Hạt giống Phật pháp đã được gieo vào tâm thức người Việt độ hai ngàn năm trước và Phát triển thành Đạo Phật trong dòng văn hóa Việt thường. Đạo Phật vẫn đang phát triển và đem đến đời sống thanh lương tịnh lạc cho bất cứ ai học và sống theo tôn chỉ Phật giáo. Phât pháp được lưu truyền trên thế gian là nhờ công đức tu học và hành đạo của các vị Tăng sĩ (Sangha), những bậc xuất gia cắt ái ly thân và sống đời đạo hạnh vận chuyển bánh xe pháp vì lợi ích và hạnh phúc của muôn loại chúng sinh.
Mỗi khi đến một vùng đất nào đó, tôi thường hỏi xem trong vùng có vị cao Tăng trưởng lão nào không để đến đảnh lễ & vấn đạo. Lần này trở về Việt nam, khi ở Hà Nội, tôi được biết có Đại Lão Ht Thanh Bích đã trên trăm tuổi đời và hơn chín mươi tuổi đạo. Với tâm tín thành và hoan hỷ, tôi ngỏ ý với một nhóm Phật tử ở thủ đô để được đến vấn an sức khỏe Đại lão Hòa thượng và các vị cao tăng trong vùng.
Một ngày cuối Đông đẹp trời, chúng tôi khởi hành từ chùa Linh thông, 68 Quan Nhân, HN, đoàn gồm một sư cô Tiến sĩ Phật học (Sri Lanka), cũng là một thiền sinh gần hai mươi năm qua, và sáu nữ Phật tử tín thành của miền đất ngàn năm văn hiến.
Sau khi áo mão đã chỉnh tề, ngài đích thân dẫn chúng tôi ra phòng khách nhà tổ. Một lần nữa, chúng tôi đảnh lễ ngài. Khi tôi vừa quì lên sau cái đảnh lễ thứ nhất, ngài hỏi lớn:
– Phật có trước hay Pháp có trước, nói mau!
Không chuẩn bị, tôi nói liền trong lúc vẫn tiếp tục đảnh lễ ngài:
– Pháp vốn sẵn có nhưng chờ một vị Phật khai ngộ và giảng bày!
Ngài cười hiền từ hỏi lại vài câu, chúng tôi ríu rít hỏi và đáp như những học trò vốn rất gần gũi thầy.
Buổi gặp gỡ vấn an và đàm đạo của chúng tôi với ngài chỉ diễn ra trong vòng hơn một giờ nhưng những cảm xúc của những người con Phật tìm Đạo và một bậc cao Tăng thể hiện những Đạo hạnh của một bậc chân tu sẽ còn mãi trong tâm thức chúng tôi. Khi một nữ thí chủ trong đoàn chúng tôi cúng dường cháo thực dưỡng đến nngài và tiện thể hỏi:
– Hòa thượng có nhớ con không? Mấy tháng trước chồng con và con có đến vấn an và cúng dường ngài tại đây.
Ngài cười hiền từ và nói:
– Tôi chẳng nhớ ai cả. Đối với tôi ai cũng như ai thôi.
Này Ananda, nếu có ai hỏi: “Già và chết do duyên nào không?” Hãy đáp: “Có”. Nếu có hỏi: “Già và chết do duyên gì?” Hãy đáp: “Già và chết do duyên sanh”. [Đại duyên,Trường bộ kinh 15]
Pháp tồn tại vì có những nhân như vậy, duyên như vậy đã gặp gỡ tạo thành. Ta có mặt hay không, nhận thức được hay không, pháp vốn vẫn như vậy.
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lý duyên khởi? Do duyên sanh, này các Tỷ-kheo, già, chết khởi lên. Dầu cho Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp trú tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt tánh ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị.” [Duyên (Tạp 12.14, Đại 2, 84b) (S.ii,25)]
Viết tại chùa Tịnh An Lan Nhã (Khemārāma), Bà rịa Vũng tàu 10:00 pm 25/03 – 1:00 am 26/03/13
Người viết: TKN Pháp Hỷ Dhammananda
____________________________________
Chia Xẻ của Một Độc Giả:
Đức Phật đã nói vô thỉ vô sanh thì làm sao Phật bắt đầu trước hay pháp bắt đầu trước ! Ấy đã nghịch với Phật pháp rồi ! Đã chẳng có sự sanh khởi thì làm sao có sự bắt đầu? Bất cứ cái gì, con gà cũng không thể bắt đầu trước, trứng gà cũng không thể bắt đầu trước, chứ chẳng phải chỉ có Phật pháp. Nên người chứng quả gọi là ngộ pháp vô sanh, đã ngộ pháp vô sanh thì làm sao có thể truy cứu sự bắt đầu?
Discussion about this post