NGÔI NHÀ GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Thích Hạnh Chơn

Ai
đã từng đến tham quan Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, ít
nhiều công nhận ngôi trường mới này, dù quy mô không lớn, là nơi để lại hình
ảnh đẹp về nét kiến trúc mạnh mẽ và chắc chắn. Nếu công nhận đây là công trình
chất lượng, thế thì, những yếu tố làm nên nó bao gồm gạch, đá, sắt, thép
v.v..phải đúng chất lượng quy định. Kế đến, chúng phải được xếp đặt vào những
vị trí thích hợp theo sự kiến thiết của kiến trúc sư – người phát họa mô hình
và quá trình xây dựng phải tuân thủ những quy định về tiêu chuẩn an toàn một
cách nghiêm túc.
Từ
ngôi trường (nhà) vật chất cụ thể, ta dùng phương pháp suy luận để tìm hiểu về ngôi
nhà được cấu thành bằng sự tổng hợp của những yếu tố vừa vật chất vừa tinh
thần. Đó là ngôi nhà ‘giáo dục Phật giáo Việt Nam’. Trong phạm vi hiểu biết,
người viết sẽ thảo luận về một số yếu tố tạo nên ngôi nhà thượng tầng này qua
các vấn đề: kiến trúc sư, đội ngũ kỹ sư (giảng viên) và mô hình đào
tạo. Ngoài ra, viện nghiên cứu cũng được đề cập như là thành phần không thể
thiếu của ngôi nhà này. Mục đích của bài viết là đưa ra ý kiến thảo luận như
tinh thần hội thảo đã nêu.
Giáo
dục Phật giáo là một ngành giáo dục đặc biệt. Đo đó, để đi đúng tông chỉ của
nó, thiết nghĩ không thể không quay về ôn lại mục tiêu và phương cách giáo dục
của đức Phật. Sự giác ngộ bằng sự chứng nghiệm tự thân cho phép đức Phật đủ
thẩm quyền tuyên bố sự thật về khổ đau và con đường chấm dứt khổ đau trên cuộc
đời này. Lời tuyên bố ấy cũng chính là mục tiêu tối hậu mà đức Phật đã dành
suốt cả cuộc đời để tuyên thuyết và giáo hóa cũng như khuyến tấn đệ tử dấn thân
theo con đường của Ngài. Mục đích là chỉ rõ nỗi khổ và con đường đưa đến chấm
dứt nỗi khổ. Vậy thì, phương cách Phật thực hiện như thế nào?
Có
thể nói đây là vấn đề lớn và không thể trình bày trong vài trang giấy. Do đó,
người viết chỉ nhấn mạnh hai phương diện căn bản là giảng dạy giáo pháp như
phương tiện qua sông (bể khổ) và cách thức sử dụng phương tiện hữu hiệu nhất.
Giáo pháp bao gồm tam tạng kinh điển nhưng tóm gọn không ngoài giới, định, tuệ.
Còn phương pháp được cho là 84.000 pháp môn nhưng không ngoài một chữ ‘thiền’
dù đó là pháp môn gì.
Ngôi
nhà giáo dục của đức Phật là một tăng đoàn do Ngài (bậc kiến trúc sư) lãnh đạo,
gồm nhiều trợ lý tài năng thật sự và được tin tưởng giao việc đúng vị trí sở
trường của họ (ví dụ: Ngài Xá lợi phất và Ngài Mục kiền liên là hai trợ thủ như
hai cánh tay của Phật mà không phải là những đệ tử xuất gia trước). Vì thế, họ
phát huy đóng góp hết khả năng cho sự nghiệp giáo dục. Cơ sở giáo dục của Phật
chủ yếu là ở các tinh xá lớn và một số nơi khác. Chương trình của đức Phật là
học chung và tự học. Học chung là lúc khất thực, nghe pháp cùng đại chúng và tự
tu học là lúc hành thiền, niệm Phật (niệm đức tính của Phật chứ không phải niệm
danh hiệu một đức Phật). Đầu ra (tốt nghiệp) của học viên là quả vị A la hán –
những người có thể du hóa, thuyết pháp độ sanh. Những học trò tốt nghiệp của Ngài
chưa bao giờ thất nghiệp (theo ý nghĩa phụng sự).
Trở
lại vất đề giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay, dù hoàn cảnh xã hội, văn hóa,
phong tục tập quán khác nhau, thời đại đổi thay nhưng mục tiêu ‘giải thoát’ vẫn
không thay đổi. Chỉ một điều quan trọng là điều chỉnh chương trình, phương pháp
và định hướng đầu ra (tức tốt nghiệp) sao cho phù hợp với môi trường thực tế
của xã hội đương đại. Để làm tốt việc này trước hết phải xác định ai là kiến
trúc sư?
Kiến
trúc sư phải là người thực tài, đức được cung thỉnh vào vị trí giáo dục để xây
dựng mô hình giáo dục phù hợp với nhu cầu thực tế. Khi được cung thỉnh vào vị
trí lãnh đạo, vị ấy phải thấy đây là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm phụng
sự của mình cho Phật giáo. Vị ấy phải biết tìm cho mình những trợ thủ đắc lực
có tâm phục vụ, để xây dựng nên ngôi nhà giáo dục vững chắc với mục đích đào
tạo ra những thế hệ tương lai thật sự có chất lượng. Nếu vì lý do nào đó mà
phải kiêm nhiều công việc, vị ấy phải tìm người trợ lý thực tài để thay mình
làm việc trực tiếp. Như vậy, trong một nhiệm kỳ, vị kiến trúc sư phải đề ra
những chương trình cụ thể để hoạt động và hết nhiệm kỳ phải công bố kết quả,
nếu chưa hoàn tất công việc thì chuyển tiếp vị kế nhiệm. Ví dụ, chương trình
soạn thảo sách giáo khoa Phật học cho các cấp học sẽ thực hiện bao lâu, ai là
người đảm trách, nội dung bao gồm những gì, v.v..
Yếu
tố thứ hai là vai trò của các trợ lý điều hành và đội ngũ giảng viên. Trợ lý
điều hành sẽ lo việc hành chánh còn đội ngũ giảng viên đảm trách trực tiếp
giảng dạy. Về giảng viên, cần phải xây dựng phương thức đánh giá chất lượng
chuyên môn, giảng dạy. Trước hết, bộ sách giáo khoa Phật học phải được cung cấp
và trong khi chưa có nó thì chí ít cũng phải có giáo án hay đề cương giảng dạy
(do giảng viên soạn). Thứ hai, ngành giáo dục phải có ban kiểm định chất lượng
để theo dõi dự giờ các tiết học, sau đó đánh giá và bồi dưỡng năng lực nhân sự
của ngành. Thứ ba, giảng viên dạy và đánh giá tiêu chuẩn học viên theo tiêu chí
quy định. Việc đánh giá học tập sẽ theo từng cấp bậc khác nhau với những hình
thức khác nhau. Ví dụ, ở cấp nào thi trắc nghiệm, thi viết, ở cấp nào làm tiểu
luận và ở cấp nào có sự phối họp cả hai. Về tiểu luận, hình thức này nên áp
dụng cho sinh viên năm thứ mấy và độ dài bao nhiêu cho từng năm học. Không nên
áp dụng theo phương thức cào bằng.
Yếu
tố quan trọng thứ ba là mô hình và chương trình đào tạo. Người viết ủng hộ hai
mô hình được chư tôn đức đề xuất nhưng chưa thực hiện.
Mô
hình nội điển chuyên tu tương đương trường chuyên dạy nghề ở thế học.
Thời
gian đào tạo cho mô hình này là 9 năm chia làm ba cấp:
Sơ
cấp: (3 năm) chương trình giảng dạy bao gồm giới luật Phật giáo, Phật pháp căn
bản, những bài kinh căn bản hướng dẫn phương pháp hành trì, lịch sử Phật giáo
gồm lịch sử đức Phật, các thánh tăng, các tổ sư Việt nam, các vị Hòa thượng
danh tăng Việt Nam và ngoại ngữ. Mục tiêu của cấp này là tạo cho học viên làm
quen với thuật ngữ Phật giáo và giáo lý cơ bản, biết phương pháp hành trì
chuyển hóa khổ đau và lấy tấm gương chư Phật và chư tổ làm điểm tựa phấn đấu.
Trung
cấp (3 năm) chương trình gồm ý nghĩa và thực hành các nghi thức thiền môn như
quy y, lễ vía, truyền giới, giới đàn, cách giải quyết bất hòa trong tăng theo
luật; hiến chương và luật pháp liên quan tôn giáo; vai trò trụ trì và các kỹ
năng hướng dẫn Phật tử; lịch sử Phật giáo Việt Nam; khái quát đại cương đại
tạng kinh nam truyền và bắc truyền gồm lịch sử truyền thừa và tư tưởng chủ đạo;
ngoại ngữ. Mục đích là trang bị cho học viên kiến thức tổng quát về kinh điển
Phật giáo, lịch sử phát triển Phật giáo tại Việt Nam, những kiến thức nền tảng
pháp luật để họ có thể gánh vác công tác Phật sự sau khi hoàn tất chương trình.
Cao
đẳng (3 năm) gồm lịch sử Phật giáo thế giới, triết học đông tây, phương pháp
nghiên cứu tra khảo, tư tưởng kinh bộ, phương pháp sư phạm trong giảng dạy,
ngoại ngữ. Mục đích là giúp học viên sau khi tốt nghiệp thông suốt tư tưởng
kinh điển và đủ khả năng trở thành giáo thọ sư.
Như
vậy, giáo dục theo mô hình nội điển sẽ cung cấp nguồn nhân sự đủ khả năng làm
Phật sự tại các ngôi chùa, làm giáo thọ giảng dạy tại các trường và đạo tràng
tu học. Nó phù hợp với truyền thống Phật giáo thiền môn.
Mô
hình hội nhập tương đương các đại học thế tục
Vì
là mô hình hội nhập nên nó phải phù hợp với tiêu chuẩn của bộ giáo dục. Chương
trình sẽ được thiết kế theo ngành học cụ thể. Việc tuyển sinh nên thực hiện
hàng năm để tạo sinh viên có cơ hội thi vào và trả nợ môn nếu chưa đạt yêu cầu.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được quyền tiếp tục học cao hơn tại trường hay
nơi khác. Điều cần quan tâm là xây dựng ngành học theo nhu cầu Phật sự và xã
hội hơn là các ngành danh tiếng mà không có đất dụng võ cho sinh viên khi ra
trường.
Mục
tiêu của mô hình này là cung cấp nhân sự làm công tác giảng dạy tại tất cả các
trường, làm công việc nghiên cứu, dịch thuật …
Theo
số liệu thống kê, hiện tại Phật giáo có 4 học viện, 9 lớp cao đẳng, 33 trường
trung cấp và vài chục lớp sơ cấp. Số lượng tăng ni đang học tại tất cả các
trường nói trên không quá 10.000 tăng ni. Con số này chỉ bằng số sinh viên của
một trường đại học cỡ trung bình. Thực tế cho thấy, chỉ trừ Học viện Phật giáo
tại thành phố Hồ Chí Minh có số lượng sinh viên đông và phân ra nhiều ngành,
tất cả các trường còn lại quy mô đào tạo như là một lớp học bởi vì đa số các
trường chỉ có một lớp cho tăng ni học chung hay 2 lớp cho tăng ni học riêng.
Hầu như các trường đào tạo theo chương trình tự thiết kế và sĩ số học viên thì
không theo tiêu chuẩn nào. Con số trường lớp nhiều, số tăng ni tốt nghiệp đông
nhưng chưa có kết quả điều tra nào để chứng minh chất lượng đào tạo thông qua
công tác Phật sự của họ. (Có thể thực hiện qua phiếu thăm dò)
Giáo
dục Phật giáo muốn phát triển, muốn đào tạo ra đội ngũ nhân sự có chất cho Giáo
hội không có cách nào khác hơn là quy hoạch lại hệ thống giáo dục, thiết kế lại
ngôi nhà giáo dục của mình.
Trước
hết, hãy để cho các Học viện tự chủ đào tạo theo quy định của mô hình nhập thế,
phù hợp với tiêu chuẩn của bộ giáo dục và xa hơn là tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ
hai, quy hoạch lại các trường trung cấp, cao đẳng để phân thành 3 cụm ở 3 miền
dưới sự hỗ trợ của 3 Học viện. Xây dựng lại cơ sở trường lớp theo tiêu chuẩn sĩ
số học viên, chương trình học đào tạo thống nhất và đội ngũ giảng viên có tâm
huyết. Nếu không làm được việc này thì dù những viên gạch, đá có tốt cũng khó
lòng đóng góp tạo nên ngôi nhà khang trang vững chắc.
Theo
truyền thống tâm linh Phật giáo, mỗi Học việc sẽ là một tăng đoàn vừa học vừa
tu như thời đức Phật, nghĩa là bắt buộc nội trú. Mô hình nội điển cũng bắt buộc
tương tự. Thay vì cho phép tỉnh nào cũng được mở trường nhưng không đủ tiêu
chuẩn, thì ngành giáo dục nên tập trung về những trường đủ tiêu chuẩn để tạo
những tăng đoàn vững mạnh (mỗi trường là một tăng đoàn). Hãy vì tương lai của
Phật giáo mà hy sinh cái lợi lộc trước mắt. Chỉ có môi trường nội trú vừa học
vừa hành trực tiếp giữa thầy và trò thì mới hy vọng tương lai Phật giáo xán
lạn. Đây là mô hình đức Phật đã làm và trong thời bình việc này không quá khó
để thực hiện. Rất mong Giáo hội thực hiện chương trình này!
Một
ngành liên quan đến giáo dục, theo người viết là nên trực thuộc ban giáo dục,
là Viện nghiên cứu. Hiện nay, Viện nghiên cứu là một ban độc lập trong mười ban
ngành.
Viện
nghiên cứu là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp giáo dục Phật giáo vì đây
là trung tâm xuất bản các công trình nghiên cứu, dịch thuật, cung cấp các
chương trình nghiên cứu hỗ trợ cho công việc đào tạo các cấp, nhất là đại học.
Mỗi năm, Viện phải xuất bản ra số ấn phẩm nhất định theo số nhân sự và học giả
hợp tác. Đặc biệt, trong khi chương trình sách giáo khoa Phật học chưa có thì
chính Viện nghiên cứu là nơi thích hợp nhất làm công tác này. Viện nghiên cứu
phối hợp với các trường Phật học để thu thập những giáo án có giá trị, sau đó
biên soạn, xuất bản thành sách giáo khoa Phật học cho các cấp. Với đội ngũ hiện
nay của viện, việc biên soạn sách giáo khoa Phật học là không quá khó và có thể
thực hiện trong thời gian ngắn. Đây là cơ hội cho viện đóng góp công sức mình
cho sự nghiệp giáo dục. Ngoài ra, danh tiếng của viện sẽ được nâng cao nếu tạp
chí nghiên cứu Phật học của viện có chất lượng và có giá trị ứng dụng trong xã
hội.
Những
ý thảo luận vừa nêu là quan điểm cá nhân của người viết. Kính xin được đóng góp
và rất mong nhân sự trao đổi từ hội thảo.
Discussion about this post