ÔN DỊCH CORONA VIRUS
Quảng Minh
Ratana Sutta (Kinh Châu Báu)[1] là bài kinh rất phổ thông trong các quốc độ theo truyền thống Phật giáo Theravada và hầu như được các Phật tử thuần thành đọc tụng thuộc lòng. Các chú giải đều ghi duyên sự bài kinh từ câu chuyện ở thành Vesali (Tỳ-xá-ly), kinh đô xứ Vajji (Bạt-kỳ) chịu 3 tai ương: nạn đói, ma quỷ quấy phá, và bệnh dịch. Bộ tộc Licchavi cai trị xứ này, gửi một phái đoàn đến thành Vương-Xá (Rajagaha), xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) của vua Bimbisara (Bình-sa, Tần-bà-sa-la) gặp đức Phật lúc bấy giờ đang ngự tại Tinh xá Trúc Lâm (Veluvana). Họ thỉnh cầu Ngài đến Vesali để giải trừ các tai ương ấy. Khi Ngài đến nơi cùng với vua trời Đế-thích (Sakka) và chư thiên, phần lớn các loài ma quỷ hoảng sợ bỏ trốn. Trời đổ mưa xối xả rửa sạch thành phố. Đức Phật đọc lên bài kinh Ratana Sutta, bảo ngài Ananda ghi nhớ rồi đi vòng quanh thành phố, vừa đi vừa rải nước chứa trong bình bát và đọc tụng bài kinh này. Khi ngài Ananda tuân lời đức Phật làm theo như thế, những ma quỷ còn lại đều bỏ chạy và bệnh dịch được tiêu trừ. Dân chúng vui mừng đến gặp đức Phật và Tăng đoàn để cúng dường và tạ ơn. Đức Phật giảng lại bài kinh này cho tất cả những ai đến gặp Ngài. Hàng ngàn người sau khi nghe xong đã mở Pháp nhãn và đắc thánh quả.
Bất cứ của cải châu báu quý giá nào trên đời này hay đời sau, ở thế giới này hay các thế giới khác và các cõi trời khác, đều không thể sánh bằng châu báu thù diệu nơi đức Phật, nơi giáo pháp của đức Phật và nơi Tăng đoàn của đức Phật. Đó là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Đức Phật là đấng có mười công đức lớn, tiêu biểu bởi mười danh hiệu: Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật –Thế tôn. Giáo pháp là Niết-bàn và con đường đưa đến Niết-bàn: Đó là sự diệt trừ, đoạn tận tham ái và các lậu hoặc khác, đưa đến bất tử vì đó là trạng thái không sinh, không già, không chết. Đó là Tám chi Thánh đạo. Tăng đoàn là tám hạng người, bốn cặp, tức là những vị đã đắc đạo và quả của bốn bậc Thánh (Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán), nhờ vào sự nỗ lực tu tập Tứ Thánh đế. Đó là những vị Thánh đệ tử đã diệt trừ mọi tham ái, đã chứng đạt, thể nhập Niết-bàn, an nhiên thọ hưởng trạng thái tịch tĩnh. Các vị ấy xứng đáng được cúng dường, và cúng dường các vị ấy sẽ được quả báo vô thượng. Thế nên, Phật tử thường xuyên nghĩ nhớ và xưng tán: Nam mô Phật-đà-da! Nam mô Đạt-ma-da! Nam mô Tăng-già-da!
Kinh Khước ôn hoàng thần chú 却溫黃神咒經, cũng gọi là Kinh Khước ôn thần chú, không rõ tên người dịch, có chỗ nói do ngài Bất không dịch vào đời Đường, được thu vào Vạn tục tạng, tập 2, số 193. Khước nghĩa là từ chối, trừ bỏ; Ôn chỉ cho ôn dịch, độc khí. Kinh này nói về việc diệt bỏ sự độc hại, tiêu trừ tai ương. Nội dung kinh này tường thuật việc đức Phật đến thuyết pháp ở tinh xá Trúc lâm gần thành Vương xá, thì trong nước Tỳ-da-ly bệnh ôn dịch đang hoành hành, trong pháp hội, có nhiều thính chúng bị bệnh, nhân đó, ngài A-nan mới thưa hỏi đức Phật về cách diệt trừ ôn dịch độc khí. Đức Phật dạy rằng có 7 quỷ thần thường phun khí độc để hại nhân dân, người bị nhiễm khí độc ấy thì nhức đầu và nóng lạnh, các khớp xương như muốn rã ra, đau đớn khó tả, nếu muốn được bình an thì nên tụng trì kinh chú này, khiến tất cả bệnh độc dịch khí đều tiêu diệt hết, nhà cửa an ổn, cát tường như ý.
Kinh Đoạn ôn được thu vào Vạn Tục tạng, tập 1, số 19, có trước và nguyên chất hơn Kinh Khước ôn hoàng thần chú. Cả hai kinh đều dựa vào duyên khởi và nội dung của kinh Ratana Sutta mà nói ra, cho nên trong thần chú đều có sự tán thán Tam bảo.
Nhân loại đang phải đối diện với sự bùng phát của ôn dịch corona virus (COVID-19), được báo cáo đầu tiên từ Vũ Hán, Trung Quốc, vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, và đến nay số người bị lây nhiễm bệnh này rất nhiều, đặc biệt ở Trung Quốc là 75 ngàn người; con số tử vong cũng đã trên 2 ngàn người. Đây là một trong tam tai: chiến tranh, dịch bệnh và nhân mãn. Nguồn gốc của chúng là do con người tham lam mà lo sợ, cho nên sống hướng vào nhau nhưng lại ích kỷ và ganh ghét, tìm cách hại nhau, hành xử phi đạo đức, kể cả giết chết sinh linh chưa sinh và giết ăn mọi sinh vật để thỏa mãn dục vọng. Con người cần phải học cách nhận diện tham lam, sân hận và oán thù, ngay khi chúng còn là hạt giống nơi tâm thức, để chuyển hóa thành những đức tính vô tham, từ bi bất hại và vị tha. Nếu là người Phật tử thì hãy chuyển hóa tâm thức bằng cách thường niệm: niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng.
Theo lời Phật dạy, cộng đồng Phật giáo chúng ta có thể chung lòng giải trừ tai ương bằng cách tụng kinh Ratana Sutta hay đơn giản là đọc tụng thần chú: “Nam mô Phật-đà-da, nam mô Đạt-ma-da, nam mô Tăng-già-da, nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát ma-ha-tát, cầu cho ôn dịch Corona tiêu trừ, sa-bà-ha.”
KINH PHẬT THUYẾT ĐOẠN ÔN
Việt dịch: Quảng Minh.
Bấy giờ đức Phật trú ở thành Vương Xá và các đại chúng cùng tụ hội. Tôn giả A-nan quỳ gối, chắp tay, thưa với Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Thế giới Nam Diêm-phù-đề bỗng gặp phải sự vận hành của vũ trụ hình thành ôn dịch, chướng khí mãnh liệt, lan truyền và kéo dài, như lửa cháy dữ dội, khiến con người tử vong vô số, bằng cách nào tránh khỏi những tai ương ấy?”
Đức Phật bảo tôn giả A-nan: “Ông nên lắng nghe, Như Lai sẽ vì ông mà nói. Những bệnh hoạn ấy có ra là do quỷ thần thường phun khí độc dữ dội để hại nhân dân. Lúc mới mắc bệnh, thì nhức đầu, nóng lạnh, trăm khớp xương và toàn thân đều rất đau đớn khổ sở cực độ. Này A-nan, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào hay biết danh tự của bảy quỷ thần mà khởi lên sự sùng kính, thì sẽ trừ diệt những bệnh hoạn ấy. Như Lai vì ông mà nói ra thần chú Trừ bệnh rằng:
Nam mô Phật-đà-da, nam mô Đạt-ma-da, nam mô Tăng-già-da, nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát ma-ha-tát, dịch bệnh tiêu trừ, sa-bà-ha.
Bấy giờ mười phương chư Phật, chư đại Bồ-tát, tất cả hiền thánh Tăng, nghe Như Lai nói thần chú Kim cương bí mật, cũng nói ra danh tự của bảy quỷ thần là: Mộng-đa-nan quỷ, A-khư-ni quỷ, Ni-khư-thi quỷ, A-già-na quỷ, Ba-la-ni quỷ, A-tì-la quỷ, Bà-đề-lê quỷ.[2]
Các ông nên biết, nhớ nghĩ đến danh tự của bảy quỷ thần này thì bệnh hoạn mau chóng thoát khỏi, không bị xâm hại nữa. Những người đã mắc bệnh, thì khí độc [trong thân và ngoài thân] thảy đều tiêu tán hết, được vị thần Kim cương mật tích [che chở], thân thể an ổn, tâm ý vui thích, không còn các hoạn nạn.”
Đức Phật thuyết kinh này rồi, tám bộ trời rồng, tất cả đại chúng, đều hết sức hoan hỷ, tin tưởng, tiếp nhận, phụng hành.
佛說斷溫經
爾時佛在王舍城中。與諸大眾俱會。阿難長跪合掌。白佛言。世尊。彼南閻浮提世界。忽遇天行溫氣瘴烈。如猛火橫延。及死亡無數。如何免之。佛告阿難。汝可諦聽。吾當為汝說。此病有鬼神。常吐惡毒。以害人民。初得病時。頭痛寒熱。百支節俱苦痛畢切。阿難言。若有善男子善女人。能知七鬼神名字。作崇敬。當除此病患乎。為汝即說除病呪曰。
南無佛陀耶。南無達磨耶。南無僧伽耶。南無觀世音菩薩摩訶薩。疫病消除娑婆訶
爾時十方諸佛。諸大菩薩。一切賢聖僧。聞我說金剛秘密呪。亦說七鬼神名字曰。夢多難鬼。阿佉尼鬼。尼佉尸鬼。阿伽那鬼。波羅尼鬼。阿毗羅鬼。婆提梨鬼也。汝等當知。此神名思念。速疾遠離。不敢侵害。其人所被毒氣普皆消散。得金剛密迹。其身安樂。無諸患難。佛說是經已。天龍八部。一切大眾。皆大歡喜。信受奉行。
KINH PHẬT THUYẾT KHƯỚC ÔN HOÀNG THẦN CHÚ
Việt dịch: Quảng Minh.
Tôi nghe như vầy, một thời đức Phật du hóa tại thành Vương Xá, trong tinh xá Trúc Lâm, cùng bốn bộ đại chúng đệ tử đều tụ hội, để thuyết kinh pháp. Bấy giờ, nước Duy-da-ly vừa gặp dịch khí với quy mô lớn lao và khắp cả, giống như lửa cháy, khiến con người tử vong vô số, không có chỗ bám víu, không có cách cứu chữa. Vì sự việc đó, hiền giả A-nan quỳ gối, chắp tay, bạch với Phật rằng: “Nước Duy-da-ly gặp phải ôn khí, dịch độc, cúi xin đức Thế Tôn nói ra phương cách trừ khử ôn khí, dịch độc của chư Thánh, khiến được an ổn, lìa các bệnh hoạn.”
Đức Phật bảo hiền giả A-nan: “Ông nên lắng nghe và tiếp nhận. Có bảy quỷ thần thường phun khí độc để hại muôn dân. Nếu ai mắc phải dịch độc, thì nhức đầu, thân thể nóng lạnh, trăm khớp xương muốn rã rời, đau đớn khó tả. Ai biết được danh tự của bảy quỷ thần kia, thì dịch độc không còn hại người. Thế nên, Như Lai hôm nay nói điều đó cho ông.”
Hiền giả A-nan thưa: “Dạ, con muốn nghe điều đó.”
Đức Phật dạy: “Bốn chúng đệ tử khi muốn xưng danh tự của quỷ thần kia, nên xưng như vầy:
‘Nam mô Phật-đà-da, nam mô Đạt-ma-da, nam mô Tăng-già-da,
Nam mô thập phương chư Phật, nam mô chư Bồ-tát ma-ha-tát,
Nam mô chư Thánh Tăng, nam mô Chú sư.
Sa-la-khư, sa-la-khư, sa-la-khư:[3]
Mộng-đa-nan quỷ, A-khư-ni quỷ, Ni-khư-thi quỷ, A-già-na quỷ, Ba-la-ni quỷ, A-tì-la quỷ, Bà-đề-lê quỷ.
Bệnh đi, bệnh đi, chớ được ở lâu.’
Đức Phật dạy: “Đó là thần chú Thất quỷ danh tự.”
Người nào khi mắc bệnh nóng sốt, nên kêu lên danh tự của bảy quỷ thần, rồi nói: ‘Bệnh đi, bệnh đi, chớ được ở lâu. Đệ tử con là …., mong sao thân con, dịch độc tiêu diệt, bệnh tình thuyên giảm và khỏi hẳn. Đệ tử con nay xin quy y Tam bảo.’ Hãy thắp hương, lễ kính, thực hành thần chú được chư Phật thuyết ra. Người nào có thần chú mà không tùy thuận lời dạy của chư Phật, thì đầu kẻ ấy vỡ ra làm bảy phần, như nhánh cây A-lê. Nếu người mắc bệnh một ngày, hai ngày, ba ngày, cho đến bảy ngày, nhất là bệnh nóng sốt làm cho phiền muộn, thì trước niệm thần chú này 21 biến vào trong nước, sau đưa cho người bệnh uống nước ấy. Tụng thần chú của kinh này thì những bệnh độc phát sinh do ngũ ôn[4] thảy đều tiêu diệt. Người nào đứng trước cửa nhà để thư họa cho bệnh khí độc, thì nên thư họa danh tự của bảy quỷ thần ở nơi tấm biển treo trên cửa. Lại lấy những sợi dây có năm màu, mỗi màu kết thắt một danh tự, rồi treo trước cửa nhà, thì được đại cát tường. Nếu ai có thể siêng năng tụng kinh này, chuyên tâm thọ trì trai giới[5], không ăn ngũ tân[6], và tụng danh tự của bảy quỷ thần, thì ôn khí dịch độc mãi mãi ngưng dứt, không truyền nhiễm nơi nhà mình. Người ấy đi đến nhà có người bệnh hoạn, quỷ gặp người ấy liền bỏ chạy. Bản thân người ấy không bị nhiễm bệnh bởi sự vận hành của vũ trụ. Người nào chuyên tâm, nỗ lực mà thư họa [danh tự], thọ trì [tri giới], đọc tụng kinh này thì trừ sạch tai ương, đẩy lui xâm hại. Người nào không biết tụng kinh, lấy những ống tre đầy đặn đặt trước cửa nhà[7], thì ôn quỷ không dám bước qua cửa, và thọ mạng cũng được kéo dài, mọi điều tốt lành đến với gia đình mình.[8]
Hiền giả A-nan chắp tay, bạch đức Phật rằng: “Kinh này được gọi là gì? Làm sao thọ trì?”
Đức Phật dạy: “Kinh này được gọi là Khước ôn thần chú.”
Đức Phật thuyết kinh như vậy, trời rồng quỷ thần, tất cả đại chúng, nghe được thần chú, hoan hỷ, tác lễ, phụng hành.
佛說却溫黃神呪經
聞如是,一時,佛遊王舍城竹林精舍,與四部弟子大眾俱會,為說經法。爾時,維耶離國屬疫氣,猛盛赫赫,猶如熾火,死亡無數,無所歸趣,無方救療。於是,阿難常跪合掌,白佛言:彼維耶離國遭瘟氣疫毒,唯願世尊,說諸聖術,卻彼毒氣,令得安穩,離眾者患。佛告賢者阿難:汝當聽受之,有七鬼神常吐毒氣以害萬姓。若人得毒,頭痛寒熱,百節欲解,苦痛難言。人有知其名字者,毒不害人。是故,吾今為汝說之。阿難言:願欲聞之。佛言:若四輩弟子,欲稱鬼神名安之時,當稱 南無佛陀耶,南無達摩耶,南無僧伽耶,南無十方諸佛,南無諸菩薩摩訶薩,南無諸聖僧,南無咒師,今我弟子某甲所說神咒,即從其願,如是神名,我今當說沙羅佉,三說沙羅佉已,便說咒曰 : 夢多難鬼,阿佉尼鬼,尼佉屍鬼,阿佉那鬼,波羅尼鬼,阿毗羅鬼,波提梨鬼。 佛言:是七鬼神咒名字如是。若人熱病時,當呼七鬼神名字,言疾去、疾去,莫得久住,我弟子身令毒消滅,病消除愈。我弟子今歸依三寶,燒香禮敬,行是諸佛所說神咒,若有咒神不隨諸佛教者,頭破作七分,如阿梨樹枝。若人得病一日、二日、三日乃至七日,熱病煩悶,先咒神水,以與病者飲之,當三七遍,誦此咒經,病毒五瘟之病,並皆消滅。若亦立門書著氣病者,當額書七鬼神名字,復取五色縷線,各各結其名字,繫著門上,大吉祥也。若能勤誦此經,專心受持,齋戒,不喫熏辛,誦此七鬼神名字,瘟鬼永斷,不過門戶。自進至患家,鬼見皆走,一身永不染天行。若能專心勸人書寫、受持、讀誦此經,消殃卻害。若人不能誦,得竹筒盛,安門戶上,瘟鬼不敢過門,亦得延年益壽,大吉祥也。阿難叉手白佛言:當何名此經?云何奉持?佛言:此經名為卻瘟神咒。佛說如是,天龍鬼神、一切大眾,聞咒歡喜,作禮奉行。
San Francisco, 23-2-2020
Quảng Minh
[2] Bảy quỷ thần: 1. Mộng-đa-nan quỷ 夢多難鬼 (mantara graham); 2. A-khư-ni quỷ 阿佉尼鬼 (akhani graha); 3. Ni-khư-thi quỷ 尼佉尸 (nikhasi graham); 4. A-già-na quỷ 阿佉那鬼 (akhana graha); 5. Ba-la-ni quỷ 波羅尼鬼 (波陀尼, padhani graha); 6. A-tì-la quỷ 阿毘羅鬼 (avira graha); 7. Bà-đề-lê quỷ 波提梨鬼 (patile graha).
[3] Chánh văn là: “Nay đệ tử con là …. được thuyết thần chú, tức từ tâm nguyện, thần danh như vậy, con nay nên nói ‘sa-la-khư’, ba lần nói ‘sa-la-khư’ rồi, liền nói chú rằng: Mộng-đa-nan quỷ, A-khư-ni quỷ, Ni-khư-thi quỷ, A-già-na quỷ, Ba-la-ni quỷ, A-tì-la quỷ, Bà-đề-lê quỷ.”
[4] Ngũ ôn 五瘟: Cũng gọi là ngũ quỷ, ngũ ôn sứ, ngũ ôn sứ giả. Trong truyền thuyết dân gian Trung Hoa, là năm ôn thần reo rắc dịch bệnh ở cõi người, phân biệt có: Xuân ôn Trương Nguyên Bá, Hạ ôn Lưu Nguyên Đạt, Thu ôn Triệu Công Minh, Đông ôn Chung Nhân Quý và Tổng quả Trung ôn Sử Văn Nghiệp.
[5] Trai giới 齋戒: Ăn chay và giữ giới, gồm sự ăn mặc nghiêm chỉnh, bỏ hẳn mọi đam mê như không uống rượu, không ăn đồ mặn, ngủ riêng biệt để biểu thị sự thành kính khi cúng quỷ thần.
[6] Ngũ tân: Hành, tỏi, hẹ, kiệu, hưng cừ (cát thông, đại toán, lan thông, từ thông, hưng cừ).
[7] Thường là số lẻ để không chia hết được.
[8] Đoạn này là phần chú giải thêm của ngài Bất Không (705-774).
Discussion about this post