NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA
HT. Thích Trí Quang
Vấn đề “Hộ pháp” được nêu lên trong trường hợp nầy. Nó là vấn
đề tự lợi lợi tha mà muốn sống có ý nghĩa và muốn phổ biến ý nghĩa ấy trong mọi tầng lớp và mọi thế hệ, bổn phận chúng ta buộc chúng ta phải có. Muốn”Hộ pháp” – duy trì Phật pháp – thì người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) phải làm gì ?
1. Địa Vị Của Người Tại Gia:
Ngày nay cũng vẫn có những người tại gia nghĩ rằng mình chỉ là những kẻ tùy thuộc trong Phật giáo. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ tự ty phát sinh bởi
tinh thần vô trách nhiệm.
Trong Phật giáo, tai gia cũng như xuất gia vốn là một tổ chức cố hữu,
do đức Phật quy định. Điều đáng chú ý là trong sự quy định đó, càng cao
địa vị người tại gia càng quan trọng.
Trong giáo lý Tiểu thừa, người tại gia chỉ được Dự lưu quả. Từ Thánh quả Nhất lai lên đến Bất lai và Vô sanh thì phải xuất gia mới tu chứng được. Tuy vậy, địa vị người tại gia cũng vẫn không phải không quan trọng., vì dầu ở trong dục lạc mà cũng có thể “thấy được dấu vết của giáo lý”. Cũng trong giáo lý Tiểu thừa, người tại gia giúp đỡ cho người xuất gia đủ điều kiện để truyền bá chánh pháp. Pháp bảo và Tăng bảo tồn tại được là nhờ người tại gia hộ trì. Như vậy, hiển nhiên, địa vị người tại gia là địa vị cần thiết và quan trọng đối với giáo lý Tiểu thừa.
Đối với giáo lý Đại thừa, sự qua trọng ấy lại càng rõ rệt, vì nếu một
người tại gia như Giáo lý Tiểu thừa trên mà có phát bồ đề tâm thì tức gọi là tại gia bồ tát. Chỗ khác nhau sâu sắc nhất giữa Tiểu thừa và Đại thừa, là Tiểu thừa quan niệm sự xuất gia tự nó là một cứu cánh rồi, nó thoát ly hẳn những tâm niệm và những hành vi liên hệ với thế gian, nên kết quả, được địa vị La hán là đã thấy hoàn toàn. Đại thừa khác; Giáo lý
Đại thừa quan niệm rằng Phật đà mới là giai đoạn tuyệt đích của sự giác
ngộ, nên đạt đến đó, tại gia hay xuất gia là những phương tiện đều quan
trọng trong mỗi trườg hợp của nó. Cho nên xuất gia hướng thượng, tại gia thiệp thế, tuy bên trọng bên khinh hiển nhiên như thế, nhưng cái tâm
chí mong cầu Đại Bồ Đề và cái trách nhiệm giữ gìn Chánh pháp vẫn như nhau. Vì vậy, nếu người Tại gia mà phát Bồ đề tâm, xác nhận và phục vụ trách nhiệm “Hộ pháp” của mình thì cũng được gọi là tu tập Bồ tát hạnh và sẽ trở thành quả vị Phật đà, Trong trường hợp nầy, địa vị của người tại gia mới thật quan trọng với tất cả cái nghĩa của chữ ấy đúng như ý muốn của đức Phật.
Giờ ta quay lại toàn bộ Phật pháp để một lần nữa, nhận thức tính cách
hệ trọng của địa vị tại gia. Toàn bộ Phật pháp có thể phân chia ra hai phần: phần “Căn bản” và phần “Hướng thượng”. Phần căn bản là dùng Tam quy Ngũ giới để hoàn thành một tư cách Phật tử đối vói bản thân, đối với
gia đình và đối với xã hội. Phần hướng thượng là từ căn bản trên, hướng
lên trên đường giải thoát và giác ngộ cho đến tuyệt đích là địa vị Phật
đà. Hai phần của toàn bộ Phật pháp, như vậy không những cần thiết cho mỗi người Phật tử mà cón hoàn thành thể Phật pháp, nếu lý luận thế nầy thì chứng tỏ địa vị tại gia cũng quan trọng như địa vị xuất gia; nhưng nếu lý luận rằng trong hai phần của toàn bộ Phật pháp, nếu phần “Căn bản” không được nâng cao và chú ý trước hết thì phần “Hướng thượng” không thành, toàn bộ Phật pháp cũng mất cơ bản, nếu lý luận như vậy thì lại thấy trong bước đầu của Phật pháp, địa vị người tại gia, quan trọng hơn một cách rõ rệt.
Tất cả lý lẽ trên đây chứng tỏ cho ta thấy địa vị người tại gia không
phải kẻ tùy thuộc trong Phật giáo. Cho mình là kẻ tùy thuộc, tâm lý ấy không phải tâm lý khiêm nhượng mà thật là tâm tâm lý tự ty và vô trách nhiệm. Phật pháp đã suy tàm vì tâm lý đó. Và rồi đây, cũng vì tâm lý đó,
Phật pháp khó mà tồn tại. Vì vậy, nêu lên tính cách quan trọng của địa vị người tại gia lả cho họ thấy cái nhiệm vụ của mình đối với Phật pháp.
Người tại gia đã thấy được nhiệm vụ của họ thì tâm lý tự ti và vô trách
nhiệm sẽ được trừ bỏ và thay thế vào, họ sẽ thành tâm làm tròn nhiệm vụ
của họ. Nhiệm vụ của họ làm tròn thì con người của họ đổi mới, gia đình
của họ hạnh phúc và xã hội của họ an lạc, nói tóm, Phật pháp sẽ sáng tỏa, sẽ tồn tại ngay trong cuộc đời. Nhiệm vụ đó là những căn bản cần thiết và cần làm như sự trình bày đại cương sau đây.
2. Người Tại Gia Là Thế Nào?
Việc đầu tiên, Người Tại Gia phải biết cái ý nghĩa của từ ngữ mình đã
mang vào đời mình, vì từ ngữ ấy nó rẽ hai đời mình ra và định đoạt cho mình một lý tưởng cùng một cuộc sống theo lý tưởng đó.
Tại gia tức là không thoát ly gia đình, không thoát ly hình thức sinh
hoạt của thế gian mà thật hiện cơ bản của Phật pháp vào ngay trong hình
thức sinh hoạt đó. Định nghĩa như vậy thật chưa phải đã bao gồm tất cả những điều cần phải biết và cần phải làm của một người tại gia, nhưng, người tại gia, cũng đủ để thấy không phải với những tâm lý hời hợt mà làm một người tại gia được.
Cơ cấu của xã hội loài người là gia đình. Nhưng không phải chỉ một lý
do ấy mà đức Phật quy định có một tổ chức tại gia trong hàng Phật tử. Gia đình cũng chỉ là một hình thức sinh hoạt của thế gian. Chính hình thức sinh hoạt hình thức của thế gian mới là vấn đề đức Phật chú ý. Hình
thức sinh hoạt nầy, căn bản là con người, nhưng phạm vi của nó cố nhiên
bao gồm cả gia đình và xã hội của con người nữa. Hình thức sinh hoạt nầy, đối với đức Phật, ghét bỏ hay ưa thích đều không thành vấn đề; vấn đề là hình thức sinh hoạt đã có mà cái có ấy lại cần phải hóa cải và có thể hóa cải được. Mà người tại gia là những người trực tiếp trong việc hóa cải đó. – Người xuất gia, đối lại, cao hơn, lãnh đạo công việc hối cải của người tại gia. Vì vậy, trong khi đức Phật quy định Phật tử có tổ
chức tại gia thì phải có tổ chức xuất gia. – Và chính đó, không tránh bỏ một hình thức dĩ nhiên là hình thức sinh hoạt mà ngược lại, đem Phật pháp để hóa cải hình thức sinh hoạt, đó là cái ý nghĩa của từ ngữ tại gia và là cái lý do tại sao có ra tổ chức nầy.
Hình thức sinh hoạt của đời người (xin nhớ là cả con người và gia đình, xã hội của con người), theo Phật pháp, có hai chiều: Sinh hoạt xuôi chiều theo dục vọng và bản năng mà không có một chút chỉ huy gì của
lương tâm và lương tri thì chính đó là tất cả nguyên nhân phá sản sự sinh tồn của con người. Ngược lại, sống một cuộc sống có ý thức, biết tự
nghĩ hạnh phúc của mình và nghĩ đến hạnh phúc chung, thì đó chính là sự
sinh hoạt đúng với nguyên lý của nó.
– Sống theo chiều thứ nhất thì dầu có dán nhãn hiệu Phật tử vào đời mình cũng vẫn là “người thế gian”.
– Sống theo chiều hướng thứ hai thì sự sống đ8ó tức là đem Phật pháp hoán cải sự sinh hoạt, sống như vậy là một “người tại gia”.
Cho nên khi làm một người tại gia trong hàng Phật tử là ta làm một cuộc tái sanh cho đời ta, rẽ hai đời ta ra, từ bỏ cuộc đời xuôi dàng manh muội, bước vào cuộc sống có lý tưởng chân thật và hữu ích.
Trong Phật pháp không kể vấn đề tuổi tác. Điều kiện cần phải có là hiểu rõ đời mình, hiểu rõ lý tưởng nào đời mình phải có và quan trọng hơn hết là quyết chí sống theo lý tưởng đó. Điều kiện nầy có là có thể làm một người tại gia. Lắm khi mới trên mười lăm tuổi mà đã có thể có đủ
điều kiện đó, nhưng trái lại, cũng có lúc điều kiện đó ta không thấy ở một người tuổi tác. Giữa đàn ông và đàn bà cũng vậy. Điều kiện trên không hiếm ở người phụ nữ trong khi phía đàn ông vị tất ai cũng có cả. Cho nên muốn làm một người tại gia, không kể tuổi tác mà cũng không phân
biệt đàn ông hay đàn bà. Có đủ điều kiện cần thiết là có thể sống đời sống một người tại gia của hàng Phật tử. Bởi vậy, trong tổ chức người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử), đức Phật đã không hạn chế tuổi tác mà cũng không quy định đàn ông hay đàn bà, giai cấ hay chủng tộc. Tổ chức của người tại gia (tức tổ chức hàng Cư sĩ Phật tử), vì vậy, có hai phần:
Đàn ông gọi là Ưu bà tắc, đàn bà gọi là Ưu bà di.
Tuy nhiên, điều kiện rộng rãi như trên đây vẫn không dung những kẻ nầy:
1. Những kẻ “tặc trú”, tức những kẻ trá hình làm người tại gia, lẫn vào Phật pháp để xoay xở, quấy rối hay dó xét.
2. Những kẻ “đạo pháp”, tức những kẻ trá hình làm người tại gia để lợi dụng Phật pháp, ăn cắp lý thuyết của Phật pháp để trang sức cho tư tưởng của mình hay dùng ngay lý thuyết ấy phản công lại Phật pháp.
Ngoài hai hạng mà từ ngữ trong kinh gọi là ”người địa ngục trong Phật
pháp” trên đây, trong tổ chức tại gia cũng không thể có những kẻ trẻ tuổi, chưa hiểu biết lý tưởng của người tại gia, chưa đủ năng lực sống theo lý tưởng ấy, hay tệ hơn nữa là tuổi chưa biết nói. Cho nên ngaỳ nay
có những người đem con mới đẻ đến chùa quy y, hành động đó thật là vô ý
thức và chỉ là bắt chước theo tà ma ngoại đạo. Thâm tâm của họ chỉ vì thương con, nghĩ quy y như thế là bán gởi con cho Ngài để nó được sống còn và đời nó hạnh phúc. Nhưng muốn được như vậy thì chính mình phải cố gắng sống đúng lý tưởng một người tại gia, nghĩa là duy nhất với tam quy, kiên chí trong ngũ giới, chứ đâu phải làm như thế.
3. Mục Đích Của Người Tại Gia
Hiểu được do ý nghĩa nào và điều kiện gì gọi là một người tại gia (một Cư sĩ Phật tử) thì đã biết được đại cương mục đích của người tại gia rồi. Mục đích ấy thực là điều mà mọi người tại gia không thể lơ mơ, vì chẳng có một cuộc sống lý tưởng nào mà không có mục đích và sự nhận thức mục đích ấy.
Đại cương mục đích của người tại gia (tức Cư sĩ Phật tử), như trên đã
nói, là “hóa cải sự sinh hoạt”, sự sinh hoạt của con người và gia đình,
xã hội của con người. Trước khi đích chỉ thực tế của mục đích nầy, điều
cần nhất là người ta phải xác nhận để mà tin tưởng rằng sự sinh hoạt “cần phải hóa cải và có thể hóa cải được”.
Ai muốn nói gì thì nói và đưa chủ nghĩa gì ra để bịp người ta thì đưa, cho ngay đến cả con người đi nữa, có muốn tự lừa dối mình thì lừa dối, nhưng thực trạng của cuộc sống vẫn là một thực trạng hiển nhiên nhất trong các thực trạng, thực trạng ấy là khổ não. Thực trạng nầy phủ nhận đi được thì nước mắt và thở dài đã chẳng có và con người cũng đã chẳng xuất toàn lực ra chống chõi, thế hệ nầy kế tiếp thế hệ khác. Nhưng
cũng thế hệ nầy kế tiếp thế hệ khác, cuộc sống của con người cứ ngập chìm trong khổ não. Sanh lão bệnh tử đã làm cho con người được xem như một quá trình của khổ não rồi, cuộc đời ấy lại còn ân ái mà phải biệt ly, oán thù mà phải gặp gỡ, mong cầu mà không thỏa mãn, và ngay nơi nội bộ của bản thân, những gì mà có nó mới gọi là con người có, nhưng chúng thật như những tên giặc lợi hại bậc nhất, quy tụ lại một nơi và tung hoành nơi ta như tàn phá một làng xóm điêu tàn. Khổ vì mưu sanh, khổ bởi
lừa đảo, khổ vì nhục nhã, vì oan ức, vì hàng vạn lý do, hầu như cuộc sống đụng đến đâu là nguyên nhân của khổ não ở đấy. Sung sướng? Danh từ ấy chỉ có trong khi đau khổ trá hình mà kẻ đương cục không tự biết, thế thôi.
Trước thực trạng khổ não như vậy, có những người thật tình là thiếu can đảm hơn ai hết, trong khi nước mắt họ ứa ra mà họ lại cười cái cưới “lạc quan” để, trước hết, tự lừa dối mình được từng nào qua ngày từng ấy, trong cuộc sống khổ não của họ, của mọi người. Họ còn đi xa hơn nữa;
họ cười khoái trá trước nước mắt đau đớn của đồng loại, bất chấp cái khổ não cho chính họ, họ sống khoái lạc bằng nỗi khổ não của mọi người. Đó là những kẻ lạc quan. Khác với những kẻ nầy, có những kẻ trước khổ não họ chỉ biết cam phận chịu đựng, sống khổ não mà vẫn xuôi dòng theo nguyên nhân gây thêm khổ não. Những kẻ nầy không thể gọi là gì nữa. Không thể gọi là “bi quan”. Danh từ nầy phải để dành cho những người cầu
khẩn nơi duy vật, vì họ tuy khác nhau đến chống nhau trong quan niệm, tín ngưỡng, nhưng thật đều giống như những kẻ mở to mắt ra để đi tìm con
mắt của chính mình, cuống lên chỗ nầy, hoảng lên chỗ khác, mà lại tự gọi là biết hơn ai cả, và gây thêm sóng gío nhiều nhất trên bể khổ vô biên của người đời.
Người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) không có những thái độ như vậy, dầu chỉ là những thái độ tương tự. Việc trước hết đối với thực trạng khổ não là họ phải tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng ấy. Nguyên nhân ấy họ không trao quyền cho thần linh hay đổ lỗi cho vật chất. Người
tại gia xác nhận rằng cái gì của con người là do con người tạo ra. Khổ não của con người cũng vậy, do hành động của con người mà có. Ai làm tội
tình nhau ? Ai giết nhau ? Ai làm cho nhau đổ nước mắt, oán hận và trả
thù ? Ai, nếu không phải chỉ con người với con người ? Nhưng, những gì đã do cong người với con người gây ra thì những cái ấy con người với con
người có thể diệt sạch đi được. Hiểu rõ như vậy tức xác nhận rằng khổ não của cuộc sống là do hành vi manh động, hành vi ấy cần phải hóa cải và có thể hóa cải được. Mọi việc đều do con người sắp thì cũng do con người xóa. Và con người có thể xóa được để thay vào đó những thứ mà cuộc
sống con người cần thiết và mong mỏi, nếu con người can đảm nhận kẻ thù
chính của đời mình là khổ não và quyết chí chiến đấu để diệt trừ khổ não đó.
Nói tóm, hóa cải đời sống bằng cách diệt nguyên nhân của khổ não, đó là mục đích mà tất cả tổ chức Phật tử đều theo đuổi, trong đó tổ chức tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) là một. Mặt phải của mục đích nầy, chúng ta cần nói thêm là để làm cho đời sống an lạc, đồng thời, chiều cao của mục đích nầy chúng ta cần phải nói rõ là muốn làm cho đời sống được giác ngộ và cuối cùng, đạt đến địa vị Vô thượng giác.
Mục đích trên đây, người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) nhắm nó một
cách thực tế vào con người của mình. Phải làm sao tạo cho mình một nhân
cách xứng đáng với danh nghĩa của con người, phải làm sao cho nhân (gia
đình) và đồng loại (xã hội) của mình cũng như mình, đó là mục đích cơ bản của người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử). Mục đích nầy mà đạt được
– và chỉ do mục đích nầy mà thôi – mới hóa cải được hình thức sinh hoạt
của mình, thật hiện cho mình, cho cả gia đình và xã hội của mình nữa, một hạnh phúc đúng nghĩa của nó và không bao giờ tan rã, hạnh phúc do diệt trừ nguyên nhân khổ não mà có chứ không phải là cái bánh vẽ của bàn
tay tàn ác và gian ngụy.
4.Nhiệm Vụ Hộ Pháp Của Người Tại Gia
Con người là căn bản của gia đình và xã hội loài người, tất cả mọi vấn đề đều do con người phát sanh và đều phát sanh vì con người, bởi vậy, muốn đổi mới tất cả, căn bản là con người không thể không tự đổi mới trước hết bằng Phật pháp. Đó là một kết luận. Kết luận đó làm một lý
do chắc chắn chứng minh một kết luận nữa: Như vậy, con người tuyệt đối phải có trong gia đình và xã hội loài người thì với con người ấy, Phật pháp tuyệt đối phải có và tuyệt đối phải được bảo vệ. Vấn đề “Hộ pháp” được nêu lên trong trường hợp nầy. Nó là vấn đề tự lợi lợi tha mà muốn sống có ý nghĩa và muốn phổ biến ý nghĩa ấy trong mọi tầng lớp và mọi thế hệ, bổn phận chúng ta buộc chúng ta phải có.
Muốn”Hộ pháp” – duy trì Phật pháp – thì người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) phải làm gì ?
a. Phải áp dụng Phật Pháp vào đời sống của mình.
Đó là công việc căn bản. Vì Phật pháp gọi là còn, không phải còn ở ngoài chúng ta mà phải ở chính trong con người của mình. Đó là chưa kể rằng muốn duy trì Phật pháp thì phải phổ biến ra cho mọi tầng lớp và cho
tất cả thế hệ mai hậu, mà muốn vậy thì vấn đề “phải làm để làm gương mẫu” là một nguyên tắc không thể thiếu được. Cái thành kiến quái gỡ cho rằng “tôi phải hy sinh sự tự lợi của tôi cho sự lợi tha” cũng sẽ phải tan rã vì nguyên tắc nầy, bởi vì không có sự lợi tha nào đúng nghĩa từ ngữ ấy mà thiếu tự lợi tức sự áp dụng Phật pháp trước hết, hay đối lại, cũng chẳng có một sự tự lợi nào đúng nghĩa của danh từ ấy mà không vì mục đích lợi tha tức vì lợi ích chung mà áp dụng Phật pháp.
b. Phải luôn luôn tỏ ra mình là người Phật tử.
Thật là một lỗi lầm đáng khinh bỉ khi một người đã sống trong Phật pháp vô thượng mà không thẳngthắn bộc lộ ra. Họ bảo như thế để mọi người
thấy mình không cố chấp tín ngưỡng của mình, nhưng họ biết đâu rằng cố chấp là một việc mà thành thực lạ là một việc khác. Không thành thực bộc
lộ tư cách Phật tử của mình ra thì làm sao cảm hóa người được. Họ lại còn đi hợp tác với ngoại đạo tà ma. Họ bảo để tỏ tư cách quảng đại của Phật tử, nhưng lời ấy chỉ là che đậy những lý do lấy Đạo làm bàn đạp cho
lợi lộc cá nhân của mình mà htôi, chứ Phật tử sao đi hợp tác với ngoại đạo ? Như thế, Tam quy mà họ đã thọ, làm sao còn được ? Họ lại càng ngây ngô mà trở lại công kích trong nhà không biết tổ chức, trong khi đó
họ đem năng lực đáng lý phải góp vào công việc tổ chức đó mà hợp tác với tổ chức khác. Bởi vậy, khi xác nhận Phật pháp là Vô thượng và chỉ hoạt động cho Phật pháp mà thôi mới là công cuộc hữu ích cho con người đúng với cái nghĩa của danh từ ấy, thì họ phải luôn luôn tỏ ra mình là Phật tử trong tất cả mọi trường hợp, bằng mấy cách bắt buộc sau nầy:
b.1 Thường đeo tượng Phật và kính trọng, thân mến với người đồng đạo.
b.2 Thường phải ăn chay và đi chùa mỗi tháng hai ngày, dầu gặp tiệc tùng hay lý do sanh sống cũng không được tạm bỏ.
b.3 Góp của và góp sức vào trong các tổ chức của Phật pháp để làm những công việc hữu ích.
b.4 Khước từ thực sự những sự hợp tác với ngoại đạo tà ma và trừ khử những cử chỉ rụt rè thái độ chạy chối và thụ động.
Mọi người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) phải nhớ rằng xã hội nào người ta cũng chỉ dung và hơn nữa, chỉ cảm hóa vì những người thành thực
trong tín ngưỡng của mình. Trái lại, không ai mà không khinh bỉ và nghi
kỵ những kẻ kém thành thực. Phải nhớ như vậy để – trút bỏ đi những ý nghĩ vơ vẫn về những sự nguy hiểm tưởng tượng. Nói tóm, tỏ ra mình là Phật tử chính là duy trì Phật pháp rồi đó. Ngược lại, sự tỏ ra đó thiếu đi thì ý thức Phật tử đả không còn nữa mà ý thức nầy không thì luôn theo
đó, tất cả những gì của Phật tử phải có, họ sẽ quên mất hết.
c. Phải có tinh thần chịu trách nhiệm và trừ bỏ sự tự ty mặc cảm.
Tự ty mặc cảm là tự nghĩ mình thấp kém, tùy thuộc, chứ không phải chủ
động. Nhưng trái lại, thực tế chứng tỏ sự duy trì Phật pháp trong gia đình và xã hội, người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) là người chủ động
mà lại là chủ động trực tiếp. Bởi vậy, Phật pháp còn hay không còn trong gia đình và xã hội là trách nhiệm trực tiếp của người tại gia. Thực tế nầy nó kêu gọi người tại gia hãy bỏ cái thành kiến cho rằng Phật
pháp quan trọng ở các Thầy và bắt buộc người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) phải có tinh thần chịu trách nhiệm, cái trách nhiệm duy trì Phật pháp để hóa cải bản thân, hóa cải gia đình và xã hội. Trách nhiệm ấy cũng không riêng gì đối với Phật pháp; vì sự hóa cải cần phải có nên mọi tầng lớp, mọi thế hệ đòi hỏi người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) cái tinh thần trách nhiệm ấy.
d. Phải hành động tích cực và thực tế.
Vấn đề “Hộ pháp” quan trọng và hợp lý như vậy nó bắt buộc người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) phải có những hoạt động tích cực, thực tế, một cách tế nhị. Phải chống trả với mọi mưu mô ở ngoài và mọi xu hướng ở
trong nếu những mưu mô và những xu hướng ấy không làm hại Phật pháp trong hiện tại cũng như làm hại về sau. Và tự mình, mình phải thắng những gì ở mình mà chính nó có thể lôi kéo mình vào những hành động phản
bội Phật pháp. Phải tự giác mãnh liệt và đừng lòa mắt vì mối lợi nhãn tiền hay lo sợ vu vơ cái hại trong tư tưởng. Phải chống trả với những gì
mà mình biết không trực tiếp cũng gián tiếp, không ngày nay cũng ngày mai, không có thiện ý đối với sự sinh tồn của Phật pháp. Tất cả những lý
lẽ trên nầy nó thiết tha kêu gọi sự hoạt động tận lực của chúng ta, to từ việc xả bỏ thân mạng, nhỏ đến việc bỏ ra từng đồng xu, tất cả tiềm lực nào mình có, mình không từ. Do ý thức nầy, người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) phải bỏ cái thành kiến hiện giờ vẫn còn vương trong tư tưởng một số đông, rằng việc Đạo phải có tài và có sức. Nhưng cái tài hưởng ứng cũng cần thiết như cái tài hướng đạo, cái sức tùy hỷ lại cần hơn cái sức đồ sộ, bởi vì một bên chỉ có một thiểu số mà một bên là một hậu thuẩn hùng hậu. Cho nên những công việc vặt và những đồng bạc nhỏ, đối với Đạo, lúc nầy, mới thật là quý giá; chúng nó là những tấm lòng thành thực và sẽ góp thành một lực lượng to lớn. Và chỉ có vậy mới thật là hoạt động thực tế của tín đồ và cố nhiên cũng chỉ có vậy mới duy trì Phật pháp được trong tất cả mọi tầng lớp.
Nói tóm, vấn đề “Hộ pháp” nó quan trọng ở chỗ người tại gia (tức hàng
Cư sĩ Phật tử) thành thực bộc lộ tín ngưỡng của mình và có tinh thần gánh vác trách nhiệm, phối hợp với những hoạt động dù nhỏ nhưng thực tế,
dũng mãnh. Chính đó, Phật pháp sẽ càng ngày càng xán lạn huy hoàng, không những với những hình thức đồ sộ mà còn với những sự cải hóa tốt đẹp đối với toàn diện của đời sống con người.
Discussion about this post