NIỆM VỀ CÁI CHẾT
Thích Thông Phương
I/ CHẾT LÀ ĐỊNH LUẬT CHUNG CHO TẤT CẢ THẾ GIAN.
Lâu nay, chúng ta nghe nói nhiều về vấn đề sự sống, đề tài nói chuyện hôm nay là “Niệm Về Cái Chết”.
Thường
người ta hay sợ chết, không dám nghĩ hay nói đến cái chết, cho dù gần chết cũng vậy, khi cái chết đến thì hoảng hốt. Còn chúng ta là người học đạo, phải luôn nghĩ về cái chết để khi đến giây phút đó không lấy làm lạ. Bởi vì ai cũng phải chết, có sanh thì có tử là lẽ thường nhiên,
không ai tránh khỏi được.
Hòa
Thượng Ân sư có bài pháp “Con Tàu Kỳ Lạ”, nói về chiếc xe lửa đặc biệt
có nhiều toa mà không người lái. Toa trên tàu có nhiều hạng: từ hạng nhất, hạng nhì….cho đến các hạng thấp xấu. Mỗi hành khách có hành lý riêng, cùng đi chung một con tàu. Trên tàu có vô số người lính, áp tải hành khách lên các toa khác nhau. Tàu tự động chạy từ thành phố ra biển. Vì con tàu chạy đường dài, nên có người mệt thì ngủ vùi, có người
lo ăn uống hay vui chơi suốt đêm, có người khi say sưa thì cãi nhau rồi đánh nhau……. Bao nhiêu cảnh chen lấn, giành giựt, ồn ào đều xảy ra trên tàu, nhưng con tàu vẫn cứ tiến ra biển. Tàu chạy qua nhiều phong cảnh, cảnh vật bên ngoài thay đổi liên tục. Cảnh đẹp thì thích ý, có người muốn tàu chạy chậm để ngắm xem cho kỹ. Còn cảnh không thích ý, thì muốn tàu chạy nhanh. Nhưng con tàu vẫn chạy đều đều không theo ý ai
hết. Hành khách trên tàu bị các cảnh vật trước mắt và những lo nghĩ, quên mất điểm đến cuối cùng của tàu là gì?
Những
hành khách đi trên tàu không phải ai cũng đến được bến đổ. Có những trường hợp gặp nhiều chuyện buồn bả, bất như ý, phiền muộn, đau khổ…., nhiều hành khách đã nhảy ra cửa tàu tìm cái chết trước khi tàu đến bến.
Hoặc có những sự tranh giành, cãi nhau về chỗ ngồi, về tiện nghi, họ quăng ném nhau ra khỏi toa tàu…, tất cả tạo nên những sự náo động nguy hiểm, bất an cho hành khách và con tàu.
Tuy
vậy trong số những hành khách trên tàu, có vài người biết rõ số phận của mình là tàu sẽ đi thẳng xuống biển, nên âm thầm lặng lẽ ngồi tìm những miếng cao su vụn, kết lại thành những chiếc phao để dành sẵn. Khi
họ làm công việc này, lại bị những người xung quanh nhìn bằng con mắt khinh khi, chê cười cho là những người khùng điên, làm việc không đáng.
Mặc ai nói cười gì thì nói, họ vẫn tiếp tục làm việc của mình.
Thế
rồi, con tàu cũng đến bến đổ cuối cùng, trước mắt là biển cả bao la, con tàu vẫn tiến tới. Những hành khách trên tàu bây giờ mới hoảng hốt, lo sợ la lối yêu cầu con tàu ngừng lại. Nhưng con tàu không ngừng. Tại sao? Vì đây là con tàu không người lái. Và cuối cùng tàu đâm xuống biển. Tất cả hành khách theo con tàu đều chìm xuống biển, riêng chỉ có những người bị gọi là điên khùng lại có phao, họ ôm phao bình tỉnh bơi vào bờ.
Hợp
pháp câu chuyện: Những người lính áp tải trên tàu là nghiệp lực, đưa đẩy dẫn con người đi vào chiếc tàu. Còn các toa tàu hạng nhất, nhì, tốt, xấu……, tùy theo nghiệp báo tốt, xấu của mỗi người mà ngồi vào toa của mình. Như hiện tại, người tạo nghiệp tốt thì sanh ra trong hoàn cảnh tốt, còn nghiệp xấu thì sanh vào hoàn cảnh xấu. Phong cảnh, cảnh vật bên ngoài là năm trần. Các trần cảnh bên ngoài luôn thu hút lôi kéo
con người khiến quên mất, không nhớ được điểm cuối cùng kia. Còn những
hiện tượng tâm lý vui buồn, thương ghét bên trong là tam độc, bát phong luôn thường thổi đến.
Sự
vận chuyển liên tục của con tàu là thời gian. Thời gian cứ trôi đều, và điểm khởi đầu cùng điểm cuối của con tàu là con đường sanh và tử.
Bắt
đầu đi là sanh ra, chạy tới chỗ cuối là tử, ai sanh ra rồi cũng đến điểm cuối cùng là cái chết, đó là điều chắc chắn không tránh khỏi. Nhưng vì vô minh nên ta say đắm những dục trần trước mắt, tạo nghiệp chịu khổ, không nhớ được điểm cuối là cái chết.
Người
tỉnh giác biết phải lo tu tập đạo nghiệp, kết những cái phao, dù khi ngồi kết bị chê cười là ngu, là điên, nhưng vì đã có hướng đi, thấy được cái gì phải tới trước mắt, nên ai nói gì thì nói, họ cứ làm công việc của mình. Đó là cái khéo của người biết tu, nhẫn chịu sự nhạo báng
chê cười của mọi người, chỉ lo kết phao chuẩn bị cho điểm đến cuối cùng của đời mình.
Có
người lý luận tu cũng chết, không tu cũng chết, vậy tu làm chi? Do đó họ mặc tình hưởng thụ. Quả thật, trong thế gian này, từ vua chúa giàu sang đến kẻ cùng cực nghèo hèn, cuối cùng rồi ai cũng chết, đó là chuyện thường tình. Nhưng trong cái chết của mỗi người lại có điểm khác
nhau.
Người
không biết tu, chết trong mê lầm tối tăm, hoảng sợ đau khổ, chới với không có điểm tựa. Còn người biết tu khi chết được bình tỉnh, an ổn vào
bờ, vì đã lo chuẩn bị phao sẵn từ trước. Điểm khác nhau là như thế! Người biết rõ lẽ vô thường, khi cái chết đến không bị bở ngỡ.
Trong
kinh Pháp Cú kể câu chuyện: Có bốn vị Phạm Chí tu đắc được ngũ thông, nên biết trước là bảy ngày nữa mình sẽ chết. Họ nghĩ đã có ngũ thông vì
sao lại đành chịu chết? Nên cùng nhau bàn tìm lối thoát. Vị thứ nhất nói: “Tôi dùng thần thông lặn xuống lưng chừng biển sâu, trên thì không
nổi lên, ở dưới không chạm đáy, quỷ vô thường không biết rõ chỗ nào để
đến bắt”. Vị thứ hai nói: “Tôi dùng thần thông vạch núi Tu-di vào trong giữa núi rồi khép lại. Quỷ vô thường có đến cũng không thể bắt được”. Vị thứ ba nói: “Còn tôi dùng thần thông biến mất, ẩn trong hư không, đâu có thể tìm ra được”. Vị thứ tư nói: “Tôi vào giữa chợ đông người lộn xộn, khi quỷ tới không biết ai, gặp người nào bắt người đó”. Bốn người đều làm theo như vậy. Nhưng đúng vào thời gian đó các vị đều chết hết. Người ở biển thì nổi lên; người trên hư không thì rớt xuống; người trong núi thì trồi ra, và người trốn trong đám đông thì nằm chết giữa chợ.
Đức Phật nghe được chuyện liền nói bài kệ:
Dù trốn giữa hư không,
Hay biển khơi, núi rộng,
Không một nơi nào cả,
Tránh khỏi được tử vong.
Vậy,
chúng ta sợ chết có khỏi không? Sợ cũng không khỏi vậy sợ làm gì? Quan
trọng là không mê lầm, sáng suốt biết rõ từng sự việc là tốt rồi.
Vua
Trần Thái Tông (Việt Nam) là một ông vua thiền sư ngộ đạo, có sức sống
thật sự. Tuy làm vua, sống cuộc đời cao sang vương giả mà lúc nào Ngài
cũng lo kết phao. Nên trong bài “Nói rộng về sắc thân” nhà vua cảnh tỉnh cho nhau: “Chẳng luận giàu nghèo đồng vào cõi chết, hoặc để trong nhà thì vòi đục tửa sinh, hoặc ném ra đường thì quạ ăn chó xé. Người đời bịt mũi đi qua, con hiếu thì lấy mền quấn giấu; nhặt thu hài cốt, chôn cất thịt xương, quan quách phó cho đóm lửa ma trơi nơi hoang dã, mả mồ giao cho muôn dặm núi sông. Khi xưa tóc đen má ửng, ngày nay xương trắng tro đen.”. Khi chết rồi con cháu thương thì lấy mền quấn, bỏ
vô hòm mà chôn. Đem quan quách phó mặc cho đóm lửa ma trơi nơi đồng hoang, đâu có ai ở đó mà giữ. Mồ mả giao cho muôn dặm núi sông ngoài hoang dã, mục đích cuối cùng cuộc đời, là hiện tượng như vậy.
Đó
là điều chúng ta phải luôn quán niệm kỹ về cái chết, để không bị mê lầm và cũng là chuẩn bị cho tự thân của mỗi người, biết trước lẽ thật chắc chắn là như vậy, khi việc đến sẽ không bị bở ngỡ. Người Tây Tạng có câu: “Ngày mai hay đời sau điều gì tới trước, ta không thể biết được!”. Tức là hôm nay sống, nhưng ngày mai chưa biết còn sống hay không, ngừng thở là chết qua đời sau rồi. Lẽ thật của sự vô thường là như vậy, phải quán kỹ để chuẩn bị cho chính mình.
II/ CÁI CHẾT CÓ TRONG CÁI SỐNG.
Thấy
rõ cái chết trong cái sống, nên chúng ta cần phải quán kỹ cái chết ngay trong cái sống, chớ không phải ở nơi nào xa xôi. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật hỏi vua Ba Tư Nặc: “Đại vương! Ngay nơi thân đang tồn tại của Đại vương, nay Như Lai muốn hỏi: Thân thịt này của Đại vương là
thân kim cương bất hoại hay sẽ biến hoại?”. Đáp: “Bạch Thế Tôn! Thân con hiện nay rốt cuộc rồi sẽ bị biến hoại”. Đức Phật bảo: “Đại vương! Ông chưa từng diệt, làm sao biết mình sẽ biến diệt?”. Đáp: “Bạch Thế Tôn! Cái thân biến hoại vô thường của con hiện nay tuy chưa từng diệt, nhưng con thấy trước mắt, từng niệm dời đổi mãi không dừng, như lửa tàn thành tro, dần dần tiêu tan. Vì tàn hoại không dừng, nên con biết chắc thân này sẽ diệt mất”. Vua Ba Tư Nặc quán thấy từng niệm thay đổi không
dừng, biết rõ thân là vô thường, thay đổi sẽ bị hoại diệt.
Đoạn
sau Phật hỏi kỹ hơn: “Đại vương! Thân thể của ông đâu phải già liền?”.
Vua Ba Tư Nặc thưa: “Bạch Thế Tôn! Nó âm thầm dời đổi. Cái thân già nua này thay đổi trong vòng 10 năm. Nếu con suy nghĩ kỹ hơn, chẳng những nó thay đổi trong khoảng 10 năm, 20 năm mà thực thay đổi trong từng năm. Chẳng những thay đổi trong từng năm, mà thực thay đổi trong từng tháng. Chẳng những thay đổi trong từng tháng, mà thực nó thay đổi trong từng ngày. Chiêm nghiệm thật sâu, quán sát thật kỹ thấy nó thay đổi trong từng sát na, trong từng mỗi niệm không hề dừng nghỉ. Thế nên con biết thân này cuối cùng phải chịu sự biến đổi, và hoại diệt”.
Chúng
ta muốn thấy sự thay đổi của thân này cũng phải trải qua thời gian 10 năm. Mười năm nhìn lại mới thấy già, chớ còn một hai năm thì chưa thấy đổi thay. Có người nói còn trẻ đi tu uổng! Đó là thấy theo kiểu mê muội. Sự thật cái thân chúng ta nó chết từ từ, nó luôn luôn thay đổi. Như từ đây đi Đà Lạt phải qua đoạn đường dài 7 cây số, nhưng muốn qua 7
cây số thì phải đi qua từng bước, từng đoạn rồi từng cây số mới hết 7 cây số đến nơi. Thân này cũng vậy, nó thay đổi trên từng niệm sanh rồi diệt, mới qua 20, 30, 60, 70 năm. Như vậy, nhà vua đã quán kỹ thấy rõ sanh diệt trong từng niệm, nên biết chắc thân này rồi sẽ hoại diệt. Tức là thân này luôn chết trong từng sát na, không phải đợi đến 70 tuổi mới
chết. Ngay khi sống đã có chết rồi. Vậy chúng ta đang ngồi đây là đang
ngồi trong cái chết, chết trong từng sát na. Xét cho cùng về bản chất của thân là như thế. Luôn luôn nhớ như vậy chúng ta sẽ cởi mở được rất nhiều điều, mỗi khi lỡ có buồn giận ai mà nhớ nó đang ngồi trong cái chết, thì còn có ai buồn ai giận, đó là lẽ thật.
Trong
kinh A Hàm có kể: Khi tuổi đức Phật đã lớn, một hôm Ngài đi khất thực trong thành Xá Vệ trở về thọ trai xong, sau đó cảm thấy trong người hơi
lạnh, nên ra ngoài hương thất ngồi phơi nắng. Ngài vén y để lộ làn da lưng nhăn nheo ra nắng. Tôn giả A Nan từ xa thấy vậy, mới đến xoa lưng cho đức Phật, than: “Ôi! Da dẻ của Thế Tôn không còn láng mịn như thuở xưa nữa, lưng đã hơi khòm tới trước rồi. Ôi! Còn đâu những gì của thời trai tráng”. Phật bảo: “Đúng vậy A Nan! Cái già có sẵn trong cái trẻ, cái chết nằm trong cái sống, thân của Ta rồi đây sẽ hoại diệt, một lúc nào đó không tránh khỏi”. Nhân đó, đức Phật cũng nhắc nhở cảnh tỉnh chúng ta, Ngài bảo cái già nằm sẵn trong cái trẻ, cái chết nằm sẵn trong
cái sống, đừng nghĩ là 70 tuổi mới già. Phải thường quán kỹ như vậy, để thấy lẽ thật của thân này, chuẩn bị cho giờ phút cuối của mình, để đến lúc đó không chới với hoảng hốt, không bất ngờ mà lại rất bình tỉnh, vì đã có kết phao rồi.
Sau khi đức Phật Niết Bàn, chư vị Tỳ kheo dùng kệ tán:
Thân này như bèo bọt
Mỏng manh có gì vui
Phật được thân kim cang
Còn bị vô thường phá
Thân kim cang chư Phật
Đều về với vô thường
Tan mau như tuyết non
Huống những chúng sanh khác.
Phật
được thân kim cang, 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp rồi cũng bị vô thường đến tám mươi tuổi nhập Niết Bàn, huống là thân chúng ta. Quán kỹ thân Phật,
rồi quán lại thân chúng ta có được bao nhiêu tướng tốt, đâu có gì là quý. Quán như vậy khi cái chết đến chúng ta không luyến tiếc, dính mắc vào thân này, lúc ra đi sẽ nhẹ nhàng an lạc. Còn dính mắc đi không nỡ, ở
không được thì khó chết, vì bị giằn co vậy. Cho nên học hiểu, quán kỹ để sống đúng lẽ thật, đó là tạo những chiếc phao cho mình trước khi vô thường đến là đã biết tu rồi.
III/ THẤY NGƯỜI KHÁC CHẾT NHỚ ĐẾN MÌNH.
Chúng
ta cần luôn quán chiếu mọi sự việc, khi thấy người khác chết, phải nhớ
tới mình cũng sẽ chết. Đừng nên nghĩ việc đó là của người ta, không dính tới mình, người ta chết chớ mình không có chết, đó là một sai lầm lớn. Trong kinh A Hàm ghi khi Phật ở tại tinh xá Kỳ Hoàn dạy các vị Tỳ kheo quán về cái chết như sau:
Ở thế gian có 4 hạng ngựa:
1- Loại ngựa vừa thấy bóng roi của chủ liền sợ, đi theo ý chủ.
2- Hạng ngựa này phải đợi cây roi chạm vào lông mới sợ.
3- Hạng ngựa thứ ba, đợi roi đánh đụng da bị đau mới chạy.
4- Hạng thứ tư, đợi roi đánh mạnh đau thấu xương mới chạy.
Và Phật hợp pháp, để độ bậc trượng phu qua bờ giải thoát, cũng có 4 pháp:
1-
Có những người chỉ nghe ở trong thôn xóm, có kẻ nam người nữ bị bệnh, khổ đau bức ngặt sắp chết. Nghĩ mình rồi cũng vậy, nên liền sanh nhàm chán đối với pháp thế tục, để hết lòng tu thiện. Đó là bậc trượng phu điều thuận, như ngựa thấy bóng roi liền chạy.
2- Có người nghe chưa
đủ, phải chính mắt mình thấy kẻ nam người nữ trong xóm bệnh, bị khổ ngặt nghèo sắp chết. Cảnh này khổ quá, rồi mình cũng sẽ đi tới chỗ đó, nên thức tỉnh lo tu. Đó giống như loại ngựa thứ hai.
3- Chỉ cho người chính mắt thấy cảnh khổ của người cũng chưa chịu tỉnh. Phải chính
mắt mình thấy, bà con thân quyến của mình bị bệnh, khổ ngặt nghèo mới chịu tỉnh, còn người kia là người dưng không dính dáng đến mình. Đó là giống hạng ngựa thứ ba ở đây.
4- Hạng người này phải đợi chính thân mình bệnh khổ mới tỉnh.
Phật
dạy 4 hạng người giống như 4 loại ngựa của bậc hiền nhân cỡi. Hạng người thứ tư còn dở nhưng cũng có tỉnh, chớ còn nhiều người không chịu tỉnh, thấy người ta chết là chuyện người ta. Tới khi chính mình khổ cũng chưa tỉnh, còn lo sự nghiệp trăm năm, lo xây mồ mả kiên cố nguy nga, mua cái hòm chắc đến trăm năm mới mục, vẫn không chịu tỉnh. Cổ đức
có bài kệ nhắc nhở mọi người thức tỉnh tu hành:
Ngã kiến tha nhân tử
Ngã tâm nhiệt như hỏa
Bất thị nhiệt tha nhân
Khán khán lâm đáo ngã.
***
Ta thấy người khác chết
Lòng ta nóng như lửa
Không phải nóng đốt người
Thấy sẽ đến phiên ta.
Thấy
người khác chết lòng mình như lửa đốt. Cái nóng đây là thấy người ta chết, biết mình cũng sẽ đến cái chết. Người lanh lợi nhạy bén là như vậy, thức tỉnh nhanh chớ không phải nghĩ đó là việc riêng của người khác. Đây là pháp cảnh tỉnh chúng ta sống bớt buông lung, và có liên hệ
tốt với nhau. Như vậy, thấy rằng thân này không bền chắc, không nên quá mê đắm vào nó để bớt tạo nghiệp, đó là con đường tu. Nếu không hiểu
được như vậy, mê đắm vào thân này chấp nó là mình, rồi theo đó tạo đủ muôn ngàn thứ nghiệp, Phật gọi đó là vô minh, là điên đảo. Từ “điên đảo” rất hay. Điên là điên khùng. Đảo là đảo ngược, lộn ngược. Cũng vậy,
cái không phải mình mà nhận là mình, không phải thật nhận là thật, đúng là điên đảo. Nhờ Phật pháp chỉ dạy, chúng ta luôn luôn quán chiếu,
mở sáng trí tuệ để thấy đúng lẽ thật, đó là chỗ Phật thương xót, đánh thức cho chúng ta tiến tu, chớ không phải cứ mê lầm lo tạo nghiệp.
Trong kinh Tọa Thiền Tam Muội có bài kệ:
Ngày nay làm việc này
Ngày mai làm việc kia
Tham đắm không thấy khổ
Bất giác giặc chết đến.
Ngày
nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, cứ lo tham đắm liên tục, bất
chợt cái chết đến, không có phao, không có gì hết…….
Lăng xăng lo việc mình
Việc người cũng chẳng yên
Giặc đến không hẹn trước
Lúc đến không trốn thoát.
Việc mình lăng xăng, việc người cũng vậy, cái chết đến lúc nào không hay, không hẹn trước, không trốn thoát gì được.
Như con nai khát nước
Cắm đầu bên suối uống
Thợ săn chẳng thương xót
Chẳng để uống rồi giết.
Con
nai khát nước đến bờ suối uống, thợ săn rình sẵn là giết ngay, không để cho nó uống nước xong mới giết. Cũng vậy khi cái chết đến, nó không nói đợi người đó làm xong việc đó rồi hãy chết, nó không hẹn và không chừa ai cả.
Người ngu cũng như vậy
Siêng năng lo sự nghiệp
Chết đến chẳng hẹn lúc
Ai sẽ bảo hộ ông?
Người
mê cứ lo tạo nghiệp này, nghiệp nọ, không lo kết phao, khi chết đến lấy gì bảo hộ. Lúc đó thì đâu có hẹn lại được, là việc này tôi chưa làm
xong hãy đợi cho tôi làm xong. Như ngoài đời có nhiều người nói bận nhiều việc, hoặc là còn lo cho mấy đứa cháu còn nhỏ, nên không có thời gian tu. Khi tuổi thọ hết, vô thường đến không hẹn đợi chờ ai cả, phải theo nó ra đi thôi.
Lòng người mong giàu sang
Hưởng ngũ dục chưa thỏa
Như các hàng vua chúa
Không ai mà khỏi chết.
Tham cầu giàu sang, sống một đời đầy đủ vật chất như vua chúa cũng phải chết.
Bậc tiên trì chú tiễn
Cũng không khỏi chết sống
Voi dữ vô thường đến
Trùng kiến cũng thành đất.
Những
vị tiên trì chú trường thọ, hoặc uống thuốc trường sanh bất tử mong không chết, song cuối cùng rồi cũng chết, cho nên hiện tại chúng ta không gặp ông tiên nào hết. Cho đến những vị trời sống ở cõi trời Phạm Thiên, hoặc cõi trường thọ hưởng hết phước rồi cũng chết, không ai thoát khỏi; từ loài lớn đến loài nhỏ như trùng, kiến cũng thành đất. Phật dạy chúng ta quán kỹ, thấy rõ được lẽ thật cái chết đến là như vậy, để chuẩn bị tinh thần không nên nghĩ chúng ta còn sống lâu chưa đến nổi, không phải vậy. Phải lo chuẩn bị khi cái chết đến không chới với, hoảng sợ mà phải rõ sanh tử là lẽ thường nhiên, sợ cũng không khỏi
được. Có chuẩn bị trước thì hay hơn, bình tỉnh ra đi an bình hơn.
Một
bậc thầy Tây Tạng có dạy: “Một trong những lý do chính, khiến ta lấy làm khó khăn lo sợ khi đối mặt với cái chết, là vì ta tảng lờ sự thật về vô thường. Chúng ta cứ khăng khăng, muốn mọi sự đều tiếp tục như cũ,
đến nổi ta tưởng rằng chúng vẫn như vậy, nhưng đó chỉ là ảo tưởng”.
Ngài
dạy, do chúng ta tảng lờ, lờ qua cái chuyện vô thường, không dám nghĩ đến, khiến ta lấy làm khó khăn lo sợ khi đối mặt với cái chết. Thí dụ ở
đời già sắp chết phải sắm cái hòm, không dám gọi là cái hòm mà gọi là cái thọ, rõ ràng như vậy. Tức là né tránh sự thật về vô thường, nên khi
nó đến thì sợ hãi chới với. Vì thế, chúng ta phải luôn luôn quán chiếu, phải nhớ mỗi khi mình đang đi, đang bước là đang đi trong cái chết, khi cười cũng đang cười trong cái chết, luôn nhớ như thế thì lúc nào cũng tỉnh.
IV/ MỞ MẮT TUỆ THẤY ĐÚNG LẼ THẬT.
Chúng
ta học đạo thấy rõ như vậy rồi, phải mở mắt trí tuệ thấy đúng lẽ thật, không đi theo những sự mê lầm nữa. Học Phật phải thực hành đúng theo Phật pháp, là trừ bỏ lo buồn khổ não, thân này là vô thường nhất định phải chết, phải thấy đúng vậy không bỏ lờ qua.
Không
lầm chấp thân này là mình, mình không phải cái chết đó, bản chất thân này là hoại diệt, phải thấy đúng lẽ thật như vậy là mở mắt trí tuệ của chính mình nhìn thấy, chớ không phải để hiểu.
Học
Phật là học lời dạy của Phật, như nói thân này là vô thường thì chúng ta cũng hiểu được, nhưng đó là của Phật chưa phải của chúng ta. Chúng ta phải luôn luôn quán chiếu chính mình, tự thấy như vậy mới chính là của mình, đó mới là quan trọng. Nhưng thường đa số người học Phật, chỉ học cái của Phật mà thôi. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất, có bài kệ nói về
cái chết như sau:
Thân thể nằm dài trên giường lần cuối
Miệng thì thào những lời trăn trối
Tâm ngắm nhìn ký ức lần cuối diễn ra
Bi kịch ấy khi nào sẽ đến với ngươi ?
Cái
thân khi nằm trên giường lần cuối, thì lúc đó miệng thì thào những lời
trối trăn, dặn dò con cháu. Khi ấy, tâm ngắm nhìn ký ức lần cuối, diễn
ra những cuộn phim của cả cuộc đời quay lại. Mỗi người hãy tự hỏi xem,
cảnh ấy khi nào sẽ đến với mình đây? Phải thấy bằng chính con mắt trí tuệ của mình và tiến thêm một bước cảm nhận trong cái thân vô thường có
cái không vô thường, trong cái sanh tử có cái vô sanh. Người mở được mắt tuệ rồi là tiến lên, chớ không chịu theo sự vô thường đó, mà phải vươn lên một cách tự tại bình thản, học Phật là phải như vậy. Nhưng đa số người thế gian đành chịu vậy, bởi vì nghĩ ông bà, tổ tiên, cha mẹ mình cũng chết, thì mình cũng chết, thôi đành chịu không làm gì khác được.
Do
đó chúng ta phải noi theo sự tu hành của Phật, chính Phật là gương nhắc nhở cho chúng ta. Khi Phật dạo 4 cửa thành thấy cảnh người già, bệnh, chết thì Ngài liền tỉnh, hỏi Xa Nặc có ai khỏi chết không? Xa Nặc
trả lời ai rồi cũng phải chết, Thái tử cũng chết luôn. Ngài băn khoăn hỏi ai sanh ra cũng chết, không cách nào vượt ra khỏi cái chết hay sao?
Cho nên chính điều này thúc đẩy Ngài bỏ hoàng cung đi tìm giải thoát, quyết chí tìm cho ra cách giải quyết, tức là có sanh có tử phải có nguyên nhân của nó, chớ không phải ngẫu nhiên. Khi tìm ra nguyên nhân đó, chấm dứt được nguyên nhân đó, là giải quyết được vấn đề. Đức Phật làm được chuyện đó, tức là Ngài không chịu cúi đầu theo nó. Chúng ta học Phật cũng vậy, cũng không chịu như vậy, phải ở trong đó vươn lên, nhận rõ trong sanh tử có cái vô sanh, để sống trở về với cái vô sanh đó, vươn lên khỏi sanh tử, chớ không chịu cúi đầu theo sanh tử.
Trong
quyển “Con người siêu việt” Ngài Milarepa có nói: “Vì sợ chết tôi đi vào trong núi, liên tục trầm tư về tính chất bất định của giờ chết. Bỗng bắt gặp thành trì bất tử vô tận của tâm bản nhiên. Bây giờ tất cả nỗi sợ hãi đều tan biến, và trong sanh tử mở cái thấy trí tuệ vô sanh”.
Ngài sợ chết nên tìm cách giải quyết cái chết, bằng việcï đi vào núi tu hành, trầm tư liên tục về giờ chết bất định. Ngẫm xét về cái chết khi nó đến với bản thân. Cuối cùng, Ngài giác ngộ, bắt gặp thành trì bất tử vô tận là tâm bản nhiên, chân tâm sẵn có của chúng ta, nhận được
cái tâm bản nhiên, cái này không chết, tất cả nỗi sợ chết đều tan biến.
Ngay
trong sanh tử mở được trí tuệ vô sanh, thấy rõ mình không phải là cái chết này. Khi sống được với tâm bản nhiên rồi, cái chết đến thì chúng ta an ổn, vì đã có phao. Đó là kinh nghiệm. Ngài nhắc nhở chúng ta niệm
về cái chết để vượt lên cái chết, mở sáng trí tuệ, không phải niệm về cái chết để mà chán đời.
Nhiều
người ở thế gian, nghe học Phật nói gì cũng sanh tử vô thường, làm con
người ta chán đời, không còn muốn làm gì cả. Cho nên, nhiều người phê bình đạo Phật là đạo bi quan, yếm thế, đó là chưa hiểu đúng về đạo Phật. Còn ở đây, đức Phật dạy rất rõ, Ngài chỉ cho chúng ta nhận định cái nào thật, cái nào giả để không lầm cái giả, trở về sống với cái thật. Niệm về cái chết, là để vượt lên cái chết, đó là con đường mỗi người con Phật phải đi. Muốn vậy, mỗi người phải có kinh nghiệm tu hành, nghĩa là phải quán chiếu trong từng tâm niệm của mình, giải quyết ngay trong từng tâm niệm để sáng tỏ được tâm bản nhiên. Nhận được tâm bản nhiên, là hết còn lo sợ chết, giúp tăng thêm kinh nghiệm hành thiền.
Đây là một trong những kinh nghiệm tinh yếu hành thiền của Phật giáo Tây Tạng.
Có bốn điểm chúng ta phải luôn quán chiếu, nhớ kỹ để rút thêm kinh nghiệm tu hành:
1-
“Khi một niệm quá khứ đã chấm dứt, mà niệm vị lai chưa sanh, trong khoảng hở giữa hai niệm, có phải là có một ý thức về thực tại, mới mẻ nguyên sơ, không bị thay đổi bởi một mảy may khái niệm nào, thuần là một sự tỉnh giác nguyên vẹn hay không? Đấy! Tâm bản nhiên là thế đấy”. Nghĩa là khi niệm trước diệt, niệm sau chưa sanh, liền có khoảng hở. Bây giờ chúng ta phải khéo thấy, làm sao nhảy vào khoảng hở đó, là chúng ta làm chủ được niệm, thì tâm bản nhiên ngay chỗ đó, chơn tâm nằm
ngay chỗ đó.
2-
“Tuy nhiên, nó không ở mãi trong trạng thái như vậy, bởi vì một niệm khác lại khởi lên. Đấy chính là ánh sáng chiếu ra của tâm bản nhiên”. Chúng ta tu chưa được miên mật liên tục, nên một niệm khác khởi lên, phải khéo soi trở lại đừng theo nó.
3-
“Nhưng nếu bạn không nhận ra niệm ấy, đúng như bản chất của nó ngay khi
nó khởi, thì nó sẽ trở thành một ý tưởng khác như trước, đây gọi là “dây chuyền vọng tưởng” và là nguồn gốc của sanh tử”. Nghĩa là ngay niệm sau khởi lên, không nhận rõ đúng ngay bản chất của nó, thì thành ra ý tưởng khác. Có niệm tưởng mới xen vào là thành ý tưởng khác dẫn đi
trong sanh diệt nên gọi là “dây chuyền vọng tưởng” là niệm này tiếp nối niệm kia. Niệm trước diệt niệm sau chưa sanh thì có khoảng hở, phải
nhảy vào khoảng hở đó. Nếu nhảy chưa được, chưa kéo dài được thì niệm sau sẽ sanh khởi nữa. Khi niệm sau sanh khởi, nhận rõ bản chất của nó, nếu không nó thành ra ý tưởng mới và lại tiếp tục sanh khởi mãi. Như vậy là niệm niệm tiếp tục sanh diệt không gì khác, con đường đó gọi là nguồn gốc sanh tử.
4-
“Nếu bạn có thể nhận chân được bản chất thật sự của ý tưởng (vọng tưởng), ngay khi nó khởi lên, thì cứ để yên đừng theo đuổi thêm. Bất cứ
ý tưởng nào khởi lên, đều tự động tan vào khoảng bao la của tâm bản nhiên, và bạn được giải thoát”. Tức là ý tưởng khởi lên, chúng ta không
theo nó thì nó sẽ tan, lỗi là tại chúng ta theo nó, nên bị nó dẫn. Do đó, chúng ta cần phải khéo tỉnh giác, thấy sâu vào lẽ thật ngay thân tâm của mình, đó là mở mắt trí tuệ, vượt lên sanh tử, chính ngay trong sanh tử là vô sanh. Vậy thân này chết nhưng ánh sáng đó không chết, tâm
bản nhiên không chết, đó là con đường vượt qua sanh tử. Vì vậy, khi chúng ta niệm về cái chết là để vượt qua cái chết, cần phải nhớ như vậy.
V/ TÓM KẾT.
Tóm lại, cái gì có sanh thì có tử, từ thân chúng ta cho đến cảnh vật bên ngoài, phải nhớ chắc chắn như sau:
1-
Thân chúng ta có sanh thì có tử, tâm có sanh thì có diệt, còn tâm không sanh thì không diệt. Đó là hai lẽ thật rõ ràng, nhận rõ để không lầm, cần phải nhận ra cái tâm không sanh không diệt đó để vươn lên.
2-
Có sanh thì có tử là lẽ thường nhiên, không ai tránh khỏi, không phải của riêng ai. Vậy thì cái chết đến với chúng ta cũng không lấy làm lạ, vì đây là cái chết của tất cả, đừng nhớ cái này là của riêng mình để bớt sợ.
3-
Thân này có sanh thì có tử, tức là không phải là ta, không phải của ta.
Nhớ như vậy khi mất nó thì kệ nó, không dính dáng gì tới cái bản lai diện mục của chính mình. Thiền sư Pháp Loa khi sắp tịch nói bài kệ:
Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn,
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng,
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.
Tuy
bỏ cái này nhưng bên kia trăng gió rộng thênh thang, có gì phải lo sợ!
Vua Trần Thái Tông trong những ngày cuối cuộc đời, vua có bệnh quốc sư
Đại Đăng vào thăm hỏi: “Bệ hạ bệnh chăng?”. Vua đáp: “Tứ đại là bệnh, cái này xưa nay sanh tử không can hệ, mà dính kẹt trong bệnh hoạn sao?”. Rồi mấy hôm sau, khi sắp mất, vua Thánh Tông muốn nhờ hai vị quốc sư Phù Vân và Đại Đăng đến nói pháp xuất thế cho Ngài nghe. Thái Tông gằn giọng bảo: “Đến trong đây bớt một mảy tơ dường trên thịt khoét
thương tích, thêm một mảy tơ như trong mắt để bụi. Ba đời chư Phật bốn
mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ sư thoái thân có phần. Dù Phù Vân nói huyền, Đại Đăng thuyết diệu đều là lời thừa, có ích gì đối với cái này”. Nói xong Ngài lặng lẽ ra đi, thọ 60 tuổi.
Chúng
ta thấy khi nhà vua bệnh được quốc sư Đại Đăng đến thăm bệnh, mà Ngài vẫn xác định “Tứ đại bệnh còn cái ấy đâu có bệnh, cái ấy đâu có dính dáng gì trong bệnh hoạn”. Để thấy là nhà vua hằng sống được trong đó, nên mới an nhiên trả lời như vậy. Rồi khi vua cha sắp mất, Thánh Tông nhờ hai vị quốc sư đến trợ niệm giúp vua cha, nhưng vua cha không cần vì Ngài đủ sức làm chủ lấy bản thân, nên nói: “Đến trong đây bớt một mảy tơ thì dường như trên thịt khoét thành thương tích, thêm một mảy tơ
như trong mắt có bụi”. Nghĩa là trong đó không cần thêm bớt gì nữa, như vậy là như vậy, thêm hay bớt chỉ là tạo thêm thương tích mà thôi. “Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ sư thoái thân có phần”, tức là chỗ ba đời chư Phật nhìn nhau không có kẻ hở cho ông dòm vào, cũng là chỗ chư Tổ phải lùi lại, ông làm sao bám. Vì thế hai vị quốc sư
có bàn huyền nói diệu gì, thì cũng không dính dáng, chỉ như lời nói bên ngoài, lời dư thừa thôi. Nói xong rồi thì vua lặng lẽ ra đi.
Đúng
là làm chủ trong sanh tử. Làm vua bao nhiêu việc mà Ngài còn rảnh rang
tu được, có sức tự chủ trong sanh tử, còn chúng ta thì sao? Việc chúng
ta đâu có nhiều hơn ông vua! Chúng ta còn nhiều thời gian lắm, lại đổ thừa công việc bề bộn tu không được, vậy là sao?
Qua
tấm gương của vua Trần Thái Tông, chúng ta phải hổ thẹn cho mình. Nhà vua có chỗ sống chân thật nên khi bỏ thân này không có lo sợ, còn chúng
ta khi phải bỏ thân này thì sao? Đó là chỗ chúng ta phải luôn học, luôn nhớ để quán chiếu. Trong kinh Di Giáo, lời dạy sau cùng trước khi Phật nhập Niết Bàn là: “Đây là vật tội ác và đáng bỏ, giả gọi là thân, nó chìm đắm trong biển sanh già bệnh chết. Như thế có người trí nào trừ
diệt được thân này, như giết bọn giặc cướp mà chẳng vui mừng”. Lời đức
Phật dạy nhắc nhở chúng ta bỏ thân là trừ được giặc, là vui chớ không phải buồn. Đó là chỗ chúng ta học suốt đời đến khi nhắm mắt chưa chắc đã
xong, nào phải chỉ học vài ba hôm rồi thôi. Phải luôn ghi nhớ để trừ tham luyến về tấm thân này, để ngày ra đi chúng ta được nhẹ nhàng tự tại.
Đây
không phải là chuyện trên chữ nghĩa, mà là chỗ cần phải sống. Một bậc thầy của Tây Tạng đánh thức mọi người: “Bạn có bao giờ hiểu, thân chứng
về sự vô thường hay chưa? Bạn đã thâm nhập nó trong từng ý tưởng, động
tác, hơi thở, đến nổi cuộc đời bạn nhờ vậy đổi mới hay chưa?”. Nhắc mọi người chúng ta luôn luôn tự kiểm lại mình có thật sự hiểu, thân chứng về sự vô thường chưa? Phải thâm nhập trong từng ý tưởng, động tác, hơi thở, phải đi đứng, nằm ngồi, nói cười luôn nhớ về cái chết, thì cuộc đời chúng ta mới đổi mới được. Mỗi người phải tự hỏi mình hai câu sau:
1-
Tôi có nhớ hay không rằng tôi cùng mọi người, mọi vật đang tiến dần đến cái chết, và vì thế phải đối xử với mọi chúng sanh bằng lòng bi mẫn?
2-
Sự hiểu biết về chết và vô thường nơi tôi, có thực đã trở nên bén nhạy,
cấp thiết đến độ tôi đang dành mọi giây phút còn lại của đời tôi để theo đuổi sự nghiệp giác ngộ hay không? Nếu bạn có thể trả lời: “có” ù cho cả hai câu hỏi ấy, thì bạn mới thật sự đã thâm nhập lý vô thường.
Qua
hai câu hỏi này có nghĩa là chúng ta phải luôn luôn hỏi mình, có nhớ là chúng ta đang chết hay không? Mình và mọi người ai cũng đang chết, thông cảm cùng hoàn cảnh thì phải đối xử với nhau cho tốt đẹp. Và sự hiểu biết về chết và vô thường, có thật sự cấp thiết đến độ chúng ta dùng tất cả thời gian còn lại của đời mình, để dành cho sự nghiệp giác ngộ hay không? Nếu có thể trả lời: “có”ù cho cả hai câu hỏi, thì chúng ta mới thực thâm nhập lý vô thường, còn chưa là vẫn chưa thật hiểu vô thường.
Hiện
nay, có người học Phật thường nói: “Tôi học “minh tâm kiến tánh”, còn nói “vô thường” là chuyện quá xưa, là chuyện của mấy người sơ cơ mới học”. Sự thật, ở đây người nào trả lời “có” trong hai câu hỏi này, mới thật sự hiểu lý vô thường. Chúng ta phải luôn nhớ như vậy, bài học này chúng ta phải học suốt đời, thì việc tu hành sẽ tăng tiến, mới đúng là thấy biết sáng suốt.
s
Discussion about this post