NGÀY SAU SỎI ĐÁ
Toại Khanh
Lâu nay, và gần đây nhất là ngay tuần này, báo chí Phật giáo trong nước (nhất là trang Giác Ngộ online) đã liên tục đăng tải những bài viết của Tăng ni Phật tử xa gần về hiện tượng cải đạo ở Hàn Quốc và Việt Nam do các tôn giáo khác thực hiện trên những Phật tử.
Người viết bài này là một tu sĩ Phật giáo nên dĩ nhiên cũng không hề muốn một người Phật tử nào bỏ đạo, dù với bất cứ lý do nào. Tôi làm sao có thể yên lòng khi nhận ra chuyện cải đạo kia ngày một lây lan đến mức đáng ngại. Nhưng rồi cũng là dĩ nhiên, khi tôi đã tự hỏi vì sao càng lúc có quá nhiều những người con Phật lại rời Phật để tìm tới những chỗ dựa tinh thần khác. Câu trả lời lập tức có ngay, không qua một giây do dự nào hết.
Một cách khách quan và công tâm nhất, ta phải chấp nhận một thực tế khó nuốt là các đạo tràng tự viện có điều kiện giúp đỡ tinh thần cho Phật tử hình như vẫn chưa làm việc hết công suất. Tôi muốn nói đến những khía cạnh thiện chí, cách thức và trên hết là lý tưởng hoằng đạo. Tăng ni những nơi đó có thực lòng muốn cư sĩ hiểu đạo hay chỉ muốn thiên hạ cúng bái cung đốn cho mình. Đó là về khía cạnh thiện chí. Còn trong trường hợp Tăng ni (hay ban hướng dẫn gì đó) có chủ trương hướng dẫn Phật tử học đạo thì cách thức tiếp cận cư sĩ và phương pháp giới thiệu Phật học có đủ hấp dẫn người ta hay chưa. Xin đừng nghĩ ai cũng ngoan ngoãn như bầy chiên để ta tha hồ chăn dắt. Ai cũng cần được lắng nghe , dù họ đến chùa gặp Tăng ni trước hết là để lắng nghe. Nếu tôi không lầm, thì điều mà Phật tử học được về Phật giáo hầu hết là theo khả năng và sở thích của Tăng ni chứ không phải theo nhu cầu thật sự của chính những người cư sĩ đó. Anh chỉ biết dạy tôi tụng niệm, réo gọi thần thánh, mà chưa bao giờ cho tôi biết những điều căn bản đại khái như tôi là cái gì trên đời này, tôi ỏ đâu tới, sẽ về đâu và ngay bây giờ tôi phải làm gì, sống ra sao.
Nói thiệt, nếu điều tôi học được từ Phật giáo chỉ là những thứ bái sám, van xin, khấn nguyện suông thì mai này ai có cái để tôi thờ lạy, khấn khứa tôi cũng coi là một với Phật giáo. Nghĩa là chuyện cải đạo dễ như trở bàn tay. Lý do là Tăng ni chưa hề dạy tôi cái cốt lõi tinh hoa độc đáo của Phật giáo., vốn chỉ có ở Phật giáo. Xin đừng đợi mất bò mới lo làm chuồng. Đó là một câu nói tuyệt hay của ông bà xưa. Và điều cuối cùng mà cũng là tối quan trọng là lý tưởng hoằng đạo. Ta cứ nghĩ đến số lượng tín đồ mà không quan tâm đến việc giúp họ được khá hơn về tinh thần: Từ bi nhiều hơn, trí tuệ nhiều hơn, sống an lạc hơn, thanh thản và bình tĩnh hơn. Lý tưởng cao nhất của người hoằng đạo là nhắm đến 2 lợi ích của chúng sinh: đời sống hiện tại và cứu cánh Phật đạo. Để thực hiện được lý tưởng đó, người hoằng đạo lẫn kẻ học đạo buộc phải tránh được đôi điều đại kỵ:
– Cứ bị ám ảnh bởi những tỵ hiềm hệ phái, hoặc mặc cảm hoặc tự tôn, Tăng ni cố tránh hướng dẫn Phật tử những điều mình cho là ngoài luồng, tức không thuộc đường lối mình đang theo. Dù đó vẫn là Phật giáo. Chẳng hạn ai cũng cần được hướng dẫn một nếp sống tỉnh thức, năng động thì ta lại khiến họ trở nên mê tín, cả tin. Để giúp đỡ một người đang dốc lòng tìm đạo giải thoát mà chỉ biết bày vẽ chuyện linh thiêng huyền hoặc thì tôi e là đã lộn thuốc. Mai này họ có chạy theo thầy khác thì xin hiểu rằng đó là chuyện tất nhiên. Lời Phật cụ thể rõ ràng, cái gì mơ hồ mộng mị thì e đã là ma đạo. Nếu người Việt không tin nhau thì xin thử đi một vòng các xứ Phật giáo xem người ta đã và đang tu học những gì. Ăn quẩn cối xay thì làm sao khá nổi!
– Lời Phật dạy là cho tất cả chúng sinh, cho nên trước mỗi vấn đề Ngài luôn có nhiều cách trình bày. Đó chính là quyền lợi của người học Phật. Người học Phật phải được học cái mình cần chứ không phải theo sở thích của Tăng ni hướng dẫn. Nếu Tăng ni sở tại xét mình không thể làm được việc đó thì nên có gan mời thỉnh Tăng ni nơi khác tiếp sức. Xin đừng bao giờ biến Phật tử địa phương thành của riêng cho mình., mình bất lực rồi muốn ai cũng là thái giám…
– Tu hành tránh chuyện cực đoan đã đành, đến chuyện hoằng pháp cũng phải vậy mới nên. Phật pháp có cao sâu đến mấy, người giảng dạy có là ai cũng mặc, trong việc hoằng đạo vẫn phải lấy tâm lý của người nghe làm trọng. Làm sao cho người ta hiểu đạo tốt hơn là chỉ khiến người ta thích mình. Nhưng quá chú trọng nội dung giáo lý rồi bắt người nghe phải uống thuốc đắng, hình như cũng không nên. Phải có cái này cái kia.
– Không thể ích kỉ thiển cận. Thầy giáo nào không muốn đông học trò, kẻ bán buôn không ai chán ghét khách hàng, bác sĩ hay luật sư nào lại không muốn nhiều thân chủ, nhưng cái muốn đó được biểu hiện ra sao là điều quan trọng. Phật giáo nhắm đến số người giác ngộ, chứ không phải kẻ a tòng.
– Bản thân người cư sĩ muốn học đạo không thể thơ ngây giao mạng mình cho Tăng ni. Nếu anh chị thấy đời là biển khổ, thấy mình phải giải thoát trầm luân thì xin làm ơn nhớ rằng Tăng ni nào đi nữa cũng chỉ là những người bạn đường trong một thời điểm nào đó. Ta chỉ có một ít thời gian cho cái cơ hội thân người khó được mà lại không lưu ý đến cái gì là minh sư thiện hữu, cứ thấy gần là xáp vô, coi như đi đứt trăm năm. Theo kinh mà nói, cơ hội mang kiếp trùn dế dễ hơn thân người một tỉ lần. Ai cho tôi nói quá lời thì xin xem lại ví dụ con rùa mù mà Đức Phật đã nhắc đến trong kinh. Trên đại dương có một tấm ván nhỏ trôi dạt từ Đông sang Tây và trên tấm ván có một lỗ thủng vừa vặn một cái đầu rùa. Có một con rùa mù dưới đáy biển, trăm năm trồi lên một lần, cơ hội đưa đầu vào đúng cái lỗ thủng trên tấm ván kia còn lớn hơn cơ hội một kẻ phàm phu có được thân người. Lý do ư? Một ngày ta có được bao lần sống bằng tâm người, gồm những từ bi, trí tuệ, kham nhẫn, hành xả…
Tháng rồi có ông hội trưởng một ngôi chùa mới lập, than với tôi là người đi chùa ngày một vắng, dù người Việt trong nước sau này qua Mỹ ngày một đông. Tôi nhớ mình đã trả lời ông hội trưởng sau một phút ngẫm ngợi, nửa đùa nửa thật, mà ông nghe rồi ra chiều thấm thía lắm. Tôi bảo ông hãy thử sửa tên chùa thành Nhị Quan, rồi qua Tàu hay về Việt Nam rước ngay 2 pho tượng Quan Âm với Quan Công thiệt lớn, thiệt đẹp tôn trí trước sân (nhớ kèm theo hai thùng công đức cũng to tương xứng) thì chỉ sau hai năm, càn khôn thay đổi, lúc đó tha hồ xây to cất rộng, tiền bạc chỉ là chuyện nhỏ như kiến. Đó là mô hình chùa Tăng. Nếu mai này muốn xây chùa Ni thì cứ thay tượng Nhị Quan bằng hai pho Thiên Hậu hay Bà Chúa Xứ thì bà con về chật đất. Có điều là khi đó chùa không còn là Phật giáo nữa, vậy thôi.
Tiễn ông hội trưởng đi rồi, tôi còn lại một mình ngó ra sân trước, nhớ mấy cái bill tháng tới rồi chợt se lòng. Trời ạ, hay là tôi cũng phải qua Tàu một chuyến hay sao chứ!
Tôi là đứa dốt, lại viết bài này với nội dung kiểu vậy-đúng là đưa mặt cho chúng đấm! Nhưng im lặng đã quá lâu rồi, giờ nín nữa e mình thêm lỗi với đạo chăng!? Đành coi như một kiểu vị pháp thiêu thân và ngưỡng mong người đọc xa gần một lòng thể tất. Mong lắm vậy thay!
Assam, ngày 8 tháng 9 năm 2011
Toại Khanh cẩn bút
Discussion about this post