Nhận Thức về Điều Gì Đang Xảy Ra Bên Trong và Bên Ngoài
Để tránh các vấn đề, có phải lúc nào chúng ta cũng phải tập trung tinh thần không?
Để tránh các vấn đề, có phải lúc nào chúng ta cũng phải tập trung tinh thần không? Theo một ý nghĩa nào đó, điều này đúng. Nhưng đó không phải là hình ảnh trọn vẹn. Ví dụ, ta có thể rất tập trung vào việc la hét và đánh đấm một người nào đó, thế nhưng đó không phải là hình ảnh trọn vẹn. Ta cũng cần sự tỉnh thức theo ý nghĩa là ta cần nhận thức được điều gì đang diễn ra bên trong – những suy nghĩ, cảm xúc của mình, v.v… – và đồng thời, nhận thức và cảnh giác đối với những gì đang diễn ra xung quanh mình, với những người khác. Khi một người nào đó về đến nhà – một thành viên trong gia đình ta, hay một người thân yêu, hay bất cứ ai – bạn thấy rằng có lẽ họ rất mệt, rất là mệt. Bạn phải cảnh giác về điều đó. Đó không phải là lúc khởi đầu một cuộc thảo luận lớn với họ về điều gì quan trọng, vì họ đang mệt. Thế nên bạn sẽ luôn luôn muốn có sự tỉnh táo, chú tâm, tập trung vào những gì đang diễn ra xung quanh mình. Bạn cần phải biết hoàn cảnh của người khác ra sao, chứ không chỉ hoàn cảnh của mình mà thôi.
Vì vậy, chúng ta không đi đến một cực đoan, chỉ nhận thức về bản thân mình và không nhận thức về người khác; hoặc rơi vào một cực đoan khác, chỉ chú ý đến người khác và không chú ý đến bản thân. Đó cũng là một cực đoan cần phải tránh. Nhiều người có hội chứng về việc không thể nói “không,” và vì thế, họ luôn luôn làm nhiều việc cho những người khác, cho gia đình họ hay bất kỳ ai, và rồi họ hoàn toàn mệt mỏi và kiệt sức đến nỗi suy sụp tinh thần hay trở nên phẫn nộ. Điều quan trọng là chú ý đến những cảm giác của mình cũng như chăm lo cho nhu cầu của chính mình. Khi chúng ta cần nghỉ ngơi, thì hãy nghỉ ngơi. Khi chúng ta cần nói, “Không, tôi xin lỗi; tôi không thể làm điều này. Nó quá sức của tôi. Tôi không có khả năng,” thì hãy nói “không.” Điều lý tưởng là nếu có thể thì nên đưa ra cho họ một số giải pháp khác, khi ta nói “không”. Bạn có thể đưa ra đề nghị nào đó như là: “Nhưng có lẽ người này có thể giúp bạn.”
Tóm lại, hãy tỉnh thức đối với mọi việc đang diễn ra, bên ngoài và bên trong, rồi áp dụng sự hiểu biết đúng đắn, lòng từ ái và bi mẫn.
Đối Phó với Sân Hận
Ông đã nói về việc quét nhà như một phương pháp đối phó với tâm sân hận và những cảm xúc tiêu cực khác, nhưng ông đã chỉ ra rằng đạo Phật có nhiều phương pháp sâu sắc hơn. Ông có thể đưa ra ít nhất một gợi ý là tôi có thể tìm những phương pháp này ở đâu không?
Câu hỏi là tôi đã nói về một số phương pháp rất thiển cận, tạm thời để đối phó với tâm sân – như khi các bạn có rất nhiều cảm xúc giận dữ bị dồn nén, thì việc lao động tay chân nặng nhọc có thể hữu ích, như lau rửa toàn bộ sàn nhà chẳng hạn – và tôi đã gợi ý rằng có những phương pháp sâu sắc hơn, vậy thì tôi có thể đề ra một vài cách này để đối phó với tâm sân hay không?
Nếu đi sâu hơn một chút, một cấp độ để đối phó với tâm sân hận là phát triển sự nhẫn nhục, khi chúng ta giận dữ với ai. Bây giờ, ta sẽ phát triển sự nhẫn nhục như thế nào? Có rất nhiều phương pháp, nhưng ví dụ như một phương pháp gọi là “nhẫn nhục có mục tiêu”: “Nếu tôi không dựng lên mục tiêu, thì không ai ném trúng nó cả.” Chẳng hạn, tôi nhờ bạn làm điều gì cho tôi và bạn làm không đúng. Xu hướng của tôi là sẽ nổi giận với bạn. Hoặc bạn đã không làm gì cả. Vì vậy lỗi là của ai? Thật ra đó là lỗi của tôi, vì tôi quá lười biếng nên không tự làm và tôi đã nhờ bạn làm việc ấy. Vậy thì tôi mong đợi cái gì? Khi bạn nhờ người khác làm điều gì đó, bạn mong đợi cái gì? Ví dụ, bạn nhờ một đứa bé hai tuổi mang cho bạn tách trà nóng và nó làm đổ trà. Tất nhiên là nó sẽ làm đổ trà. Thế thì cũng như vậy – chúng ta mong đợi cái gì khi ta nhờ ai đó làm điều gì cho mình?
Vì vậy, tôi nhận ra rằng thật ra, chính sự lười biếng của mình đã gây ra vấn đề. Bạn không cần phải nổi giận với người khác. Và tôi biết rằng khi tôi nhờ bạn làm điều gì cho tôi, thì đó là vì tôi quá lười biếng nên không tự làm – một là quá lười biếng, hay là không có thời gian, vì bất cứ lý do nào đó. Nhưng điểm cốt yếu là nếu tôi nhờ người khác làm việc đó, thì tôi không nên mong đợi họ sẽ làm một cách hoàn hảo – hoặc theo cách mà tôi sẽ làm, mà cuối cùng có thể cách của tôi cũng không đúng. Tôi cũng phạm sai lầm. Nếu tôi tự làm và mắc sai lầm thì không có lý do gì tôi lại nổi giận với chính mình. “Tôi không hoàn hảo – không ai hoàn hảo cả – vì vậy dĩ nhiên tôi sẽ phạm sai lầm.” Do đó, bạn chỉ cần chấp nhận thực tế. “Tôi là một con người; mà con người thì có thể làm sai: tôi đã phạm một sai lầm.” Và nếu tôi có thể sửa sai, thì tôi sẽ sửa. Tôi không nổi giận với chính mình. Nổi giận với bản thân là điều vô ích. Nếu được thì tôi chỉ cần sửa sai. Nếu tôi không thể sửa sai thì thôi vậy – cứ để nó như vậy và cố gắng không lặp lại sai sót trong tương lai.
Một cấp độ sâu sắc hơn nhiều để đối phó với tâm sân là hiểu biết thực tại về bản thân mình. Hiện tại, tôi đang nói về một cấp độ rất đơn giản, nhưng ngay cả ở cấp độ đơn giản ấy, nó vẫn hữu ích. “Tôi không phải là trung tâm của vũ trụ. Tại sao mọi việc phải luôn luôn theo ý của tôi? Tại sao? Tôi có gì đặc biệt mà lúc nào mọi việc cũng phải theo ý mình, thay vì theo ý người khác?” Với những tư tưởng như vậy, bạn bắt đầu phá hủy quan điểm vững chắc này về “tôi” là điều quan trọng nhất trong vũ trụ. “Cái tôi” vững chắc. Rồi dĩ nhiên bạn có thể phá hủy nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Khi bạn có quan điểm về “cái tôi” là điều vững chắc này ở đây và tôi phải luôn luôn được như ý, dĩ nhiên bạn sẽ nổi giận khi sự việc không xảy ra theo ý của mình, đúng không?
Đạo Phật nói rất nhiều về việc chúng ta tồn tại như thế nào và mọi người tồn tại ra sao. Chúng ta có tồn tại, nhưng chúng ta không tồn tại theo những cách bất khả này mà ta tưởng rằng mình đang tồn tại, chẳng hạn như một “cái tôi” bé xíu ngồi trong đầu tôi đang nói chuyện, và đó là tác giả của giọng nói trong đầu tôi. Dường như có một “cái tôi” bé xíu bên trong đang nói chuyện, phàn nàn rằng: “Tôi nên làm gì bây giờ? Ồ, tôi sẽ làm điều đó,” và sau đó thân thể của bạn cử động như một cái máy vậy. Nhưng đó là một ảo giác. Các bạn không thể tìm thấy một chút “cái tôi” nào bên trong cả, đúng không? Dù sao đi nữa thì tôi có tồn tại – tôi nói chuyện; tôi làm các việc. Vì vậy chúng ta phải gạt bỏ niềm tin của mình về những phóng tưởng này, vì nó có vẻ như phù hợp với thực tại. Nó dường như thế. Có giọng nói này đang lên tiếng, vậy thì phải có ai đó đang nói chuyện ở bên trong chứ.
Thế nên đạo Phật cung hiến rất nhiều trong toàn bộ lĩnh vực mà chúng ta gọi là “tâm lý học.”
Chăm Sóc Cơ Thể của Mình
Tôi có hai câu hỏi. Đầu tiên là: Liệu ông có thể nói thêm một chút về cách chăm sóc cơ thể hay không? Ông đã đề cập rằng chúng ta cần thư giãn cơ thể, nhưng có lẽ ta cần làm thêm vài điều nữa. Và câu hỏi thứ hai là: Nguồn gốc của tất cả những phóng tưởng này là gì? Ví dụ, người này đang nói chuyện bên trong đầu của chúng ta – vì sao điều đó xuất hiện?
Tất nhiên, có nhiều kỷ luật mà ta có thể ứng dụng cho sức khỏe thể chất. Ví dụ, nền y học Phật giáo mà các bạn tìm thấy trong truyền thống Tây Tạng có liên hệ rất nhiều đến việc cân bằng các năng lượng trong cơ thể. Nói chung, chế độ ăn uống và hành vi của mình ảnh hưởng rất nhiều đến các năng lượng và sức khỏe của chúng ta – hành vi như khi ra ngoài trời lạnh mà bạn không mặc đủ ấm, thì bạn sẽ bị bệnh. Chúng ta đang nói về loại hành vi ấy. Hoặc làm việc quá sức – loại hành vi này sẽ làm bạn bệnh.
Chúng ta cũng nỗ lực duy trì ý thức về tình trạng của cơ thể mình. Nội tâm của bạn càng trở nên tĩnh lặng bao nhiêu, thì bạn càng có ý thức cao bấy nhiêu, không chỉ về tình trạng của tâm mình mà còn về tình trạng năng lượng trong cơ thể bạn. Khi bạn để ý năng lượng của mình rất căng thẳng, ví dụ như – bạn có thể cảm thấy điều đó với mạch đập rất nhanh và v.v… – thì có những điều rất căn bản mà bạn có thể làm, thậm chí chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn. Chẳng hạn, chúng ta có thể ngừng uống cà phê và trà đậm, và có thể dùng những thực phẩm nặng bụng hơn để hạ năng lượng xuống, như thực phẩm béo – phô mai hay bất cứ món nào. Và hãy giữ ấm; đừng ra gió hay nơi nào có luồng gió. Đừng ở bên cạnh những máy móc có điện năng cao, kêu rít lên như thế này: “Bzzzzrrrrr”. Các thứ này sẽ làm rối loạn năng lượng nhiều hơn. Hãy ở trong một môi trường yên tĩnh. Thế nên có một cấp độ thực hành như thế.
Truyền thống Tây Tạng tự nó không nhấn mạnh vào những bài thể dục, hoặcloạivận động cơ thểtheo cách mà bạncó với võ thuật trong truyền thống Phật giáo Trung Hoa hay Nhật Bản, chẳng hạn vậy. Nhưng tất nhiên là nhiều loại võ thuật khác nhau như thái cực quyền, khí công, đại loại như thế, có thể rất hữu ích. Chúng cũng là những phương pháp phát triển sự tập trung, thông qua chánh niệm về các cử động của bạn. Những bài thể dục mà người Tây Tạng tập thì vi tế hơn, liên quan đến việc vận hành các hệ thống năng lượng theo một cách khác, không phải theo phương pháp của võ thuật. Nó có cách thức khác một chút, thiên về yoga hơn. Như vậy, đó là cách các bạn chăm sóc cơ thể.
Nguồn Gốc của Giọng Nói trong Đầu Chúng Ta
Về nguồn gốc của giọng nói trong đầu ta, nó liên quan tới bản chất của tâm và hơi phức tạp một chút. Trong đạo Phật, khi nói về tâm, không phải ta đang nói về một vật nào đó. Chúng ta đang nói về hoạt động tinh thần, và hoạt động tinh thần ấy liên hệ với sự suy nghĩ, với tri kiến, với những cảm xúc. Nó vô cùng rộng lớn. Điều đang diễn ra trong hoạt động ấy chính là có sự sinh khởi của một loại tâm ảnh ba chiều (mental hologram) nào đó. Ví dụ, khi chúng ta nhìn thấy một cái gì đó, ánh sáng chạm vào võng mạc, gây ra những xung điện và phản ứng hóa học trong các tế bào thần kinh, kết quả là một loại tâm ảnh ba chiều nào đó phát sinh ra để phản ảnh một vật gì hiện ra như thế nào trong tâm ta. Nhưng đó thật sự là một tâm ảnh ba chiều. Nó xuất xứ từ tất cả những hóa chất và xung điện này.
Tuy nhiên, những ảnh ba chiều không chỉ là về thị giác. Các tâm ảnh này cũng có thể là tiếng động, như các từ ngữ. Chúng ta không nghe cả một câu trong cùng một lúc – bạn nghe từng phần nhỏ của nó, trong từng khoảnh khắc một – thế nhưng, có một tâm ảnh ba chiều của nguyên câu nói và bạn hiểu được nghĩa của nó. Tương tự như thế, có những tâm ảnh ba chiều dưới dạng của các cảm xúc, của các tư tưởng, và cũng có những tâm ảnh dưới dạng của lời nói – đó là giọng nói này. Những điều này chỉ sinh khởi thế thôi. Có một sự nhận thức nào đấy liên quan trong đó. Vì vậy, đó là ý nghĩa của sự nhìn thấy, hay suy nghĩ, hay cảm giác. Nó là như thế. Và hoạt động tinh thần ấy đang diễn tiến mà không có một “cái tôi” tách biệt khỏi nó đang theo dõi hay kiểm soát nó và khiến nó xảy ra. Nó chỉ diễn ra như thế. Thế rồi một phần của tâm ảnh ba chiều đó là những tư tưởng về “tôi” – “Giọng nói ấy là tôi.” Ai đang suy nghĩ? Tôi đang suy nghĩ. Không phải là bạn đang suy nghĩ – mà tôi đang suy nghĩ. Nhưng đó chỉ là một phần trong toàn bộ tiến trình của những bức ảnh ba chiều này thôi.
Nguồn gốc của giọng nói này trong đầu chúng ta là gì? Nó chỉ là một trong những đặc trưng của hoạt động tinh thần. Nó không nhất thiết là cách thức vận hành của toàn bộ hoạt động tinh thần. Giọng nói không diễn ra trong mọi lúc, và tôi hồ nghi về việc con giun đất đang suy nghĩ bằng giọng nói. Tất nhiên giun đất cũng có bộ não, có tâm thức, nhìn thấy các thứ và làm các việc.
Đúng ra, khi chúng ta nghĩ về điều đó thì nó bắt đầu trở nên rất thú vị. Một bức ảnh ba chiều về âm thanh của một giọng nói là một hình thức truyền đạt thông tin nào đó, có phải không? Nó là một loại hình thức của khái niệm để diễn đạt hoặc truyền thông một tư tưởng dưới dạng âm thanh tinh thần của các từ ngữ. Câu hỏi thú vị là: Một người nào đó bị điếc và câm bẩm sinh, và hoàn toàn không có khái niệm gì về âm thanh – vậy thì họ có giọng nói trong đầu họ không, hay họ suy nghĩ bằng ngôn ngữ ký hiệu? Đó là một câu hỏi rất thú vị. Tôi chưa bao giờ tìm ra câu trả lời cho điều đó.
Thế thì dù đó là một giọng nói, ngôn ngữ ký hiệu, hay bất cứ điều gì – hay là cách con giun suy nghĩ – thì sự ảo giác là có một “cái tôi” tách biệt đằng sau nó, “cái tôi” ấy đang nói chuyện, đang ngồi ở bànđiều khiển, và thông tin đang hiện ra trên màn hình của đôi mắt, chúng có máy vi âm và chúng đang nói chuyện, rồi sau đó, chúng nhấn nút để tay và chân di chuyển. Đây hoàn toàn là một ảo giác. Nhưng nó là một loại ảo tưởng về “cái tôi” đang ngồi ở bàn điều khiển, vốn là đối tượng của ý nghĩ, “Ồ, người ta sẽ nghĩ gì về tôi?” và “Tôi nên làm gì đây?” Đó là những gì chúng ta lo lắng, về “cái tôi” này ở bàn điều khiển.
Khi chúng ta nhận ra rằng “cái tôi” này giống như một ảo giác, thì không có gì để lo lắng nữa. Chúng ta cứ nói, chúng ta cứ hành động. Dĩ nhiên đó là tôi: Tôi đang nói chuyện, tôi đang hành động. Và nếu người ta không thích điều đó, thì họ cứ việc không thích. Vậy thì đã sao? Đức Phật đã không làm vừa lòng tất cả mọi người. Không phải ai cũng thích Đức Phật, vậy thì tôi mong đợi điều gì cho tôi? Ta chỉ dùng sự hiểu biết, lòng từ ái và bi mẫn, rồi thì ta hành động. Nó là như vậy đó. Đừng lo lắng là: “Họ sẽ nghĩ gì về tôi?” Việc thực hành thì không đơn giản như cách nói về nó.
Kiểm Soát Bản Thân Khi Người Khác Đang Giận Dữ
Khi người khác nổi giận với chúng ta, làm cách nào để kiểm soát bản thân mình?
Điều cơ bản là ta xem họ như một đứa trẻ. Khi đứa trẻ hai tuổi nổi giận với ta, lúc ta nói rằng, “Đến giờ đi ngủ rồi”, và nó nói rằng, “Con ghét mẹ. Mẹ thật là đáng ghét”, rồi làm om sòm cả lên, thì ta có nổi giận không? Vâng, một số người sẽ nổi giận; nhưng đó chỉ là một đứa trẻ hai tuổi, thì bạn mong đợi điều gì? Bạn sẽ cố gắng làm cho đứa trẻ mới biết đi ấy bình tĩnh lại. Hãy nhẹ nhàng như cách bạn đối xử với một đứa trẻ hai tuổi. Hãy thử nghĩ xem: Bạn sẽ đối phó ra sao với một đứa trẻ hai tuổi như vậy? Thường thì khi một đứa trẻ hai tuổi đang làm trận quá đáng, nếu bạn ẵm nó lên, ôm và âu yếm nó, thì nó sẽ dịu xuống, có phải không? La hét nó chỉ khiến nó khóc nhiều hơn thôi. Vậy thì người lớn cũng tương tự như thế – họ là những đứa trẻ lớn xác.
Thư Viện Hoa Sen
Discussion about this post