PHẢI TRÁI MỘT BÀN TAY
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Phải và trái là hai mặt của bàn tay không thể tách rời. Dù ta có cho rằng, phải đúng trái sai, hay trái đúng phải sai, cũng không thể loại bỏ một trong hai mặt ấy. Trong phải trái có nghiệp chung và nghiệp riêng của mỗi người đan xen lẫn nhau, để trở thành một cồng đồng xã hội. Do đó, chúng ta không nên buồn phiền khi thấy những điều trái ý nghịch lòng mà càng phải phấn đấu vươn lên nhiều hơn nữa, để chứng minh cho cuộc đời chân lý vẫn là chân lý.
Quá khứ đã qua, dù tốt hay xấu nó chỉ là bọt nước trôi sông, có gì mà tiếc nuối. Mơ mộng viễn vông trông chờ tương lai tươi sáng, không bằng phải sống ngay trong giờ phút hiện tại với những gì mình đang có. Cuộc đời là dòng trôi chảy với những được mất, hơn thua tranh giành quyền lợi mà con người ta nỡ đành lòng triệt hạ lẫn nhau. Phải trái là hai mặt của một cuộc đời với những thăng trầm trong cuộc sống.
Cuộc đời là dòng biến thiên trôi chảy nên lúc nào cũng sống động nhưng tâm ta vẫn an nhiên, bất động trước mọi chướng duyên nghịch cảnh cuộc đời. Muốn được như vậy không phải đơn giản và dễ dàng, chúng ta cần phải có thời gian rèn luyện và tu tập kỹ năng sống. Khi việc tốt đến ta không tự mãn, coi thường; khi việc xấu đến ta không buồn phiền, than thân, trách phận. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Chúng ta vì tham muốn quá đáng nên làm cho chính mình đánh mất hết lương tâm mà làm tổn hại cho người và vật.
Chúng ta hãy nghe bài kệ của ông vua Phật hoàng Trần Nhân Tông viết về việc đời phải trái như sau:
Phải trái giống như hoa buổi sớm
Danh lợi lạnh với trận mưa đêm
Hoa tàn mưa tạnh non im vắng
Xuân cỗi còn nguyên một tiếng chim!
Người Phật tử chân chính dù có thành công, nổi tiếng trên trường đời cũng không nên tự mãn, coi thường nhân loại; đến khi bị thất bại cũng không quá buồn khổ hay lo lắng sợ hãi như trường hợp của người thương gia trên. Theo tuệ giác của Thế Tôn, sở dĩ con người bị đau khổ triền miên là do không biết bằng lòng với hiện tại. Chính lối sống buông thả chạy theo dục vọng là nguyên nhân dẫn đến bất hạnh cho đời này và đời sau.
Người Phật tử chân chính khi bị mất mát đau thương trên trường đời danh lợi nhưng vẫn an nhiên bình tĩnh, vì biết rằng tất cả đều do nhân quả tốt xấu chiêu cảm mà ra nên không bị khổ đau chi phối. Cuộc sống của chúng ta chỉ có cách chấp nhận sự tồn tại mang tính cách hai mặt của một vấn đề. Ta nhìn đời như vậy, có gì phải bận tâm?
Discussion about this post