KINH TẾ GIA MỸ: NHÂN LOẠI SẼ THOÁT HIỂM,
NẾU KỊP RỜI BỎ NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH
Kinh tế gia Jeremy Rifkin, được công chúng biết đến nhiều với khái niệm ”cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba”, nhận định với niềm lạc quan thận trọng : Nhân loại sẽ thoát hiểm, nếu kịp rời bỏ năng lượng hóa thạch. Jeremy Rifkin khẳng định bước ngoặt chuyển đổi quyết định sẽ phải xảy ra vào quãng năm 2028. Nếu khúc ngoặt chuyển đổi quyết định sang kinh tế Xanh diễn ra trước thời điểm này, thì nhân loại sẽ thoát hiểm. Ông nhấn mạnh “trong trường hợp ngược lại thì chúng ta sẽ rơi xuống vực thẳm“.
Mời quý vị theo dõi phần phỏng vấn của báo Le Monde với tác giả cuốn sách ”New Deal vert mondial” (”Thỏa Thuận Xanh toàn cầu mới”) (NXB Les Liens qui libèrent) (2).
***
Cuốn sách mới của ông khẳng định là nền văn minh dựa vào năng lượng hóa thạch sẽ sụp đổ vào cái ngưỡng 2028. Tại sao lại là thời điểm này ?
Chúng ta đang ở trong giai đoạn bình minh của một cuộc chuyển biến lớn về cơ sở hạ tầng, liên quan đến ”tiến trình hủy diệt sáng tạo”, đã được kinh tế gia Joseph Schumpeter (1883-1950) mô tả. Nhiều người vẫn còn chưa ý thức được sự thay đổi này, bởi năng lượng mặt trời và gió hiện mới chỉ chiếm có 3% tổng năng lượng thế giới vào năm 2017. Tỉ lệ này rõ ràng vẫn còn là thấp so với năng lượng hóa thạch, tuy nhiên cần chú ý đây là loại hình năng lượng đang tăng trưởng mạnh nhất, ngày càng thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư.
Kết quả là : Lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến khi đạt đến cái ngưỡng bùng phát (point de bascule), kể từ đó tiến trình chuyển tiếp sẽ thực sự diễn ra, thể hiện rõ ràng với sự sụp đổ của nền văn minh dựa trên các năng lượng hóa thạch, loại năng lượng mà các nhà đầu tư sẽ ồ ạt rời bỏ.
Theo Carbon Tracker Initiative (viện tư vấn Anh, chuyên tìm hiểu về tác động của biến đổi khí hậu đến các thị trường tài chính), ngưỡng bùng phát này sẽ đạt được khi 14% tổng năng lượng thế giới do mặt trời và gió cung cấp. Hiện Liên Âu đã đạt đến ngưỡng này. Trên quy mô toàn cầu, cái ngưỡng này sẽ đến vào khoảng năm 2028.
Liệu có lạc quan quá không khi cho rằng các thị trường, vốn rất không hoàn hảo, sẽ hậu thuẫn cho tiến trình chuyển đổi này ?
Tôi đã từng nghĩ là không, nhưng trong trường hợp này, tôi tin tưởng là các thị trường sẽ là đồng minh của tiến trình chuyển đổi năng lượng. Vấn đề là xem xem nguồn tiền dùng để rót vào các đầu tư cần thiết cho ”Thỏa Thuận Xanh toàn cầu mới” sẽ được lấy từ đâu ra ?
Nguồn tiền, về cơ bản, sẽ đến từ các quỹ hưu trí, hiện đang quản lý tiền lương hưu tiết kiệm của hàng triệu người lao động trên toàn thế giới. Hiện tại, ước tính tổng số tiền này là khoảng 37.000 tỉ đô la, trong đó chỉ riêng với nước Mỹ là 22.300 tỉ đô la. Mà, các nhà đầu tư dài hạn đã bắt đầu rút vốn khỏi các công nghiệp hóa thạch, để chuyển sang đầu tư vào các năng lượng tái tạo. Đây chính là đòn bẩy cho công cuộc chuyển hóa và các đầu tư lớn.
Liệu ông có đánh giá thấp sự kháng cự của các lobby (ủng hộ năng lượng hóa thạch), chưa kể đến các lãnh đạo quốc gia hoài nghi biến đổi khí hậu, như tổng thống Mỹ Donald Trump ?
Đây là một chủ đề thực sự. Một số ngành công nghiệp, như các công nghệ tin học, giao thông vận tải, đã bắt đầu từ bỏ năng lượng hóa thạch. Bên cạnh đó, nhiều ngành công nghiệp khác, không trực tiếp phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, như dược phẩm hay hóa chất, có nguy cơ phải chuốc lấy các tổn thất ghê gớm, do ”các cổ phiếu bị mất giá do thị trường thay đổi” (actif bloqué). Cụ thể là loại cổ phiếu rất nhanh chóng trở nên giá rẻ như bèo, liên quan đến các đường ống dẫn nhiên liệu không còn được sử dụng, cơ sở dự trữ năng lượng, các trạm cung ứng xăng – dầu thế hệ cũ…
Vào năm 2015, ngân hàng Citigroup ước tính tổng trị giá của các cổ phiếu loại này lên đến 100.000 tỉ đô la. Những tồn thất tiềm tàng này sẽ dẫn đến những phản ứng kháng cự. Đây sẽ là một trong các phương diện của sự sụp đổ của nền văn minh dựa vào năng lượng hóa thạch ; Chúng ta không thể tránh được sự sụp đổ này. Toàn bộ vấn đề chủ yếu là cần phải khởi động ”Thỏa Thuận Xanh mới” ngay từ bây giờ, nhằm xây dựng được các cơ sở hạ tầng, kịp thời phục vụ cho công cuộc chuyển đổi năng lượng, trước khi nền công nghiệp dựa trên năng lượng hóa thạch sụp đổ. Trong trường hợp ngược lại thì chúng ta sẽ rơi xuống vực thẳm.
Trên phương diện nào, mô hình năng lượng mới này sẽ được cuộc ”cách mạng công nghiệp thứ ba” tạo điều kiện thuận lợi ? Cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba mà ông cho rằng bắt đầu khởi sự.
Cuộc cách mạng – hiện đang diễn ra trong lĩnh vực truyền thông, trong giao thông và trong việc sản xuất năng lượng – sẽ làm biến đổi sâu sắc chủ nghĩa tư bản. Nhờ năng lượng mặt trời và gió, kể từ giờ mỗi ngôi nhà hay một khu phố đã có thể tự sản xuất được điện cho mình. Máy in 3D sẽ làm biến đổi sâu sắc cách thức sản xuất, sẽ trở nên phi tập trung hóa hơn rất nhiều. ”Dữ liệu lớn” (Big data) và các đồ vật nối mạng sẽ cho phép nhận biết và đáp ứng được các nhu cầu về năng lượng, một cách trực tiếp, tức thời.
Phương thức kinh doanh của chính các doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi. Như vậy, vai trò của các công ty điện sẽ không còn là chỉ cung cấp điện, mà là quản lý các thông tin và dòng dữ liệu, cho phép các trao đổi điện giữa các đơn vị sản xuất quy mô nhỏ, phi tập trung, với những người tiêu thụ. Một số công ty đã bắt đầu làm công việc này.
Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như vậy sẽ đòi hỏi những đầu tư lớn. Vậy có thể chỉ trông cậy duy nhất vào ”thị trường” để có được nguồn tài chính ?
Không, điều cơ bản là các cơ sở hạ tầng này thuộc về lĩnh vực công. Hiện nay, đã có hàng trăm thành phố và khu phố tiên phong tại châu Âu thí điểm một loại hình công nghệ này hay công nghệ khác, tạo điều kiện cho việc tự trị về năng lượng.
Làm thế nào để (tiến trình xây dựng các cơ sở hạ tầng) vươn tới một quy mô lớn hơn, thu hút được những người đầu tư dài hạn ? Các quốc gia có một vai trò quan trọng ở đây, thông qua các nguồn tín dụng với lãi suất thấp, hoặc tái định hướng đầu tư một phần ngân sách Nhà nước vào những dự án như vậy.
Tại Pháp, chính quyền có thể dựa vào hệ thống các ngân hàng xanh toàn quốc. Các ngân hàng này có thể tung ra các loại trái phiếu xanh. Các quỹ hưu trí có thể mua lại các trái phiếu này, ví dụ như vậy. Và nguồn tiền này sẽ được dùng để xây dựng các cơ sở hạ tầng nói trên. Chính quyền cấp vùng làm nhiệm vụ định hướng cho các hoạt động xây dựng như vậy.
Phải chăng việc định hướng trên quy mô quốc gia sẽ không hiệu quả hơn ?
Chính quyền trung ương sẽ phải xác lập khuôn khổ pháp quy và các hỗ trợ để giúp các vùng trong tiến trình chuyển tiếp này. Một trong những bài học kinh nghiệm mà ê kíp của tôi và tôi có được tại vùng Hauts-de-France (miền bắc nước Pháp), từ nhiều năm nay với Hội Đồng Vùng và phòng Thương Mại của vùng, là công cuộc chuyển đổi về sinh thái và xã hội chỉ có thể vận hành được, nếu toàn bộ các tác nhân địa phương – dân biểu, doanh nghiệp, hiệp hội, công dân – tham gia. Chúng tôi mời họ tham gia vào ”các hội đồng các chuyên gia”, do các chính quyền cơ sở và cấp vùng đề cử. Những hội đồng này được tham khảo ý kiến thường xuyên, và họ có trách nhiệm theo sát việc thực hiện các dự án. Mô hình này hiện vận hành tốt, và có thể được nhân rộng sang những nơi khác.
Đối mặt với các thảm họa khí hậu liên tiếp đang chờ đón chúng ta, mỗi vùng sẽ phải phát triển các năng lực chống chọi để sinh tồn riêng cho mình, nhằm có được khả năng tạo nguồn năng lượng riêng trong trường hợp có thảm họa toàn quốc, hay thậm chí tấn công tin học nhắm vào mạng lưới điện. Một năng lực chống chọi để sinh tồn như vậy sẽ dễ dàng hơn với việc các địa phương tự sản xuất năng lượng. Nhà nước trung ương, về phần mình, sẽ phải đóng vai trò điều hợp. Một mô hình như vậy sẽ dễ dàng được thực hiện tại những quốc gia theo thể chế liên bang, như Đức chẳng hạn. Và khó hơn đối với các nước theo thể chế tập quyền, như Pháp.
Trước tốc độ biến đổi khí hậu nhanh chóng, liệu có phải đã quá trễ ?
Tại Hoa Kỳ, phải 30 năm mới có thể xây dựng được cơ sở hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên – về cơ bản là hệ thống đường sắt – diễn ra từ 1860 đến 1890. Rồi phải mất 20 năm nữa, từ 1908 đến 1933, mới xây dựng được cơ sở hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai : Mạng lưới điện. Nếu chúng ta bắt tay ngay từ bây giờ, chúng ta có thể kịp xây dựng nhanh chóng cơ sở hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba.
Các căng thẳng địa chính trị gia tăng hiện nay liệu có đẩy lùi những ưu tiên này xuống bình diện thứ hai ?
Đây là chính là nỗi ám ảnh, sợ hãi chi phối tôi, vào mỗi buổi sáng, khi tôi thức dậy. Nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác. Nếu chúng ta không thay đổi các phương thức sản xuất của chúng ta một cách triệt để, và ngay từ bây giờ, thì nhân loại sẽ lâm nguy. Phong trào của giới giới trẻ (Fridays for Future / Những ngày thứ Sáu vì tương lai) tập hợp xung quanh thiếu nữ Greta Thunberg (nhà tranh đấu môi trường người Thụy Điển) mang lại cho tôi hy vọng : chúng ta đang chứng kiến cuộc nổi dậy đầu tiên tầm cỡ hành tinh (3).
Thế hệ này là thế hệ đầu tiên ý thức được là mỗi hành động của chúng ta, đặc biệt là việc tiêu thụ, để lại những hệ quả đối với phần còn lại của thế giới. Đây là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tôi cũng tự hỏi là : làm thế nào mà phong trào này chuyển hóa được từ vai trò của người tiên tri, của người phản kháng, sang vai trò của những chủ thể hành động ? Hy vọng của tôi là họ sẽ đầu tư năng lượng vào tiến trình chuyển hóa đang diễn ra tại các khu vực, vào các hội đồng chuyên gia địa phương, để góp phần vào cuộc chuyển đổi sang năng lượng Xanh.
Discussion about this post