Thời gian rồi sẽ qua đi như dòng sông thầm lặng trôi về biển cả để rồi hòa tan không lưu lại một dấu tích cội nguồn. Dòng sông tâm thức tan đi những khắc khoải thổn thức nhớ nhung quê nhà đã nhiều tháng năm qua sau những giông bão thảm khốc tàn phá phương trời cố quận. Bây giờ ta đang vương mắc trong mạng lưới buồn phiền, thường trực đối diện với những chán ngán thê lương đang diễn biến như những tấn tuồng bi hài trong đời sống, với những chiếc mặt nạ toan tính sâu độc, những bon chen hối hả lợi danh, đâu còn hay biết. Những lo âu trong vòng quay mệnh số tuổi già bệnh hoạn và con đường sắp sẵn vào cõi hư vô. Có thể vì chúng ta lý luận, không gian xứ sở Hoa Kỳ quá mênh mông nên chúng ta có cảm tưởng như thời gian qua đi rất nhanh. Mới xuân qua rồi xuân lại đến. Đôi khi chính ta có cảm tưởng như tâm hồn đóng băng và trái tim cằn khô sỏi đá. Chất lãng mạn cố hữu ngày xưa cũng phai dần theo năm tháng nơi viễn phương. Người nghệ sĩ mà mất đi chất liệu lãng mạn chẳng khác chi người mù đi trong sa mạc. Có nhiều người bày tỏ chân thật “thôi hãy để cho dòng sông tự nhiên hòa nhập vào đại dương, đừng nên nuôi ảo tưởng ngăn đê xây đập để mang nước ngược ngọn nguồn, chuyện cá hồi chỉ là một hiện tượng quá hiếm hoi…”. Lời khuyên có tính cách hiện thực chỉ đúng một phần trong ý niệm người lưu vong.
Cũng có thể vì quá thương nhớ sông núi nơi sinh thành nên đã dứt bỏ tất cả để quay về nơi cố xứ, ngờ đâu thực tế phủ phàng, cảnh cũ nhưng người xưa đã biền biệt ngàn phương. Cảnh tình buồn đau não nề làm cho chúng ta liên tưởng đến bài thơ Hồi Hương Ngẫu Thư của Thi sỹ Hạ Tri Chương nhà Đường Trung Hoa:
Ly biệt gia hương thế nguyệt đa
Cận lai nhân sự bán tiêu ma
Duy hữu môn tiền Kính hồ thủy
Xuân phong bất cải cựu thời đa
Chuyển dịch:
VỀ LÀNG NGẪU HỨNG
Quê nhà xa cách trải bao thu
Nhân sự gần đây đã xác xơ
Riêng có Kính hồ bày trước cửa
Gió xuân không đổi sóng thời xưa
Trần Trọng San
Nói đến Đường Thi chúng ta không thể không nhắc đến thời đại hoàng kim của thi ca Trung Quốc. Nguyên nhân nào đã tạo nên sự hưng thịnh rực rỡ nhất. Các luận giả uyên bác đã nêu lên những sự kiện cụ thể ảnh hưởng sâu xa vào sự thành công hưng thịnh vượt bậc này trong lãnh vực Văn học đời Đường.
Những nhân tố được ghi nhận như:
– Hầu hết các vua quan nhà Đường đều yêu chuộng thơ văn.
– Các đời vua nhà Đường đều dùng thi ca trong các khoa cử.
– Khuyến khích dân gian làm thơ để thi tuyển có giải thưởng xứng đáng.
– Luôn luôn phát huy sáng tạo những thể thơ mới để bắt kịp ý tưởng hiện đại.
– Phát triển những sinh hoạt trong giới trí thức không phân biệt khuynh hướng tư tưởng Khổng, Nho, Phật giáo.
Mặc dù có sự phá chấp trong sáng tạo tác phẩm của đa số các thi sỹ đời Đường về ảnh hưởng tôn giáo, tuy nhiên ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo hầu như chiếm một ưu thế sâu xa hơn. Đường Thái Tông đã sáng tác bài Tam Tạng Thánh Giáo Tự để tỏ lòng cảm phục công lao của Huyền Trang du hành sang Ấn Độ trong suốt 14 năm, vượt qua một chặng đường bộ đầy gian nan dài thăm thẳm xuyên suốt hành trình qua nhiều quốc gia để đem về 650 bộ kinh Phật giá trị. Đến đời vua Đường Cao Tông khuyến khích Thiền sư Nghĩa Tịnh vượt biển Nam Hải sang Ấn Độ để mang về hơn 400 bộ kinh… Các nhà thơ nổi danh như Giả Đảo, Vương Duy đã từng là những bậc cao tăng…
Bước vào thế giới Đường Thi là bước vào khu rừng hoa muôn màu hương thơm bát ngát. Kim Thánh Thán, một nhân vật lỗi lạc đã từng ngợi khen “Đường Thi là tuyệt xướng của ngàn bậc thánh…”
Sau cả ngàn năm, giá trị của Đường Thi càng bay bổng đến đỉnh cao nghệ thuật thi ca của nhân loại. Đường Thi được chuyển dịch ra nhiều ngôn ngữ trên khắp thế giới qua các tác giả nổi tiếng như Henry H. với Poems of the Hundred Names xuất bản ở New York năm 1968. Robert Payne (The White Pony, An Antheology of Chinese Poetry) xuất bản năm 1947. W.J.B Fletcher Gary Snyder, H. C. Chang, William Mc Naughton, Chang Yinnan và Lewis Walnisley, Michael Bullock. Francois Cheng, G. Margoulies. Octavio Paz. Tản Đà, Trần Trọng Kim, Vũ Hoàng Chương, Ngô Tất Tố, Đỗ Bằng Đoàn, Bùi Khánh Đản, Đào Hữu Dương, Trần Trọng San, Chi Điền, Giản Chi, Nam Trân, Khương Hữu Dụng… Tuy nhiên trong số hàng ngàn bài thơ Đường được lưu truyền qua hậu thế cả ngàn năm nay, vượt trội hơn hết vẫn là những bài thơ tuyệt tác nhất được thẩm định qua nhiều thế hệ yêu thơ Đường trên khắp thế giới là những bài thơ như Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, Lộc Trại của Vương Duy, Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch, Phục Sầu của Đỗ Phủ, Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương, Đằng Vương Các của Vương Bột, Thạch Hào Lại của Đỗ Phủ, Đề Tích Sở Kiến Xứ của Thôi Hộ… Khoảng chừng 50 bài được chọn lựa theo sở thích của mỗi người yêu thích Đường Thi.
Mỗi lần xuân đến, nhìn những cánh hoa đào lấp lánh trong nắng mai trong khu vườn tịnh vắng, chúng tôi lại liên tưởng đến bài thơ Đề Tích Sở Kiến Xứ của Thôi Hộ:
Khứ niên Kim Nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
CHỐN CŨ VẮNG NGƯỜI XƯA
Năm ngoái ngày nầy qua cánh song
Đào hoa phản ánh má ai hồng
Người xưa nay đã về đâu nhỉ!
Chỉ thấy hoa cười trong gió đông
Cổng vào năm ngoái qua đây
Ánh hoa đào thắm má ngây thơ hồng
Người xưa vắng lạnh bên song!
Đìu hiu chốn cũ gió đông hoa cười
(Ái Cầm)
Giai thoại về thi phẩm tuyệt tác này có nội dung thật cảm động kỳ thú không kém những giai thoại Từ Thức hội ngộ Giáng Hương, Tú Uyên với Giáng Kiều hay thơ mộng huyền ảo của giai thoại Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai… của Văn chương trữ tình Việt Nam.
Thôi Hộ là một chàng thư sinh tuấn tú trên đường từ quê lên Trường An ứng thí, đi ngang qua một ngôi làng có nhiều nhà trồng hoa đào. Hoa đang nở rực rỡ, lòng chàng thư sinh bâng khuâng ngơ ngẩn trước vườn hoa đào lẳng lơ khoe màu trong cánh nắng huy hoàng, Thôi Hộ lần vào gõ cửa để xin nước uống. Không ngờ một thiếu nữ xinh đẹp đem nước ra mời khách. Lặng lẽ xem hoa và lưu luyến cảm tạ người đẹp lên đường. Qua hết thời gian ứng thí, Thôi Hộ quay về quê cũ chạnh nhớ người con gái duyên dáng đã cho nước uống và trao cho chàng nụ cười thật dễ thương dưới cội đào nở hoa tươi thắm. Nhưng tường xưa đã rêu phong, người xưa đã biền biệt phương nào. Trong khu vườn đìu hiu chỉ còn thấy hoa đào bay bay trong gió đông buồn bã. Nhà thơ vô cùng xúc động nhớ lại giây phút đầu tiên hội ngộ với người đẹp nên lấy bút đề bài thơ lên tường rồi lặng lẽ ra đi. Thôi Hộ trúng tuyển kỳ thi nên vội vàng lên đường đến Tràng An. Tiết Thanh Minh khí trời bắt đầu ấm áp, chim đã về hót líu lo trên ngàn cây, hoa đua nở khắp nơi trên con đường Thôi Hộ đi qua, lòng xuân cũng bồi hồi nhớ đến người đẹp vườn đào năm xưa nên đã tìm lối vào thăm hỏi. Khi vừa đến cổng vào, Thôi Hộ không nhìn thấy hoa đào lẳng lơ cười trong gió đông mà lại nghe tiếng khóc thê lương vọng ra từ trong ngôi nhà cổ kính ở sâu trong khu vườn. Chàng thi sỹ si tình đánh liều gõ cửa bước vào để xem sự thể ra sao. Không ngờ một cảnh tượng bi thương hiện ra trước mắt là song thân của kiều nữ đang nằm bất động trên giường như đang giã từ cõi thế. Sau khi nghe ông cụ kể lại chuyện con gái đã gặp một người thanh niên tuấn tú trên đường đi Tràng An ứng thí vào xin nước uống rồi một thời gian chờ đợi, người con gái không thấy chàng thanh niên trở lại mà chỉ thấy đề trên vách một bài thơ thầm trách thở than… Đọc bài thơ, người con gái sầu muộn tương tư rồi ngã bệnh càng ngày càng trầm trọng trông thật quá đau lòng. Thôi Hộ nghe kể xong câu chuyện không cầm được xúc động vội vàng chạy đến bên giường người thiếu nữ ôm chầm lấy khóc nức nở. Không ngờ nghe giọng nói của Thôi Hộ, đôi má xanh nhạt đã dần dần thắm hồng, đôi môi nở nụ cười rồi từ từ mở đôi mắt trìu mến nhìn Thôi Hộ như người tình hò hẹn trăm năm. Song thân mừng rỡ liền thiết hương án để tạ ơn Trời Đất rồi làm lễ thành hôn cho đôi tình nhân trai tài gái sắc để bắt đầu cho một cuộc sống hạnh phúc tuyệt vời.
Cho đến bây giờ các nhà nghiên cứu nguồn gốc và sự thăng hoa của dòng văn hóa Việt Nam đều phải công nhận ảnh hưởng rất sâu xa từ nguồn văn hóa Phật giáo. Chúng ta có thể khẳng định trong suốt hai ngàn năm lịch sử, Đạo Phật luôn luôn hiện hữu trong lòng dân tộc Việt Nam trên khắp nẻo đường đất nước trong những giai đoạn bi hùng thăng trầm vinh nhục. Nguồn văn hóa dân tộc liên tục mở ra những chân trời kết hợp tuyệt vời với các trào lưu văn hóa Đông Tây qua các tôn giáo để hình thành một nền văn hóa độc lập, nhân bản, dân chủ và khai phóng. Trong những tác phẩm văn chương có tầm vóc quốc tế được các nhà khảo cứu Tây phương chọn để chuyển dịch qua nhiều ngôn ngữ quốc tế như một biểu tượng văn học Việt Nam. Một tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng trong mọi tầng lớp quần chúng từ vua quan, trí thức, nghệ sỹ đến những thứ dân nghèo hèn trong xã hội, và đã vượt qua không-thời-gian hơn hai trăm năm nay là tác phẩm truyện Kiều của Văn hào Nguyễn Du. Ngoài ra cụ Tiên Điền Nguyễn Du còn để lại ba tác phẩm thi ca: Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục… ghi lại tâm sự Nguyễn Du trong mười năm ẩn cư (từ quan lên núi rong chơi với mây ngàn cỏ nội). Chúng tôi đơn cử một bài thơ U Cư (Nhị Thư) có liên quan đến hoa đào mà chúng tôi yêu thích:
Đào hoa, đào diệp lạc phân phân
Môn yểm tà ghi nhất viện bần
Trú cửu đốn vong thân thị khách
Niên thâm cánh giác lão tùy thân
Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục
Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân
Lưu lạc bạch đầu thành để sự
Tây phong xuy đảo tiểu ô cân
Dịch nghĩa:
Hoa đào lá đào bay la tả
Cánh cổng xiêu vẹo, mái nhà bần bạc
Trú ngụ ở đây lâu ngày
Quên bẵng mình là khách
Trải qua nhiều năm tháng, biết tuổi già đã đến
Kẻ tục sống buổi loạn lạc
Muốn giữ toàn tính mệnh, thấy ai cũng sợ
Phiêu giạt đến đâu mà nào được việc gì đâu!
Ngọn gió tây thổi rơi chiếc khăn đen nhỏ…
(Ở nơi u tịch)
Hoa lá vườn đào rụng tả tơi
Một nhà bần bạc cổng xiêu cài
Ở lâu quên bẵng mình dân ngụ
Sống mãi hay đâu tuổi lão rồi
Đất khách giả ngây phòng kẻ tục
Giữ mình thời loạn sợ lòng người
Linh đinh đầu bạc không nên chuyện
Ngọn gió tây thổi chiếc khăn rơi…
Thế giới bây giờ có nhiều điều lạ lắm. Sự kiện xảy ra đôi khi nghịch lý từ tâm thức. Nhiều người dân ở các nước nhược tiểu trên thế giới đều mơ ước đến định cư ở các quốc gia Tây phương giàu mạnh cũng giống như tâm trạng của Lưu Nguyễn ngày xưa lạc đến Thiên Thai. Không biết giai thoại lãng mạn đầy chất thơ mộng của hai chàng Lưu Nguyễn có thật hay không hay chỉ là tâm thức giác ngộ quay về cội nguồn của ý tưởng sĩ phu cảnh tỉnh những bậc thức giả thời đại hãy sống với hiện hữu cho dù hiện hữu của đời sống có phũ phàng nhiễu nhương. Xin hãy yêu đời và yêu người cùng quê hương đồng cảnh ngộ. Núi bao năm vẫn đứng sững phơi gan cùng tuế nguyệt, thác vẫn cuồn cuộn đổ xuống trăm sông bồi đắp phù sa nuôi muôn rừng cây trái. Chưa bao giờ chúng ta thấy thiên nhiên hài hòa bao dung đến như thế, thiên nhiên đã chuyển hóa bao hận thù. Trong khi con người quay về như loài thú trong hang động hoang sơ.
Nhà thơ Tản Đà xuất hiện như một lãng tử giang hồ cùng khắp đất trời quê hương. Với bản chất khẳng khái, ngay thật, đả phá mọi định kiến hẹp hòi phe phái trong sinh hoạt giao mùa của trào lưu văn học mới-cũ:
Ra văn mà chẳng ra tiền
Cái nghiệp văn chương nghĩ thật phiền
Văn ế bao giờ cho bán hết
Phen này có nhẽ gánh lên tiên!
Lên rừng mới gặp được tiên. Tiên đi rồi bỏ thi sỹ một mình với bao nỗi nhớ bâng khuâng:
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
Đá mòn rêu nhạt
Nước chảy hoa trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa đóng
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi
(Tống biệt)
Trong thời gian gần đây những hiện tượng thư pháp (Calligraphy) có nhiều nghệ sỹ dùng chữ Hán, chữ Nôm như rồng bay phượng múa thật tuyệt vời… rồi đến thi sỹ Vũ Hoàng Chương, Cao Tiêu, họa sỹ Vũ Hối… chuyển qua phương thức chữ Việt cũng tuyệt vời không kém… và bất ngờ nhất là hiện tượng yêu thích thư pháp này càng ngày càng phát triển ở quê nhà và trong các lễ hội xuân trong cộng đồng người Việt khắp nơi ở Hải ngoại. Trào lưu giới trẻ đang quay về cội nguồn đã tạo cho tôi một niềm tin dòng văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ không phai mờ trong tâm hồn các thế hệ mai sau, chắc chắn sẽ vượt qua thời gian mơ ước của Tiên Điền Nguyễn Du:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Ba trăm năm sau không biết có ai còn nhớ đến Tố Như)
Cứ mỗi độ xuân về với cơn gió mùa đông thổi lành lạnh nơi xứ người, buổi sáng nhìn ra khu vườn, cành đào đã nở trong nắng mai, làm cho tôi chạnh nhớ đến hình ảnh một cụ Đồ quắc thước hiên ngang, ung dung tự tại của kẻ sỹ ngồi giữa phố đông người qua, bày mực tàu giấy đỏ chờ đợi người thuê viết những câu đối đầu xuân. Bài thơ Ông Đồ của Nhà thơ Vũ Đình Liên của thời tiền chiến như in rõ nét những ấn tượng ngậm ngùi trong tâm hồn tôi:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông Đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc khen ngợi tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông Đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông Đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
Vũ Đình Liên
Từ nghìn xưa khi con người hiện hữu giữa thế gian vẫn thắc mắc là mình từ đâu đến và sau khi thân xác này hủy hoại trả về cho đất nước gió lửa, hồn sẽ lưu lạc về đâu? Và cái vô lý nhất con người sinh ra rồi sớm muộn gì cũng phải ra đi. Thiền sư Chân Không giải đáp bằng hai câu kệ:
Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận
Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục chuyển dịch:
Xuân qua xuân đến ngờ xuân tận
Hoa nở hoa tàn vẫn là xuân
Đừng bao giờ nghĩ rằng sau khi xuân đến rồi xuân đi thì cho là xuân đã hết. Và đừng nghĩ rằng lúc hoa tàn thì xuân cũng tàn theo. Sự thực hiện tượng xuân đến xuân đi chỉ là sự tuần hoàn của vũ trụ thiên nhiên, đã có từ thuở khai thiên lập địa cho đến vô tận mai sau.
Tất cả những hiện tượng vật chất đều tan biến theo tiến trình sinh trụ dị diệt… Không có gì trên thế gian này tồn tại vĩnh viễn, cuộc đời là vô thường nên lợi danh chỉ là phù vân hư huyễn. Đạo Phật không phải là tôn giáo nói lên sự bi quan của kiếp sống con người, mà thật sự con đường tuệ giác đầy lạc quan để nhận thấy cái ta hiện hữu đang hòa nhập cảm thông với vũ trụ trong ý niệm tiểu ngã hòa nhập vào với cái đại ngã vô thủy vô chung của trời đất, còn gì phải suy tư đến chuyện hoa nở xuân tàn. Cứ mỗi lần nhìn thấy hoa đào lấp lánh trong nắng xuân, chúng ta lại liên tưởng đến hình ảnh ông Đồ già quen thuộc từ trong tiềm thức vực dậy một cách thân thương. Ông Đồ và Hoa Đào là một hiện tượng vĩnh cữu trong truyền thống văn hóa dân tộc khi xuân về. Hồn ông vẫn quanh quẩn với chúng ta trong những ngày đầu xuân:
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay…
Cho dù chúng ta đang lưu lạc nơi ngàn phương viễn xứ, nhưng tâm thức chúng ta đang hướng về sông núi quê hương cội nguồn. Ở đó ông Đồ không bao giờ chết khi hoa đào rực rỡ trên ngàn cây.
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Có buồn chăng thời gian đã biến đổi cung cách hiện đại hóa trong sáng tạo. Các thế hệ hậu duệ của ông Đồ không còn dùng bút lông mà chuyển sang bút sắt để viết Thư pháp bằng chữ Việt, chữ Anh thay chữ Nôm, chữ Hán như ngày xưa… ngay trên đường phố đông người qua ở quê nhà.
Tài liệu tham khảo:
– Nguyễn Du Toàn Tập của Nguyễn Thạch Giang
– Đường Thi Tuyển Tập của Chi Điền Hoàng Duy Từ
Discussion about this post