Hỏi: Trong một buổi trà đàm cùng với một số đồng đạo, chúng tôi có thảo luận đến đề tài Chơn và Vọng và có nên bỏ Vọng để cầu Chơn. Trong buổi thảo luận có một đồng đạo nhắc đến hai câu kệ “Ngôn vọng hiển tri chơn. Vọng chơn đồng nhị vọng”. Nghe qua hai câu này tôi lấy làm tâm đắc. Nhưng khi hỏi ra thì chẳng ai biết nguyên bài kệ. Tôi thử truy cập ở Google thì vẫn không tìm thấy bài kệ này. Mong đạo hữu cùng chia sẽ.
Đáp: Thưa đạo hữu, hai câu kệ mà đạo hữu nghe được là bản Hán Việt ở quyển 5 của Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Dưới đây là Nguyên văn bài kệ Hán Việt:
Chơn tánh hữu vi không
Duyên sanh cố như huyễn
Vô vi vô khởi diệt
Bất thật như không hoa
Ngôn vọng hiển tri chơn
Vọng chơn đồng nhị vọng
Du phi chơn phi chơn
Vân hà kiến sở kiến
Trung gian vô thật tánh
Thị cố nhược giao lô
Mê hối tức vô minh
Thác minh tiện giải thoát
Giải kiết đồng sở nhơn
Thánh phàm vô nhị lộ
Nhử quán giao trung tánh
Không hữu nhị cung phi
Mê hối tức vô minh
Bất minh tiện giải thoát
Phược giải nhơn thứ đệ
Lục giải nhất diệt vong
Căng tuyển trạch viên thông
Nhập lưu thành Chánh Giác
Đà na vi tế thức
Tập khí như bọc lưu
Chơn phi chơn cũng mê
Ngã thường bất khai diễn
Tự tâm thủ tự tâm
Phi huyễn thành huyễn pháp
Bất thủ vô phi huyễn
Phi huyễn diệt bất sanh
Huyễn pháp vân hà lập
Hữu thị Diệu Liên Hoa
Kim cang vương bảo giác
Như huyễn tam ma đề
Đờn chỉ siêu vô học
Thử A Tì đạt ma
Thập phương bạt già phạm
Nhất lộ Niết Bàn môn
Dịch nghĩa:
Pháp hữu vi không có tự thể. Thật chất của nó là không
Vì nhơn duyên sanh cho nên có. Có mà không thật có cho nên gọi nó là “như huyễn” (huyễn là cái bóng)
Vô Vi là nói để đối đãi với Hữu Vi. Tự tánh của Vô Vi vốn chẳng sanh chẳng diệt (vì nó là bảng thể của chơn như)
Pháp Hữu vi không thật có, giống như hoa đóm trong hư không. Vì anh bị bệnh mắt nên thấy có hoa đóm chứ nào có gì đâu. Pháp Hữu Vi và Vô Vi cũng vậy. Vì anh bị bệnh chấp ngã và chấp pháp nên mới thấy là có.
Vì anh còn chấp nên nói cái Vọng để hiển bày cái Chơn.
Nhưng nếu anh chấp là có cái Chơn, muốn bỏ Vọng để tìm Chơn thì anh đã sai rồi vì Vọng và Chơn cải hai đều là Vọng.
Tự thể của nó chẳng phải là Chơn cũng chẳng phải là Vọng. Nó là Như Vậy (Như Thị), muốn gán ghép cho cái gì cũng sai hết vì chấp có cái Chơn hay Vọng cũng đều lọt vào biến kế sở chấp.
Chơn và Vọng cũng chẳng phải thì làm sao có được cái gọi là năng kiến và sở kiến?
Thức ở giữa Căn và trần sanh ra sự phân biệt vốn không có thật tánh.
Vậy nên giống như hình 2 cây lau gác nhau.
Cột để sanh ra phiền não vô minh hay là mở để có được sự giải thoát cũng đồng dựa trên 6 căn.
Anh làm chủ được 6 căn thì anh là thánh. Anh không làm chủ được 6 căn thì anh là phàm phu.
Muốn mở 6 gút (tiêu biểu cho 6 căn) đã cột thì phải mở theo từng thứ lớp.
Nhưng khi 6 gút đã mở hết rồi thì cái một cũng chẳng còn (nào có 1, 2, 3, 4 gì nữa đâu)
Trong 6 căn của ông, chỉ cần chọn 1 căn nào nhẹ nhất để tu hành để sớm được viên thông.
Khi đã được quả Nhập Lưu là xem như đã thành Phật.
Thức A đà na rất vi tế.
Tập khí chúng sanh lại quá sâu dày.
Ngại chúng sanh thường hay chấp Chơn và Vọng.
Vì ý nghĩa thâm sâu khó hiểu, nên Như Lai ít nói đến thức này.
Tự tâm mình là Phật nhưng còn chấp lấy tìm cầu tâm, cầu Phật ở bên ngoài
Nên các pháp vốn chẳng phải huyễn (Chơn) điều trở nên pháp huyễn (Vọng).
Nếu không chấp trước và tâm thanh tịnh rồi
Chơn còn không có thì làm sao có cái gọi là Vọng?
Quán được như vậy gọi là “Như Huyễn Tam Ma Đề” nghĩa là pháp tu thiền, quán vạn pháp duyên sanh như huyễn.
Có được pháp tu này quý báu và chắc chắn ví như vua của các loài kim cương
Là thanh tịnh như Diệu Liên Hoa
Khảy ngón tay trong một sát na liền vượt qua hàng vô học (bật A La Hán trở lên)
Khắp mười phương Chư Phật cũng đều dựa vào pháp tu quán này
Để cùng đi trên con đường đến thành đô Niết Bàn!!
Tôi cho rằng toàn bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm đã được Phật tóm gọn trong bài kệ này. Nó cũng ăn qua với Kinh Duy Ma Cật (ví dụ như Chơn và Vọng là Bất Nhị), kinh Kim Cang (ví dụ như chấp có cái Chơn nào đó thì đã lọt vào tứ tướng), kinh Pháp Hoa (ví dụ như ở đoạn Thập Như Thị) và kinh Hoa Nghiêm (ví dụ như ở đoạn Tâm, Phập và Chúng Sanh không hai không khác). Cũng giống như đạo hữu, tôi cũng lấy làm tâm đắc khi học được bài kệ này. Nếu có điều kiện, đạo hữu có thể tham khảo thêm hai bảng dịch của cư sĩ Hạnh Cơ và cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.
https://thuvienhoasen.org/a841/kinh-thu-lang-nghiem-quyen-nam
https://thuvienhoasen.org/p16a854/05-quyen-nam
Discussion about this post