SỐNG TỈNH GIÁC
Thích Thông Phương
Thiền Viện Trúc Lâm 2010
“Sống
Tỉnh Giác” là sống tỉnh chứ không còn ngủ mê nữa. Đây là đi vào thực hành chứ không phải là học, hiểu hay lý luận suông. Lâu nay quý vị học,
hiểu nhiều rồi, lý luận cũng nhiều rồi, bây giờ điều quan trọng là phải thực hành, tức là phải sống thực, mà có sống thực thì mới nếm được
pháp vị hay thiền vị chân thật.
I- SỐNG LÀ GÌ ?
Quý
vị có khi nào đặt câu hỏi lại, lâu nay mình sống trên đời, nhưng sống là gì? Mình sống phải biết sống là gì, ai sống, cuộc sống này là của ai, thì đó mới là cuộc sống thực sự. Còn sống mà không biết sống là gì,
cũng không biết ai sống nữa, vậy là sống làm sao? Phật gọi sống như vậy cũng giống như chết.
Thông
thường người ta hiểu sống là ăn, là ngủ, là mặc, là vui chơi, thụ hưởng cái này, cái nọ, tạo tác những sự nghiệp này, sự nghiệp khác. Nói
đơn giản lại, sống tức là hoạt động, hoạt động này, hoạt động nọ, đó là sống, còn ngưng hoạt động là chết. Cho nên, nhiều người nghĩ rằng mình phải tranh thủ thụ hưởng cho kịp thời, chứ để chết là hết, không kịp hưởng.
Hiểu như vậy cho nên khi sống tạo nghiệp này, nghiệp kia không lường được.
Trái lại, người hiểu đạo là sống phải tỉnh, phải giác chứ không phải sống trong cơn mê, nghĩa là sống phải mở mắt sáng tỏ.
Nếu
không như vậy, đối với người trong đạo thì sống cũng như chết, sống mà
không biết gì là mình. Dù cho mình có hoạt động, có tới lui rõ ràng nhưng thiếu cái tỉnh giác này thì giống như thiếu cái hồn.
Bởi
vậy, ở đây khi đặt câu hỏi lại, sống là gì, cái gì sống, hay là ai sống, thì không biết, trả lời không rõ ràng. Cuộc sống của mình, sao đặt câu hỏi lại trả lời không được? Người học đạo, hiểu đạo là phải rõ ràng chỗ này. Câu hỏi này ai trả lời chính xác được? Phải mỗi người tự trả lời mới là chính xác hơn hết. Vì cuộc sống này là cuộc sống của mình, nếu thầy có trả lời, cũng là trả lời cho các thầy thôi, còn mỗi người phải tự trả lời thì mới là câu đáp chính xác nhất, cuộc sống mới đúng ý nghĩa là sống.
II- THẾ NÀO LÀ SỐNG TỈNH GIÁC ?
Bây giờ đặt câu hỏi thứ hai, thế nào là sống tỉnh giác?
Bởi vì mình học đây là học sống, không thể nói suông được. Từng bước là phải đi vào thực hành.
Người
đời do có tập khí mê lầm từ vô lượng kiếp tới giờ, cho nên sống, rồi làm việc, tạo tác toàn theo nghiệp vô minh. Bị nghiệp dẫn, chi phối nên
sống mà không có tự chủ. Đó là sống mất mình.
Mà
vô minh là cái gì? Vô minh là mê lầm, chấp ngã, không phải ta mà chấp là ta, từ chỗ đó tạo bao nhiêu nghiệp, dẫn đi vào trong sanh tử luân hồi. Trong kinh Viên Giác Phật định nghĩa thật rõ ràng. Vô minh là:
– Thứ nhất: Chấp thân tứ đại là mình.
– Thứ hai: Chấp tâm duyên theo bóng dáng sáu trần, cho đó là mình, là ta.
Không
phải mình mà chấp lầm là mình, đó là vô minh, mê lầm. Trong đây có ai không chấp cái đó? Sự thật ai sinh ra trong thế gian này đều mang cái vô minh đó hết, hoặc ít hoặc nhiều, vì nếu không có vô minh chấp ngã thì không vào trong cõi này. Vào trong đây là vì mình có tình chấp ngã.
Do tình chấp ngã cho nên sống với cái hư dối, quên mất mình.
Quý
vị ngồi đây, tay đang lặt rau chẳng hạn, hoặc đang ngồi nghe pháp, tâm
có ở đây không? Ngồi trên ghế đây nhưng có lúc tâm chạy ra ngoài đường, hoặc là chạy về nhà. Ngồi đây, mà tâm ở chỗ khác, như vậy rõ ràng là mình sống thân ở một nơi, tâm ở một nơi, sống không có hồn, gọi
là sống như chết. Giống hệt như người nằm mơ, thân đang ở trên giường,
đầu ở trên gối, mà lúc đó thấy mình đi chơi đủ thứ chỗ.
Thời
Phật có câu chuyện, Tăng Hộ cháu đang đứng quạt cho Thầy mình là Tăng Hộ chú. Tăng Hộ cháu được cúng dường hai xấp vải, định đem cúng Thầy, cũng là chú của mình, nhưng Thầy không nhận. Ông cảm thấy buồn, nghĩ rằng chú mình không thương mình, không có tình chú cháu nữa. Vậy thì mình bán hai xấp vải cho rồi, để kiếm ít tiền cưới vợ, sắm xe. Sau đó sanh con, sẽ bồng đến để lễ ông chú. Trên đường đi ông nói với vợ:
– Đưa con anh bồng giúp cho.
Người vợ không chịu, hai người giằng qua giằng lại, đứa nhỏ rớt xuống đường, ông tức quá bảo:
– Mụ này không nên thân gì hết.
Định gõ đầu vợ một cái, lại trúng đầu Thầy. Lúc đó, vì có tha tâm thông nên ông chú biết hết:
– Chú gõ không trúng đầu vợ, mà trúng đầu ta rồi.
Như
vậy là sao? Tăng Hộ cháu tuy đứng quạt hầu Thầy mà đang sống ở đâu đâu
! Như vậy gọi là sống cũng như chết, có thân mà không có hồn, sống mất
mình.
Giờ
mình học thiền, là học sống trở về thực tại, sống tỉnh giác trở lại, thân ở đâu, thì tâm phải ở chỗ đó, đó là sống thiền. Mà phải thực hành chứ không nói suông. Ví dụ quý vị cầm ly nước uống, thì phải cầm thế nào, phải uống như thế nào cho có ý nghĩa. Cầm ly nước là phải tỉnh, biết rõ ràng mình đang cầm ly nước, hớp vào biết rõ ràng mình đang hớp nước, nghĩa là mình phải có mặt ngay ly nước đó.
Ngồi
đây nghe pháp cũng vậy, biết rõ mình đang ngồi đây. Đang nghe pháp đây, là mình phải có mặt ngay chỗ này. Phải tập sống trở về thực tại như vậy, tức là có mặt chính mình ngay lúc này, thì mới gọi là thực sống. Nếu khi đang lặt rau mà tâm nghĩ chuyện khác, nghĩ chuyện đi chợ chẳng hạn, phải đặt câu hỏi lại, đang lặt rau đây còn ai đi chợ đó? Liền tỉnh trở lại, quay về ngay cái thực tại đang lặt rau, đó là mình thắp sáng thực tại, là mình đang sống thiền.
Cũng
vậy, mình đang nói chuyện vui vẻ, chợt có câu nói nào chạm tự ái, trong bụng hơi nổi bực lên, mình phải biết và tỉnh ngay, cái gì tự ái, vì sao lại bất thường như vậy? Mình đặt câu hỏi lại để sống trở về với thực tại.
Sự
thật cuối cùng chỉ vì một cái tôi thôi, mà nó che mờ ánh sáng thực tại, làm khuất lấp nguồn tâm của mình. Mà cái tôi đó là cái tôi hư dối,
từ vô minh mà chấp. Cho nên mình phải tỉnh trở lại, sống trở về thực tại.
Hoặc
khi mình có một nỗi buồn thì phải nhớ kỹ, thân này là do đất, nước, gió, lửa hòa hợp. Vậy trong bốn chất đó, cái gì buồn? Đất là vô tri đâu
biết buồn. Nước cũng vô tri, đâu có biết buồn ! Gió, lửa cũng vậy. Đất
nước gió lửa là cái vô tri, không biết buồn, vậy thì chỉ còn cái ta buồn! Mà cái gì là ta? Đó chỉ là một khái niệm tưởng tượng thôi, tưởng tượng trong này có một cái ta, rồi lời nói kia đụng tới cái ta này, nên
tự ái, tự ái rồi buồn. Nhưng bây giờ xét kỹ lại, đem cái ta đó ra xem,
thì đem không được.
Cho
nên phải xét kỹ để cởi mở nó và sống trở lại với ánh sáng tỉnh giác. Đó gọi là sống thiền. Còn không, là bị nghiệp dẫn sống trong vô minh, sống mất mình, quên mất thực tại.
Những điều này mình học thì hiểu nhanh lắm, nhưng tới mấy lúc đó thì quên hết.
Trong
nhà thiền có câu chuyện, thiền sư Tenno sau một thời gian theo học thiền với thiền sư Nan-in, cảm thấy đủ sức nên xin Thầy xuống núi. Khi vào thất để đảnh lễ xin phép Thầy, Thầy nói:
– Cũng tốt, nhưng lúc nãy, trước khi vào đây, con để cái dù bên phải hay bên trái ?
Ông ngập ngừng. Thầy nói:
– Thôi, ở ba năm nữa.
Đó
là quên mất thực tại rồi. Lúc đó chỉ lo nhớ vô để xin xuống núi thôi. Ở
thêm một thời gian, ông lại xin xuống núi, bất ngờ Thầy hỏi:
– Lúc nãy vào đây con bước chân nào lên thềm trước?
Ông
cũng ngập ngừng, Thầy bắt ở thêm ba năm nữa. Thời gian sau, tin rằng mình lúc nào cũng nhớ vì đã hai lần có kinh nghiệm, nên ông vào thất Thầy xin xuống núi lần nữa. Lúc đó trời có gió mạnh. Thầy gật đầu bảo:
–
Tốt rồi, nhưng con đóng cửa sổ giùm Thầy rồi hãy đi xuống. Ông mừng quá, đi đóng cửa sổ, nhưng đóng mạnh tay, lại thêm gió mạnh nên vang thành tiếng. Thầy bảo:
–
Thôi chưa được, ở thêm mấy năm nữa. Đó là thiếu tỉnh giác. Thành ra quý vị thấy, học thiền, hiểu thiền nhưng tới sống thiền thật không đơn giản. Phải sống từng phút từng giây, gọi là thiền trong từng phút giây.
Tức là phải thực sống, sống ngay thực tại, nghĩa là lúc nào mình cũng phải có mặt.
Có
câu chuyện “Kính Chuông Như Phật”. Một vị Thiền sư Nhật Bản một hôm ngồi thiền xong, gọi thị giả hỏi xem ai thỉnh chuông sáng hôm nay. Thị giả thưa:
– Là ông Sa di mới tới.
Ngài bảo gọi ông Sa di đến, hỏi:
– Sáng sớm hôm nay khi thỉnh chuông ông dụng tâm như thế nào?
Ông Sa di ngạc nhiên, thưa rằng:
– Bạch Hòa Thượng, con không có dụng tâm gì, chỉ thỉnh chuông là thỉnh chuông thôi.
Ngài mới bảo:
–
Ông không nhận được hay sao? Trong tâm của ông, nhất định có chuyên niệm đến một cái gì đó. Bởi vì hôm nay ta nghe âm thanh tiếng chuông rất là trong sáng cao quý. Aâm thanh đó phải là của chính một người có tâm chân chánh, thành kính mới thỉnh được tiếng chuông phát ra như vậy.
Ông Sa di ngẫm nghĩ một lúc rồi thưa:
–
Bạch Thầy, thật ra con cũng không có ý niệm gì khác đặc biệt. Chỉ là khi con chưa đi tham học, lúc đó còn ở nơi chùa quê, Thầy Bổn Sư của con có dạy: “Khi thỉnh chuông thì phải nhớ “Kính chuông như Phật”, phải
một lòng thành kính, trai giới thanh tịnh, dùng tâm thiền như lúc nhập
định và dùng tâm lễ bái mà thỉnh chuông.”
Nghe như vậy, Thiền sư Dịch Thượng gật đầu và khuyên thêm:
– Sau này khi làm việc gì ông cũng nên nhớ giữ tâm thiền như đã thỉnh chuông sáng hôm nay.
Từ
đó về sau mỗi khi làm việc gì ông Sa di cũng luôn luôn kính cẩn, trân trọng, dần dần thành một thói quen, sau thành một thiền sư nổi tiếng, là thiền sư Sâm Điền Ngộ Do sau này.
Sức
sống thiền là như vậy, thỉnh chuông cũng phải kính chuông như Phật. Còn bây giờ trong chùa ít ai nói thỉnh chuông, mà nói là đánh chuông, dộng chuông. Toàn là đánh, dộng nên tiếng chuông cũng thường không được
trong sáng. Còn đây là kính cẩn trân trọng, làm với một tâm chí thành,
nên người có kinh nghiệm tâm linh khi nghe người thỉnh chuông, hoặc đánh chuông trên chùa thì biết tâm của người đó như thế nào. Tâm đó đang thuần thục hay còn thô tháo.
Cho
nên mỗi việc làm, mỗi cử chỉ, mỗi hành động, mình sống trở về với ánh sáng tỉnh giác của mình thì trong việc làm, trong hành động đó, mới là thực sống và có ý nghĩa, còn không thì sống như chết.
Vì
vậy thiền dạy mình sống phải thật sự tỉnh giác, sống trở về ngay cuộc sống thực của mình. Các Ngài thường nhắc nhở chúng ta sống giây phút nào phải xứng đáng giây phút đó.
III- KHÔNG BỎ QUA THỜI GIAN VÔ ÍCH.
Cuộc
sống là vô thường, là ngắn ngủi, đã ngắn ngủi thì mình phải sống làm sao cho xứng đáng. Trong bài kệ của Sơ Tổ Trúc Lâm, khi Ngài thượng đường, Ngài nhắc nhở:
Thân như hô hấp tỉ trung khí,
Thế tự phong hành lãnh ngoại vân.
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,
Bất thị tầm thường không quá xuân.
Nghĩa là:
Thân như hơi thở ra vào mũi,
Đời tợ gió đùa mây núi xa.
Tiếng quyên từng chập trăng sáng rỡ,
Đâu phải tầm thường xuân luống qua.
“Thân
như hơi thở ra vào mũi” là nhắc nhở, thân của mình sống đây là sống trong từng hơi thở, hơi thở ra vào mà ngưng thở là chết liền. Mình còn thở là tạm còn sống, cho nên mỗi hơi thở là rất quý. Phải sống làm sao cho xứng đáng, mỗi hơi thở phải sáng, phải tỉnh, không thể sống mà như chết được.
“Đời
tợ gió đùa mây núi xa”. Cuộc đời giống như đám mây, mây tụ thì tạm có,
gió thổi liền tan đi, không có gì bền chắc. Có đó rồi cũng tan đó thôi.
Chỗ
quan trọng là “Tiếng quyên từng chập trăng sáng rỡ”. Tiếng chim đỗ quyên từng chập, từng chập nhắc mình ở trên đầu có ánh trăng sáng rỡ đang rọi, mình phải luôn nhớ chỗ đó. Trăng đó là trăng gì? Không phải nhớ mặt trăng trên trời, mà chính là mặt trăng trí tuệ, mặt trăng sáng rỡ nơi mình.
“Đâu
phải tầm thường xuân luống qua”. Đừng để mùa xuân qua suông, tầm thường rất là uổng. Phải sống có trí tuệ, sống có ánh sáng, như vậy cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa. Khi mình có thực nghiệm, quán kỹ, mới
thấy được cái quý báu của từng giây từng phút mình đang sống đây.
Thiền Sư Vạn Hạnh có bài kệ:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
“Thân
như điện ảnh hữu hoàn vô”. Thân này giống như điện chớp, có rồi không,
làn điện chớp lên rồi qua. Tạm hiện lên đây, rồi cũng mất.
“Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô”. Muôn thứ cỏ cây mùa xuân thì tươi tốt, mùa thu thì héo tàn, tức là cũng không bền vững.
“Nhậm
vận thịnh suy vô bố úy, thịnh suy như lộ thảo đầu phô”. Điều quan trọng là mặc tình cho cuộc thịnh suy của thế gian mà không sợ hãi gì, xem sự thịnh suy đó giống như hạt sương ở đầu ngọn cỏ vậy thôi, vì mình
có sức sống chân thật nơi mình nên những cái đó không quan trọng. Sức sống chân thật của mình chính là sự làm chủ cuộc sống vô thường, đó mới
thực là cuộc sống có ý nghĩa.
Như
vậy thì mỗi giây mỗi phút mình đang sống đây, là một giây một phút rất
quan trọng, rất có ý nghĩa, sống đúng ý nghĩa là sống. Có vậy mới gọi là nếm được chút ít thiền vị. Chứ mình cứ học thiền trên những lý cao siêu, mà cái thực sống này lại quên, giống như vị Thiền sư chân nào bước lên trước cũng không nhớ. Đó chỉ là nói thiền thôi, mà quên cái thực sống, là bất giác.
VI- SỐNG TRỞ VỀ THỰC TẠI
Đây
là điểm quan trọng nhất. Đã thấy được chỗ lầm của mình rồi, bây giờ phải sống thực. Lâu nay mình sống theo tâm vọng tưởng, hoặc nhớ về quá khứ, hoặc tưởng đến tương lai, chứ ít có phút giây nào sống ngay thực tại. Sống trở về thực tại là có ánh sáng chánh pháp.
Chúng
ta hiện có được nhân lành hy hữu, nên mới có duyên gặp được con đường chánh pháp nhắc nhở mình như thế này. Quý vị hãy kiểm lại xa xa về trước, khi một niệm bất giác ban đầu rồi đi vào trong cuộc luân hồi, tới bây giờ chừng bao nhiêu năm? Không biết bao nhiêu kiếp nữa. Sự vô minh, mê lầm đó đã từ vô lượng kiếp.
Bây
giờ có ánh sáng, có con đường ra rồi, không chịu đi ra mà quay lại con
đường kia nữa thì thật là đau. Gặp con đường sáng này, là cái nhân lành mình đã gieo trồng nhiều đời, chứ không phải mới đây. Mà đã có nhân lành nhiều đời, bây giờ phải thực hành, phải sống để huân tập cho nhân lành đó được tăng trưởng, và mở con đường ra, chứ không phải đi vào con đường cũ để vào cái vô minh, cái mê lầm đó nữa. Cho nên phải sống tỉnh giác, nghĩa là phải sống trở về ngay thực tại.
Thiền
Tây Tạng có câu chuyện: Có một vị phụ nữ, vị này có ý nguyện muốn đạt đến giác ngộ. Cô tìm đến những vị thầy có tiếng tăm để thưa hỏi. Có một
vị chỉ cho cô:
–
Nếu cô chịu khó leo lên đến đỉnh núi cao kia, cô sẽ gặp một cái hang. Trong hang có một bà lão, bà lão này rất thông thái, bà sẽ chỉ cho cô biết con đường đi đến giác ngộ.
Nghe
nói như vậy, cô chịu khó leo lên đến đỉnh núi. Vào tìm, quả thật gặp bà lão. Bà đang mặc bộ đồ trắng, vẻ thông thái mà hiền từ, vừa gặp là cô cảm thấy kính trọng ngay. Cô quỳ xuống chân, hỏi bà:
– Làm sao để đi đến giác ngộ?
Bà hỏi lại:
– Con có chắc chắn là muốn đạt đến giác ngộ hay không?
Cô trả lời mạnh mẽ:
– Vâng, con chắc chắn.
Ngay đó bà lão biến thành một hình thù dữ tợn, giống như quỷ Sa-Tăng, cầm một cây gậy, vừa đánh cô, vừa nói to lên:
– Bây giờ, bây giờ, bây giờ.
Từ
lúc đó cho đến hết cuộc đời, cô chỉ nhớ câu đó thôi, sống ngay chỗ đó,
không bao giờ quên được. “Bây giờ là ngay bây giờ thôi”. Đó là con đường, là chìa khóa để mở cửa đi vào giác ngộ.
Quý
vị học chữ nghĩa nhiều quá mà quên mất những điều then chốt. Chính những điều này mới là thực tế, sống trở về ngay chỗ bây giờ đây là cánh
cửa đi vào giác ngộ. Quý vị ngồi đây thì tâm phải ở ngay chỗ này. Lúc nào tâm quý vị cũng ở ngay chỗ đó là bảo đảm cửa giác ngộ mở ra, khỏi phải đi tìm đâu hết.
Vừa
khởi tâm đi tìm là hết bây giờ rồi, cửa giác ngộ đóng lại với mình rồi. Rất đơn giản và rất thực tế, không cần chữ nghĩa nhiều.
Bởi
thế cho nên Lục Tổ Huệ Năng ra đời hiện thân là anh chàng tiều phu không biết chữ. Tuy Ngài không biết chữ nhưng ngộ đạo sớm, rồi lại được
truyền y bát làm Tổ nữa. Đó là muốn nhắc cho mọi người, chân lý rất đơn giản, rất gần gũi với mình, chân lý không nằm trong chữ nghĩa mà nằm ngay chính mình.
Trong nhà thiền có công án “Trà Triệu Châu”. Đây là công án nổi tiếng, đánh thức mình sống về thực tại.
Có ông tăng đến, Ngài Triệu Châu hỏi: “Ông từng đến đây chăng?”
Ông đáp: “Đã từng đến”.
Ngài bảo: “Thôi uống trà đi”
Rồi ông tăng khác đến, ngài cũng hỏi: “Ông từng đến đây lần nào chưa?”
Ông thưa: “Chưa từng đến”
Ngài cũng bảo: “Uống trà đi”.
Ông
Viện chủ nghe vậy thắc mắc hỏi: “Bạch Hòa Thượng, tại sao đã từng đến cũng mời uống trà đi, rồi chưa từng đến cũng mời uống trà đi?”
Ngài gọi: “Viện chủ”.
Viện chủ: “Dạ”.
Ngài cũng bảo: “Uống trà đi”.
Người
nghe giống như chuyện đùa, nhưng chính đó là ý nghĩa rất sâu xa. Hỏi “Ông từng đến đây chăng?” Ông nói “Từng đến rồi.” Đã từng đến đây thì còn hỏi thêm gì nữa? Ngay đây “Uống trà đi” là xong. Tức là nhắc mình phải sống ngay thực tại thôi, hỏi gì nữa là quên mất cái thực tại này rồi, là muốn thêm cái gì khác.
Còn
ông kia được hỏi “Từng đến chưa?” Ông nói “Chưa từng đến.” Đáp như vậy
tức là ông đang nhớ về quá khứ. Thiền sư chỉ muốn nói chuyện ngay hiện
tại. Ông nói chưa từng đến, vậy ai đang đáp đây? Ông đang đứng đây, mà
ông nói chưa từng đến, là ông đang nhớ về quá khứ, nói chuyện năm xưa rồi, cho nên “Uống trà đi” là xong. Thiền sư muốn nhắc ông, ngay đây, ông đang nói chuyện, đang đáp rõ ràng. Ông đang đứng đây, có nghĩa là ông đến đây rồi, còn nói chưa từng đến gì nữa? Đó là ông quên mất thực tại rồi.
Rồi
ông Viện chủ hỏi chuyện từng đến đây hay chưa từng đến, là chuyện của người khác. Còn ông đang nói chuyện đây, gọi ông thì ông dạ. Chuyện ông
đang đối diện đây mà ông không lo, lo chuyện của người ta làm chi, thật xa vời. Vì vậy “Uống trà đi” là xong. Rất đơn giản nhưng cũng rất là sâu xa, phải hiểu qua chữ nghĩa mới thấy được.
Thiền
sư luôn luôn nhắc mình sống trở về với thực tại như vậy, chứ không phải lý luận nhiều, lý luận xa xôi, mà chính cái đó mới là sức sống chân thật. Cho nên học thiền, hiểu thiền phải sống thiền, phải tập luôn
luôn sống trở về với chính mình, sống luôn luôn có ánh sáng, không phải sống mất hồn, sống như là chết. Như vậy mới là sống có ý nghĩa.
Ngài Thạch Thê thấy ông thị giả đi lên trai đường dùng cơm thì hỏi: “Ông đang đi đâu?”
Ông thưa: “Con đi lên trai đường”.
Ngài Thạch Thê nói: “Ta đâu không biết ông đi lên trai đường”.
Ý
Ngài Thạch Thê muốn hỏi cái gì đang đi. Ở đây Ngài muốn nhấn mạnh chỗ sống thực đó. Ông thị giả này cũng có ánh sáng thực nên bạch: “Vậy thì ngoài cái này còn có việc gì đáng nói nữa?”
Ngài Thạch Thê nói: “Ta muốn hỏi việc bổn phận của ông”.
Thị giả thưa: “Nếu mà Hòa Thượng hỏi việc bổn phận của con, thì con thật là đi lên trai đường”.
Ngài Thạch Thê bảo: “Ông quả thật là thị giả của ta”.
Hỏi “Đi đâu”, đáp “Đi lên trai đường”.
Ngài
Thạch Thê muốn nhấn mạnh lại, ta hỏi đó là muốn hỏi cái ông đang sống,
đang thực tại, nên ngài mới nói “Ta đâu không biết ông đi lên trai đường”. Thấy ông mặc áo là biết rồi, nhưng ta hỏi là muốn hỏi cái gì kia. Ông thị giả này biết được, nên trả lời “Ngoài việc này thì còn có việc gì đáng nói nữa”. Ngài Thạch Thê nhấn mạnh lại “Ta hỏi việc bổn phận của ông?” Bổn phận là việc chính của ông, chỗ sống của ông đó. Ông
thị giả nói “Nếu hỏi việc đó thì con thật đang đi lên trai đường”.
Người
ngoài nghe không biết hai thầy trò nói chuyện gì. Nhưng đó là tỏ bày ông thị giả đang sống thực tại, đang có mặt. Bây giờ đang đi lên trai đường, biết rõ mình đang đi lên trai đường, không có gì khác hết, nên mới đáp được điều đó chứ không phải dễ dàng. Nếu không có mặt ở chỗ đó,
nghe ông thầy gạn lại “Ta hỏi việc bổn phận của ông”, sẽ trầm ngâm suy
nghĩ một chút, xét xem việc bổn phận là việc gì thì lúc đó sẽ bị quở vì quên mất chỗ thực tại rồi. Còn ông thị giả này đang sống thực tại, lúc nào cũng có mặt.
Ngài
Thạch Thê bảo “Ông quả thật là thị giả của ta”. Câu này có hai ý. Thị giả là gần bên Thầy. Và quả thật là ông đang có sức sống chân thật, lúc
nào cũng có mặt bên ta.
Nếu là mình thì đi lên trai đường cũng là đi đó, nhưng tâm lại đi chỗ khác.
Thiền sư Vô Trụ kể câu chuyện: Có một người đang đứng hóng mát trên ngọn đồi, có ba vị đi dưới chân đồi ngó thấy.
Một người thắc mắc: “Không biết ông kia đứng ở đó làm gì? Chắc là ông mất cái gì đó, đang tìm”.
Người khác lại đoán: “Chắc đang tìm người quen”.
Người còn lại nghĩ: “Chắc là ông đang hóng mát”.
Ba người bàn mỗi người một ý. Không ai giải quyết rõ ràng. Cuối cùng ba người nói:
– Thôi lên hỏi ông đó là chắc nhất.
Ba người bèn đi lên hỏi:
– Anh đứng đây làm gì, anh tìm người quen hay sao vậy?
Ông nói:
– Không có.
– Hay là anh đang bỏ mất vật gì nên lên đây tìm?
– Cũng không có.
– Hay là anh đang đứng đây hóng mát, hóng gió?
– Cũng không phải.
Ba người nói:
– Vậy anh đứng đây làm gì mà hỏi gì anh cũng nói không có hết?
Ông trả lời:
– Tôi đứng đây là đứng đây vậy thôi.
Đó gọi là đang sống với thực tại.
Mình
thường thường theo tâm lý của thế gian, đứng đó thì phải có việc gì, có vấn đề. Bởi trong đầu mình luôn luôn có vấn đề. Cho nên mình nghĩ ai
cũng vậy, cũng có vấn đề như mình.
Trong
khi đó, anh ta trong đầu không có vấn đề thì đứng đây là đứng đây vậy thôi, đó gọi là sống trở về với thực tại. Mà nếu quý vị thường sống được như vậy, thì bảo đảm là cửa giác ngộ mở với mình dễ dàng. Chứ còn luôn luôn trong đầu có vấn đề thì chính cái vấn đề đó nó che, nó làm khuất mất ánh sáng chân thật. Cho nên mình phải tập sống trở về với thực tại như vậy. Làm việc gì phải biết rõ, mình phải có mặt trong đó, thì đó là sống tỉnh giác, là sống có hồn, sống đúng với ý nghĩa sống.
V- TÓM KẾT.
Thiền
là một sức sống chân thật ngay chính mình chứ không đâu khác. Mỗi người phải khai thác sức sống chân thật đó. Thực tế nhất là phải sống trở lại ngay bây giờ và bây giờ đây thôi. Lúc nào cũng sống ngay bây giờ và bây giờ đây là yên ổn. Rời bây giờ là bắt đầu sống vào bất thường. Chỗ này là chỗ quan trọng, là chìa khóa mở vào cửa giác ngộ. Mình học nhiều nhưng đó chỉ là những phương tiện để giải thích, hoặc là
đánh thức mình. Nhưng tóm lại, sống trở về chỗ này, đó là điều chính yếu.
Người
muốn sống giác ngộ, sống ý nghĩa phải nghiền ngẫm và thực hành sâu chỗ
này thì đó là chỗ sống chân thật của mình. Tức là phải luôn luôn sống một cách nghiêm chỉnh. Thân ở đâu, tâm ở đó là thành công.
Quý
vị ngồi thiền cũng vậy thôi, ngay khi ngồi thiền, thân đang ngồi trên bồ đoàn, thì tâm cũng phải ngồi trên bồ đoàn. Còn thân ngồi trên bồ đoàn, mà tâm đi về quê là không được rồi.
Đây nhắc lại câu chuyện của Ngài Nam Tuyền.
Một hôm ngài đi xuống nhà tắm, gặp ông trưởng phòng tắm, ngài hỏi:
– Ông đang làm gì vậy?
Ông nói:
– Đang nấu nước cho chúng tăng tắm.
Ngài bảo:
– Ông nhớ gọi con trâu đực đi tắm với nghen.
Ông gật đầu, chiều ông vào trong thất, thưa với ngài Nam Tuyền:
– Xin mời con trâu đực đi tắm.
Ngài Nam Tuyền hỏi:
– Ông có nhớ đem dây mũi theo không?
Tức là mời con trâu thì có đem dây để xỏ mũi nó hay không? Lúc đó ông bí không trả lời được.
Sau
đó, ngài Triệu Châu đi vắng trở về, đến gặp ngài Nam Tuyền, ngài thuật
lại câu chuyện đó. Ngài Triệu Châu nói: “Con có câu đáp”.
Ngài Nam Tuyền bảo:
– Đáp làm sao?
Triệu Châu thưa:
– Thỉnh Hòa Thượng, bây giờ lặp lại chuyện như trước.
Ngài Nam Tuyền hỏi lại:
– Vậy có đem dây mũi theo không?
Ngài Triệu Châu bèn đi tới nắm mũi ngài Nam Tuyền nhéo mạnh.
Ngài Nam Tuyền đau quá nói:
– Phải thì cũng phải đó, nhưng mà thô quá.
Đó
là dây mũi, quý vị thấy dây mũi ở chỗ nào không? Nhéo lỗ mũi, đau, thì
cái gì biết đau? Chính chỗ đó là chỗ sống ngay thực tại, là trực tiếp đi vào thực tại. Nắm mũi kéo một cái là biết đau liền. Cái đó là dây mũi chứ gì nữa, đó cũng là thực tại mà nhiều khi mình không nhớ. Quý vị
nhớ phân biệt cho rõ ràng, cái đau thì khi có khi không, lúc nắm mũi kéo mạnh thì nó đau, nhưng buông ra thì hết đau, cái đau đó là vô thường. Còn cái biết rõ đau, thì không thuộc đau hay không đau. Lúc nắm
mũi hay không nắm mũi nó cũng có mặt đó. Nắm mũi thì nó biết đau liền, buông ra thì cái đau hết nhưng nó vẫn có mặt ở đó, cho nên nắm mũi kéo trở lại thì nó liền biết. Cái biết đau không mất. Còn cái đau thì mất. Đó là thực tại luôn luôn hiện hữu nơi mình. Sống luôn luôn nhớ như vậy là có ánh sáng thiền.
Nhớ
được điều đó thì thấy được chỗ sống thực của mình, và thiền dạy mình là phải sống như vậy, chứ không phải lý luận. Lý luận thế này, lý luận thế kia, mà quên mất chỗ đó thì sống cũng là trong chữ nghĩa, trong kiến thức mà thôi.
Chính
các thiền sư ngày xưa cũng thực hành như vậy. Đọc trong sử thiền, các ngài có khi thấy hoa đào nở cũng ngộ đạo được. Có vị cưỡi ngựa qua cầu,
ngựa bị vấp té, cũng ngộ đạo. Có người đi ra giữa chợ, thấy anh chàng bán thịt và khách hàng nói chuyện với nhau liền ngộ đạo.
Như ngài Bàn Sơn, đi ra chợ thấy anh chàng bán thịt, nghe người mua thịt nói:
– Ông lựa cho tôi một miếng thịt nào thật ngon.
Anh bán thịt nói:
– Ở đây miếng nào cũng ngon hết. Ngay đó Ngài tỉnh ngộ.
Có người nghe người ta khóc than trong đám tang cũng ngộ đạo được.
Bởi
vì tâm các Ngài lúc nào cũng chuyên nhất, cũng sống trở về với thực tại, thân ở đâu thì tâm luôn luôn ở đó. Khi nó thuần thục, nhuần nhuyễn, chín muồi rồi thì bất cứ chỗ nào cũng là chỗ ngộ đạo được. Còn nếu thân ở một nơi, tâm ở một nơi thì làm sao ngộ đạo? Ví dụ nghe người
ta bán thịt mà tâm nghĩ đến thịt thì làm sao ngộ đạo. Nghe bán thịt, nhưng tâm vẫn ở nơi mình, chứ không ở nơi bán thịt, mới có thể ngộ.
Mình
đây cũng vậy, phải tập sống như vậy, thì lúc nào mình cũng có thể sáng
tỏ được đạo lý, lúc nào cũng là lúc mình nếm được thiền vị.
Để
kết thúc, đây nhắc lại câu chuyện Bùi Hưu mà quý vị thường nghe, nhiều
người đã thuộc lòng, nhưng quan trọng mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới. Nếu quý vị sống được ngay bây giờ và bây giờ quý vị sẽ thấy mới, còn nếu sống với cái quá khứ thì thấy nó cũ. Nó cũ là cũ với quá khứ, còn nếu sống với thực tại ngay bây giờ thì lúc nào cũng mới mẻ, lui về chỗ khác là cũ.
Bùi Hưu hỏi:
– Cao tăng ở đâu?
Trong chùa không ai đáp được, mới mời Ngài Hoàng Bá.
Ngài bảo:
– Ông thắc mắc gì cứ hỏi đi.
Ông hỏi:
– Hình vẽ ở đây mà cao tăng ở đâu?
Ngài Hoàng Bá gọi to tên ông:
– Bùi Hưu !
Ông: “Dạ”!.
Ngài bảo:
– Ở đâu ?
Ngay
đó ông thấy được cao tăng hiện tiền. Đó là sức sống thực tại sáng ngời. Thấy hình cao tăng ở đây mà hỏi ở đâu là quên mất bây giờ rồi. Hỏi “Ởû đâu” tức là ông đang tưởng tượng có một vị cao tăng nữa, một sức sống chân thật gì đó mà ông chưa biết. Nhưng Ngài Hoàng Bá đang có sức sống chân thật hiện tiền nên Ngài thấy ngay điều đó, liền gọi trực tiếp ông “Bùi Hưu”. Vừa gọi, ông đáp liền, lúc đó đâu có suy nghĩ gì, rõ ràng nó đang hiện hữu nơi ông, nên Ngài Hoàng Bá nhấn mạnh lại “Ở đâu?” thì ngay đó ông nhận liền, sống trở về thực tại hiện tiền, tức là
ông có mặt ngay chỗ đó.
Vậy
thì mong rằng tất cả quý vị ở đây cũng làm sao tập sống trở về với thực tại, ngay bây giờ. Lúc nào cũng vậy hết, thì quý vị thành công liền, và quý vị mở cửa vào giác ngộ dễ dàng. Còn bỏ qua chỗ này là đi vào chỗ vô minh, bất giác. Đây là một thông điệp muôn đời, để cho mọi người sống trở về chính mình, sống trở về quê. Mở cửa này là quý vị phá
tan được cái mê từ vô lượng kiếp, rồi sống được trọn vẹn như vậy thì thành công, xong việc thôi.
Quý
vị nhớ mười bức tranh chăn trâu thì bức tranh ban đầu là gì? “Tìm trâu” tức là mình đang mất trâu, rồi bây giờ mình đang đi tìm trâu. Nhưng đặt câu hỏi lại: Tìm trâu, thì ai đi tìm? Trâu ở đâu mà tìm? Sự thật rõ ràng là mình đi tìm mình thôi, gọi là đem tâm đi tìm tâm. Trâu cũng là tâm, rồi đi tìm cũng là tâm, chứ ngoài tâm thì lấy gì đi tìm? Đem tâm đi tìm tâm, hay là đem chính mình đi tìm chính mình. Rõ ràng vì
mình đang sống với cái mê, quên mất thực tại này, ngồi đây mà không nhớ gì mình hết, tưởng đâu mất mình rồi trở lại đi tìm mình. Nếu nhớ lại bây giờ mình ngồi đây, mình có mặt ngay chỗ này thì đâu còn tìm nữa.
Cho
nên cuối cùng đến bức tranh số 8, mất hết không còn trâu không còn người. Nếu thực sự có trâu, có người thì thành ra có hai. Vậy là một người đi tìm một người, một tâm đi tìm một tâm. Vì bất giác mới thấy có
hai. Nên các Tổ bày ra phương tiện để mình nhớ lại, tưởng đâu có gì để
tìm, nhưng sự thật thì không có hai. Bản tâm mình chỉ có một thôi làm sao có hai được. Vậy cái tìm đó chẳng qua là bóng thôi. Khi đã biết rõ rồi, sống thuần thục rồi thì sự thật không ai tìm ai hết. Cho nên cuối cùng trâu, người đều mất.
Nắm vững chỗ này rồi là mình thấy chỗ sống chân thật, chỗ then chốt để vào đạo và thấy chỗ thực hành rất là đơn giản.
Tóm
lại, mong rằng mỗi vị nắm vững và nghiền ngẫm sâu chỗ này, sống thực sự, luôn luôn có mặt trong mọi cử chỉ, mọi hành động. Luôn luôn sống ngay bây giờ và bây giờ. Đơn giản hơn nữa, thân ở đâu thì tâm phải ở ngay chỗ đó. Đây là chỗ trở về của mỗi người. Sống được như vậy thì tất
cả đều gặp nhau một chỗ, không còn phân chia đây kia gì nữa.
Discussion about this post