QUÁN: “THÂN-THỌ-TÂM-PHÁP”
* * *
Thích Nữ Hằng Như
I. DẪN NHẬP
Do nhu cầu trong đạo tràng Thiền Tánh Không Houston, có vài vị nêu thắc mắc rằng chuyên tu thiền Định một thời gian dài, đã có kinh nghiệm “định không tầm không tứ” hoặc cao hơn là đạt “trạng thái tâm trống rỗng” trong lúc tọa thiền, nay muốn chuyển qua Quán “Thân, Thọ, Tâm, Pháp” có gì trở ngại hay không? Vì thế, bài pháp này chúng tôi chọn tựa đề là “Quán: Thân, Thọ, Tâm, Pháp” để từ đó chúng ta có câu trả lời chính xác nên hay không nên.
Trong đời sống hằng ngày, từ khi lớn khôn cho tới bây giờ. Sau mấy chục năm lăn lộn làm việc, phấn đấu với đời để nuôi dưỡng, phục vụ tấm thân của mình. Nào là phải có căn nhà để che mưa tránh nắng cho thân. Nào là sắm sửa quần áo theo mùa để mặc cho thân. Nào là thức ăn ngon miệng để phục vụ khẩu vị cho thân. Nào là vòng vàng, kem phấn, để trang điểm cho thân. Nào là nỗ lực tranh đấu để thân có một danh phận nổi tiếng với đời. Con người ta làm rất nhiều chuyện, có khi tốt, cũng có khi xấu nhằm phục vụ cho thân… Trong quá trình làm việc đó có biết bao lần con người bị đời quật ngã hết trận này đến trận khác, thật khó tránh nỗi khổ đau phiền muộn.
Ngày qua ngày, tuổi trẻ đi dần đến tuổi già, tấm thân khỏe mạnh không như xưa. Thân đổ bệnh, mắt mờ, tay chân yếu ớt, và cuối cùng không thoát khỏi quy luật “sanh, già, bệnh, chết”. Thân chết rồi, tâm thức không biết sẽ đi về đâu trong sáu cõi? Sống một cuộc đời quá bình thường như thế thật là uổng phí. Tại sao uổng phí? Đó là tại vì mình cứ chạy theo hoàn cảnh bên ngoài không dành một chút thời gian nào để quay về nhìn lại chính mình. Không biết thật sự mình là ai? Mình là cái gì? Không biết mỗi ngày mình còn sống ở cõi Ta-bà này là nhờ vào cái gì? Nhờ thức ăn, thức uống nuôi dưỡng sự lớn mạnh của thân. Đồng ý. Nhờ quần áo, nhà cửa che nắng che mưa giữ cho thân thể được ấm áp. Đồng ý. Những thứ đó cần thật, nhưng nếu thiếu hơi thở thì sao? Con người ít khi quan tâm đến hơi thở vì nó quá quen thuộc, quá tầm thường, không cần tranh đấu, không cần giành giựt , không cần bỏ tiền để mua dưỡng khí, mà hơi thở vẫn âm thầm tự nhiên hít vô, thở ra, ngày đêm không ngừng nghỉ, cho đến khi có sự rối loạn nhịp tim, hơi thở không đều đặn nhịp nhàng nữa, cảm thấy khó thở, hay nghẹt thở thì mình mới hốt hoảng đi bác sĩ xin trị liệu.
Lại nữa, chúng ta chỉ lo chăm chút phần vật chất, mà bỏ quên phần tinh thần là cái tâm. Ngày nào chúng ta cũng lo bồi dưỡng cho cái thân, thậm chí không quên tắm gội cho cái thân được sạch sẽ, mà không hề để ý nuôi dưỡng hay tắm gội cái tâm, cứ để mặc cho nó bị ô nhiễm bởi đủ thứ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến… Những thứ ô nhiễm này chính là nguyên nhân khiến con người phiền não khổ đau không bao giờ dứt. Cho nên, pháp tu Tứ Niệm Xứ là quay trở về biết rõ thân tâm của chúng ta cần gì, để từ đó có thái độ sống đúng đắn đưa đến trạng thái an vui hạnh phúc. Vì thế “Quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp” là điều nên làm, nên tu tập.
II. THẾ NÀO LÀ QUÁN “THÂN-THỌ-TÂM-PHÁP”?
Quán “Thân, Thọ, Tâm, Pháp” trong kinh Nikãya có tên gọi là Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ là gì? Tứ là bốn. Niệm là nghĩ, là nhớ, hoặc là biết. Xứ là nơi chốn. Nơi chốn ở đây là bốn căn cứ: Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
Tứ Niệm Xứ là pháp môn tu đề cập đến bốn căn cứ Thân, Thọ, Tâm, Pháp để an trú niệm. Mỗi căn cứ có hai nhóm là nhóm nội và nhóm ngoại.
Thí dụ: Thân thì có “nội thân và ngoại thân”. Những gì chứa đựng trong thân dưới lớp da và mỡ thì gọi là nội thân. Ngoại thân là những biểu hiện bên ngoài của da thịt tiếp xúc với sự vật.
Tương tự chúng ta quán chiếu “nội cảm thọ và ngoại cảm thọ, nội tâm và ngoại tâm, nội pháp và ngoại pháp”.
Như vậy, tu tập không phải chỉ giữ chánh niệm bên trong mà còn giữ chánh niệm ở bên ngoài khi giác quan tiếp xúc với đối tượng.
Quán có nhiều nghĩa, nhưng ở đây Quán là sự quán sát trống rỗng, liên tục về đối tượng với cái Biết rõ ràng, không có sự tham gia của suy nghĩ, suy đoán, so sánh, phân biệt để nhận ra chân tánh hay đặc tính chân thật của đối tượng. Chân tánh hiện tượng gồm có: Vô thường, Khổ, Vô ngã, Không. Nền tảng của Quán trong Tứ Niệm Xứ là Chánh Niệm Tỉnh Giác.
A. NHỮNG PHÁP THUỘC VỀ “QUÁN THÂN”
Trong kinh Niệm Xứ đức Phật dạy các Tỳ-kheo quán thân trên thân qua nhiều đề mục như sau:
1) Chánh Niệm Hít Vào Thở Ra (Anapanasati): Sự hít thở này dựa trên niệm Biết. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài” hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri “Tôi thở ra dài”. Thở vô ngắn vị ấy tuệ tri “Tôi thở vô ngắn”. Thở ra ngắn vị ấy tuệ tri “Tôi thở ra ngắn”.
“Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập. “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
2) Tuệ tri về oai nghi: – Đi, đứng, nằm, ngồi. Mỗi động tác này hành giả đều giữ chánh niệm tỉnh giác. – Khi bước tới, bước lui, ngó tới, ngó lui, co tay duỗi tay, mặc áo, ăn, uống, nhai, nếm, đại tiện, tiểu tiện. Mỗi hành động của thân đều biết rõ việc mình đang làm.
3) Quán những phần bất tịnh của thân: Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, là lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu.
4) Các giới hay các yếu tố: Thể xác do đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Kinh nói trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại.
5) Quán 9 phần khác nhau của tử thi tại nghĩa địa:
i. Thi thể sình, thối và tan rã
ii. Thi thể bị các loài thú ăn
iii. Thi thể còn lại là bộ xương, còn dính thịt và máu
iv. Các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt, nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại…
v. Các bộ xương không còn dính thịt, dính máu, còn được các đường gân cột lại.
vi. Chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia.
vii. Như thấy thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc.
viii. Chỉ còn một đống xương lâu hơn ba năm…
ix. Chỉ còn là xương thối trở thành bột.
B. NHỮNG PHÁP THUỘC VỀ “QUÁN THỌ”
Học bài kinh Vô Ngã Tướng, chúng ta biết rằng con người có hai phần Danh và Sắc. Danh là Tâm. Sắc là Thân. Tâm thì gồm có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Khi giác quan (thân) tiếp xúc với đối tượng thì ngay khi đó trong tâm có một trong ba cảm thọ khởi lên là: Lạc thọ, Khổ thọ hay trung tính bất lạc bất khổ (biết lạc, biết khổ, nhưng không bị chi phối gọi là bất lạc bất khổ, khác với vô ký là không biết gì hết).
Thọ là ngã ba đường, là lối rẻ đưa hành giả bước vào đường đời hứa hẹn hưởng thụ bao nhiêu lạc thú cùng bấy nhiêu khổ đau, hay hướng về con đường tu tập tâm linh thoát khổ giác ngộ giải thoát.
Quán thọ hay chánh niệm tỉnh giác nơi thọ, là nhận biết rõ cảm giác, cảm xúc dấy lên trong tâm. – Lạc thọ (dễ chịu) hành giả biết có lạc thọ. – Khổ thọ (khó chịu) hành giả biết có khổ thọ. – Bất lạc bất khổ, hành giả biết tâm bất lạc bất khổ.
Người thực hành thiền Tứ Niệm Xứ quán sát pháp sinh khởi một cách khách quan, không tìm cách trì giữ khi lạc thọ xuất hiện, cũng không tìm cách loại trừ khi khổ thọ có mặt. Trong kinh có tới 9 pháp thực hành trong đề mục quán Thọ.
1) Đó là cảm giác lạc thọ.
2) Cảm giác khổ thọ.
3) Cảm giác bất khổ, bất lạc.
4) Cảm giác lạc thọ thuộc về vật chất (mát mẻ dễ chịu).
5) Cảm giác lạc thọ không thuộc về vật chất (hỷ lạc, phấn khởi).
6) Cảm giác khổ thọ thuộc về vật chất (đau nhức, nóng lạnh).
7) Cảm giác khổ thọ không thuộc về vật chất (sầu, bi, ưu, khổ, não).
8) Cảm giác bất lạc, bất khổ thuộc về vật chất.
9) Cảm giác bất lạc, bất khổ không thuộc về vật chất.
C. CÁC PHÁP THỰC HÀNH THUỘC VỀ “QUÁN TÂM”
Tâm ở đây là Tâm hành bao gồm Tưởng và Hành như trong bài Ngũ Uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi trong tâm xuất hiện những hình ảnh hay suy nghĩ từ trong Tri giác (Tưởng), hay trong Tiềm thức trồi lên. Chúng ta biết có hình ảnh hay tư tưởng trong Tâm, nhưng không can thiệp vào.
Về đề mục quán Tâm, trong kinh Tứ Niệm Xứ ghi có 16 tiết mục để hành giả tu tập như:
1) Tâm có tham. 2) Tâm không tham. 3) Tâm có sân. 4) Tâm không sân. 5) Tâm có si. 6) Tâm không si. 7) Tâm thâu nhiếp. 8) Tâm tán loạn. 9) Tâm quảng đại. 10) Tâm không quảng đại. 11) Tâm hữu hạn. 12) Tâm vô thượng. 13) Tâm có định. 14) Tâm không định. 15) Tâm giải thoát. 16) Tâm không giải thoát.
Bất cứ hiện tượng nào xuất hiện trong Tâm, hành giả biết là có hiện tượng đó xuất hiện trong tâm và chỉ quán nó với chánh niệm tỉnh giác mà thôi. Thí dụ như có Tâm tham, hành giả tuệ tri “Tâm có tham”. Với Tâm thâu nhiếp, hành giả tuệ tri “Tâm được thâu nhiếp”, hay Tâm tán loạn, hành giả tuệ tri Ttâm bị tán loạn”. Chỉ tuệ tri thôi chứ không tham dự điều chỉnh theo ý muốn của mình.
D. CÁC ĐỀ MỤC THUỘC VỀ “QUÁN PHÁP”
Pháp đây là đối tượng của Tâm. Quán Pháp có năm đề mục như:
1) Quán năm triền cái: Quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm, thụy miên, trạo cử: lăn xăn dao động của thân, hối hận nuối tiếc dao động của tâm). Khi nội tâm có ái dục, hành giả “tuệ tri nội tâm tôi có ái dục” hay nội tâm không có ái dục, hành giả “tuệ tri nội tâm tôi không có ái dục”. Quán bốn triền cái kia cũng tương tự.
2) Quán năm thủ uẩn : Quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn. Biết rõ “Đây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt. Đây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt. Đây là tưởng, đây là tưởng tập, đây là tưởng diệt. Đây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt. Đây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt”. Biết rõ con người chỉ là năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đang hoạt động. Quán sát tánh “sanh diệt” của ngũ thủ uẩn.
3) Sáu nội ngoại xứ: Quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại xứ.
– Tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc. Do duyên 2 pháp này, Kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy.
– Tuệ tri tai và tuệ tri các âm thanh. Do duyên 2 pháp này, Kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy
– Tuệ tri mũi và tuệ tri các mùi hương. Do duyên 2 pháp này, Kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy
– Tuệ tri lưỡi và tuệ tri các vị. Do duyên 2 pháp này, Kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy.
– Tuệ tri thân và tuệ tri các xúc. Do duyên 2 pháp này, vị ấy tuệ tri như vậy.
– Tuệ tri Ý và tuệ tri các pháp. Do duyên 2 pháp này vị ấy tuệ tri như vậy.
– Và với Kiết sử sanh khởi, “vị ấy tuệ tri như vậy”. Kiết sử chưa sanh, nay sanh khởi, “vị ấy tuệ tri như vậy”. Kiết sử đã sanh nay đoạn diệt, “vị ấy tuệ tri như vậy”. Kiết sử đã đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, “vị ấy tuệ tri như vậy”.
4) Thất giác chi: Người tu tập quán pháp trên các pháp đối với bảy giác chi, biết rõ nội tâm “có hay không có sự hiện hành của Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Định giác chi, Xả giác chi”. Có thì biết có, không thì biết không.
Thí dụ nội tâm có Niệm Giác Chi, hành giả “tuệ tri nội tâm có Niệm Giác Chi”. Nội tâm không có Niệm Giác Chi, hành giả “tuệ tri nội tâm không có Niệm Giác Chi”. Với Niệm Giác Chi chưa sanh nay sanh khởi, hành giả “tuệ tri như vậy”, hoặc với Niệm Giác Chi đã sanh, nay được tu tập viên thành vị ấy “tuệ tri như vậy.”
5) Quán về Tứ Diệu Đế: Quán pháp trên các pháp đối với Bốn thánh đế. Như thật tuệ tri: “Đây là Khổ”, như thật tuệ tri: “Đây là Khổ tập”, như thật tuệ tri: “Đây là Khổ diệt”, như thật tuệ tri “Đây là con đường đưa đến Khổ diệt”.
III. PHƯƠNG THỨC THỰC HÀNH THIỀN TỨ NIỆM XỨ
VÀ THIỀN ĐỊNH KHÁC NHAU NÊN KẾT QUẢ CŨNG KHÁC NHAU
Tứ Niệm Xứ khác với Định ở chỗ hành giả chuyên tu Định, tùy mức độ, tâm vị đó đi đến chỗ yên lặng có hỷ lạc, hay hoàn toàn định tĩnh, vắng lặng (tầng thiền thứ Tư). Nếu dính mắc với hỷ lạc thì không đạt giải thoát giác ngộ vì trong tâm vẫn còn vướng mắc với tham dục.
Trong thời thiền nếu vọng tưởng khởi lên, người tu thiền Định áp dụng phương thức quay về với chủ đề tu tập để tâm yên lặng. Nếu hành giả kinh niệm tâm yên lặng, chìm sâu vào định, không biết gì hết. Đó là tâm hành giả bị rơi vào tình trạng si định.
Công năng của thiền Định là cô lập lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tùy miên, diệt tham sân si. An trú trong định thì ba nghiệp thanh tịnh.
Còn thực hành Tứ Niệm Xứ thì khác. Tứ Niệm Xứ là tu Quán. Quán (Vipassana) thì không cần nhập định sâu, chỉ cần sát-na định hay cận-hành định, tâm yên lặng ở trạng thái Chỉ (samatha), lúc đó Trí năng tỉnh ngộ nhận diện những gì xảy ra trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp, nhưng không xen vào hoạt động của các đối tượng. Đối tượng xuất hiện như thế nào hành giả chỉ đơn thuần nhận diện và quán sát trong chánh niệm tỉnh giác mà thôi!
Kết quả của thực hành Tứ Niệm Xứ là phát huy trí huệ, chứng quả A-na-hàm (Bất hoàn) là thánh quả thứ ba trong A-La-Hán đạo, đã được đức Phật mô tả trong kinh Tứ Niệm Xứ: “Này các Tỳ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ”.
Nói chung thực tập Tứ Niệm Xứ là quán chiếu về sự sinh khởi và hoại diệt của mọi hiện tượng, bắt đầu từ thân thể chúng ta là: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Qua sự thực tập quan sát đó, hành giả sẽ thành tựu giác ngộ về: Vô thường và Vô ngã. Vô thường là sự thay đổi tính theo thời gian chi phối mọi sự vật bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai. Vô ngã là bản chất không thực chất tính trong từng sự vật và hiện tượng, trong đó có con người.
IV. CÁCH QUÁN “THÂN-THỌ-TÂM-PHÁP”
Đức Phật dạy cho chúng ta một số phương pháp căn bản để đem tâm về hiện tại. Hiện tại này là thời khắc bây giờ và ở đây, chứ không lang thang với quá khứ (hôm qua), hiện tại (hôm nay) và vị lai (ngày mai). Trong kinh gọi pháp này là Chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm là biết (tuệ tri) không suy nghĩ về đối tượng, tức biết cái đang là của đối tượng.
Con người có bộ não để ghi nhận, suy nghĩ và hiểu biết. Nhưng nếu suy nghĩ nhiều quá khiến người ta mất nhiều năng lượng. Có khi vì suy nghĩ quá nhiều, đầu óc mệt mõi, chúng ta nhìn vấn đề một cách lệch lạc. Cho nên học Thiền, chủ ý chận đứng sự suy nghĩ. Đầu tiên là Thiền Chỉ. Khi nào dừng niệm vững chắc thì có Định. Nhưng tu tập Tứ Niệm Xứ không đi sâu vào Định. Trong trạng thái tâm yên lặng, hành giả thực tập Quán trên các đối tượng Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
Quán Thân, thực hành đề mục hơi thở. Khi thở vô, cảm nhận hơi thở vô từ chớp mũi xuống lồng ngực, xuống bụng nơi đan điền. Khi thở ra, cảm nhận hơi thở từ đan điền lên lồng ngực ra đầu mũi. Chỉ cảm nhận sự vận hành của hơi thở ra vô như vậy thôi, không xen vào điều chỉnh hơi thở ngắn dài theo ý muốn.
Trong thân hay ngoài thân xuất hiện sự kiện gì, chẳng hạn như cảm thấy trong người phát hơi ấm, da mặt rần rần như có kim châm, nhột nhột trên da đầu hay dây thần kinh trên đỉnh đầu nhịp nhịp, trong lồng ngực có cái gì di động dễ chịu v.v… Khi phát hiện những sự kiện này, hành giả chỉ cần nhận diện và đặt niệm biết ngay chỗ xảy ra hiện tượng đó mà không suy nghĩ, không xua đuổi dù cảm giác khó chịu (bất lạc thọ) hay cảm giác dễ chịu (lạc thọ) cũng không trì giữ. Quan sát hiện tượng từ lúc mới phát hiện (sanh khởi) đến lúc hiện tượng đó tan biến (hoại diệt). Như vậy là hành giả có chánh niệm trong lúc hành thiền.
Khi tâm yên lặng, hành giả sẽ phát giác rất nhiều sự kiện xảy ra trên Thân, Thọ, Tâm và Pháp. Có lúc hành giả ngồi lâu nhức chân hay tê chân, hành giả quán chỗ đang đau nhức hay đang tê. Khi có sự kiện bực bội khởi lên trong tâm. Hành giả nhận ra ngay hành giả đang bực bội, tức nhận biết trong tâm hiện đang có sân (vi tế). Đó là một trong năm triền cái xuất hiện trong thời thiền, hành giả nhận diện có một trong năm triền cái xuất hiện, và chỉ quán sát nó, chứ không tìm cách đè nén hay tạo áp lực nào khác để xua đuổi. Như vậy là hành giả đang thực hành thiền Tứ Niệm Xứ, quán nội tâm.
Đó là trong lúc ngồi thiền. Còn trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta cũng có thể hành thiền Tứ Niệm Xứ bằng cách giữ chánh niệm lúc ăn, uống, thay quần áo, tắm rửa, tiểu tiện, đi bộ, lái xe, quét nhà, rửa chén, lặt rau v.v… Bất cứ làm việc gì chúng ta cũng có thể thực tập giữ chánh niệm trên một trong bốn xứ Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
Thí dụ như khi tay cầm ly nước, đưa lên miệng uống. Khi nước vào miệng, mình cảm nhận nước thấm vào lưỡi xuống cuống họng. Nước đi tới đâu mình cảm nhận, tức có cái biết không lời tới đó. Đây là cái biết đầy đủ, rõ ràng, ngay bây giờ và ở đây, thuật ngữ gọi là “có chánh niệm tỉnh giác trong việc uống nước”.
Tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày, khi giác quan tiếp xúc đối tượng, chúng ta chỉ nhận diện, thấy cái đang là của đối tượng, mà không suy nghĩ tìm hiểu chi tiết gì về đối tượng cả. Nhưng nếu giác quan tiếp xúc đối tượng, do duyên hai pháp này gặp nhau khiến Kiết sử sanh khởi, tức bị trói buộc dính mắc với thương yêu hay ghét bỏ, thì hành giả chỉ “tuệ tri trạng thái tâm như vậy” thôi! Tóm lại nền tảng của quán trong Tứ Niệm Xứ là “Chánh niệm tỉnh giác”.
Để đi đến kết luận chúng tôi mạn phép trích một đoạn văn trong bài “Chứng Ngộ Thực Tại Và Tứ Niệm Xứ” do cố Hòa Thượng Thông Triệt thuộc dòng Thiền Tánh Không viết như sau:
“An lạc không đến bằng kiến thức, bằng tranh cãi hay bày tỏ quan điểm, an lạc được chế tác thông qua việc thực tập. Chứng ngộ thực tại tột cùng là chứng ngộ Niết-bàn. Không thể nào cầu xin một đấng thần linh hay thượng đế ban điều đó cho mình, tự mình phải thực tập và chứng ngộ. Nhưng thực chất chẳng có gì chứng ngộ cả, chỉ có mình an trú hoàn toàn trong hiện tại mà thôi. Chánh niệm là bước thực tập căn bản và thực hành Tứ Niệm Xứ dẫn hành giả đi đúng đường.
Tất cả bốn cách quán của Tứ Niệm Xứ đều dựa trên nền tảng của “Niệm Biết không lời” và “Niệm Biết như vậy”. Trước khi thực hành Tứ Niệm Xứ, người thực hành phải trải qua kinh nghiệm hai loại niệm căn bản nói trên. Thông qua cách thực hành Tứ Niệm Xứ, người thực hành sẽ đạt được hài-hòa nội tâm, hài hòa thân-tâm, phát huy trí huệ tâm linh, đạt được Chánh trí, và chứng ngộ Niết-bàn từ trong nhận thức khách quan của chính mình. Nhận thức khách quan này chính là “Tâm Tathà”. Đây là thành quả của trạng thái tâm hoàn toàn thanh tịnh: không ý ngôn, không tầm, không tứ.
Tâm từ dính mắc nhiều đến bớt dính mắc và cuối cùng là không còn dính mắc. Đó là không còn tập khí, lậu hoặc, kiết sử, tùy miên. Qua trạng thái tâm thanh tịnh, vị ấy liền vượt qua tất cả sầu não. Nhờ vậy vị ấy mới tự điều chỉnh hay chữa được bệnh của thân và bệnh của tâm. Đây là trạng thái thân-tâm hài-hòa; kinh gọi là “diệt trừ khổ ưu”. Kết quả sâu sắc hơn là vị ấy bắt đầu phát huy được trí huệ tâm linh, và nhận ra được Niết-bàn.” (hết trích).
Hòa Thượng Tánh Không đã xác nhận “Chánh niệm là bước thực tập căn bản và thực hành Tứ Niệm Xứ dẫn hành giả đi đúng đường”. Và ngài đã lý giải theo tuệ giác của ngài về câu nói độc nhất vô nhị của đức Phật dặn dò các vị Tỳ-kheo trong kinh Tứ Niệm Xứ, đó là câu: “Này các Tỳ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ.”
V. KẾT LUẬN
Rốt cuộc thì câu hỏi nếu trước giờ chúng ta chuyên tu Định, có kinh nghiệm Định, bây giờ có thể tiếp tục tu Quán hay không? Câu trả lời là không có gì trở ngại, không có gì chống trái.
Để yên tâm, chúng ta ôn lại một chút về cuộc đời tu tập của đức Phật và nguyên tắc hoằng pháp của ngài. Chúng ta thấy con đường tu của đức Phật thể hiện theo đúng nguyên tắc Giới-Định-Huệ. Đó là sáu năm tu khổ hạnh trong rừng già, ngài đã tự chiến thắng tham dục, khát ái, không còn tham sân si. Đời sống đạo đức của ngài thật viên mãn. Sau bốn tuần lễ, thiền Định qua pháp Thở, ngài kinh nghiệm trạng thái tâm thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, định tĩnh, ngoài lý luận… thuật ngữ gọi là Tâm Tathà. Trong trạng thai tâm quảng đại đó, ngài quán chiếu và chứng ngộ ba minh, tức ngài tu thiền Huệ. Vài tuần sau cũng trong trạng thái tâm định tĩnh này, ngài quán chiếu hiện tượng thế gian, nhận ra chân lý của vạn pháp, chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Sau này khi đi giáo hóa, đức Phật cũng dạy đệ tử tu tập theo nguyên tắc Giới-Định-Huệ tức sống đạo đức, ly dục ly bất thiện pháp, tu thiền Định và thiền Huệ. Cụ thể là nội dung giáo lý Tứ Diệu Đế, đức Phật tuyên thuyết về bốn sự thật: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Trong bốn đế, Đạo đế là quan trọng nhất vì nó nêu rõ nguyên tắc Giới-Định-Huệ mà người tu hành muốn thoát khổ, giác ngộ, giải thoát không thể bỏ qua một yếu tố nào.
Ngày nay tu tập, hành giả cần theo đúng đường lối của Phật dạy. Đó là sống đạo đức không phạm giới đã lãnh thọ, tu Định kinh nghiệm tâm yên lặng, tịnh hóa nội tâm, dẹp tham sân si. Tu Quán để phát huy trí huệ. Trong Nhận thức khách quan không lời, hành giả nhận ra được cả hai mặt tục đế và chân đế của thế giới hiện tượng, trong đó con người. Đó là hành giả có chút thành quả nhờ hành trì đúng pháp, và giữ đúng nguyên tắc Giới-Định-Huệ. Như vậy, có nghĩa là hành giả đang từng bước đi theo con đường mòn chư Phật đã đi qua./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
09-9-2021
Tài liệu:
– Kinh Nikãya, Trung Bộ, Bài số 10: Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna Sutta)
– “Phương tiện thực hành Kinh Tứ Niệm Xứ” do cố Hòa Thượng Thích Thông Triệt biên soạn tháng 10/2015.
Discussion about this post