Sự bám chấp vào sự vật sự việc thay đổi, chấp vào pháp vô thường thế gian, chấp niệm vọng trong Tâm thì sự chấp đó làm mê mờ tâm trí, rối loạn thân tâm, gây nên phiền não và nghiệp chứng.
Hằng ngày ta nên hãy dành thời gian mà “phản quan tự kỷ”, quay lại trong ta quán sát xem ta hôm nay có lầm lỗi gì không? Có điều gì làm chưa tốt hay chưa? Việc gì cần làm mà chưa làm hay không? Hay quán vọng niệm nghĩ suy coi vọng niệm đó là chánh hay tà niệm…qua đó để ngày càng hoàn thiện bản thân, điều tốt thì duy trì và phát huy,mà điều bất thiện thì dứt sạch từ bỏ. Qua việc ” phản quan tự kỷ” mà rèn cái Chí, tu cái Đức, phát triển Tâm từ, bi, hỷ, xả.
Ta hãy học tập theo chú tiểu An Tâm, là luôn quét rác vườn Tâm, cái gì không cần thì xả bỏ quét dọn đi, để nhiều thì nặng đầu mà không quét thì nặng lòng.
Trong tu học cũng vậy, những gì cần thì nên ghi nhớ để áp dụng tu hành, nắm lấy những gì cốt lõi để áp dụng vào tu hành, còn những gì chưa cần hay không cần thì buông xả cho nhẹ lòng sẽ được An Tâm. Mà tâm an thì bình khí, khí bình thì thân an, an thân thì tĩnh lặng trong lòng, từ đó trí huệ sinh. Vì trí huệ sinh ra trong tĩnh lặng và thanh tịnh. Từ đó giúp ta bước lên nấc thang từng bước hướng tới giải thoát.
An Tâm là không bám chấp vào pháp vô thường trần lao, nhằm đưa tới trong Tâm hành giả một trạng thái an nhiên tĩnh lặng, giải thoát mọi sự ràng buộc của thế gian phiền não. Hãy sống tĩnh lặng trong từng giây phút hiện tại để thấy ta chỉ là ta trong bóng hình của thời gian và không gian hư vọng nơi trần thế.
Discussion about this post