NGƯỜI PHẬT TỬ
TRƯỚC MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÂM LINH HIỆN NAY
Thường Trung
Những
năm gần đây xã hội bàn nhiều (thực chất là xôn xao) về vấn đề tâm linh,
cách tiếp cận “huyền bí” của một số nhà “ngoại cảm” qua đời sống sau khi chết và những lý giải về linh hồn. Cũng chính từ vấn đề trên mà xã hội rộ lên cả một “phong trào” tìm mộ, gọi hồn, cúng bái cho người đã chết… Những vấn đề trên đã tác động không nhỏ vào đời sống tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo. Điều đáng nói, một số vị chức sắc trong Giáo hội Phật giáo còn mời những nhà ngoại cảm về chùa “thuyết giảng”, thậm chí kiều hồn cả các Hòa thượng lên để nói chuyện quá khứ trước đây, tạo nên những dư luận trái chiều, thậm chí hoang mang trong lòng tin của người Phật tử về những giáo lý căn bản, nền tảng của Phật giáo như vấn đề nghiệp quả, giải thoát và luân hồi tái sinh…
Phong
trào “ngoại cảm tâm linh” rộ lên như nấm mọc sau mưa. Các băng đĩa giảng nói về vấn đề này lan truyền khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị đến thôn quê. Có thể nói chưa bao giờ, người Việt lại có một sự quan tâm
đặc biệt đến “đời sống” của người chết nhiều như vậy. Chính vì thế, nó đã đặt ra những vấn đề để người Phật tử cần phải bình tĩnh để nhìn nhận trong một môi trường sống mà vấn đề tâm linh có những giá trị liên đới và tham khảo, bằng không chúng ta vô tình trở thành người “ngoại đạo” ngay trong khi khoác áo người Phật tử:
Qua cách tiếp cận của những nhà “ngoại cảm”, một số vấn đề sau đã được đặt ra:
– Bước
chuyển tiếp từ sự sống sang cái chết diễn ra như thế nào? (hồi ức cuộc đời, linh hồn tách khỏi thể xác, các vong linh người thân trợ giúp, trải
qua phán xét, cảm xúc ban đầu ở cõi Âm…?).
–
Dạng thức tồn tại sự sống ở cõi Âm ra sao? (có tổ chức, chính quyền hay
riêng rẽ độc lập, việc quản lý vong linh như thế nào, mối quan hệ cá thể giữa các vong linh, mối quan hệ thân thuộc giữa các vong linh…).
Một nhà ngoại cảm đang nói chuyện với người âm… |
–
Khái niệm “quốc gia” có tồn tại giữa các vong linh? Nếu có thì vấn đề kiểm soát biên giới đối với cõi Âm như thế nào? Có sự sống tâm linh trên
Mặt Trăng và các hành tinh khác của hệ Mặt Trời cũng như trên các tinh tú khác?
–
Cuộc sống “vật chất” và “tinh thần” của cõi Âm? (chỗ ở, ăn uống bằng gì, lao động tạo ra của cải gì, nhu cầu giải trí, tình yêu và những cảm xúc khác…).
–
Mối quan hệ giữa người Trần và người Âm ra sao? (vai trò của hài cốt, nên chôn cất hay hoả táng, nên gửi vong lên chùa hay không, các nghi lễ mai táng, cải táng nên như thế nào, cách thờ cúng như thế nào là đúng…).
– Sự tương trợ giữa người Trần và người Âm nên như thế nào? v.v…
Tuy
nhiên, khi bàn giải những vấn đề như vậy thì sẽ giúp ích được gì cho đời sống hiện tại của người Việt (trên trần gian), và làm gì cụ thể để đất nước Việt Nam
phát triển đi lên khi nhà nhà đều có “âm phù dương trợ”? Đối với người Phật tử, khi tìm được mộ người thân rồi thì sẽ làm gì để tiến tu, hay phải chăng chỉ để ngồi chờ người chết trở về (do được cúng bái đầy đủ tiền vàng, quần áo…) phù hộ, ban cho tài lộc, công danh…?
Chúng
ta vẫn gần như chưa giải quyết được gì nhiều cho những vấn đề căn bản ấy mà chỉ bước đầu nhằm “an ủi”, “xoa dịu” những mất mát khổ đau có thực
trong cõi sống con người: rằng không gia đình người Việt nào là không có người chết. Do đó, những vấn đề trên trong đời sống tâm linh của người Việt không chỉ là vấn đề văn hóa mà còn là vấn đề quan niệm về sự sống và cái chết, từ đó dẫn đến những ứng xử thích hợp theo những dạng thức, mô hình văn hóa, phong tục và tín ngưỡng mà các cá nhân đó đã tích
tập, hấp thu trong quá trình sống.
Đối với đạo Phật, nền tảng căn bản để quyết định đời sống hiện tại và đời sống sau khi chết của một con người chính là Nghiệp (thiện,
ác). Nghiệp là những hành động có khởi ý. Từ nghiệp này mà đi vào các cảnh giới khác nhau trong lục đạo. Quá trình tu tập của người Phật tử là
biểu hiện sinh động nhất của quá trình chuyển nghiệp (từ nghiệp dữ sang
nghiệp lành).
Vấn
đề đáng báo động là sau khi một số người Phật tử trải qua những ngày tháng “tiếp cận” với người chết bằng phương pháp “gọi hồn”, “tìm hài cốt” đã đến chùa đón hết cả linh ảnh và hài cốt ông bà về vì cho rằng không nên cúng tuần tứ cửu hay gửi cốt hay hình ảnh ở chùa, vì làm như vậy vong linh sẽ bị đói và tủi thân không phù hộ cho con cháu làm ăn khá
giả. Vì lẽ đó, muốn ông bà ở với mình, phù hộ cho mình thì không nên vào chùa cúng lễ cầu siêu…, tạo nên một màn huyễn hoặc, bao trùm lên gia
đình một lối sống lệ thuộc, dựa dẫm vào “âm linh”.
Những
vấn đề này liên quan đến quan điểm siêu thoát, tái sinh, luân hồi và những giáo lý nền tảng khác của Phật giáo. Bởi ngay cả một bậc Hòa thượng cao tăng còn nhập hồn trở về để phán bảo và quyết định đến những vấn đề của người sống hiện tại thì còn đặt ra vấn để “siêu thoát” cho vong linh, chiến sĩ trận vong để làm gì? Điều đó thuộc giáo lý hay tâm lý?
Một màn “múa vô thức” của những người theo môn “Cảm xạ học” |
Trong
cuộc sống, mọi hiện hữu dưới dạng thể chất – tinh thần đều kinh qua trạng thái hạnh phúc và khổ đau. Không cá nhân nào một lần trong đời là không có ưu-bi-sầu-não. Ưu-bi-sầu-não ấy đã chỉ ra bản chất của cuộc đời
là khổ. Tuy nhiên, để nhận thức đúng đắn về vấn đề này, chúng ta cần phải nỗ lực vượt qua những cám dỗ của vô minh và tham ái, để đạt được sự
trưởng thành trong nhận thức về Nghiệp. Có như vậy, chúng ta mới không bị đánh lừa bởi các tình huống hạnh phúc tạm thời, mới có cơ hội đối diện trực tiếp với trạng thái chưa giải thoát của chính mình và nhận biết những năng lực bất đồng trong quốc độ mà chúng ta đang sinh sống.
Sự
sống trong Phật giáo là một dòng chảy tương tục, nó bao gồm cả sự chết.
Sở dĩ tư duy con người luôn chia tách và đối lập giữa sống và chết nên mới tìm mọi cách đối phó, xem cái chết là một bất hạnh lớn nhất trong cuộc sống, từ đó nảy sinh sự ám ảnh, sợ hãi, tự chuốc lấy phiền lụy cho bản thân.
Đa
số chúng ta, cả cuộc đời chỉ sống trong giới hạn của nghề nghiệp, hoàn cảnh và nghĩ rằng mình phải làm thế này hay thế khác, như thế đó là một quy luật của xã hội. Điều đó gần nghĩa với cuộc sống chứ chưa hẳn đã là sống đích thực, bởi có khi chúng ta gặt hái ít nhiều thành công trong cuộc sống nhưng khi đối diện với chính mình, rất có thể chúng ta vẫn nảy
sinh nghi ngờ về sự hữu hạn của các khả năng và nhu cầu; về một con người thật với đầy đủ những xung động của thiện ác; về sự thúc đẩy mong manh của cái phi thường và cái tầm thường…
Phật
giáo chủ trương tiếp cận với hạnh phúc bằng sự nỗ lực điều phục tham sân si và tạo dựng môi trường an lành cho hành nghiệp và tâm thức. Sống –
chết diễn ra theo quy luật sinh – trụ – dị – diệt của tự nhiên nên không thể cưỡng cầu. Ở con người, sống chết không đơn thuần là biểu hiện
của đấu tranh sinh tồn mà là kết quả của hành nghiệp. Hành nghiệp này thúc đẩy tiến trình sống chết diễn ra nhanh hay chậm.
Nhận
thức về cái chết là nhận thức về sự thật của nỗi khổ, quán sát thường trực nỗi khổ để chúng ta tìm ra nguyên nhân của các cảm thọ và không sống bằng thái độ lẩn tránh, trốn chạy khổ đau. Khổ đau không tự nhiên mà có và cũng không do một quyền năng nào xui khiến, đưa đẩy con người vào trạng thái đó. Khổ đau vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của những hành nghiệp đã, đang và sẽ diễn ra. Có hai dạng khổ đau tương quan, tương duyên mật thiết với nhau đó là: khổ đau có nguyên nhân từ các quy luật được tác động vào giác quan và tâm thức; khổ đau do chính giác quan
và tâm thức tạo ra. Chẳng hạn sinh-lão-bệnh-tử là nỗi khổ mà chúng sinh
nào cũng phải trải qua. Bên cạnh đó còn có các nỗi khổ khác đến từ chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch…
Vì
thế, nếu không nhận thức được khổ đau là do nghiệp tạo tác, do quá trình huân tập vô số những hạt giống (nhân duyên) khổ đau của chính mình
gây ra thì chúng ta rất dễ đẩy khổ đau lên cùng cực, từ đó nảy sinh thù
ghét, oán người, giận đời, tìm lợi cho mình, gây hại cho người… Chúng ta cũng nên lưu ý, dù là ưu tư, trăn trở về đời sống cá nhân hay cộng đồng thì mọi khả năng thôi thúc sự đau khổ theo chiều hướng thiện hay ác, tích cực hay tiêu cực không gì khác ngoài hành nghiệp (cộng nghiệp và biệt nghiệp) của mỗi cá nhân và cộng đồng ấy.
Nếu
một dân tộc, một cộng đồng, một tôn giáo trong quá khứ hay hiện tại đã và đang cổ vũ cho chiến tranh và tạo ra nghiệp chiến tranh thì nhân dân của cộng đồng đó nhất định phải sống trong tâm lý chiến tranh và thù hận, đương nhiên khổ đau, bất an, hoang mang là một tình trạng của cả dân tộc và cộng đồng đó. Thiên tai gây ra khổ đau cho con người cũng chính là kết quả của việc con người tàn phá môi trường sống. Chẳng hạn về kinh tế, cá nhân nào đó dùng quyền hạn địa vị của mình để tạo ra lợi nhuận, bất chấp việc tàn phá cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống. Những người làm như vậy vẫn biết tương lai của con cháu họ sẽ phải gánh chịu rất nhiều hậu qủa. Nhưng vì sao họ vẫn tạo nghiệp như thế? Vì họ không tin nhân quả, nghiệp báo, không chịu trách nhiệm cá nhân trước những hành động của mình, không có một đường hướng tâm linh, tinh thần chỉ đạo cho lối sống.
Thực
tế, có nhiều bài học đau khổ đã diễn ra ngay trước mắt mọi người, nhưng
không tác động nhiều tới đời sống xã hội, một phần là do xã hội ấy thiếu vắng một nền giáo dục văn hoá, tâm linh toàn diện; phần khác là do
sự ích kỷ về quyền hạn của từng cá nhân với một thái độ sống tôn sùng sự hưởng thụ vật chất, chấp ngã, không tin nhân quả, nghiệp báo, xem chết là hết, hay chết chỉ thuần túy là việc “sống” ở một thế giới khác trần gian mà không có tái sinh hay siêu thoát gì cả.
Cũng
có những người không xem chết là hết nhưng lại tin rằng khổ đau hay hạnh phúc là do sự mặc khải của một quyền năng nào đó, vì thế, không ít người trong số họ đã gây ra những tội ác chiến tranh, khủng bố ghê gớm với đồng loại, với những người khác đức tin, bởi họ xem sự phụng vụ cho đức tin ấy được bảo hộ và thưởng công bằng một thiên đường vĩnh viễn với
những lạc thú đang chào đón họ ở phía bên kia cuộc đời này.
Nếu
nó là sự thực thì càng khẳng định những suy nghĩ, phân tích trên của chúng ta là có căn nguyên, mà một trong những căn nguyên lớn nhất là nhiều thế hệ vì lý do chính trị, xã hội nào đó đã quay lưng lại với đời sống nhân quả, nghiệp báo và nết hạnh Phật pháp.
Nếu
chúng ta có mối tương quan nào đó về khổ đau với người khác thì chúng ta nghĩ ngay đến hành nghiệp. Tuy nhiên, nó không đơn giản chỉ là việc tự tìm cách an ủi, rằng quá khứ chúng ta đã từng gây nhân chia rẽ, căm thù, phản bội, lừa lọc…nên bây giờ phải chịu khổ. Chúng ta không nên hiểu đơn giản một nhân như vậy sẽ dẫn đến một quả như vậy. Hiểu thế là làm cho nhân quả khô cứng và bất động. Nên biết nhân quả không tự nó nói
lên điều đúng sai mà mọi sai biệt là do hành nghiệp. Chúng ta thường khó chấp nhận những điều vô lý mà người khác đem đến, nhưng không cẩn thận chúng ta cũng sẽ rơi vào khuynh hướng lặp lại những điều vô lý ấy.
Thế
nên, cần phải có sự trưởng thành trong nhận thức về nghiệp, không nên tiếp tục hiểu nghiệp là xấu, ác. Nghiệp không những cho chúng ta thấy khuôn mặt đầy đủ của đau khổ mà còn có một cách làm cho chúng ta an vui,
đó chính là đừng đem đau khổ đến với người khác, đừng tạo thêm những tương quan về phiền não và nhiễm ô nữa. Làm được điều này, chúng ta chính thức trở thành người thừa tự nghiệp, làm chủ nghiệp, mang đến cho nghiệp một sức sống mới ở hiện tại. Có nghĩa rằng chúng ta phải nỗ lực chuyển nghiệp cho chính mình và tác động nó vào cộng đồng – những người có tương quan với chúng ta về sinh thân, cảm thọ…
Hạnh phúc hay khổ đau đều là kết quả của việc tạo nghiệp thiện ác |
Nghiệp
thúc đẩy sự lớn mạnh của những cảm thọ vui, buồn, trung tính hay các tình cảm trái chiều nhau, khiến chúng ta thấy người dễ thương, kẻ đáng ghét…. Thế nên, chúng ta có thể vui hay buồn trước một lời nói, một hành
động của người khác. Vui, buồn ấy không có tự tính mà chỉ là nó có đáp ứng được hay không những co cụm an toàn mà các cảm thọ của chúng ta đã thiết lập trong quá trình hành nghiệp. Người nào làm chủ được cảm thọ, người ấy biết sống trong sự tôn trọng người khác và dĩ nhiên được người khác tôn trọng.
Điều
này không có sự sắp đặt của một định mệnh mà chỉ vì năng lực khổ đau và
an vui trong chúng ta không ngừng hoán chuyển, lấn át nhau mà thôi. Tuy
nhiên, ở một hoàn cảnh nào đó, chúng ta cần phải làm thăng hoa năng lực
khổ đau, đi vào khổ đau để nhận diện sự ai vui, tìm kiếm những chân lý khả dĩ đáp ứng được những mong mỏi của con người trong quốc độ mà chúng ta đang cùng sinh sống. Chúng ta không nên từ chối khổ đau và xem nó là sự an bài của nghiệp. Nếu không hiểu rõ về điều này chúng ta sẽ biến nghiệp trở thành định mệnh. Lúc đó chẳng phải những nỗ lực tu tập vì hạnh phúc an lạc cho chính mình và mọi người lại vô tình thuộc về công lao của một quyền năng nào đó hay sao?
Đức
Phật đã chỉ ra cho chúng ta thấy tham-sân-si của con người mới là thủ phạm chính của tất cả những bất hoà, xung đột, chiến tranh và sự bạo tàn. Trong khi cảm thọ luôn có khuynh hướng đổ lỗi và hướng ra bên ngoài
để tìm nguyên nhân của khổ đau. Vì thế, cảm thọ không tự nhận thức được
chính nó, cũng như tham-sân-si không chịu thừa nhận tham-sân-si. Đó cũng là một thái độ phổ biến trong cuộc sống, bởi mọi tội lỗi và sai lầm
đều được con người làm cho nó có lý bằng cách này hay cách khác. Muốn nhận thức được điều này cần phải có sự trưởng thành về trí tuệ và khả năng dẹp bỏ những nhận thức sai lầm về ngã.
Sự
cảm thọ của giác quan sẽ khởi động quá trình huân nghiệp theo các khuynh hướng thiện ác khác nhau. Cho nên đôi lúc nó lấy khổ đau của người khác làm niềm vui và xem niềm vui của người khác là khổ đau của mình. Đồng thời cảm thọ luôn có xu thế đào sâu, làm lớn những xung đột, khiến chúng ta không còn làm chủ được nghiệp. Nghiệp càng ngày càng nuôi
lớn bản ngã, thúc đẩy thân-khẩu-ý tạo tác: từ vọng ngữ đến đại vọng ngữ, từ hờn giận đến căm thù,…. Tất cả mặc sức tàn phá thân tâm chúng ta, lúc đó, nghiễm nhiên nghiệp trở thành xấu và khổ đau trở thành một bất công, một trừng phạt lớn nhất của tạo hoá.
Cũng
lúc này, cảm thọ nhận lầm những vận may trong cuộc đời là “phước báo” và ảo tưởng về những hạnh phúc tạm thời, không còn muốn tiến xa hơn trên
con đường thăng hoa nghiệp, chỉ vì nó nghĩ rằng nếu đi tiếp tất sẽ gặp phải khổ đau và nó sẽ không tài nào chịu nổi gánh nặng ấy. Nếu nó đứng yên khổ đau có đến không? Không những khổ đau sẽ đến mà còn đến rất nhanh là đằng khác, bởi khổ đau là bản chất của cuộc sống, nó đến với chúng ta trong từng giây phút của sinh-lão-bệnh-tử và trong vô vàn những
kết quả của cảm thọ. Hạt giống khổ đau trong ta chỉ chờ các duyên bất đồng với cảm thọ mà nảy mầm, đơm hoa, kết trái. Thế nên, mọi lời nói, hành động của chúng ta đều có liên quan đến khổ đau hay hạnh phúc của chính mình và của mọi người. Và vì vậy, cả khổ đau và hạnh phúc đều là nguyên nhân và kết quả của hành nghiệp nơi mỗi chúng ta. Đồng thời, việc
nhận thức về nghiệp sẽ cho chúng ta biết nhân này đã được tuyển chọn hay chưa, quả kia có đúng với nhân đã gieo hay không, cần phải thêm hay bớt đi những duyên gì để cho nhân quả phát triển tốt…
Con người có những khả năng tiềm tàng là điều không thể phủ nhận, nên hướng khả năng đó vào điều thiện, làm lợi ích cho cộng đồng
Có
thể nói, cuộc sống vẫn diễn ra như quy luật của chính nó, nhưng điều làm cho nó có ý nghĩa chính là sự góp mặt của mỗi người trong chúng ta, với những yếu tố đan cài vô cùng sinh động và phức tạp của thiện-ác, của
khổ đau-hạnh phúc…. Tuy nhiên, nó không phải là một mớ hỗn độn không thể nhận thức được, vì sao, vì nó không nằm ngoài bản thân chúng ta. Nếu
chúng ta hướng tất cả mọi nỗ lực cho sự hoàn thiện chính mình, chúng ta
sẽ nhanh chóng trở thành người thừa tự nghiệp. Không có một thế lực nào
có thể cản trở chúng ta trên con đường đó. Có thể khổ đau hay hạnh phúc
đang đón chờ chúng ta ở phía trước, nhưng đó không phải là vấn đề của riêng ta. Trong mọi tình huống có thể, chúng ta phải vận dụng hết khả năng của một người may mắn được sống trong nền văn hoá Phật giáo với đức
tin nhân quả, nghiệp báo để làm cho quốc độ mà chúng ta đang sống không
ngừng tốt đẹp hơn. Hãy nhận thức về mọi cảm thọ và khổ đau để chúng ta trở thành người làm chủ nghiệp, thừa tự nghiệp trong mọi điều kiện, đặc biệt trong hoàn cảnh đời sống “tâm linh” có nhiều biểu hiện bến tướng như hiện nay.
Và
điều đáng lưu ý rằng, người Phật tử cần phải cảnh giác với các hiện tượng tâm linh có vẻ như có sự gần gũi nào đó với tín ngưỡng Phật giáo, bởi nếu không cẩn thận, đến một ngày nào đó, chính những quan niệm qua “thực nghiệm” (nói chuyện với người chết) của một số người truyền lại ấy
sẽ khiến chúng ta rơi vào tà kiến “linh hồn bất tử”, từ đó làm sai lệch hệ thống giáo lý hướng thiện và hướng thượng của Phật giáo. Vừa qua, xã hội rộ lên những tin đồn giật gân, gây hoang mang đều có liên quan đến vấn đề “ngoại cảm”, và một số “bài test” kiểm nghiệm khả năng “ngoại cảm” của những người ồn ào này đã cho ra những kết luận nhảm nhí,
huyễn hoặc. Một xã hội mà người dân lúc nào cũng bị ám ảnh bởi “hồn cốt” là một xã hội thực sự không khoẻ mạnh và thiếu lành mạnh. Có thể có
những nhà ngoại cảm có được những năng lực đặc biệt nào đó, nhưng rồi nó cũng sẽ mất đi theo thời gian. Điều đáng nói sự giao thoa trong lúc khả năng ngoại cảm mất đi thường dẫn đến những hệ quả của những “tiên đoán” gây hoang mang và đôi lúc rất nhảm nhí. Do đó, người Phật tử rất cần sự tỉnh táo và nên kính nhi viễn chi trước những hiện tượng này.
Thường Trung
(Nguồn: Điểm Nhìn)
Tiêu đề Là một người có cảm tình với Phật giáo tôi nhất trí với tác giả. Sống ở miền bắc, mọi người luôn phải đối mặt với không khí của một gia đình mà chuyện bàn luận về đồng bóng, bói toán,tìm mộ… chẳng bao giờ dứt. Tưởng rằng đến chùa để tìm sự yên tịnh |
|
(Nguyễn Thị Huyền) |
Discussion about this post