đạt Ma rời Ấn Độ qua Trung Hoa để truyền tông phái này và được coi là sơ tổ
Thiền tông tại Trung Hoa.
Ý chỉ của tổ Bồ Đề
Đạt Ma về pháp tu của Thiền tông được ghi gọn trong bốn câu kệ :
“Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật.” (Chẳng
lập văn tự, Truyền ngoài giáo lý, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật). Bốn
câu đó trình bầy rõ đường lối tu hành của Thiền tông.
Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền
Hai câu đầu: “Bất
lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền” là hai câu mà đức Phật truyền cho
tổ Ca Diếp trong hội Linh Sơn: khi đó khi đức Phật tay cầm cành hoa sen đưa
lên, cả hội chúng đều ngơ ngác, chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật nói:
” Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết
bàn diệu tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền riêng,
nay ta giao phó cho ngươi.” (Trích: 33 Vị tồ Thiền tông)
Hai câu đó có thể gây ra sự hiểu lầm là Thiền tông không
kính trọng kinh điển ghi những lời dạy của Phật. Nhưng trong kinh Kim Cang Phật
có nói:
“ Này
Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?
Như Lai có nói pháp chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Như
con hiểu qua nghĩa Phật nói, không có pháp nhất định tên là Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác, cũng không có pháp nhất định Như Lai có thể nói.
Trong kinh Viên Giác Phật có nói: ” Kinh giáo như ngón
tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng thì biết rõ ngón tay rốt ráo không
phải là mặt trăng. Tất cả ngôn giáo của Như Lai khai thị cho Bồ-tát cũng như thế”
(Chương 6: Bồ tát Thanh Tịnh Huệ thưa hỏi)
Đến chỗ cứu cánh thì không có thể nói hết được, không nói
nên không có “văn tự”. Kinh điển ghi lời Phật dạy chỉ là phương tiện
để cứu độ chúng sinh, cho nên cần “y nghĩa bất y ngữ” vậy.
Pháp tu của Thiền tông, cũng có nơi gọi là Tổ Sư Thiền, nếu
đem so sánh với các kinh điển thì đều có thể thấy những điểm tương ưng với
nhau. Những vị tu Thiền tông, một khi đã chứng đắc thì khi đọc kinh điển đều thấu
nghĩa kinh và thấy được cốt tủy của kinh. Thiền tông theo đúng lời Phật dậy
“y nghĩa bất y ngữ”, tìm hiểu nghĩa của kinh điển, thay vì chấp vào
văn tự.
Bằng chứng là Lục tổ Huệ Năng là người không biết chữ
nhưng một khi đã ngộ thì có thể thấu nghĩa của rất nhiều kinh. Trong cuốn Pháp
bảo đàn kinh (viết tắt là kpbd), phẩm Cơ Duyên ghi nhiều vị tăng đã tụng niệm
nhiều bộ kinh nhưng không hiểu được nghĩa của kinh và đến gặp Lục tổ để trình bầy
những thắc mắc thì đều được tổ giảng giải rất thâm hậu. Thí dụ chuyện tăng Pháp
Đạt, người đã tụng bộ kinh Pháp Hoa đến ba ngàn lần, rất kiêu hãnh khi đến gặp
tổ, nhưng khi tổ Huệ Năng hỏi tăng:
” Ông tụng
kinh này, lấy cái gì làm tông ?”
Pháp Đạt thưa: “Học nhân căn tánh ám độn, từ
trước đến nay chỉ y văn mà tụng niệm, đâu có biết tông thú.”
Tổ bảo: “Tôi không biết chữ, ông thử lấy
kinh tụng một biến, tôi sẽ vì ông giải nói.”
Sau khi Pháp Đạt tụng kinh Pháp Hoa đến phẩm Thí Dụ thì tổ
bảo ngưng, chỉ cho Pháp Đạt biết là “tụng
rỗng chỉ theo tiếng” và giảng cho vị tăng này hiểu tông thú của bộ
kinh thì vị tăng thấu rõ nghĩa của kinh, ” Pháp Đạt nghe kệ rồi bất giác rơi lệ dầm dề, ngay lời nói liền đại ngộ“.
Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật
Pháp tu của tổ Bồ Đề Đạt Ma là nhìn thẳng vào tâm mình
(nhân tâm) để thấy rõ tánh mình (kiến tánh) thì được “thành Phật” tức
là được giác ngộ.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma giảng:
“Tâm là cội gốc của muôn pháp. Tất cả các pháp chỉ do tâm mà sanh ra. Nếu
hay liễu được tâm thì muôn pháp đều đầy đủ, ví như cây to có những cành lá và
hoa quả thảy đều y nơi cái gốc mà sanh ra.
“Nếu liễu được tâm mà tu hành thì tỉnh lực mà dễ thành (tỉnh lực tức
là ít tốn công lực). Còn không liễu được tâm mà tu hành thì phí công nhiều mà
vô ích. (Trích: Sáu cửa vào động Thiếu Thất)
Điểm trọng
yếu của Thiền tông là “kiến tánh”.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói rõ: “Nếu muốn tìm Phật thì phải thấy tánh của
mình. Tánh tức là Phật. Nếu chẳng thấy tánh thì niệm Phật, tụng kinh, trì trai,
giữ giới, đều vô ích cả.“
Nếu chẳng thấy tánh mà nói được mười hai bộ kinh, trọn là ma nói nhà ma
và quyến thuộc của ma, không phải là nhà Phật và đệ tử của Phật.
Nếu người thấy tánh tức là Phật. Chẳng thấy tánh tức là chúng sanh.
Tánh của tham, sân, si tức là Phật tánh. Ngoài tham, sân, si không riêng có Phật
tánh.
(Trích: Sáu cửa vào
động Thiếu Thất)
Vậy tổ nói
rõ “tánh” có nghĩa là Phật tánh, chỉ thẳng tới chỗ rốt ráo của sự vật.
Kinh Đại Bát Niết Bàn đã chỉ rõ tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Đến chỗ thực
tại tuyệt đối thì không có ngôn từ nào diễn giải được, nên tùy trường hợp mà có
những danh từ khác nhau để diễn tả, như Phật tánh, Chân tâm, tánh Viên giác,
Bát nhã ba la mật, Bản thể, Bản tánh, Bản nguyên, Bản lai diện mục …
Trong kpbd có ghi lục tổ Huệ
Năng sau khi chứng ngộ đã trình kệ lên ngũ tổ Hoằng Nhẫn:
Đâu ngờ Tự
tánh vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ Tự
tánh vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ Tự
tánh vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ Tự
tánh vốn không dao động,
Đâu ngờ Tự
tánh hay sanh muôn pháp!
“Ngũ Tổ biết Huệ Năng đã ngộ được Bản tánh mới
bảo: “Chẳng biết Bản tâm, học pháp vô ích, nếu biết được Bản tâm mình, thấy được
Bản tánh mình, tức gọi là Trượng phu, là Thầy của trời người, là Phật.” Tổ liền
truyền pháp đốn giáo và y bát, nói rằng: “Ngươi là vị Tổ đời thứ sáu, khéo tự hộ
niệm, rộng độ chúng hữu tình, truyền khắp đời sau, không khiến cho đoạn tuyệt.
Nói “thành Phật” không có nghĩa là sau khi kiến
tánh thì sẽ có 32 tướng tốt như đức Phật Thích Ca Mâu Ni. “Thành Phật”
nên hiểu là người đã giác ngộ viên mãn.
Kinh Kim Cang có ghi:
“Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy
Như Lai chăng?
– Bạch Thế Tôn không vậy! Không thể do ba mươi hai tướng được thấy Như
Lai.
-Nếu do sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai.
Kinh Viên Giác
Nguồn gốc
Kinh Viên Giác nói đủ là “Đại
Phương Quảng Viên Giác Tu-Đa-La Liễu Nghĩa”. Tên kinh rất dài, nhưng gần
đây chúng ta thường đọc gọn là Viên Giác. Kinh này nguyên văn chữ Phạn, khi
truyền sang Trung Hoa được dịch ra chữ Hán. Kinh Viên Giác được dịch là The Sutra of Perfect Enlightenment (Trung
hoa: Yuanjue jing 圓覺經,Nhật bản:
円覚経 Engaku-kyo, tiếng Sanskrit: Mahāvaipulya pūrṇabuddha-sūtra
prasannārtha-sūtra).
“Viên-Giác: Viên tức
là Viên-mãn, (đầy-đủ, trọn-vẹn); Giác tức là Bồ-đề. Viên-mãn Bồ-đề tức là Phật-Quả.
Tính Viên-Giác, tức là một Tính tất-cả các Pháp đều Bình-Đẳng Chân-Như, cũng là
một Tính Chân-Như Bình-Đẳng của tất cả Chúng-Sinh. (Thái hư đại sư giảng)
Theo Thái Hư đại sư thì kinh
này đã được nhiều vị chú thích, giảng giải. Những nhà chú giải phần nhiều thuộc
về Thiền tông, Hiền thủ (Hoa nghiêm tông), và Thiên thai (Pháp hoa tông).
Tại Trung hoa, bản chú giải được
nhiều người biết đến là bản của Khuê phong Tông Mật (780-841). Còn tại Triều
tiên có thiền sư Kihwa (có nơi dịch là Gihwa) ( Kỉ Hòa 己
和) 1376-1433) viết bản chú giải rất đầy
đủ. Bản này đã được Charles Muller dịch ra tiếng Anh: ” The Sutra of
Perfect Enlightenment”.
Đặc điểm
Bản kinh này có đặc điểm là chỉ thẳng về Giác ngộ, mục
đích trọng yếu và cốt tủy của đạo Phật. Kinh này nói đến cảnh giới của Phật, vì
chỉ có Phật mới đạt được giác ngộ viên mãn, còn Bồ tát chỉ mới đạt được phần
giác. “Các bộ kinh khác khi thiết lập
nền tảng, hoặc y vào tâm, hoặc y vào chúng sanh, hoặc y vào ngũ ấm, lục trần,
nhẫn đến y vào Bát Nhã. Bộ kinh này y vào tâm cảnh của Phật quả, đây là ý nghĩa
đầu tiên cần phải biết.”(Thái Hư đại sư)
“Kinh Viên
Giác thuộc về kinh liễu nghĩa, vì kinh Viên Giác nói tột lý cứu cánh không qua
một phương tiện nào.” (ht Thích Thanh Từ)
Đặc điểm thứ hai
là kinh này trước tiên chỉ rõ nghĩa lý, rồi sau đó lại chỉ rõ hành trì cụ thể,
chi tiết để có thể thực hành pháp tu, là điều hiếm thấy ở các kinh khác. Kinh
chỉ rõ phương tiện thứ lớp tu tập, nên tuy trước hết dành cho các bồ tát căn cơ
viên đốn, nhưng cũng còn chỉ dẫn cho cả những người độn căn. Kinh Viên Giác gồm có 12 chương, mỗi chương có một
vị bồ tát đứng ra thưa hỏi. Theo thiền sư Kihwa thì 3 chương đầu dành cho những
người thượng căn, 7 chương kế dành cho những người trung căn, 2 chương cuối
dành cho những người hạ căn.
Những điều trọng yếu
Sau đây là tóm tắt mấy điều quan trọng của kinh.
1. Nơi thuyết
pháp:
Trong những kinh khác, thường
nói rõ Phật thuyết pháp ở đâu, có địa danh rõ ràng, nhưng trong kinh này lại
nói Phật thuyết pháp ở nơi siêu việt:
” Tôi
nghe như vầy: Một hôm Thế Tôn nhập chánh định Thần Thông Đại Quang Minh Tạng, là nơi an
trụ quang nghiêm của tất cả Như lai, cũng là giác địa thanh tịnh của chúng
sanh, thân tâm đều lặng lẽ, bản tế bình đẳng, tròn đầy cả mười phương, tùy thuận
không hai, ở cảnh giới không hai này mà hiện các cõi tịnh độ.”
Lần này Phật thuyết pháp tại “nơi an trụ quang nghiêm của tất cả Như lai” và chỉ có các vị bồ
tát làm thượng thủ. Như vậy không phải là nơi nào trong thế giới này hoặc trên
các cung trời. Phải chăng chỉ các Như lai mới tới được nơi đó, nhưng thật ra đó
“cũng là giác địa thanh tịnh của
chúng sanh”. Nơi an trụ của tất cả Như lai và giác địa thanh tịnh của
chúng sanh là một, nơi đó “tròn đầy
cả mười phương” nên không phải là một địa điểm nào.
2. Vô minh
Về câu hỏi: Như lai và các bồ tát đã tu theo hạnh nào để
phát tâm thanh tịnh đạt Phật quả, thì Phật đã dậy:
“ Này thiện nam, Vô thượng Pháp vương có môn Đại Đà-la-ni tên là
Viên giác, lưu xuất tất cả pháp thanh tịnh: Chân như, Bồ-đề, Niết-bàn và
Ba-la-mật, (nay ta) dạy trao cho các Bồ-tát, nhân địa tu hành của tất cả chư Phật
đều y nơi tướng giác thanh tịnh viên chiếu, hằng đoạn vô minh mới thành Phật đạo.”
“ Thế nào là vô minh? Này thiện
nam! Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, bị các thứ điên đảo như người mê lầm
lộn bốn phương, vọng nhận tướng tứ đại là thân mình, chấp cái duyên theo dáng
sáu trần là tâm mình.”
“ Này thiện nam, cái
vô minh này không có thật thể. Như người trong mộng, khi mộng chẳng phải không
có và đến khi thức dậy rõ ràng chẳng có.”
Như vậy muốn thành Phật đạo thì cần phải đoạn vô minh.
3. Như huyễn
“ Bạch Thế Tôn, nếu
chúng sanh biết các pháp như huyễn, thân tâm cũng huyễn, làm sao dùng huyễn để
tu huyễn?”
Phật dậy pháp tu lìa huyễn:
“ Này Thiện nam, tất cả chúng sanh và mọi vật huyễn hóa đều sanh từ Viên
giác Diệu tâm Như Lai.
“ Tâm huyễn của chúng sanh lại y nơi pháp huyễn mà diệt. Pháp huyễn
tâm huyễn diệt hết thì tánh giác bất động. Y pháp huyễn mà nói giác cũng gọi là
huyễn nữa. Nếu nói “có giác” vẫn chưa lìa huyễn, còn nói “không giác” cũng lại
như thế. Cho nên pháp huyễn (có và không) diệt hết gọi là bất động.”
“ Này thiện nam, tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời sau phải xa lìa tất cả cảnh
giới huyễn hóa hư vọng. Do chấp cứng cái tâm xa lìa, tâm ấy là huyễn cũng phải
xa lìa, lìa cái lìa huyễn cũng lại xa
lìa, được không chỗ lìa tức là trừ các huyễn.
Trong kinh Kim Cang, Phật dậy
nên khởi quán là tất cả các pháp hữu vi đều như huyễn:
“Tất cả pháp hữu
vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương cũng như điện,
Nên khởi quán như thế.”
Nhưng kinh Viên giác còn nói rõ là nếu y theo pháp huyễn
mà nói ” giác” cũng vẫn chưa lìa huyễn.
Chúng sanh và mọi việc huyễn hóa đều sanh ra từ tâm Viên
giác, cho nên có thể dùng pháp huyễn mà xa lìa tâm huyễn, rồi sau đó cũng phải
lìa luôn pháp huyễn. Tuy lìa hết nhưng tâm Viên giác vẫn không mất.
Nhưng Phật dậy thêm là tuy xa lìa cảnh giới huyễn hóa, mà
còn chấp cứng cái tâm xa lìa thì vẫn chưa đủ, phải xa lìa luôn cái tâm xa lìa
đó, vì nó vẫn là huyễn. Rồi còn phải xa lìa cái tâm huyễn đó cho đến khi không
còn chỗ lìa nữa mới được gọi là trừ các huyễn, đạt được giác ngộ. Có người sau
khi đã xa lìa được cảnh giới huyễn hóa thì đắc ý cho rằng mình đã đắc đạo, sinh
ra kiêu ngạo, nhưng không biết rằng còn giữ cái tâm chứng đắc đó thì vẫn chỉ là
tâm huyễn, chưa đạt được tánh viên giác.
4. Những sai biệt
về chứng, đắc
Về câu hỏi: “sở chứng, sở đắc của chúng sanh, Bồ-tát
và chư Phật sai biệt như thế nào”
Kinh phân chia có 4 thứ lớp tu chứng sai biệt: phàm phu, bồ tát
chưa nhập địa, bồ tát đã nhập địa và Như lai:
–
Lại, nếu có người hằng đoạn các lao lự thì ngộ được pháp giới thanh tịnh, nhưng
đối với tánh Viên giác chưa được tự tại, vì còn bị “cái biết tịnh” làm chướng
ngại, những người ấy gọi là phàm phu tùy thuận tánh Viên giác.
–
Này thiện nam, tất cả Bồ-tát bị kiến giải làm ngại, tuy đã
đoạn được cái ngại của kiến giải, nhưng vẫn còn trụ ở kiến giác, do kiến giác
làm ngại nên không tự tại. Những vị này gọi là Bồ-tát chưa nhập địa tùy
thuận tánh Viên giác.
–
Này thiện nam, còn chiếu còn giác đều còn chướng ngại, thế nên Bồ-tát thường
giác mà chẳng trụ, năng chiếu và sở chiếu đồng thời vắng lặng… Này thiện nam,
còn chiếu còn giác đều còn chướng ngại, thế nên Bồ-tát thường giác mà chẳng trụ,
năng chiếu và sở chiếu đồng thời vắng lặng… Đây gọi là Bồ-tát
đã nhập địa tùy thuận tánh Viên giác.
–
Này thiện nam, tất cả chướng ngại tức là cứu cánh giác;
chánh niệm, thất niệm đều là giải thoát; giữ giới, phá giới đều là Niết-bàn;
trí tuệ, ngu si đều là Bát-nhã; pháp của Bồ-tát và ngoại đạo thành tựu đồng là
Bồ-đề; vô minh, chân như đồng một cảnh giới; giới, định, tuệ và dâm, nộ, si đều
là phạm hạnh; chúng sanh quốc độ, đồng một pháp tánh; địa ngục, thiên cung đều
là tịnh độ; hữu tình, vô tình đều thành Phật đạo; tất cả phiền não là giải
thoát rốt ráo, vì biển tuệ pháp giới soi rõ các tướng như hư không. Đây gọi là Như
Lai tùy thuận tánh Viên giác.
Như vậy cần biết thế nào là
“tùy thuận tánh giác”:
“Này thiện nam, các vị Bồ-tát
và những chúng sanh đời sau ở trong tất cả thời chẳng khởi vọng niệm, đối với vọng
tâm cũng không cần dứt trừ, ở cảnh vọng tưởng mà không thêm phân biệt, đối với
cái không hiểu biết chẳng biện chân thật, các chúng sanh kia nghe được pháp môn
này tin hiểu thọ trì không sanh kinh sợ. Ấy gọi là tùy thuận tánh giác.
Tuy kinh nói phân chia thứ lớp như vậy mà không có nghĩa rằng
phải bắt buộc tiến từng bực một. Kết quả việc tu hành tùy thuộc cơ duyên gặp được
đạo sư chánh hay tà, nếu gặp đạo sư tà thì không thể nào đạt được thứ lớp cao
hơn, còn nếu gặp được đạo sư chân chánh thì mới có thể đạt được Phật đạo. Điều
này rất quan trọng trong việc “tìm thầy học đạo”, nếu gặp tà sư thì
chỉ uổng công tu tập.
Phật nói rõ: “Này thiện nam, tất cả
chúng sanh đều chứng Viên giác”.
“Nếu các chúng
sanh tuy cầu bạn lành, lại gặp người tà kiến chưa được chánh ngộ, ấy gọi là chủng
tánh ngoại đạo. Đây là do lỗi lầm của tà sư, chớ không phải lỗi nơi chúng sanh ấy.
“Nếu gặp được
pháp tu hành chân chánh vô thượng Bồ-đề của Như Lai thì đều thành Phật quả.
5. Pháp tu hành
Phật dậy: “Biết
huyễn tức ly huyễn, không cần đến phương tiện; ly huyễn tức giác cũng không có
thứ lớp trước sau”, nhưng tùy thuận thì cần lập phương tiện để dẫn dắt
chúng sinh. Kinh chỉ ra phương tiện trong việc tu hành để đạt tánh Viên giác là
tu thiền.
Ba phương tiện
chánh là: pháp tu chỉ, quán và thiền.
– Này thiện nam, nếu Bồ-tát ngộ được tánh
Viên giác thanh tịnh, dùng tâm giác thanh tịnh giữ cái lặng lẽ làm hạnh, rồi y
đó lắng các vọng niệm và biết thức phiền động, thì trí tuệ lặng lẽ phát sanh,
thân tâm khách trần từ đây diệt hết. Nội (tâm) liền phát ra lặng lẽ khinh an.
Do vì lặng lẽ nên tâm của các đức Như Lai ở mười phương thế giới hiển hiện rõ
trong đó, như bóng hiện trong gương. Phương tiện này gọi là Xa-ma-tha. (chỉ, tiếng phạn: samatha)
– Này thiện nam tử, nếu các vị Bồ-tát ngộ
được tánh Viên giác thanh tịnh rồi, dùng giác tâm thanh tịnh nhận biết tâm tánh
cùng với căn trần đều là huyễn hóa, liền khởi trí huyễn để trừ pháp huyễn, biến
hiện các hạnh huyễn mà khai hóa chúng sanh như huyễn. Do khởi pháp quán huyễn
nên nội tâm phát đại bi khinh an. Tất cả Bồ-tát từ đây khởi hạnh tu quán, dần dần
tăng tiến. Người quán huyễn không đồng với cảnh huyễn, không đồng với pháp quán
huyễn, vì đều là huyễn nên tướng huyễn hằng lìa. Các vị Bồ-tát này ở nơi hạnh
viên diệu như đất làm cho mầm được tăng trưởng, phương tiện ấy gọi là
Tam-ma-bát-đề (quán, samapatti).
– Này thiện nam, nếu các vị Bồ-tát ngộ được
tánh Viên giác thanh tịnh, dùng giác tâm thanh tịnh không thủ pháp quán huyễn
và tướng lặng lẽ. Rõ biết thân tâm đều là vật ngăn ngại, còn cái vô tri giác
minh thì không bị các pháp làm chướng ngại, hằng siêu vượt các pháp chướng ngại
và không chướng ngại. Thọ dụng các tướng thế giới và thân tâm ở cõi trần này,
cũng như âm thanh từ đồ vật thoát ra ngoài, phiền não Niết-bàn chẳng lưu ngại
nhau, nội tâm liền được lặng lẽ khinh an, diệu giác tùy thuận cảnh giới tịch diệt
tự tha, thân tâm không còn có thể kịp nữa. Chúng sanh, thọ mạng đều là cái tưởng
phù hư. Phương tiện tu này gọi là Thiền-na. (dhyana)
Điều nên chú ý là muốn khởi đầu cả ba pháp tu đó thì điều
kiện trước hết phải là: “ Bồ-tát ngộ được tánh Viên giác thanh tịnh rồi”,
sau đó “dùng giác tâm thanh tịnh”
đó để tu hành mới có kết quả. Cho nên
cần biết là phải “ngộ” trước rồi tu hành mới đạt đạo.
Quan niệm thông thường là phải tu hành để được chứng ngộ,
nay kinh lại nói là phải ngộ được tánh Viên giác rồi mới tu tập, cho nên phần
nào khó hiểu. Thiền sư S. Suzuki, theo pháp môn Thiền tông Tào động, đã lập nhiều
thiền viện tại Mỹ, đã giảng là đã giác ngộ rồi mới tu tập. Sư giảng là căn bản
của Thiền tông là phải thấy tánh, tin mình có Phật tánh. Như vậy cũng đúng vời
lời Phật dạy trong kinh Viên giác là các chúng sanh đã thành Phật. Có thấy như
vậy thì công phu tu tập mới đạt kết quả, vì nếu không thấy như vậy thì việc tu
hành chỉ mới là phương tiện, đem lại những lợi ích tương đối, không phải con đường
cứu cánh của đạo Phật.
Sau đó kinh còn chỉ rất rõ ràng, thực tiễn về cách áp dụng
các pháp tu. Có thể dùng 1 trong 25 cách, căn cứ theo 3 pháp nói trên. Hoặc là
chỉ dùng 1 trong 3 pháp, hoặc là phối hợp 2 hoặc cả 3, nhưng khác nhau về thứ tự.
Thí dụ: “trước tu thiền, sau mới tu quán”, ” trước tu quán, giữa
tu chỉ và sau tu thiền”, “đồng thời tu thiền và quán, sau mới tu chỉ”
…(xin xem chi tiết đầy đủ trong kinh)
6. Bốn tướng
Phật dậy lý do tại sao chúng sanh vốn có Viên giác tánh
thanh tịnh mà rồi lại bị ô nhiễm khiến chúng sanh không vào được Viên giác
tánh. Lý do là vì chúng sanh vọng tưởng chấp có bốn tướng là ngã, nhân, chúng
sanh và thọ mạng. Đó là bốn chướng trên đường tu tập.
a. Ngã tướng
”Nghĩa là các chúng
sanh tâm còn có sở chứng. Này thiện nam, như có người toàn thân điều hòa an ổn
chợt như quên mình, tay chân thư thả, nhưng khi điều dưỡng trái nghịch, có sự
châm đốt nhỏ liền thấy có ngã. Vì thế mà chứng biết có cái Ta.”
” Này thiện nam,
cho đến tâm kia chứng quả Như Lai hoặc biết rõ Niết-bàn thanh tịnh rốt ráo đều
là tướng ngã.”
b. Nhân tướng
“Nghĩa là trong
tâm chúng sanh ngộ cái chứng đó. Này thiện nam, ngộ có ngã, lại chẳng nhận là
ngã, chỗ ngộ chẳng phải ngã, ngộ cũng như thế. Ngộ này vượt hơn tất cả cái chứng,
đều là nhân tướng. Này thiện nam, cho đến tâm kia viên ngộ Niết-bàn cũng đều là
ngã. Tâm còn một chút ngộ cho rằng chứng lý đầy đủ đều gọi là nhân tướng.”
c. Chúng sanh tướng
“Nghĩa là các
chúng sanh chỗ tâm tự chứng ngộ không đến kịp. Này thiện nam, ví như có người
nói như thế này, ta là chúng sanh ắt biết người nói chúng sanh đó chẳng phải
ngã chẳng phải bỉ (nhân). Thế nào chẳng phải ngã? Vì ta là chúng sanh ắt không
phải ngã. Thế nào chẳng phải bỉ? Vì ta
là chúng sanh nên chẳng phải ngã của người khác (bỉ). Này thiện nam, nhưng các
chúng sanh liễu chứng liễu ngộ đều là ngã nhân, mà tướng ngã nhân người khác
không đến kịp, còn có sở liễu gọi là chúng sanh tướng.”
d. Thọ mạng tướng
” Nghĩa là các
chúng sanh tâm chiếu thanh tịnh đã giác được cái sở liễu, tất cả nghiệp trí
không thể tự thấy ví như là mạng căn.”
“ Này
thiện nam, chúng sanh đời sau không rõ bốn tướng, tuy trải qua nhiều kiếp cần
khổ tu hành chỉ gọi là hữu vi, trọn không thể thành tựu được tất cả thánh quả.
Cho nên gọi là chánh pháp mạt thế.”
“Này thiện
nam, những chúng sanh đời sau tu đạo Bồ-đề, do đã chứng chút ít mà tự cho thanh
tịnh nhưng vẫn chưa đoạn tận gốc ngã tướng.
“ Này thiện
nam, người tu kia không đoạn trừ được ngã tướng nên không nhập được tánh Viên
giác thanh tịnh.
Pháp môn của tổ
Huệ Năng lập Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm bản. Tổ chỉ rõ:
“ Này
Thiện tri thức, ngoài lìa tất cả tướng gọi là vô tướng, hay lìa nơi tướng tức
là Pháp thể thanh tịnh, đây là lấy vô tướng làm thể.” Nếu không lìa tướng thì
không thể thấy được tự tánh thanh tịnh.
7. Bốn bệnh
Phật dậy muốn thành tựu Phật đạo thì cần phải tìm cầu thiện
tri thức: “những chúng sanh đời sau
sắp phát đại tâm cầu thiện tri thức để tu hành, phải cầu tất cả người có chánh
tri kiến, tâm không trụ tướng, chẳng chấp cảnh giới Thanh văn Duyên giác, tuy
hiện trong trần lao mà tâm hằng thanh tịnh, dù có thị hiện những lỗi lầm mà vẫn
tán thán hạnh thanh tịnh. Cầu được người như thế tức được thành tựu pháp Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác.”
Kinh nói rõ thế nào là thiện tri thức: ” vị thiện tri thức
kia đã chứng diệu pháp nên lìa bốn bệnh.” Bốn bệnh là: Tác, Nhậm, Chỉ
và Diệt.
–
Một là bệnh Tác. Nếu có người nói như thế này: “Bản tâm của
tôi làm các thứ hạnh để cầu Viên giác.” Song, tánh Viên giác kia chẳng phải do làm mà được, ấy gọi là bệnh.
–
Hai là bệnh Nhậm. Nếu có người nói thế này: “Nay chúng ta
không đoạn sanh tử chẳng cầu Niết-bàn, Niết-bàn sanh tử không niệm khởi diệt, mặc
cho tất cả kia tùy các pháp tánh” để cầu Viên giác. Song, tánh Viên giác kia chẳng
phải mặc tình mà có, nên nói là bệnh.
–
Ba là bệnh Chỉ. Nếu có người nói thế này: “Nay ta tự tâm hằng
dứt các niệm, được tất cả tánh lặng lẽ bình đẳng” để cầu Viên giác. Song, tánh
Viên giác kia chẳng phải do dừng chỉ mà
có, nên nói là bệnh.
–
Bốn là bệnh Diệt. Nếu có người nói như thế này: “Nay ta nên
đoạn hẳn tất cả phiền não, thân tâm hoàn toàn không, không sở hữu, huống là cảnh
giới hư vọng của căn trần, tất cả đều vắng lặng” để cầu Viên giác. Song, tánh
Viên giác kia chẳng phải tướng tịch diệt, nên nói là bệnh.
“Bốn bệnh” đó không những để giúp việc tìm cầu
đạo sư chân chánh, mà còn giúp các hành giả biết những điều lầm lỗi cần phải
tránh.
Thiền tông qua lăng kính kinh Viên giác
Nếu so sánh đường lối tu hành của Thiền tông qua những lời
Phật dậy trong kinh Viên giác thì có thể thấy nhiều điểm tương ứng.
Như trên đã trình bầy, kinh Viên giác là kinh được gọi là
kinh Liễu nghĩa, tức kinh chỉ dậy đến chỗ tột lý của đạo Phật. Theo Charles
Muller, kinh này dậy pháp tu để đạt đến chỗ giác ngộ viên mãn, còn hơn cả những
kinh giác ngộ từng phần, như kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật …
– Kinh nói cảnh giới Viên giác
là “nơi an trụ quang nghiêm của tất
cả Như lai” nhưng cũng là cảnh giới ở ngay nơi chúng sanh, cảnh giới
đó trong kinh này gọi là Viên giác thanh tịnh. Từ cảnh giới đó “lưu xuất tất cả pháp thanh tịnh như Chân
như, Bồ đề, Niết bàn và Ba la mật.”, “ tất cả chư Phật đều y nơi
tướng giác thanh tịnh viên chiếu, hằng đoạn vô minh mới thành Phật đạo”,
“ Bản tánh vốn viên mãn”,
” Mới biết chúng sanh xưa nay đã thành Phật”.
Lục tổ Huệ Năng trình kệ cho Ngũ tổ, trong đó có 2
câu:” Đâu ngờ Tự tánh vốn tự thanh tịnh,”,
“Đâu ngờ Tự tánh hay sanh muôn pháp”. Trong kinh Pháp bảo đàn, tổ
nói: “tất cả trí Bát-nhã đều từ Tự tánh sanh, chẳng
từ bên ngoài vào“, “ nếu biết Tự
tánh một phen ngộ tức đến quả vị Phật“. Đó là tông chỉ của Thiền tông mà tổ
Bồ Đề Đạt Ma đã đề ra: “Kiến tánh thành Phật”.
Ngũ tổ Hoằng Nhẫn nói: “Chẳng biết Bản tâm, học pháp vô
ích, nếu biết được Bản tâm mình, thấy được Bản tánh mình, tức gọi là Trượng
phu, là Thầy của trời, người, là Phật.”
Như vậy cho thấy
các tổ Thiền tông nói pháp không xa lời Phật dậy.
– Kinh nói: “Y pháp huyễn mà nói giác cũng gọi là huyễn“,
“biết pháp huyễn hóa tức lìa, chẳng
khởi phương tiện, lìa pháp huyễn hóa liền giác, cũng không có thứ lớp“.
Thiền sư Huệ Hải bảo học chúng :”Tôi chẳng hội thiền, trọn không có một pháp
có thể dạy người, không phiền các ngươi đứng lâu, hãy tự đi đi!” Tuy vậy
mà học chúng dần dần thêm đông, ngày đêm thưa hỏi. Sư bất đắc dĩ vì hỏi giải
đáp, biện tài không ngại.” (Đốn ngộ nhập đạo
yếu môn- Thích Thanh từ).
– Kinh Viên giác lập phương tiện để tu hành là pháp thiền.
Trong khi tu tập pháp thiền có bốn bệnh cần phải lìa là Tác, Nhậm, Chỉ và Diệt.
Vậy cần biết là Thiền tông có lìa được bốn bệnh đó không.
1. bệnh Tác.
Kinh nói: “tánh
Viên giác kia chẳng phải do làm mà được“, “làm” ở đây nói là
“làm các thứ hạnh”. Tánh Viên giác sẵn có ở mọi chúng sanh, nếu cho rằng
phải làm hạnh nào để có tánh Viên giác là điều sai lầm, là bệnh phải nên xa
lìa.
Thiền sư Thần Hội nói: ” Dụng tâm là pháp điều phục. Nếu
pháp điều phục làm sao được giải thoát?”
Thiền tông chỉ rõ là “ tánh tự thanh tịnh”, vậy nếu nói phải tu theo pháp nào để đạt được
tánh thanh tịnh thì chưa biết thế nào là “tự tánh”. Kinh Viên giác
cũng nói: “Này thiện nam, tất cả
chúng sanh đều chứng Viên giác” nên không thể cho rằng phải làm hạnh
nào để chứng Viên giác.
kpbd có kể việc chứng
ngộ của tổ Huệ Năng như sau. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn muốn tuyển người để truyền chánh
pháp nên hội họp các đệ tử và nói là ai làm được bài kệ tỏ ra đã kiến tánh thì
sẽ trao y pháp làm tổ thứ sáu thiền tông. Thượng tọa Thần Tú là giáo thọ sư của
thiền viện trình bài kệ: “Thân là cội bồ-đề, Tâm như đài gương sáng. Luôn luôn phải lau chùi, Chớ để dính bụi bặm.”
Còn Huệ Năng trình kệ:
“ Bồ-đề vốn
không cây, Gương sáng cũng chẳng đài. Xưa nay không một vật, Chỗ nào dính bụi bặm?”
Sau đó Huệ Năng được nhận pháp làm Lục tổ. Thần Tú còn thấy
phải “lau chùi” gương sáng là còn có bệnh Tác vậy, không thấy được chỗ
“ Xưa
nay không một vật” nên chưa
thấy được “tự tánh”.
2. bệnh Nhậm.
Nếu cho rằng không cần đoạn sanh, tử, không cần cầu Niết
bàn, thì sẽ đắc Viên giác. Kinh gọi đó là bệnh Nhậm. Đó là ” mặc kệ không làm gì hết, cứ tự nhiên mặc
tình đói ăn mệt ngủ cũng được tánh Viên giác“.
Có người dậy rằng không cần làm gì hết, không cần tu tập,
tìm cầu, dụng công khổ nhọc rồi cũng thành Phật, thành tổ. Đó là dậy thiền mục
đích để thâu được nhiều người theo, vì ai thấy nói tu thiền không cần làm gì hết
thì đều ham thích.
Thiền tông không có dậy như thế. Tổ Huệ Năng dậy chúng:
“Này Thiện tri thức, trí Bát-nhã Bồ-đề, người đời vốn tự có, chỉ nhân vì
tâm mê không thể tự ngộ, phải nhờ đến Đại thiện tri thức chỉ đường mới thấy được
tánh“. Theo Thiền tông,
muốn thấy tánh, cần phải tự ngộ, nếu không tự ngộ thì phải nhờ thầy chỉ đường,
và dĩ nhiên, sau khi biết đường thì còn phải tu tập, không thể mặc kệ, không cần
tu tập mà được thấy tự tánh.
3. bệnh Chỉ.
Kinh nói rằng nếu tự tâm hằng dứt các niệm để cầu Viên
giác là mắc bệnh Chỉ.
kpbd: “Lại có người
mê, để tâm rỗng không, ngồi tĩnh tọa, trăm việc không cho nghĩ”, đó là tà
kiến.
kpbd: “Người mê chấp Pháp tướng,
chấp nhất hạnh tam-muội, chỉ nói ngồi không động, tâm vọng không khởi tức là nhất
hạnh tam-muội, người khởi hiểu thế này tức là đồng với vô tình, trở lại là nhân
duyên chướng đạo.”
Thiền sư Thần
Hội nói: ” Nếu có người ngồi “tâm si nhập định, trụ tâm khán tịnh, khởi tâm chiếu bên
ngoài, nhiếp tâm lắng lặng bên trong”, đây là chướng Bồ-đề, chẳng cùng Bồ-đề
tương ưng, do đâu có thể được giải thoát?“
4. bệnh Diệt
Kinh nói
nếu phải: “đoạn hẳn tất cả
phiền não, thân tâm hoàn toàn không, không sở hữu, huống là cảnh giới hư vọng của
căn trần” để đạt Viên giác là mắc
bệnh Diệt.
kpbd:
“Này Thiện tri thức, phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ-đề”.
kpbd: : “Phiền não tức là Bồ-đề, không hai, không khác,
nếu dùng trí tuệ chiếu phá phiền não, đây là kiến giải của hàng Nhị thừa”.
kpbd: “Lại có người mê, để tâm rỗng không ngồi tĩnh tọa,
trăm việc không cho nghĩ tự gọi là đại, một bọn người này không nên cùng họ nói
chuyện vì là tà kiến.”
Kinh Viên giác nói: “ tất cả phiền não là giải thoát rốt ráo”, nên nếu cho rằng phải
đoạn tất cả phiền não thì rõ là không thể thấy được tánh Viên giác.
Đoạn nói về bốn bệnh này trong
kinh Viên giác rất hữu ích cho những người tu tập theo Thiền tông. Viên giác
tánh cũng là Phật tánh, cũng là tự tánh, theo danh từ của tổ Huệ Năng. Có người
cho rằng muốn “Thấy Tánh” thì phải lau chùi cho gương sáng, phải dẹp
hết, diệt trừ mọi niệm, mọi suy tư, mọi phiền não, giữ tâm lặng lẽ. Như vậy vẫn
là mắc phải bốn bệnh “Tác, Nhậm, Chỉ, Diệt” đã nói trong kinh Viên
giác. Tuy bước đầu cần phải tu tập như vậy nhưng nên biết đó chỉ là phương tiện,
không thể nói tu như vậy để Thấy Tánh được.
Tuy đã có nhiều giải nghĩa thế nào là Tánh, nhưng đều là
tạm nói thôi vì đó là điều mà các kinh thường nói là “không thể nghĩ
bàn”. Nhưng có thể nói cụ thể là nếu theo kinh Viên giác, thì Thiền tông
cũng có thể nói rằng người Thấy Tánh tức là người đã đạt được “tùy thuận
tánh Viên giác” nói ở phần trên bài này: ” chánh niệm, thất niệm đều là giải thoát, trí tuệ, ngu si đều là Bát-nhã;
vô minh, chân như đồng một cảnh giới; địa ngục, thiên cung đều là tịnh độ; tất
cả phiền não là giải thoát rốt ráo …”
Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng nói không khác: “Chẳng thấy phiền não khác với Niết- bàn, ấy gọi là bình đẳng.
Vì cớ sao? Phiền não cùng với Niết-bàn đồng một tánh.
– Người Tiểu thừa vọng
đoạn phiền não, vọng nhập Niết-bàn là bị dính mắc Niết-bàn.
– Bồ-tát cùng Phật chưa từng sanh tâm mà cũng
chưa từng diệt tâm.
– Không có mê, ngộ
mới gọi là chánh giải, chánh kiến.” (Sáu cửa vào động Thiếu thất)
Ghi chú
– Những đoạn chữ
nghiêng trong bài này đều được trích từ những bài dịch và giảng của hòa thượng
Thích Thanh Từ như: Kinh Viên giác, Kinh Pháp bảo đàn, Sáu cửa vào động thiếu
thất,… Ngoài ra nếu trích từ các tài liệu khác thì đều có ghi riêng.
– Kinh Viên giác được dịch và giảng do nhiều vị: Thích
Thanh Từ, Thích Thiện Hoa, Thích Trung Quán, Thích Duy Lực, Thích Thông Huệ,
Thích Giải Năng, Thích Hằng Đạt … Tuy vậy nếu xem kỹ thì mỗi bản dịch đều có
khác nhau nên quý độc giả có thể thấy rõ. Ngoài ra bài giảng của hòa thượng
Thích Huyền Vi về kinh Viên giác cũng rất là đầy đủ.
– Tài liệu tiếng Anh: The Sutra of Perfect Enlightenment
([SPE] Yuan chueh ching) của Charles Muller.
Seattle, tháng 1- 2014
Discussion about this post