NGHIỆP KHÔNG NGỦ QUÊN BAO GIỜ
Thứ hai, ngày 2/5/2011
Nguồn: www.drukpa.org
Chắc
hẳn các bạn đều biết, có rất nhiều loại nghiệp khác nhau. Vậy đúng ra nghiệp là
gì? Nghiệp thực chất chính là “hành động”. Và đương nhiên có vô số hành động
chúng ta thực hiện qua thân, khẩu, ý. Những hành động tích cực sẽ đem lại
những kết quả tốt đẹp, còn những hành động tiêu cực thì sẽ để lại những hậu quả
tồi tệ. Không chỉ là những hành động của thân mà bao gồm cả lời nói
và ý nghĩ.
Nhưng
có một điều chắc chắn là nghiệp không ngủ quên bao giờ, chừng nào
luân hồi chưa diệt tận chừng đó chẳng bao giờ có ngày nghỉ “Quốc Tế
Lao Động” của nghiệp. Mỗi khi nghĩ tới nghiệp và luân hồi, mọi người
thường luôn nghĩ đến nghiệp bất thiện. Tôi không cho rằng như thế là
công bằng và thỏa đáng. Luân hồi và niết bàn, khổ đau với hạnh
phúc, phiền não và hỷ lạc đều mang tính tương đối. Nếu không có sa
bà hay những khổ đau chúng ta đang trải qua thì ta làm sao biết nhớ
tới vô thường, xả ly, vô chấp mà chính tất cả những sự thật này
lại giúp ta tiến bước trên con đường đạo.
Để tiến
bước nhanh chóng và thuận lợi trên con đường tu tập tâm linh, chúng ta cần
tới sự trợ duyên của hai thứ – công đức và trí tuệ -, cũng như hai cánh của một
con chim, nếu thiếu đi một thì sự tinh tấn của chúng ta sẽ trở nên lệch lạc.
Chúng ta cần tích lũy công đức và trí tuệ với tấm lòng nhiệt thành và tinh
tiến trong an vui. Công đức nếu thiếu đi trí tuệ, hoặc trí tuệ mà không có
công đức thì sẽ chẳng mang lại ích lợi gì.
Hãy
lấy thí dụ một người bị bệnh, nếu như muốn được khỏi bệnh, người này cần phải
có đủ công đức và trí tuệ. Nếu như thiếu đi một trong hai thứ công đức hoặc trí
tuệ thì kết quả là người bệnh sẽ không thể có được phương thuốc cần thiết hay
không thể tìm được vị thầy thuốc chân chính để chữa bệnh cho anh ta, hoặc anh
ta có thể vào nhầm bệnh viện, gặp phải vị thầy thuốc không thích hợp và hiểu
sai về đơn thuốc do bác sĩ kê cho.
Trong
trường hợp của sự thực hành tâm linh, một người nếu như không gặp được bậc thầy
chân chính, thiếu sự hiểu biết để phân biệt được đâu là giáo pháp chân chính
còn đâu không phải, thì cũng có thể coi như người này đã thiếu đi trí tuệ và
công đức. Cho dù có gặp được bậc thầy chân chính, đón nhận được giáo pháp chân
chính và tham gia vào một chúng hội những hành giả tu tập chân chính, nếu như
không biết trân trọng những thuận duyên này, thay vào đó lại bắt đầu sa đà vào
những cuộc chỉ trích, than vãn và tán gẫu vô bổ thì cũng coi như thiếu công đức
và trí tuệ.
Chúng
ta vẫn thường nói rằng khổ đau của chúng ta cũng như mọi thảm họa, mọi nghịch
cảnh, thiên tai, chiến tranh, thất bại và bệnh tật, tất cả những gì đang xảy ra
trên thế giới của chúng ta ngày nay đều là sự cộng hưởng của rất nhiều kết quả
do bởi sự thiếu kém công đức và trí tuệ. Chính vì vậy nên việc thực hành miên
mật và đầy thiện xảo nhằm tịnh hóa là vô cùng quan trọng và khẩn thiết. Sự tịnh
hóa theo nghĩa tẩy trừ mọi tội lỗi và chướng ngại đã tích tụ từ vô thủy cho tới
nay, giờ này đang xuất hiện dưới hình tướng những nghiệp quả đang chín mùi. Tất
nhiên, bên cạnh việc thực hành tâm linh, tất cả chúng ta đều cần tích cực nỗ
lực ngăn chặn mọi bất thiện nghiệp, sám hối hết thảy bất thiện nghiệp do chúng
ta tạo ra bởi thân, khẩu, ý và phát nguyện không bao giờ tái phạm những lỗi lầm
đó nữa. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tích cực tham gia vào mọi hoạt động thực tế
để cứu trợ mọi chúng sinh, bất cứ khi nào chúng ta có điều kiện. Điều này cần
phải được thực hành chứ không thể nói xuông.
Từ
vài năm trước, tôi đã cố gắng để ý rất nhiều nơi và tìm kiếm một mảnh đất nhỏ
tại một thánh địa, nơi những ân phúc gia trì vẫn còn nguyên vẹn chưa hề bị ảnh
hưởng bởi những hoàn cảnh xấu, để có thể xây dựng nên tòa Kim Luân Chân Ngôn Trăm
Âm. Với rất nhiều những thiên tai, chiến tranh và những tai nạn đau lòng đang
diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta, tôi nghĩ có thể xây dựng nên một chuyển
chú như vậy càng sớm bao nhiêu thì sẽ càng lợi lạc bấy nhiêu.
Thật
trùng hợp làm sao, khi ý nghĩ cần nhanh chóng xây dựng thôi thúc tâm trí tôi,
thì cùng lúc tuần vừa rồi, có người đã phát tâm cúng dường một mảnh đất đủ
lớn để xây tòa Kim Luân, và mảnh đất này lại nằm đúng ở chân Tháp
Swayambhunath, dọc theo con đường vi nhiễu bảo tháp. Tôi thực sự vô cùng hoan
hỷ, vì sự việc này khiến tôi càng cảm thấy tự tin và khích lệ hơn, rằng dù sao
nghiệp của chúng ta cũng không phải quá tồi tệ và tiêu cực, và chúng ta
vẫn còn có cơ hội. Việc duy nhất còn lại bây giờ là cùng chung sức để thực hiện
tâm nguyện này. Trong tương lai, khi dự án này hoàn thành, chúng ta sẽ luôn có
các pháp hội thường niên để cùng nhau tu tập, trì tụng chân ngôn và tịnh hóa hết
thảy bất thiện nghiệp, dù là biệt nghiệp hay cộng nghiệp.
Trong
rất nhiều kinh điển đều dạy rằng nếu một câu chân ngôn có thể được trì cùng
với một kim luân chứa đựng nhiều chân ngôn trong đó, thì kết quả sẽ được
nhân lên với số lượng chân ngôn được chứa trong kim luân đó. Tòa kim luân của
chúng ta sẽ chứa một tỷ chân ngôn Kim Cương Tát Đỏa Trăm Âm. Mỗi vòng quay
sẽ có kết quả như một tỷ lần trì chú Trăm Âm. Điều này thực sự sẽ là một thành
tựu lớn lao đối với vô số người trong chúng ta. Ai nấy đều biết để trì đủ
100,000 lần chú Trăm Âm sẽ mất thời gian như thế nào, bất cứ hành giả nào thực
hành Ngondro đều hiểu rõ điều này.
Có
vô số cách để tích lũy công đức và trí tuệ. Một trong những phương tiện thiện
xảo là dùng sự tịnh hóa. Không cần phải giải thích dài dòng, ai nấy đều biết
chúng ta có nhiều thứ cần tịnh hóa, vì chúng ta đều không biết trong vô số đời
trước chúng ta đã tích lũy những gì. Có lẽ chúng ta đã tích lũy cả những nghiệp
tốt và nghiệp xấu. Và chẳng ai trong số chúng ta muốn gặp chướng ngại và đều
mong muốn hạnh phúc, vậy thì tại sao chúng ta lại không nhanh chóng tịnh hóa
hết bất thiện nghiệp? Có thể nói Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa là Đức Phật
giúp tịnh hóa tội nghiệp. Ngài đã phát nguyện rằng dù chỉ còn sót lại một
bất thiện nghiệp của chúng sinh chưa được tiêu trừ thì Ngài cũng sẽ không nhập
Niết bàn. Như vậy nghĩa là lời nguyện hộ trì chúng sinh tịnh hóa bất thiện
nghiệp của Ngài mạnh mẽ tới mức nếu trì tụng chân ngôn của Ngài, chúng ta sẽ
được tịnh hóa trên mọi bình diện.
Drukpa
Asia đã chuẩn bị một trang web đưa tin rõ ràng về dự án này (www.vajrawheel.org). Vì vậy tôi cũng không cần
phải nhắc lại ở đây. Cho dù nghiệp không bao giờ ngừng nghỉ song ít nhất những
bất thiện nghiệp của chúng ta có thể được tịnh hóa nhờ vào Kim Luân Kim Cương
Tát Đỏa, mỗi vòng quay lại tỏa ra những nguồn năng lượng của ân phúc gia trì
lan tỏa tới toàn thế giới và rộng ra cả vũ trụ. Lần tới đây, tôi sẽ chia sẻ
thêm về pháp thực hành tịnh hóa cũng như về công dụng của việc trì tụng chân
ngôn Trăm Âm.
Discussion about this post