TRONG PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA
Thích Nguyên Hiệp
Phương tiện thiện xảo được đề cập đến trong nhiều kinh sách Đại thừa, và có ba bản kinh nhấn mạnh khái niệm này là Pháp Hoa, Duy Ma Cật và Thiện Phương Tiện. Ở đây tôi chỉ sẽ tìm hiểu khái niệm phương tiện nơi ba bản kinh này.
Ở bài viết trước, chúng ta đã bàn về một vài khía cạnh của khái niệm Phương tiện thiện xảo trong Nikaya. Bài này sẽ tìm hiểu khái niệm phương tiện trong Phật giáo Đại thừa. Phương tiện thiện xảo được đề cập đến trong nhiều kinh sách Đại thừa, và có ba bản kinh nhấn mạnh khái niệm này là Pháp Hoa, Duy Ma Cật và Thiện Phương Tiện. Ở đây tôi chỉ sẽ tìm hiểu khái niệm phương tiện nơi ba bản kinh này. Và những trình bày ở đây cũng chỉ là khái lược.
Phương tiện thiện xảo trong kinh Pháp Hoa (Saddharmapuṇḍarīka Sūtra)
Kinh Pháp Hoa đặc biệt quan trọng đối với Phật giáo Đại thừa, và có thể nói là một trong những bản kinh phổ biến nhất. Kinh Pháp Hoa đề cập đến một số giáo lý quan trọng như Nhất thừa, Phật tính và Phương tiện. Về khía cạnh “tín ngưỡng”, bản kinh nhấn mạnh vào Tín (śraddhā), với các tín ngưỡng thờ tháp, tụng đọc kinh sách, mà về phương diện lịch sử đã phản ánh một trào lưu thực hành tôn giáo vào thời điểm bản kinh hình thành.
Kinh Pháp Hoa thể hiện một sự dung hoà tông phái, mong muốn đưa tất cả các pháp môn và các “thừa” (yāna) về một nguồn. Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ-tát thừa chỉ là những phương tiện đưa đến Phật thừa; và do đó không có gì chống trái nhau mà chỉ là những phương tiện tạm thời trong con đường tu tập. Và kinh Pháp Hoa cho rằng “vì không có thừa thứ hai trong mười phương thế giới, có thể nào lại có thừa thứ ba!”
Phẩm Thí Dụ của kinh Pháp Hoa kể câu chuyện về căn nhà đang bóc cháy trong khi những người con của vị trưởng giả cứ mãi say chơi bên trong. Vị trưởng giả vì muốn cứu các con ra khỏi ngôi nhà lửa ấy nên bảo các con ông hãy ra bên ngoài và hứa sẽ cho họ “xe hươu, xe dê, xe trâu”. Những loại “xe” khác nhau này chỉ là những phương tiện để đưa những người con trong ngôi nhà lửa đang bóc cháy thoát ra khỏi đó. Nhưng khi những người con của ông đã thoát ra khỏi ngôi nhà lửa rồi, thì ông đều cho họ cùng một loại xe, lớn và đẹp.
Kinh Pháp Hoa cho rằng quả vị cuối cùng của một hành giả là Phật quả, bởi vì tất cả chúng sanh đều có Phật tính. Nhưng con đường tu tập của hành giả có thể khác nhau do vì căn cơ sai biệt. Và do vì căn cơ của chúng sanh không giống nhau, chư Phật đã phải sử dụng những phương thức giáo hoá khác nhau. Nhưng những phương thức giáo hoá khác nhau này cuối cùng sẽ đưa đến một đích chung, đó là Phật thừa: “Xá-lợi-phất, chư Phật trong quá khứ sử dụng vô số phương tiện thiện xảo, những nguyên tắc và các điều kiện khác nhau, cùng những ngôn từ so sánh và minh họa để giảng giải giáo pháp vì lợi ích của chúng sanh. Tất cả những giáo pháp này vì một Phật thừa duy nhất. Tất cả chúng sanh, qua việc lắng nghe giáo pháp của chư Phật, cuối cùng có thể đạt được nhất thiết chủng trí.”
Kinh Pháp Hoa trình bày nhiều câu chuyện và ẩn dụ khác nhau để nói đến sự thiện xảo trong phương tiện giáo hoá của chư Phật. Con đường luân hồi vời vợi, chúng sanh hẳn đôi khi cần đến những trạm dừng chân tạm thời. Có những giáo pháp chỉ như “những thành quách được hoá hiện” cho chúng sanh tạm ngơi nghỉ, để sau đó tiếp tục hành trình tìm đến quả vị Phật mà nó vốn không phải là con đường dễ dàng. Giáo pháp là “dược thảo”, có thể chữa lành bệnh khổ của chúng sanh, nhưng để chúng sanh sử dụng “thuốc” đó cũng phải cần đến phương tiện…
Kinh Pháp Hoa cho rằng sự xuất hiện của chư Phật ở thế gian này là để khai mở “tri kiến Phật” cho tất cả chúng sanh, giúp chúng sanh thấy rõ Phật tính của mình, và sự xuất hiện của đức Phật ở cõi đời là một phương tiện vì lợi ích của chúng sanh: “Chư Phật, chư Thế Tôn, muốn mở cánh cửa tri kiến Phật đối với tất cả chúng sanh, để đưa họ đến thanh tịnh. Đó là tại sao chư Phật xuất hiện ở đời. Chư Phật muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh, và do đó chư vị xuất hiện ở đời. Chư Phật muốn giúp chúng sanh thấy rõ tri kiến Phật, do đó chư vị xuất hiện ở đời. Chư Phật muốn giúp chúng sanh đi vào con đường tri kiến Phật, và do đó chư vị xuất hiện ở đời. Xá-lợi-phất, đây là lý do chính yếu đức Phật xuất hiện ở đời.”
Phương Tiện Thiện Xảo Trong Kinh Duy Ma Cật (Vimalakīrtinirdeśa Sūtra)
Kinh Duy Ma Cật đề cập đến một số giáo lý quan trọng như Tánh không, Nhị đế, Bất nhị và Phương tiện, cũng như đề cập đến những giáo pháp căn bản khác như vô thường, khổ và vô ngã… Kinh Duy Ma Cật cũng nỗ lực trình bày một phương cách thực hành Phật pháp ở bên ngoài đời sống tự viện. Nói cách khác, Kinh Duy Ma Cật trình bày một phương cách thực hành Phật pháp ở nơi đời sống trần tục, không bị rào cản vào trong một hình thức và giới hạn ở nơi một phạm vi nào.
Cũng như kinh Pháp Hoa, kinh Duy Ma Cật dành riêng một phẩm để nói về giáo lý phương tiện. Tuy nhiên cũng có thể nhận thấy rằng, tinh thần “phương tiện” hiện diện xuyên suốt bản kinh này. Đoạn mở đâu của phẩm Phương Tiện giới thiệu về trưởng giả Duy Ma Cật, nhân vật chính của bản kinh này, cũng được xem là người thực hiện phương tiện một cách thiện xảo: “Bấy giờ, trong thành Tỳ-da-li có vị trưởng giả tên Duy-ma-cật, hằng cúng dường vô lượng Phật, trồng sâu gốc rễ thiện, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, có tài biện thuyết vô ngại, hiện du hí thần thông, nắm vững các tổng trì, đạt được vô sở uý; khuất phục mọi thù nghịch quấy nhiễu của Ma, thấu hiểu mọi Pháp môn sâu thẳm, dẫn đến giác ngộ, thiện xảo trong trí độ và biết diệu dụng các phương tiện thích hợp để giáo hóa, hoàn thành được mọi đại nguyện của Bồ tát. Ông biết rõ xu hướng của tâm của chúng sinh, có thể phân biệt căn tính bén nhạy hay chậm lụt. Đã từ lâu tâm của ông đã thành thục trong Phật đạo, đã quyết định nơi Đại thừa. Mọi hành động của ông đều dựa trên tư duy chân chánh. An trú trong oai lực nhiệm mầu của Phật, tâm ông luôn trải rộng như đại dương. Được chư Phật ca ngợi; hàng Đế-thích và Phạm-thiên kính phục.” (TT. Tuệ Sỹ dịch).
Qua đoạn kinh trên, phương tiện trước hết là cách sử dụng những phương pháp thích hợp khác nhau để hoá độ chúng sanh. Nhân vật Duy Ma Cật trong bản kinh được đề cập đến như một vị Bồ-tát tại gia thành đạt trong đời sống trần tục, nhưng lại am hiểu và thực hành rốt ráo Phật pháp; và hơn hết, có khả năng sử dụng “vô vàn phương tiện để giảng dạy chánh Pháp vì lợi ích của chúng sinh.” Sự xuất hiện với hình thức cư sĩ của ông, và việc ông “diệu dụng” tham gia vào những công việc ở đời, đều là những phương tiện qua đó ông có thể truyền trao giáo pháp và làm lợi ích chúng sanh: “Ông đã vận dụng phương tiện chọn Tỳ-da-li làm nơi thường trú để hoá độ chúng sinh. Bằng gia sản vô lượng của mình, ông cứu giúp người cùng khổ. Bằng sự thanh tịnh của giới, ông nhiếp phục người phá giới. Bằng sự nhu hoà thuận nhẫn, ông nhiếp phục người sân hận. Bằng đại tinh tấn, ông nhiếp phục người biếng nhác…. Tuy là cư sĩ ông vẫn tự tại không vướng mắc ba cõi. Tuy thị hiện có vợ con ông luôn sống đời tịnh hạnh. Tuy hiện thân giữa các thuộc hạ, vẫn thường vui thú viễn ly… Tiếp nhận dị đạo mà không hủy chánh tín. Thông hiểu kinh điển thế gian, nhưng thường hâm mộ Pháp Phật… Rong chơi trên các ngõ đường, vẫn không quên giúp ích mọi người. Vào chốn công đường để bảo vệ kẻ thế cô. Tham gia các nghị hội để đưa người vào Đại thừa. Đến các trường học để khai sáng tâm mọi người. Vào nơi kỹ viện để cho thấy tai họa của dục vọng. Vào trong tửu lâu mà vẫn vững vàng ý chí…” (TT. Tuệ Sỹ dịch).
Bồ-tát đi vào đời với tâm từ bi vô lượng. Với “phương tiện huệ”, Bồ-tát nhận thấy rằng chính mình với chúng sanh là “bất nhị”. Khổ đau của người khác, do đó, cũng như khổ đau của chính bản thân mình. Bởi vì chúng sinh bệnh khổ nên Bồ-tát cũng bệnh khổ. Mỗi khi bệnh của chúng sinh được chữa lành thì Bồ-tát sẽ lành bệnh. Bệnh của Bồ-tát, do đó, là sự thể hiện của từ bi. Nói cách khác, bệnh của Bồ-tát là phương tiện qua đó chỉ cho chúng sanh thấy được khổ, nguyên nhân và cách thức thoát khổ: “Si và hữu ái là nguồn gốc của bệnh tôi. Vì hết thảy chúng sinh bệnh mà tôi bệnh. Bao giờ hết thảy chúng sinh đạt đến chỗ không bệnh, bệnh tôi sẽ hết. Vì sao? Bồ tát, vì chúng sinh mà đi vào sinh tử. Có sinh tử thì có bệnh. Nếu hết thảy chúng sinh được thoát ly bệnh khổ thì Bồ tát không còn bệnh. Ví như, vị trưởng giả chỉ có đứa con một; khi người con ấy bị bệnh, cha mẹ nó cũng bị bệnh. Nếu nó bình phục, cha mẹ nó khỏe. Cũng vậy, Bồ tát yêu thương chúng sinh như cha mẹ yêu con, nên chúng còn bệnh thì Bồ tát còn bệnh; khi chúng hết bệnh, Bồ tát khỏe! Câu hỏi tiếp theo là, bệnh của Bồ tát từ đâu phát sinh? Bệnh của Bồ tát xuất phát từ tâm đại bi.” (TT. Tuệ Sỹ dịch).
Bởi vì căn tánh và nghiệp lực của chúng sanh trong cõi đời không hề giống nhau, nên không có một hình thức hoá độ được ấn định bất biến dành cho tất cả mọi hạng người, không có một giáo pháp hay một pháp môn duy nhất dành cho tất cả. Bởi vì khổ đau của chúng sanh với muôn hình vạn trạng, Bồ-tát đi vào đời với những phương tiện khác nhau để làm lợi ích chúng sanh, không chỉ bằng một phương thức duy nhất. Và bởi vì những điều kiện quốc độ không giống nhau, “Phật sự” của chư Bồ-tát không có cùng một khuôn mẫu. Dó đó: “Có cõi Phật lấy ánh quang minh của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy chư Bồ tát làm Phật sự. Có cõi lấy hóa nhân làm Phật sự. Có cõi lấy cây bồ-đề làm Phật sự. Có cõi lấy y phục, ngọa cụ của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy cơm làm Phật sự. Có cõi lấy hoa viên, đền các làm Phật sự. Có cõi lấy ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy thân Phật làm Phật sự. Có cõi lấy hư không làm Phật sự; chúng sinh nhờ các duyên này mà có thể nhập luật hạnh…” (TT. Tuệ Sỹ dịch). Tinh thần này hẳn không chỉ tồn tại trong kinh sách, mà có thể thấy rõ ở nơi đời sống thực tế. Và để thực hiện điều này, Bồ-tát cần phải có đủ trí tuệ và từ bi.
Kinh Duy Ma Cật cũng coi phương tiện là cách giúp hành giả thoát ra khỏi sở chấp và bám víu. Bám ví, dù vào vị ngọt của thiền hay những quả vị tu chứng đều bị coi là trói buộc: “Cho nên, Bồ tát chớ tự trói buộc mình. Thế nào là trói buộc? Thế nào là cởi mở? Tham đắm vị ngọt của thiền là trói buộc của Bồ tát. Bằng phương tiện mà tái sinh, đó là Bồ tát cởi trói. Lại nữa, không có phương tiện huệ là trói buộc; có phương tiện huệ là cởi trói. Không có huệ phương tiện là trói buộc; có huệ phương tiện là cởi trói.” Do đó Bồ-tát thiện xảo trong phương tiên sẽ “Tu học Không mà chẳng lấy Không làm chỗ chứng đắc; tu học Vô tướng, Vô tác mà không lấy Vô tướng, Vô tác làm sở chứng; tu học vô khởi mà không lấy vô khởi làm sở chứng; quán vô thường mà không nhàm chán gốc thiện; quán sự khổ của thế gian mà không chán ghét tử sinh; quán vô ngã mà dạy người không mệt; quán niết bàn mà không vĩnh viễn tịch diệt; quán viễn ly mà thân tâm vẫn thường hành việc thiện; quán không có chỗ quy về mà tâm vẫn quy về thiện pháp; quán vô sinh nhưng vẫn bằng sinh pháp mà gánh vác tất cả; quán vô lậu mà không đoạn trừ các lậu; quán không có chỗ sở hành mà vẫn hành pháp giáo hóa chúng sinh; quán Không mà không xả đại bi; quán chánh pháp vị mà không theo lối Tiểu thừa; quán các pháp hư vọng, không bền chắc, không người, không chủ, không hình tướng, nhưng vì bản nguyện chưa đầy nên không xem là hư dối các công đức, thiền định, trí tuệ.” (TT. Tuệ Sỹ dịch).
Như đã nói ở trên, kinh Duy Ma Cật nhấn mạnh việc thực hành Phật pháp ngay nơi đời sống thường nhật thế gian. Vì nhấn mạnh vào điều này, nhiều nơi trong kinh Duy Ma Cật đã phê bình cách hiểu và thực hành Phật pháp truyền thống. Phương tiện trong kinh Duy Ma Cật, do đó cũng là cách vượt qua khỏi những gì được cho là khuôn mẫu. Chúng ta có thể tìm thấy điều này nơi phẩm “Chúng đệ tử”: “Bất tất ngồi như vậy mới là ngồi tĩnh niệm. Hiện thân và ý mà không ở trong ba cõi, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện các oai nghi mà vẫn không xuất khỏi diệt tận định, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện thân làm các việc phàm phu mà không xả Đạo pháp, ấy mới là tĩnh tọa. Tâm không trụ trong, không trụ ngoài, ấy mới là tĩnh tọa. Tu hành ba mươi bảy phẩm mà không làm dao động các kiến chấp, ấy mới là tĩnh tọa. Nhập Niết bàn mà không đoạn trừ phiền não, ấy mới là tĩnh tọa. Ngồi được như vậy, thì mới được Phật ấn khả.” (TT. Tuệ Sỹ dịch).
Phương tiện thiện xảo trong kinh Thiện Phương Tiện (Upāyakauśalya Sūtra)
Trong kinh Thiện Phương Tiện, phương tiện có thể được phân thành hai phần: cuộc đời của đức Phật Thích Ca là một sự thể hiện phương tiện thiện xảo, và phương tiện thiện xảo là những việc làm đặc biệt của chư Bồ-tát.
Theo kinh này, cuộc đời của đức Phật từ lúc nhập vào thai tạng cho đến khi niết-bàn là một quá trình thực hiện những phương tiện thiện xảo. Kinh Thiện Phương Tiện cho rằng việc đức Phật đản sinh vào trong hoàng cung, kết hôn và sau đó xuất gia, đều là những phương tiện. Những sự kiện đó nhằm cho chúng sanh thấy rằng, cuộc sống dù quyền quý, giàu sang và đầy lạc thú, nhưng việc xuất gia, giác ngộ thành Phật lại cao quý hơn.
Kinh này cũng cho rằng, đức Phật nhập thai tạng và xuất hiện ở cõi đời không phải do nghiệp lực, mà Ngài xuất hiện vì hạnh nguyện giáo hoá chúng sanh. Đức Như Lai đã thành Phật từ vô lượng kiếp, sự thành Phật dưới cội bồ đề chỉ là một phương tiện thiện xảo. Hay nói như kinh Duy Ma Cật, “đức Phật hiện thân trong đời năm trược ác, hiện hành pháp này để cứu độ chúng sinh.”
Phương tiện của chư Bồ-tát là việc thực hiện rốt ráo các ba-la-mật với mong muốn chứng đạt giác ngộ và cứu độ chúng sanh. Kinh Thiện Phương Tiện cho rằng, một vị Bồ-tát dù bố thí một mẩu thức ăn nhỏ cho một con thú, thì việc bố thí đó phải hướng đến việc cầu trí tuệ giác ngộ và hồi hướng phước đức có được cho chúng sanh. Và bằng phương tiện thiện xảo, khi Bồ-tát thực hiện một việc làm bố thí, thì đồng thời cũng đang thực hiện các ba-la-mật còn lại. Kết thúc phần nói về phương tiện của chư Bồ-tát, kinh Thiện Phương Tiện nói rằng: “Kāśyapa, chư Đại Bồ-tát tu tập phương tiện thiện xảo thì có vô lượng đức tính. Kāśyapa, vị Đại Bồ-tát sẽ không thực hiện việc gì làm hại mình hay hại người, cũng không nói lời làm hại mình hay hại người.” Như vậy, phương tiện thiện xảo cũng là không làm hại mình, hại người; và tích cực hơn, là làm lợi mình lợi người.
Tuy nhiên, kinh Thiện Phương Tiện đã thuật lại một số câu chuyện mà chúng đặt ra những thách thức về giới luật và đạo đức. Kinh này kể lại một số trường hợp, các Bồ-tát để thực hiện phương tiện thiện xảo vì lợi ích của chúng sanh, hay vì lợi ích của số đông, đã vượt qua nhưng giới luật căn bản.
Kinh kể lại câu chuyện rằng, vào một tiền kiếp, đức Phật là một vị Bồ-tát dẫn đầu một đoàn thương buôn 500 người. Và trong số này có một tên cướp trà trộn vào và y đã manh tâm muốn sát hại đoàn thương nhân để đoạt tài sản. Bồ-tát biết được dã tâm của tên cướp và ngài nghĩ rằng, nếu ngài giữ im lặng và để tên cướp kia thực hiện hành vi “giết người cướp của” thì y sẽ lãnh quả báo đọa vào địa ngục. Còn nếu Bồ-tát tiết lộ cho đoàn thương nhân biết ý đồ của tên cướp, đoàn thương nhân chắc chắn sẽ phẫn nộ và ra tay trừng phạt tên cướp kia, và như vậy đoàn thương nhân cũng sẽ chịu quả báo rơi vào đường ác. Và kinh này cho rằng, sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, vì lòng từ bi, Bồ-tát đã ra tay hạ sát tên cướp kia, để cho y và đoàn thương nhân tránh được nghiệp xấu và khỏi rơi vào ác đạo. Việc làm này của Bồ-tát, được bản kinh xem là một phương tiện thiện xảo.
Phương tiện trong bản kinh này, cũng như một vài trường hợp mà chúng ta có thể gặp ở phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, đã đặt ra những tranh luận về vấn đề đạo đức. Nếu như giới không sát sinh phải áp dụng vào trong mọi trường hợp, thì như vậy một hành động sát sinh với động cơ nào đi nữa, cũng trở thành sai. Nhưng đạo đức của Đại thừa được đặt cơ sở trên lòng từ bi, vì lợi ích của chúng sanh hay lợi ích của số đông, và như vậy thực hiện phương tiện thiện xảo trong nhiều trường hợp là thực hiện một “đạo đức tình huống.” Nhiều câu chuyện trong kinh này đặt ra những tình huống “nan giải” giữa việc phải chịu vi phạm giới luật hay làm tổn hại lòng từ bi. Tức rằng, nếu Bồ-tát thực hành điều đó ngài sẽ phạm giới, nhưng nếu không thực hiện, ngài sẽ làm tổn hại lòng từ bi. Một hành động đúng hay sai, như vậy, phải được đặt vào trong từng ngữ cảnh hay tình huống cụ thể, và ngay cả động cơ của người thực hiện hành động đó (tuy nhiên, để biết được động cơ điều này lại rất khó).
Phương tiện ở đây, do đó, là một sự linh hoạt trong hành động để thích ứng với từng hoàn cảnh cụ thể, là một khả năng thích ứng ngữ cảnh được đặt cơ sở trên trí tuệ và lòng từ bi. Tức Bồ-tát thực hiện một hành động, có khi hành động đó vượt ra khỏi giới luật, nhưng vì lợi ích của chúng sanh, Bồ-tát quyết định làm.
Từ những xem xét sơ lược về khái niệm phương tiện được đề cập trong những bản kinh ở trên, chúng ta có thể tóm tắt lại như sau: phương tiện là những cách thức giáo hoá khác nhau của đức Phật, tuỳ theo khả năng và căn cơ của chúng sanh mà trao cho họ những giáo pháp thích hợp; Phật giáo có các thừa (yāna) khác nhau, nhưng những thừa này chỉ là phương tiện để đưa đến một thừa cuối cùng là Phật thừa; Phương tiện là tinh thần không bám víu vào pháp môn và quả vị tu chứng; phương tiện là trí tuệ thấy rõ tính không của các pháp và sống bằng một tinh thần không thủ chấp; sự đản sanh của đức Phật ở cuộc đời này là một phương tiện vì lợi ích của chúng sanh; phương tiện là làm việc vì lợi ích của người khác; và phương tiện là khả năng giải quyết những tình huống nan giải, giữa việc vi phạm giới luật và việc làm tổn hại lòng từ bi, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của tha nhân…
Discussion about this post