NÓI KHÔNG VỚI BỆNH TRẦM CẢM
Giảng tại cơ sở tạm chùa Giác Ngộ-Ngày 26-10-2014
Đánh máy: Diệu Nguyệt
Trầm cảm được xem là sát thủ vô hình. Tỷ lệ tự tử trên thế giới ngày càng cao là do con người bị vướng vào trầm cảm nhưng không biết. Nỗi khổ niềm đau do trầm cảm đã gặm nhấm con người, tấn công con người, hành hạ con người và làm con người trở nên bất lực, đầu hàng trước số phận. Do vậy, số lượng người tự tử trên thế giới ngày càng gia tăng. Nhẹ hơn tự tử, nhiều người rơi vào các chứng điên loạn, tâm thần dưới nhiều hình thức khác nhau. Trầm cảm dẫn đến điên loạn, tâm thần, chết người có thể được đánh giá chiếm 6-10% tùy theo quốc gia trên tổng dân số của quốc gia đó. Trầm cảm không phân biệt bất kì một đối tượng nào, thuộc thành phần xã hội nào, giới tính nam hay nữ, tuổi lớn hay nhỏ. Chấp vào cảm xúc và thái độ sống tiêu cực, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của trầm cảm, biến mình thành nỗi khổ niềm đau. Để vượt qua trầm cảm, chúng ta cần lưu ý những vấn đề biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị như sau:
I- CÁC BIỂU HIỆN THƯỜNG GẶP
Bằng phuơng pháp quy nạp kinh nghiệm, các nhà điều trị về tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng đã liệt ra rất nhiều các nguyên nhân và biểu hiện của trầm cảm mà những người bị trầm cảm thường bộc lộ ra. Sau đây là các biểu hiện chính yếu. Khi nhận diện được các biểu hiện đó, chúng ta không nên đánh giá sai lầm và xem thường chứng trầm cảm ở giai đoạn đầu xảy ra với mình và cần phải có sự hỗ trợ tích cực, kịp thời từ người thân để giúp rũ bỏ được nỗi khổ niềm đau và các bất hạnh trong đời.
1-Cảm giác trống rỗng và vô vị
Là tâm lý phổ biến nhất của những người đang sống trong tâm lý trầm cảm. Sự buồn chán xuất hiện và tồn tại một cách rất dai dẳng như là các con đỉa bám lên thân trâu, bò. Đương sự có cảm giác cô độc, lẻ loi, trầm buồn, không thích giao lưu, tiếp xúc. Thỉnh thoảng đương sự có cảm giác mình là dây chùm gửi, ăn bám lên trên tình thương của cha mẹ hay là vật vô dụng, không làm nên tích sự gì, không tạo ra một giá trị tích cực nào, cuộc đời theo đó hoàn toàn mất ý nghĩa. Nhận thức đó làm người trầm cảm tự đặt ra câu hỏi “Tôi tiếp tục sống để làm gì?” Phát hiện ra các trường hợp này, cần phải nhanh chóng nỗ lực vượt qua.
2-Thái độ bi quan và mệt mỏi
Nếu trống rỗng được xem là mục đích sống thì bi quan thuộc về thái độ sống. Khi một người lúc nào cũng có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, hoàn cảnh, điều kiện sống thì tâm trạng của họ thường xuyên mặc cảm, tự ti về thân phận của mình, mặc cảm bối cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, nhan sắc, giàu nghèo.v.v… và nhiều hình thức khác. Từ đó họ đành lòng chấp nhận số phận an bài mặc dầu số phận là không có thật. Sống với thái độ bi quan ta đã đánh mất cơ hội nỗ lực, không tin vào kết quả của nỗ lực, dễ đầu hàng trước số phận, đào tẩu khỏi thực tại, phớt lờ nỗi khổ niềm đau và thỉnh thoảng cường điệu hóa nỗi khổ niềm đau vốn không nhiều như đương sự đang bị bệnh có thể suy nghĩ.
Thái độ bi quan thường dẫn đến sức khỏe mệt mỏi, các dấu hiệu như là nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp, ép ngực, khó thở, gần như là căng thẳng làm cho họ trở nên mất khả năng chịu đựng vào bất cứ việc gì đó được xem là chướng ngại vật, họ xem là cả trời đất đang sụp đổ và phủ chụp lên đôi vai của họ. Trên thực tế thì không. Từ thái độ sống tiêu cực, người bị trầm cảm không thể nào hướng đến thành công, trong công việc làm không ổn định “ba chìm, bảy nổi, tám lênh đênh”, mất hứng thú về cái gì đó rất nhanh chóng.
3-Mất hứng thú
Biểu hiện của người mất hứng thú là ăn ít, ăn không ngon miệng, ăn nhạt nhẽo, cảm thấy không thiết tưởng, không quan trọng, không thích thú bất cứ thứ gì trên đời. Họ mất niềm vui trong cuộc sống, mất điểm tựa tinh thần, mất niềm tin vào người thân. Biểu đạt của người mất hứng thú trong vận động cơ thể đó là đi đứng trở nên rất chậm chạp, cảm giác của họ rất nặng nề. Khác với người sống chậm. Người sống chậm là người điềm tĩnh, có chiều sâu. Chẳng hạn như là các tu sĩ huấn luyện oai nghi thế hạnh, đi chậm, nói chậm, hành động chậm nhưng rất là bản lĩnh, chịu đựng tốt, năng động cao. Còn người trầm cảm ta thấy có gì đó bất bình thường. Họ có cảm giác không còn đủ sức khỏe để làm việc gì đó. Việc làm nhẹ cũng làm cho họ mệt mỏi. Khi nhìn thấy bạn bè, người thân, thậm chí là con cháu đang nô đùa, người trầm cảm hoàn toàn không có cảm xúc gì hết. Về quan hệ vợ chồng, người trầm cảm mất hứng thú trong sinh hoạt vợ chồng. Họ không thiết màng gì hết. Có khen họ, họ cũng khơ khơ, khờ khờ, khừ khừ, lừ đừ. Có chê họ họ cũng không phản ứng gì. Nó khác với người thư thái vượt qua các lời thị phi về nỗi khổ niềm đau. Ở đây họ mất phản ứng cảm xúc về vấn đề đó, còn người tu tập thong dong là làm chủ được cảm xúc và vượt qua được tất cả cảm xúc đó.
4-Tâm sợ hãi và lo lắng
Khi sống trong trầm cảm, bệnh nhân bị ám ảnh bởi những bệnh tật rất vô lý. Nó không phải là bệnh tật thật nhưng họ nghĩ là tôi bị ma nhập, bị ma phá, bị bệnh A,B,C…trên thực tế thì không. Trong tâm của họ trỗi dậy rất nhiều nỗi sợ hãi: sợ chết, sợ ma, sợ thất nghiệp, sợ già, sợ bị cô lập, sợ tất tần tật… Những nỗi sợ hãi không có nguyên do. Cuộc sống đang bình yên, không có xáo trộn nhưng nỗi sợ cứ thường trực đeo bám như bóng không rời hình. Cảm xúc của họ mạnh theo hướng tiêu cực: dễ giận, dễ cáu gắt, dễ trả thù, dễ hơn thua, họ xem phải làm như thế thì mới hạnh phúc được. Đối với những vấn đề cỏn con, không đâu thì quan trọng hóa lên, tưởng tượng quá mức, tưởng quá xá quà xa, làm cho vấn đề trở nên căng thẳng mệt mỏi và quan trọng hóa. Tâm của người bị trầm cảm rất dễ bị tổn thương, lúc nào cũng có cảm giác người khác xúc phạm, khinh thường, tấn công, phá hoại mình, ảnh hưởng đến hạnh phúc của bản thân. Do vậy, một số ít trong số đó có khuynh hướng tấn công người khác trước, làm xấu người khác trước, phá phách, gây trở ngại, nghĩ rằng người khác không có cơ hội làm việc đó với mình.
5-Mất ngủ hay khó ngủ
Người trầm cảm có thể lên giường rất sớm, nhắm mắt vài ba tiếng đồng hồ nhưng vẫn không ngủ được.“Trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành” chẳng phải vì lý do yêu nước, quan tâm đến xã hội cộng đồng, có trách nhiệm gánh vác cho gia đình, họ chẳng có một trọng trách gì nhưng vẫn không ngủ được, trong khi thức dậy rất sớm. Ban ngày đôi lúc mệt mỏi, muốn ngủ, thèm ngủ mà ngủ không được. Ban đêm cũng vậy. Còn khi ngủ được thì ngủ một cách mệt mỏi. Thức dậy vẫn đờ đẫn, không thoải mái. Tâm trạng của họ giống như hôn trầm và thụy miên, lờ đờ, lừ khừ, thơ thẩn như người mất hồn, không có được sức sống. Nhìn vào tướng trạng, điệu bộ của người đó ta thấy mất nhựa sống.
6-Căng thẳng và khó tập trung
Người trầm cảm dễ cáu gắt, bực dọc, tức tối, dễ nổi nóng, khi giao tiếp với người nào đó rất miễn cưỡng vì bản thân của họ không muốn. Họ tránh né mọi câu hỏi, mọi sự hỏi thăm. Khi làm việc gì đó thì họ gắng gượng làm chứ không có đam mê, thích thú. Thỉnh thoảng họ bị đãng trí, quên đầu này quên đầu nọ. Yêu cầu tập trung vào một điều gì đó là rất khó, giống như một bài toán khó mà họ không thể giải được. Điều đó dẫn đến thái độ do dự, chần chừ, thiếu quyết đoán, thiếu quyết tâm và không có giải pháp nhằm đối phó hay giải quyết những vấn nạn đang diễn ra. Đối với họ gần như cứ để cho số phận thế nào thì diễn ra thế đấy. Mọi thứ đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và nỗ lực của họ.
7-Muốn tự tử
Trạng thái tiêu cực nhất mà người trầm cảm thường nghĩ đến. Đối với họ cái chết là giải pháp tốt đẹp nhất cho các vấn nạn mà họ đang vướng phải. Sự yếm thế chán đời làm cho người trầm cảm đặt ra câu hỏi:“Tôi tiếp tục sống để làm gì? Cuộc đời này là vô nghĩa, vô vọng, không có giá trị gì đối với tôi. Tôi là người có tội, có lỗi với bản thân, gia đình, xã hội, không ai có thể bỏ qua lỗi lầm của tôi. Tôi bị thua sút, bị trù dập, bị chà đạp nhân phẩm, bị coi không ra gì, tôi không bằng được ai. Cuộc đời của tôi thật vô dụng và vô vị. Những nhận thức này đã làm cho đương sự nghĩ rằng tôi không đáng sống. Ngày hôm nào, giờ khắc nào tôi tiếp tục sống tôi có thể mang nỗi khổ niềm đau cho bản thân và tác động nỗi khổ niềm đau đến người thân cho nên thường kết liễu. Nhìn chung, nỗi khổ niềm đau xảy ra với người trầm cảm không nhiều đến độ không chấp nhận nổi, không vượt qua được nhưng vì do thái độ tâm lý yếu, nhận thức sai, nỗ lực kém phương pháp, thiếu sự hỗ trợ cần thiết, người bị trầm cảm kết thúc cuộc sống của mình hoặc trở nên điên loạn, bế tắc.
Đó là 7 dấu hiệu thường gặp của những người bị trầm cảm. Là phật tử có tu học, khi nhận biết người thân của mình rơi vào những dấu hiệu vừa nêu, một dấu hiệu đã là đáng lo, huống hồ nhiều dấu hiệu cùng lúc. Chúng ta không nên phớt lờ, đánh giá thường, hãy nỗ lực giúp đỡ cho họ vượt qua các bế tắc.
II- NGUYÊN NHÂN VÀ HOÀN CẢNH
Kinh Chuyển Pháp Luân được đức Phật giảng lần đầu tiên tại vườn Nai thực ra là phương pháp giải quyết các vấn nạn nỗi khổ niềm đau trên nền tảng phân tích nguyên nhân và tìm ra con đường. Thấy được nguyên nhân ta ngăn chặn được hậu quả, thấy được nguyên nhân ta có nhu cầu tìm ra giải pháp để kết thúc nó, con đường là yếu tố kéo theo sau không thể thiếu. Những người trầm cảm gần như có thói quen tìm lý do cho sự yếu kém, thất bại, khổ đau thay vì tìm nguyên nhân. Người tìm lý do thường có tâm lý biện hộ, không muốn thừa nhận sự thất bại của mình hoặc nếu thừa nhận thì thừa nhận một cách rất tiêu cực, bi quan, chán chường, tuyệt vọng, yếm thế, bế tắc. Dựa vào Kinh Chuyển Pháp Luân ta có thể nêu ra đây những nguyên nhân cốt lõi mà nếu không ngăn chặn nó thì bệnh trầm cảm tiếp tục phát sinh và có nguy cơ tái phát sau thời gian điều trị.
- 1. Môi trường sống không lành mạnh
Bệnh nhân là nạn nhân của một môi trường sống tiêu cực nơi đó bệnh nhân phải tiếp xúc một cách bất đắc dĩ với các hiện tượng bạo lực, nhất là trong gia đình: đánh đập, tra tấn, chửi bới, hăm dọa, quát tháo, nguyền rủa.v.v… hoặc là tiếp xúc với sự bị ruồng bỏ, bị chà đạp nhân phẩm, bị lạm dụng tình dục, lạm dụng sức lao động mà đương sự hầu như không có cơ hội để nói, nếu có nói cũng không ai lắng nghe, nếu có lắng nghe người ta cũng phớt lờ, làm ngơ bằng bàng quan, vô tâm, cho nên sức chịu đựng của đương sự ngày càng mòn mỏi đến độ họ nghĩ rằng họ không cần phải sống nữa. Do đó, để khắc phục trầm cảm có gốc rễ từ môi trường sống, đương sự phải thay đổi môi trường như là một sự thay đổi cộng nghiệp và biệt nghiệp.
Sau năm 1975, rất nhiều người Việt Nam chiến đấu, vượt qua cái nghèo bằng con đường vượt biên, chấp nhận thập tử nhất sinh, tìm cơ hội lập nghiệp trên mảnh đất hứa của Hoa Kỳ và phương Tây. Sau vài thập niên định cư tại Hoa Kỳ và châu Âu, Úc, Canada, việc thay đổi môi trường từ Việt Nam sang nước ngoài, những nước tiên tiến, đã làm cho nhiều người Việt Nam thay đổi được cộng nghiệp của mình. Khi bị bạo lực gia đình, bị ruồng bỏ, bị trù dập, bị cưỡng bức, bị bóc lột…Ta đừng nghĩ rằng số phận của mình đã được an bài và hôm nay ta phải trả các món nợ của ngày xưa mà thực tế không ai đủ sức truy cứu được đời xửa đời xưa của những kiếp trước đó ngoại trừ những bậc chứng đạo. Cho nên việc truy tìm nguyên nhân có gốc rễ quá khứ không phải là giải pháp, nó chỉ làm cho chúng ta ngộ nhận, chấp nhận số phận an bài. Nếu hòa đàm, trao đổi để mong tìm ra giải pháp mà không thực hiện được thì tốt nhất nên rời khỏi không gian sống, môi trường sống đó. Ta phải chấp nhận mất mát một cái gì đó có ý nghĩa để không biến mình trở thành một kẻ trầm cảm và tâm thần. Có thể cuộc sống trở nên vất vả hơn, nỗ lực phải nhiều hơn, căng thẳng hơn nhưng rồi chúng ta sẽ tìm được giải pháp. Không phải mấy ai cũng đủ năng lực ở trong bùn nhơ nước đục mà trở thành hoa sen thơm ngát, có gương, nhụy, cánh, hạt… phần lớn thì “gần bùn” thì “hôi tanh mùi bùn”. Người bị trầm cảm do tiếp xúc với môi trường sống quá tiêu cực, thiếu lành mạnh. Cho nên phải nỗ lực thay đổi cộng nghiệp bằng thay đổi môi trường sống thì biệt nghiệp sẽ trở nên tích cực hơn và có giá trị hơn.
- 2. Sang chấn tâm lý
Là một thuật ngữ tâm lý học nói về những cú sốc ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của con người đến độ người đó cảm thấy bất lực và không thể nào tiếp tục chịu đựng được nữa. Các cú sốc lớn đối với con người là: bị phụ tình, bị cắm sừng, bị lợi dụng trong tình yêu và bị khổ đau bởi sự bội bạc. Cũng có cú sốc liên hệ mất người thân và người bị bệnh nghĩ rằng người đó chết thì mình cũng chết theo, người đó chết thì cuộc đời mình hết ý nghĩa. Hoặc là thất bại trong kinh tế, tài chính, khánh tận tài sản, gãy đổ sự nghiệp, bị lừa đảo mất tiền bạc, mất hết tất cả. Tiếc nuối những điều đó đã làm cho nỗi khổ niềm đau không có cơ hội kết thúc trong tâm trạng của người bị bệnh.
Cũng có những trường hợp do bị áp lực công việc quá nhiều, khó khăn quá lớn, bất hòa quá dài mà sức chịu đựng của đương sự không thể nào kham nổi. Sự chịu đựng tiêu cực đó, thiếu các hỗ trợ tích cực đã làm cho bệnh trầm cảm phát sinh. Đối với nguyên nhân loại này, để vượt qua và nói không với bệnh trầm cảm, đương sự phải thực tập vô ngã trên nỗi đau ở thân và nỗi khổ ở tâm. Dầu là đau thân hay khổ tâm ta phải quán tưởng rằng: “thân thể này, cảm giác này, tâm tư này, thái độ này, nhận thức này không phải là tôi, tự ngã của tôi, sở hữu của tôi, do đó tôi không bị vướng kẹt vào nỗi đau trên thân và nỗi khổ ở tâm”. Đó là cách vô hiệu hóa nỗi khổ niềm đau, ly tâm hóa các sự bất hạnh. Tập thản nhiên trước các nghịch cảnh và nghĩ các nghịch cảnh như là cơn gió đi ngang qua cuộc đời của mình và kết thúc.“Sau cơn mưa trời lại sáng”, mất một điều gì đó, tổn thất một điều gì đó không có nghĩa là mất tất cả. Ta phải tiếp tục sống có trách nhiệm, gầy dựng lại, nỗ lực lại để vươn tới sự thành công. Tỉ phú Donald Trump của Hoa Kỳ đã từng bị khánh tận tài sản đến vài lần nhưng không bỏ cuộc, tiếp tục làm lại cuộc đời và bây giờ vẫn nằm trong danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới. Thực tập vô ngã sẽ giúp cho chúng ta rũ bỏ được tâm lý tiếc nuối vào sự vật, sự việc, tài sản, bất động sản, tổn thất, mất mát, có ai chết mà mang theo được cái gì. Do đó, cứ liên tưởng rằng những tổn thất, mất mát tài sản giống như mình đã chết rồi, nó không còn ở bên mình nữa, có gì đâu phải tiếc nuối, chúng ta phải tái sinh lại ngay trong kiếp sống này để thực hiện tiếp tục công việc, thay vì bỏ cuộc hãy nỗ lực khắc phục vượt qua.
- 3. Yếu tố nhân cách
Người trầm cảm thường đánh giá thấp bản thân, rơi vào tâm lý mặc cảm tự ti. Năng lực mình bằng với người thì cho rằng cho mình thấp kém hơn. Nhan sắc mình không đến nỗi tệ thì cho rằng mình xấu đau xấu đớn. Các trở ngại, chướng duyên, thử thách ở mức độ vừa mình cho là nhiều, ở mức độ nhiều thì cho là không còn đủ sức chịu đựng, ở mức độ ít thì cho là khá lớn. Cho nên, gần như là họ mất niềm tin ở bản thân, dễ bị tác động bởi các hoàn cảnh bất lợi và nghịch cảnh. Đây là những loại trầm cảm có nguyên nhân từ tâm lý tiêu cực, cảm xúc tiêu cực. Để vượt qua, người bệnh cần phải liên tưởng rằng kho tàng tâm của chúng ta giống như quả đất, chứa đựng rất nhiều các quặng mỏ, tài nguyên thiên nhiên. Chỉ cần có chiếc chìa khóa vạn năng- đó là trí tuệ, mở cửa tiềm năng thì tất cả các tiềm năng đã và đang ngủ quên sẽ được đánh thức. Khi đó, chúng ta sẽ trở thành những người hữu dụng, có giá trị cho bản thân, gia đình, xã hội. Nhớ đến câu đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành, các đức Phật là Phật đã thành” để chúng ta không tự khinh thường mình. Sự khác nhau giữa Phật và phàm phu là ở “thì”. Một bên là quá khứ và hiện tại, một bên là tương lai. Rút ngắn thì tương lai trở thành hiện tại, chúng ta sẽ nỗ lực trở thành Phật, 10%, 50%, 90%, 100%. Hãy nhổ các khái niệm “không thể được, số phận an bài”… ra khỏi nhận thức của bộ não chúng ta. Lúc đó nhân cách của mình mới trở nên lạc quan, yêu đời, năng động, tích cực, tự tin, từ đó dẫn đến sự sáng tạo và thành công.
- 4. Áp lực và đuối sức
Cơ thể sinh học của mỗi người là khác nhau, có người chịu đựng dẻo dai, có người chịu đựng kém. Người bị trầm cảm là người cảm thấy bị hụt hẫng, đuối sức, mất khả năng đề kháng và chịu đựng. Học sinh, sinh viên quá nhiều bài vở, thi cử quá căng thẳng, điểm quá thấp, áp lực tinh thần từ cha mẹ và người thân quá nhiều, kì vọng xã hội quá cao, tương lai quá khắt khe với mình. Các công nhân viên của các thành phần trong xã hội khi rơi vào tình trạng áp lực và các thách đố tương tự như thế, nếu không có người hỗ trợ tinh thần kịp thời, có thể trở nên trầm cảm. Để vượt qua nguyên nhân này, ta phải nhận thức rõ “tôi có nỗ lực, nỗ lực của tôi có phương pháp, những gì đáng làm tôi đã làm, những hỗ trợ tích cực tôi đã phấn đấu và nhờ người tiếp sức. Tôi hoàn toàn không có lỗi. Kết quả của những nỗ lực có phương pháp đó như thế nào, tôi hoan hỷ chấp nhận như thế đó”. Chiếc xe Honda do Trung Quốc sản xuất không thể chạy bằng tốc độ xe của Nhật. Xe hơi của Hàn Quốc không thể nào so bì được xe Mercedes của Đức. Điện thoại Samsung đa chức năng của Hàn Quốc không thể nào bằng được với Apple của Hoa Kỳ ở một vài phương diện. Thấy rõ điều đó cho thấy rằng năng lực của chúng ta có giới hạn hơn người khác một phần nào đó cũng là chuyện bình thường. Ta không thông minh bằng bác học, giáo sư đại học, những người thành công lỗi lạc trong các lĩnh vực cũng là chuyện bình thường. Tôi đã nỗ lực và làm hết tất cả, tôi không có lỗi gì hết nên tôi không tự hành hạ cảm xúc bản thân tôi. Cứ nỗ lực đều, có phương pháp, không gián đoạn, biết tập thể dục trong lúc nỗ lực, biết giải phóng căng thẳng thì nỗ lực đó không biến thành một sức ép dẫn đến sự kiệt sức.
- 5. Quá hưng cảm
Đối với người mà cảm xúc quá dâng trào, hưng phấn quá nhiều, quá tự tin theo dạng thiên cực hoặc nghĩ rằng tôi không cần phải ngủ. Người đó trở nên rất là bốc đồng, anh hùng dỏm, tức là muốn chứng minh mình hơn tất cả mọi người, vượt trội hơn tất cả các thành phần, ta là số một. Hưng cảm đó, hưng phấn đó, tột độ đó đến một lúc làm cho cơ thể mình kiệt quệ, cuộc sống của mình trở nên đuối, mềm nhũn ra, nhừ tử ra và mặt trái của lối sống này là làm cho ta gần như là bỏ cuộc hết, không muốn đụng đến thứ gì nữa vì nhớ tới trạng thái vừa qua làm mình rợn tóc gáy, nổi da gà, thành kiến, mệt mỏi, đờ đẫn. Những người bị hưng cảm thỉnh thoảng sẽ rơi vào tình trạng rất là cực đoan về một vấn đề khuynh hướng, lối sống, quan điểm. Người đó có khuynh hướng ăn thua đủ với chuyện không ra gì hết. Giận ai, ghét ai thì “chết mang theo”, đeo bám họ, ám ảnh họ trong giấc ngủ, trên bàn ăn, trong sinh hoạt, gần như là không rũ bỏ, buông xả được. Đó là hưng cảm theo dạng tiêu cực có tác động của hận thù, tâm lý sân hận, loại trừ, tư thù, thái độ xung đột và muốn loại trừ để trở thành độc tôn. Những người bị hưng cảm này trước hay sau cũng sẽ bị trầm cảm và trong khi bị trầm cảm mà không rũ bỏ được hưng cảm đó thì không thể nào hết được dù có uống thuốc. Đối với nguyên nhân vừa nêu thì việc học theo con đường trung đạo do đức Phật giảng dạy sẽ giúp cho người bệnh cân bằng lại thân và tâm, vật chất và tinh thần, các giá trị trong cuộc sống. Từ đó, vượt qua được các thiên cực về cảm xúc và thái độ. Trung đạo không phải là đi hàng đôi, giẫm chân lên trên hai phương hướng mà là vượt lên trên các đối lập nhị nguyên, thiên cực, cực đoan.
- 6. Chấp nỗi khổ niềm đau
Ai làm cho mình khổ đau là không buông xả được, cảm xúc cứ dâng trào, khó chịu, ôm ấp, nuôi dưỡng nó. Tâm lý học phương Tây khích lệ các công dân của họ ôm ấp nỗi đau giống như là một người ôm một người khác vào trong cơ thể của mình. Thỉnh thoảng họ cho xả nó ra bằng cách tạo ra hình nộm của người mình ghét, dùng các vũ khí đâm, chém, chặt, đập để giết hình nộm đó hoặc đốt cháy, chửi bới, phán tội, nhục mạ hình nộm đó như thể là đang đối với người thật. Ôm ấp cơn giận dữ và nỗi đau đó không phải là giải pháp vì nó là phản ứng có tác dụng phụ. Tâm sân hận lúc đầu là được an toàn vì không đụng chạm đến người thật mà chỉ nhằm vào hình nộm. Nhưng việc làm như thế thì các hạt giống sân hận tiếp tục gieo trong đầu mình, thể hiện qua các hành động chỉ là sai đối tượng. Đến một lúc nào đó mất kiểm soát, vượt qua ngoài vòng pháp luật thì người bệnh đó sẽ có thể giết người thật, chửi người thật, hành hung người thật, gây tác hại đến người thật. Do đó, không nên ôm ấp nỗi đau mà phải buông xả nỗi đau, xem nỗi đau như là rác rưởi, cơn tức giận như là rác rưởi, quăng vào sọt rác để tâm mình được an toàn, bình an. Muốn như thế thì phải buông xả, rũ bỏ, rộng lượng, tha thứ, thích ứng, hoan hỷ, tùy hỉ và không cố chấp. Cứ liên tưởng đến việc mở nắm tay thì không có vật gì dính trên đó được. Tâm là một động tác nắm vô hình, nắm về cảm xúc, thái độ, nỗi khổ niềm đau, bất hạnh, những điều không như ý, thậm chí là nắm nỗi ám ảnh. Điều đó làm cho nỗi đau đã kết thúc vẫn tiếp tục ngự trị trong tâm và hành hung ta trong cuộc đời.
Đó là sáu nguyên nhân và hoàn cảnh dẫn đến bệnh trầm cảm, thái độ chán chường tuyệt vọng không muốn sống hoặc là muốn tự tử. Khắc phục được 6 nguyên nhân vừa nêu ta có thể đẩy lùi được bệnh trầm cảm, vượt qua được bệnh trầm cảm.
III- ĐIỀU TRỊ BỆNH TRÀM CẢM
Theo đức Phật, không có nỗi khổ niềm đau nào là không có nguyên nhân, không có nguyên nhân khổ đau nào không thể chặn đứng được, do đó nó sẽ đến hồi kết thúc, không có nỗ lực có phương pháp nào dẫn đến sự thất bại hay vô nghĩa. Những nhận thức vừa nêu sẽ giúp cho ta hun đúc, lên dây cót tinh thần lạc quan, năng động, tích cực để khắc phục, vượt qua. Muốn như thế ta chịu khó liên tưởng đến những tấm gương nỗ lực thành công trong cùng hoàn cảnh tương tự như mình và thậm chí họ còn bị bi đát hơn mình nhưng họ đã vượt qua trong khi ta đầu hàng trước số phận. Sự so sánh tích cực đó cho mình giá trị tham khảo như là tấm gương điển mẫu phấn đấu cho bằng được kết quả đó.
- 1. Những điều nên tránh:
Bệnh trầm cảm có khả năng tái phát rất nhanh do đó những tác động có thể làm cho bệnh trầm cảm trở lại, cho nên ta phải tránh tình trạng không nên cố gắng làm một điều gì đó bất cứ giá nào vì cố gắng quá mức, quá sức chịu đựng của cơ thể và thái độ sống sẽ dẫn đến việc chúng ta bị lừ khừ, lần đần, không muốn làm gì, muốn buông bỏ mọi thứ, sợ hãi mọi thứ. Sinh viên bị trầm cảm do học thi quá mức, nỗ lực quá mức. Các công nhân viên hoàn cảnh khó khăn đã phấn đấu quá mức với bất kì một giá nào, làm ca một, ca hai, rồi cả ca ba, gần như là không ngủ, cho rằng đó là mục đích của cuộc sống trong khi mục đích cuộc sống là hạnh phúc. Điều kiện sống, tiện nghi cuộc sống chỉ là công cụ để phục vụ cho hạnh phúc, không phải là cứu cánh. Sự nỗ lực bất cứ giá nào sẽ làm cho chúng ta đuối sức, kiệt sức, bế tắc.
Trong quá trình trầm cảm, tâm lý của con người là không muốn làm, không muốn động móng tay móng chân, buông hết mọi việc. Ta nên nhớ rằng không nên ngừng các công việc dù công việc đó không có lương bổng hay lương bổng quá ít không đúng như kì vọng của chúng ta. Những người có bằng cấp cao, năng lực lớn mà không kí được hợp đồng dễ bị ngông cuồng, trầm cảm, nghĩ rằng mình hơn mọi người tại sao đến bây giờ thân phận mình chẳng ra chi còn người khác thì lên hương, lên voi, lên mây, bay xa, bay cao… trong tình huống nào cũng tiếp tục duy trì công việc. Người thân cũng vậy, không nên thấy người thân mình bị bệnh mà không giao việc cho họ, cứ cho họ làm việc này, lao động việc kia, vận động việc nọ để làm cho họ hưng phấn trở lại. Dĩ nhiên phải đặt họ vào một môi trường lao động được nâng đỡ tinh thần. Bản thân người trầm cảm đã chán nản, buồn rầu, tuyệt vọng rồi mà cho họ ở không sau thời gian thì họ mất khả năng phục hồi, họ không muốn làm gì hết, buông luôn, giống như chiếc lục bình trôi. Tuyệt đối không được sử dụng các loại ma túy tổng hợp, đập đá, thuốc lắc, hít keo, á phiện cũng không được uống rượu bia, thuốc lá vì các kích thích tố này dẫn đến sự căng thẳng của não và tình trạng tiếp tục bị trầm cảm sẽ tái phát rất nhanh. Nhiều khi mình nỗ lực điều trị một năm trời, thuyên giảm tốt rồi nhưng mà chỉ vướng vào các kích thích tố đó thôi thì tình trạng trở lại như xưa. Các nỗ lực trở nên bất lực.
Vì là bệnh nhân, người trầm cảm không nên ngừng việc uống thuốc. Có thuyên giảm nhẹ cũng đừng nên nghĩ rằng mình đã hết. Ta không có kinh nghiệm và kiến thức như bác sĩ chuyên khoa nhiều lĩnh vực, do đó phải tiếp tục uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không ngưng thuốc. Khi uống thuốc mà không có kết quả cũng không tự đổi thuốc vì ta không phải là bác sĩ. Phải đi đến bác sĩ nhờ tư vấn tiếp tục để bác sĩ có thể cho biết bệnh này cần phải thêm một tuần, hai tuần nữa mới thuyên giảm thì ta không nên chán nản bỏ cuộc. Tự thay đổi thuốc là một sự liều mạng. Cũng không nên tự ra những phòng bán thuốc tây để họ tự cho thuốc mình uống vì người bán thuốc tây chỉ là dược sĩ, không phải là bác sĩ. Còn ở nước nghèo như Việt Nam, người dược sĩ cho thuê bằng cấp, người quản lý phòng thuốc phần lớn chẳng có bằng cấp, chẳng được đào tạo về chuyên môn, chỉ học lóm, học thuộc lòng, không biết đến tác dụng phụ của thuốc, cũng không biết thuốc nào chống chỉ định ra sao, chỉ cho uống càn, uống đại, cho nên việc thay đổi thuốc đó cũng rất nguy hiểm.
Phải tránh tiếp xúc 6 nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm, không nên đến môi trường như thế để cho nỗ lực của người bệnh mới thực sự có kết quả.
Ví dụ: người trầm cảm do sống trong môi trường tiêu cực, bệnh chưa hết lại quay trở về nơi đó sống thì bệnh sẽ tái phát. Cho nên phải xa lánh các nguyên nhân bằng mọi giá.
- 2. Điều trị chuyên khoa:
Chuyên khoa của bệnh trầm cảm là tâm thần, không phải là thần kinh, ngoại thần kinh, nội thần kinh hay tư vấn tâm lý. Các lĩnh vực đó khác rất xa với bệnh lý tâm thần. Phải đi đến các bệnh viện tâm thần để được điều trị tâm thần cho chứng bệnh trầm cảm. Không nên mặc cảm cũng không nên phủ định rằng mình đang bị bệnh. Nhu cầu điều trị rất cần thiết. Nhiều gia đình thiếu hiểu biết cứ tưởng con cái của mình bị ma nhập, ma ám, ma phá, nhất là các bà mẹ có con gái bị trầm cảm thì đến thầy bùa, thầy ngải, thầy phong thủy, thầy địa lý, nhân điện, thầy pháp, thầy ngoại cảm…câu giải đáp phần lớn là giống nhau “ma theo, ma phá”. Đang bị trầm cảm, khổ đau, bế tắc chưa điều trị được lại bị nện thêm bệnh hoang tưởng thì trầm cảm đó có khuynh hướng rơi vào loạn tuởng và trở thành điên về sau này. Cho nên tránh tình trạng “có bệnh vái tứ phương” nhất là những nơi được đồn đại là linh thiêng, là giỏi. Bị trầm cảm là phải đến bệnh viện tâm thần. Dĩ nhiên điều trị tâm thần không vẫn chưa đủ vì bác sĩ tâm thần sẽ không giải thích một cách chi li, cũng không hướng dẫn một cách cặn kẽ, bác sĩ tâm thần chỉ làm công việc cho bệnh nhân trả lời một loạt các câu hỏi. Dựa vào các câu hỏi và sự trung thực của bệnh nhân đó mà người ta đoán định được nguyên nhân, mức độ của bệnh cộng với kinh nghiệm quan sát về triệu chứng của bệnh lý và sự hợp tác của người thân mà các bác sĩ cho uống thuốc trầm cảm một cách rất dè dặt, thận trọng. Cho nên, bệnh nhân trầm cảm không nên nghĩ đơn giản rằng bệnh này có thể điều trị dứt điểm bằng tập thể dục vì tập thể dục không phải là điều trị bệnh, chỉ là sự hỗ trợ. Vì nguy cơ điên loạn và tự tử ở bệnh trầm cảm là rất cao, cho nên chúng ta không nên đánh giá thấp. Cũng cần phải hiểu là thuốc trị trầm cảm không phải là thuốc ngủ. Do vậy nó không gây nghiện, nghĩa là độ an toàn của nó khá tốt. Chỉ đơn thuần uống thuốc trầm cảm không thể trị hết bệnh, nó chỉ ngăn, chống sự phát triển của bệnh.
Do đó, người bệnh phải tập thêm những điều sau để vượt qua trầm cảm lâu dài. Thông thường khi uống thuốc từ 3-6 tuần lễ thuốc mới có đủ tác dụng trên cơ thể. Cho nên người bị bệnh trầm cảm không nên vội vã, uống thuốc vài ba ngày hay là nửa tháng thấy không khỏi bệnh lại nghĩ rằng thuốc này không đúng, lại đổi bác sĩ, bệnh viện, cách điều trị như thế thì không thể nào hết bệnh. Nhanh là 3 tuần, chậm là 6 tuần mới có tác dụng. Sau đó phải tiếp tục uống thuốc từ 5-6 tháng theo chỉ định của bác sĩ thì mới có cơ hội kết thúc bệnh trầm cảm.
- 3. Tâm lý liệu pháp:
Bản thân người bị trầm cảm là bị khổ đau về cảm xúc quá nhiều, tâm lý tiêu cực quá nhiều, sức chịu đựng quá thấp do đó điều trị bằng tâm lý sẽ giúp cho đương sự lên được tinh thần, khắc phục yếu kém của bản thân. Cốt lõi của việc hỗ trợ tâm lý này là làm sao để giúp cho bệnh nhân làm chủ được dòng cảm xúc để khi nghịch cảnh, nỗi khổ niềm đau có mặt ta không cường điệu hóa, quan trọng hóa, biến nhỏ thành to, biến vừa thành lớn.
KinhTương ưng dạy chúng ta nghệ thuật làm chủ cảm xúc là đối với mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm quan điểm chỉ đơn thuần là sự thấy, sự nghe, sự ngửi, sự biết không kéo theo các phản ứng tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ. Từ đó, chúng ta trở nên thản nhiên trong bản lĩnh để đối phó, giáp mặt với bất hạnh và vượt qua được chúng. Người sợ ma mà tắt đèn trùm mền thì không thể nào hết sợ ma, hay bật đèn cũng không thể nào hết sợ ma. Muốn hết sợ ma phải mở mền ra, không trùm đầu, mở đèn thật to mời ma lại uống trà với mình. Sẽ chẳng có con ma nào xuất hiện, vì đã tái sanh hết rồi lấy đâu xuất hiện! Nỗi sợ chỉ là ám ảnh trong tâm lý, không có thật.
Người thân phải hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân trầm cảm, kể những câu chuyện gương phấn đấu thành công. Chẳng hạn như Nick Vujicic của Úc, Jessica Fox- nữ phi công cụt tay đầu tiên của Hoa Kì được bay ở tốc độ cao và là người nổi tiếng trong các cuộc đua xe tốc độ cao và chị ấy cũng là một võ sĩ mấy đẳng huyền đai. Liên tưởng đến các tấm gương thành công đó, người bị trầm cảm sẽ khắc phục được, ít nhất là trong hoàn cảnh tương tự hoặc thậm chí tệ hơn mình, có nhiều người đã thành công, ta không được khinh chính mình, ta phải có trách nhiệm và cam kết vượt qua được, khắc phục được, thành công được.
Người thân phải chịu khó tâm sự, giãi bày, nâng đỡ, chia sẻ tình cảm cho bệnh nhân, không chì chiết, không nói nặng, không hờn trách, không ghét bỏ, không cô lập vì họ bị bệnh, càng làm thế bệnh càng nặng hơn. Có một cặp vợ chồng bất hòa với nhau, cứ trung bình một tuần hai vợ chồng đánh nhau ba lần. Cô con gái chứng kiến cảnh đó dẫn đến bị khổ và bị trầm cảm nặng. Cô bé này đi chùa từ nhỏ và ăn chay trường từ nhỏ, cho nên không thích cái cảnh cha mình bạo lực với mẹ và không thích cảnh mẹ mình bán rượu bia cho những người nghèo uống, rồi cũng bạo lực giống như gia đình cô ấy. Cho nên cô ấy không tiếp xúc với cha mẹ, không giao tiếp với mọi người, bỏ công ăn việc làm, ngưng hết và trở thành người bị trầm cảm và tâm thần nhẹ. Lên gặp chúng tôi và chúng tôi hỏi mới phát hiện ra nguyên nhân đó. Chúng tôi khuyên gia đình này nếu muốn có một gia đình hạnh phúc, muốn cứu vớt đứa con thì người cha phải cam kết bỏ rượu, không đánh đập vợ ông nữa và người mẹ phải ngưng bán rượu vì cô con gái này quá nhạy cảm với việc đó, tinh thần xuống quá thấp, nên khi ba mẹ cam kết không làm việc đó, cô ấy mừng như thể sống lại một lần nữa. Đó là sự hỗ trợ có ý nghĩa, chúng ta hy sinh một cái gì đó để chúng ta có một giá trị lớn hơn, đó là tình người.
Để sống được thư thái trong mọi hoàn cảnh, đương sự không nên chấp cái gì đó chưa xảy ra trong tương lai, không chấp sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không chấp mình là nạn nhân, không chấp kẻ xấu là tác nhân vì kẻ xấu sẽ bị luật pháp trừng trị, nếu kẻ xấu không bị luật pháp nghiêm trị thì sẽ bị nhân quả trừng trị, ta không nên làm thay thế công việc của tòa án và nhân quả. Cho nên ta dễ dàng thoát ra khỏi tâm lý hận thù, giang hồ. Bằng cách đó, nỗi khổ niềm đau sẽ được phóng thích ra khỏi tâm trạng của mình, khỏi cảm xúc, khỏi lối sống, khỏi hành vi và ta được an toàn.
- 4. Tương tác xã hội:
Vì bệnh nhân trầm cảm có khuynh hướng sống một mình trong ốc đảo của riêng mình, để giúp cho họ vượt qua, người thân phải tạo điều kiện cho các tương tác xã hội được diễn ra trong và ngoài gia đình. Người thân phải gợi mở sự chia sẻ dù người bị trầm cảm không muốn nói, cạy răng trong miệng họ, họ cũng không phát biểu, phải tạo cơ hội để cho người đó không thể ngậm miệng lặng thinh. Nói ra được giống như việc mở ống khói xả ra được khí cacbonic không còn khống chế người trong phòng và không giết chết người trong phòng do thiếu oxy. Nỗi khổ niềm đau giống như khí cacbonic, có mặt nơi nào nó sẽ phong tỏa và làm cho oxy không còn, nhựa sống, tinh thần sống bị bào mòn đi, cho nên phải chia sẻ với người thân. Có nỗi khổ thì nói với người thân mình. Nếu con gái thân với mẹ thì chia sẻ với mẹ, con trai có thể chia sẻ với cha hoặc cả cha lẫn mẹ, ông bà, thầy cô giáo, những người lớn hơn mình, những người quý trọng mình. Với kinh nghiệm, họ có thể giúp cho người bệnh những giải pháp để vượt qua. Còn những người tự cao tự đại, tự trọng, “anh hùng rơm” thì thường không muốn chia sẻ với ai: “tôi có thể làm được mọi thứ, tôi cóc cần” nhưng rồi sức chịu đựng của họ có giới hạn sau thời gian họ bỏ cuộc.
Người thân phải tạo điều kiện cho người bệnh trầm cảm giao du với bạn bè, tiếp xúc với cộng đồng, tức là khích lệ cho có bạn trai, bạn gái, bạn tâm giao để người đó có thể chia sẻ, giãi bày, đi chơi chung, sinh hoạt chung.v.v…Sự đồng hành đó làm cho người bệnh trầm cảm không có cảm giác chìm sâu trong sự cô đơn, buồn chán, tẻ nhạt, vô vị, bế tắc. Nếu người đó vừa trầm cảm vừa khó tính, không ai có thể chơi được thì lúc đó cha, mẹ phải có trách nhiệm phân công thời gian để chơi với con mình: dẫn đi công viên, du lịch, tới những nơi đông người.v.v… để cho người đó không được tiếp tục chơi trò ẩn trốn trong ốc đảo của riêng mình, họ phải xuất đầu lộ diện, họ phải tương tác, giao du, tiếp xúc để từ từ lấy lại phong độ và vượt qua bế tắc.
Không thể cho bệnh nhân trầm cảm ở riêng một phòng vì ở riêng một phòng, người đó sẽ chìm trong nỗi buồn hơn, suốt ngày chỉ nằm không ngồi, suốt ngày chỉ ngồi không đi và suốt ngày ngậm miệng lặng thinh. Phải để cho họ ở chỗ mà nhiều người có thể nhìn thấy được để hỗ trợ. Nặng thì người trầm cảm sẽ có khuynh hướng chui rúc ở xó nhà, ở hộc cửa, ở gầm giường, xó bếp để tìm cơ hội trốn việc tiếp xúc, còn ở trường lớp thì đang ngồi ở bàn đầu chui xuống ở góc kẹt cuối phòng để thầy cô giáo không nhìn thấy mình, không ai quan tâm đến mình. Đang bị trầm cảm thì không được chơi Internet quá hai giờ mỗi ngày, quá 60 phút một lần, không được chơi trò chơi điện tử trên mạng, không được coi tivi quá nhiều, không đọc sách, báo quá nhiều… những gì liên hệ đến việc động não, suy nghĩ quá 3h thì xem là nghiện và có nguy cơ bị tâm thần. Nên cho người đó chơi thể thao phù hợp với giới tính và lứa tuổi. Sự vận động đó làm cho cảm giác mệt mỏi, chán chường kết thúc. Phải làm sao cho cuộc sống người đó trở nên bận rộn và có giá trị.
Ví dụ: việc làm đó là không lương thì với tư cách là người thân (cha, mẹ) nói với chủ hợp đồng, cứ giả vờ cho lương của người này, người thân đưa lại cho người chủ đó để đưa cho con của mình. Người con đó có cảm giác là mình có giá trị, làm được việc, có thể giải quyết vấn đề của bản thân, không phải lệ thuộc vào cha mẹ. Tình trạng đó sẽ giúp cải thiện nhận thức và thái độ sống. Sợ người thân của mình bị bệnh, không cho giao du tiếp xúc, sợ người ta biết thì quê, quê gia đình, quê bản thân mình có đứa con bị tửng tửng. Càng nhốt trong nhà không cho làm việc gì càng làm cho bệnh ngày càng phát triển thêm, nguy hại hơn.
Bằng mọi cách phải làm sao giúp cho người bị bệnh trầm cảm bắt đầu hé mở tia hy vọng, nhận thức tích cực rằng cuộc đời của tôi vẫn tiếp tục có ý nghĩa. Nếu như người thân tỏ ra cóc cần, không quan tâm, không cam kết có trách nhiệm thì người trầm cảm mà tự ái có thể chuẩn bị cho cái chết bằng cách viết thư tuyệt mệnh rồi tự tử bằng cách này cách khác. Họ giấu, ém nhẹm việc đó như một việc rất bí mật không ai biết. Khi họ chết rồi, người ta mới vỡ lẽ. Lúc đó, có buồn, có ân hận, ray rứt thì mọi việc đã vượt quá tầm kiểm soát. Không thể giải quyết vấn đề gì hết. Cho nên tương tác xã hội là một trong những nỗ lực để vượt qua trầm cảm rất tốt.
- 5. Cười thật nhiều
Để cho tâm được hoan hỷ, hạnh phúc, hân hoan, lạc quan, yêu đời, năng động, tích cực. Người nào mà gương mặt cứ lạnh như tiền, căng thẳng, mệt mỏi, đờ đẫn mà cho làm công tác ngoại giao, tiếp đãi quần chúng là thua. Bà vợ nào mà suốt ngày gương mặt cứ chầu quạu thì người chồng không thể hạnh phúc được. Ông chồng nào, lúc nào cũng căng thẳng, lạnh nhạt thì vợ và con khổ. Cho nên cả gia đình cùng phải cười. Mỗi thành viên trong gia đình đều phải cười, tập cười. Đó cũng là một cách làm duyên, có giá trị. Cười riết ta sẽ sảng khoái hơn, tự tin hơn, trẻ hơn, đẹp hơn. Biết cười nhiều, vui vẻ nhiều, các bà vợ có thể biến chồng mình thành osin trong sự hài lòng. Các ông chồng cười nhiều, làm cho vợ mình vui nhiều thì cả gia đình đều được hạnh phúc. Nhân viên nào biết vui vẻ với khách hàng thì công việc bán hàng sẽ có thành quả cao.
Nói chung là trong mọi lĩnh vực và phần lớn các tình huống, việc cười tươi, thoải mái, sảng khoái có giá trị tích cực cho sức khỏe, tinh thần, công ăn việc làm và mọi thứ khác ngoại trừ cười cố tình, ghẹo tình thì người sẽ phán là có vấn đề, còn các điệu cười còn lại đều tốt. Cho nên phải chịu khó xem hài của Charles, Mr.Bean, trong nhà ngoài phố, gặp nhau cuối tuần. Chọn các danh hài mình thích, xem xong 30phút, cười thoải mái, cười xong rồi chẳng còn muốn chết nữa. Sau khi coi phim hài, mỗi ngày chúng ta phải tập cười 7 lần. mỗi lần trung bình 30 giây. Cười sảng khoái, kha khả, để rũ bỏ nỗi khổ niềm đau, cười để tăng cường sức khỏe, để lạc quan yêu đời, để thấy đời mình trẻ trung, để thấy cơ hội đang chào đón ta và nhiều mục đích cao quý khác. Sự cười giòn giã sẽ giúp cho con người giải phóng nỗi lo và căng thẳng, vốn là nguyên nhân của trầm cảm. Người bị thất tình cười nhiều đừng sợ bị điên, cười nhiều sẽ hết hận thù, hết hận tình. Chứ đang lúc khổ, thất tình mà lại nghe nhạc thất tình thì không tự tử cũng trầm cảm. Nếu không trầm cảm cũng tiêu cực. Cho nên không xem phim buồn, phim tình cảm ủy mị của Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, không nghe các bài nhạc thất tình rên rĩ như kiểu của Chế Linh, cũng không nên nghe các bài gào thét như kiểu của Phương Thanh và Đàm Vĩnh Hưng vì nó gây rối loạn cảm xúc. Ngoài ra nên chơi các loại thể thao phù hợp với giới tính và lứa tuổi vì nó làm cho mình trở nên thoải mái và vượt qua nỗi khổ niềm đau không phải là một việc quá khó khăn.
Đó là những điều nói thêm về bệnh trầm cảm mà bốn năm trước chúng tôi có dịp phân tích. Hy vọng bài bổ sung này sẽ giúp cho những người đang rơi vào tình trạng này có thể vượt qua bằng nỗ lực bản thân và người thân có thể hỗ trợ cho bệnh nhân là thành viên trong gia đình có thể khắc phục một cách có hiệu quả.
Có khoảng 6-10% dân số thế giới bị bệnh trầm cảm và mấy % tự tử chết trong số lượng tâm thần đó. Nguyên nhân ban đầu là trầm cảm. Thái độ sống chán chường, tiêu cực, bế tắc, tuyệt vọng lâu ngày dài tháng không có người nâng đỡ, tháo mở, hỗ trợ, giúp đỡ thì bệnh trầm cảm sẽ trở thành sát thủ không thương tiếc, không cả nể bất kì ai dù vai trò, vị trí như thế nào. Tổng thống Nam Hàn tự tử vì thanh danh của ông bị xóa sổ bởi sự nhận hối lộ của vợ và con ông. Nữ minh tinh Hàn Quốc Choi Jin Sil chết cũng vì trầm cảm. Mấy năm sau đó, chồng cô ấy, dù đã ly thân, ly dị trước đó cũng tự tử chết theo. Số lượng người tự tử ở Hàn Quốc nhất là giới trẻ ngày càng gia tăng, có khuynh hướng đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Còn tự tử tuổi già ở Nhật Bản thì phá kỉ lục toàn cầu. Nói chung, tự tử ở bất cứ nơi nào cũng có gốc rễ là trầm cảm. Người điên nào cũng có gốc rễ từ trầm cảm, không chết thì điên, không điên thì rơi vào tình trạng hưởng thụ thân tàn ma dại cũng đều phát xuất từ trầm cảm mà không chịu điều trị. Nắm vững Tứ Diệu Đế, giáp mặt khổ đau, truy tìm nguyên nhân, tin tưởng hạnh phúc và thực tập Bát chánh đạo thì toàn bộ các nỗi khổ niềm đau và trầm cảm là một thứ trong đó có thể được vượt qua.
Thích Nhật Từ
(Thư Viện Hoa Sen)
Bài đọc thêm:
16/01/20183:24 SA
16/01/20183:00 SA
Đừng để trầm cảm hủy hoại cuộc đời bạn
Discussion about this post