Nhụy Nguyên
Tôi đã bước khá xa với không gian thơ ngây ban đầu mà đức Phật luôn bảo hãy quay về. Đứa trẻ tôi từ khi biết hưởng thụ liền đòi hỏi và nắm giữ, là nguyên nhân của tai họa cho chính nó và với người chung quanh. Sự sáng tạo dựng lập ngã chấp đứng trên một ngọn núi để thêm nhiều người nhìn thấy là đỉnh cao thất bại trong hành trình siêu vượt khổ đau. Con người sáng tạo ra thời gian rồi cưỡng chế vô biên vào ao tù của ý thức để vẫy vùng tạo lên những làn sóng tự mãn buồn hiu. Chính thời gian quay trở lại bó chặt quyền năng sáng tạo vốn sẵn tính vô biên, hệ lụy loang qua những lý thuyết tân thời trượt chân bởi lớp rêu trên tuyệt lộ. |
Tôi vẫn mơ về tuổi thơ hơn cả niềm nuối tiếc. Đó như một không gian thiền nguyên sơ trong khiết. Những đứa trẻ ở truồng hân hoan dưới cơn mưa rào, những đứa trẻ nhảy ùm xuống sông làng giữa ánh chiều lấp lóa. Càng lớn, tánh giác nhi nhiên bị nhuốm bởi cái ta cô lập. Đôi lúc nhìn một người phơi hình hài giữa phố, tôi chợt trồi lên ý nghĩ, rằng giá mình trở lại với tuổi thơ để được trần truồng. Có gì đó lù lù nằng nặng gắn nhãn mác sạch sẽ khiến tôi không hòa nổi với thiên nhiên. Lại có lúc thấy một người nhặt rác tươi ngời khuôn mặt trong công việc nhơ nhớp nhọc nhằn, thầm kính phục sao! Càng đi càng lún sâu vào phù phiếm hư huyễn. Tôi đã bước quá xa cái không gian thơ ngây ban đầu mà đức Phật luôn bảo hãy quay về. Bạn tu khuyên tôi thường quán sát chiêm nghiệm đời sống. Và tôi đã linh cảm con đường lội ngược tử sinh. Giả như tôi vươn theo mục tiêu thành một “thiên tai” của nhân loại hay làm chính khách. Tôi không dám nói mình sẽ thành được chính khách, nhưng có một điều dễ hiểu là con đường ấy dẫu qua bao chông gai và đòi hỏi trí lực lớn nhường nào cũng dễ hơn nhiều nhiều hành trình đi ngược, nghĩa là trở về thành những người tầm thường nhất thế gian. Ấy có thể là người quét rác, nhặt ve chai, lượm rác, bán vé số v.v. Hoặc “dễ nhất” là người ăn xin. Khất thực với đúng nghĩa từ hình dáng tơ tướp của áo quần cho đến sự thấy mình thật nhỏ bé lang thang khắp nẻo chợ đường cùng cúi nhận từng miếng cơm cháy và mẩu đồ ăn thừa thẹo. Là quy trình đi ngược đầy thử thách. Càng đi họ sẽ gặp những người tầm thường, và mỗi lần gặp sẽ tự hỏi, vậy ra người này cũng cao hơn mình? Đi một đoạn nữa lại gặp một người kiêu mạn thậm chí chẳng xem Phật pháp ra gì, lại hỏi: Ta lại thấp hơn người này nữa rồi… Cứ vậy, cuộc hành trình ngược sẽ gần đích khi thế gian chẳng còn ai thấp hơn nữa. Bởi người này thấu rõ, mọi chúng sanh đều sống nhờ vào những ý niệm trong từng khoảnh khắc, và không một ý niệm nào ra khỏi đại viên kính trí của đức Phật. Phật chẳng rời một ai trong sát na và trong bất cứ cảnh giới nào. Chính vậy hết thảy chúng sanh đều là con của đức Phật; chỉ riêng ta là học trò của Ngài mà thôi. Ta không phát tâm cung kính hết mực một ai đó, tức người học trò ta đã xem thường vị thầy của mình rồi.
Đôi lần hiếm hoi cúi mặt nghiệm lại, mới hay sự lớn của tôi chính là lớn ngã chấp, lớn mạn nghi, phóng cái nhìn thiên lệch thông qua những khái niệm cứng nhắc và thông qua lăng kính của nghiệp báo mang theo từ muôn kiếp. Giật mình tự hỏi, có bao giờ một người mẹ xem cái sự lau rửa ỉa đái cho con thơ là công việc?, hoàn toàn không. Tôi và bạn lớn lên, cha mẹ lúc về già nằm một chỗ bậy bạ ra giường, con cái đứa này đùn đứa kia; người nhúng tay thì bịt khẩu trang nhăn mặt. Sự lớn của tôi là như vậy. Tôi vẫn thường tưởng lại hình bóng người đàn ông gặp ở khoa Cấp cứu dạo ấy; chỉ ông chăm mẹ, và cái việc đơn thuần lặng lẽ ấy khiến hết thảy y tá điều dưỡng và người thân bệnh nhân nể phục còn với riêng tôi luôn là sự hổ thẹn. Tôi ước sao có thể trở về quãng thời gian tâm hồn trong veo oe oe trên vòng tay mẹ, lúc nằm trong nôi đã thấy bầu trời lặng tờ in dưới một bản tâm trong vắt như thế nào, và quãng thời gian chập chững từng bước đầu tiên tôi liệu có nghĩ mình sẽ đến được vòng tay giang đón của mẹ-bổn-tâm hay không. Đó phải chăng là quãng ngắn tôi ở trong Đạo mà chẳng hay. Rồi cái sự lớn bắt đầu biết ích kỷ, tự lợi, biết ôm vào mình tài danh; tôi không hay mình đang tự nhốt trong lâu đài ảo ảnh lẫy lừng.
Tôi và bạn quá thông minh lọc lỏi trong đời sống, và chúng ta dễ tự thấy điều này khi tiếp cận Phật pháp trong nỗi kiêu mạn sâu thẳm. Chấp ngã, chấp pháp, chấp vào chút tri kiến “cao siêu”; “kiêu sao” khi tôi phóng ánh nhìn về những phận đời chưa may mắn hơn mình trong kiếp này trong khi hoàn toàn mù tịt về cảnh giới của vô lượng Bồ tát hóa hiện giữa nhân gian làm những “người dại”. Nếu tôi là người dại, hẳn là đứa con cưng của nguyện lực cứu độ. Ân sư dạy: Ở mười pháp giới phải dùng lực tu hành, còn theo hướng nhất chân cần nhất buông vạn sự xuống để tự trôi theo nguyện vô công dụng hạnh mà cập bờ giác. Cuộc đời trôi như chiếc bóng, cái được mất tưởng của ta song xét cho cùng đều nằm giữa mênh mông biển người. Vẫn biết cuộc đời luôn biến hoại theo tạo hóa nào đâu dễ cưỡng. Vẫn biết con người mỗi bước đi là gần hơn với hố thẳm. Vẫn biết cuộc đời vô thường như chiếc lá, từ lúc nhú mầm là như chích vết đau vào hư không. Nhưng mấy ai chẳng nuối tiếc cuộc vui này mà bình an buông xuống lụy phiền nhân thế. Vẫn trộm nghĩ người tu cầu về cõi thanh cao thuần thiện, sự cầu đó dễ thành ảo vọng nếu không thực buông thư ta bà, chưa sẵn sàng chết đi để sanh về, nghĩa là vẫn ngồi đó nghĩ mình thông minh tỉnh táo với con thuyền chở nặng nghiệp lực nên toan tính đủ điều bao bọc hư vinh. Lạc thú là rễ độc cột ta như gông cùm, tôi và bạn lại không chịu tháo gỡ. Giá tôi nhận ra được sự nguy hiểm trên đường giải thoát khi ghiền một món dục lạc; âu cũng là đang giác. Ra khỏi rễ độc này, ngoài nỗ lực bản thân đương nhiên ta luôn cầu sự gia trì – thầy tôi nói đó mới không xem thường năng lực của chư Phật. Nhưng điều đáng thẹn tận đáy lòng là chúng ta vẫn với tâm bám luyến tình trần, vẫn từng đưa chút bẻo công phu nhỏ mọn biện hộ cho một vài việc dán nhãn Phật sự; khiến đạo giải thoát rớt xuống tầng của một dạng tôn giáo cao cấp, như lời của bạn tu từng nhắc nhở tôi bao lần.
Tôi tưởng đến những đứa trẻ trong veo nụ cười và ánh nhìn, vắng cha mẹ chăng nữa cũng không thiếu sự chở che. Lớn lên nếm được mùi vị của ái dục chúng ta tìm cách bứt khỏi vòng tay từ mẫu, còn đưa tiêu chí tự do chê cái sự quê mùa của đấng sinh thành vẫn thầm lặng dõi theo con đến cuối đời. Bước trên đạo lộ mới hay học làm người thông tuy khó song có đích; học làm người dại quá khó. Quá khó! Tôi cũng từng sanh được chút tâm tàm quý học cho ra thằng Bờm, được một thời gian thấy mình lạ lạ với cái mác “tôi là người ngu đây!” Bi hài. Dại chẳng phải học mới có, nó chỉ lộ diện nhờ buông chấp cái có. Cố dại khờ cũng là mặt nạ của tinh ranh. Dại khờ là trở về cái-không-có-ta ngoài bản giác, trong lúc cái có thì đã huân tập qua vô số kiếp luân hồi. Lời ân sư tôi thống thiết: “Người khờ có phước khờ”; “người quá thông minh nhất định hại đời của mình, nó là thông minh giả; người thông minh thực sự đều khờ khạo, kẻ đại trí như người ngu si”. Không hiểu sao tôi luôn nhớ về “người điên” ấy. Bởi tôi thấy họ suốt nắng táp mưa sa vẫn nương ngồi chỗ ấy không nóng lạnh, không đói rét rên van. Đồ ăn “tự có” chủ yếu là thứ thiu thừa, ông tự nhen nấu bằng túi ni lông và chai nhựa, hoặc bươi móc ở hố rác kiếm miếng ăn; khiến tôi chợt nghĩ, giả như người này một ngày bỗng dưng tỉnh lại, hẳn sẽ chết vì những cơn bệnh hiểm nghèo nhất. Mỗi lần ngang qua con đường nhìn ông tôi vẫn thầm thẹn. Cái “điên” của họ chẳng thông minh nào bì kịp. Lại vang vang câu hát “người điên không biết nhớ và người say không biết buồn”. Nghiêng mình trước sự ngây dại của họ trong một “cảnh giới” mà tôi hoàn toàn mù mịt. Họ ở đó nhắc nhở riêng tôi điều gì?
Vô thường sẽ tước đi mọi giá trị chúng ta muốn thiết lập, nắm giữ. Nhưng Đạo vốn trong lành. Tuổi thơ chúng ta vẫn được lưu giữ trong sự thuần khiết vô biên của tánh giác. Đức Phật luôn dạy, tôi và bạn vốn không hai, hơn thế tôi còn đồng thể tánh với mọi chúng sanh. Do sự thiên lệch ánh nhìn hẹp hòi của nghiệp quả mà tôi tự khuôn mình lại, khiến sự vật hiện tượng và chúng sanh méo mó, trong lúc pháp pháp vốn bình đẳng với toàn thể và bình đẳng với riêng nó trong biển thanh tịnh Phật độ. Vạn pháp đều ý nghĩa. Không pháp nào thừa trên thế gian này cả. Bất cứ pháp nào cũng hữu dụng với đối tượng của nó mà ta là một đối tượng trong vạn pháp.
Sự chấp trước cái vừa ý, vừa với nghiệp mình khiến bạn và tôi không vén lộ được tánh giác, khiến ta không bao dung nổi nghịch cảnh do đó không có cơ hội thức tỉnh đối phương. Nhiều bậc vào tu khinh tục chấp có (pháp), học thêm biết pháp huyễn nên dần chấp không; sau được thiện tri thức khai thị dẫn dắt thì chấp vào trung đạo. Bỗng trộm nghĩ, lời kinh vẫn đúng với mọi người đang tu, song do ta chấp vào đó nên pháp trở nên đông cứng, chướng ngại sự thăng tiến. Nhiều bậc trí thức, triết gia khoa học họ vẫn nghĩ có một cái ta, và ta nhìn ra thế giới. Họ nghiêm trang đứng đó diễn giải về thế giới, lại không biết trong họ cũng chính là thế giới; cái thế giới bên ngoài vốn do tâm chấp trước biến hiện, như trong mơ tâm ta hiện mọi cảnh rồi dự phần với những cảm xúc thật sự. Tâm phàm xung đột triền miên. Tâm bạn và tôi luôn là chiến trường của sự xung động với cái nhìn méo lệch về thế giới bên ngoài. Lúc nghe một bản nhạc, cái tự biết vui hiển hiện, ta thấy thì nó như vậy mà hồn nhiên sống. Bởi có cái ngã bảo “ta thích bản nhạc này” nên đã tự hạn chế. Mỗi lúc buồn khổ sân si, ngã chấp lại đứng lên xưng danh rồi tạo thế đối cực; là đầu mối của chiến tranh nội tâm, gút thắt của luân hồi. Nếu cái tự biết vui rồi ta để yên vậy đừng thò ý thức chỉnh sửa thì nó sẵn sự hoàn hảo cả bên ngoài lẫn bên trong, là sự tương giao giữa bên ngoài và bên trong nhờ không có bức tường của ngã. Buồn tham sân đến, nó cũng “đẹp” như nhiên, làm được vậy tôi đâu vướng vào bẫy ma do chính mình dựng lên. Thấy vui ta cứ “a” lên. A, cái tâm nó đang vui; a cái tâm buồn. A, nó giận. Nó đau vì nhớ. A, nó đang sân, nó đang ghét cái gã vừa lội qua trí nhớ; nó còn tức lây người trước mặt, nó đòi đánh người ta nữa kìa… Hạnh phúc thay nếu bạn và tôi xem tâm như đứa trẻ với đôi mắt và tâm hồn trong veo, ta thủ thỉ chơi với nó và không buộc nó chơi thứ ta thích. Bạn tu bảo tôi cứ “a” lên vậy trong sự soi chiếu quán sát tâm suốt cả ngày, dần dà mọi thứ sẽ nhạt, cái ngã ta dần rút khỏi cái tự biết để trở về thơ ngây. Tham sân lúc này khởi khá “tự nhiên”, là chúng đang vào căn nhà trống vô chủ, nhàm chán và bỏ đi. Có sinh sẽ có diệt. Con muỗi nó đốt lúc ta thiền, cái tự biết ngứa báo ở dây thần kinh tác động lên não, ta biết vậy thôi chưa đủ sao?; cái ngứa nó tự sinh, đã sinh ắt tự/có diệt, và ta để yên cho sự hiện khởi ấy ngây dại như bản nhiên của nó. Lúc tan rồi ta sẽ thấy tuyệt diệu như chưa từng có một sự ngứa tại điểm ấy, như một giấc mơ. Sống với thực tại sáng suốt, bước khỏi nhà, ta liền cảm giác quãng “thời gian” mình vừa ở trong ngôi nhà với những sinh hoạt thường tình kia như thật một giấc mơ, như thật ảo ảnh, và ta không hề dính dáng gì đến không gian ảo đã vèo trôi theo vô thường ấy. Chỉ thực tại sinh động với những âm thanh lạ, với những cảnh sắc lạ hiện khởi nơi thân tâm tươi mới; ta hòa vào nó trong an nhiên để thấy sự vắng lặng luôn có mặt giữa nhốn nháo. Bạn tu của tôi (cũng là của tất cả) chuyên niệm một câu kinh. Tâm niệm suốt ngày đêm, cũng xem như suốt ngày đêm sống với thực tại là câu kinh đó. Bạn buông xả thế sự, buông xả quá vãng và tương lai, buông xả luôn cả hiện tại ảo. Bạn chỉ an trú trong một câu kinh và lấy đó làm thực tại duy nhất.
Muốn mình “lớn lên”, là chướng. Nhớ hồi còn mê ảo, tôi có xem bộ phim về chiếc phi cơ hộ tống những phạm nhân ở Mỹ. Giữa chặng bọn tội phạm khống chế được các đặc vụ hạ cánh trước khi viện quân chính phủ kịp đến. Trong lúc chúng đang tìm cách biến mất thì tên tội phạm khét tiếng đặc biệt nghiêm trọng từng bước ung dung đến với một đứa trẻ gần đó chung chơi nghịch cát. Sự ngây thơ của trẻ đã cuốn hút tên tội phạm giết người hàng loạt trở về tánh thuần khiết vốn sẵn nơi hắn. Tên ác ôn dẫu trong cơn khát máu lẽ dĩ nhiên cũng không thể đánh một vị sư thuần tịnh quanh năm suốt tháng vô cầu ngồi đó như một nghịch lý giữa ồn ào danh lợi. Tự hỏi sao ai cũng thích chơi với một đứa trẻ o oe trong nôi cho đến chập chững. Bởi đó là quãng thời gian mà nó chưa hiển lộ sự tham sân si mê cảnh trần. Lúc nó biết hưởng thụ liền đòi hỏi và nắm giữ, là nguyên nhân của mọi tai họa cho chính nó và đối với người chung quanh. Lớn thêm có tài danh; tài danh sinh ngã mạn và kho tri kiến tưởng là của mình sẽ “giúp” nó hoài nghi cả lời dạy thánh hiền. Sự sáng tạo dựng lập ngã chấp đứng trên một ngọn núi để thêm nhiều người nhìn thấy là đỉnh cao thất bại trong hành trình siêu vượt khổ đau. Một người lớn mà ai cũng thích chơi thích gần gũi, là họ đã tẩy uế tham sân si mạn trở về nguyên sơ. Một người thuần đạo, sống trong đạo, bản thân họ chính là thực-tại-đạo đồng với cỏ hoa. Sâu xa bên trong, chính nhờ họ chỉ nghĩ đến tha nhân mà không còn cái ta ngã. Họ ngồi đó với cái thân huyễn sống động cũng đầy đủ một bầu trời an lạc thiện hưởng đến mọi người.
Lý nhất chân trong Hoa Tạng thế giới là biển Bi Trí không bờ. Biển không bờ mới dung chứa mọi con sông. Tôi và bạn luôn tự thấy mình là sông nên không chịu hòa vào biển cả. Chúng ta bắt đầu lớn lên khi biết huân tập cái có. Mỗi người với cái có riêng khác. Chục người cùng nếm đường, ai cũng gật đầu ngọt, song mỗi người lưu một vị ngọt hoàn toàn riêng theo nghiệp, chưa nói họ bị chi phối bởi những cảnh ảo hiện lên trong tâm thức lúc vị đường chạm đầu lưỡi. Tôi không nhập được vào bạn để thấy bạn cảm nhận vị ngọt của đường khác tôi như thế nào mà thôi. Sự nhầm từ vô thủy trong lục đạo này khiến tôi và bạn luôn thấy được cái giống ảo của một phần tỉ của sự khác biệt. Nhưng học lý nhất chân ta lại thấy sự nghịch lý, rằng ngoại trừ một phần tỉ cái giống ảo ấy, phần còn lại là cái không biết hay tạm gọi cái biết của tánh giác bổn nhiên.
Tôi vẫn thường suy tư từ những điều nghe ra đơn giản nhất: Tại sao Phật dạy giúp người tức giúp mình; bố thí tiền được giàu, bố thí trí tuệ được thông minh, bố thí vô úy được thọ mạng. (Dĩ nhiên nếu chưa hành được pháp ba la mật hưởng vô lậu cứu cánh, trước hết cũng tập bố thí trong sự không chấp tướng). Học kinh Hoa Nghiêm mới chợt hiểu, sở dĩ bạn phóng sanh, giúp người bớt khổ liền tăng phước, chính bởi họ cũng là bạn là tôi, họ như một phần thân tâm của ta. Rõ ràng có một sự nối kết giữa bạn và tôi và vạn vật nên lúc bạn khởi niệm thương/giúp “cái ngoài ta” là chính giúp ta! Nếu không có sự tương liên “máu thịt” này giữa muôn pháp, thiện nghiệp của bạn giúp tôi chỉ là sự trao đổi ân oán nợ nần mắc mớ kéo nhau luân hồi. Ân sư dạy, chúng ta đồng thể bất khả tư nghì. Cái tư nghì vốn không nằm trong thể tánh mà do ta chấp/nắm (cái có nhỏ mọn) mà thành. Một khi cái tự biết biết cái biết là hư huyễn, hành giả có cơ hội buông mình vào cái bất khả tư nghì. Tôi và bạn lại quá tinh ranh, chúng ta luôn thấy thông minh hơn Phật trong việc tự sắp đặt vận mạng, rồi không chừng theo lề thói thâm căn này đến lúc hấp hối dễ gỡ luôn bàn tay cứu độ của Phật lao vào những cảnh giới tối tăm.
Thầy tôi không dạy tôi lớn lên, mà dạy trở về ngây thơ như là một nghịch lý. Có lần thầy kể gặp bà lão ngoài tám mươi trong một quán chay ngồi chung bàn. Ở nhà, bà thường nấu cơm mặn cho con cháu, xong xuôi úp lại rồi ra quán ăn chay. Hỏi, bà thưa “ở nhà chuyên niệm, không dùng chuông mõ, sợ ồn…”. Tôi vẫn ngỡ thầy kể ngẫu nhiên, nên bảo “đúng, chuông mõ rất cần; chỉ ngại lỡ nghiện âm thanh này đến lúc lâm chung không có dễ mất chánh niệm”. Thầy im lặng rất lâu. Tôi ngu đần không hiểu nghĩa của hai từ im lặng; bởi tôi hay khua chuông đánh trống về cái sự tu của mình. Hồi còn chuyên học triết Tây tôi vô cùng hãnh diện; đến lúc học Phật cái ngã ấy được chuyển đổi chứ chưa giảm nhẹ bao nhiêu. Vẫn biết nó là lâu đài ảo khoác lên một cái nhà tù ảo, tôi vẫn không muốn ra. Hiểu ở mặt tâm thức tương đối đơn giản vậy, chạm được thật khó. Có lẽ như lời bạn tu, là phải đợi khoa học sáng chế ra loại máy khiến mọi ý niệm khởi sinh từ mỗi người đều được khuếch đại thành nội dung hiện trên màn hình công cộng; đến lúc này những con người quen hưởng thụ kiến thức và dùng đó khuếch trương cái ngã sẽ tự biết xếp chỗ đứng cho mình trong sự tiến hóa theo chiều thẳng đứng lên hư không. Tôi nhiều lúc nổi khùng bởi cái ngã quá ranh mãnh, đến nước mong sao nó hiện tướng để xuất một chiêu độc địa. Lại ảo tưởng.
Càng tinh ranh chúng ta càng bị cái ảo đánh lừa. Tôi và bạn không thật buông mình, vẫn nghĩ trong bóng tối có thể che ánh quang minh. Tôi mơ mòng một cuộc sống mà mọi ngõ ngách trong ngôi nhà đều được gắn camera, mọi ngõ ngách trong tâm phàm của mình đều được soi chiếu bởi Phật pháp. Mà thực tế có giây phút nào chư Phật không để mắt đến chúng sanh, có ý niệm nào của tôi khởi lên Phật không biết. Phật còn biết với tâm đó, với năng lực gia trì mà tôi vẫn không chịu nỗ lực gỡ nghiệp, tôi sẽ còn qua nhiều nẻo vòng vèo gai góc hầm hố. Thực tế thì tôi và bạn không thể ra ngoài nguyện lực cứu độ của các Ngài. Chỉ có điều chúng ta luôn khôn ranh dấn vào con đường đầy gai góc, để rồi loay hoay tìm pháp tu, mà thời gian thì quá ngắn cho một cuộc đời có thể cơ bản xong việc tử sinh. Con người sáng tạo ra thời gian là cách cưỡng chế vô biên vào ao tù của ý thức để vẫy vùng tạo lên những làn sóng tự mãn buồn hiu. Chính thời gian quay trở lại bó chặt quyền năng sáng tạo vốn sẵn tính vô biên, hệ lụy đẩy những lý thuyết tân thời trượt chân bởi lớp rêu phủ trên tuyệt lộ.
Hẳn người ta sẽ cười mỉa cái triết ý rằng thân tâm của tôi đây không phải là tôi; họ sẽ bị sốc kiểu như một cơn đột quỵ khi mơ hồ cảm nhận về một cái ảo ta lướt trên trần gian trong cơn mê vong bản cội nguồn. Bạn tu khuyên nên để cho tánh giác làm việc thay trí khôn. Bởi tánh giác mới chính là “ta”, còn sự tinh ranh của ý thức chỉ khiến cho hình hài chúng ta lướt càng nhanh về phía cơn lốc luân hồi. Tôi chợt hiểu, bởi rất nhiều lần mình viết cái gì, hễ “động não” thì có mấy dòng cũng chần chừ viết không ra, nhưng có lúc tự dưng ở đâu tuôn ra khiến tôi chỉ nghe rào rào của bàn phím chứ dường như không có ai ngồi viết ở đó, nó đạp đổ hàng rào của trí óc suy tính; có lẽ tôi ăn may hiển lộ tánh giác trong một thời khắc. Làm sao để mãi sử dụng tánh giác? Tôi hỏi bạn tu và thấy một nụ cười hiền. Ân sư dạy: “Có tám vạn bốn ngàn pháp tu thiền. Thiền là gì? Là ngoài không chấp tướng, trong chẳng động tâm. Người thật sự có thiền định, chẳng ai biết! Cái gọi là “ngồi xếp bằng thiền định” chính là thiền định sơ cấp, người khác trông thấy sẽ ca ngợi, lễ bái quý vị, nhưng người thật sự tu thiền định chẳng ai có thể nhìn ra”. Ngồi thiền là tu mà hòa vào cuộc sống cũng không ra khỏi cái sự tu. Ngồi thiền cũng tu định mà “thõng tay vào chợ” cũng “tu” cái định thường tại. Hiểu về tánh giác vốn sẵn, tôi lại nhớ đôi lần đang ngủ, chợt mơ mơ màng màng tỉnh, tự đâu rớt xuống cái ý nghĩ bây giờ là 3h30, và như ai khiến, tôi tự bật dậy bấm điện thoại xem, đúng chóc. Nghe lời bạn tôi bắt đầu hiểu về tánh giác trong mỗi người từ lâu bỏ quên. Nhưng phải bắt đầu từ đâu? Thầy tôi bảo, con hãy buông xuống mọi tính toán, cơ bản là không suy nghĩ không suy tính. Người tu có cơm ăn đạm bạc là hạnh phúc lắm rồi, đòi gì nữa mà không buông xuống thân tâm thế giới.
Tôi và bạn luôn nhận tâm suy nghĩ làm mình nên sản phẩm có lúc hay hay tưởng ghê gớm, không biết đó rốt cùng vẫn là trò chơi của tâm thức. (Tôi liên tưởng đến trò chơi số đề “dành cho” những người đã lao lực mà ngày nào cũng nướng vào đó, lâu lâu trúng chút thì quây lại nhậu nhẹt, họ không nghĩ cuộc chơi này có bàn tay của ma). Chúng ta luôn bị tâm suy nghĩ lôi kéo, ngay cả khi bạn và tôi nghĩ những điều thánh thiện. Bạn tôi bảo khi trên nẻo trở về với chân tâm, mọi suy nghĩ đều vọng nên hãy tạm biệt chúng. Song, chúng ta thường bị chúng kéo đi rong chơi ta bà bởi thiếu nền tảng của giới. Không tu giới, nhất là giới tâm, bạn và tôi không có định dẫu là định mong manh; không có chút định ấy chúng ta không cơ hội bòn mót tuệ giác để chiếu soi mọi tướng trần hư vọng, nên sanh chấp. Chấp ít khổ ít, chấp nhiều khổ nhiều. Chấp lớn hơn là những sở đắc, mà hễ sở đắc là có tướng, cái tướng đắc này vốn cũng hư giả, nên chúng ta đang rơi vào một cơn mộng khác. Có lần ngồi ở quán cà phê, chợt mùi chanh dây tỏa từ quầy chế biến, tôi thốt lên ôi chanh dây, rồi tâm trong một phần mấy giây hiện ngay dữ liệu về người bạn gái rất thích thức uống này; bạn tu liền thì phá tan cái sự chấp đó bằng câu nói giật mình: Hóa chất người ta cũng tạo ra mùi chanh dây và bất cứ mùi gì mà. Tôi chợt hiểu cái sự chấp nó khiến tâm trí mình chật hẹp. Hôm sau tôi thử uống cà phê rang xay không đường, quyết chuyển từ gốc ý niệm; thay vì trước đây cứ lưỡng lự chọn cà phê đường hay cà phê sữa. Không đường. Tôi nâng ly cà phê, tĩnh tại uống một ngụm và giữ lại cảm nhận. Vị đắng lan tỏa. Tôi nghĩ ngay đến món mướp đắng tôi cũng thích. Đắng cũng là vị hấp dẫn mà. Tôi bỗng nhớ lời bạn tu hôm trước và tiếp tục làm ngụm nữa, ngậm rồi nuốt. Điều kỳ diệu bắt đầu. Nói ít ai tin, miệng tôi bắt đầu tứa vị ngọt; vị ngọt nguyên thủy đâu đó trong miệng cứ tứa ra sau mỗi ngụm cà phê rang xay không đường. Tôi yêu thích thức uống này đến sợ mình lại sanh ngã sở về cà phê không đường rất tuyệt tôi đang cảm thọ.
Bỗng nhớ bạn tu, người chuyên trì một câu kinh, cứ như một khắc đánh rơi câu kinh đó liền mất mạng, song cái hay là bạn không mảy may đặt áp lực lên câu kinh. Đến nỗi trong mơ họ cũng niệm được để thoát khỏi ác mộng. Rồi có lần bạn còn kể tôi nghe thấy rành rành một “người” đứng lù lù bên cạnh, thì cứ niệm, vậy là người ấy bỗng dưng biến mất. “Người lạ” cũng kệ mà Phật hiện bên cũng kệ; chỉ việc niệm thôi. Tôi chưa thấy bạn tu động môi mép niệm câu kinh bao giờ. Bạn bảo hãy đưa một câu kinh vào sâu trong tâm, giao cho nó toàn quyền phát khởi. Và đừng giao cho câu kinh một nhiệm vụ nào cả. Đến một lúc câu kinh duy nhất trở thành thực tại duy nhất, đến lúc câu kinh làm chủ hoàn toàn thân mạng ta, ngoài ra không có ai làm chủ nó cả. Câu kinh nhuần nhị như tiếng ù u của gió; ở mức này không thể niệm ra tiếng vì câu kinh gần như biến mất chữ và nghĩa, nhưng tâm vẫn nghe rõ từng chữ; nó lướt trên mặt phẳng tâm thức song vẫn hiện từng chữ sắc nét như từng cánh hoa nở trên màn hình tinh thể trong suốt.
Tu là bớt chứ không thêm vào. Bớt đi mọi chấp trước và phân biệt để trở về với sự bình đẳng của chân tâm trong sự tương ưng với vạn pháp [vốn bình đẳng]. Thầy tôi bảo phải bớt đến tận cùng. Học pháp học cũng để nhận ra mình phải buông những gì. Bởi chân tánh vốn rỗng rang và chính trong cái rỗng rang đó đầy đủ phước trí. Giáo pháp của đức Phật thiết yếu dạy chúng ta: Biết và Buông. Biết để buông, biết buông. Sau đó thì Biết và Buông nhập làm một. Biết chính là Buông mà Buông cũng chính là Biết. Có những điều đơn giản song không dễ vào. Phật tử hầu như ai cũng biết chúng ta nặng Ái mới luân hồi trong cõi Dục. Bạn tu tâm sự: chúng ta đến Ta bà bằng con thuyền Ái, và cần nương vào con thuyền đó thông qua chánh trí buông/phá tham-chấp để rời cõi Dục. Gốc rễ luân hồi này muốn gỡ khỏi tâm không dễ. Bởi ta Ái nên Thủ. Ban đầu học Phật thấy hay, sau động chạm đến chữ Ái thì tôi bắt đầu rụt tay. Rõ ràng có bàn tay vô hình đang sờ vào lợi dưỡng. Tôi không dám buông con dao sắc của tham chấp (từ tham chấp thế gian đến tham chấp Phật pháp, bởi nằm trong thức (với tâm suy nghĩ và óc phán đoán) thì thứ gì cũng có vị ngọt). Tôi không biết con dao tham-chấp ái dục cùng với sân si mạn, ngũ dục lục trần không hề có cán, mà chỉ toàn lưỡi sắc bén. Tôi sợ bị tước đi trò chơi dao tuổi nhỏ, tôi sợ bị tước những thủ đắc lợi dưỡng. Tôi bắt đầu cảnh giác. Tôi tiếp tục học Phật và song hành tiếp tục bồi đắp dày thêm hàng rào ngũ ấm để che chắn tình chấp. Đó là căn bệnh trầm kha khiến chư Phật nhiều lúc phải đứng rất xa tôi và bạn.
Đồng tu tôi luôn nhắc, đừng sợ cái chết, bởi thực không có ai chết cả, chúng ta chỉ bỏ lại thân giả thôi. Hãy tập sống với tánh giác ngay từ bây giờ để lìa cái huyễn. Hãy quán lúc thân chết, tánh giác của ta sẽ vẫn sáng suốt chuyên trì niệm một câu kinh để nhận được lực gia trì của Phật và Bồ tát mà siêu thăng cõi thuần tịnh. Bạn tu học kinh Hoa Nghiêm khá kỹ, y lý mà khẳng định, nếu ta biết huyễn không chấp cái thân đã mất, nguyện, hẳn sẽ gặp những hiện tướng của các Bồ tát vốn là người quen thân mà ta từng gặp từng sống với họ trong đời mà chẳng hay. Kinh dạy nhục nhãn tâm phàm không nhận ra nhưng các Bồ tát thị hiện quanh ta rất nhiều. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật cũng có lời di huấn: “Khi tôi diệt độ rồi, hiện ra Ứng thân, sanh trong đời mạt pháp kia, hiện ra nhiều hình tướng khác nhau, để độ những người còn trong vòng luân hồi, hoặc làm Sa môn, bạch y Cư sĩ, vua chúa, quan lại, đồng nam, đồng nữ, như thế cho đến người dâm nữ, người quả phụ, người gian dối, trộm cắp, người hàng thịt, buôn bán, để khen ngợi Phật thừa với những đồng sự, khiến cho thân tâm của họ vào được Tam-ma-đề; nhưng rốt ráo không tự bảo rằng tôi thật là Bồ tát, thật là A la hán”. Chân thành và thiết nguyện, chúng ta lâm chung các Ngài cũng sẽ luôn tìm mọi phương tiện cứu độ không ngoại trừ hiện tướng thân trung ấm để “làm bạn” với ta, để từng khắc khuyên ta buông thân huyễn tâm vọng xuống. Con người xét ở mặt đạo không có lỗi gì lớn ngoài cái lỗi nhận nhầm thân huyễn tâm vọng làm mình, nên sống ngày nào tạo nghiệp ngày ấy; trong lúc ai hàng ngày đều ít nhiều vẫn sống với tánh giác và Phật tánh (lại chẳng hay biết), nên cái ta giả vô ơn với cái ta thật. Đây là “nỗi đau” lớn của chúng sanh trong tâm của bậc giác giả; do vậy thức tỉnh chúng sanh nhận lại chân tâm bổn tánh là hạnh nghiệp duy nhất của “quá hiện vị lai chư Phật” trong chín pháp giới. Nếu bạn và tôi không tập xóa biên giới giữa các cõi trong lục đạo, là chấp trước quá sâu nặng kiến giải một đời mà trước hết là chấp nặng biên giới dương gian và âm gian; chúng ta sẽ ghét những người còn ăn mặn, những người chưa tin chánh pháp và dĩ nhiên là lên án đến mức oán thù với kẻ báng pháp môn ta đang tu. Bạn và tôi với cái tâm vừa sân vừa si ấy, giả như được nhìn cảnh tra tấn dã man trong địa ngục, chúng ta sẽ thành ra thế nào bởi những “nỗi oan” ấy tàn khốc gấp vạn lần nhất thiết pháp ta chừng tận mắt chứng kiến? Vạn pháp đều Như. Nhưng, tôi vẫn thường tự nói với mình “ngươi thì biết quái gì!” Tập sự soi chiếu nguồn tâm sẽ dần thấy ra vị thế và ảnh hưởng rộng lớn của con người đối với hư không, trong lúc chúng ta đang tự hạn chế. Dẫu rằng tâm ý hướng thượng trong hành trình trở về không cho phép bản thân xướng danh chân lý trong một thế giới tuyệt đối tương đối và khắc khắc biến hoại vô thường. Dùng cái biết dễ phạm những cấm kỵ nghiêm trọng về giáo huấn. Một khi chưa khai ngộ, nói rất dễ sai. Kẻ tu hèn như tôi dẫu có lúc may rủi nói đúng theo kinh điển thì cũng sai nốt bởi không khế cơ và khế thời đối với người tiếp nhận. Có những nguyên lý vĩnh hằng thông tánh của bậc tổ sư đại đức, nếu tôi mượn dùng đôi khi còn là sự phá pháp. Thế nên chợt nghĩ, bậc thiện tri thức có những điều mầu diệu song chỉ dành đến lúc trò tu đến ngưỡng ấy mới nói được; và còn nhiều mật ngôn một khi nhận ra như một dạng tiểu ngộ sẽ khiến họ cứng họng đến bàng hoàng như dần dà nhận ra những báu vật từ lâu vứt nơi xó bếp song không thể chỉ cho người chưa hề biết bá thí cúng dường. Nhiều người giảng pháp rất thông lý thậm thâm, nhưng đó chưa ra khỏi bẫy rập của tâm ý thức mà ngược lại còn âm thầm ghê rợn tiếp năng lượng cho kiết sử; thầy tôi luôn cảnh tỉnh điều này và bạn tu vẫn thường ngâm nga “này tôi, càng nói càng sai”. Cũng đáng nể những người chọn sự im lặng hay chủ yếu dùng thân giáo, còn trước tác của họ không vượt ngoài lý nhân quả đáng sợ bởi ngay cả người tu thì việc lọt vào ác đạo cũng dễ như bỡn. Huống hồ là tôi, học mót vài ba chữ lại lộng ngôn! Tôi thật không biết cõi giới lồng lộng của bất cứ ai. Những gì lỡ viết là nương vào công hạnh của bạn tu hưởng chút ánh sáng trí tuệ từ thầy. Tôi bỗng thấm thía lời thầy: Con có toan tính kiểu gì đều nằm trong sự tính toán của ma vương. Dẫu sự toan tính của ma cũng nằm trong sự “tính toán” của Phật, song trên đường đạo nếu ta rời thực tại để phóng tâm về một cái đích thì ma đã có thời gian mở giùm ta những lối rẽ. Trừ phi con tập không còn toan tính nữa, hồn nhiên mà trì một câu kinh như đồng tu của con ấy. Còn không, các ngài phải đợi thầy trò mình buông cái đầu xuống; cũng có thể các ngài nhắm mắt đợi ta vòng qua tam ác đạo tắm rửa cho đỡ hôi tanh rồi mới tìm phương tiện đưa lên tòa sen tịnh khiết. Nhưng cho dù con ở trong cảnh giới nào chăng nữa cũng không ra khỏi màn hình tự tánh thường giác “của Phật”, cũng là của chính mỗi ta.
Bỗng khởi một nghi tình: Sao các vị thánh biết được trăm vạn đời tương lai của tôi. Quá khứ là cái tôi đã sống, mọi dữ liệu đều được lưu dữ bằng Tướng trong trời đất, điều này đến khoa học cũng chứng minh được; còn tương lai, tôi đã sống đâu mà ai biết. Bởi si mê, tôi vẫn nghĩ mình chưa sống, thật ra cái tôi này cũng như một nhân vật trong bộ phim đã đóng xong hoàn chỉnh, đã xếp vào kho lưu giữ rồi. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ mình đang sống, đang làm chủ từng giây phút, chỉ đến lúc lời Phật len vào tâm não, tôi lờ mờ hiểu mình là một nhân vật trong bộ phim nghiệp thức do chính mình viết kịch bản từ vô số kiếp quá khứ. Tôi vùng mình, kêu cứu trong màn hình tự tánh Phật, cũng là trong tánh thấy biết của chính mình, nhưng sao mãi tôi vẫn thấy đang sống, đang làm chủ, mà thật ra tất thảy đều vô ngã. Cái ngã của tôi dựng lập trên sự vô ngã thường hằng, cái biết của tôi dựng lập trên cái biết vốn sẵn. Tôi gọi ân sư, gọi thầy, gọi bạn tu mau đưa tôi thoát khỏi màn hình trước lúc bộ phim đi về hồi kết không có hậu.
(Chương VI, bản thảo Lâu đài ảo ảnh)
N.N
Discussion about this post